Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ khởi hành từ sân bay Fiumicino ở Rôma vào Thứ Sáu 28 Tháng 11 lúc 9:00 sáng. Ngài sẽ đến Ankara lúc 1:00 trưa và sẽ đến thăm ngôi mộ của Kemal Atatürk, cha đẻ nước Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại.
Lễ đón tiếp sẽ diễn ra tại Phủ tổng thống, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Ngài cũng sẽ gặp gỡ với vị bộ trưởng Tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày thứ Bảy, ngài sẽ đến Istanbul và đó là phần quan trọng nhất trong chuyến đi. Đức Thánh Cha sẽ đến thăm nhà thờ Hagia Sophia, nơi đã từng là một đền thờ của Chính Thống Giáo, sau đó là Vương Cung Thánh Đường Công Giáo, rồi bị Hồi Giáo chiếm làm đền thờ và bây giờ là một viện bảo tàng. Đức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm đền thờ Xanh của Hồi giáo. Sau đó, ngài sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần của Công Giáo và tham dự một buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng Phụ Bartholomew Đệ Nhất.
Vào ngày Chúa Nhật, ngài sẽ tham dự buổi Phụng Vụ tại Tòa Thượng phụ Đại kết nhân lễ Thánh Anrê Tông Đồ.
Cùng ngày hôm đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ khởi hành từ Istanbul vào lúc 5 giờ chiều và về đến Rôma khoảng 7 giờ tối.
2. Chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Thánh Cha có thể phải huỷ bỏ
Trong một diễn biến bất ngờ, hôm thứ Hai 20 tháng 10, Bộ Trưởng Thông Tin Sri Lanka là Keheliya Rambukwella đã cho biết rằng “Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm tới”. Được hỏi chính xác là vào ngày nào, ông cho biết: “Tôi biết ngày nào nhưng không thể nói ngay bây giờ”.
Nhiệm kỳ tổng thống tại Sri Lanka là 6 năm và hiến pháp chỉ cho phép một vị tổng thống được đảm nhiệm tối đa là 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tháng 9 năm 2010, Quốc Hội bỏ phiếu tu chính hiến pháp mở đường cho tổng thống Mahinda Rajapaksa có thể làm bao nhiêu nhiệm kỳ cũng được.
Sau khi giải giáp được quân du kích Hổ Tamil vào năm 2009, uy tín của tổng thống Mahinda đã lên rất cao và ông đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2010 để đảm đương nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Bình thường ra thì cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2017. Tuy nhiên, vì những lý do chính trị, tổng thống Mahinda đã muốn bầu cử sớm đến 2 năm.
Buổi sáng ngày 20 tháng 10, trong công nghị Hồng Y bàn về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông, Đức Thánh Cha cũng đã ấn định ngày phong hiển thánh cho chân phước linh mục Joseph Vaz là ngày 14 tháng Giêng 2015, trong chuyến viếng thăm của ngài tại Sri Lanka từ 13 đến 15 tháng Giêng năm tới.
Với quyết định tuyển cử sớm này của Sri Lanka, tình hình trở nên phức tạp. Theo thông lệ ngoại giao, Đức Giáo Hoàng sẽ không viếng thăm một quốc gia trong thời gian tuyển cử để tránh làm phức tạp thêm tình hình chính trị tại quốc gia đó. Tương lai chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Thánh Cha Phanxicô, do đó, rất là mong manh.
3. Những điều ít người biết về Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
Đức Hồng Y Montini đã rất lo lắng trong thời gian Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, vì ngài biết rõ những gì sắp diễn ra. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm triều Giáo Hoàng của ngài, ngài không sợ hãi phải đối mặt với những thách đố của một giai đoạn đặc biệt khó khăn thông qua 7 cử chỉ đáng ngạc nhiên.
Ngài là vị Giáo Hoàng đã bán vương miện của mình
Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,
Tin rằng Đức Giáo Hoàng không phải là một vị vua, ngài đã từ bỏ vương miện ba tầng chỉ một năm sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Số tiền bán được đã dành để giúp đỡ các công việc bác ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Từ đó, đến nay không có vị Giáo Hoàng nào sử dụng vương miện nữa.
Một nhóm người Công Giáo Mỹ đã mua lại vương miện này với giá 1 triệu Mỹ Kim. Quý vị nào có dịp đến Washington DC, ghé thăm Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ, nơi cũng có một nhà nguyện kính Mẹ La Vang của người Việt Nam sẽ thấy vương miện này được trưng bày ở đó.
Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới bên ngoài nước Ý.
Trên tờ bìa số ra ngày 4/1/2004, tờ Quan Sát Viên Rôma đã trình bày những suy tư về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục xảy ra trước đó 40 năm, tức là 50 năm tại thời điểm năm 2014 này. Tờ báo này nhận định rằng dù ngắn ngủi (chỉ có 3 ngày), đây là chuyến tông du "hết sức quan trọng".
Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét "Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dùng phi cơ, và thực hiện một chuyến đi đến miền đất của Thánh Phêrô và các thánh tông đồ".
Ngài đã đến thăm 19 quốc gia trên khắp năm châu trong 9 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm New York, Iran, Philippines, Colombia, và Bồ Đào Nha. Khi trở về từ Thánh Địa, ngài gặp gỡ dân chúng trên đường phố Rôma với vòng tay rộng mở.
Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói:
"Trong mỗi chuyến tông du, ngài thường yêu cầu những nhà tổ chức để ngài được tiếp xúc trực tiếp với người dân và các gia đình. Ngài cũng yêu cầu đến thăm các vùng ngoại ô của thành phố."
Ngài là vị Giáo Hoàng chỉ còn cách Trung Quốc có 29km
Năm 1970, ngài tới thăm Hương Cảng. Phần đất này lúc đó vẫn còn dưới quyền cai trị của người Anh. Thống đốc David Trench, người đã chính thức mời ngài sang thăm Hương Cảng đã chịu một áp lực nặng nề và những lời hăm dọa của Mao Trạch Đông đến mức ông phải làm bộ cáo ốm đi nghỉ hè để không chính thức tiếp đón Ngài.
Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói thêm:
"Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên rất gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngài đã có thể nói chuyện trực tiếp với mọi người, với những từ ngữ của hòa bình và tình yêu."
Ngài là vị Giáo Hoàng đã bãi bỏ danh mục các sách bị cấm
Năm 1966, Đức Phaolô Đệ Lục đã loại bỏ danh mục các sách cấm người Công Giáo đọc, vốn đã tồn tại bốn thế kỷ.
Cha Gianfranco Grieco /gian – fran- co griê-cô/, tác giả, cuốn "Pablo VI. He visto, he creído" /pab-lo sêi he vis-to he crêi – đô/ nói:
"Ngài là một nhà nhà trí thức và đồng thời là một người cam kết đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới. Ngài biết rằng một kỷ nguyên đã kết thúc và một kỷ nguyên khác đã bắt đầu."
Ngài đề cao sự hiệp nhất trong Công Đồng Vatican II
Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa mới diễn ra chỉ có 191 nghị phụ và bàn thảo về một chủ đề giới hạn trong phạm vi mục vụ gia đình. Tuy nhiên, đã có những ý kiến rất khác biệt. Vì thế, người ta phải nhìn nhận rằng Đức Phaolô Đệ lục đã thành công trong một kỳ công gần như không thể đó là ngài ông đã đưa 2,500 nghị phụ tham gia Công Đồng Chung Vatican II, bàn thảo về nhiều vấn đề bao quát trong Giáo Hội đến chỗ đồng thuận với nhau. Ngài đã cho thấy khả năng của mình trong việc hòa giải mà không tương nhượng bất cứ tín lý nào.
Ngài xây dựng nhịp cầu với Giáo Hội Chính Thống
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là người đã có thể chấm dứt 1,000 năm mất lòng tin giữa người Công Giáo và Chính Thống Giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Chính Thống Giáo. Ngài đã làm mọi thứ có thể để thiết lập một tình bạn trực tiếp và cá nhân với ngài mở ra quan hệ tốt đẹp như hiện nay.
Hơn 50 năm trước đây, chính xác là vào ngày 6 tháng Giêng năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras tại Giêrusalem “nơi Đấng Cứu Chuộc chung của chúng tôi, là Chúa Kitô, đã sống, đã giảng dạy, đã chết, đã sống lại, và đã lên trời, mà từ đó, Người đã sai Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội non trẻ” như đã nêu trong Thông Cáo Chung của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras, công bố sau cuộc gặp gỡ.
Ngài đề cao giá trị của tình yêu
Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố bảy thông điệp trong triều đại giáo hoàng kéo dài 15 năm của ngài.
Thông điệp cuối cùng là Humanae Vitae (Sự sống con người), có lẽ một trong những tài liệu gây tranh cãi nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.
Cha Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriô nói:
"Đối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác."
Năm 1968, Hoa Kỳ và nhiều nước trong thế giới phương Tây đã trải qua những thay đổi đáng kể về phương diện văn hóa và xã hội.
Các thế hệ sinh viên mới của những năm cuối thập niên 1960 đã nổi dậy chống lại các giá trị của cha mẹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức và tình dục.
Cha Roberto Regoli nói thêm:
"Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã phải thực hiện những thay đổi sâu rộng được Công đồng Vatican II đưa ra giữa một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, vượt ra ngoài Giáo Hội, đó là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và văn hóa."
Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng " hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản."
Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo.
Cha Roberto Regoli cho biết:
"Đó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài."
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo về những hậu quả mà phong cách sống mới này có thể gây ra cho gia đình. Những hậu quả như ngoại tình, mất sự tôn trọng đối với phụ nữ, và các biện pháp tránh thai trở thành quốc sách của các nhà nước trên thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông điệp Humanae Vitae có tính tiên tri và Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có "can đảm đi ngược lại với đa số," khi quyết liệt "bảo vệ kỷ luật đạo đức."
4. Đức Thánh Cha chủ tọa công nghị Hồng Y về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông
Sáng thứ Hai 20 tháng 10, Đức Thánh Cha đã chủ tọa công nghị Hồng Y về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông và quyết định về việc phong Hiển thánh.
Tham dự công nghị bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng có các vị Thượng Phụ và một số Giám Mục.
Đức Thánh Cha đã ấn định ngày phong hiển thánh cho chân phước linh mục Joseph Vaz là ngày 14 tháng Giêng năm 2015, trong chuyến viếng thăm của ngài tại Sri Lanka từ 13 đến 15 tháng Giêng năm tới. Thánh nhân từ Ấn Độ đến truyền giáo tại Sri Lanka trong thời kỳ người Hòa Lan bách hại các tín hữu Kitô tại đảo này.
Về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông, Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta có cùng ước muốn hòa bình và ổn định tại Trung Đông và ý chí cổ võ giải pháp cho các cuộc xung đột bằng cách đối thoại, hòa giải và dấn thân chính trị. Đồng thời chúng ta muốn gia tăng sự trợ giúp có thế cho các cộng đồng Kitô để hỗ trợ họ ở lại vùng miền ấy.
“Như tôi đã có dịp lập lại nhiều lần, chúng ta không thể có thái độ cam chịu khi nghĩ đến miền Trung Đông không còn Kitô hữu nữa, những người từ 2 ngàn năm nay đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu tại đó. Những biến cố gần đây, nhất là tại Irak và Siria, gây lo âu rất nhiều. Chúng ta chứng kiến một hiện tượng khủng bố có chiều kích không thể tưởng tượng được trước đây. Bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại và đã phải rời bỏ gia cư, cả trong tình thế tàn bạo. Dường như người ta đánh mất ý thức về giá trị sự sống con người, con người dường như không đáng kể gì nữa, và người ta có thể hy sinh con người cho những lợi lộc khác. Rất tiếng là tất cả những điều đó xảy ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Tình trạng bất công này, không những đòi lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng còn cần phải có câu trả lời thích hợp từ phía cộng đồng quốc tế. Tôi chắc chắn rằng với sự phù trợ của Chúa, từ cuộc gặp gỡ hôm nay, sẽ có những suy tư giá trị và những đề nghị để có thể giúp anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ và đáp ứng cả thảm trạng suy giảm sự hiện diện của Kitô giáo tại miền đất nơi Kitô giáo được khai sinh và phổ biến.
Tiếp lời Đức Thánh Cha, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình trước công nghị về khóa họp mới đây tại Vatican, từ ngày 2 đến 4-10 vừa qua của các vị Sứ thần Tòa Thánh ở Trung Đông, các đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở Genève và New York cùng với các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh về sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Đông.
Trước tiên các vị bàn về tình trạng không thể chấp nhận được tại Trung Đông do cái gọi Nhà Nước Hồi giáo, một thực tài chà đạp công pháp và dùng những phương pháp khủng bố để mưu toan mở rộng quyền bính: giết người hằng loạt, chém đầu những kẻ nghĩ khác họ, bán phụ nữ ở chợ, xung các trẻ em vào các cuộc chiến đấu, tàn phá các nơi thờ phượng.. Tình trạng đó khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ gia cư đi lánh nạn nơi khác, trong những điều kiện bấp bênh, chịu bao đau khổ về thể lý và tinh thần. Khi lên án rõ ràng những vi phạm đó, không những đối với công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng cả về các nhân quyền sơ đẳng nhất, người ta cũng tái khẳng định quyền của người tị nạn được trở về đất nước của mình và sống trong phẩm giá, trong an ninh. Đó là quyền phải được cộng đồng quốc tế và các quốc gia hỗ trợ và bảo đảm. Điều có liên hệ ở đây là những nguyên tắc căn bản như giá trị sinh mạng và phẩm giá con người, tự do tôn giáo, sự sống chung hòa bình và hòa giữa các cá nhân và giữa các dân tộc.
Đức Hồng Y Parolin cũng nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột ở Trung Đông là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định quốc tế. Hòa bình ở Trung Đông không thể tìm kiếm bằng những chọn lựa đơn phương áp đặt bằng võ lực.
Đức Hồng Y nhắc đến lời Đức Thánh Cha lên án nạn buôn bán võ khí là một trong những nguyên nhân tạo nên nhiều nạn nhân ở Trung Đông và cộng đồng quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này.
5. Những phiên họp cuối của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình
Trong phiên khoáng đại thứ 14 sáng thứ Bẩy 18 tháng 10, từ 9 giờ đến 12 giờ rưỡi, các nghị phụ đã nghe Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn trình bày bài suy niệm ngắn trong kinh Giờ Ba lúc 9 giờ. Ngài nói với Đức Thánh Cha và các nghị phụ rằng "Chúa Kitô là hy vọng duy nhất cho cuộc sống gia đình ngày hôm nay và ngày mai ... Chúng ta tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, hoặc sức mạnh của thế giới? Sức mạnh của thế giới phá hủy tất cả mọi thứ: cuộc sống, tình yêu, gia đình nhân loại. Trái lại đời sống đức tin được diễn tả qua một cuộc sống yêu thương, là nguồn mạch vui mừng, hạnh phúc”.
Các nghị phụ sau đó đã nghe đọc dự thảo Bản tường trình kết thúc công nghị Giám Mục thế giới này, và bỏ phiếu chấp thuận văn bản chung kết Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi cộng đồng dân Chúa.
Ban chiều từ 4 giờ rưỡi đến 7 giờ, có phiên khoáng đại thứ 15 và là phiên cuối cùng. Các nghị phụ đã bỏ phiếu thông qua Bản tường trình Thượng Hội Đồng Giám Mục để đệ lên Đức Thánh Cha. Văn kiện này chưa phải là quyết định chung kết nhưng sẽ được dùng làm Tài Liệu làm việc cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa thường lệ sẽ diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015.
6. Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình gởi cho cộng đoàn Dân Chúa trên thế giới
Sáng thứ Bẩy 18 tháng 10, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại phòng báo chí Tòa Thánh để trình bày sứ điệp của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Kỳ thứ Ba nhóm từ ngày 05 tháng 10 đến ngày 19 Tháng 10 để bàn về các "thách thức mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa". Tham dự trong buổi họp báo có Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ.
Toàn văn sứ điệp gởi cộng đoàn Dân Chúa được công bố dưới đây:
"Chúng tôi, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng, tập trung tại Rôma cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thượng Hội Đồng Ngoại Thường, gởi lời chào đến tất cả các gia đình ở các châu lục khác nhau và đặc biệt là tất cả những ai đang tiến bước theo Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Chúng tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với những chứng tá hàng ngày mà anh chị em đưa ra cho thế giới với sự trung tín, đức tin, hy vọng và tình yêu của anh chị em.
Mỗi người chúng tôi, các vị mục tử của Giáo Hội, lớn lên trong một mái gia đình, và chúng tôi đến từ những bối cảnh và kinh nghiệm rất đa dạng. Là những linh mục và giám mục, chúng tôi đã từng sống cùng với các gia đình, những người đã chuyện trò với chúng tôi và trình bày cho chúng tôi thấy những câu chuyện về niềm vui và khó khăn của họ.
Việc chuẩn bị cho cuộc họp Thượng Hội Đồng này, được bắt đầu với bản câu hỏi được gửi đến các Giáo Hội trên toàn thế giới, đã cho chúng tôi cơ hội để lắng nghe những kinh nghiệm của nhiều gia đình. Cuộc thảo luận của chúng tôi tại Thượng Hội Đồng này giúp chúng tôi làm phong phú lẫn nhau, giúp chúng tôi nhìn vào các tình huống phức tạp mà các gia đình ngày nay phải đối mặt.
Chúng tôi muốn gởi đến anh chị em những lời này của Chúa Kitô: "Nầy đây, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà và dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ ở cùng Ta. Trên hành trình của Ngài qua các nẻo đường Thánh Địa, Chúa Giêsu thường vào những ngôi nhà trong các làng mạc. Ngay cả ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục đi qua những đường phố của chúng ta. Trong ngôi nhà của anh chị em có ánh sáng và bóng tối. Những thách đố và đôi khi thậm chí cả những gian nan vẫn thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống. Bóng tối có thể phát triển sâu đến mức trở thành một màn đêm dày đặc khi xấu xa và tội lỗi len vào vào trung tâm của gia đình.
Chúng tôi nhìn nhận có những thách đố lớn lao để trung thành trong tình yêu vợ chồng. Đức tin yếu đuối và sự thờ ơ với những giá trị đích thực, chủ nghĩa cá nhân, các mối quan hệ bị làm nghèo nàn đi, và những căng thẳng khiến con người không còn có thể suy tư chín chắn để lại những vết thẹo trong cuộc sống gia đình. Quá thường khi những khủng hoảng trong hôn nhân được giải quyết một cách vội vàng và người ta không có can đảm, kiên nhẫn và suy tư chín chắn để hy sinh và tha thứ cho nhau. Những thất bại làm gia tăng các mối quan hệ mới, các cặp vợ chồng mới, các kết hợp dân sự mới, và những cuộc hôn nhân mới, tạo ra những hoàn cảnh gia đình rất phức tạp và khó giải quyết, trong đó lựa chọn Kitô trong cách hành động không phải là mặc nhiên.
Chúng tôi cũng nghĩ đến những gánh nặng áp đặt bởi cuộc sống trong những khổ đau có thể xảy ra khi con cái cần phải được chăm sóc đặc biệt, khi bệnh tật nghiêm trọng ập đến, trong sự suy thoái của tuổi già, hoặc trong cái chết của một người thân yêu. Chúng tôi ngưỡng mộ lòng trung thành của rất nhiều gia đình đã phải chịu đựng những thử thách với lòng dũng cảm, đức tin và tình yêu. Họ thấy đó không phải là một gánh nặng gây ra để làm khổ họ, nhưng là một cái gì đó mà chính qua đó họ nhìn thấy Chúa Kitô đang đau khổ trong thể xác yếu đuối của mình.
Chúng tôi nhớ đến những khó khăn gây ra bởi hệ thống kinh tế bị thống trị bởi "sự sùng bái ngẫu tượng tiền bạc và tính chất độc tài của một nền kinh tế phi nhân thiếu vắng một cùng đích nhân bản thực sự" đang làm suy yếu phẩm giá con người. Chúng tôi nghĩ đến những người làm cha làm mẹ đang thất nghiệp, là những người bất lực trong việc cung cấp những nhu cầu cơ bản cho gia đình mình, và những thanh niên đang đối diện với một viễn ảnh trống rỗng, những người là miếng mồi ngon cho ma túy và tội phạm.
Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều những gia đình nghèo, những người bám víu vào những con thuyền mong manh hy vọng đến được một bến bờ sống sót, những người tị nạn lang thang vô vọng trong sa mạc, những người bị bách hại vì đức tin và vì những giá trị nhân bản và tinh thần mà họ đề cao. Đó là những người bị ảnh hưởng bởi sự tàn bạo của chiến tranh và áp bức. Chúng tôi nhớ đến những người phụ nữ bị bạo hành và khai thác, là nạn nhân của tệ buôn bán người, những trẻ em bị lạm dụng bởi những người lẽ ra phải bảo vệ họ và thúc đẩy sự phát triển của họ, và các thành viên của rất nhiều gia đình đã bị suy thoái lại còn phải đương đầu với những gánh nặng khó khăn chồng chất. "Nền văn hóa của sự thịnh vượng đang làm chúng ta chết dần mòn .... tất cả những người đang phải còi cọc trong cuộc sống vì thiếu cơ hội dường như chỉ là một cảnh tượng không hơn không kém; không còn làm chúng ta mủi lòng ". Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế hãy thúc đẩy các quyền của gia đình vì lợi ích chung.
Chúa Kitô muốn Giáo Hội của Người là một ngôi nhà luôn mở rộng cửa chào đón tất cả mọi người. Chúng tôi nhiệt liệt cảm ơn các vị mục tử của chúng ta, những anh chị em giáo dân trung thành, và các cộng đồng đang đồng hành với các cặp vợ chồng và các gia đình, và đang chăm sóc cho vết thương của họ.
Cũng có ánh đèn đêm tỏa sáng rực rỡ làm ấm áp thể xác và tâm hồn con người đằng sau những ô kính cửa sổ trong những ngôi nhà thành phố, trong những mái nhà khiêm tốn ở vùng ngoại ô và trong các làng mạc, và thậm chí trong các túp lều. Ánh sáng này - ánh sáng của một mối lương duyên - tỏa sáng từ cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng: đó là một ân sủng, một hồng ân được thể hiện như trong Sách Sáng Thế khi hai người "mặt đối mặt" như những người giúp đỡ lẫn nhau và bình đẳng. Tình yêu của người nam và người nữ dạy chúng ta rằng mỗi người cần đến người khác để mình được thực sự là mình. Mỗi người vẫn khác với người kia nhưng tự mở mình ra và hiểu mình hơn trong ân sủng hỗ tương này. Chính vì thế mà cô dâu trong Diễm Tình Ca đã hát bài ca vịnh của mình: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng.”
Cuộc gặp gỡ đích thực này bắt đầu với sự theo đuổi nhau, với một thời gian chờ đợi và chuẩn bị. Nó được hiện thực hóa trong bí tích mà Thiên Chúa đóng lên dấu ấn của Ngài với sự hiện diện của Ngài, và ân sủng. Con đường này cũng bao gồm các mối quan hệ tình dục, sự dịu dàng, thân mật, và vẻ đẹp có khả năng kéo dài sức sống và sự tươi mát của tuổi trẻ. Tình yêu như thế, tự bản chất của nó, cố gắng kéo dài mãi mãi đến độ dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Trong ánh sáng này tình yêu phu phụ, là duy nhất và bất khả phân ly, mới được bền vững dù gặp bao gian nan thử thách. Tình yêu ấy là một trong những phép lạ đẹp nhất và phổ biến nhất.
Tình yêu này lây lan qua khả năng sinh sản và thông truyền cho thế hệ trẻ, trong đó bao gồm không chỉ việc đón nhận con cái nhưng còn là trao ban món quà của sự sống thiêng liêng qua việc rửa tội, dạy giáo lý, và giáo dục con cái. Nó bao gồm khả năng trao ban cuộc sống, tình cảm, và các giá trị - một kinh nghiệm có thể thực hiện ngay cả bởi những người không thể sinh con. Các gia đình sống tràn ngập trong ánh sáng này trở thành một dấu chỉ cho tất cả, đặc biệt là cho những người trẻ.
Cuộc hành trình này đôi khi là một chuyến leo núi dốc dác đầy những khó khăn và vấp ngã. Thiên Chúa luôn luôn ở đó để đi cùng với chúng ta. Các gia đình cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong tình cảm và trong cuộc đối thoại giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em. Họ đón nhận Ngài trong lời cầu nguyện gia đình và trong việc lắng nghe Lời Chúa – như một ốc đảo nhỏ để nương tựa tinh thần hàng ngày. Họ nhận ra Ngài mỗi ngày khi họ giáo dục con cái trong đức tin và trong vẻ đẹp của một đời sống theo Tin Mừng, một cuộc sống thánh thiện. Ông bà cũng chia sẻ nhiệm vụ này với tình cảm tuyệt vời và sự tận tụy. Như thế, gia đình là một Giáo Hội đích thực mở rộng ra thành cộng đồng Giáo Hội là gia đình của các gia đình. Các đôi vợ chồng Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những thầy dạy về đức tin và tình yêu cho những cặp vợ chồng trẻ.
Một biểu hiện khác của sự hiệp thông huynh đệ là tình bác ái, là sự cho đi, là sự gần gũi với những người ở tận cùng của xã hội, những người chịu thiệt thòi, người nghèo, người cô đơn, người bệnh tật, những người xa lạ, và các gia đình đang trong cuộc khủng hoảng, với nhận thức từ lời Chúa rằng "Cho thì có phúc hơn là nhận". Đó là ân sủng của những điều thiện, của tình bạn, của tình yêu và lòng thương xót, và cũng là một chứng tá cho sự thật, ánh sáng, và ý nghĩa của cuộc sống.
Đỉnh cao tổng hợp tất cả những mối dây hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân là việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật khi gia đình và toàn thể Giáo Hội ngồi đồng bàn với Chúa. Ngài ban chính mình cho tất cả chúng ta, những người lữ hành qua dòng lịch sử hướng tới mục tiêu là cuộc gặp gỡ cuối cùng khi "Chúa Kitô là tất cả và trong tất cả". Do đó, trong giai đoạn đầu tiên của chương trình nghị sự tại Thượng Hội Đồng này, chúng tôi đã suy tư về những cách thế để đi cùng với những người đã ly dị và tái hôn; và về sự tham gia của họ trong các bí tích.
Chúng tôi, các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng xin anh chị em đồng hành với chúng tôi tại Thượng Hội Đồng tiếp theo. Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse dưới mái nhà khiêm tốn của các Ngài vẫn hiện diện trên anh chị em. Hiệp với Thánh Gia Nazareth, chúng ta dâng lên Chúa Cha lời thỉnh cầu của các gia đình trên thế giới:
Lạy Cha, xin ban cho tất cả các gia đình sự hiện diện mạnh mẽ và khôn ngoan của những đôi vợ chồng, là những người có thể là nguồn mạch cho một gia đình tự do và hiệp nhất.
Lạy Cha, xin ban cho những bậc cha mẹ có thể có một mái nhà, để sống trong an bình với gia đình họ.
Lạy Cha, xin cho những trẻ em có thể là một dấu chỉ của sự tin cậy và hy vọng và cho những người trẻ tuổi có can đảm để chấp nhận những cam kết lâu dài, và trung tín.
Lạy Cha, xin cho tất cả mọi người có thể kiếm được lương thực hàng ngày với đôi tay của họ, xin cho họ có thể tận hưởng sự thanh thản về tinh thần và có thể giữ cho ngọn đuốc đức tin bùng cháy ngay cả trong những thời kỳ bóng tối.
Lạy Cha, xin ban cho tất cả chúng con được thấy một Giáo Hội phát triển mạnh, trung thành và khả tín hơn bao giờ hết, một thành phố công lý và nhân bản, một thế giới yêu mến sự thật, công lý và lòng thương xót ".
7. Diễn từ bế mạc Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình
Buổi chiều ngày thứ Bẩy 18 tháng Mười, trong diễn văn kết thúc Thượng Hội Đồng về gia đình tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn các nghị phụ về các cố gắng của các ngài tại Thượng Hội Đồng và nói tới một số cám dỗ có thể có trong cuộc họp đặc biệt này.
Ngài khuyến khích các vị thẳng thắn trao đổi. Đức Thánh Cha nói: “bản thân tôi rất lo ngại và buồn bã nữa nếu không có những cám dỗ và những cuộc thảo luận hào hứng này… Thay vào đó, tôi đã vui mừng và biết ơn được thấy và được nghe những bài nói và tham luận đầy đức tin, đầy nhiệt tâm mục vụ và tín lý, đầy khôn ngoan, chân thành và can đảm: và cả bộc trực nữa. Và tôi thấy đặt trước chúng ta là thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và ‘luật tối cao’, ‘lợi ích của các linh hồn (xem Giáo Luật Điều 1752)”.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng:
“Vì là một cuộc hành trình của những con người nhân bản, nên bên cạnh những điều đáng khích lệ còn có những giây phút phiền muộn, căng thẳng và cám dỗ, mà ta có thể nhắc tới một vài khả thể như sau:
Thứ nhất, cám dỗ chống lại sự mềm dẻo một cách thù nghịch, nghĩa là, muốn tự khóa chặt mình bên trong chữ viết và không để cho mình được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, khoá chặt mình trong lề luật, trong sự chắc mẩm điều mình biết chứ không phải điều mình vẫn còn cần phải học và đạt cho được. Từ thời Chúa Kitô, vốn đã có cơn cám dỗ của kẻ ghen tương, người quá thận trọng, quá lo lắng và người ngày nay gọi là “duy truyền thống” và của những nhà trí thức nữa.
Thứ hai là cơn cám dỗ của khuynh hướng muốn phá hủy sự thiện, tức là nhân danh lòng từ tâm lừa đảo băng bó các vết thương mà trước đó không chữa chạy gì cả; là chỉ trị các triệu chứng mà không chịu trị nguyên nhân và gốc rễ. Đây là cơn cám dỗ của “người lo làm điều tốt”, của người sợ sệt, và của cả những người gọi là “cấp tiến và duy tự do”.
Thứ ba là cơn cám dỗ muốn biến đá thành cơm để đã cơn chay tịnh lâu dài, nặng nề và đau đớn (xem Lc 4:1-4); cũng như biến cơm thành đá để dùng nó liệng vào người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn (xem Ga 8:7), nghĩa là, biến nó thành những gánh nặng không thể nào chịu đựng nổi (Lc 11:46).
Thứ tư là cơn cám dỗ bước xuống khỏi thập giá, để làm vui lòng người, chứ không chịu ở trên đó, ngõ hầu chu toàn thánh ý Chúa Cha; là rạp mình trước tinh thần thế gian thay vì phải thanh tẩy nó và bắt nó rạp mình trước Thần Trí Thiên Chúa.
Cuối cùng là cơn cám dỗ lãng quên “kho tàng đức tin”, không nghĩ mình là người canh giữ mà là chủ nhân ông hay ông chúa của nó; hoặc, mặt khác, cơn cám dỗ lãng quên thực tại, sử dụng những ngôn ngữ cầu kỳ, những ngôn ngữ êm tai để nói thật nhiều mà cũng là chẳng nói được chi. Người ta gọi họ là “chủ nghĩa Byzantyne”, tôi nghĩ thế, đại loại như vậy…
Anh chị em thân mến, các cơn cám dỗ không nên làm ta sợ hãi hay luống cuống, hoặc thậm chí ngã lòng, vì không đồ đệ nào lớn hơn thầy mình; bởi thế, nếu chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ, thậm chí còn bị gọi là qủy Bendêbút (xem Mt 12:24), thì các đồ đệ của Người không mong gì được đối xử tốt hơn.
Nhiều nhà bình luận, hay những người hay nói, đã tưởng tượng rằng họ đang chứng kiến một Giáo Hội cãi cọ nhau, trong đó, thành phần này chống lại thành phần kia, hoài nghi luôn cả Chúa Thánh Thần, Đấng cổ vũ và bảo đảm sự hợp nhất và hòa hợp của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần mà suốt trong lịch sử, luôn sử dụng các thừa tác viên của Giáo Hội, để hướng dẫn con thuyền, cả những lúc gặp sóng to gió cả, và cả những thừa tác viên bất trung và người tội lỗi.
Và, như tôi từng dám nói và đã nói từ đầu Thượng Hội Đồng, điều cần thiết là phải sống qua tất cả những điều trên trong thanh thản, trong bình an nội tâm, để Thượng Hội Đồng này diễn ra với Phêrô và dưới Phêrô, và sự hiện diện của Giáo Hoàng bảo đảm mọi việc trên.
Hướng đến Thượng Hội Đồng năm 2015, ngài nói “chúng ta vẫn còn một năm nữa để, với việc biện phân thiêng liêng chân thực, chúng ta hãy làm cho các ý niệm đã đề xuất được chín mùi; để tìm ra các giải pháp cụ thể cho rất nhiều khó khăn và muôn vàn thách đố mà các gia đình hiện phải đối phó; để đem lại các giải đáp cho nhiều nỗi thất vọng đang bủa vây và làm ngột ngạt các gia đình”.
8. Đức Hồng Y George Pell: “Chúng ta không chiều theo áp lực của thế gian”
Đức Hồng Y George Pell nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 16 tháng 10 rằng việc công bố những chỉ trích của các nghị phụ đối với phúc trình tạm thời của Thượng Hội Đồng do Đức Hồng Y Peter Erdo chịu trách nhiệm là một điều tốt vì đã mang đến cho các tín hữu một hình ảnh thực sự về quan điểm của đa số các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng.
Ngài nói với Catholic News Service:
"Chúng tôi muốn những người Công Giáo trên toàn thế giới biết thực tế những gì đang diễn ra trong Thượng Hội Đồng về hôn nhân và gia đình và, nói chung, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ vô cùng yên tâm"
"Chúng tôi không chiều theo áp lực của thế gian; chúng tôi không bị xô nhào. Chúng tôi không có ý định chạy theo những yếu tố cấp tiến trong các Giáo Hội Kitô khác, hay hùa theo một số trào lưu cấp tiến của Giáo Hội Công Giáo ở một hoặc hai quốc gia, và tách ra khỏi đường lối của mình."
Ngài nói thêm:
"Ý kiến muốn cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ là rất ít, chắc chắn không phải là ý kiến của đa số các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng -- nó chỉ là phần thấy được của tảng băng ngầm, đó là một khúc dạo đầu. Thực ra, họ muốn thay đổi rộng lớn hơn, muốn công nhận mọi thứ kết hiệp dân sự, công nhận cả hôn nhân đồng tính ".
"Giáo Hội không thể đi theo hướng đó", Đức Hồng Y Pell nói. "Nó sẽ là một sự nhượng bộ mà chung cục đánh mất đi vẻ đẹp và sức mạnh của truyền thống Công Giáo, là điều mà hàng hàng lớp lớp các tín hữu đã sẵn sàng hy sinh bảo vệ từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay... nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là yêu cầu mọi người dừng lại, để cầu nguyện, để nắm được nhịp thở của mình, để ý thức rằng chúng ta sẽ không từ bỏ giáo lý Công Giáo, và để hợp tác với nhau giảm bớt sự chia rẽ và ngăn chặn mọi trào lưu cực đoan của những phe phái hoặc những quan điểm khác nhau. "
9. Đức Hồng Y Willem Jacobus Eijk nói vấn nạn của Giáo Hội tại Hà Lan là tỷ lệ ly hôn cao
Một trong những vấn đề được nhiều nghị phụ đề cập đến tại Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình là xu hướng ngày càng tăng của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội phương Tây.
Đức Hồng Y Willem Jacobus Eijk là Tổng Giám mục Utrech (Hà Lan) nhận xét:
"Trong xã hội của chúng tôi, một số người có ý tưởng cho rằng quan hệ hôn nhân hoặc tình dục là cái gì đó không liên quan đến xã hội hay Giáo Hội. Nó chỉ là một sự lựa chọn của cá nhân trong cuộc sống của người đó."
Hà Lan là một trong những nước có tỷ lệ kết hôn thấp nhất trên thế giới. Trong 10 năm qua, số lượng các cuộc hôn nhân trong Giáo Hội đã giảm từ 6,000 trong một năm xuống đến 3,000 trong một năm.
Đức Hồng Y Willem cho biết:
"Nhiều cặp vợ chồng, ngay cả những người Công Giáo sống chung với nhau chẳng cưới hỏi gì cả. Họ sống với nhau mà không kết hôn, kể cả hôn nhân dân sự cũng không có. Sống chán thì bỏ nhau."
Chính phủ Hà Lan hỗ trợ đáng kể cho các gia đình dù đây là một trong những nước có mức sống cao nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, oái oăm thay người ta thờ ơ đối với việc lập gia đình và có lập gia đình đi chăng nữa thì tỷ lệ ly hôn cũng ở mức chóng mặt là 40%.
Đức Hồng Y Willem nói thêm:
"Nhiều người Công Giáo, những người đã kết hôn trong Giáo Hội, sau khi ly hôn không cố gắng giải quyết tình trạng của họ. Họ chẳng mưu tìm việc tiêu hôn. Cứ thản nhiên chung sống với người khác. Và điều này là một khía cạnh đáng lo ngại. Người ta không thiết tha ngay cả việc tái xét xem cuộc hôn nhân đầu tiên của họ có thể là vô hiệu hay không để tìm kiếm một cuộc hôn nhân mới được Giáo Hội công nhận."
Nhưng Thượng Hội Đồng không chỉ tập trung vào các vấn đề. Nhiều giải pháp cũng được đưa ra thảo luận. Một ví dụ là Tổng Giáo Phận Utrech có sáng kiến là các cặp vợ chồng lớn tuổi giúp các cặp vợ chồng trẻ khám phá cuộc sống hôn nhân và làm thế nào để vượt qua khó khăn.
10. Đức Hồng Y Timothy Dolan nói vợ chồng nên dành thời gian bên nhau
Nhiều nghị phụ đã trình bày những khó khăn trong mục vụ gia đình và những sáng kiến của các ngài để đương đầu với những vấn đề. Nhiều bài thuyết trình có thể là khá chuyên biệt với địa phương của các ngài.
Tham dự trong Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, Đức Hồng Y Timothy Dolan đề cập đến một vấn đề bao quát hơn trên toàn thế giới. Ngài nói chủ nghĩa cá nhân đang giết dần mòn các gia đình. Vợ chồng không thể là hai hành tinh riêng biệt trong gia đình. Họ phải dành thời gian cho nhau.
Đức Hồng Y nói:
“Bố tôi chết sớm lắm. Mới 51 tuổi ông đã qua đời. Trong lễ tang, người ta nói với tôi: ‘Tội quá, cha mẹ cháu vẫn còn âu yếm như đôi trai gái mới đôi mươi. Họ yêu thương nhau quá mà phải chia lìa’. Vâng, họ dành nhiều thời gian với nhau. Điều đó là rất quan trọng đối với họ. Khi cha tôi trở về nhà từ công việc hàng ngày, vào lúc 5 giờ chiều ông và mẹ của tôi, lại ngồi chuyện vãn với nhau hàng giờ.”
Khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến người đồng tính, Đức Hồng Y Dolan nhắc lại một trong những chủ đề trung tâm của Thượng Hội Đồng: đó là Giáo Hội phải là một ngôi nhà an toàn cho tất cả.
Ngài nói:
"Khi họ đến với Giáo Hội, họ thích những người khác, họ nói: ‘Ồ, tôi biết vấn đề của tôi, tôi biết cuộc đấu tranh của tôi, tôi biết những khó khăn của tôi, nhưng tôi cố gắng hết sức mình để sống như Chúa Giêsu muốn, tôi cần sự khuyến khích của Giáo Hội, tôi cần lời cầu nguyện, tôi cần rước lễ, tôi cần các bí tích Thống Hối’ Chứ đừng nói: ‘Hi, tôi là gay đây, tôi là người đồng tính đây'. Người ta cần đến với nhau như những con người yêu mến Giáo Hội, và Giáo Hội sẽ là gia đình của họ, họ sẽ cảm thấy như ở nhà mình. Vấn đề là như thế."
Đức Hồng Y Timothy Dolan được bổ nhiệm là Tổng Giám Mục New York vào năm 2009 và đã được nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2012. Tổng giáo phận của ngài ước tính có tới 2,5 triệu người Công Giáo.
11. Đức Hồng Y Gracias nói về những khó khăn trong mục vụ gia đình tại Ấn
Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai hay còn gọi là Bombay, là một trong 9 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải cách giáo triều Rôma. Ngài cũng là một trong các vị đại diện của Giáo Hội Công Giáo tại Ấn độ ở Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình.
Đức Hồng Y cho biết một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong cả nước là khuynh hướng “femicide” – nghĩa là trọng nam khinh nữ trong xã hội. Khi phụ nữ mang thai tìm hiểu ra và biết họ đang có mang một cháu gái, một số sẽ phá thai. Ở một số vùng người ta ước tính rằng cứ 1000 người nam thì chỉ có 300 người nữ.
Đức Hồng Y giải thích:
"Vấn đề nằm ở chỗ số tiền hồi môn quá lớn. Khi một cô gái lấy chồng, gia đình nhà gái phải đưa cho nhà trai một số tiền rất lớn. Số tiền này lớn lắm nên thông thường người ta phá thai khi biết thai nhi là một cháu gái. Chính phủ biết như thế. Họ cấm các nhân viên y tế tiết lộ giới tính của thai nhi, nhưng cách nào đó người ta cũng biết."
Nhiều ký giả, theo suy luận có lý nêu ra một ‘chiến lược’ là bây giờ người Công Giáo ta đừng đòi tiền hồi môn của nhà gái như thế có lẽ là một cách hay để ‘phát triển dân số Kitô’ tại Ấn.
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn dễ dàng như thế. Do bị khối Ấn Giáo kỳ thị nặng nề, người Công Giáo đa số là dân dalit – tức là giới cùng đinh trong xã hội. Những cô gái Ấn thà là chọn làm thiếp – tức là làm vợ lẽ của những người nhà giàu chứ không chịu làm ‘chính cung’ của anh nhà nghèo. Và đó là vấn đề thứ hai mà Đức Hồng Y đề cập đến: vấn nạn về hôn nhân khác đạo. Ngay cả những cô gái có đạo cũng không chịu lấy những anh có đạo vì họ nghèo quá.
80% dân số là Ấn giáo và khả năng cải đạo một người Ấn Giáo sang Công Giáo là gian nan.
Đức Hồng Y nói:
"Có một trường hợp. Người chồng là một người Ấn Giáo, ông là một thương gia và người vợ là một người Công Giáo rất ngoan đạo. Cô ấy đã rất quan tâm đến các khóa Thần học và người chồng vì rất thương vợ đã giúp cô ghi chú các bài giảng, và học hỏi các tài liệu này với vợ mình. Ông tốt lành đến mức cung cấp nhà mình là địa điểm cho các khóa học và lo việc trà nước cho các tham dự viên. Bản thân tôi đã trình bày nhiều bài giảng tại chỗ đặc biệt này và ông là một người rất tốt và thân thiện. 10 năm hoặc lâu hơn nữa sau khi nghe hết tất cả các bài trong khóa học này, ông mới yêu cầu được rửa tội để thành người Công Giáo. "
Vấn đề nổi cộm thứ ba là công ăn việc làm của người phụ nữ. Người phụ nữ rất khó kiếm việc làm. Có kiếm được thì tiền lương cũng thua xa một người đàn ông làm cùng một công việc. Nhưng điều tệ hại là họ thường bị lường gạt.
Đức Hồng Y nêu một ví dụ:
"Bombay là thành phố của những bộ phim, Bollywood là ở đó. Nhiều cô gái được mồi chài rằng 'Tôi sẽ cho cô một vai diễn ở Bollywood. Và chẳng mấy chốc cô sẽ là một nữ diễn viên tên tuổi'. Họ tin lắm, rồi họ bỏ nhà ra đi, người ta cũng mang họ đến đó nhưng sau đó họ không phải là diễn viên đâu nhưng là gái mại dâm. Có rất nhiều trường hợp như thế. "
12. Đức Hồng Y Robert Sarah nói chúng ta hãy cầu nguyện cho những người muốn lèo lái Giáo Hội xa cách Thiên Chúa
Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, đã phàn nàn rằng một số lực lượng có thế lực đã tìm cách thao túng Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Phát biểu với Thông tấn xã Công Giáo CNS, vị Hồng Y người châu Phi đặc biệt trích dẫn "những gì đã được công bố bởi các phương tiện truyền thông về hôn nhân đồng tính như là một nỗ lực để thúc đẩy Giáo Hội phải thay đổi tín lý của mình."
Đức Hồng Y Sarah phàn nàn rằng một số bản tin trên các cơ quan truyền thông đời đã cho rằng Thượng Hội Đồng sẽ đảo ngược giáo huấn Công Giáo mà trước nay vẫn lên án đồng tính luyến ái. Những báo cáo như thế là sai sự thật.
Ngài nói: "Giáo Hội không bao giờ ác cảm với người đồng tính, nhưng hành vi đồng tính luyến ái và kết hiệp đồng tính phải bị xem là sự sai lệch nghiêm trọng về tính dục con người."
Đức Hồng Y, người gốc Guinea, nhắc nhớ một tuyên bố mạnh mẽ trong báo cáo tạm thời của Thượng Hội Đồng trong đó nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo không thể chấp nhận "lý thuyết về giới tính." Trong các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng nhiều giám mục châu Phi đã phàn nàn rằng các quốc gia phương Tây đã sử dụng các chương trình viện trợ nước ngoài để áp đặt các lý thuyết về giới tính và các ý thức hệ khác chống lại gia đình ở các nước đang phát triển.
Đức Hồng Y Sarah đã hướng dẫn một nhóm thảo luận bằng tiếng Pháp tại Thượng Hội Đồng. Nhóm của ngài đã bày tỏ sự thất vọng rằng báo cáo tạm thời đã được đưa ra trước khi được thảo luận và được đánh bóng quá sai lạc.
Phát biểu với Thông tấn xã Công Giáo CNA, Đức Hồng Y Sarah cũng nêu lên mối quan tâm của ngài rằng một số phương tiện truyền thông và cả một số quan chức trong Giáo Hội đang muốn thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Ngài nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện cho những mục tử đang muốn để chiên của Chúa lại cho những con sói của cái xã hội suy đồi và tục hóa, xa cách Thiên Chúa và thiên nhiên này."