Thấm thoắt đã là mùa Giáng Sinh thứ hai nơi viễn xứ. Và cũng chừng đó thời gian tôi thiếu đi lương thực cho tâm hồn mình, không còn những buổi sinh hoạt SVCG như thời sinh viên, không còn nhưng buổi tập hát ca đoàn cho giáo xứ, và cả những ngày lễ Chúa Nhật, bổn phận, niềm vui của người Ki tô hữu cũng họa
hoằn lắm mới tham gia được. Đó cũng là cái thiếu chung của những người Công Giáo chấp nhận xa quê đi mưu sinh tha phương ở xứ sở này. Ở đất nước mà tư tưởng chính trị còn nặng mùi cộng sản, cách điều hành của nhà cầm quyền còn đậm chất giang hồ, phia phít… thì việc những người nhập cư bị kì thị, phân biệt đối xử, gây khó dễ bởi chính quyền và người bản xứ như là một tiền lệ. Người Việt nói chung và người Công Giáo Việt nói riêng ở Matxcova này cũng không nằm ngoài tiền lệ đó, đi đâu cũng phải trốn tránh, chui lủi vì nếu gặp phải công an, Khuligan (người xấu), hay bọn đầu trọc… thì phiền phức, tiền mất tật mang, nên việc đi lại, tham gia lễ lại, thăm hỏi lẫn thể hiện tình liên đới của những người đồng hương, những người cùng niềm tin…cũng vì thế mà thưa thớt, nhạt dần.

Giáng Sinh nơi viễn xứ.
Chuông ngân vang từ giáo đường trên phố
Đêm vẫn buông trong trống vắng ngỡ ngàng
Bàn chân sầu cứ mãi bước lang thang
Buồn không tên mắt hướng về Quê mẹ


Giáng Sinh lại về, những người con viễn xứ trên đất Bạch Dương không còn thấy nét hớn hở trên khuôn mặt của họ nữa, người người lo âu, vì ảnh hưởng kinh tế đi xuống trên toàn thế giới, đặc biệt với Liên Bang Nga thì sự suy thoái càng nặng nề khi chính trị bất ổn, các đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây liên tiếp giáng xuống, đồng RUB trượt giá thê thảm, những người nghèo lại càng lo âu hơn vì việc làm ngày càng hiếm, vật giá đắt đỏ leo thang, đây đó có nhiều tiếng than thở của người nghèo: “Giáng sinh năm nay buồn quá,chợ búa đuội, thất nghiệp dài dài.” Vô hình chung họ trở thành Chúa Giê-su nghèo hèn nơi hang đá Bê lem năm xưa mà họ không hề biết, họ có cơ hội cảm nghiệm được sự thiếu thốn để nhận thấy thật rõ Chúa Giê-su nghèo hèn như thế nào khi sinh ra: nghèo hơn cả người nghèo nhất trong họ: không nhà cửa, không chăn ấm, không lò sưởi, không bạn bè, quạnh quẽ cô đơn giữa mùa đông giá tuyết...

Giáng sinh lại về, mặc ai có nỗi buồn vì thất nghiệp, mặc ai giàu có vì trúng áp phe, mặc ai buôn ngược bán xuôi, thì lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng là ngày vui của nhân loại, ngày vui vì “bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế không đóng khung trong khung cảnh của người Ki-tô hữu nữa, nhưng tràn lan đến mọi dân tộc chủng tộc tôn giáo trên thế giới; ngày giáng sinh của Chúa Giê-su không còn trong phạm vi tôn giáo nữa, nhưng đã tỏa lan trong mọi ngõ ngách nghề nghiệp của con người, nơi xã hội, nhà máy, xí nghiệp.v.v...bởi vì lễ Giáng Sinh chính là lễ an bình cho mọi người mọi nhà trên thế gian này.

Rồi đêm Giáng Sinh đã đến, giờ này thì không còn ai biết phân biệt kinh tế xuống dốc, người này thất nghiệp, người kia trúng mánh nữa, nhưng tất cả mọi người đều mang một nét hân hoan vui cười trên khuôn mặt của họ. Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách đều dẫn đến nhà thờ, nơi đây, người ta nhìn ngắm Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong hang lừa máng cỏ năm xưa –Chúa Giê-su Hài Nhi- Ngài nằm đó trong hang lừa, những người đến chiêm ngắm thờ lạy Ngài mang nhiều tâm trạng khác nhau: người Ki-tô hữu thì chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu nơi Ngài, người không phải là Ki-tô hữu thì trầm trồ khen ngợi Ngài nằm trong hang đá dễ thương quá; người thất nghiệp nghèo khó thì cảm nghiệm được sự khó nghèo của Ngài; người đau khổ thì cầu xin cho gia đình được hạnh phúc.v.v...



Trời giá buốt tuyết mùa đông phủ bám
Giáng sinh này lại giống giáng sinh qua
Chiếc khăn quàng không đủ ấm cô đơn
Nên hơi lạnh thấm tình đời viễn xứ
.

Nó thi thoảng lại lang thang trên con đường kí ức quen thuộc để tìm kiếm những kỷ niệm còn vương. Nó lại ru mình trong những bản nhạc du dương để sưởi ấm tâm hồn đã một thời lạnh giá. Noel nó thấy cô đơn? Cô đơn không phải là cái tội mà chính nó bắt tội những cảm xúc của bản thân khi thiên hạ cứ vui vẻ, hoan hỉ còn nó gặm nhấm quá khứ, trách hờn hiện tại.Thời gian đã xoa dịu những nỗi đau, vá lành vết thương của một thời trẻ dại, của những ngây ngô đầu đời.Giáng sinh đã tràn về trên những con phố, yêu thương của Hài nhi Giê-su xuống trần đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông.Tạm biệt một năm cũ, tạm biệt những khoảng vắng nơi góc phố rêu phong, tạm biệt những giọt nước mắt, tạm biệt tháng 12 còn vương đâu đó cuộc tình dang dở đợi mùa sau viết tiếp. Cuộc sống với những trải nghiệm đã giúp nó vượt qua tất cả để đứng lên, để lạc quan, tự tin và đầy ước mơ, khát vọng.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Bình an đích thực là nguyện ước sâu thẳm nhất nơi lòng người. Đó cũng là điều người ta thường cầu chúc cho nhau. Đây cũng chính là Tin Mừng được các thiên thần ca vang loan báo trong đêm Giáng Sinh:“Vinh danh Thiên Chúa trên trời-Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16).

Người Con ấy là chính Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng đem lại sự bình an đích thực-cũng chính là ơn cứu độ- cho mọi người và mỗi người chúng ta.

Mọi cố gắng mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa hay phù phiếm, nếu chúng ta không thực tâm khao khát và đón nhận được sự bình an đích thực-món quà quý nhất mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta nơi Chúa Hài Đồng.

Làm thế nào để chúng ta có thể đón nhận món quà bình an mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng chúng ta? Hay nói khác đi, làm thế nào để chúng ta được Chúa Giêsu ngự đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta tận hưởng sự bình an của Người?

Trong một chương trình âm nhạc mừng Giáng Sinh của Paris by Night, người MC chương trình cũng nêu ra câu hỏi này, mỗi con người chúng ta đều than vãn và tự hỏi "Tại sao dưới thế vẫn không có Bình an? Chúng ta hỏi như vậy là sai, ta phải tự hỏi chúng ta đã là người Thiện Tâm chưa? Để xứng đáng được sự bình an của Chúa. Chúng ta kêu, chúng ta xin, chúng ta trách nhưng chinh trong lòng chúng ta chưa là người chính nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói một câu rất khiêm tốn “ Who am I ? Tôi là ai mà được quyền phê phán anh em” Mỗi con người Công Giáo chúng ta một đời sống gần gũi với Chúa, được học giáo lý, lắng nghe kinh thánh, nghe Cha giảng phải luôn tự hỏi lại bản thân mình đã là người Thiện tâm chưa? Bao giờ chúng ta có sự thiện tâm trong tâm hồn chúng ta mới có được sự bình an của Chúa”

Giới trẻ hiện nay dường như mắc cái bệnh gọi là “hiệu ứng phong trào” ngày lễ. Những status đầy bi quan, những trạng thái chán nản, những khẩu hiệu tuyển gấp tình yêu chơi Noel… Nếu tình yêu đôi lứa không phải là vấn đề bạn ưu tiên nhất lúc này. Nếu bạn cảm thấy chạnh lòng khi mình vẫn đơn độc, khi những người bạn vai sánh vai cùng người yêu trên phố. Bạn hãy dành sự quan tâm của mình cho những người thân yêu luôn bên cạnh bạn, những mảnh đời bé mọn nghèo hèn như chính Chúa Hài đồng hiện diện xung quanh chúng ta. Đây là lúc bạn thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương đối với họ. Ấm áp cũng từ đó mà tỏa ra. Vì tình yêu tư hữu thì không bền độ, tình yêu chỉ để thỏa mãn cho riêng bản thân mình thì không đến được bến bình an. Tình yêu phải phổ quát phải lan tỏa như Hài nhi Giê-su xuống trần tuôn tràn tình yêu thương cho nhân loại.

Đôi khi có những điều giản đơn, nhỏ nhoi thôi cũng đủ làm ta ấm lòng. Một cú phôn cho bố mẹ, gia đình, một sự sẻ chia cho những mảnh đời khó khăn, một lời cầu nguyện cho tất cả mọi người… và tất cả những gì khiến ta mỉm cười. Cái nốt trầm của cuộc sống là vậy, nốt trầm rồi sẽ từ đó điệu nhạc sẽ vút cao, niềm vui của một giáng sinh có lẽ cũng đi từ nốt trầm ấy, từ những điều giản đơn ấy.

Một mùa Giáng Sinh nữa lại về….
Đêm Thánh vô cùng!....
Giây phút tưng bừng!...
Đất với trời xe chữ đồng….

Matxcova, Noel 2014