Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 17/12, tổng thống Obama công bố những thay đổi trong quan hệ ngoại giao với Cuba. Cùng ngày tổng thống Cuba là ông Raul Castro cũng gửi một thông điệp tới quốc dân trên hệ thống truyền hình cuả Cuba nói về tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau 54 năm bị cấm vận.
"Chúng ta sẽ kết thúc cách tiếp cận lỗi thời cuả nhiều thập kỷ qua, đã không giúp ích gì cho quyền lợi cuả Hoa Kỳ, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước," ông Obama tuyên bố như vậy tại toà Bạch Cung.
Trong lời công bố về mối tương quan ngoại giao mới, tổng thống Obama cũng cám ơn Đức Phanxicô về vai trò của ngài trong diễn trình bình thường hóa này.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết là Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Toà Thánh đã đóng một vai trò tối quan trọng. Toà Thánh không chỉ đơn thuần đóng vai chủ hội các cuộc đàm phán mà còn tham gia trực tiếp vào việc bàn thảo các chi tiết. Một số cuộc họp nhằm mục đích mở lại liên hệ ngoại giao đã được tổ chức tại Vatican vào mùa Thu vừa qua.
Cuba vốn là một quốc gia Công Giáo. Hiện nay, 60 phần trăm dân chúng vẫn tự nhận mình là Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo vẫn là người cung cấp phần lớn các dịch vụ xã hội và trợ giúp nhân đạo.
Dưới chế độ Fidel Castro, đạo Công Giáo chịu nhiều hình thức bách hại và xách nhiễu. Thời đầu chế độ Castro, khoảng 3,500 linh mục và nữ tu Công Giáo đã bị tống giam, sát hại hay phát vãng. Chính Đức Hồng Y tiên khởi của Cuba, là Manuel Arteaga y Betancourt, phải tỵ nạn chính trị tại Tòa Đại Sứ Á Căn Đình trong hai năm 1961 và 1962.
2. Đức Tổng Giám mục Miami nói thỏa thuận Cuba/Hoa Kỳ có thể là một sự thay đổi thế cờ
Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski của tổng giáo phận Miami, một thành phố của Hoa Kỳ nơi hầu hết người Cuba lưu vong sinh sống, cho biết thỏa thuận hôm thứ 17/12 giữa Hoa Kỳ và Cuba nhằm khôi phục lại quan hệ ngoại giao có thể "là một sự thay đổi thế cờ ". Ngài cho biết nó chỉ ra một con đường mới cho hai nước đi theo, chính sách của Hoa Kỳ trước đây là cô lập và đối đầu đối với Cuba đã không làm được gì để cải thiện hoàn cảnh cho người dân của đảo quốc này.
Ngài cho rằng lập trường của Tòa Thánh là hợp lý: “Dù sao, chính sách đối đầu và cô lập suốt 50 năm qua đã không đem lại việc thay đổi chế độ, nên ta buộc phải xét xem liệu chính sách tiếp xúc có dẫn tới những thay đổi tích cực hay không khiến người Cuba ở bên này hay bên kia eo biển Florida đều hài lòng”.
Trước đó, Đức Giám Mục Oscar Cantu của Las Cruces, New Mexico, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), đã đưa ra một tuyên bố hoan nghênh thông báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc phóng thích Alan Gross và các tù nhân khác, cùng với hành động của chính phủ nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba.
Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ:
Chúng tôi chia sẻ những niềm vui của gia đình Alan Gross và của mọi người dân Mỹ khi nghe tin ông được thả sau hơn 5 năm bị giam giữ tại Cuba, cũng như việc phóng thích nhân đạo các tù nhân khác. Chúng tôi cũng được khích lệ bởi tuyên bố hôm nay của Ủy Ban Hành Động Chiến Lược theo đó chính sách mới là thúc đẩy đối thoại, hòa giải, thương mại, hợp tác và liên hệ giữa hai quốc gia và công dân hai nước chúng ta.
Hội đồng Giám mục chúng tôi từ lâu đã cho rằng nhân quyền phổ quát sẽ được tăng cường thông qua sự dấn thân hơn nữa giữa người dân Cuba và Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc tái xét lại những cáo buộc mô tả Cuba như là một nhà nước tài trợ cho khủng bố.
Chúng tôi tin rằng đã mất quá lâu để Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba, thu hồi tất cả các hạn chế về du lịch tới Cuba, hủy bỏ việc ám chỉ khủng bố nhắm vào Cuba, khuyến khích thương mại sẽ có lợi cho cả hai nước, gỡ bỏ hạn chế trên các giao dịch kinh doanh và tài chính, và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngăn chặn ma túy, buôn người và trao đổi khoa học. Dự phần (thay vì tẩy chay) là con đường để ủng hộ những thay đổi ở Cuba và giúp sức cho người dân Cuba trong hành trình tìm kiếm dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của họ.
3. Peshawar hủy bỏ các lễ lạc mừng Giáng Sinh để tưởng niệm biến cố thảm sát 149 học sinh
Các Giáo Hội Kitô tại Peshawar, bên Pakistan đã quyết định hạn chế các cử hành trong phạm vi phụng vụ tôn giáo, hủy bỏ các chương trình văn nghệ và các tiệc mừng Giáng Sinh để tưởng niệm biến cố 149 học sinh bị tàn sát.
Bầu khí mừng lễ Giáng Sinh trong toàn quốc Pakistan được ghi nhận là đầy âu lo theo sau vụ khủng bố dã man này.
Hôm 16 tháng 12, hàng chục tên khủng bố Taliban đã tấn công vào một trường học thuộc tỉnh Peshawar ở Pakistan do quân đội quản lý. Chúng tập trung học sinh trong sân trường và thiêu sống một người giám thị trước mặt các em học sinh. Sau đó, chúng xả súng tàn sát các em.
Để xoa dịu sự tức giận của dân chúng, các lực lượng an ninh Pakistan đã bắt một số người tình nghi có liên quan đến vụ này và lập tức treo cổ 8 tử tù Taliban bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền.
4. Mùa Giáng Sinh thắt lưng buộc bụng tại Nga
Nghiền nát cuộc nổi dậy của người Chechnya, mở rộng biên giới của Nga và khôi phục niềm tự hào của một dân tộc bị sỉ nhục bởi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Putin đã làm được nhiều việc cho nước Nga.
Nhưng 15 năm sau khi lên nắm quyền Vladimir Putin đang đối mặt với thách thức lớn nhất chưa từng có: làm thế nào để đương đầu với cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất đang diễn ra tại Nga.
Do những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và Châu Âu sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình; cũng như vì giá dầu thô sụt giảm, đồng rúp của Nga giờ đây chỉ còn 50% so với giá trị nó đã từng có hồi đầu năm nay.
Lạm phát gia tăng, các công ty mắc nợ nước ngoài lần lượt tuyên bố phá sản, mùa Giáng Sinh năm nay tại Nga đã kém tưng bừng hơn năm ngoái rất nhiều.
Chính thức mà nói Nga sẽ cử hành Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng vì Chính Thống Giáo Nga vẫn dùng lịch Julian. Tuy nhiên, ngày 25 tháng 12 vẫn là ngày lễ được mong đợi nhất trong năm của đông đảo các tín hữu Công Giáo và tín hữu các Giáo Hội Kitô khác.
5. Trung tâm Suy tư Thần học Dòng Tên kêu gọi chú trọng đến người nghèo
Giữa những cuộc đấu đá giành quyền kế vị diễn ra trong nội bộ đảng Mặt trận Yêu nước (PF) đang cầm quyền tại Zambia trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 20/01/2015, Trung tâm Suy tư Thần học Dòng Tên (JCTR), chi nhánh Copperbelt, đã kêu gọi Tổng Thống lâm thời Guy Scott và hàng lãnh đạo nhà nước trong Quốc hội tiếp tục tập trung vào việc giảm đói nghèo trong cả nước.
Theo một bài báo trên tờ Post của Zambia hôm 18/12, viên chức thông tin và truyền thông của Trung tâm Suy tư Thần học Dòng Tên là Tendai Posiana, bày tỏ lo ngại rằng chương trình giảm đói nghèo có thể bị xao nhãng bởi các chương trình nghị sự chính trị khi quốc gia này chuẩn bị cho ngày bầu cử tổng thống 20 tháng Giêng năm 2015.
Bà Posiana đưa ra lời kêu gọi: "Chúng tôi muốn thúc giục tiến sĩ Guy Scott tiếp tục tập trung và kiên quyết giảm đói nghèo trong cả nước”
Bà nói thêm: "Khi thành viên của Quốc hội tiếp tục tranh luận về ngân sách quốc gia cho năm 2015, chính phủ Mặt trận yêu nước cần phải giảm bớt con số những gia đình nghèo đói, đang ở con số 60%". Bà Posiana cũng yêu cầu chính phủ giảm thiểu những thiếu hụt trong thu nhập gia đình bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực xã hội. Bà nói rằng hiện nay giá bữa ăn gồm toàn ngô khoai đã nằm ngoài tầm với của nhiều người dân thường.
6. Caritas Jordan nhận định người trẻ tị nạn trẻ cần được đi học
Dana Shahin, nhân viên truyền thông của Caritas có trụ sở tại Amman, Jordan cho biết: "Tôi nghĩ rằng người dân trên khắp thế giới... cần biết những gì thực sự đang xảy ra với những người tị nạn Iraq và Syria, hãy lắng nghe câu chuyện của họ". Cô nói với Đài phát thanh Vatican về các sáng kiến mà Caritas đang thực hiện để nâng đỡ những người tị nạn càng gia tăng ở Jordan, những người đã trốn chạy những cuộc xung đột đầy nước mắt nơi đất nước của mình. Cô nói giáo dục cho hàng chục ngàn trẻ em tị nạn đang là vấn đề cấp bách nhưng lại khan hiếm các tài nguyên để thực hiện.
Hiện nay, ước lượng có hàng trăm Kitô hữu Iraq đến Jordan mỗi ngày
Vào đầu năm, Caritas Jordan nhận được sự chấp thuận của chính phủ Jordan để tiếp nhận những Kitô hữu tị nạn Iraq chạy trốn sự khủng bố của quân Hồi giáo cực đoan ở Mosul và vùng bình nguyên Ninivê. Họ đã hợp tác với các Giáo Hội Kitô trên khắp Jordan để cung cấp cho người tị nạn có chỗ ở, biến hội trường giáo xứ và các trung tâm hoạt động thành nơi tạm trú. Đối với những người tị nạn tìm được chỗ thuê nhưng khó trả nổi tiền thuê nhà, Caritas giúp họ trả tiền thuê hàng tháng. Shahin giải thích rằng Caritas Jordan cung cấp cho những người tị nạn này "phương tiện để tiếp tục sống".
Tuy nhiên, con số các Kitô hữu Iraq tị nạn giờ đây đã quá 5,000 người, và các báo cáo cho biết hàng ngày có từ 100-120 người mới đến Jordan, gây ra những khó khăn cho Caritas có thể duy trì các nỗ lực cứu trợ của mình. Shahin và Caritas Jordan đặc biệt quan tâm đến số lượng lớn các trẻ em trong số những người tị nạn. Shahin cho biết "Cho đến nay có khoảng 750 trẻ em trong độ tuổi từ 5-18 (ở các trung tâm tị nạn Caritas)... và không đi học".
Các trường tiểu học nằm trong số các cơ sở tại Jordan dành chỗ cho trẻ em Iraq và Syria đến ghi danh học. Tại trường Latin ở phía bắc thị trấn Zarqa, giáo viên ở lại sau khi những đứa trẻ Jordan về nhà, và họ dạy cho trẻ em tị nạn vào buổi chiều. Caritas giúp trả lương buổi chiều cho họ.
Nhưng với số lượng trẻ em ngày càng gia tăng, trường học đang hoạt động quá công suất và thiếu kinh phí để tiếp tục hoạt động.
Caritas Jordan và Bộ Giáo dục đã gặp nhau để giải quyết các vấn đề và đang vạch ra chiến lược để con cái của những người tị nạn có thể được giáo dục nhiều hơn. Shahin nói điều quan trọng là "mang đến cho các trẻ em cơ hội giáo dục càng sớm càng tốt".
Cô thúc giục cộng đồng quốc tế "đóng góp bất cứ điều gì có thể... để bảo vệ tương lai những đứa trẻ, con cái của những người tị nạn... Chúng tôi không muốn những đứa trẻ trở thành một thế hệ bị mất mát do chiến tranh và sự thờ ơ".
7. Các giáo phận ở Anh và xứ Wales thông qua dự án truyền giáo
Các giáo phận Công Giáo trên khắp nước Anh và xứ Wales sẽ sớm tham gia vào một chương trình tiếp cận cộng đồng mới được gợi hứng từ Đức Thánh Cha Phanxicô để giúp các giáo sĩ và các tín hữu tích cực loan báo niềm vui Tin Mừng.
Phát biểu nhân dịp công bố trên toàn quốc dự án mang tên Công bố 15, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục của Westminster, cho biết: "Đây là sáng kiến tiên phong dành cho tất cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tại sao? Bởi vì tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một sứ mạng là loan báo niềm vui của Tin Mừng. Hàng loạt các ý tưởng khả thi đã được đưa ra để giúp hình thành nên những kế hoạch và sau đó thực hiện một cách có hiệu quả chương trình giáo xứ truyền giáo sẽ giúp tất cả chúng ta trở thành các môn đệ truyền giáo tốt hơn. Xin đừng để cơ hội này vuột khỏi anh chị em".
Theo trang web của các giám mục Anh và xứ Wales, Công bố 15 "nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích và truyền cảm hứng cho các chương trình hành động mới của các giáo xứ truyền giáo sẽ liên quan đến tất cả 22 giáo phận Công Giáo trên khắp đất nước chúng ta, cũng như địa phận quân đội và Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham".
Đức Hồng Y Nichols nói thêm: "Công bố 15 là thiết thực và tập trung vào các câu hỏi thực hành như ‘làm thế nào’ để thực hiện điều này điều nọ bởi vì dù chúng ta có nhiệt tình đến đâu đi nữa đôi khi chúng ta cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể chia sẻ đức tin của chúng ta một cách tự tin và hân hoan. Sáng kiến này nhằm mục đích giải quyết những khó khăn như thế. Nó được linh hứng bởi Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài viết: "Tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới".
8. Các Giám mục Hoa Kỳ nói rằng các hình thức tra tấn là sự phản bội lại các giá trị của quốc gia
Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, là Đức Giám Mục Oscar Cantu của giáo phận Las Cruces, New Mexico, nói rằng hành vi được trình bày tỉ mỉ trong một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ về các kỹ thuật và chính sách thu thập thông tin tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) là vi phạm các nguyên tắc đạo đức cơ bản và là sự phản bội các cam kết của Mỹ trở thành một quốc gia đạo đức.
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Đài phát thanh Vatican, Đức Giám Mục Cantu cho biết: "Qua dòng lịch sử, chúng tôi xem mình như là một ngọn hải đăng của hy vọng, một ngọn hải đăng của lý trí, của tự do. Và vì thế, chương mới đây trong lịch sử của chúng tôi đã bị lu mờ. Nó không phải là điều có thể dễ dàng lấy lại được, nhưng tôi nghĩ rằng việc đưa ra báo cáo này bắt đầu làm sạch vết nhơ vấy bẩn danh tiếng của chúng tôi như là một quốc gia có nền tảng đạo đức".
Tuyên bố của Đức Giám Mục Cantu trên Radio Vatican tiếp sau tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ủng hộ việc trình bày trước Quốc Hội bản báo cáo đầu tuần trước, và nhắc lại sự lên án của Giáo Hội xem tra tấn là tội ác xấu xa.
Các giám mục tuyên bố: "Giáo Hội Công Giáo tin chắc rằng tra tấn là một ‘tội ác tự bản chất’ không thể biện minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các hành vi tra tấn được mô tả trong báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện vi phạm phẩm giá con người được Thiên Chúa ban vốn thuộc về tất cả mọi người và hành vi đó dứt khoát là sai".
Tuyên bố nói thêm: "Quốc hội và tổng thống phải hành động để tăng cường các điều luật cấm tra tấn và đảm bảo rằng điều này không bao giờ xảy ra một lần nữa".
9. Đức Hồng Y Peter Turkson bày tỏ tình liên đới trong chuyến thăm Sierra Leone và Liberia
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã đến Sierra Leone vào ngày 16/12 và sau đó đến Liberia vào ngày 18/12. Đức Hồng Y cho hay: "Đây là hai trong ba nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất căn bệnh Ebola. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 18,000 trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh và hơn 6,500 trường hợp tử vong do căn bệnh này". Đức Hồng Y hy vọng sẽ mang lại "một sứ điệp của tình liên đới và hy vọng cho Giáo Hội, các nhân viên y tế và quảng đại quần chúng nước này".
Cùng đi với Đức Hồng Y Turkson là Đức Ông Robert J. Vitillo, Cố vấn đặc biệt về y tế của Caritas Quốc tế. Đức Hồng Y nói thêm: "Giáo Hội, bao gồm cả Caritas, các dòng tu, và các tổ chức Công Giáo khác đã ‘ở tuyến đầu’ trong cuộc chiến chống căn bệnh Ebola. Ngoài việc cung cấp chăm sóc y tế cho các bệnh nhân, thiết lập các quy trình kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt và kiểm tra các khu vực để ngăn chặn virus lây nhiễm trong môi trường chăm sóc y tế, Giáo Hội đã huy động sự đáp trả của các cộng đoàn và tổ chức các hoạt động giáo dục trong các cộng đoàn để họ cùng tham gia với hàng giáo sĩ và các giáo xứ địa phương trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người này".
Đức Hồng Y nhận định rằng tác động của đại dịch này vượt xa lĩnh vực y tế. "Việc đóng cửa các doanh nghiệp và các nơi làm việc khác đã gây sự tàn phá nền kinh tế vốn đã mong manh. Các chuyên gia nói với chúng tôi rằng cái giá gây ra cho xã hội rất nghiêm trọng; bởi vì các trường học đóng cửa, số trẻ vị thành niên có thai, cũng như nạn ăn cắp vặt đang gia tăng, khi những người trẻ đi lang thang trên đường phố do không có việc làm. Trẻ mồ côi do hậu quả của bệnh Ebola thường bị các thành viên họ hàng xa lánh ngay cả khi chúng đã được xác nhận là 'khỏi bệnh Ebola'".
Đức Hồng Y cũng công nhận "sự cần thiết phải trợ giúp các linh mục và các nhân viên chăm sóc mục vụ khác đáp ứng các nhu cầu tinh thần của những người sống chung với căn bệnh và những người thân của họ. Chúng ta phải điều trị con người toàn diện chứ không chỉ là thân thể của họ. Mặc dù có chính sách ‘không đụng chạm’ ở các nước này, nhưng các nhân viên chăm sóc mục vụ có thể cầu nguyện ở một khoảng cách an toàn, tư vấn cho họ, ban phép lành cho họ, và làm lễ tang cho họ với sự phối hợp với những đội mai táng đặc biệt".
Đức Hồng Y Turkson kết luận: "Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola. Tôi hy vọng sẽ mang đến tình liên đới của Đức Thánh Cha và toàn thể Giáo Hội".
Trong buổi triều yết chung vào ngày 24/10/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: "Trong khi đối mặt với dịch bệnh Ebola đang ngày càng tồi tệ, tôi muốn bày tỏ lo ngại sâu sắc về căn bệnh không ngừng lan rộng ở lục địa Phi Châu này, nhất là trong các nhóm người thiệt thòi nhất. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình bằng tình yêu và cầu nguyện cho các bệnh nhân Ebola, cũng như các bác sĩ, y tá, thiện nguyện viên, các dòng tu và các hiệp hội, những người quả cảm đang làm việc để giúp các anh chị em bệnh nhân của chúng ta. Tôi nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đưa ra tất cả những nỗ lực cần thiết để làm suy yếu loại vi rút này, để làm dịu những khó khăn và đau khổ của những người đang rất mệt mỏi trong đau đớn. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho họ và cho những người đã qua đời".