Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Năm, 11 tháng 12, trong bài giảng lễ sáng tại nguyện đường Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, Thiên Chúa giống như một người mẹ, Ngài yêu thương chúng ta vô điều kiện, nhưng chúng ta thường muốn kiểm soát ân sủng Chúa dưới hình thức một thứ kế toán về tinh thần.
Lấy hứng từ bài đọc trong ngày trích từ sách ngôn sứ Isaia, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa cứu Dân Người không phải từ xa nhưng bằng sự gần gũi, dịu dàng.
“Sự gần gũi của Thiên Chúa được miêu tả như một người mẹ, một người mẹ nói chuyện với con mình, và hát ru cho con”. Đức Thánh Cha nói rằng thậm chí người mẹ còn nói với trẻ bé bằng ngôn ngữ của chúng, đến nỗi ai đó không hiểu bối cảnh mà nghe thấy thì cho là ngớ ngẩn: Nội dung của câu chuyện giữa mẹ và con là: “Này con bé thơ ơi. Con đừng sợ gì hết”. Thường thì người mẹ có cách diễn tả và âu yếm trẻ bé như thế đúng không? [Đức Thánh Cha hát một bài hát ru] “Mẹ sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…Mẹ sẽ làm cho con lớn lên” và bà ta mơn trớn, âu yếm đứa con thơ của mình và ôm chặt nó vào lòng. Và đó là cách của Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa dịu dàng. Và Ngài thể hiện sự gần gũi và dịu dàng như một người mẹ”.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện. Giống như tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con thơ. Và những đứa trẻ “đã để cho mình được yêu thương”. “Đó chính là ân sủng của Thiên Chúa”. “Nhưng nhiều khi chúng ta lại muốn kiểm soát ân sủng này”. Đức Thánh Cha nói rằng “trong lịch sử và trong cuộc sống, chúng ta bị cám dỗ để biến đổi ân sủng nhưng không của Chúa thành một loại ân sủng của những mặt hàng đong đếm được”. Tôi có rất nhiều ân sủng”, hoặc “Tôi có một tâm hồn trong sạch. Tôi được ơn này..”.
“Theo cách đó, sự gần gũi của Thiên Chúa bị kéo vào một loại sổ sách như thể: “Tôi sẽ làm điều này thì tôi sẽ được 300 ân sủng … Tôi sẽ làm điều đó bởi vì nó sẽ cho tôi ân sủng và như vậy tôi sẽ tích lũy ân sủng”. Nhưng ân sủng là gì? Có phải là một thứ hàng hóa không? Trong suốt lịch sử gần gũi của Thiên Chúa với dân Người, con người đã phản bội Thiên Chúa bởi thái độ ích kỷ, bởi ước muốn kiểm soát ân sủng của Chúa để biến nó thành một mặt hàng”.
Đức Thánh Cha nhắc lại có những nhóm người vào thời Chúa Giêsu muốn kiểm soát ân sủng như: Các thầy Pharisêu, bị nô lệ bởi quá nhiều luật lệ mà họ đặt “trên vai người dân.” Các ông phái Sa-đốc với các thỏa hiệp chính trị. Các người thuộc phái Nhiệm Nhặt là “những người tốt, rất tốt, nhưng họ lại sợ hãi nhiều chuyện và không bao giờ muốn phiêu lưu với Chúa” và họ chọn lối sống ẩn tu trong hoang địa. Phái Nhiệt Thành lại cho rằng ân sủng của Thiên Chúa chính là “chiến tranh giải phóng”, “một cách nào đó biến ân sủng thành như một mặt hàng.”
“Ân sủng của Thiên Chúa là một vấn đề khác: nó là sự gần gũi, là sự dịu dàng. Nguyên lý này luôn vững chắc. Nếu trong mối liên hệ giữa bạn với Chúa, bạn không cảm thấy rằng Ngài yêu thương bạn bằng tình thương dịu dàng, bạn đang thiếu một cái gì đó, bạn vẫn chưa hiểu gì về ân sủng và bạn chưa nhận được ân sủng”. Đức Thánh Cha Phanxicô kể lại một trường hợp ngồi tòa của nhiều năm về trước. Có một người phụ nữ bị dày vò bởi câu hỏi rằng liệu bà tham dự thánh lễ cưới vào chiều thứ bảy với các bài đọc dành cho lễ cưới thì có thể thế cho ngày Chúa Nhật không. Và đây là câu trả lời của Đức Thánh Cha : “Thưa bà, Chúa yêu thương bà nhiều. Bà đã đến nhà thờ và bà đã rước Chúa, bà được ở với Chúa Giêsu … Bà đừng lo lắng, Chúa không phải là một thương gia, Chúa yêu thương chúng ta, Ngài rất gần gũi chúng ta”:
“Thánh Phaolô đã từng phản ứng mạnh mẽ đối với tinh thần vụ luật này. ‘Tôi đúng, và điều này là đúng. Nếu tôi không làm điều này tôi không đúng’. Nhưng bạn đúng vì Thiên Chúa ở gần bên, vì Thiên Chúa âu yếm bạn, vì Thiên Chúa nói với bạn những điều dịu dàng: đó là sự công chính của chúng ta, sự gần gũi của Thiên Chúa, đó là sự dịu dàng và là tình yêu.
Nếu chúng ta can đảm mở lòng để đụng đến sự dịu dàng của Thiên Chúa thì tinh thần của chúng ta sẽ tự do! Hôm nay, nếu bạn có ít thời gian, hãy lật và đọc đoạn Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaia chương 41, từ câu 13 đến 20. Đó chính là sự dịu dàng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đang hát cho mỗi chúng ta một bài hát ru, giống như một người mẹ hát ru cho trẻ thơ”.
2. Niềm vui của Giáo Hội là được làm mẹ
Niềm vui của Giáo Hội là được làm mẹ, đi ra ngoài và tìm kiếm những con chiên lạc. Đó là ý chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ Ba, 09 tháng 12 tại nguyện đường Santa Marta. Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội không cần phải có “một biểu đồ tổ chức hoàn hảo”, nếu vậy Giáo Hội sẽ làm cho mình bị thương tổn và đóng cửa lại trên chính mình, không còn là một người mẹ.” Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy trở nên là những “Kitô hữu của niềm vui mang lấy niềm an ủi và sự dịu dàng của Chúa Giêsu.”
“Hãy mở cửa để đón nhận niềm an ủi của Chúa.” Khởi đầu bài giảng, ngài nói về sự phục vụ. Bài đọc I trích sách ngôn sứ Isaiah, vị ngôn sứ tiên báo thời kỳ kết thúc của các tai ương trên Israel sau cuộc lưu đày ở Babylon. “Những người dân, mong ngón sự an ủi. Sự hiện diện của Chúa chính là sự an ủi lớn lao cho họ. “Đó là một sự an ủi cho họ ngay cả trong cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, chúng ta thường lẫn trốn khỏi sự an ủi này vì chúng ta không có sự tự tin; chúng ta chỉ muốn tìm sự thấy thoải mái nơi những gì chúng ta sắp xếp, chúng ta thấy thoải mái ngay cả trong thất bại của chúng ta, trong tội lỗi của chúng ta.” “Mặt khác, khi Chúa Thánh Thần đến, nguồn an ủi đến, và đem chúng ta đến một trạng thái mà chúng ta không thể kiểm soát: đó chính là sự buông mình cho niềm an ủi của Chúa.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng:
“Niềm an ủi lớn lao nhất chính là lòng thương xót và ơn tha thứ.” Đức Thánh Cha còn gợi ý đến sách ngôn sứ Ezekiel chương 16 nói rằng, sau những tội lỗi của con người, Chúa phán: “Ta sẽ không bao giờ bỏ rơi các người; Ta sẽ ban cho các ngươi ơn dư tràn. Sự báo oán của Ta chính là: niềm an ủi và ơn tha thứ”. Chính Thiên Chúa là Đấng ủi an chúng ta. Chỉ duy mình Ngài là Đấng ủi an ta.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến dụ ngôn con chiên lạc được nhắc đến trong Tin Mừng của ngày.
“Tôi tự hỏi, niềm an ủi của Giáo Hội là gì? Sự cảm nhận của cá nhân nào đó khi cảm nhận được lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa, Giáo Hội hân hoan và vui mừng khi bước ra ngoài.Trong Tin Mừng kể lại việc mục tử đi tìm con chiên lạc. Người mục tử này không phải là nhà làm kinh tế giỏi. “Chín mươi chín con chiên, nếu tôi bị mất một thì không có vấn đề gì. Không cân đối khi bỏ 99 con để đi tìm con chiên lạc. Nhưng người mục tử này đã mang lấy tấm lòng nhân lành. Ông đã đi ra và tìm kiếm cho bằng được con chiên bị lạc cho đến khi tìm được mới thôi. Khi tìm được rồi thì vui mừng vác chiên trở về.
“Niềm vui việc đi ra tìm kiếm các anh chị em ở xa: Đây là niềm vui của Giáo Hội. Giáo Hội trở thành một người mẹ phát sinh sự sống.”
“Khi Giáo Hội làm được điều này, thì Giáo Hội không dừng lại trên chính mình, không đóng cửa trên chính mình. Như thế Giáo Hội không phải là tổ chức hoàn hảo, có một sơ đồ chỉ dẫn hoàn hảo, tất cả mọi thứ đều tốt đẹp, mọi thứ đều ngăn nắp nhưng lại thiếu niềm vui, thiếu sự bình an, và vì vậy Giáo Hội sẽ trở nên một Giáo Hội chán nản, lo lắng, buồn bã, một Giáo Hội có vẻ giống như một phụ nữ độc thân hơn là một người mẹ, và Giáo Hội này không hoạt động, đó là một Giáo Hội trong viện bảo tàng. Niềm vui của Giáo Hội là trổ sinh; niềm vui của Giáo Hội là để đi ra khỏi chính mình để phát sinh sự sống; niềm vui của Giáo Hội là đi ra để tìm kiếm những con chiên bị lạc; niềm vui của Giáo Hội chính là sự dịu dàng của người mục tử, sự dịu dàng của người mẹ.”
Đoạn kết trích từ sách ngôn sứ Isaiah một lần nữa đưa lên hình ảnh này: “Giống như một người mục tử chăm sóc đàn chiên mình, ông tập hợp tất cả các con chiên. Đó là niềm vui của Giáo Hội, để đi ra khỏi chính mình và trở nên hoàn hảo.”
“Xin Chúa cho chúng ta ơn nỗ lực làm việc để các Kitô hữu cảm nhận được vui mừng trong việc lớn lên của Mẹ Giáo Hội, và gìn giữ chúng ta đừng rơi vào thái độ thiếu kiên nhẫn, buồn phiền, lo lắng. Xin cho Giáo Hội ngày càng đông số. Nguyện xin Chúa an ủi chúng ta với niềm an ủi của Mẹ Giáo Hội Mẹ để đi ra khỏi chính mình và an ủi chúng ta với niềm an ủi dịu dàng của chính Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.”
3. Thượng Hội Đồng Giám Mục là nơi các Nghị Phụ mưu cầu thiện ích cho gia đình, Giáo Hội và xã hội.
Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một quốc hội, nhưng là một không gian được che chở để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Không có xung đột giữa các phe nhóm, nhưng có sự đối chiếu giữa các Giám Mục sau việc chuẩn bị lâu dài nhắm mưu cầu thiện ích cho gia đình, cho Giáo Hội và cho xã hội. Đã không có phát biểu nào đặt lại vấn đề liên quan tới các sư thật nền tảng của Bí Tích Hôn Phối là tính cách bất khả phân ly, sự hiệp nhất, lòng chung thủy và rộng mở cho sự sống.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10/12 tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ, ngài nói: Anh chị em thân mến, chúng ta đã kết thúc loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Cảm tạ Chúa đã cho chúng ta bước đi trên lộ trình giúp khám phá ra vẻ đẹp và tinh thần trách nhiệm của việc thuộc về Giáo Hội. Giờ đây chúng ta bắt đầu một loạt bài mới về đề tài gia đình, trong thời gian chuyển tiếp giữa hai Thượng Hội Đồng Giám Mục dành cho thực tại quan trọng này. Vì thế trước khi bước vào việc duyệt xét các khía cạnh khác nhau của cuộc sống gia đình, hôm nay tôi muốn khởi hành từ chính Thượng Hội Đồng Giám Mục của tháng 10 vừa qua về đề tài “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công tác tái truyền giảng Tin Mừng”.
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục các phương tiện truyền thông đã làm việc – đã có rất nhiều chú ý và lưu tâm – và chúng ta cám ơn họ đã tường trình rộng rãi biến cố này. Điều này đã có thể được là nhờ Phòng Báo Chí Tòa Thánh họp báo hằng ngày. Nhưng thường khi cái nhìn của các phương tiện truyền thông đã hơi giống kiểu tường trình các biến cố thể thao hay chính trị: người ta thường nói tới hai đội, phò hay chống, bảo thủ và cấp tiến vv. Hôm nay tôi muốn kể cho anh chị em nghe một cách ngắn gọn về công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Trước hết tôi đã xin các Nghị Phụ phát biểu với sự thẳng thắn, can đảm và lắng nghe với lòng khiêm tốn. Sau bài thuyết trình mở đầu của Đức Hồng Y Erdoe, đã có giai đoạn đầu tiên nền tảng, trong đó tất cả các nghị Phụ đã có thể phát biểu và tất cả đã lắng nghe. Đây là một thời gian rất tự do, trong đó mỗi người đã trình bầy tư tưởng của mình với sự tự do hoàn toàn và lòng tin tưởng. Nền tảng của các phát biểu là tài liệu làm việc, hoa trái của việc tham khảo ý kiến trước đó của toàn thể Giáo Hội. Và ở đây chúng ta phải cám ơn Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục về công việc lớn lao đã làm trước cũng như trong lúc nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đề cập đến nội dung các bài phát biểu Đức Thánh Cha đã khẳng định như sau:
Đã không có bài phát biểu nào đặt lại vấn đề với các sự thật nền tảng của Bí Tích Hôn Phối là tính cách bất khả phân ly, sự hiệp nhất, lòng chung thủy và việc rộng mở cho sư sống (x. GS 48; GL 1055-1056).
Tất cả mọi bài phát biểu đều đã được thu thập và bước sang giai đoạn thứ hai là việc tường trình. Bài tường trình này cũng đã do Đức Hồng Y Erdoe đảm trách. Nó gồm ba phần: lắng nghe bối cảnh và các thách đố của gia đình; hướng nhìn lên Chúa Kitô và Tin Mừng của gia đình; đối chiếu với các viễn tượng mục vụ.
Đã có việc thảo luận theo nhóm liên quan tới đề nghị đúc kết đầu tiên này là giai đoạn ba. Các nhóm luôn luôn được chia theo ngôn ngữ: ý, anh, tây ban nha và pháp. Sau cùng mỗi nhóm đã tường trình công việc của mình, và tất cả các bài tường trình nhóm đã được công bố ngay sau đó.
Tới đây là giai đoạn bốn, có một ủy ban duyệt xét lại tất cả các đề nghị gợi ý của các nhóm, rồi đúc kết lại trong bản tường trình sau cùng, duy trì lược đồ trước đó là: lắng nghe thực tại, hướng nhìn lên Tin Mừng và dấn thân mục vụ, nhưng tìm cách tiệp nhận kết qủa các thảo luận của các nhóm. Như thường lệ cũng đã có một Sứ Điệp đúc kết được chấp thuận, ngắn gọn và dễ phổ biến hơn Bản tường trình.
Đó đã là cung cách diễn tiến của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Có vài người trong anh chị em có thể hỏi tôi: “Các Nghị Phụ có cãi nhau không?”. “Tôi không biết các vị có cãi nhau không, nhưng các vị đã nói mạnh lắm, vâng điều này thì đúng thật. Và đó là sự tự do, chính sự tự do có trong Giáo Hội. Tất cả đã xảy ra “với Phêrô và dưới Phêrô”, nghĩa là với sự hiện diện của Giáo Hoàng, bảo đảm cho tất cả được tự do và tin tưởng, và bảo đảm cho sự chính thống. Và sau cùng với bài phát biểu của tôi tôi đã đọc lại kinh nghiệm của Thương Hội Đồng Giám Mục một cách tổng kết.
Như vậy, có ba tài liệu chính thức do Thượng Hội Đồng Giám Mục đề ra: Sứ điệp chung kết, bản Tường Trình cuối cùng và diễn văn của Giáo Hoàng. Không có tài liệu nào khác.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Bản Tường trình sau cùng là điểm tới của tất cả việc suy tư, giờ đây được gửi tới các Hội Đồng Giám Mục, để được thảo luận chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường sắp tới triệu tập vào tháng 10 năm 2015. Tôi nói rằng hôm qua nó đã được công bố với các câu hỏi đặt ra cho các Hội Đồng Giám Mục, và như thế nó trở thành
Đề cương của Thượng Hội Đồng Giám Mục tới. Rồi Đức Thánh Cha minh giải thêm Thượng Hội Đồng Giám Mục như sau:
Chúng ta phải biết rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một Quốc Hội, người đại diện của Giáo Hội này, Giáo Hội kia, Giáo Hội nọ tới. Không, không phải vậy đâu. Người đại diện tới, đúng, nhưng cấu trúc không phải quốc hội, nó hoàn toàn khác biệt.
Thượng Hội Đồng Giám Mục là một không gian được che chở, trong đó Chúa Thánh Thần có thể hoạt động; đã không có xung đột nào giữa các phe phái, nhưng có môt sự đối chiếu giữa các Giám Mục, xảy ra sau một công việc chuẩn bị lâu dài và giờ đây sẽ tiếp tục trong một công việc khác, cho thiện ích của gia đình, Giáo Hội và xã hội. Nó là một tiến trình, nó là lộ trình bình thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Giờ đây tiếp tục trong các Giáo Hội địa phương công việc của lời cầu nguyện, suy tư, và thảo luận huynh đệ nhằm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới. Đó là Thượng Hội Đồng các Giám Mục. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ Trinh Nữ. Ước chi Mẹ giúp chúng ta đi theo ý muốn của Thiên Chúa, khi đưa ra các quyết định mục vụ giúp gia đình nhiều hơn và tốt hơn. Tôi xin anh chị em đồng hành với lộ trình này bằng lời cầu nguyện. Xin Chúa soi sáng chúng tôi, làm cho chúng tôi tiến tới chỗ chín mùi điều mà như là Thượng Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi phải nói với tất cả các Giáo Hội. Và lời cầu nguyên của anh chị em quan trọng đối với điều này.
4. Câu chuyện Giáng Sinh
Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ". Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết". Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.