Ngô Đình Diệm và cuộc chiến kiến quốc
Đã tròn năm thập kỷ trôi qua kể từ khi cố tổng thống Ngô Đình Diệm, người sáng lập Việt Nam Cộng Hòa bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự với sự tiếp tay của Hoa Kỳ.
Trong mắt các sử gia phương Tây và Việt Nam thời hậu thuộc địa, Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, gắn liền ý nghĩa trong một cụm từ đầy mỉa mai và thóa mạ là “bè lũ Mỹ-Diệm”, và rằng chính phủ của Diệm cũng chỉ là một sự sáng tạo của Hoa Kỳ phục vụ cho mục đích địa chiến lược trong Chiến tranh lạnh.
Diệm cũng được miêu tả như là một sản phẩm truyền thống của đạo Thiên Chúa và Khổng Giáo, đại diện cho sự hòa trộn giữa tư tưởng phương Tây và phương Đông trong tiến trình xây dựng một chính quyền chống cộng sản ở Đông Nam Á.
Phủ nhận những quan điểm này, trong Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam ( tạm dịch: Cuộc hôn nhân không tương xứng: Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ, và số phận Miền nam Việt Nam), Miller đưa ra một cách giải thích mới về Ngô Đình Diệm và mối quan hệ của ông ta với Hoa Kỳ, được soi sáng từ những điểm nhìn văn hóa chính trị của Việt Nam.[1]
Đóng góp nổi bật nhất của tác giả là cung cấp một sự diễn giải tinh vi và công phu về mối xung đột giữa Diệm - Chiến lược kiến quốc của ông, và phía đồng minh Hoa Kỳ.
Ngô Đình Diệm là một nhà trị quốc hiện đại
Tác giả đã khẳng định rằng vị lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa là một nhà trị quốc hiện đại với những viễn kiến riêng và mới mẻ về quốc gia, khác xa với quan điểm của Hoa Kỳ.
Dù cùng chung mục tiêu chống Cộng sản nhưng hai đồng minh vẫn thường xuyên xảy ra những bất đồng, tạo nên những xung đột và cạnh tranh liên quan đến những vấn đề cốt lõi mà Miller gọi là: “Nguyên lý kiến quốc”, vốn đã hình thành và chi phối toàn bộ lịch sử quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Diệm từ lúc mới hình thành cho đến lúc lụi tàn, biểu hiện cho cuộc xung đột giữa các sứ mệnh của nền văn minh hơn là giữa các nền văn minh.
Nghiên cứu quá trình xung đột từ góc nhìn chính trị và luân lý, quốc gia và cá nhân, đặt nó trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, Miller đã phô bày những va chạm trong nhận thức và động lực về tư tưởng chính trị, chiến lược quân sự, khủng hoảng tôn giáo, và chương trình xây dựng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.
Sự xung khắc này không chỉ làm cho liên minh Mỹ-Diệm sụp đổ vào năm 1963 mà còn góp phần làm thay đổi kết quả cuộc chiến.
Tư tưởng chính trị và tôn giáo của Diệm
"kế thừa tinh thần quốc gia mạh mẽ và lòng mộ đạo Thiên Chúa của người cha Ngô Đình Khả, Diệm đã trở thành một nhà yêu nước nhiệt thành, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc. "
Tác giả dẫn lời cây viết Miller
Theo Miller, kế thừa tinh thần quốc gia mạnh mẽ và lòng mộ đạo Thiên Chúa của người cha Ngô Đình Khả, Diệm đã trở thành một nhà yêu nước nhiệt thành, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc.
Hoạt động đối lập với chính quyền thuộc địa Pháp, từ chức Thượng Thư Bộ Lại trong chính phủ Bảo Đại, tôn sùng Phan Bội Châu và kiến thức về đạo Khổng của nhà nho yêu nước này, thông cảm và ủng hộ với tổ chức Chấn Hưng Dân Tộc của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thành lập lực lượng thứ ba để vận động những người theo quốc gia, chống cộng sản kết nối lại thành một liên minh đấu tranh cho một đất nước Việt Nam của người Việt Nam, và cuối cùng là bỏ qua mối thù cá nhân của gia đình để sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh, mọi nỗ lực của Diệm đã đã minh chứng rằng ông là một “nhà hộ quốc tận tụy của nước Việt” (27)
Ngô Đình Diệm không được Mỹ ủng hộ trong năm 1954
Miller, bằng việc lột bỏ những thiên kiến chống lại Diệm trong năm mươi năm qua, khẳng định rằng quan điểm của ông không phải được sinh ra từ sự mờ mịt, hay những ảo niệm được dựng lên bởi Hoa Kỳ vào năm 1954.
Diệm thực sự là một trong những nhân vật xuất chúng và năng động nhất trong số các nhà chính trị ở Đông Dương.
Và vì vậy ông đã được bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng của nước Việt Nam bởi chính sự quyết định của cựu hoàng Bảo Đại.
Tác giả lưu ý, hầu hết các cứ liệu cho rằng Diệm được sự hỗ trợ của cộng đồng Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ, đứng đầu là Hồng Y Francis Spellman, hay bởi sự vận động bí mật của CIA, sự ủng hộ của các quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ như John Foster Dulles… là thiếu thuyết phục vì không có chứng cứ xác đáng.
Miller thấy rằng những tài liệu giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chỉ nói lên được một hiểu biết mơ hồ về Diệm cho đến tháng 5/1954. Theo Miller, Bảo Đại quyết định chọn Diệm vào chức vụ Thủ tướng là bởi ông hoàng này công nhận rằng Diệm “là một người tốt nhất cho công việc, bởi vì sự không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông ấy có đủ năng lực để chống lại chủ nghĩa cộng sản... Ông ấy thực sự là một người rất thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.”
Diệm đã chứng minh lời của quốc trưởng nhận xét về năng lực của mình là không sai. Trong thời kỳ hậu hiệp định Geneva, phớt lờ chiến lược hòa giải và cải tổ của Hoa Kỳ, Diệm đã trấn áp và dẹp tan những đối thủ chính trị của Diệm mà không có bất kỳ một sự thỏa hiệp nào để kiểm soát thành công quân đội quốc gia, giành lấy quyền lực từ những viên tướng thân Pháp, thực hiện chương trình kiến quốc của ông.
Những kiến giải của Miller về thời kỳ này không những đưa ra một sự hiểu biết mới về Diệm, mà còn thách thức các nhà sử học nhận thức lại lịch sử quan hệ Mỹ-Diệm ngay từ buổi đầu.
Bất đồng về quan điểm dân tộc và dân chủ
Diệm tự xem mình vừa như một tấm khiên phòng thủ, đồng thời là ngọn giáo tấn công những đe dọa đối với hệ thống chính trị ở Nam Việt Nam, bao gồm độc lập, lợi ích quốc gia, bổn phận đạo đức kết thành nền tảng của dân chủ và đời sống dân sự trong một quốc gia.
Khác với những công trình nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam khác, Miller đã khai phá một cách nhìn mới về chủ nghĩa dân tộc của Diệm.
Diệm không phải là một thuyết gia truyền thống, cũng không phải là một viên quan thuộc địa phản động. Ông là một nhà chính trị xảo trí và là một nhà lãnh đạo “dân chủ” với một đường lối chấn hưng đất nước dựa trên cơ sở gắn kết có chọn lọc tư tưởng Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, và sự đặc trưng chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam.
Vận dụng văn hóa Việt Nam để làm rõ quan điểm chính trị và tôn giáo của Diệm, Miller chỉ ra cách nhìn của Diệm về giá trị của dân chủ và sự phát sinh của những giá trị đó từ quan niệm dân chủ truyền thống mang tính bản địa của người Việt hơn là từ quan điểm tự do thuần túy của phương Tây.
Thấm nhuần những chuẩn mực, phẩm hạnh của triết lý xã hội như ý thức tự lập, tự hoàn thiện, và hiến dâng cho lợi ích cộng đồng của đạo Khổng, vốn được xem là phù hợp với quan điểm chủ nghĩa nhân vị của triết gia Thiên Chúa giáo Emanual Monier, Diệm tin rằng: “ Dân chủ trước hết là một trạng thái tinh thần, một lối sống tôn trọng bản thân chúng ta và người khác.” Như vậy, thay vì kết nối dân chủ với tự do dân sự, Diệm diễn tả nó như một quá trình tiến bộ của xã hội tập thể.
Tổng thống Diệm cố gắng hiện đại hóa và liên kết những tư tưởng chính trị-tôn giáo này với chương trình kiến quốc đương thời khi ông tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ không quay lại phiên bản vô ích của quá khứ quan lại, mà sẽ áp dụng những gì tốt nhất của di sản vào tình hình hiện đại."
Quan niệm dân chủ của Diệm đã mâu thuẫn với Học thuyết Dân chủ của Mỹ. Miller kết luận “Diệm tìm cách định nghĩa dân chủ như một đặc tính xã hội dựa vào bổn phận đạo đức luân lý. Định nghĩa này quá khác xa với quan điểm của những thuyết gia người Mỹ khi họ quan niệm dân chủ là một hình thái đa nguyên chính trị.
Bất đồng về chương trình xây dựng nông thôn
Sự bất đồng tư tưởng này đã khuấy đục liên minh Mỹ-Diệm trong quá trình triển khai một trong những chương trình kiến quốc quan trọng nhất: phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, với mấu chốt của vấn đề là giải quyết tình trạng dư thừa dân số bằng cách di dân.
Giải pháp này, như tác giả phân tích, là phân bố lại dân số hơn là phân bố đất đai. Việc di dân đến vùng đất mới không chỉ cung cấp đất cho người dân, mà còn là tiền đề mở rộng các mục tiêu kinh tế, an ninh, và tư tưởng do Diệm vạch ra.
Trên bình diện quốc gia, Diệm khởi động chương trình tự cung tự cấp như là một đặc trưng trong viễn kiến của Diệm về phát triển cộng đồng để phát động sự tham gia tự giác và đóng góp của toàn dân vào những mục tiêu công ích của nhà nước.
Ông Diệm bất đồng với người Mỹ về cách điều hành miền nam
Kế hoạch dinh điền của Diệm không tránh khỏi sự phàn nàn từ phía Mỹ.
Đối với Mỹ, trung tâm của chính sách cải cách ruộng đất là phân bố ruộng đất cho người không có, tạo ra những điều kiện và cơ hội để họ nâng cao và triển khai những dự án hơn là bóc lột sức lao động của họ cho việc xây dựng nhà nước.
Miller đã phân tích rất sâu sắc sự khác biệt của hai trường phái kiến quốc của Mỹ sau thế chiến thứ II bao gồm chủ nghĩa tân thời cao cấp, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật, và chủ nghĩa tân thời bậc thấp chú trọng vào các chương trình phát triển ở phạm vi hẹp mang tính địa phương.
Cả hai trường phái này đều không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ không thể Tây hóa lối sống và điều kiện kinh tế xã hội của người Việt.
Ngô Đình Nhu tuyên bố rằng công nghiệp hóa và sự thay đổi kinh tế chỉ có thể đến với miền Nam Việt Nam sau khi họ có thể rời xa một cách dứt khoát xã hội truyền thống với ý nghĩ, tổ chức và kỹ thuật mà chúng họ đã từng gắn kết.
Do vậy, dù đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ là cần cung cấp nguyên liệu sản xuất cho dân tái định cư, nhưng Diệm bảo lưu quan điểm của mình, rằng việc cung cấp tư liệu sản xuất không quan trọng bằng nghĩa vụ và bổn phận tự lập của cộng đồng.
Do đó ông sẵn sàng tiếp tục thực hiện kế hoạch mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Mối bất hòa về chương trình dinh điền, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn đã đẩy Washington và Saigon vào một tình trạng tồi tệ mới.
Bất đồng về chiến lược an ninh và quân sự
Chiến lược gìn giữ an ninh nội địa tập trung vào công cuộc chống nổi dậy ở vùng nông thôn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản luôn là mối bận tâm của chính quyền Diệm.
Miller chứng minh rằng không phải mọi hoạt động quân sự của Diệm đều do Mỹ điều khiển hoàn toàn, thậm chí còn xảy ra những bất đồng trong nội bộ Mỹ.
Về xây dựng lực lượng, ví dụ, phái bộ cố vấn của đại học Michigan (MSUG) muốn phát triển Lực lượng Bảo an như là một lực lượng cảnh sát dân sự, trong khi đó các cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) lại muốn lực lượng này là một mô hình bán quân sự hoạt động như một đội quân phụ trợ.
"Chiến lược gìn giữ an ninh nội địa tập trung vào công cuộc chống nổi dậy ở vùng nông thôn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản luôn là mối bận tâm của chính quyền Diệm. "
Còn với Diệm, Bảo an là một lực lượng lai ghép, kết hợp quyền lực của cảnh sát như quyền giám sát, giam cầm, và phản gián với năng lực quân sự.
Chỉ trích các giải pháp của cố vấn Mỹ không phù hợp với quan điểm của mình, cũng như hoàn cảnh an ninh của miền Nam Việt Nam, Diệm tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng Bảo an như một nhân tố chính trong cuộc chiến chống lại chiến tranh du kích.
Là một cựu quan chức có nhiều trải nghiệm về cách trị dân, hơn ai hết, Diệm hiểu rằng: để cai quản vùng nông thôn cần kết hợp các giải pháp chính trị, quân sự, xã hội và kinh tế.
Do đó, Diệm thành lập Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ như là một cơ quan thiết kế, quản lý, và điều khiển các chương trình phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, ý tưởng của Diệm không giống với hoạch định từ phía Mỹ, đặc biệt là về mục tiêu chương trình Ấp Chiến Lược.
Với các cố vấn Mỹ, một giá trị phổ quát của nền dân chủ đa nguyên là yếu tố chính mang lại thành công của chương trình, cũng như kết quả của cuộc chiến.
Ngược lại, Diệm không bao giờ có quan điểm Dân chủ là một sự cạnh tranh mang tính đa nguyên giữa các đối thủ, đảng phái, và tư tưởng.
Thay vì vậy, Diệm cho rằng nền móng dân chủ của ấp chiến lược là huy động sức mạnh toàn thể dân chúng tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù của chế độ.
Miller không thể không thừa nhận rằng dù có nhiều khiếm khuyết và bất cập, nhưng Ấp Chiến Lược là một chương trình thành công, tạo nên một bước ngoặt đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống lại cộng sản ở miền Nam, mang lại hy vọng cho một chiến thắng chung cuộc. Trận Ấp Bắc vào tháng 1/1963 vẫn không dập tắt sự lạc quan của Diệm, vì vậy họ Ngô đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch Bắc tiến, chiếm lại miền Bắc Việt Nam.
Và cuối cùng, Diệm muốn Mỹ viện trợ vũ khí và các nguyên vật liệu khác nhưng không chấp nhận sự việc các cố vấn Mỹ can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.
Khủng hoảng phật giáo và bất đồng về chính sách kiến quốc
Số phận và kế hoạch của họ Ngô đã bị chặn đứng bởi cuộc khủng khoảng Phật Giáo.
Nổi bật giữa các sử gia về chiến tranh Việt Nam, Miller nghiên cứu cuộc khủng khoảng Phật giáo năm 1963 như là một sự phát triển trong dòng chảy lịch sử của quá trình chấn hưng Phật giáo, vốn đã diễn ra trong những năm 1910 và 1920 của thế kỷ 20.
Miller đưa ra một cái nhìn mới về phong trào Phật giáo trong kỷ nguyên của Diệm, rằng nó không chỉ đấu tranh cho sự bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng, mà thực sự là nó còn bộc lộ sự lo lắng sâu sắc về sách lược kiến quốc của Diệm, đặc biệt là về cuộc cách mạng nhân vị điều mà giới Phật tử thấy như là mối đe dọa đến việc làm hồi sinh sức mạnh Phật giáo Việt Nam.
Theo quan điểm của Miller, Phật giáo đã tham gia vào một cuộc cách mạng tự do dân tộc và hiện đại hóa như một sự đóng góp vào tiến trình kiến quốc.
Cuộc xung đột giữa Diệm và Phật giáo đã đẩy cuộc chiến kiến thiết quốc gia lên đỉnh điểm.
Diệm, cho đến phút cuối cùng vẫn tin rằng ông ta sẽ giải quyết sự xung đột này từ vị thế thượng phong như cách anh em ông nghĩ khi bắt đầu mở kênh đối thoại bí mật với cộng sản Bắc Việt.
Nhưng Diệm không bao giờ có thể vãn hồi trật tự như sự trả lời kiên cường và cứng rắn của ông với đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge, vì anh em ông đã bị hạ sát bởi chính những viên tướng phản bội.
Miller kết luận rằng: những vấn đề của sự bất đồng không đơn giản bắt nguồn từ lời tuyên bố thâm thúy và khó hiểu về cuộc cách mạng nhân vị của anh em nhà Ngô.
Chúng bắt nguồn từ mối bất hòa trong thực tế giữa nhà họ Ngô và Mỹ về những ý niệm chính như dân chủ, cộng đồng, an ninh, và cách mạng xã hội.
Khiếm khuyết của cả Diệm và đồng minh Mỹ là sự miễn cưỡng trong việc hợp tác với các phong trào cách mạng ở miền Nam.
Hồ Chí Minh: Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc
Misalliance của Miller đã thành công khi soi sáng một cái nhìn mới về Diệm và chương trình kiến quốc mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và độc lập trong nhãn quan chính trị của ông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ông Diệm là "nhà yêu nước"
Những tác phẩm trong tương lai không thể bỏ qua những luận điểm của Miller rằng chính sự xung đột nảy sinh từ nhận thức sai lệch đã hình thành mối quan hệ đầy thăng trầm của Mỹ - Diệm và cả số phận miền nam Việt Nam.
Sau năm mươi năm, hình ảnh nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm dần được sáng tỏ trong mắt các sử gia Mỹ.
Đáng tiếc là tại Việt Nam, việc nghiên cứu về ông vẫn là một đề tài cấm kỵ.
Phải chăng, không đi theo chủ nghĩa cộng sản là không phải người Việt yêu nước? Vậy tại sao Hồ Chí Minh lại tuyên bố Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc?
Những người cộng sản Việt Nam không ngờ, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ đã có một cái nhìn khác về đối thủ chính trị ở miền Nam.
Trong một lần gặp gỡ nhà ngoại giao Ấn độ Ramcohundur Goburdhun, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến Đông Dương, ở Hà Nội vào năm 1962, Hồ đã xem Ngô Đình Diệm là một “nhà yêu nước” và nhắn gửi với Goburdhun rằng: “Hãy bắt tay ông ấy [Diệm] giùm tôi nếu như ngài gặp ông ấy.”
Chỉ có những đối thủ xứng tầm nhau mới dành cho nhau lời nhận xét xứng tầm như vậy. Quan điểm của Hồ được nhà sử học Edward Miller lưu tâm vì nó đã gợi lên cho người đọc một cách nhìn khác lạ nhưng không xa lạ về Diệm, một nhân vật chính trị nổi bật và không thể thiếu được khi đề cập đến lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
Việt Nam vừa tổ chức một lễ quốc tang trọng thể cho tướng Giáp, trong khi nhân vật chính trị và quân sự lớn cùng sinh ra từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình với tướng Giáp - Cố tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn chưa được trả lại tên thật trên mộ phần.
Sự thật lịch sử về Diệm, cho dù còn nhiều tranh cãi, là “ một lãnh đạo độc tài với chế độ gia đình trị hay là một tổng thống ái quốc” cần phải được trả lại đúng nguyên vị của nó.
[1]Edward Miller, Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam(Cambridge: Harvard University Press, 2013)
Đã tròn năm thập kỷ trôi qua kể từ khi cố tổng thống Ngô Đình Diệm, người sáng lập Việt Nam Cộng Hòa bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự với sự tiếp tay của Hoa Kỳ.
Trong mắt các sử gia phương Tây và Việt Nam thời hậu thuộc địa, Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, gắn liền ý nghĩa trong một cụm từ đầy mỉa mai và thóa mạ là “bè lũ Mỹ-Diệm”, và rằng chính phủ của Diệm cũng chỉ là một sự sáng tạo của Hoa Kỳ phục vụ cho mục đích địa chiến lược trong Chiến tranh lạnh.
Diệm cũng được miêu tả như là một sản phẩm truyền thống của đạo Thiên Chúa và Khổng Giáo, đại diện cho sự hòa trộn giữa tư tưởng phương Tây và phương Đông trong tiến trình xây dựng một chính quyền chống cộng sản ở Đông Nam Á.
Phủ nhận những quan điểm này, trong Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam ( tạm dịch: Cuộc hôn nhân không tương xứng: Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ, và số phận Miền nam Việt Nam), Miller đưa ra một cách giải thích mới về Ngô Đình Diệm và mối quan hệ của ông ta với Hoa Kỳ, được soi sáng từ những điểm nhìn văn hóa chính trị của Việt Nam.[1]
Đóng góp nổi bật nhất của tác giả là cung cấp một sự diễn giải tinh vi và công phu về mối xung đột giữa Diệm - Chiến lược kiến quốc của ông, và phía đồng minh Hoa Kỳ.
Ngô Đình Diệm là một nhà trị quốc hiện đại
Tác giả đã khẳng định rằng vị lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa là một nhà trị quốc hiện đại với những viễn kiến riêng và mới mẻ về quốc gia, khác xa với quan điểm của Hoa Kỳ.
Dù cùng chung mục tiêu chống Cộng sản nhưng hai đồng minh vẫn thường xuyên xảy ra những bất đồng, tạo nên những xung đột và cạnh tranh liên quan đến những vấn đề cốt lõi mà Miller gọi là: “Nguyên lý kiến quốc”, vốn đã hình thành và chi phối toàn bộ lịch sử quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Diệm từ lúc mới hình thành cho đến lúc lụi tàn, biểu hiện cho cuộc xung đột giữa các sứ mệnh của nền văn minh hơn là giữa các nền văn minh.
Nghiên cứu quá trình xung đột từ góc nhìn chính trị và luân lý, quốc gia và cá nhân, đặt nó trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, Miller đã phô bày những va chạm trong nhận thức và động lực về tư tưởng chính trị, chiến lược quân sự, khủng hoảng tôn giáo, và chương trình xây dựng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.
Sự xung khắc này không chỉ làm cho liên minh Mỹ-Diệm sụp đổ vào năm 1963 mà còn góp phần làm thay đổi kết quả cuộc chiến.
Tư tưởng chính trị và tôn giáo của Diệm
"kế thừa tinh thần quốc gia mạh mẽ và lòng mộ đạo Thiên Chúa của người cha Ngô Đình Khả, Diệm đã trở thành một nhà yêu nước nhiệt thành, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc. "
Tác giả dẫn lời cây viết Miller
Theo Miller, kế thừa tinh thần quốc gia mạnh mẽ và lòng mộ đạo Thiên Chúa của người cha Ngô Đình Khả, Diệm đã trở thành một nhà yêu nước nhiệt thành, chiến đấu cho quyền lợi của dân tộc.
Hoạt động đối lập với chính quyền thuộc địa Pháp, từ chức Thượng Thư Bộ Lại trong chính phủ Bảo Đại, tôn sùng Phan Bội Châu và kiến thức về đạo Khổng của nhà nho yêu nước này, thông cảm và ủng hộ với tổ chức Chấn Hưng Dân Tộc của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, thành lập lực lượng thứ ba để vận động những người theo quốc gia, chống cộng sản kết nối lại thành một liên minh đấu tranh cho một đất nước Việt Nam của người Việt Nam, và cuối cùng là bỏ qua mối thù cá nhân của gia đình để sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh, mọi nỗ lực của Diệm đã đã minh chứng rằng ông là một “nhà hộ quốc tận tụy của nước Việt” (27)
Ngô Đình Diệm không được Mỹ ủng hộ trong năm 1954
Miller, bằng việc lột bỏ những thiên kiến chống lại Diệm trong năm mươi năm qua, khẳng định rằng quan điểm của ông không phải được sinh ra từ sự mờ mịt, hay những ảo niệm được dựng lên bởi Hoa Kỳ vào năm 1954.
Diệm thực sự là một trong những nhân vật xuất chúng và năng động nhất trong số các nhà chính trị ở Đông Dương.
Và vì vậy ông đã được bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng của nước Việt Nam bởi chính sự quyết định của cựu hoàng Bảo Đại.
Tác giả lưu ý, hầu hết các cứ liệu cho rằng Diệm được sự hỗ trợ của cộng đồng Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ, đứng đầu là Hồng Y Francis Spellman, hay bởi sự vận động bí mật của CIA, sự ủng hộ của các quan chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ như John Foster Dulles… là thiếu thuyết phục vì không có chứng cứ xác đáng.
Miller thấy rằng những tài liệu giải mật của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chỉ nói lên được một hiểu biết mơ hồ về Diệm cho đến tháng 5/1954. Theo Miller, Bảo Đại quyết định chọn Diệm vào chức vụ Thủ tướng là bởi ông hoàng này công nhận rằng Diệm “là một người tốt nhất cho công việc, bởi vì sự không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông ấy có đủ năng lực để chống lại chủ nghĩa cộng sản... Ông ấy thực sự là một người rất thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.”
Diệm đã chứng minh lời của quốc trưởng nhận xét về năng lực của mình là không sai. Trong thời kỳ hậu hiệp định Geneva, phớt lờ chiến lược hòa giải và cải tổ của Hoa Kỳ, Diệm đã trấn áp và dẹp tan những đối thủ chính trị của Diệm mà không có bất kỳ một sự thỏa hiệp nào để kiểm soát thành công quân đội quốc gia, giành lấy quyền lực từ những viên tướng thân Pháp, thực hiện chương trình kiến quốc của ông.
Những kiến giải của Miller về thời kỳ này không những đưa ra một sự hiểu biết mới về Diệm, mà còn thách thức các nhà sử học nhận thức lại lịch sử quan hệ Mỹ-Diệm ngay từ buổi đầu.
Bất đồng về quan điểm dân tộc và dân chủ
Diệm tự xem mình vừa như một tấm khiên phòng thủ, đồng thời là ngọn giáo tấn công những đe dọa đối với hệ thống chính trị ở Nam Việt Nam, bao gồm độc lập, lợi ích quốc gia, bổn phận đạo đức kết thành nền tảng của dân chủ và đời sống dân sự trong một quốc gia.
Khác với những công trình nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam khác, Miller đã khai phá một cách nhìn mới về chủ nghĩa dân tộc của Diệm.
Diệm không phải là một thuyết gia truyền thống, cũng không phải là một viên quan thuộc địa phản động. Ông là một nhà chính trị xảo trí và là một nhà lãnh đạo “dân chủ” với một đường lối chấn hưng đất nước dựa trên cơ sở gắn kết có chọn lọc tư tưởng Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, và sự đặc trưng chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam.
Vận dụng văn hóa Việt Nam để làm rõ quan điểm chính trị và tôn giáo của Diệm, Miller chỉ ra cách nhìn của Diệm về giá trị của dân chủ và sự phát sinh của những giá trị đó từ quan niệm dân chủ truyền thống mang tính bản địa của người Việt hơn là từ quan điểm tự do thuần túy của phương Tây.
Thấm nhuần những chuẩn mực, phẩm hạnh của triết lý xã hội như ý thức tự lập, tự hoàn thiện, và hiến dâng cho lợi ích cộng đồng của đạo Khổng, vốn được xem là phù hợp với quan điểm chủ nghĩa nhân vị của triết gia Thiên Chúa giáo Emanual Monier, Diệm tin rằng: “ Dân chủ trước hết là một trạng thái tinh thần, một lối sống tôn trọng bản thân chúng ta và người khác.” Như vậy, thay vì kết nối dân chủ với tự do dân sự, Diệm diễn tả nó như một quá trình tiến bộ của xã hội tập thể.
Tổng thống Diệm cố gắng hiện đại hóa và liên kết những tư tưởng chính trị-tôn giáo này với chương trình kiến quốc đương thời khi ông tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ không quay lại phiên bản vô ích của quá khứ quan lại, mà sẽ áp dụng những gì tốt nhất của di sản vào tình hình hiện đại."
Quan niệm dân chủ của Diệm đã mâu thuẫn với Học thuyết Dân chủ của Mỹ. Miller kết luận “Diệm tìm cách định nghĩa dân chủ như một đặc tính xã hội dựa vào bổn phận đạo đức luân lý. Định nghĩa này quá khác xa với quan điểm của những thuyết gia người Mỹ khi họ quan niệm dân chủ là một hình thái đa nguyên chính trị.
Bất đồng về chương trình xây dựng nông thôn
Sự bất đồng tư tưởng này đã khuấy đục liên minh Mỹ-Diệm trong quá trình triển khai một trong những chương trình kiến quốc quan trọng nhất: phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, với mấu chốt của vấn đề là giải quyết tình trạng dư thừa dân số bằng cách di dân.
Giải pháp này, như tác giả phân tích, là phân bố lại dân số hơn là phân bố đất đai. Việc di dân đến vùng đất mới không chỉ cung cấp đất cho người dân, mà còn là tiền đề mở rộng các mục tiêu kinh tế, an ninh, và tư tưởng do Diệm vạch ra.
Trên bình diện quốc gia, Diệm khởi động chương trình tự cung tự cấp như là một đặc trưng trong viễn kiến của Diệm về phát triển cộng đồng để phát động sự tham gia tự giác và đóng góp của toàn dân vào những mục tiêu công ích của nhà nước.
Ông Diệm bất đồng với người Mỹ về cách điều hành miền nam
Kế hoạch dinh điền của Diệm không tránh khỏi sự phàn nàn từ phía Mỹ.
Đối với Mỹ, trung tâm của chính sách cải cách ruộng đất là phân bố ruộng đất cho người không có, tạo ra những điều kiện và cơ hội để họ nâng cao và triển khai những dự án hơn là bóc lột sức lao động của họ cho việc xây dựng nhà nước.
Miller đã phân tích rất sâu sắc sự khác biệt của hai trường phái kiến quốc của Mỹ sau thế chiến thứ II bao gồm chủ nghĩa tân thời cao cấp, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật, và chủ nghĩa tân thời bậc thấp chú trọng vào các chương trình phát triển ở phạm vi hẹp mang tính địa phương.
Cả hai trường phái này đều không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ không thể Tây hóa lối sống và điều kiện kinh tế xã hội của người Việt.
Ngô Đình Nhu tuyên bố rằng công nghiệp hóa và sự thay đổi kinh tế chỉ có thể đến với miền Nam Việt Nam sau khi họ có thể rời xa một cách dứt khoát xã hội truyền thống với ý nghĩ, tổ chức và kỹ thuật mà chúng họ đã từng gắn kết.
Do vậy, dù đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ là cần cung cấp nguyên liệu sản xuất cho dân tái định cư, nhưng Diệm bảo lưu quan điểm của mình, rằng việc cung cấp tư liệu sản xuất không quan trọng bằng nghĩa vụ và bổn phận tự lập của cộng đồng.
Do đó ông sẵn sàng tiếp tục thực hiện kế hoạch mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Mối bất hòa về chương trình dinh điền, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn đã đẩy Washington và Saigon vào một tình trạng tồi tệ mới.
Bất đồng về chiến lược an ninh và quân sự
Chiến lược gìn giữ an ninh nội địa tập trung vào công cuộc chống nổi dậy ở vùng nông thôn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản luôn là mối bận tâm của chính quyền Diệm.
Miller chứng minh rằng không phải mọi hoạt động quân sự của Diệm đều do Mỹ điều khiển hoàn toàn, thậm chí còn xảy ra những bất đồng trong nội bộ Mỹ.
Về xây dựng lực lượng, ví dụ, phái bộ cố vấn của đại học Michigan (MSUG) muốn phát triển Lực lượng Bảo an như là một lực lượng cảnh sát dân sự, trong khi đó các cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) lại muốn lực lượng này là một mô hình bán quân sự hoạt động như một đội quân phụ trợ.
"Chiến lược gìn giữ an ninh nội địa tập trung vào công cuộc chống nổi dậy ở vùng nông thôn nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản luôn là mối bận tâm của chính quyền Diệm. "
Còn với Diệm, Bảo an là một lực lượng lai ghép, kết hợp quyền lực của cảnh sát như quyền giám sát, giam cầm, và phản gián với năng lực quân sự.
Chỉ trích các giải pháp của cố vấn Mỹ không phù hợp với quan điểm của mình, cũng như hoàn cảnh an ninh của miền Nam Việt Nam, Diệm tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng Bảo an như một nhân tố chính trong cuộc chiến chống lại chiến tranh du kích.
Là một cựu quan chức có nhiều trải nghiệm về cách trị dân, hơn ai hết, Diệm hiểu rằng: để cai quản vùng nông thôn cần kết hợp các giải pháp chính trị, quân sự, xã hội và kinh tế.
Do đó, Diệm thành lập Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ như là một cơ quan thiết kế, quản lý, và điều khiển các chương trình phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, ý tưởng của Diệm không giống với hoạch định từ phía Mỹ, đặc biệt là về mục tiêu chương trình Ấp Chiến Lược.
Với các cố vấn Mỹ, một giá trị phổ quát của nền dân chủ đa nguyên là yếu tố chính mang lại thành công của chương trình, cũng như kết quả của cuộc chiến.
Ngược lại, Diệm không bao giờ có quan điểm Dân chủ là một sự cạnh tranh mang tính đa nguyên giữa các đối thủ, đảng phái, và tư tưởng.
Thay vì vậy, Diệm cho rằng nền móng dân chủ của ấp chiến lược là huy động sức mạnh toàn thể dân chúng tham gia vào cuộc chiến chống lại kẻ thù của chế độ.
Miller không thể không thừa nhận rằng dù có nhiều khiếm khuyết và bất cập, nhưng Ấp Chiến Lược là một chương trình thành công, tạo nên một bước ngoặt đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống lại cộng sản ở miền Nam, mang lại hy vọng cho một chiến thắng chung cuộc. Trận Ấp Bắc vào tháng 1/1963 vẫn không dập tắt sự lạc quan của Diệm, vì vậy họ Ngô đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch Bắc tiến, chiếm lại miền Bắc Việt Nam.
Và cuối cùng, Diệm muốn Mỹ viện trợ vũ khí và các nguyên vật liệu khác nhưng không chấp nhận sự việc các cố vấn Mỹ can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.
Khủng hoảng phật giáo và bất đồng về chính sách kiến quốc
Số phận và kế hoạch của họ Ngô đã bị chặn đứng bởi cuộc khủng khoảng Phật Giáo.
Nổi bật giữa các sử gia về chiến tranh Việt Nam, Miller nghiên cứu cuộc khủng khoảng Phật giáo năm 1963 như là một sự phát triển trong dòng chảy lịch sử của quá trình chấn hưng Phật giáo, vốn đã diễn ra trong những năm 1910 và 1920 của thế kỷ 20.
Miller đưa ra một cái nhìn mới về phong trào Phật giáo trong kỷ nguyên của Diệm, rằng nó không chỉ đấu tranh cho sự bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng, mà thực sự là nó còn bộc lộ sự lo lắng sâu sắc về sách lược kiến quốc của Diệm, đặc biệt là về cuộc cách mạng nhân vị điều mà giới Phật tử thấy như là mối đe dọa đến việc làm hồi sinh sức mạnh Phật giáo Việt Nam.
Theo quan điểm của Miller, Phật giáo đã tham gia vào một cuộc cách mạng tự do dân tộc và hiện đại hóa như một sự đóng góp vào tiến trình kiến quốc.
Cuộc xung đột giữa Diệm và Phật giáo đã đẩy cuộc chiến kiến thiết quốc gia lên đỉnh điểm.
Diệm, cho đến phút cuối cùng vẫn tin rằng ông ta sẽ giải quyết sự xung đột này từ vị thế thượng phong như cách anh em ông nghĩ khi bắt đầu mở kênh đối thoại bí mật với cộng sản Bắc Việt.
Nhưng Diệm không bao giờ có thể vãn hồi trật tự như sự trả lời kiên cường và cứng rắn của ông với đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge, vì anh em ông đã bị hạ sát bởi chính những viên tướng phản bội.
Miller kết luận rằng: những vấn đề của sự bất đồng không đơn giản bắt nguồn từ lời tuyên bố thâm thúy và khó hiểu về cuộc cách mạng nhân vị của anh em nhà Ngô.
Chúng bắt nguồn từ mối bất hòa trong thực tế giữa nhà họ Ngô và Mỹ về những ý niệm chính như dân chủ, cộng đồng, an ninh, và cách mạng xã hội.
Khiếm khuyết của cả Diệm và đồng minh Mỹ là sự miễn cưỡng trong việc hợp tác với các phong trào cách mạng ở miền Nam.
Hồ Chí Minh: Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc
Misalliance của Miller đã thành công khi soi sáng một cái nhìn mới về Diệm và chương trình kiến quốc mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa và độc lập trong nhãn quan chính trị của ông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ông Diệm là "nhà yêu nước"
Những tác phẩm trong tương lai không thể bỏ qua những luận điểm của Miller rằng chính sự xung đột nảy sinh từ nhận thức sai lệch đã hình thành mối quan hệ đầy thăng trầm của Mỹ - Diệm và cả số phận miền nam Việt Nam.
Sau năm mươi năm, hình ảnh nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm dần được sáng tỏ trong mắt các sử gia Mỹ.
Đáng tiếc là tại Việt Nam, việc nghiên cứu về ông vẫn là một đề tài cấm kỵ.
Phải chăng, không đi theo chủ nghĩa cộng sản là không phải người Việt yêu nước? Vậy tại sao Hồ Chí Minh lại tuyên bố Ngô Đình Diệm là một nhà ái quốc?
Những người cộng sản Việt Nam không ngờ, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ đã có một cái nhìn khác về đối thủ chính trị ở miền Nam.
Trong một lần gặp gỡ nhà ngoại giao Ấn độ Ramcohundur Goburdhun, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến Đông Dương, ở Hà Nội vào năm 1962, Hồ đã xem Ngô Đình Diệm là một “nhà yêu nước” và nhắn gửi với Goburdhun rằng: “Hãy bắt tay ông ấy [Diệm] giùm tôi nếu như ngài gặp ông ấy.”
Chỉ có những đối thủ xứng tầm nhau mới dành cho nhau lời nhận xét xứng tầm như vậy. Quan điểm của Hồ được nhà sử học Edward Miller lưu tâm vì nó đã gợi lên cho người đọc một cách nhìn khác lạ nhưng không xa lạ về Diệm, một nhân vật chính trị nổi bật và không thể thiếu được khi đề cập đến lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
Việt Nam vừa tổ chức một lễ quốc tang trọng thể cho tướng Giáp, trong khi nhân vật chính trị và quân sự lớn cùng sinh ra từ quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình với tướng Giáp - Cố tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn chưa được trả lại tên thật trên mộ phần.
Sự thật lịch sử về Diệm, cho dù còn nhiều tranh cãi, là “ một lãnh đạo độc tài với chế độ gia đình trị hay là một tổng thống ái quốc” cần phải được trả lại đúng nguyên vị của nó.
[1]Edward Miller, Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam(Cambridge: Harvard University Press, 2013)