Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi chương trình Giáo Hội Năm Châu nhằm giới thiệu với quý vị và anh chị em những tin tức trên thế giới có liên quan đến đời sống của Giáo Hội tại các địa phương trên toàn thế giới.
Chương trình này còn trong giai đoạn phát hình thử nên chưa thể phát hình thường xuyên. Chương trình chính thức sẽ do các phóng viên VietCatholic tại Melbourne thực hiện trong thời gian ngắn sắp tới.
Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em những bản tin sau đây:
• Một nữ tu Ấn Độ được phong thánh vào ngày 23 tháng 11
• Khủng bố Hồi Giáo thảm sát các tín hữu Do Thái, giết chết 4 rabbis tại Giêrusalem, chiến tranh bùng nổ
• Thượng phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem lên án vụ thảm sát tại hội đường Do Thái
• Những căng thẳng tại Núi Đền trong khu Cổ Thành Jerusalem
• Mễ Tây Cơ hợp tác với Tòa Thánh để đề cao nhân quyền
• Đức Tổng Giám Mục Prakash Mallavarapu nói: dân Ấn rất tức giận về cái chết của các phụ nữ triệt sản
• Tổng thống Iraq chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm nước này
• Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và Hồi Giáo họp tại Lahore đòi hỏi công lý cho hai vợ chồng bị thiêu sống
• Tìm thấy xác vị linh mục biến mất đột ngột tại Mễ Tây Cơ
• Khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Libya
• Người cao nhất thế giới gặp gỡ người lùn nhất thế giới
• Nhóm Tenore: Ba giọng hát mạnh mẽ giúp trẻ em
1. Một nữ tu Ấn Độ được phong thánh vào ngày 23 tháng 11
Nữ tu Euphrasia Eluvatingal, sinh năm 1877 và qua đời vào năm 1952, là thành viên của Hội Dòng Mẹ Carmel thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, có trụ sở tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Vị chân phước này sẽ được phong thánh vào ngày 23 tháng 11 tới đây.
Khi khấn dòng, sơ đã chọn tên là Euphrasia của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vị nữ tu thánh thiện này được tuyên phong chân phước vào tháng 12 năm 2006, và giờ đây chị sẽ được chính thức phong thánh tại Vatican trong lễ nghi phong thánh do Đức Thánh Cha cử hành cùng với đấng sáng lập Dòng Mẹ Carmel là chân phước Kuriakose Elias Chavara, và bốn vị người Ý.
2. Khủng bố Hồi Giáo thảm sát các tín hữu Do Thái, giết chết 4 rabbis tại Giêrusalem, chiến tranh bùng nổ
Trong cuộc tấn công được ghi nhận là tệ hại nhất trong suốt 6 năm qua, hai người Palestine vũ trang bằng súng và búa đã tấn công một hội đường Do Thái tại Giêrusalem, giết chết 5 người trong đó 4 rabbis Do Thái. Cả hai tên khủng bố đều bị giết chết tại chỗ.
Cuộc tấn công đã diễn ra vào hôm thứ Ba 18 tháng 11 theo giờ địa phương tại hội đường Do Thái Kehillat Bnei Torah trong lúc 25 tín hữu Do Thái Giáo đang cầu nguyện tại đây. Ngoài 5 người bị thiệt mạng còn có 7 người khác bị thương nặng.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu cho biết 4 tiểu đoàn cảnh sát dã chiến được điều vào Giêrusalem để bảo đảm an ninh trật tự trong khi ông ra lệnh cho quân Do Thái phá hủy một số mục tiêu để trả thù. Một số vụ tấn công những người Palestines đã diễn ra tại khu vực phía Tây Giêrusalem. Do đó, ông Netanyahu lên tiếng trấn an người Do Thái:
"Trong tư cách là một quốc gia, chúng ta sẽ đáp trả tất cả các hình thức khủng bố và những kẻ đã đưa ra những cuộc khủng bố này, và chúng ta đã chứng minh là chúng ta sẽ làm như vậy, nhưng không ai có thể tự tiện hành xử pháp luật, ngay cả khi tinh thần đang nổi giận và máu đang sôi.
Chúng ta đang ở trong một chiến dịch lâu dài của cuộc chiến tranh chống khủng bố. Có một số người muốn bứng chúng ta khỏi quốc gia và thủ đô của chúng ta. Họ sẽ không thành công. Chúng tôi đang ở trong một trận chiến giành giật Giêrusalem, là thủ đô muôn đời của chúng ta.
Tối nay, tôi đã ra lệnh phá hủy nhà của những người Palestine thực hiện vụ thảm sát này và tăng tốc độ phá hủy nhà cửa của những kẻ đã thực hiện các cuộc tấn công trước đó"
3. Thượng phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem lên án vụ thảm sát tại hội đường Do Thái
Bàng hoàng, đau đớn và âu lo là phản ứng của Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latin tại Giêrusalem.
Đức Thượng phụ Fouad Twal nói:
"Trong tất cả các nhà thờ, tu viện và dòng tu, chúng tôi sẽ cầu nguyện nhiệt thành hơn bao giờ hết để cầu xin Chúa giúp chúng ta và giúp các nhà lãnh đạo chính trị biết cách tìm ra những con đường hòa bình và an ninh cho tất cả, tất cả mọi người".
Đức Thượng phụ Công Giáo nói rằng tăng cường các biện pháp an ninh ở Jerusalem "là một dấu hiệu cho thấy tình hình không bình thường." Ngài kêu gọi mọi người dừng lại đừng để mình bị cuốn vào trong "những vòng xoáy vô tận của sự trả thù."
Nhóm Hamas đã tuyên bố chịu trách nhiệm về cuộc tấn công hôm thứ Ba 18 Tháng 11 trong khi tổng thống Palestine là ông Mahmoud Abbas đã ra tuyên bố lên án cuộc thảm sát.
4. Những căng thẳng tại Núi Đền trong khu Cổ Thành Jerusalem
Vụ thảm sát hôm 18 tháng 11 là hệ quả của những căng thẳng gần đây ở Núi Đền. Núi Đền (Temple Mount) trong khu Cổ Thành Jerusalem là nơi thánh đối với cả 3 tôn giáo độc thần: người Do thái coi đây là nơi Abraham sát tế con là Isaac và là địa điểm Đền thờ vua Salomon đã xây cất; người Hồi giáo coi đây là nơi thánh thứ 3 của đạo này, sau La Mecca và Medina bên Arập Sauđi, còn đối với các Kitô hữu, đây là nơi Chúa Giêsu đã tiên báo về sự phá hủy Đền thờ Jerusalem.
Trên núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Cổ Thành Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 Đền Thờ lớn của Hồi giáo được kiến thiết: Thứ nhất là Đền thờ Mái Vòm đá tảng là đền Hồi giáo cổ kính nhất tại Thánh Địa, lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay, có hình bát giác, 8 phía đều được trang điểm bằng ngọc quí, và phần dưới bằng cẩm thạch đa sắc. Vật liệu xây cất Đền thờ này lấy từ các thánh đường và đền đài trước đó thời Bizantine và Roma. Thứ hai là Đền thờ Al-Aqsa được kiến thiết hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.
Theo thoả ước Nguyên Trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phiá Đông Jerusalem và khu Cổ Thành Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này - nhưng không được cầu nguyện. Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan.
Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái Giáo đã tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi Giáo lo sợ Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.
Trong cuộc đụng độ hôm thứ Tư 4 tháng 11, một đám đông người Palestine từ bên trong đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, đã ném đá và pháo vào các lực lượng an ninh trước chuyến thăm theo dự trù của một nhóm người Do Thái. Cảnh sát chống bạo Israel đáp trả bằng cách bắn lựu đạn cay để giải tán đám đông.
Azzam Khabib, viên chức Hồi Giáo tại núi Đền nói là các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã kêu gọi Israel không cho phép người ngoài Hồi giáo vào khu vực vì tình hình đang căng thẳng. Tuy nhiên, ông cho biết khoảng 300 cảnh sát Israel đã đi vào khu vực vào sáng sớm, gây ra các vụ đụng độ.
Ngay sau khi cuộc đụng độ hôm 4 tháng 11, một tài xế người Palestine đã đâm chiếc xe van của mình vào một đám đông chờ đợi cho một chuyến tàu, giết chết viên cảnh sát và làm bị thương hơn một chục người khác. Một cuộc tấn công tương tự cũng đã diễn ra vào hai tuần trước.
Buổi tối cùng ngày, một người tài xế khác cũng bất ngờ tông vào một nhóm lính Do Thái làm 3 người bị thương. Hung thủ sau đó đã tự nộp mình cho lực lượng an ninh Do Thái vào ngày hôm sau.
5. Tổng thống Iraq chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm nước này
Phát biểu hôm thứ Hai 18 tháng 11 tại một hội nghị do thông tấn xã Asia News tổ chức về tình hình tự do tôn giáo tại Trung Đông, Đức Hồng Y Louis Sako là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một lời mời chính thức tới thăm Iraq.
Đức Hồng Y cho biết trong cuộc gặp gỡ diễn ra hôm Chúa Nhật 9 tháng 11 với tổng thống Iraq Fuad Masur, vị đứng đầu nhà nước Iraq cho biết qua các kênh ngoại giao ông đã chính thức gởi lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này.
Đức Thượng Phụ đã mời Đức Thánh Cha sang thăm Iraq vào năm ngoái, thay mặt cho cộng đồng Kitô hữu tại Iraq. Nhưng thông thường một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cần phải có một lời mời từ người đứng đầu nhà nước cũng như các giám mục Công Giáo.
Đức Hồng Y Sako nói với các tham dự viên hội nghị rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha là một trong những ước muốn ấp ủ bởi người dân Iraq.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 mỗi vị đều có ít nhất hai lần bày tỏ ước muốn thăm Iraq, nhưng kế hoạch đã bị hoãn vì những biến động của chiến tranh và những lo ngại rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ bị khai thác cho mục đích tuyên truyền.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng này. Đầu năm nay, Đức Thượng Phụ Sako đã đưa ra lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha xem xét để thêm chuyến thăm Iraq vào hành trình của ngài.
An ninh cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một vấn đề vì quân khủng bố IS chỉ cách thủ đô Baghdad chưa tới 25km, nghĩa là trong tầm bắn của một loạt các hỏa tiễn. Đồng thời, các vụ nổ xe bom tự sát tại Baghdad diễn ra rất thường xuyên.
6. Nhóm Tenore: Ba giọng hát mạnh mẽ giúp trẻ em
Mark, Jason và Carlos thuộc nhóm Tenore, một nhóm hát Bắc Mỹ đi khắp thế giới hát các bài hát Kitô giáo truyền thống và cổ điển, như bài Kinh Lạy Cha.
Nhóm Tenore cho biết: "Chúng tôi tin rằng âm nhạc có sức mạnh hiệp nhất khi rất nhiều điều đang cố chia rẽ chúng ta... Vì vậy, các bài nhạc của chúng tôi, thực sự là nỗi khát khao muốn đem các Kitô hữu, Tin lành, Công Giáo, Do Thái, và những người không có đức tin đến với nhau qua những bài hát ".
Tenore cũng có mục tiêu: giúp đỡ trẻ em đang đau khổ trên khắp thế giới. Một trong những thành công lớn nhất của họ là một bài hát viết bằng tiếng Ý và tiếng Anh mang tên "Sempre Vicino" (Luôn luôn gần gũi). Người sáng lập nhóm, Jill Ann Siemens, đã viết bài hát khi cô phát hiện ra rằng 700 trẻ em trở thành trẻ mồ côi sau biến cố 11/9.
Nhóm Tenore cho biết thêm:
"Trong tất cả các buổi biểu diễn của chúng tôi, về cơ bản chúng tôi muốn đưa ra ánh sánh những người thiệt thòi và khó khăn trên khắp thế giới, và chúng tôi mang đến cho mọi người cơ hội ủng hộ tiền bạc để giúp đỡ trẻ em. Bằng cách đó, chúng tôi có phương tiện giúp cho trẻ em. Một phần lợi nhuận của hầu hết các đĩa CD của chúng tôi cũng dùng để giúp trẻ em”.
Nhóm Tenore vừa đến thăm Rôma để hát tại một hội nghị về phong trào đại kết.
Với hai album vừa phát hành và lịch trình các buổi biểu diễn dày đặc sắp tới, Mark, Jason và Carlos hy vọng sẽ tiếp tục làm những gì họ yêu thích nhất: ca hát và truyền cảm hứng cho dân chúng.
7. Người cao nhất thế giới gặp gỡ người lùn nhất thế giới
Trong một diễn biến ngoạn mục, các nhà tổ chức của Guinness, cuốn sách ghi lại những kỷ lục trên thế giới đã mời hai người cao nhất thế giới và lùn nhất thế giới đến Luân Đôn để gặp nhau.
Sultan Kosen, 31 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ và Chandra Bahadur Dangi, 74 tuổi người Nepal, đã được mời đáp máy bay đến Luân Đôn để chụp hình chung với nhau.
Kosen tuổi, là một nông dân cao 2 thước 51 đã trở thành người đàn ông còn sống cao nhất thế giới vào năm 2009 khi anh vượt qua Xi Shun, người Trung Quốc, đứng ở vị trí thứ nhì với 2 thước 36.
Dangi chỉ cao có 54cm. Ông từng là một người thợ dệt và chăm sóc trâu, bò ở một ngôi làng ở miền núi xa xôi ở Reemkholi. Ông nặng chỉ có 32 kg.
8. Đức Tổng Giám Mục Prakash Mallavarapu nói: dân Ấn rất tức giận về cái chết của các phụ nữ triệt sản
Đức Tổng Giám Mục Prakash Mallavarapu, chủ tịch Ủy Ban Y Tế Hội Đồng Giám Mục Ấn, Giám Mục giáo phận Vishakhapatna, cho biết 83 phụ nữ đã phải đưa đi cấp cứu sau khi được một bác sĩ triệt sản, trong đó 13 phụ nữ đã thiệt mạng trong tuần qua và 16 người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Gupta, là người đã triệt sản cho những phụ nữ này đã bị bắt giữ. Ông phủ nhận những cáo buộc cho rằng các dụng cụ y khoa do ông sử dụng bị rỉ sét, dơ dáy và ông đã ăn chặn thuốc men cấp cho những phụ nữ này.
Tuy nhiên, theo những báo cáo mới nhất người ta tìm thấy những độc chất được dùng trong thuốc diệt chuột trong trong thuốc triệt sản mà ông tiêm cho các phụ nữ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Radio Vatican, Đức Tổng Giám Mục Prakash Mallavarapu nói: “Người dân Ấn rất tức giận về chuyện này”.
Năm ngoái hơn 4 triệu phụ nữ Ấn đã được hay bị triệt sản trong cố gắng của chính quyền nước này nhằm kiểm soát dân số.
9. Tìm thấy xác vị linh mục biến mất đột ngột tại Mễ Tây Cơ
Tổng giáo phận Chilpancingo-Chilapa của Mễ Tây Cơ cho biết đã tìm thấy xác của cha John Ssenyondo, một nhà truyền giáo dòng Comboni quốc tịch Uganda, trong một ngôi mộ tập thể gần thị trấn Chilapa, cùng với nhiều xác chết khác.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 14 tháng 11. Việc xác định thi thể là của cha John Ssenyondo đã được thực hiện nhờ một nha sĩ đã lưu những hồ sơ nha khoa của ngài.
Cha John Ssenyondo đã biến mất đột ngột vào ngày 30 Tháng Tư 2014. Cảnh sát vẫn chưa biết lý do dẫn đến cái chết của ngài. Giáo phận Chilpancingo-Chilapa phủ nhận giả thuyết do báo chí đưa ra là ngài bị giết vì từ chối không chịu cử hành bí tích rửa tội cho con gái một tên trùm buôn bán ma túy trong vùng.
Thông tấn xã Fides cho biết cơ thể ngài đã được tìm thấy vào ngày 29 tháng 10, nhưng đến hôm 13 tháng 11, các nhân viên điều tra sau khi thực hiện các kiểm định cuối cùng mới báo cho giáo phận.
Cha John Ssenyondo sinh tại Masaki, Uganda, thuộc Dòng Thừa Sai Comboni của Trái Tim Chúa Giêsu đã làm mục vụ tại Guerrero từ năm 2010 cho đến khi bị giết.
Ngày 30 tháng 4 vị linh mục đã biến mất sau khi cử hành một đám cưới tại Santa Cruz, Chilapa.
10. Mễ Tây Cơ hợp tác với Tòa Thánh để đề cao nhân quyền
Mễ Tây Cơ đang tích cực hoạt động để đáp ứng những thách đố tạo ra bởi dòng người nhập cư – trong đó có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên - đặc biệt là từ Guatemala, Honduras và El Salvador. Họ đến Mễ Tây Cơ để từ đó nhập cư lậu vào Hoa Kỳ. Giáo Hội là một trong các đối tác quan trọng của Mễ Tây Cơ trong việc chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất trong các chuyến đi nguy hiểm này. Đại sứ Juan M. Gomez-Robledo, đã nói với Đài phát thanh Vatican hôm thứ Sáu 14 tháng 11.
Bên cạnh đó, Mễ Tây Cơ cũng đang phải đối phó với tình trạng băng đảng và nạn tham nhũng của chính quyền các địa phương. Trong một diễn biến tồi tệ, chính quyền Mễ Tây Cơ cho hay là cảnh sát tại Iguala đã giao 43 sinh viên biểu tình cho bọn buôn bán ma tuý mang đi thiêu sống. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là những phụ huynh của các sinh viên bị giết đang mở cuộc biểu tình tuần hành trong cả nước bằng xe bus để tố cáo tình trạng tham ô và cấu kết với băng đảng của cảnh sát và các chính quyền địa phương.
Cảnh sát và sinh viên đã xô xát với nhau dữ dội trong cuộc biểu tình hôm 26 tháng 9. Cho đến buổi tối cùng ngày có 6 người bị thiệt mạng và 25 người bị thương và 43 sinh viên bị mất tích.
Một số thành viên của bọn buôn bán ma túy Guerreros Unidos bị cảnh sát liên bang bắt giữ sau đó đã khai ra ít nhất là 30 viên chức cảnh sát là những người đã lùa các sinh viên lên những chiếc xe tải và sau đó giao nộp họ cho bọn buôn bán ma túy nói rằng họ là những thành viên của một phe đảng ma túy khác đang cạnh tranh thị trường với bọn Guerreros Unidos. Phe đảng ma túy này đã thiêu sống các sinh viên và chôn họ trong các ngôi mộ tập thể. Đến nay người ta đã tìm thấy thi thể của 28 sinh viên. 15 sinh viên khác vẫn chưa biết sống chết ra sao.
Cảnh sát liên bang đã chiếm 13 đồn bót cảnh sát trong vùng bắt giữ 36 sĩ quan và cảnh sát viên địa phương bị tình nghi có liên quan trong vụ này. Hai vợ chồng viên thị trưởng thành phố là Jose Luis Abarca là người chỉ huy vụ đàn áp này đã lập tức bỏ trốn tại thủ đô Mexico City và bị bắt hôm thứ Ba 4 tháng 11.
Chỉ trong vòng 2 năm cầm quyền, hai vợ chồng Jose Luis Abarca đã là chủ nhân của 17 tòa nhà trong thành phố Iguala, kể cả một thương xá lớn. Cảnh sát liên bang không loại trừ khả năng hai vợ chồng Jose Luis Abarca chính là những kẻ cầm đầu nhóm buôn bán ma túy Guerreros Unidos chứ không phải chỉ lạm dụng quyền hành móc ngoặc với nhóm buôn bán ma túy này.
11. Khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Libya
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn ở Libya vì cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 tháng qua. Khoảng 400,000 người đã phải tị nạn.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết chỉ riêng trong tháng 11, đến nay đã có ít nhất 106,000 người ở Libya phải rời bỏ nhà cửa của họ để tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn.
Các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn đã phải vật lộn để đối phó với làn sóng người tản cư. Hầu hết các trường học đã bị biến thành nơi trú ẩn. Thậm chí nhiều người tị nạn bị buộc phải cắm trại bên ngoài các ngôi trường dưới những tấm bạt thô sơ.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng kể từ năm 2011, khi nhà độc tài Moammar Gadhafi bị lật đổ và bị giết.
Hôm thứ Năm 13 tháng 11, các xe bom đã phát nổ bên ngoài đại sứ quán Ai Cập và United Arab Emirates ở Tripoli. Cả hai đại sứ quán, cùng với hầu hết các cơ quan đại diện ngoại giao Libya, đã bị đóng cửa trong nhiều tháng qua. Một ngày trước đó, 3 xe bom đã giết chết 6 người và làm bị thương 21 người khác.
12. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và Hồi Giáo họp tại Lahore đòi hỏi công lý cho hai vợ chồng bị thiêu sống
Cảnh sát Pakistan đã bắt giữ 44 người liên quan tới một vụ giết người khủng khiếp. Những người chứng kiến cho biết hôm Chúa Nhật 2 tháng 11, trong khi dọn dẹp nhà chị Shama Bibi, 31 tuổi, tìm thấy những giấy tờ cũ của người cha chồng. Chị đem đốt những giấy tờ này thì một người làm chung là Muhammad Irfan la làng lên là chị đã đốt một bản sao của kinh Qu'ran. Một đám đông khoảng 300 người Hồi Giáo kéo đến vây quanh chị và chồng là anh Shahzad Bibi, 35 tuổi. Chúng bắt họ đưa đến một lò làm gạch. Tại đây chúng đánh đập hai vợ chồng què chân rồi quăng vào lò lửa nung gạch.
Chị Shama Bibi đang có thai và là mẹ của 4 người con nhỏ.
Shahbaz Sharif, Thống đốc bang Punjab và là anh trai của Thủ tướng Chính phủ Pakistan Nawaz Sharif-- đã cho mở một cuộc điều tra về trường hợp tử vong và ra lệnh cho cảnh sát bảo vệ các khu phố Kitô giáo để đề phòng bạo loạn.
Hôm thứ Năm 13 tháng 11, các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở Pakistan đã họp tại Lahore để đòi hỏi công lý và cầu nguyện cho cặp vợ chồng Công Giáo bị thiêu sống tại Kasur.
Cuộc họp đã diễn ra tại Trung Tâm Hòa Bình ở Lahore là trung tâm đối thoại liên tôn được khởi xướng và điều hành bởi các tu sĩ dòng Đaminh. Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cha James Channan, Giám đốc Trung tâm báo cáo rằng bên cạnh các nhà lãnh đạo Hồi Giáo như Abdul Khabir Azad, giáo trưởng đền thờ Hồi Giáo Lahore, Shafat Rasool, chủ tịch ủy ban Liên Tôn Pakistan về phía Công Giáo có cha Pascal Paulus, chủ tịch Hội Đồng các bề trên thượng cấp Pakistan, Cha Inayat Bernard, giám đốc của "The Christian Voice" và đông đảo các tạp chí Công Giáo tại Pakistan.
Hội nghị đã đồng thanh lên án vụ sát hại Shahzad và Shama và yêu cầu nhà cầm quyền Pakistan đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý bao gồm cả giáo trưởng Hồi Giáo tại Kasur là người đã kích động những người Hồi Giáo đi giết hai vợ chồng người Công Giáo này.