Thiên Chúa: Sự Tự Trào Vĩ Đại
Thế giới này là sự hài hước cho người suy tư và là nỗi đau đối với người nhạy cảm.
Phải là người bản lĩnh lắm mới dám tỏ ra là mình yếu đuối, và phải thông minh lắm mới cho thấy cái ngu dốt của mình. Lẽ thường, trong đời thường của những người thường như chúng ta, ai cũng sợ người khác chê cười, chọc ghẹo, chả thế mà lúc nào cũng chăm chăm tôn chỉ “luôn luôn niềm nở nhưng không được sơ hở”. Chúng ta quá nhạy cảm nên dễ bị tổn thương. Hay nói cách khác, quá chú trọng chữ “sĩ” nên luôn hào nhoáng giả tạo theo kiểu “ngoại giao”. Mà đã ngoại giao thì “hình thức bên ngoài chỉ có tính chất minh họa chứ không phản ánh nội dung bên trong”.
Khi tổng thống Bush bị phóng viên Muntadar al-Zaidi ném giày vào mặt, ông bình tĩnh tự trào làm dịu bầu không khí: “nếu các bạn muốn biết, thì đôi giày đó cỡ số 10”. Còn khi thánh Phanxicô Assisi đang giảng thuyết và bị một người nhổ nước bọt vào mặt, thánh nhân chỉ lấy tay lau mặt và tiếp tục nói mà không nhìn vào người đã xỉ nhục mình. Nguyễn Khuyến cũng đã cười nhạt chính mình: “Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ, Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.
Đúng là nhân cách lớn.
Trong khi đó, ngày nay, khi mà nhà nhà văn hóa, khu phố văn hóa, xã phường văn hóa như xã hội của chúng ta, thì chỉ một lời nói vô tình thôi, tính mạng dễ dàng bị đe dọa. Ra đường, chỉ một cái liếc mắt gọi là “nhìn đểu” cũng có thể bị ăn dao ngay. Nếu bạn lên google và tìm kiếm từ “nhìn đểu” bạn sẽ được biết những câu chuyện rất đau lòng.
Ở một cấp độ “vi mô” hơn như trong cộng đoàn tu trì, gia đình, bạn bè, lối xóm vv... tính sĩ diện và sự cao ngao cũng là một vấn đề nổi cộm. Nghĩa là, giữa bạn bè với nhau nhưng cũng rất khó góp ý, khi ai đó có lời nói hành vi kệch cỡm quá thì cách chung mọi người cứ phải cười cầu tài; ngay cả anh em trong cộng đoàn tu trì, anh em cũng không dễ sửa lỗi nhau vì sợ họ phật lòng rồi đâm ra nói xấu mình. Các ca đoàn Công Giáo gây ấn tượng về lời ca tiếng hát thanh thoát dâng lên Trời Cao bao nhiêu, thì cũng không kém cảnh chị em mạt sát, chỉ trích nhau bấy nhiêu. Lắm lúc buồn cũng chẳng biết tỏ lộ cùng ai, bởi lẽ chẳng ai làm cho mình cười nhưng chỉ cười vào mặt mình.
Đã qua rồi cái thời hy sinh chịu đựng là một giá trị, người ta có thể thề sống chết có nhau vượt qua ngàn gian khó, bây giờ đụng chuyệt một tí là họ quyết “sống chết với nhau”. Họ đi theo học thuyết “tình yêu mãi mãi là vĩnh cửu, nhưng người yêu thì có thể thay đổi”. Trước đây các anh hùng hảo hán theo tôn chỉ “giang hồ đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em”. Ngày nay thì các bậc phu quân hay rỉ tai nhau “... chỉ sợ khi về thấy vợ đang ôm con đứng chờ”. Tại sao vậy? Vì nữ tướng đang ôm con, nhưng đó lại là ... con dao!
Cùng một sự kiện nhưng mỗi người cảm nhận khác nhau, giải quyết khác nhau. Cũng là các bất đồng tranh cãi thường tình trong đời sống vợ chồng, nhưng có đức ông chồng luôn đổ lỗi cho vợ, chê bai vợ ngu dốt hơn mình. Và vì vậy, chuyện tranh cãi chẳng bao giờ chấm dứt, rất khó để có được phút giây an bình trong cái gọi là tổ ấm yêu thương. May mắn thay, cũng còn có ông chồng đủ khôn ngoan để có thể chấp nhận mình ngu dốt và dám tự trào khi tranh cãi mà nói với vợ: “tại anh cưới được người giỏi giang hơn cái người mà em cưới”. Nghe được câu đó, bao nhiêu khẩu khí của cô nàng cũng phải dịu xuống mà mắng yêu: anh chỉ được cái nước nịnh.
Ít người đủ mạnh mẽ để tỏ ra mình là người nhỏ bé, yếu đuối. Có được một chút quyền lực là phải tỏ ra cho thiên hạ biết.
Nhìn vào hang đá Bêlem, bỏ đi các ánh sáng lập lòe, bỏ đi các quả châu, sợi kim tuyến trang trí bằng giấy, chúng ta thấy gì? Một vị vua quyền lực, dũng mãnh? Một đấng cứu nhân độ thế uy hùng? Hay một siêu nhân công lực toàn vẹn? Không, không và không. Chỉ là một em bé trong máng cỏ, hoàn toàn trần trụi, yếu ớt, mong manh.
Phải chăng đó chính là sự tự trào vĩ đại?
Cuộc sống rất hào phóng, mỗi người đón nhận quà tặng của nó bằng tấm lòng rộng lượng của mình. Trái tim bạn đủ lớn, bạn có thể ôm cả thế giới trong lòng, bạn sẽ có rất nhiều anh em bạn hữu. (Dĩ nhiên không phải là lượng bạn bè trên facebook đâu). Ngược lại, có thể bạn chẳng có gì ngoài bản thân như anh chàng Narcisus trong thần thoại Hy Lạp. Sự vĩ đại của một người hệ tại trái tim họ chứa được bao nhiêu người, chứ không phải họ tỏ ra hùng mạnh như thế nào.
Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Giáng Sinh 2014
Thế giới này là sự hài hước cho người suy tư và là nỗi đau đối với người nhạy cảm.
Phải là người bản lĩnh lắm mới dám tỏ ra là mình yếu đuối, và phải thông minh lắm mới cho thấy cái ngu dốt của mình. Lẽ thường, trong đời thường của những người thường như chúng ta, ai cũng sợ người khác chê cười, chọc ghẹo, chả thế mà lúc nào cũng chăm chăm tôn chỉ “luôn luôn niềm nở nhưng không được sơ hở”. Chúng ta quá nhạy cảm nên dễ bị tổn thương. Hay nói cách khác, quá chú trọng chữ “sĩ” nên luôn hào nhoáng giả tạo theo kiểu “ngoại giao”. Mà đã ngoại giao thì “hình thức bên ngoài chỉ có tính chất minh họa chứ không phản ánh nội dung bên trong”.
Khi tổng thống Bush bị phóng viên Muntadar al-Zaidi ném giày vào mặt, ông bình tĩnh tự trào làm dịu bầu không khí: “nếu các bạn muốn biết, thì đôi giày đó cỡ số 10”. Còn khi thánh Phanxicô Assisi đang giảng thuyết và bị một người nhổ nước bọt vào mặt, thánh nhân chỉ lấy tay lau mặt và tiếp tục nói mà không nhìn vào người đã xỉ nhục mình. Nguyễn Khuyến cũng đã cười nhạt chính mình: “Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ, Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.
Đúng là nhân cách lớn.
Trong khi đó, ngày nay, khi mà nhà nhà văn hóa, khu phố văn hóa, xã phường văn hóa như xã hội của chúng ta, thì chỉ một lời nói vô tình thôi, tính mạng dễ dàng bị đe dọa. Ra đường, chỉ một cái liếc mắt gọi là “nhìn đểu” cũng có thể bị ăn dao ngay. Nếu bạn lên google và tìm kiếm từ “nhìn đểu” bạn sẽ được biết những câu chuyện rất đau lòng.
Ở một cấp độ “vi mô” hơn như trong cộng đoàn tu trì, gia đình, bạn bè, lối xóm vv... tính sĩ diện và sự cao ngao cũng là một vấn đề nổi cộm. Nghĩa là, giữa bạn bè với nhau nhưng cũng rất khó góp ý, khi ai đó có lời nói hành vi kệch cỡm quá thì cách chung mọi người cứ phải cười cầu tài; ngay cả anh em trong cộng đoàn tu trì, anh em cũng không dễ sửa lỗi nhau vì sợ họ phật lòng rồi đâm ra nói xấu mình. Các ca đoàn Công Giáo gây ấn tượng về lời ca tiếng hát thanh thoát dâng lên Trời Cao bao nhiêu, thì cũng không kém cảnh chị em mạt sát, chỉ trích nhau bấy nhiêu. Lắm lúc buồn cũng chẳng biết tỏ lộ cùng ai, bởi lẽ chẳng ai làm cho mình cười nhưng chỉ cười vào mặt mình.
Đã qua rồi cái thời hy sinh chịu đựng là một giá trị, người ta có thể thề sống chết có nhau vượt qua ngàn gian khó, bây giờ đụng chuyệt một tí là họ quyết “sống chết với nhau”. Họ đi theo học thuyết “tình yêu mãi mãi là vĩnh cửu, nhưng người yêu thì có thể thay đổi”. Trước đây các anh hùng hảo hán theo tôn chỉ “giang hồ đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em”. Ngày nay thì các bậc phu quân hay rỉ tai nhau “... chỉ sợ khi về thấy vợ đang ôm con đứng chờ”. Tại sao vậy? Vì nữ tướng đang ôm con, nhưng đó lại là ... con dao!
Cùng một sự kiện nhưng mỗi người cảm nhận khác nhau, giải quyết khác nhau. Cũng là các bất đồng tranh cãi thường tình trong đời sống vợ chồng, nhưng có đức ông chồng luôn đổ lỗi cho vợ, chê bai vợ ngu dốt hơn mình. Và vì vậy, chuyện tranh cãi chẳng bao giờ chấm dứt, rất khó để có được phút giây an bình trong cái gọi là tổ ấm yêu thương. May mắn thay, cũng còn có ông chồng đủ khôn ngoan để có thể chấp nhận mình ngu dốt và dám tự trào khi tranh cãi mà nói với vợ: “tại anh cưới được người giỏi giang hơn cái người mà em cưới”. Nghe được câu đó, bao nhiêu khẩu khí của cô nàng cũng phải dịu xuống mà mắng yêu: anh chỉ được cái nước nịnh.
Ít người đủ mạnh mẽ để tỏ ra mình là người nhỏ bé, yếu đuối. Có được một chút quyền lực là phải tỏ ra cho thiên hạ biết.
Nhìn vào hang đá Bêlem, bỏ đi các ánh sáng lập lòe, bỏ đi các quả châu, sợi kim tuyến trang trí bằng giấy, chúng ta thấy gì? Một vị vua quyền lực, dũng mãnh? Một đấng cứu nhân độ thế uy hùng? Hay một siêu nhân công lực toàn vẹn? Không, không và không. Chỉ là một em bé trong máng cỏ, hoàn toàn trần trụi, yếu ớt, mong manh.
Phải chăng đó chính là sự tự trào vĩ đại?
Cuộc sống rất hào phóng, mỗi người đón nhận quà tặng của nó bằng tấm lòng rộng lượng của mình. Trái tim bạn đủ lớn, bạn có thể ôm cả thế giới trong lòng, bạn sẽ có rất nhiều anh em bạn hữu. (Dĩ nhiên không phải là lượng bạn bè trên facebook đâu). Ngược lại, có thể bạn chẳng có gì ngoài bản thân như anh chàng Narcisus trong thần thoại Hy Lạp. Sự vĩ đại của một người hệ tại trái tim họ chứa được bao nhiêu người, chứ không phải họ tỏ ra hùng mạnh như thế nào.
Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Giáng Sinh 2014