Hemant Mehta vừa lần rở lại hành trình rón rén bước vào Đạo Công Giáo của người giầu thứ hai trên thế giới, chủ tịch Microsoft Bill Gates.

Trong cuộc phỏng vấn của PBS năm 1995, Bill Gates phát biểu rằng: “Tôi không phải là người đi nhà thờ thường xuyên. Các yếu tố chuyên biệt của Kitô Giáo không phải là những điểu khiến tôi tin nhiều. Trong các khía cạnh luân lý của tôn giáo, có rất nhiều giá trị. Tôi nghĩ giá trị này có thể có tác dụng hết sức, hết sức tích cực… Về phương diện hành sự, tôi chấp nhận cách tiếp cận có tính khoa học nhiều hơn đối với lý do tại sao sự việc đã xẩy ra và chúng xẩy ra cách nào. Tôi không biết liệu có thần minh hay không, nhưng tôi nghĩ các nguyên tắc tôn giáo đều rất có giá trị”.

Năm 1997, trong cuộc phỏng vấn của Time, Bill Gates tâm sự rằng: Melinda (vợ ông) là người Công Giáo, đi nhà thờ thường xuyên và muốn dưỡng dục Jennifer cách đó. “Nhưng nàng đề nghị với tôi một điều: nếu tôi chịu đi nhà thờ, gia đình tôi vốn theo giáo phái Congregationalist (Công Lý Hội), thì Jennifer có thể được dưỡng dục trong bất cứ tôn giáo nào tôi chọn”. Gates công nhận rằng ông bị lôi cuốn bởi đề nghị này vì ông thích con gái ông có một tôn giáo “ít thần học và mọi chuyện” hơn Đạo Công Giáo, nhưng ông đã không theo đề nghị ấy. Ông giải thích “Về phương diện dành tài nguyên thì giờ mà thôi, tôn giáo không hiệu năng bao nhiêu. Có nhiều điều tôi có thể thực hiện được hơn vào sáng Chúa Nhật”.

Năm 2010, bích chương của Liên Minh Sinh Viên Duy Tục Illini có đăng hình Bill Gates với những dòng chữ sau: Người giầu thứ hai trên thế giới đã hiến tặng hơn 26 tỷ cho bác ái. Bill Gates là người tốt mà không cần có Thiên Chúa (good without God). Bạn thì sao?

Năm 2014, trên tập san Rolling Stone, tức tập san gần đây có hình và bài về Đức Phanxicô trên trang bìa, Bill gates cho rằng “Tôi nghĩ: các hệ thống luân lý của tôn giáo đều siêu quan trọng. Chúng tôi từng dưỡng dục con cái mình theo cung cách tôn giáo; chúng vốn đi nhà thờ Công Giáo, nơi Melinda thường đi và tôi cũng tham gia. Tôi vốn may mắn và do đó đã hết sức cố gắng giảm thiểu các bất công trên thế giới. Và đó là một thứ tín ngưỡng tôn giáo. Tôi muốn nói, ít nhất đó cũng là niềm tin luân lý…

Tôi đồng ý với những người như Richard Dawkins (nhà vô thần nổi tiếng) rằng nhân loại cảm thấy nhu cầu phải có những huyền thoại về tạo dựng. Trước khi thực sự hiểu bệnh tật và thời tiết và những điều tương tự như thế, ta đi tìm các lối giải thích lầm lẫn về chúng. Bây giờ, khoa học đã giải thích đầy đủ một số lãnh vực này, không phải tất cả, những lãnh vực mà trước đây tôn giáo vẫn giải thích. Nhưng mầu nhiệm và vẻ đẹp của thế giới là điều cực kỳ lạ lùng, và hiện chưa có giải thích khoa học nào đối với việc chúng xẩy ra cách nào. Nói rằng chúng tình cờ phát sinh ra hình như, ông thấy đó, là một điều thiếu bác ái (cười). Tôi nghĩ rằng tin Thiên Chúa là điều có nghĩa, nhưng quyết định nào khác trong đời bạn cần đưa ra vì thế thì tôi không biết chính xác”.

Như thế… ở một thời điểm nào đó trong thập niên qua, xem ra Bill Gates đã tìm thấy tôn giáo. Có lẽ thế. Ông không thẳng thừng nhìn nhận mình tin Thiên Chúa hơn là điều ông vẫn cho là mình không tin Thiên Chúa.

Tuy nhiên, xem ra ta không thể bao gồm ông vào hàng ngũ vô tôn giáo được nữa.

Frank Weathers cũng cùng một nhận định như trên, căn cứ vào hai câu hỏi cuối cùng trong cuộc phỏng vấn của Rolling Stone, mà câu trả lời đã được Mehta thuật lại trên đây. Weathers tin rằng nơi Bill Gates đang có sự thay đổi về quan điểm tôn giáo, một cách huyền nhiệm nhờ công trình của Chúa Thánh Thần. Nghĩa là không do thời khóa biểu của bất cứ ai mà là của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên ta không quên sự kiện này ông bà Gates đang có những ý kiến và có những hành động đi ngược lại giáo huấn Công Giáo. Nhưng xét cho cùng có ai trong chúng ta thực sự xứng đáng được kể vào hàng con cái Giáo Hội? Trước khi có Giáo Hội, Thánh Vịnh Gia từng chỉ rõ:

“Từ vực thẳm con kêu lên Chúa, lạy Chúa; Xin nghe tiếng con, hỡi Chúa! Xin tai Chúa chăm chú lắng nghe lời con kêu van thương xót. Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững? Nhưng Chúa có sự tha thứ và vì thế Chúa được kính tôn”.