Một ngày ở Roma

Roma là thủ đô của nước Ý,nhưng quốc gia Vatican là thánh đô của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ lại nằm gọn trong lãnh địa của Roma. Khi nói đến Roma thì người ta tự nhiên liên tưởng đến Vatican và ngược lại. Vatican là một quốc gia có dân số và diện tích nhỏ nhất trên trái đất nhưng lại là một quốc gia có nhiều ảnh hưởng trên các sinh hoạt quốc tế với trên hai trăm toà đại sứ của các quốc gia trên thế giới. Quốc gia Vatican rộng chừng hơn bốn chục mẫu vuông với dân số vào khoảng 840 người. Giám mục Roma là Đức Thánh Cha đồng thời cũng là quốc trưởng của nước Vatican. Người tín hữu Công Giáo ở bất cứ xó xỉnh nào trên thế` giới cũng đều ao ước một lần kính viếng thánh đô nhưng không phải ai cũng có thễ thực hiện được giấc mơ.

1- Triều kiến Đức Thánh Cha

Khi thời tiết cho phép thì những buổi triều kiến Đức Thánh Cha thường diễn ra bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Tư tại quảng trường Thánh PhêRô. Tôi đã có mặt vào buổi triều yết Đức Thánh Cha vào sáng ngày thứ Tư mùng 2 tháng 10 năm 2013. Thật là may mắn, tôi đã không phải đứng trong đám đông với cả trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Roma để chỉ mong một lần được nhìn Đức Thánh Cha từ xa, một lần được nghe tiếng nói của vị Cha Chung qua máy phóng thanh. Tôi được một nữ tu người Việt Nam thuộc dòng Phan Sinh Đức Mẹ Truyền Giáo hiện làm việc tại Vatican tận tình giúp đỡ và hướng dẫn đến ghế ngồi trên khán đài phiá bên phải của khán đài chính. Một lần coi lễ đăng quang của Đức Thánh Cha trên truyền hình, tôi thấy các vị tổng thống, quốc trưởng của các nước cũng ngồi ngay chỗ này. Hạnh phúc và hãnh diện biết bao. Người nữ tu chừng trên ba mươi tuổi có tên rất dễ thương cũng như sắc vóc và giọng nói ân cần êm dịu của cô thiếu nữ miền sông nước An Giang. Chị tên là Bé Sáu và chắc hẳn trong những giao tiếp thường ngày ai cũng gọi chị là Sơ Bé Sáu. Chị làm việc ở Vatican đã được bốn năm và sinh sống với cộng đoàn gồm sáu nữ tu khác đến từ nhiều quốc gia trong một toà nhà bề thế ngay tại cổng vào Vatican. Sơ Bé Sáu được nhà dòng gửi qua Vatican để làm công việc chỉnh sửa lại những tấm thảm có nhiều trăm năm lịch sử mà vì khí hậu cũng như thời gian nên có nhiều chỗ bị rách hoặc bị phai mầu. Những tấm thảm vô giá này là tài sản của bảo tàng viện Vatican và sẽ ngàn sau lưu lại với hậu thế. Những người làm công việc chỉnh sửa những tấm thảm lịch sử này không chỉ là những nghệ nhân có đường kim mũi chỉ tuyệt diệu mà họ còn là những nghệ sĩ sáng tạo luôn phải đối mặt với rất nhiều tình huống vô cùng khó khăn đễ giữ cho tấm thảm với những đặc thù nguyên thủy. Giáo dân Việt Nam rất hãnh diện đã đóng góp một nhân tài cho công việc gìn giữ những bảo vật của Giáo Hội. Sơ Bé Sáu không chỉ là người con trân quý của Giáo Hội mà còn là một đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật hội hoạ thế giới. Ngàn năm sau và cả ngày hôm nay, những người đến thăm viếng bảo tàng viện Vatican, chiêm ngắm những bức thảm treo trên tường, có ai biết được công khó từ bàn tay tài hoa và nghệ thuật của Sơ Bé Sáu?

Ngồi một lúc ngắm mấy chàng vệ binh Thụy Sĩ đẹp như trong tranh thì nghe có người nói tiếng Việt ngay cạnh. Bèn nhận bà con và biết vị nữ tu này là tổng thư ký hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết. Sơ Maria Teresa Hoàng Ngọc được nhà dòng sai đi thăm viếng các cộng đoàn ở Âu châu kể chuyện hôm qua được dâng lễ với Đức Thánh Cha trong một nhà nguyện nhỏ. Sau lễ, Đức Thánh Cha ra cuối nhà nguyện bắt tay chào hỏi từng người một. Đến lượt, Sơ Hoàng Ngọc xin ôm hôn Đức Thánh Cha và đã được toại nguyện. Một kỷ niệm nhớ đời.

Đúng 10 giờ 30 phút Đức Thánh Cha tiến lên khán đài chính. Ngài bắt đầu buổi triều yết bằng tiếng Ý. Tôi chỉ biết ngồi nhìn và nghe những tiếng reo hò của hàng trăm ngàn người với quốc kỳ từ nhiều nước. Nhóm người Á Căn Đình là quê hương của Đức Thánh Cha được sắp xếp đứng ngay phía trên gần khán đài phất cờ và luôn hô to Viva El Papa. Một linh mục nói bằng tiếng Anh là sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha thì mọi người sẽ đọc kinh Lậy Cha bằng tiếng La Tinh thì đó là câu nói duy nhất mà tôi hiểu. Sau kinh Lậy Cha thì các Hồng Y hiện diện lần lượt chào kính Đức Thánh Cha.

Tiếp sau, Đức Thánh Cha đi xuống quảng trường an ủi và ban phép lành cho những người đau yếu bệnh tật được xếp hai hàng dài phía trước. Hầu hết những bệnh nhân này ngồi trên xe lăn nhưng cũng có người nằm trên giường được các tình nguyện viên khiêng đến. Đức Thánh Cha thăm hỏi từng người không bỏ sót một ai nên cũng mất khá nhiều thời giờ.

Sau đó Đức Thánh Cha đi trở lên khán đài chúc phúc và ban phép lành cho cả trăm cặp tân hôn. Các cô dâu mặc áo cưới bên cạnh những chú rể bảnh bao, từng cặp đã được Đức Thánh Cha chúc lành như một món quà cưới vô giá mà bất cứ đôi tân hôn Công Giáo nào cũng mơ ước.

Phần cuối của buổi triều yết, Đức Thánh Cha lên chiếc xe mui trần đi xuống quảng trường giữa tiếng reo hò của biết bao nhiêu con cái từ bốn phương trời. Người ta cố nâng những trẻ nhỏ đến vòng tay của Đức Thánh Cha. Người ta cố chạm vào tay vị Cha Chung. Vài người bắt được tay Đức Thánh Cha cố nắm chặt như không muốn buông ra. Tâm tình của con cái với Cha Chung bút mực nào tả cho được.

2- Viếng nhà thờ Santa Maria della Scala

Bước qua cửa vào nhà thờ Santa Maria della Scala, một bàn thờ nhỏ phía tay phải là mộ phần Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Chân dung Đức Hồng Y được đặt ngay cạnh mộ phần và phía trước có những bản kinh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cầu xin Thiên Chúa ban thưởng cho Đức Hồng Y lên bậc Chân Phước. Đi lên bàn thờ chính cũng có chân dung Đức Hồng Y. Một linh mục người Ý chỉ vào chân dung Đức Hồng Y và chắc là đang dẫn giải cho một nhóm khách du lịch về sự hiện diện của Đức Hồng Y tại nhà thờ này. Khi thấy tôi đứng cạnh chân dung Đức Hồng Y nhờ người chụp ảnh thì vị linh mục này cười nói hai chữ Việt Nam rất rõ. Ngôi nhà thờ này rồi sẽ không những gắn bó với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà còn có những liên hệ với dân tộc và lịch sử Việt Nam nữa.

3- Tìm nhà Bà Ngô Đình Nhu

Lúc sinh thời, có một giai đoạn Bà Ngô Đình Nhu trao đổi thư từ với tôi qua một địa chỉ ở Roma. Chính thức thì Bà Nhu cư ngụ tại một căn phòng trên tầng thứ mười một của một chung cư ngay trung tâm của kinh thành Paris nước Pháp. Nói rằng ngôi nhà có địa chỉ ở Roma là nhà Bà Nhu thì không đúng mà thực ra đó là ngôi nhà của vợ chồng Ông Ngô Đình Trác, con trai lớn của Bà Nhu. Nghe nói vợ Ông Trác người Ý trong một gia đình rất giầu có và khi lấy chồng được cho ngôi nhà này như của hồi môn. Từ năm 1963 cho đến ngày hôm nay, Ông Trác chưa hề tiếp xúc với bất cứ người nào ngoài gia đình và cũng chưa một lần đi ra khỏi thành Roma. Ngôi nhà của Ông Trác nằm trên một con đường không mấy nhộn nhịp, cách trung tâm thủ đô Roma chừng mười cây số. Địa chỉ ngôi nhà mang số 62.

Tìm mãi, tôi cũng đến được trước cổng ngôi nhà số 62. Hai nhà bên cạnh số 60 và 64 đều có số nhà và được chăm sóc cẩn thận, cây cối được trồng tỉa kỹ lưỡng đẹp mắt. Ngôi nhà giữa số 62 nhưng không có số nhà, cổng khoá bằng một giây xích sắt to đã hoen rỉ, vườn tược không được chăm sóc cây cối mọc lộn xộn tùm lum. Chắc là qua một thời gian dài không ai sinh sống ở đây, có thể là từ ngày Bà Nhu qua đời. Ba năm cuối đời, Bà Nhu ở tại ngôi nhà này. Bà có ước nguyện khi chết sẽ được chôn cất ở khu vườn rộng lớn của ngôi nhà này nhưng không được chánh quyền Roma chấp thuận. Do vậy thân xác bà đã được hoả táng. Tôi đứng ngoài cổng nhìn vào khu vườn hoang tàn mà xót xa cho một phận đời nghiệt ngã nhưng rồi cũng đã trở về với tro bụi.

Một ngày ở Roma chạy đua với cái đồng hồ và đôi chân mỏi nhừ.