Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Năm 2014 được xem là một bước ngoặc trong các chương trình truyền hình Công Giáo tại Hoa Kỳ. Ngày nay hầu hết các giáo phận tại Hoa Kỳ đều có những chương trình nâng cao đời sống đức tin người Công Giáo với sự tham dự của các vị chủ chăn cao nhất trong giáo phận.
Đức Cha Christopher James Coyne, Giám Mục phụ tá của Indianapolis, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục của Burlington, bang Vermont, Hoa Kỳ phụ trách chương trình truyền hình với một mục đích cụ thể là giải thích Phụng Vụ Thánh. Đây là một chương trình của Ủy ban Truyền giáo và Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.
Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington DC phụ trách một chương trình truyền hình khác giải thích về các phép bí tích trong khi Đức Hồng Y Francis George của Chicago, người đang phải chống trả với bệnh ung thư thực hiện một chương trình truyền hình rất quy mô giải thích từng cử điệu của các linh mục trong thánh lễ.
Trong khi hầu hết các giáo phận tại Hoa Kỳ có các chương trình truyền hình thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, tổng giáo phận Boston đi xa hơn với chương trình truyền hình thánh lễ hàng ngày dành cho những người đau yếu hay không có phương tiện đến nhà thờ ao ước được dự lễ hàng ngày.
Hoa Kỳ cũng là nơi có nhiều chương trình truyền hình phát đi toàn cầu như EWTN, CatholicTV … với những talk show, những chương trình cầu nguyện, giáo dục, cũng như các chương trình vui chơi giải trí của trẻ em; bên cạnh đó là những chương trình làm nổi bật những chủ đề đang gây tranh cãi trong đời sống xã hội như giáo huấn xã hội Công Giáo, hôn nhân, gia đình, trợ tử, an tử, cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em, y tế dự phòng, tăng cường đời sống gia đình…
Không chỉ đa dạng về nội dung, kỹ thuật phát hình cũng đa dạng. Các chương trình truyền hình của Công Giáo Hoa Kỳ được phát trên hàng loạt các phương tiện khác nhau như cable TV, các đài truyền hình địa phương, Internet, IPTV.
2. Đức Hồng Y Pietro Parolin nói quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung quốc được cải thiện
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã dành cho tờ Rivista San Francesco của dòng Anh em hèn mọn một cuộc phỏng vấn được đăng trên số báo tháng Giêng 2015.
Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Đức Hồng Y nói:
"Chúng tôi đang ở trong một giai đoạn tích cực. Và tôi có thể đi xa đến mức nói rằng đã có những triển vọng đầy hứa hẹn mặc dù cuộc hành trình vẫn chưa đi đến hồi kết thúc".
Sau thành công của Tòa Thánh trong việc giúp bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Cuba, đã căng thẳng suốt 54 năm qua, giờ đây có lẽ Tòa Thánh đang hướng đến Bắc Kinh. Đức Hồng Y không nói cụ thể về những thành quả đã đạt được.
Nhiều người cảm thấy khó hiểu vì trước ngày lễ Giáng Sinh, Trung quốc đã ra lệnh triệt hạ hơn 400 thánh giá trên nóc các nhà thờ. Tình hình nghiêm trọng nhất diễn ra tại tỉnh Sơn Đông.
Đức Hồng Y Pietro Parolin là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được mô tả là rất dè dặt và có kinh nghiệm trong các cuộc thương thuyết với Hà Nội và Bắc Kinh. Có lẽ những thành quả ngài muốn đề cập đến là vấn đề tấn phong Giám Mục trái phép tại Trung quốc.
Tòa Thánh luôn nhấn mạnh rằng tất cả các giám mục phải được bổ nhiệm với sự chuẩn y của Tòa Thánh, và đã công bố vạ tuyệt thông cho các giám mục quốc doanh Trung Quốc được tấn phong trái phép.
Trung Quốc, mặt khác, tuyên bố rằng Hội Công Giáo Yêu nước được đảng cộng sản hậu thuẫn phải có quyền bổ nhiệm giám mục.
Hôm 22 tháng 11 vừa qua, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung quốc nói rằng các quan chức Trung Quốc hy vọng có thể vượt qua những bế tắc trong các cuộc đàm phán với Vatican. Một mặt, Trung Quốc sẽ không chấp nhận yêu cầu của Tòa Thánh là giải tán Hội Công Giáo Yêu nước, nhưng đồng ý thay đổi vai trò của tổ chức này. Mặt khác, Trung Quốc lại muốn mọi bổ nhiệm Giám Mục của Tòa Thánh phải được sự chấp thuận của Hội Công Giáo Yêu nước.
Tân Hoa Xã nói chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ nhận được hồi đáp của Vatican đối với đề nghị này vào đầu năm 2015.
3. Thế giới cần hành động chống lại những ý thức hệ cực đoan tại Ấn
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26 tháng 12, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội Công Giáo Ấn đã lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Ấn và trên tòan thế giới can thiệp để chặn đứng làn sóng tôn giáo cực đoan đang diễn ra tại Ấn.
Đây là đáp trả của Giáo Hội trước tuyên bố được Rajeshwar Singh đưa ra hôm 18 tháng 12, nhân ngày Các Nhóm Thiểu Số của Ấn Độ.
Rajeshwar Singh, lãnh đạo tổ chức Jagran Manch Dharm, nghĩa là “Thức tỉnh đức tin” tuyên bố trên các kênh tin tức truyền hình quốc gia là tổ chức của ông đã quyết định rằng năm 2021 là hạn chót để quét sạch khỏi Ấn Độ tất cả những người Hồi giáo và Kitô giáo.
Chính phủ Ấn Độ đã không có một phản ứng nào cả dù rằng theo luật pháp Ấn, Singh phải bị truy tố theo pháp luật nghiêm ngặt của Ấn Độ chống lại việc gây ra những bất hòa tôn giáo.
Trong khi đó, các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và người phát ngôn cho đảng Bharatiya Janata Party (BJP), là đảng đang cầm quyền ở nhiều bang tại Ấn, lại tuyên bố hỗ trợ cho Singh.
Trong những tháng qua tổ chức của ông này đã thực sự quét sạch mọi tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo khỏi vùng Hy Mã Lạp Sơn, được coi là mảnh đất thiêng liêng đối với người Hindu.
Các bài phát biểu của Singh và những người ủng hộ ông được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, cả trên các tờ báo lớn phát hành toàn quốc.
Không chỉ nhận được những tuyên bố ủng hộ, Singh còn được nhiều người Ấn ủng hộ cả về tài chính. Y nói rằng mỗi người Ấn đều phải theo Ấn Giáo. Những ai “bị các nhà thừa sai chiêu dụ lầm đường lạc lối” cần phải “quay về nhà”. Y cho biết cần phải mất 500, 000 rupee tức khoảng 7,875 Mỹ Kim để cải đạo một người Hồi giáo và 200,000 rupee để cải đạo một Kitô hữu. Y giải thích sự chênh lệch là vì người Hồi giáo được cho là khó khăn để cải đạo hơn. Qũy cải đạo của y được tin là đã thu được một số tiền đủ để cải đạo 4,000 người Hồi Giáo.
4. Người Công Giáo tìm được tiếng nói trong xã hội Miến Điện
Sáu thập kỷ sau khi vị thánh đầu tiên bị sát hại trong bối cảnh một cuộc nội chiến đẫm máu, Giáo Hội Công Giáo đang đẩy mạnh việc kêu gọi hòa bình và khoan dung tôn giáo trong dịp mừng kỷ niệm 500 năm thành lập Giáo Hội tại Miến Điện.
Isidore Ngei Ko Lạt, một giáo lý viên đã bị giết vào năm 1950 khi đi cùng với một linh mục người Ý trong vùng biên giới phía đông hoang dã và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cái chết của anh hầu như đã bị lãng quên sau nhiều thập kỷ đất nước này chìm đắm trong chế độ độc tài quân sự /đàn áp tất cả các tôn giáo thiểu số ở quốc gia/ có đa số dân theo Phật giáo này.
Tuy nhiên, lễ phong thánh cho anh vào tháng Năm 2014 đã nâng cao tinh thần của Giáo Hội Công Giáo nước này.
Cha Celso, một linh mục giáo xứ từ thủ phủ bang Kayah Loikaw, gần nơi anh Isidore và cha Mario Vergara thiệt mạng nói: "Chúng tôi rất phấn khởi khi có được một vị thánh, vị thánh tiên khởi của Miến Điện"
Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo Miến Điện có 500,000 tín hữu, tức là 4% dân số. Giáo Hội sở hữu nhiều trường học và nhiều cơ quan từ thiện và những đóng góp của người Công Giáo được quảng đại quần chúng tri ân.
5. Các linh mục bị tra tấn tại Ukraine
Phiến quân ở Donetsk, một thành phố có 975,000 là trung tâm của các hoạt động ly khai ở miền đông Ukraine đã chiếm 11 trong số 67 giáo xứ của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp. Ủy ban Thông tin tôn giáo của Ukraine gọi tắt là Risu đã cho biết như trên.
Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục trưởng Sviatoslav Shevchuk nói nhiều linh mục đã vượt qua đường biên giới vào thành phố Donetsk để làm mục vụ cho các tín hữu trong muà Giáng Sinh. Một số vị đã bị bắt và bị tra tấn vì bị tình nghi là gián điệp của Ukraine.
"Một số vị phải ngồi trên ghế điện. Sau khi bị tra tấn, và được xác nhận không phải là gián điệp các ngài mới được cấp giấy phép để làm việc mục vụ ... Một số vị may mắn vào được bên trong thành phố mà không bị bắt, khả năng này phụ thuộc vào cường độ của cuộc chiến. Chúng tôi hy vọng các linh mục của chúng tôi có thể quay trở lại trong bình an. "
6. Chỉ còn 46% trẻ em sống với cả cha lẫn mẹ ruột
Một nghiên cứu mới do Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy ngày nay chỉ có 46% các trẻ em dưới 18 tuổi tại Mỹ sống với cả cha lẫn mẹ ruột của mình.
Năm 1960, con số này là 73% và giảm xuống 62% vào năm 1980. Kết quả này dựa trên sự phân tích các dữ liệu điều tra dân số và khảo sát cộng đồng mới nhất của Hoa Kỳ.
Các con số thống kê cũng cho thấy 41% trẻ em dưới 18 tuổi được sinh ra ngoài hôn nhân. Năm 1960, số trẻ em ngoài hôn nhân chỉ có 5%. Khoảng 15% đang sống với một phụ huynh đã ly dị và tái hôn. 4% đang sống với cha mẹ là những người sống chung nhưng không kết hôn, và 5% không sống chung với cha mẹ nhưng với ông bà hay người quen.
7. Kitô hữu tại Baghdad đón Giáng Sinh với những nhà thờ hầu như trống rỗng
Lo sợ trước sự khủng bố ngày càng tăng của IS và hy vọng vào một triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, nhiều Kitô hữu đang rời khỏi Baghdad và di cư sang các nước phương Tây và Trung Đông.
Cha Miyassir al-Mokhlasee cho biết lễ Giáng Sinh năm trước cộng đoàn của ngài có 400 người. Năm nay, cộng đoàn chỉ còn 75 người.
“Nếu cứ như thế này chúng tôi có lẽ không còn gì. Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa muốn chúng tôi ở đây để đa dạng hóa khu vực này. Thật không may, người dân lo sợ về tương lai, và họ đành ra đi ... Thú thật là thậm chí cả em tôi cũng đang chuẩn bị di tản.”
Chiến thuật khủng bố gây kinh hoàng nhất của IS là những xe bom tự sát đánh vào các khu chợ, nhà thờ và những nơi đông dân cư.
8. Người Kitô hữu tại Homs đón Giáng Sinh tưng bừng bất chấp quân khủng bố Hồi Giáo IS
Homs là thành phố lớn thứ ba của Syria chỉ sau Damascus và Aleppo. Nằm cách Damascus 162 km về hướng Bắc, thành phố này đã từng có tới 652,500 dân. Từ ngày 6/5/2011 tới ngày 9/5/2014 thành phố này bị bao vây và là chiến trường ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi loạn.
Trong những vùng do quân khủng bố Hồi Giáo IS và Mặt Trận al-Nusra kiểm soát người Kitô hữu bị chặt đầu, phơi khô trên thánh giá. Chỉ cần đeo một cây thánh giá trên cổ cũng đủ bị giết chết.
Tuy nhiên, sau khi quân chính phủ chiếm được trọn thành phố này vào tháng 5, các nhà thờ Kitô Giáo đã hoạt động trở lại.
Trong hình ảnh này quý vị và anh chị em có thể thấy một hang đá được dựng lên ngay giữa đường. Dân chúng đón Giáng Sinh tưng bừng mặc dù quân khủng bố Hồi Giáo IS vẫn có khả năng gây rối lẻ tẻ trong vùng.
9. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói ngừa thai là phản quốc
Hôm Chúa Nhật 28/12, Lễ Thánh Gia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ 7,000 người thuộc các gia đình đông con ở Ý
Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói:
"Trong một thế giới thường bị ám ảnh bởi lòng ích kỷ, một gia đình đông con là một gương mẫu cho sự đoàn kết và chia sẻ và điều này mang lại lợi ích cho cả xã hội."
Chia sẻ cùng một ý tưởng với Đức Thánh Cha, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ông Recep Tayyip Erdogan, là người vừa gặp Đức Thánh Cha hồi cuối tháng 11 cũng khuyến khích các cặp vợ chồng nước này có nhiều con và nói rằng những ai ngừa thai là phản quốc.
Ông nói:
“Trong nhiều năm qua, nhiều người sống trên mảnh đất này đã phạm tội phản quốc bằng cách ngừa thai và do đó đẩy đưa thế hệ tương lai vào con đường diệt vong”.
Ông khuyến khích mỗi gia đình phải có từ ba người con trở lên. Ông cũng nói rằng phá thai là “giết người” dù luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép phá thai.
10. Đức Giáo Hoàng xúc động trước cái chết thương tâm của một linh mục Mễ Tây Cơ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu xa và mạnh mẽ lên án “bạo lực không thể biện minh được” của bọn mua bán ma túy tại Mễ Tây Cơ sau cái chết của cha Gregorio López Gorostieta, là vị linh mục đã bị bắt cóc chỉ vài giờ sau một bài giảng nẩy lửa của ngài chống bọn tội phạm có tổ chức tại bang Guerrero.
Cha Gregorio Lopez, 39 tuổi đã cử hành thánh lễ cuối cùng trong đời ngài là thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng hôm 21 tháng 12. Trong thánh lễ, ngài lên tiếng kêu gọi sự hoán cải của bọn tội phạm có tổ chức trong vùng, là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 43 sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Iguala hôm 26 tháng 9.
Sau thánh lễ, bọn mua bán ma túy trong vùng đã chặn đầu xe của ngài và kéo ngài ra khỏi xe đưa đi mất.
Trong một nỗ lực để cứu ngài, vào đêm Giáng Sinh một nhóm linh mục và tín hữu Công Giáo đã tổ chức những cuộc tuần hành tại các thành phố trong bang Guerrero. Đức Giám Mục bản quyền của giáo phận Ciudad Altamirano, nơi cha Gregorio là một giáo sư trong một chủng viện, đã đưa ra một bức thư ngỏ bày tỏ ý muốn sẵn sàng thương thuyết với bọn bắt cóc.
Ngày 26 tháng 12, người ta tìm thấy xác ngài tại thành phố Tlapehuala, bang Guerrero.
Trong điện văn được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt ngài gởi đến giáo phận Altamirano, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tất cả các linh mục, các thừa sai tiếp tục sứ mạng của mình bất chấp những khó khăn, theo gương Thầy chí thánh.
Cha Gregorio Lopez là linh mục thứ tư bị giết trong vùng này trong năm 2014.
Hôm 23 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nhận định rằng Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục. Trong 24 năm qua, tức là từ năm 1990 đến năm 2014, 47 cuộc tấn công nhắm vào hàng giáo sĩ đã diễn ra gây tử vong cho 1 Hồng Y, 34 linh mục, 1 phó tế, 3 nữ tu, 5 giáo dân và 1 nhà báo Công Giáo. Tình trạng tồi tệ nhất đã xảy ra dưới thời tổng thống Enrique Peña Nieto.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, bốn linh mục đã bị sát hại. Trong một cuộc tấn công, một giáo dân đi cùng với một linh mục đã bị giết. Vị linh mục sống sót mặc dù những kẻ tấn công đã bắn nhiều phát về phía ngài. Trước đó, ngài đã thoát nạn trong một âm mưu bắt cóc không thành. Trong 12 tháng qua, hai linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Acapulco, ở Guerrero đã bị giết. Một linh mục của giáo phận Atlacomulco, bang Mexico, cũng bị giết chết trong một vụ cướp gây ra ở nhà thờ nơi ngài thi hành mục vụ. Cha Gregorio Lopez thuộc giáo phận Altamirano là nạn nhân thứ tư.
Điều đáng kinh hoàng hơn là cho đến nay chưa một tên sát thủ nào phạm vào tội ác giết hại hàng giáo sĩ Công Giáo tại Mễ Tây Cơ bị bắt và bị pháp luật trừng trị.
11. Giáo Hội chịu thiệt hại nặng trong năm 2014
Những con số chưa đầy đủ do Radio Vatican đưa ra hôm 31 tháng 12 đã cho thấy ít nhất 39 linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và các giáo lý viên đã bị giết trong năm 2014.
14 nạn nhân đã thiệt mạng tại ở Mỹ châu, đánh dấu 6 năm liên tiếp lục địa này là nơi nhiều nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị thiệt mạng đang khi thi hành sứ vụ của mình. Bốn linh mục và một chủng sinh đã bị giết ở Mễ Tây Cơ; hai linh mục tại Mỹ, một ở Canada, và năm linh mục và một chủng sinh ở các nước Nam Mỹ.
Tại châu Phi, các nhân viên mục vụ chủ yếu bị thiệt mạng bởi virus Ebola khi chăm sóc cho các nạn nhân của cơn dịch nguy hiểm này.
Số liệu cung cấp bởi thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho thấy 17 linh mục, 6 nữ tu, một thầy, một chủng sinh, đã chết trong khi thi hành các sứ vụ của Giáo Hội trong năm qua.
Các con số thống kê này không bao gồm các linh mục bị bắt mà số phận của họ vẫn còn chưa biết. Trong số đó có Cha Paolo Dall'Oglio, bị bắt cóc ở Syria vào năm 2013; Cha Alexis Prem Kumar, linh mục Dòng Tên bị bắt cóc tại Afghanistan vào tháng Sáu năm nay; và ba linh mục Dòng Đức Mẹ Lên Trời bị bắt cóc ở Congo vào tháng Mười năm 2012.
Bên cạnh đó là hàng trăm nhà thờ Công Giáo tại Mosul, vùng bình nguyên Ninivê và những lãnh thổ khác bên Syria đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tịch thu và dùng vào những mục đích khác. Một con số ước tính hàng ngàn người Công Giáo bị bọn IS chặt đầu, phơi cho chết khô trên những cây thập giá, tù đầy, hãm hiếp và bị buôn bán như nô lệ. Bên cạnh đó là hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo ở Iraq và Syria.
12. Dân số Công Giáo trên thế giới tăng 15 triệu trong năm qua
Hôm 31 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết dân số Công Giáo trên thế giới đã tăng 15 triệu trong năm qua. Sự tăng trưởng này diễn ra trên mọi lục địa.
Số liệu tính đến cuối năm 2012, cho thấy dân số Công Giáo trên toàn thế giới là 1,2 tỷ, nghĩa là chiếm 17.49% dân số thế giới. Con số này cho thấy có sự sụt giảm so với các năm trước là 17.50%.
Số người Công Giáo tăng nhanh nhất là ở châu Phi và châu Mỹ sau đó là châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.
Số lượng các linh mục Công Giáo đã tăng đến 414,313 vị. Châu Á có thêm 1364 linh mục, và châu Phi có thêm 1076 vị, trong khi châu Âu mất đi 1,375 linh mục.Trên toàn thế giới số nữ tu giảm 10,000 vị và chỉ còn 702,529 nữ tu trên thế giới.