Cuộc diễn hành phò sự sống hàng năm để phản đối phán quyết Roe v. Wade năm 1973, tức phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai, thường ít được báo chí và truyền thông thế tục tường trình. Nhưng năm nay có khác, nó lôi cuốn 600,000 người, bất chấp thời tiết lạnh cóng, đã từ khắp các tiểu bang tụ về Washington D.C. để lớn tiếng nói với các nhà lãnh đạo Mỹ điều họ nghĩ về việc hợp pháp hóa phá thai tại Hoa Kỳ.

Hơn nữa, điều thực sự lôi cuốn chú ý của báo giới và truyền thông là chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa, Reince Priebus, đã quyết định hoãn cuộc họp mùa đông của Ủy Ban này mấy tiếng đồng hồ để ông cùng toàn thể Ủy Ban tham dự cuộc diễn hành. Ông nói: “Chúng tôi sẽ có mặt ở đó để gửi đi một thông điệp: chúng tôi là đảng phò sự sống. Sự sống là một ơn phúc cần được bảo vệ”.

Cuộc diễn hành năm nay cũng khiến có sự thay đổi nơi truyền thông xã hội: một áp dụng gọi là March For Life (Diễn Hành Phò Sự Sống) đã được thiết dựng và một “cuộc diễn hành ảo” trên Facebook đã được lập để những ai, không diễn hành thực sự được, có thể biểu lộ sự ủng hộ bằng cách đăng tải hình cuộc diễn hành phò sự sống năm trước làm “hình bìa” của mình.

Phải chăng một phần nhờ Buổi Canh Thức của cả nước cầu nguyện cho sự sống tại Đền Thánh Quốc Gia ở Hoa Thịnh Đốn. Trong Thánh Lễ kết thúc vào ngày 22 tháng Giêng, đáng lẽ Đức TGM Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., sẽ tới giảng thuyết, nhưng vì thời tiết xấu, ngài đã không tới được. Thay vào đó, Đức Ông Walter Rossi, cha sở Đền Thánh, đã đọc bài giảng sau đây do chính Đức TGM gửi tới.

"Hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ 41 vụ Roe v Wade, là vụ thực tế đã hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu. Cuộc tranh đấu chống phá thai của 4 thập niên qua dạy ta một bài học rất hữu ích. Sự ác nói khá nhiều tới “khoan dung” khi nó yếu. Khi nó mạnh, sự khoan dung đích thực bị nó đẩy ra khỏi cửa. Và lý do thật đơn giản. Sự ác không thể chịu đựng được phản chứng của sự thật. Nó sẽ không sống chung một cách hòa bình với điều thiện, vì sự ác nằng nặc đòi được coi là đúng, và được thờ phượng như là điều đúng. Bởi thế, điều tốt phải bị biến thành điều đáng ghét và sai lầm.

"Chính sự hiện hữu của những người nhất định không chấp nhận sự ác và luôn tìm cách hành động hợp nhân đức đang làm những ai không sống như thế tức tối. Và do đó, quả là hợp luận lý khi những người diễn hành, vận động và lên tiếng bênh vực trẻ sơ sinh sẽ bị và đang bị xỉ vả bởi các nhà lãnh đạo, giới truyền thông và những người đấu tranh cho phá thai, là những người đang biến quyền giết trẻ chưa sinh thành đền thờ của chọn lựa bản thân.

"Bẩy mươi năm trước đây, phá thai là một tội phạm chống lại nhân loại. Bốn thập niên sau, những người ủng hộ phá thai nói tới 'thảm kịch' phá thai và nhu cầu phải làm cho nó an toàn và họa hiếm đi. Điều ấy nay không còn nữa. Hiện nay, phá thai không phải chỉ là một quyền, mà là một quyền đòi được có phẩm giá tích cực, được phép quỉ quái hóa đối phương, được ưu tiên can thiệp vào các bảo đảm của hiến pháp đối với tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo. Ta không còn khoan dung việc phá thai nữa. Ta đang thờ kính nó như một vật tổ.

"Đôi lúc, người ta hỏi tôi, trong tư cách tín hữu, ta có thể lạc quan được không về tương lai xứ sở. Câu trả lời của tôi trước sau như một. Lạc quan và bi quan đều nguy hiểm đối với Kitô hữu vì cả Thiên Chúa lẫn ma quỉ đều đầy ngạc nhiên. Nhưng đức cậy lại là chuyện khác. Giáo Hội dạy ta phải sống bằng đức cậy và đức cậy hay hy vọng là một tạo vật khác hẳn với lạc quan. Văn hào Công Giáo Pháp là Georges Bernanos định nghĩa đức cậy là “thất vọng được chinh phục”. Đức cậy là xác tín rằng quyền tối cao, vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa vẫn tồn tại bất chấp mọi yếu đuối và mọi thất bại của ta. Đức cậy là ơn biết tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng y như Người nói Người là, và khi phụng sự Người, ta đã làm một điều phong phú và quí giá để đổi mới thế giới.

"Đời ta quan trọng theo mức độ ta cho nó đi để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đời ta quan trọng không phải vì ta là ai. Nó quan trọng vì Thiên Chúa là ai. Lòng thương xót, đức công chính, tình yêu của Người, tất cả đều là những điều đang chuyển vần các thiên hà và vươn tới tử cung chạm tới đứa trẻ chưa sinh, lúc ấy đã có nét cao cả của một hữu thể nhân bản. Và chúng ta càng trở nên nhân bản hơn nhờ nhìn thấy nhân tính nơi người nghèo, người yếu đuối và trẻ chưa sinh để rồi tranh đấu cho nhân tính ấy.

"Suốt 41 năm qua, phong trào phò sự sống từng bị báo chí gạch bỏ như đã chết rất nhiều lần không đếm xuể. Ấy thế nhưng chúng ta vẫn hiện diện ở đây, hết năm này qua năm nọ, làm thất vọng những người chỉ trích ta và nhất định ta không chịu chết. Tại sao thế? Vì Lời Chúa và công trình của Người vẫn tồn tại. Không phán quyết nào, không luật lệ nào và không một vận động chính trị nào có thể thay đổi sự thật về việc lúc nào thì sự sống con người bắt đầu cũng như sự thánh thiêng mà Thiên Chúa vốn gắn chặt vào mỗi sự sống và mọi sự sống nhân bản.

"Sự thật về phẩm giá con người nhân bản đã bừng cháy trong tâm hồn ta nhờ ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa. Ta chỉ có thể xử lý với sức nóng của tình yêu này bằng hai cách. Ta có thể biến trái tim ta thành đá. Hay biến nó và biến chứng tá của ta thành nguồn ánh sáng cho thế gian. Ai trong anh chị em có mặt ở đây hôm nay hẳn đã chọn lựa. Điều nghịch thường một cách kỳ diệu là bất chấp giá lạnh và mưa tuyết Tháng Giêng, tại ngôi thánh đường vĩ đại này vẫn không hề có những điều như mùa đông. Đây là nhà Thiên Chúa. Tại nơi này, chỉ có thể có sự ấm áp của Nhan Chúa và của Dân Chúa. Tại nơi này, không hề có chỗ cho sợ sệt hay bối rối hoặc tuyệt vọng, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, và tình yêu của Người luôn luôn chiến thắng.

"Mỗi người chúng ta đều được Chúa dựng nên và tuyển chọn vì một mục đích, y như cách Đavít đã được tuyển chọn; chính đây là lý do tại sao thánh vịnh gia đã nói như sau với mỗi người chúng ta ở đây hôm nay:

"Lạy Thiên Chúa, Con sẽ ca Ngài một bài ca mới;
Với cây đàn lia mười dây, con sẽ hát ca ngợi Ngài,
Đấng đã ban chiến thắng cho vua chúa,
Và giải thoát Đavít, tôi tớ Ngài khỏi giáo gươm.

"Thánh vịnh gia viết những lời trên không phải trong thời hòa bình hạnh phước thần thông, mà là giữa cuộc đấu tranh gian khổ của dân Do Thái để sống còn và để trung thành với giao ước Thiên Chúa, giữa lúc bị kẻ thù bao vây và bị phân hóa trong nội bộ. Đó cũng là loại thời khắc của chính chúng ta hiện nay. Tất cả chúng ta hiện diện nơi đây vì yêu quê hương xứ sở và muốn quê hương xứ sở này hiện thân hóa các lý tưởng cao đẹp nhất của các vị lập quốc, trong luật lệ và trong thực hành. Nhưng các quốc gia có sinh có thịnh, rồi suy rồi tàn. Và quốc gia ta cũng sẽ như thế. Ngay một Xêda tốt cũng vẫn chỉ là Xêda. Chỉ có Giêsu Kitô mới là Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới vững bền. Việc ta phải làm là làm một cách chăm chỉ bao nhiêu có thể, là làm một cách hân hoan bao nhiêu có thể, và bao lâu có thể để khuyến khích việc tôn kính sự sống con người trên xứ sở ta và bảo vệ tính thánh thiêng của con người nhân bản, bắt đầu với trẻ chưa sinh.

“Chúng ta còn một nhiệm vụ khác: sống hy vọng; tin tưởng rằng Thiên Chúa thấy rõ sự yếu ớt của những kẻ tự đắc và quyền thế; và sự mạnh mẽ của những người trong sạch và yếu đuối. Bài đọc của Sách Samuen hôm nay nhắc ta nhớ rằng Đavít hạ đo ván tên khổng lồ Gôliát chỉ bằng chiếc ná và viên đá nhẵn, đơn sơ lấy từ suối cạn. Còn điều tôi thấy ở đây trước mắt tôi hôm nay không phải 'năm viên đá nhẵn từ suối cạn' mà là hàng trăm và hàng trăm viên đá như thế. Nhiệm vụ của ta là hạ sát tội phá thai và chiếm lại những người đàn ông và đàn bà đang bị cầm tù trong nền văn hóa bạo động mà tội kia đã tạo ra. Về lâu về dài, điều đúng sẽ tạo ra sức mạnh, chứ không ngược lại. Về lâu về dài, sự sống sẽ mạnh hơn sự chết, và lòng can đảm của anh chị em, sự kiên trì của anh chị em, lòng cảm thương của anh chị em sẽ phụng sự Thiên Chúa sự sống, cả đối với những kẻ nhạo báng anh chị em.

"Tin Mừng hôm nay cho ta hay: Chúa Giêsu có uy lực đối với bệnh tật và dị dạng. Nhưng một cách triệt để hơn nữa, nó nhắc nhở ta rằng Giêsu là Chúa của chính ngày Sabát, một ngày được dành riêng mỗi tuần để tôn kính Tác Giả mọi tạo vật. Như Chúa Giêsu nói đâu đó trong Tin Mừng, ngày Sabát là vì con người, chứ con người không vì ngày Sabát. Cũng thế, nhà nước, các tòa án và luật lệ của nó là vì con người, chứ con người không vì nhà nước. Con người nhân bản là chủ thể sự sống và là chủ thể lịch sử; họ bất tử và vô cùng quí giá trước con mắt Thiên Chúa; chứ không phải một tùy thể hóa học, không hề là tay chơi, cũng không phải đồ vật vô hồn để kẻ quyền thế và ích kỷ muốn khẳng nhận hay vứt bỏ ra sao tùy ý.

"Nếu Giêsu là Chúa của ngày Sabát, thì Người cũng là Chúa của lịch sử. Và chẳng chóng thì chày, bất chấp sự yếu đuối của bằng hữu Người và sự mạnh mẽ của kẻ thù Người, ý Người sẽ được thể hiện, dù phe Biệt Phái và Hêrốt tân thời có chấp nhận hay không".