Giải đáp phụng vụ: Phải truyền phép cả bánh và rượu cho Thánh lễ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Nếu trong phần truyền phép, sau khi truyền phép bánh xong, linh mục qua đời hoặc quên truyền phép rượu, liệu chúng con có Thánh lễ hiệu lực hay không? Con biết rằng bánh lễ đã truyền phép là Mình Chúa Kitô. Thưa cha, liệu việc truyền phép rượu tuyệt đối cần thiết cho một Thánh lễ thành sự không? -G. D., Chicago, Mỹ.


Đáp: Tôi xin trả lời, một phần dựa vào sách giáo khoa thần học luân lý và mục vụ của linh mục Henry Davis, Dòng Tên (SJ), xuất bản năm 1935.

Trung tâm của câu trả lời liên quan đến sự gián đoạn của Thánh lễ là:

"Khi một linh mục buộc phải gián đoạn Thánh lễ do bệnh tật hoặc một lý do nghiêm trọng khác, sau khi ngài đã truyền phép một hay hai hình (bánh và rượu) - và dường như ngài không thể phục hồi sức khỏe trong vòng một giờ - thì buộc Thánh lễ phải được tiếp tục cử hành bởi một linh mục khác.

"Trong trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, ngay cả một linh mục đã bị vạ tuyệt thông, bị huyền chức hoặc vì lý do bất thường khác, có thể hoàn thành Thánh Lễ này.

"Nếu vị linh mục đầu tiên có thể nói năng được, ngài có thể rước lễ từ hai hình đã được truyền phép trong Thánh Lễ

"Nếu không có linh mục nào ngay tại đó, các Mình thánh và chén rượu (dù chưa được truyền phép) nên được đặt trong nhà tạm, cho đến khi một linh mục đến để hoàn tất Thánh Lễ.

"Khoảng thời gian giữa hai lần truyền phép có thể kéo dài bao lâu cũng được, nhưng nên càng sớm càng tốt.

"Nếu rượu chưa truyền phép bị hỏng, hoặc chắc chắn sẽ bị hỏng, trước khi một linh mục đển để truyền phép rượu, thì rượu ấy nên được đổ vào giếng thánh, và được thay thế bằng rượu mới (và thay cả nước nữa), trước khi linh mục đến.

"Chỉ trong các trường hợp rất hiếm và rất khẩn cấp, các hình đã được truyền phép của một Thánh lễ gián đoạn có thể được tiêu thụ ngay. Chẳng hạn nguy cơ gần của sự xúc phạm Mình Máu Thánh, hoặc sự bất khả khách quan để bảo quản an toàn Mình Máu Thánh, như trong điều kiện chiến tranh, hoặc một khí hậu mà rượu vang sẽ chắc chắn bị hỏng, trước khi một linh mục có thể đến để hoàn thành Thánh Lễ.

"Nếu sự gián đoạn xảy ra trước khi truyền phép, mà không có linh mục khác tiếp tục cử hành Thánh lễ, và không có Thánh lễ nào khác vào khoảng thời gian ấy, thì một phó tế, một thầy có chức giúp lễ, hoặc một thừa tác viên ngoại thường có thể lấy Mình Thánh từ nhà tạm, và cho giáo dân rước lễ, trong khi sử dụng Nghi thức Rước lễ ngoài Thánh lễ.

"Nếu sự gián đoạn xảy ra sau khi linh mục đã rước lễ, các thừa tác viên trên đây sẽ cho giáo dân rước lễ trong khi dùng Nghi thức như trên".

Từ những gì đã được nói ở trên, thật là rõ ràng rằng việc truyền phép rượu là tuyệt đối cần thiết cho một Thánh lễ thành sự. Và việc linh mục rước lễ là cần thiết cho sự đầy đủ của nó, như là một dấu hiệu của hy tế. Quả là đúng rằng Chúa Kitô thực sự hiện diện trong các Bánh Thánh ngay sau lúc truyền phép bánh, nhưng hy tế của Thánh lễ đòi hỏi truyền phép cả hai hình bánh và rượu.

Nếu một linh mục quên truyền phép rượu trong chén thánh, và sau đó ngài cho giáo dân rước lễ với các Bánh thánh này, họ vẫn rước Mình Chúa Kitô, nhưng nói cho chặt chẽ, họ đã không tham dự vào hy tế của Thánh Lễ. Thậm chí việc này cũng không giống như việc rước lễ ngoài Thánh lễ, bởi vì Bánh thánh mà họ rước như thế này là kết quả của một hy tế trọn vẹn.

Nếu điều này xảy ra (linh mục quên truyền phép rượu), thì phó tế, thầy có chức giúp lễ, hoặc bất cứ ai khác cần nói ngay với linh mục rằng ngài chưa truyền phép rượu. Linh mục sẽ dừng Kinh nguyện Thánh thể, và truyền phép rượu, trước khi tiếp tục phần còn lại của Kinh nguyện Thánh Thể. Tốt hơn, ngài nên đọc lại phần thứ hai của Kinh Nguyện Thánh Thể, vì các lời nguyện chỉ có ý nghĩa trong sự hiện diện của hy tế đầy đủ. Nếu ngài phát hiện trễ hơn, chẳng hạn trước khi rước lễ, ngài chỉ cần đọc lại lời truyền phép.

Nếu xảy ra trường hợp là linh mục được cho biết là ngài quên truyền phép rượu, sau khi Thánh lễ đã hoàn tất, ngài nên hoàn tất cách riêng tư hy lễ, bằng cách rót rượu và nước vào chén thánh, truyền phép rượu và sau đó uống Máu Thánh (Sanguis).

Các nguyên tắc cơ bản này có thể được áp dụng trong tình huống ít xảy ra hơn, đó là khi linh mục trực tiếp truyền phép rượu trước, mà bỏ qua (do quên) truyền phép bánh. Sự thay đổi trong thứ tự truyền phép sẽ không làm mất hiệu lực Thánh Lễ.

Không cần phải nói, các sự lơ đãng như thế hầu như không bao giờ đáng xảy ra, nhưng bản tính con người yếu đuối - và con người linh mục cũng không là ngoại lệ - có nhiều sự bất toàn và hạn chế. Vì thế, các chuyện như trên đã xảy ra rồi. (Zenit.org 22-6-2010)

Nguyễn Trọng Đa