Tháng Mười là tháng Mân Côi. Ở quê tôi ngày xưa, vào tháng này, người ta thường đọc “Sách Tháng Đức Bà” ở nhà thờ, vào mỗi chiều tối, thuật lại những chuyện lạ lùng liên quan tới Tràng Hạt Mân Côi, tới Thánh Mẫu Maria, những truyện nghe riết trở thành thân thương, đi vào tiềm thức, trở thành một kỷ niệm hết sức êm đềm, mỗi lần nhớ tới, lòng đều chùng xuống, nhưng lại hết sức nhẹ nhàng lâng lâng và mông lung nữa. Hình như đây là một kỷ niệm không hẳn của 5, 6 chục năm về trước mà xa xăm hơn nhiều, từ những năm nào tận mãi thời Êphêsô và trước đó.

Thực vậy, Êphêsô (năm 431) chỉ là đốm sáng nhất, là làn sóng nhồi trồi lên đem lại lòng sùng kính chính thức đối với Thánh Mẫu Maria qua định tín Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, không biết bao thánh đường đã mọc lên khắp thế giới dâng kính ngài, và không biết bao lời ca tụng thi nhau được vang lên ca hát danh thánh diễm phúc.

Nhưng ngay từ buổi đầu Kitô Giáo, chúng ta đã không quên nói tới vai trò Thánh Mẫu trong nhiệm cục cứu rỗi rồi. Nhiệm cục này có bao nhiêu giai đoạn thì có bấy nhiêu sự hiện diện của ngài: lúc Chúa nhập thể, lúc Người sinh ra, lúc Người lớn lên, lúc Người ra công khai, lúc Người chịu chết, lúc Người sống lại và lúc Người khai sinh ra Giáo Hội.

Văn bản và định tín chỉ có thể đi sau lòng sùng kính của con người. Nếu văn bản và định tín đã nhắc tới Thánh Mẫu thì Thánh Mẫu hẳn đã ở trong lòng người từ lâu trước đó. Các giáo phụ đầu tiên cũng đã dựa vào lòng người này để triển khai nhiều học thuyết về Thánh Mẫu:
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia (chết khoảng năm 107) khẳng quyết về sự đồng trinh của Đức Maria và minh nhiên nhìn nhận vị trí của Ngài trong mầu nhiệm cứu chuộc. Thánh Justinô (chết khoảng năm 165), Thánh Irênê (chết khoảng năm 193), và Tertulianô (chết khoảng năm 220) cả ba đều góp phần vào việc khai triển sự so sánh song hành của thánh Phaolô về Ađam Cũ/Ađam Mới (Rm 15: 12-21). Và trong khi khai triển như thế, họ cũng đã thúc đẩy sự so sánh tương tự giữa Evà và Evà Mới. Sự lưu ý của thần học về vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu chuộc tự nhiên dẫn đến việc Ngài được ca ngợi chính thức cũng như không chính thức trong Giáo Hội. Cái vinh dự mà Ngài được ban tặng nhờ việc nhập thể được liên tục nhắc lại trong Kinh Tin Kính lúc chịu phép rửa hồi xưa trong đó Giáo Hội công khai tin nhận Chúa Giêsu ‘sinh bởi bà Maria Đồng Trinh’.

Nhưng tính cách bình dân trong lòng sùng kính Thánh Mẫu nổi bật nhất nhờ các trước tác ngoại kinh như Ca Khúc Solomon, Sấm Ký Sybylline và Phúc Âm Đầu Hết Của Giacôbê. Các văn bản này đưa ra những lời ca tụng rất bình dị đối với Đức Maria và khi ‘thỏa mãn’ óc tò mò đạo đức, chúng cũng đã thoả mãn một số nhu cầu thần học nhờ đã trám đầy một số chi tiết về đức Maria mà các Tin Mừng đã không nói đến.

Một lời kinh được khám phá trên các mảnh gốm tại một di tích lịch sử thuộc một tu viện Coptic thế kỷ thứ ba cho thấy rõ sự ca tụng thời xưa đối với đức Maria đã được linh hứng ra sao từ trình thuật Truyền Tin của Luca:

Kính mừng Maria,
Đầy ơn phúc;
Chúa ở cùng Bà,
Cả Chúa Thánh Thần nữa. Thầy cả của Bà mặc đồ công chính
Những kẻ tôn kính Bà sẽ vui mừng hớn hở.
Lạy Chúa, vì Đavit tôi tớ Chúa, xin Chúa hãy cứu vớt dân Người;
Hãy chúc phúc phần dân Chúa chọn.
Kính mừng đấng Đồng Trinh vinh hiển,
Maria đầy phúc.
Chúa ở cùng Bà.
Bà có phúc hơn mọi người nữ;
Và phúc thay hoa quả lòng Bà;
Vì Đấng Bà thụ thai chính là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc linh hồn chúng con
.

Ở đây việc nhắc đến các thầy cả (linh mục) là điều quan trọng về phương diện lịch sử vì được nhắc đến trong một bản văn thánh vịnh, hẳn nó ám chỉ đây là lời kinh phụng vụ đã có trước cả Kinh Kính Mừng đến vài trăm năm.

Niên biểu chính xác của các lời ca tụng trong phụng vụ thời sơ khai đối với tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa là điều khó ấn định. Tuy nhiên, ca khúc phụng vụ của Thánh Ephraem người Syria (sinh năm 306) chắc chắn không thua sút bất cứ ca khúc nào khác về vẻ đẹp và sự tinh tế trong lời ca tụng đấng đã cho Đấng Cứu Thế mặc xác phàm. Nếu chú ý lắng nghe, ta sẽ thấy nhiều âm hưởng Kinh Thánh trong trích đoạn dưới đây:

Hãy đến, hỡi tất cả những ai sáng suốt, hãy chiêm ngắm
Người Mẹ đồng trinh, dòng vua Đavit.
Người đẹp mỹ miều, đã sinh hạ Đấng Tuyệt Diệu;
Người là giòng suối tạo nên Giếng Khơi,
Người là con tầu mang niềm vui Chúa Cha,
Chở tin mừng trong lòng trinh khiết;
Người mang theo và hộ tống
Vị Thuyền Trưởng vĩ đại sáng thế
Đấng mà qua Ngài hòa bình sẽ
Thống trị trên mặt đất và trên trời....
Người mang chim bồ câu non
Chim Ưng, Kỳ Lão muôn Đời
Luôn ca ngợi vì người mang Ngài
Bằng những lời ca yêu dấu:
‘Ôi Con yêu, con giầu có, Con đã chọn
Lớn lên trong chiếc tổ tí hon; là cây đàn muôn điệu,
Con lặng thinh như đứa bé thơ, hãy để mẹ ru Con
bằng cây đàn rung động cả vệ thần Thiên Chúa...


Ca khúc Ephraem dùng trong khi cử hành Ngày Sinh của Đức Kitô cũng đồng thời cử hành sự vui mừng của Giáo Hội trước sự tham dự của đức Maria vào mầu nhiệm ấy:

Hôm nay đức Maria đã nên cho chúng con
Tầng trời mang Thiên Chúa;
Vì trong ngài, Thiên Chúa vinh quang
Đã xuống lòng cư ngụ;
Trong ngài, Người đã ra bé nhỏ,
Để chúng con nên lớn
Nhưng bản tính Người không suy giảm;
Trong ngài, Người đã dệt cho chúng con
chiếc áo cứu chuộc...


Sự tuyệt vời trong tư tưởng của Thánh Ephraem khi liên kết Chúa Thánh Linh, Giáo Hội, đức Maria và sự hiện diện của đức Kitô trong Thánh Thể với nhau đã được diễn tả một cách tuyệt diệu trong Ca Khúc Niềm Tin thứ mười của ngài:

Lửa và Thần Khí trong lòng Maria;
Lửa và Thần Khí trong giòng sông Rửa Tội,
Lửa và Thần khí trong Phép Rửa ta,
Lửa và Thần Khí trong bánh, trong rượu
.

Trên đây là lòng sùng kính dưới dạng tụng ca. Dưới dạng huấn giáo, lòng sùng kính này chẳng kém thua xa, một lòng sùng kính, nói như Pelikan, “đã làm vang lại ngôn ngữ tôn sùng bình dân” trong khi đưa ra lý chứng thần học. Thánh Anathasiô (sinh khoảng năm 295) biện luận rằng tư cách làm mẹ của đức Maria bảo đảm nhân tính của Chúa Giêsu và, do đó, là chuẩn thức cho sự cứu rỗi của con người. Thánh Augustinô (sinh khỏang năm 354) thì chú trọng đến đức tin của Đức Mẹ: chính nhờ đức tin vâng phục của đức Maria mà Chúa Giêsu đã được dựng thai về phương diện thể lý. Đức Mẹ được ca ngợi vì đã biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.

Nhưng chứng tích của ký ức về Thánh Mẫu thì không đâu bằng các hoang toại đạo, từ thế kỷ thứ ba. Hang toại đạo Priscilla có ba bức bích họa về Đức Mẹ. Bức sớm nhất vẽ đức Maria ẵm Chúa Hài Nhi. Bức thứ hai vẽ đức Maria đang trình diện đức Kitô cho Dân Ngoại. Bức thứ ba cho thấy một người đàn bà vùng Orans được mang đến trước ngai Mẹ và Hài Nhi. Các hang toại đạo thánh Phêrô và thánh Marcellinô có tranh vẽ đức Maria mặc y phục như một mệnh phụ phu nhân La-Mã đang ngự giữa các Nhà Chiêm Tinh. Còn tại hang toại đạo Maiô, người ta tìm thấy di tích hình bán thân đức Maria với hai bàn tay ở tư thế bán nguyệt.

Nghệ thuật tống táng cũng thường thấy mô thức (motif) Đức Mẹ trình diện Chúa Hài Nhi cho các Nhà Chiêm Tinh. Người ta thấy một thí dụ điển hình được lưu giữ nguyên vẹn trên quan tài bằng đá của Clipêô (khoảng năm 315): thay vì hình hoàng đế, người ta miêu tả đức Maria đang ngự trên ngai cùng với Hài Nhi Giêsu đang tiếp nhận cống phẩm từ tay các Dân Ngoại.

Việc ca ngợi đức Maria bằng tranh ảnh cũng được tìm thấy qua các công trình khảo cổ tại Nazareth bên Đất Thánh. Toán làm việc dưới sự điều khiển của các cha Bagatti và Testa trong các năm 1955-1960, đã tìm thấy dưới chân cột nhiều chữ viết nghuệch ngoạc khoảng cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba. Trong số ấy mấy chữ XE PAPIA (kaire Maria) trích từ lời sứ thần chào đức Maria (Lc 1:26) còn đọc được rõ nét. Tại nhà thờ Syriac ở cổ thành Giêrusalem, vẫn còn bức tranh được kỹ thuật dùng cácbon định niên kỷ vào thế kỷ thứ nhất tôn kính đức Maria trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa.

Trên đây, ta mới nói tới tụng ca, còn việc cầu nguyện cùng Đức Maria cầu bầu thì đã có từ bao giờ? Có đủ bằng chứng cho thấy trước thời Công Đồng Êphêsô, Kitô hữu đã từng cầu nguyện cùng Mẹ Chúa Giêsu dưới tước hiệu Bầu Chữa (Advocate), vì là Mẹ Thiên Chúa. Thí dụ lâu đời nhất còn tồn tại đến nay (một bản viết thế kỷ thứ ba) về việc kêu cầu Mẹ Thiên Chúa hiện được lưu giữ tại Thư Viện John Rylands ở Manchester. Bản dịch bản viết này có đoạn như sau:

Hỡi Mẹ thánh Thiên Chúa,
nép dưới lòng từ bi mẹ, chúng con xin ẩn mình;
xin mẹ đừng để những ai cầu xin mẹ phải sa chước cám dỗ,
nhưng xin mẹ hãy cứu chúng con khỏi hiểm nguy,
chỉ có mẹ là thanh sạch và có phúc
.

Sách An Nghỉ của người Ethiopia (thế kỷ thứ ba) có ghi lại một bài kinh cầu bầu từ miệng những người tương truyền đã phá bĩnh đám đưa tang đức Maria và bị phạt đứt tay vì đã cả gan định xúc phạm đến thân xác Ngài:

Hỡi Maria, chúng con nài xin bà,
hỡi Maria, ánh sáng và mẹ của mọi ánh sáng,
hỡi Maria, sự sống và mẹ các tông đồ,
hỡi Maria, ánh sáng vàng tươi, đấng mang ngọn đèn chân thật,
hỡi Maria, bà chúa và là Mẹ Chúa chúng con,
hỡi Maria, Nữ vương chúng con, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa cho chúng con được an nghỉ thảnh thơi
.

Vả lại, trước Êphêso, đã có việc cử hành chính thức lễ nhìn nhận đức Maria là Mẹ Thiên Chúa rồi. Ca khúc trong thánh lễ này có đoạn:

Kính mừng Maria, Mẹ Thiên Chúa
Kho tàng quí giá của hoàn cầu, khiến cả hoàn cầu tôn kính,
Đèn không bao giờ tắt,
Vinh quang chói lọi bậc đồng trinh,
Rường cột đức tin chính thống,
Đền thờ không ai phá đổ,
Nơi chứa Đấng không nơi nào chứa được,
Làm mẹ mà vẫn còn đồng trinh…
Sự kỳ diệu này làm chúng con sửng sốt lạ lùng... Vì thế cả duơng trần thẩy đều hân hoan...


Tóm lại “Kính Mừng Maria” đã ở trên môi miệng Kitô hữu ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Nó là nguồn của Kinh Kính Mừng sau này và do đó là nguồn của chuỗi Mân Côi. Với việc lặp đi lặp lại của thể thức Mân Côi, Kinh Kính Mừng trở thành kinh được đọc nhiều nhất không những trên môi miệng tín hữu Công Giáo La Mã, mà cả tín hữu Chính Thống, Anh Giáo và Luthêrô nữa.

Kính Mừng đi trước

Nói tới tín hữu Luthêrô, người ta không khỏi không nhắc tới người Thệ Phản. Nói chung, những người này không sùng kính Thánh Mẫu Maria, vì coi việc sùng kính này là thờ ngẫu thần, biến Đức Maria ngang hàng Thiên Chúa. Tất nhiên, vì thế, họ không đọc Kinh Kính Mừng như người Công Giáo, chứ đừng nói tới việc lần hạt Mân Côi. Điều đáng buồn là họ không bình thản ngồi xuống phân tích nội dung Kinh Kính Mừng. Vì nếu họ chịu làm thế, họ sẽ có một thái độ khác hẳn. Như câu truyện sau đây của một cậu bé Thệ Phản:

Cậu mới có 6 tuổi, nhưng nhờ được nghe bằng hữu Công Giáo hay đọc Kinh Kính Mừng, nên cậu cũng bắt chước chép tay kinh ấy, rồi học thuộc lòng và đọc nó mỗi ngày. Có ngày, cậu còn khoe với mẹ: “Má ơi, bài kinh này hay quá má ơi!” Bị bà la ngay lập tức: “Không bao giờ được đọc kinh này nữa, nó là lời cầu nguyện dị đoan của người Công Giáo, những người chuyên thờ các ngẫu thần và nghĩ rằng Maria là một nữ thần. Dù gì, bà ấy cũng là đàn bàn như bất cứ ai khác. Này con, hãy cầm lấy Sách Thánh mà đọc. Nó chứa mọi điều ta buộc phải làm”.

Từ ngày ấy, cậu thôi không đọc Kính Mừng Maria nữa, chỉ chăm chú đọc Sách Thánh mà thôi. Khổ nỗi, nhờ đọc Sách Thánh, có ngày cậu gặp đoạn nói về việc truyền tin. Mừng quá, cậu vội chạy tới mẹ và nói: “má ơi, con thấy Kinh Kính Mừng ở trong Sách Thánh, nguyên văn thế này: ‘Kính mừng bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ’ Thế thì tại sao má lại bảo nó là lời cầu nguyện mê tín?”

Một dịp khác, cậu gặp đoạn nói về cuộc thăm viếng bà Êlisabét và ca khúc tuyệt vời là Kinh Ngợi Khen trong đó, Thánh Mẫu tiên đoán “mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc”. Cậu không nói gì với mẹ nữa, nhưng bắt đầu đọc Kinh Mính Mừng trở lại như trước. Cậu cảm thấy sung sướng được đọc những lời chào kính Mẹ Chúa Giêsu đầy duyên dáng này.

Lúc lên 14, nghe gia đình tranh luận về Thánh Mẫu, coi ngài chỉ như bất cứ phụ nữ nào khác, cậu nổi giận ngắt ngang mọi người: “Đức Maria không như bất cứ con cái nào khác của Ađam, bị vấy bản bởi tội lỗi. Không! Thiên Thần đã gọi ngài là đấng đầy ơn phúc và có phúc lạ hơn mọi người nữ. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và do đó, là Mẹ Thiên Chúa. Không còn phẩm giá nào cao hơn mà một tạo vật có thể được nâng lên. Tin Mừng nói rằng mọi thế hệ sẽ công bố ngài là người diễm phúc, ấy thế mà gia đình ta lại mưu toan ghét bỏ và khinh bỉ ngài. Tinh thần gia đình ta không phải là tinh thần của Tin Mừng hay tinh thần của Thánh Kinh mà gia đình ta vốn coi là nền móng của Kitô Giáo”.

Mẹ cậu chỉ còn biết kêu trời như bọng: "Ôi trời ơi, tôi sợ đứa con trai của tôi có ngày sẽ nhập đạo Công Giáo, đạo của mấy ông giáo hoàng quá!”. Và quả như thế, chẳng bao lâu sau, sau khi nghiên cứu kỹ về Thệ Phản Giáo và Công Giáo, cậu đã nhập Công Giáo và trở thành một linh mục nổi tiếng. Đó là Linh Mục Kinh Sĩ Christopher Tuckwell, chánh xứ Nhà Thờ Chánh Tòa Westminster, London, hiện nay.

Truyện chưa hết: sau khi trở lại, cậu còn làm cho người chị đã có gia đình từ một người thệ phản thành một người Công Giáo ngoan đạo. Bà chị này rất ghét việc cậu trở lại, gặp mặt là bà giằn mặt: “Em không biết chị thương các cháu thế nào đâu. Nhưng nếu có đứa nào muốn trở thành Công Giáo, chị sẽ sớm dùng gươm đâm nát trái tim nó, còn hơn để nó theo đạo của mấy ông giáo hoàng!”

Nhưng rồi, một trong các con của chị bi bệnh nặng đến nỗi các bác sĩ đều chê. Christopher đến gặp chị và nói với chị: “chị thân yêu, đương nhiên chị muốn con chị khỏi bệnh. Nếu thế, chị hãy làm điều em yêu cầu sau đây: ta hãy cùng đọc ‘Kinh Kính Mừng’ và hứa với Thiên Chúa rằng nếu con chị bình phục, chị sẽ học hỏi tín lý Công Giáo một cách nghiêm túc và nếu đạt được kết luận rằng Đạo Công Giáo là đạo duy nhất chân thực, thì chị sẽ gia nhập nó bất chấp sự hy sinh nào”.

Trong cơn cùng cực, người chị đã làm theo. Và ngày hôm sau, đứa con bình phục hoàn toàn. Chị đã giữ lời hứa, trở lại Công Giáo như em.

Kính Mừng đi sau

Đấy là lời cầu nguyện đi trước. Lời cầu nguyện đi sau cũng vẫn có hiệu quả như thường. Đó là câu truyện của “Dân Làng Hồ”. Đây là tựa một cuốn sách dịch từ nguyên tác tiếng Pháp “Les Sauvages Bahnars” của linh mục P. Dourisboure, M.E.P., do Tòa Giám Mục Kontum xuất bản và được Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh mang tặng bà con Sydney đầu tháng Mười này. Giáo Phận “Làng Hồ” hay Kontum (Kon=làng; tum=hồ) vốn là công khai phá của Hội Thừa Sai Paris mà linh mục Dourisboure là một trong những thừa sai đầu tiên.

Các vị thừa sai này là nạn nhân của đủ thứ nhân tố bất lợi: khí hậu, thế đất, thú rừng, con người, ngôn ngữ, phong tục, thù hận, kỳ thị, hiểu lầm. Cụ thể và đáng sợ nhất là bệnh tật, sốt rét rừng. Phương tiện di chuyển của họ thường là cuốc bộ, băng rừng vượt suối, khởi đầu chỉ để mở con đường an toàn cho những dự án truyền giáo về sau, chưa hy vọng gì đem được người trở về với Chúa.

Chính trong một lần di chuyển như thế, cha Durisboure cảm thấy triệu chứng ớn lạnh đầu tiên của cơn sốt rét rừng. Đường đi còn xa, vì thế ngài cố gắng giữ bình tĩnh và bước đi thật nhanh. Nhưng cơn sốt lên cao, hai đầu gối ngài bắt đầu run lẩy bẩy, nên yêu cầu được dừng lại. Bạn đồng hành là Cha Combes khuyên ngài nên đi thêm chút nữa chứ ngừng tại đây làm gì có chỗ trú cơn mưa đang trút xuống, rất nguy hiểm cho cơn sốt. Ngài cố gắng nhưng không sao bước thêm được.

Giữa lúc cùng quẫn ấy, Cha bỗng nhớ tới Đức Mẹ: “Tôi nhớ trong hoàn cảnh bi đát đó, tôi đã quên cầu khẩn Đức Mẹ: ‘Tôi thật khốn nạn và vô ơn! Nếu tôi nhớ đến Mẹ Maria thì chắc Người đã cứu giúp tôi. Con xin lỗi Mẹ, lạy Mẹ, con xin lỗi, sự bội bạc của con không thắng được lòng từ ái của Mẹ. Sớm muộn gì Mẹ cũng an ủi những kẻ đau khổ. Đây là lúc Mẹ tỏ lòng từ bi của Mẹ. Xin Mẹ làm dịu cơn sốt của con hoặc làm cho đôi chân run rẩy của con vững chắc’. Thầm thì những lời ấy xong, tôi thử bước đi và bỗng nhiên tôi cảm thấy sức khỏe hồi phục. Tôi vui sướng thốt lên: ‘Ôi lạy mẹ! Ôi Mẹ của con! Con là đứa con khốn nạn, vô ơn. Phải chi con kêu lên Mẹ sớm hơn, thì hẳn Mẹ đã đến giúp con rồi. Vinh danh Mẹ!’ Và tôi đã bước đi thật mau, bỏ Cha Combes phía sau đến hai mươi bước làm ngài vô cùng ngạc nhiên. Tôi không dám khẳng định đó là một phép lạ. Nhưng dù có làm bạn đọc cười chê, thì tôi cũng không thể không bày tỏ lòng biết ơn, và hiện giờ tôi vẫn nói như đã từng nói: ‘Vinh danh Mẹ! Vinh danh Mẹ! Ôi Mẹ Maria”.