Mong manh phận người?

Kể từ mấy năm nay, cứ mỗi một tuần hay hai tuần một lần và vào những ngày lễ lớn, tôi lại cùng với một ‘người thân’ đi thăm mộ của thân phụ của ‘người thân’ của tôi. Dần dần những lần ‘đi thăm mộ’ như vậy – tới lau chùi mộ, cắm bông, đốt nhang, thắp nến và đọc kinh cho linh hồn người thân quá cố – đã trở thành một ‘sinh hoạt’ không thể thiếu được của tôi vào các ngày cuối tuần hay những dịp lễ lớn.

Và thú thực, tôi cảm thấy ‘thiêu thiếu cái gì đó’ nếu vì bận công chuyện hay đi xa không thể ‘đi thăm mộ’ được. Có không ít lý do tại sao tôi ‘thích’ làm như vậy.

Tôi ‘đi thăm mộ’ vì người quá cố ấy là thân phụ của ‘người thân’ của tôi. Vì vậy, dù chưa một lần gặp mặt – và nhờ qua những lần ‘đi thăm mộ’ như thế – tôi cảm thấy người quá cố ấy có một mối liên hệ đặc biệt và rất gần gũi với tôi.

Hơn nữa, dù người ấy đã mất cách đây 20 năm, con cháu chắt vẫn thường xuyên tới ‘thăm mộ’ và đặc biệt gia đình luôn tổ chức ‘đám giỗ’ cho người ấy mỗi năm. Cứ vào dịp cuối tháng 10 hàng năm – nhân ngày thân phụ của ‘người thân’ của tôi qua đời – cả nhà đều cùng nhau tới giáo xứ dự lễ, rồi về nhà đọc kinh cho linh hồn quá cố. Ít hay nhiều truyền thống này cũng lây sang tôi.

Tôi hay ‘đi thăm mộ’ một phần cũng vì ngày từ nhỏ tôi đã có thói quen làm như vậy. Nhớ hồi còn nhỏ, khi còn ở quê nhà, cứ vào dịp cuối năm, khi chuẩn bị đón Tết đến, tôi lại cùng anh em, con cháu đi sang nghĩa trang dọn cỏ, quét vôi cho lăng ông bà, tổ tiên, anh em họ hàng đã khuất.

Thói quen ấy vẫn theo tôi đến giờ. Dù không ở quê nhà nhiều trong dịp trở lại quê hương vừa qua tôi cũng tranh thủ đi thăm viếng mộ ông bà tổ tiên, của người thân quen đã qua đời. Trong hai ngày ở Sài gòn, tôi cũng dành thời gian đi thăm mộ một người bạn thân tại Bà Rịa – Vũng Tàu và tới một nhà thờ để viếng tro của ông bà ngoại của ‘người thân’ của tôi được đặt tại một nhà thờ ở Sài Gòn.

Nhưng trên hết, có thể tôi thích ‘đi thăm mộ’ như vậy vì việc làm đó giúp tôi ý thức thêm phận người, hiểu thêm về sự sống, biết thêm về sự chết.

Thân phụ của ‘người thân’ của tôi được chôn cất tại một nghĩa trang tương đối lớn, lâu đời thuộc miền Trung nước Anh. Vì ngôi mộ nằm gần ngay giữa nghĩa trang, dù vào cổng trước hay cổng sau, xe chúng tôi đều phải đi qua một đoạn đường tương đối dài. Mỗi lần đi qua như vậy, tôi thường hay nhìn những ngôi mộ chôn hai bên đường. Có những nấm mộ cũ nhưng cũng có nhiều ngôi mộ mới. Có người qua đời khi đã lớn tuổi nhưng cũng có người chết khi còn rất trẻ hay mất ở tuổi trung niên.

Nhìn những ngôi mộ, hòm bia ấy tôi nhận ra rằng là người dù sớm hay muốn ai cũng phải chết và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đúng vậy, khó hay không ai có thể quyết định được mạng sống của mình. Dù có giàu sang, quyền uy, khỏe mạnh bao nhiêu, cuối cùng ai cũng phải nhắm mắt xuôi tay.

Người bạn thân mà tôi thăm mộ dịp hè là một linh mục còn rất trẻ, thánh thiện và đầy nhiệt huyết. Nhìn những tấm hình chúng tôi chụp với nhau còn rất mới, tôi không thể ngờ rằng người bạn ấy đã vĩnh viễn ra đi.

Đa số bạn bè sinh viên ngày nào của tôi giờ đã công thành danh toại. Họ đã ra đời và nắm giữ những chức vụ khác nhau trong xã hội. Nhưng trong số bạn bè học cùng khóa, cùng lớp ấy có đến ba người đã mất khi mới ra trường, khi còn bao nhiêu hoài bão, ước mơ chưa thực hiện được.

Đúng là mong manh phận người!

Tôi càng cảm nhận rõ điều đó khi ‘đi thăm mộ’ vào những ngày cuối Thu. Vào những ngày như vậy, cây cối hai bên con đường lớn đi qua nghĩa trang hay hai bên những còn đường nhỏ dẫn tới các ngôi mộ đều đội một màu vàng úa. Dù cố níu kéo, nhưng trước những luồng gió chốc chốc thổi về, chúng không thể giữ lại được những cành lá đã héo úa, tàn khô. Cứ mỗi lần có một làn gió thổi đến, những chiếc lá vàng úa này lại nối tiếp nhau rụng rơi đầy đường.

Cùng với thời tiết se lạnh, lạnh giá của nước Anh vào những ngày như thế, cảnh vật trơ trụi ấy tại nghĩa trang thường gợi nên trong tôi một cảm giác bâng quơ. Tôi thấy có cái gì đó thật cô quạnh, mong manh, mỏng dòn. Vẫn biết rằng mùa Thu có cái gì đó hơi buồn và ‘đi thăm mộ’ vào những ngày đó càng buồn nhưng tôi lại thích mùa Thu, thích ‘đi thăm mộ’ trong những ngày thư thế.

Mùa Thu và cảnh vật tàn úa, trống vắng, tiêu điều tại nghĩa trang vào những ngày cuối Thu như vậy thường làm tôi liên tưởng, suy nghĩ nhiều hơn về phận người, về những mong manh của phận người. Dù cố níu kéo chẳng có ai có thể giữ chân thời gian, chẳng có ai có thể thay đổi được quy luật của vũ trụ, của đất trời. Có ‘sinh’ chắc chắn có ‘tử’.

Nhưng cũng chính những lần ‘đi thăm mộ’ như thế, đặc biệt là vào những ngày cuối Thu, tôi càng ý thức rằng chết không phải là hết và để sống trọn vẹn, có lúc cũng phải biết ‘chết’.

Theo quy luật của đất trời, Thu có qua, Đông có tàn thì Xuân mới đến, Hạ mới về. Cũng chính những hàng cây tàn úa trơ trọi này đã có những ngày hè rợp bóng lá xanh tươi, đầy tiếng chim thánh thót. Và nếu không trải qua những ngày Thu, Đông tàn úa, trơ trọi ấy, chúng sẽ không có những ngày Xuân đầy chồi non, những ngày hè xanh tươi.

Phải chăng cuộc sống cũng vậy? Chắc không ai có thể cảm nghiệm trọn vẹn những gì nhẹ nhàng, nắng ấm khi Xuân về, Hạ đến nếu như không trải qua những ngày Đông rét, lạnh giá. Hạt sẽ không thể đâm chồi nếu nó không thối đi. Sẽ không có niềm vui ngày về nếu không có lúc ngậm ngùi ra đi.

Lễ các Đặng Linh hồn được cử hành liền sau ngày Lễ Các Thánh. Phải chăng khi sắp đặt phụng vụ như vậy, Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình về mầu nhiệm đó?

Đúng vậy, Các Thánh là những người đã biết ‘chết’ và dám ‘chết’ với Đức Kitô. Vì vậy, dù các Ngài đã ‘chết’, các Ngài vẫn còn ‘sống’, danh thánh, công đức của các Ngài vẫn được lưu truyền, tôn kính ngàn đời.

Tháng Các Linh hồn cũng rơi vào những ngày cuối Thu, khi đất trời đang chuyển mình vào Đông. Phải chăng Giáo Hội cùng muốn dùng thời gian này không chỉ nhắc nhở con cái mình nhớ đến những linh hồn đã đi trước mà còn giúp mỗi một người vừa ý thức hơn thân phận mỏng dòn của mình vừa nhận ra sự trường tồn, bất tử của linh hồn mình để qua đó biết ‘sống’, biết ‘chết’ với Đức Kitô để cùng được sống vinh hiển muôn đời với Ngài mai sau?

Đoàn Xuân Lộc