LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014

2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014

3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014

4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.

5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.

6. Hôm nay, ngày 22.05.2014, xin giới thiệu bài 6 «Hạnh phúc hôn nhân » của AC Phạm Hòa Hiệp.


HẠNH PHÚC HÔN NHÂN


"Thông điệp "Đời sống con người" giúp chúng ta phác họa một linh đạo cho đời sống vợ chồng. Sự tương giao hôn nhân hòa thuận được hình thành trong hợp-thức phàm trần và siêu nhiên. Sự tương giao hòa thuận này hàm nghĩa rằng đôi vợ chồng cùng đặt mình trong sự tỏ bày trung thực của thân xác." (Trần thuyết trong triều yết ngày 21-11-1984 – Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô 2)

1. 'Ai sẽ chỉ cho ta thấy hạnh phúc? Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều hoan lạc, hơn khi thiên hạ được mùa, lúa rượu đầy dư...’ (Tv 4,7-8)

Con người ước vọng hạnh phúc. Từ thuở con người được sinh ra trong vũ trụ, qua mọi thời miên man khắc khoải kiếm tìm, ước vọng này đã gợi lên nhiều trọng đề nghị luận khả dĩ triển khai thích đáng sự hiểu biết về con người và về hạnh phúc. Con người trong tương quan với Trời? với vũ trụ vạn vật? con người với chính mình và với tha nhân?... Cũng trĩu nặng những ưu tư ấy, hạnh phúc tròn đầy trong cuộc sống lứa đôi, tương quan vợ chồng, một tương quan giao tiếp nam nữ có những nét chấm phá riêng chứa đựng những chiều kích vô cùng nhiệm lạ "người với ta tuy hai mà một"... Thật vậy, một cách lạ lùng, trong đời có những người tự nhiên mình khó nói chuyện, hoặc có những người tự dưng mình cảm thấy không hợp và có những người không tài nào mình có thể đi đến một sự thông cảm giao hòa... Thế nhưng, giữa lòng nhân loại đông như sao trời cát biển, khi có một đôi bạn nam nữ tự do đón nhận nhau trong lòng mến chân thành ươm hạt một tình yêu thủy chung như nhất, phải nói đó là một hiện tượng huyền nhiệm của tình yêu đôi lứa "tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm"... Yêu là gì? tình yêu từ đâu xuất hiện vào đời đôi bạn tình nhân? Một ngọn nguồn tình yêu, có hay không? là hiện thực hay chỉ là mộng mơ?

Đây giây phút lương duyên đầy thi vị

Đẹp như trời tinh khiết buổi thái sơ

Đây giao hòa, cõi thực giữa cõi mơ

Xin thành kính dâng lên Nguồn Chí Ái...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Trong ánh đuốc truy tìm hạnh phúc... Những suy nghĩ nào, những chọn lựa nào...

"Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"... Tiến đến hôn nhân, ai cũng mong được người bạn đường ý hợp tâm đầu, không hay cãi vã gây bất thuận bất hòa, đó là căn bản cho hạnh phúc gia đình. Theo kinh nghiệm dân gian thì các tuổi sau đây hợp nhau (các bộ tam hợp): THÂN-TÝ-THÌN; DẦN-NGỌ-TUẤT; HỢI-MÃO-MÙI; TỴ-DẬU-SỬU. Các tuổi khắc nhau (các bộ tứ xung) là: DẦN-THÂN-TỴ-HỢI; THÌN-TUẤT-SỬU-MÙI; TÝ-NGỌ-MÃO-DẬU. Nếu không hợp (nằm trong bộ tam), thì cũng đừng xung (nằm trong bộ tứ)!

Tin Mừng của Chúa Kitô lại gợi lên một sinh hoạt vợ cHồng Yêu thương trong sự nối kết khắng khít THIÊN-NHÂN-ĐỊA: Yêu thương giữa vợ chồng, từ bi bác ái giữa vợ chồng, ý hợp tâm đầu giữa vợ chồng... sự sinh hoạt trần gian đầm ấm hạnh phúc vợ chồng, ấy là do sự kết hiệp tình yêu vợ chồng trong Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa, không xa cách hay cắt đứt với Người.

Đường tương lai trước mặt đang rộng trải

Chúng con đi mang âu yếm trong lòng

Tay nắm tay tính chuyện tát bể Đông

Xin được lãnh ơn Thiên Linh cao cả...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Khoa học về con người, cách riêng về đời sống tâm linh của con người cho thấy rằng khuynh hướng tìm đạt hạnh phúc nơi con người đối chiếu tương ứng với những điều mặc khải của Thiên Chúa trong Tin Mừng Chúa Kitô mang đến cho con người. Nói khác, người ta cảm nhận rằng mặc khải của Thiên Chúa có thể làm thỏa mãn những ước vọng của con người nơi tâm hồn, có thể lấp đầy những đòi hỏi cùng tận của lòng con người. Xét về bản tính tinh thần, nơi con người có sự ước ao đạt đến sự thật tuyệt đối, sự lành tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt hảo... và những khát vọng ấy diễn tả trong mỗi hành động tự do và hiểu biết của con người. Tín thư mặc khải tình yêu tinh tuyền trọn hảo theo mời gọi của Thiên-Chúa-Tình-Yêu luôn vang động vào tận cùng sâu thẳm tương quan vợ chồng cả hồn cả xác.

2. Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi... (St 2,23). Từ khởi nguyên tạo thành: Là nam là nữ Người đã dựng nên chúng. Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cả cha mẹ mình, và cả hai, chúng sẽ nên một thân xác (Mc 10,6). Vậy điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta chớ có phân ly (Mc 10,9).

"Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành khôn nguôi, đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui..." (thánh ca Đâu có tình yêu thương - Vinh Hạnh)

"Đạo vợ chồng tình sâu nghĩa ái "(Gia huấn ca - Nguyễn Trãi)

Không phải là không biết đến những lời kinh thánh, những lời khuyên dạy của đạo lý thánh hiền, trải nghiệm đời sống vợ chồng, có lẽ là đại đa số nếu không muốn khẳng định là hầu hết mọi người, đều cùng nhận thức rằng những bức tranh của cuộc sống lứa đôi không luôn luôn chỉ toàn là những bức tranh tươi đẹp hừng sáng mầu hồng. Những cuộc tình đôi lứa có thể có đầy đủ những hỷ nộ ái ố tham sân si, đầy đủ những đen tối phũ phàng của vị kỷ, so bì, tị nạnh, ghen tuông, hờn oán, bạo hành, phân ly, dối gạt, bất trung, thù hận.... khả dĩ đẩy đưa đến mọi hình thái của thảm cảnh, của địa ngục trần gian.

Từng lời nói, từng cử chỉ, tấc dạ

Từng tia nhìn, từng khóe mắt, nụ cười

Cả những lúc thinh lặng đến rợn người

Xin biến hóa thành tình ca muôn điệu

Gặp những phút lỡ lầm đến khó hiểu

Những vụng về, sơ xuất, trái ý nhau

Những nghi ngờ, thoi thóp trái tim đau

Xin giữ trọn sắt son niềm chung thủy...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Trong thời đầu của cuộc tình yêu nhau, vợ chồng tung tăng tay trong tay, nồng nàn chung lưng đấu cật... nhất nhất công kia việc nọ cùng nhau hoàn thành trôi chảy một cách tự nhiên trong phấn chấn yêu thương thắm thiết... đúng là "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn", hầu như không cần phải vạch rõ đâu là bổn phận vợ, đâu là bổn phận chồng... Nhưng nếu bổn phận là một qui định mang tính câu thúc bó buộc, trong thực tế phức tạp của đời sống lứa đôi, quan điểm vợ chồng phải có những bổn phận đối với nhau trước sau đều được cả đôi vợ chồng cùng khẳng định và chấp hành.

Có một sưu tập vào khoảng năm 1714 tổng kết tới khoảng 56 trường hợp đặt vấn đề "bãi trừ bổn phận vợ chồng", theo đó yêu cầu bãi trừ của bên phía nữ nhiều hơn một cách đáng kể của bên phía nam.

Trong việc chăn gối, khi vợ hay chồng, người này từ khước ý muốn "ân ái" của người kia, sự từ khước này có thể tạo nên nguyên nhân cho các cuộc "giải quyết sinh lý" ngoài hôn nhân, hoặc có thể là nguyên cớ của các cuộc ngoại tình thầm lén. Đàng khác, những "bê tha" đó, có thể được vợ hay chồng, người này nại ra để hù dọa hầu cưỡng buộc người kia phải thỏa mãn những cơn nhục dục của mình.

3. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng (Mt 5128).

Vì thế, ý niệm về bổn phận vợ chồng cần phải được triển khai sâu rộng một cách thích đáng,

Biết rằng trong bất cứ cuộc sống chung nào giữa những con người với nhau, người ta phải cùng nhau thỏa thuận đề ra những qui định có tính cách câu thúc, bó buộc, ngay cả đi đến ấn định những trừng phạt hay chế tài nếu vi phạm... bởi vì, trong tương quan "bổn phận và quyền lợi", nếu không có những qui định như vậy thì ai ai cũng có thể nại nhiều lý do để miễn trừ cho mình, chỉ muốn có quyền lợi mà không muốn có bổn phận. Trong tương quan vợ chồng, những lý do để miễn trừ bổn phận thường là: mệt mỏi, bận bịu việc nhà tràn ngập, con cái đau ốm, ngăn trở nghiệp vụ... hoặc đơn giản hơn là: biếng nhác, dửng dưng tình cảm, nhàm chán yêu đương... Sự ý thức nghiêm chỉnh bổn phận vợ chồng, sự thông hiểu sâu sắc nghĩa vụ phu thê sẽ tránh cho đời sống lứa đôi khỏi rơi vào tình trạng nguội lạnh u buồn, khô héo tàn tạ vì thiếu hẳn tình yêu đúng nghĩa.

Bao ngang trái, khác biệt, vẻ kỳ dị

Sẽ long lanh biến sắc trong hy sinh

Giữa bao dung lượng thứ quên thân mình

Hoa yêu đương không nếm mùi tàn tạ...

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Như việc ươm trồng vun tưới một cây ăn trái, nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau thuộc về cả hai đương sự phải quan tâm gầy dựng thực hiện. Tuy nhiên, người vợ cần được cảm thấu nghĩa vụ này một cách nhạy bén hơn, do bởi:

- người nữ dễ có khuynh hướng tránh việc "ân ái thể xác" hơn người nam, thậm chí đôi khi còn giữ quan niệm rằng sự "kiêng khem" này làm cho đời sống lứa đôi được thanh khiết hơn. Như đã biết, ý niệm ảo tưởng lụn bại xa xưa về sự thanh khiết này đã được đề ra để từ chối kế đồ yêu thương trong mầu nhiệm "nhập thể".

- người nữ thường quan niệm khinh xuất một cách tai hại về tâm sinh lý phái nam, khiến họ không biết rằng nhu cầu "hợp hoan thể xác" (cùng trở nên một xương một thịt) nơi người nam là nhu cầu không phải trước tiên để "giải quyết sinh lý", nhưng là một nhu cầu trào vọt thúc đẩy nơi người chồng thông tỏ tình yêu cho người vợ đồng lúc với ước muốn sôi sục được cảm biết một cách thuyết phục tình yêu thủy chung như nhất của vợ mình dành cho mình.

Nghĩa vụ phu thê, nghĩa vụ diễm phúc này nhắc nhở đôi bên vợ chồng, thực hữu của người này (tất cả sinh mệnh, toàn diện xác hồn) là quà tặng cho người kia, và quà tặng này bao hàm tất cả thân xác hiện sinh cụ thể như được diễn tả qua thuật ngữ "trao thân gửi phận". Nghĩa vụ vợ chồng trao tặng thân xác cho nhau nhắc nhở về một tình yêu vợ chồng hiện thực trong xác phàm, chứ không phải là mộng mị trên mây trên gió, một thứ tình yêu ảo tưởng trong mơ tưởng thần tiên huyền hoặc. Nghĩa vụ vợ chồng trong việc ái ân thể xác như vậy cảnh tỉnh đôi bên đương sự về những gì làm cho họ dửng dưng xem nhẹ những đòi hỏi tương giao phái tính trọn vẹn và đặc biệt trong chiều kích xác thể, về những gì làm cho họ lơ là quên lãng những đòi hỏi ứng đáp yêu đương thầm kín phòng the vợ chồng mà bản chất sinh động mang một tầm quan trọng nhiều khi có tính cách quyết định cho sự bền vững tình yêu đôi lứa, bền vững hôn nhân.

Vậy là, nghĩa vụ vợ chồng có thiên chức là một giới luật tình yêu, một lệnh truyền yêu thương; không phải là sự thống trị của người này trên người kia để nại vào những yêu sách "quyền lợi, bổn phận"...

Đã có những thời và những nơi mà người ta quan niệm mục đích hôn nhân trước tiên là sinh đẻ đồng thời là giáo dục con cái, hoặc với những chủ ý khác phụ theo như là sự nương tựa vợ chồng, giải pháp hộ lý tình dục...

Thật khó nói về ý nghĩa đích thật của hôn nhân khi đứng trước những trường hợp người ta cưới vợ lấy chồng chỉ nhằm mục đích giải quyết sinh lý, xem hôn nhân như là khuôn khổ trong đó tha hồ tự do giải phóng nhục dục đè nén, giải tỏa ức chế cho cách riêng những người có tư chất sung mãn tình dục.

Phải nhận thức rõ ràng và dứt khoát rằng hôn nhân được tạo dựng nên không phải để làm dịu những cơn khát dục tình hay để thỏa mãn những mê đắm khoái lạc dục vọng.

4. Nhược bằng họ không tiết dục được, họ hãy kết hôn. Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu... (Mieux vaut se marier que de brûler de désir... (1Cr 7,9)

Lời khuyên này của thánh Phaolô tông đồ về hôn nhân đã có thể bị hiểu sai, khiến cách riêng những người trẻ khó kềm hãm ham muốn nhục dục của mình có thể vịn vào lời khuyên đó mà chủ định hôn nhân là giải pháp ổn thỏa cho sự buông tuồng dục vọng của họ.

Nam cũng như nữ, ở độc thân cũng như sống kết bạn hôn nhân, mọi người đều được mời gọi sống nhân đức khiết tịnh. Về vấn đề này, phải nhận rằng những người sống kết bạn hôn nhân chịu cám dỗ nhiều hơn so với những người sống độc thân (như các vị linh mục, tu sĩ nam nữ...), bởi một lẽ nhục thể vợ chồng như "mỡ trước miệng mèo" đối với nhau, và nhất là hôn nhân là môi trường thuận lợi cho mọi ham muốn thể hiện ái ân qua mọi hình thái biến ảo hay cuồng si mê loạn. Đối với những người sống độc thân, với một nếp sống không phóng đãng lang chạ, tất nhiên họ không bị những cám dỗ dục vọng phái tính trong một mức độ giống như những người sống bậc vợ chồng. Trải nghiệm này hiện thực cho cả những người sống đời tu trì độc thân, khi họ nhận ra rằng mọi buổi tối trên giường ngủ của họ không có một người nam hoặc người nữ nào. Lẽ đương nhiên phải khẳng định là đối với những người sống bậc độc thân, sự giữ gìn nhân đức khiết tịnh đòi hỏi cả một cuộc chiến đấu, nhất là trong thời đại duy vật hưởng thụ ngày nay.

Hôn nhân có phải là giải pháp ổn thỏa, thuận tình, hợp lý, định khuôn trật tự... đối chiếu với một bối cảnh tự do giao tiếp nam nữ, phóng đãng tràn lan, buông tuồng vô hạn? có phải là phòng the cho sự mê đắm tà dâm? phải hiểu thế nào về câu "Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt bởi mê dục..." (Mieux vaut se marier que de brûler de désir...).

Bản chất của hôn nhân đã từng được thánh Phaolô rao giảng: "Hãy tùng phục nhau trong sự kính sợ Đức Kitô: Vợ hãy phục tùng chồng, như thể đối với Chúa… Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Đức Kitô đã yêu mến Hội thánh…

5. Cũng vậy, chồng phải yêu mến vợ mình, như chính thân mình. Mà yêu mến vợ thì khác gì là yêu mến mình!. Quả có ai bao giờ lại đi ghét xác thịt mình, trái lại người ta dưỡng nuôi mặc ấm, cũng như Đức Kitô xử với Hội thánh, vì là chi thể của Thân Mình Ngài" (Ep 5, 21)

Nhưng đứng trước tình trạng bệnh hoạn suy vong của con người đắm đuối ngụp lặn trong đồi trụy khoái lạc dục vọng xác thịt, từ góc nhìn suy ngắm mầu nhiệm cứu độ, thánh Phaolô quảng diễn hôn nhân đem lại một phương thức trị liệu cho sự mê đắm nhục dục nơi thân phận con người phàm tục. Trải nghiệm đó xuất phát từ nhận thức sự mê đắm nhục dục mang dấu ấn của nguyên tội, tội lụy tổ truyền theo đó con người mưu tìm hạnh phúc trong sự lạm dụng biến suy bản chất cũng như cứu cánh của tạo thành bằng những nhân tố trần gian như là chiếm đoạt, thống trị, óc hưởng thụ, chủ thuyết tự hữu tự tại, tư lợi vị kỷ... những nhân tố này không do Thiên Chúa tạo nên, như thánh Gioan đã vạch rõ trong thư: ‘Vì mọi sự có trong thế gian: đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu hãnh của của cải... các điều ấy không do tự Cha, nhưng là do tự thế gian mà có’ (1Ga 2,16).

Trong thân phận phàm nhân, kể từ thời nguyên tội, mọi người đều bị lụy vào sự mê đắm sắc dục này, đặc biệt trong hôn nhân vốn có thể được biến thành một môi trường tốt cho cám dỗ mê đắm hưởng thụ sắc dục. Chính vì vậy, bí tích hôn nhân là một đặc ân tăng cường sức mạnh cho những người có ơn gọi sống đời vợ chồng khả dĩ chống lại những cám dỗ mê dục của xác thịt. Với đặc ân có tác dụng trị liệu này, bí tích hôn nhân mang hiệu lực của phương thức trị liệu, cứu chữa người nam và người nữ bị thương tổn bởi nguyên tội, diệt trừ tận gốc mầm mống mê đắm nhục dục. Đặc ân trị liệu này trong bí tích hôn nhân, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, đem lại cường tráng và tân tạo tận thâm sâu cốt lõi cho những người dấn thân vào cuộc sống hôn nhân vợ chồng; với đặc ân trị liệu đó, bí tích hôn nhân mời gọi họ chân thành hiến thân cho nhau, một sự hiến tặng trọn vẹn hiện sinh bao gồm trọn vẹn chiều kích xác thể.

Từ huyền thoại về nhà hiền triết Socrate xứ Hy Lạp nong nả ngày đêm trên khắp các nẻo đường tra hỏi truy tìm chân lý, có những đôi vợ chồng không tránh khỏi nhiều vấn nạn khắc khoải:

"Yêu cho biết sao đêm dài... (Ảo ảnh - Lời và nhạc Y Vân)" Ý thức bàng hoàng về một tình yêu ảo ảnh, lời thảng thốt não nùng về một tình yêu không có thật, sau chuỗi ngày "tận hưởng bên nhau" tất cả cơ hồ chỉ là vô thường, chỉ là hư vô…

"Yêu rồi tình yêu sao chua cay, men nào bằng men thương đau đây… cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau, hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi!…" (Tình lỡ - Lời và nhạc Thanh Bình) Trải nghiệm đớn đau tuyệt vọng não nề vào cuối đường một duyên tình lỡ làng, không phải thiên duyên tiền định nhưng bi đát thay chính là một xe duyên lầm lỡ…

Thế nào là một tình yêu thật? Biết bao những tra hỏi vật vã "khi vò chín khúc, khi chau đôi mày" trổ sinh trên những khúc đường khuya của đời sống hôn nhân!. Tình là giây oan? Tu là cội phúc ??? Trong cuộc sống lứa đôi cụ thể và hiện thực, đâu là những chuẩn mực minh bạch, những khuôn vàng thước ngọc sáng tỏ hầu giúp cho vợ chồng ái ân nhất cử nhất động đúng cách và những bước đi yêu đương đúng đường đúng hướng.

Nhu cầu về một "định chuẩn" để an lòng vì được có tính chính đáng hợp phép, để không bị bối rối lương tâm vì được hợp lệ hợp thức. Khi có những chuẩn mực minh bạch và khách quan, vợ chồng được an tâm khi chấp hành theo đúng những qui định chuẩn mực đó. Khi vượt lằn qui định đã vạch, vợ chồng sẽ bị u uẩn dằn vặt lương tâm hay sẽ bị ê chề mặc cảm tội lỗi. Thật khó chừng nào để nhào nặn ra những "định chuẩn" ấy, những chuẩn mực ứng xử trong tương quan vợ chồng!!!.

Trong khuôn khổ hôn nhân vợ chồng, nếu có thể nhào nặn ra những "định chuẩn" nào đó thì không phải là tất cả những "định chuẩn" ấy đều thích hợp cho tất cả mọi đôi hôn nhân. Ngay trong một đôi hôn nhân, khó lòng có những chuẩn mực luôn luôn phù hợp cho cả vợ cả chồng bởi một lẽ giản dị rằng mỗi người là một thực thể độc đáo riêng biệt, không chung một nền đào tạo, không luôn luôn đồng một nhận thức, khác nhau cả về cảm xúc lẫn tính tình... vì thế, có thể chuẩn mực này thuận cho người này mà lại nghịch cho người kia. Đó là chưa nói đến, không phải điều gì đó "được phép làm" thì luôn luôn là hợp tình hợp cảnh.

Vậy thì, một chuẩn mực khả dĩ có cơ may thành hình nhất thiết phải có bản chất là lòng tế nhị yêu thương nhạy bén ân cần, theo đó khởi phát đòi hỏi người này có ý chí và thành tâm thiện ý cố gắng khớp theo hiện trạng định chuẩn riêng biệt của người kia, chứ không phải chỉ là vợ chồng đồng khớp theo một "chuẩn mực" định sẵn ở ngoài sự đồng thuận của cả hai.

Hơn nữa, về vấn đề cảm tính trong tương giao thân mật tính dục vợ chồng, có một khác biệt giữa nam và nữ. Nơi người nữ vốn có cảm ứng nhục thể đặc biệt tinh tế, ít đậm mầu "dục tính xác thể", người nữ có thể cảm thấy ngượng ngùng, khó xử, thậm chí có thái độ khinh nhờn hay cự tuyệt đối với một số cử động thân mật phòng the. Ngược lại, phía người nam, xúc cảm mạnh hơn nhiều về phương diện "nhục dục", có thể tỏ ra u buồn nhụt hứng, phẫn chí, bất mãn vì không được ứng đáp trong động thái ái ân đúng như mong muốn.

Dẫu sao, cuối cùng ra, cần thiết phải có một nguyên tắc ứng xử chung cho đôi bên vợ chồng. Một gợi ý của linh mục Finet được diễn tả như sau:

"Tất cả mọi tác nhân xa hay gần giúp cho sự tương giao nhục thể vợ chồng đích thực “nên một thân xác” thì mang tính tốt lành, chính đáng nên cần được triển khai và thực hiện. Tất cả mọi tác nhân xa hay gần khiến qui về sự hưởng thụ ích kỷ hay sự thống trị vợ chồng người này trên người kia là nguy hại nên cần phải tiên liệu và xa tránh"

Nguyên tắc này giả thiết vợ chồng không những phải có lòng chân thành mà đồng thời phải có khả năng sáng suốt biện biệt tốt xấu, ý chí và nhẫn nại, lập trường hành động cương quyết suốt trong công cuộc chiến đấu xây dựng đời sống hôn nhân theo cứu cánh tạo dựng của Thiên-Chúa-Tình-Yêu.

Hôn nhân, một cuộc tương giao vợ chồng toàn diện, trọn vẹn, tiến đến hoàn hảo...

Những tác nhân xa: một cử chỉ âu yếm thường nhật, một bó hoa, một động tác phụ giúp, một biểu lộ quan tâm, một quà tặng... tất cả được thi triển với tất cả tấm lòng chân thành yêu thương...

Những tác nhân gần: nụ hôn, vòng tay ôm ấp, vuốt ve, khúc dạo đầu khơi dẫn cảm xúc hợp hoan ái ân...

Dẫn vào càng lúc càng sâu vườn tình huyền hoặc đầy hoa thơm cỏ lạ, mỗi bước đi là một định hướng cẩn trọng lần theo lối đi vào tình yêu chân chính quang tỏa ánh sáng của Chân Thiện Mỹ.

6. Người đã làm ra tự một người mọi dân thiên hạ để họ lan khắp mặt đất mà ở. Người đã định thời tiết phân minh và cương giới nơi chốn họ ở, ngõ hầu họ tìm kiếm Thiên Chúa và họa may rờ rẫm sao mà gặp được Người (Cv 17,26).

Chân Thiện Mỹ của tương giao vợ chồng, trong tương giao đích thật này, vợ chồng cảm nhận một niềm hoan lạc nhục thể khôn tả, một niềm vui sướng thanh thỏa đặc biệt. Nhưng những cảm thú sung sướng ấy không phải là mục đích, chúng chỉ là hoa quả của hành động tương giao. Về vấn đề này, cần phân biệt rằng tiến đến tương giao trọn vẹn nên một trong thân xác (maximum de communion) không phải là tìm kiếm tột đỉnh của cảm thú sung sướng (maximum de plaisir). Có những động thái "hiến thân" (don des corps) không đem lại sự "nên một thân xác" (communion), bởi vì kinh nghiệm chứng nhận rằng có thể có những khoái cảm cao độ mà hoàn toàn vắng bóng sự sung mãn của "tương giao vợ chồng nên một trong thân xác". Chính sự vợ chồng "nên một trong thân xác" mới là mục đích của hành động tương giao.

Chân Thiện Mỹ của tương giao vợ chồng, với tương giao đích thật này, vợ chồng hòa hợp nên một trong tình thương, phục tùng nhau chứ không phải thống trị nhau (biết rằng óc thống trị có thể biểu lộ hay ẩn nấp qua mọi hình thái tinh tế không dễ phát hiện)

Tất cả những tác nhân xa hay gần có những tác dụng gì?

Những tác nhân bất hảo gây nên: thờ ơ lạnh nhạt, do dự, ứng đáp lạc điệu, hiệp thông trắc trở, thủ thế chống hòa đồng... tất cả những thái độ tiêu cực trong sự hiến thân trọn vẹn cho nhau (nảy sinh từ đủ mọi thứ nguyên do, tỷ dụ một vết thương lòng chỉ bởi một sự hiểu lầm nhau).

Những tác nhân tốt lành làm phát sinh: niềm tin tưởng tín thác, sự ứng đáp thuận nhịp hoàn hảo, niềm hiệp nhất nồng nàn tận đáy tim lòng.

Người nam và người nữ, là những con người không phải là những “con vật”, "đồ vật", không phải là những "bộ máy tự động vô hồn"... Những câu hỏi như:

Phải làm gì để tôn trọng phẩm giá là một con người trong việc tỏ tình yêu với nhau?

Phải làm sao trước sự ngỏ ý muốn "ân ái" của người vợ hay người chồng?

Nên làm thế nào để cuộc ái ân vợ chồng được toại nguyện, khi phải tính tới những yếu tố chi phối một cách khác nhau trên người nam và người nữ như: thời tiết, khung cảnh không gian, những bức xúc đời thường, thể trạng cá biệt (kinh nguyệt phụ nữ), căng thẳng tâm sinh lý, mệt nhọc, trầm cảm...

Làm thế nào để diễn tả sự "tự ý trao thân hoàn toàn" chứ không phải chỉ là sự "cho thuê mướn tấm thân"?

Làm thế nào để tránh bị nhàm chán vô vị trong việc chăn gối vợ chồng?

Hướng về một tương giao hôn nhân đích thật và toàn vẹn, một lô phức tạp những câu hỏi day dứt đặt ra thường xuyên trong cuộc sống giữa vợ chồng với nhau đẩy tới ý thức về sự hiện diện thúc bách của bao nhiêu là yêu sách có bản chất bó buộc chứ không phải nhiệm ý: yêu sách sống chân thực tình yêu, yêu sách cư xử bác ái đối với nhau trước hiện trạng thực hữu riêng biệt của mỗi bên, vợ hay chồng...

Từ đầu tới cuối trong suốt toàn bộ quá trình đón nhận nhau trong tình yêu hôn nhân, đó là công việc biện phân sáng suốt từng cử chỉ lời nói, công việc chỉnh hướng những gì sai lạc, công việc "tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết" để cảm thông nhau trong tận sâu thẳm của những nỗi niềm tâm sự, công việc dắt nhau lên đỉnh cao Chân Thiện Mỹ... đó là cả một công trình tạo dựng dài lâu vô thời hạn có thể hàm chứa những giai đoạn vui hay buồn, lúc thăng lúc trầm, lúc thành lúc bại... Người nam hay người nữ đều giống như một rừng hoang mênh mông huyền bí, cuộc tình vợ chồng đi vào đời nhau như dấn bước vào một cuộc phiêu lưu vừa tìm kiếm, khám phá trong tin yêu, vừa xây dựng kiến tạo trong hy vọng. Mỗi một lần vợ chồng "kết hiệp nên một thân xác" với nhau, sự kết hiệp này thể hiện thành niềm hoan lạc của tình yêu vợ chồng chân thực và trọn vẹn. Lòng mến chân thành giữa vợ và chồng là môi giới tượng hình về tình yêu trong mầu nhiệm hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói khác, tình yêu hôn nhân chân thực bắt nối thông hiệp vào chiều kích yêu thương vô biên của Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu (Dieu est Amour).

"Đôi môi khi trao cho nụ hôn, là dấn theo tất cả tình yêu." (Les lèvres qui s'engagent pour un baiser, engagent tout l'amour. Linh mục văn sĩ Michel Quoist lột tả đầy ý nhị trọn hảo về tình yêu hôn nhân sinh động thiết tha với cả hồn cả xác).

Cúi lạy Chúa Nguồn Tình Thiêng nhiệm lạ

Giúp chúng con sống trọn nghĩa thương nhau

Luôn khắng khít như giao hứa ban đầu

Mỗi hơi thở thơm tho mầu duyên thắm.

(Nhiệm lạ - Linh mục thi sĩ CUNG CHI)

Chiêm ngắm dung nhan Chúa với hoạt động dào dạt của ân sủng Người trong thực tế muôn mặt của đời hôn nhân, bằng những vần thơ "thương ngàn thương" trong thi phẩm "Nhiệm lạ", linh mục thi sĩ Cung Chi mở hướng về góc nhìn tràn ngập tin yêu, thiết tha nguyện cầu và miệt mài hy vọng của nhiệm tích hôn nhân trong đời sống vợ chồng, nhiệm tích nâng cao phẩm giá cao trọng người nam người nữ trong tương giao Tình Yêu Thật.