Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chỉ có Thánh Thần mới mở con tim chúng ta ra để yêu mến Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô cả quyết rằng chỉ có Thánh Thần mới có sức mạnh mở lòng chúng ta ra đối với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài chứ không phải hàng ngàn các phương pháp linh đạo, các bài yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 09 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày kể lại việc các tông đồ khiếp sợ khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển. Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do khiến các ngài khiếp sợ là vì lòng họ đã ra chai đá.

Trong các bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến một tình trạng tâm lý gọi là “Narcissism” – có thể dịch là “sự tự kiêu”. Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một chàng trai trẻ ngày ngày soi mình trong dòng nước cho tới chết vì anh ta quá yêu chính cái hình ảnh phản chiếu của mình đến mức tương tư muốn kết hôn với nó. Sigmund Freud là người đầu tiên dùng từ “Narcissism” để chỉ tình trạng tâm lý trong đó một người gặp khó khăn trong quan hệ xã hội với những người khác vì họ tự đóng kín vào chính mình, coi mình là gương soi, là gương mẫu, xem cái gì thuộc về mình là tiêu chuẩn, còn những cái thuộc về người khác chỉ là thứ yếu, không được bằng mình.

Những con người “soi gương” và các tín hữu tự kiêu

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trái tim con người ra chai đá vì nhiều lý do, chẳng hạn như vì người đó đã phải qua những kinh nghiệm đau thương trong cuộc đời. Nhưng ngài nói tiếp rằng còn một lý do khác nữa khiến con tim ra chai cứng, đó là vì người đó đã khép kín lòng mình.

“Tạo ra một thế giới khép kín trên chính mình, tất cả khép kín. Khép kín trên chính mình, khép kín trong cộng đoàn, giáo xứ. Và sự khép kín này có thể xoay quanh nhiều thứ. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy đó chính là lòng tự kiêu, tự hài lòng, cho mình hơn người khác, và sự phù phiếm nữa, có phải vậy không anh chị em?

Có những con người ‘soi gương’ (đó là những người kết hôn với hình ảnh của mình trong gương), những người đang khép kín trên bản thân mình và chỉ nhìn thấy mình, phải không? Đó là những tín hữu tự kiêu, phải không? Tâm hồn họ nên chai đá vì họ đang khép kín trên chính mình, họ không mở ra với tha nhân. Và họ tìm cách tự bảo vệ mình với những bức tường mà họ dựng nên xung quanh họ.”

Những con tim khô cứng vì bất an và sợ hãi

Đức Thánh Cha nói rằng con tim con người có thể chai cứng vì bất an, chẳng hạn như những người lập rào chắn cho chính mình bằng những luật lệ và quy tắc, như thể họ đang ở bên trong một nhà tù, để cảm thấy an toàn hơn khi tuân giữ từng câu chữ trong những quy định đó.

“Khi con tim ra chai cứng, nó mất tự do vì người đó không có khả năng yêu thương, đó là số phận của của những người mà Thánh Gioan Tông đồ nhắc đến trong bài đọc I.

Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ: trong tình yêu không có sự sợ hãi, chúng ta sợ hãi vì đang lo bị trừng phạt và một người lo sợ thì không có tình yêu hoàn hảo. Người đó không còn là con người tự do. Họ luôn nơm nớp lo sợ rằng có điều gì đó đau đớn hay buồn khổ sẽ ập đến, và như thế cuộc sống của họ trở nên xấu đi hay có khi phương hại cả đến ơn cứu độ đời đời.

Thật quá đỗi kinh khủng nếu một người không thể yêu ai! Một người không có khả năng yêu thương thì không còn là người tự do. Và con tim ra chai cứng vì họ đã không học được cách yêu thương.

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tự do và ngoan ngoãn chứ không phải các phương pháp yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của bằng cách nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy chúng ta cách thức để yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi những con tim chai cứng.

“Anh chị em có thể theo học ngàn bài giáo lý, ngàn khóa linh đạo, ngàn phương pháp yoga hay thiền định nhưng chúng không thể cho anh chị em sự tự do của con cái Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi lên trong lòng ta, để ta thưa lên với Thiên Chúa “Abba!”, “Cha ơi!” Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng xua tan, phá vỡ sự chai cứng trong lòng và làm cho nó, thế nào nhỉ … ‘mềm’ ra, phải không? Không, tôi không thích cái từ ấy… ‘ngoan ngoãn’ mới đúng. Ngoan ngoãn với Thiên Chúa. Ngoan ngoãn trong tự do để yêu thương ”

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng Giêng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã đào sâu ý nghĩa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và nhấn mạnh rằng với biến cố này “thời gian cửa trời đóng kín đã kết thúc”, chúng ta đang sống trong thời gian của lòng thương xót. Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm miêu tả điều xảy ra trên bờ sông Giorđan. Trong khi Gioan Tẩy Giả ban phép rửa cho Chúa Giêsu, thì trời mở ra. Thánh sử Marcô nói: “Lập tức, khi ra khỏi nước Người thấy trời mở ra” (Mc 1,10). Trở lại trong trí chúng ta lời khẩn nài thê thảm của ngôn sứ Isaia: “Ôi phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Lời khẩn cầu này đã được nhận lời với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Như thế đã chấm dứt “thời gian “trời đóng” ám chỉ sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu qủa của tội lỗi. Tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và bẻ gẫy mối liên hệ giữa đất và trời, và như thế xác định sự bần cùng và thất bại của cuộc sống chúng ta. Trời mở ra ám chỉ rằng Thiên Chúa đã ban ơn thánh Người để trái đất cho hoa trái của nó “(x. Tv 85,13). Như thế trái đất trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người, và từng người trong chúng ta có khả thể gặp gỡ Con Thiên Chúa, khi kinh nghiệm tất cả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người.

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa hiện diện thực sự trong các Bí Tích, một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp gỡ Người nơi gương mặt của các anh chị em chúng ta, cách riêng nơi người nghèo, người bệnh, người bị tù, người tỵ nạn: họ là thịt xác sống động của Chúa Kitô khổ đau và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trời không chỉ xé ra, mà Thiên Chúa lại nói và làm vang lên tiếng nói của Người: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tiếng của Thiên Chúa Cha loan báo mầu nhiệm dấu ẩn nơi Con Người được vị Tiên Hô làm phép rửa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể, cũng là Ngôi Lời vĩnh viễn, mà Thiên Chúa Cha đã muốn nói với thế giới. Chỉ khi lắng nghe, đi theo và làm chứng cho Lời đó, chúng ta mới có thể làm cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta phong phú tràn đầy, mà mầm giống đã được đặt để trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Và rồi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu: điều này cho phép Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, khai mào sứ mệnh của Người là cứu rỗi tất cả chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng vĩ đại bị lãng quên trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta thường cầu xin Chúa Giêsu; chúng ta cầu xin Chúa Cha, đặc biệt trong “Kinh Lậy Cha”, nhưng không thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, có đúng thế không? Ngài là Đấng bị bỏ quên. Chúng ta cần xin sự trợ giúp của Người, sức mạnh của Người, linh hứng của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hoạt toàn cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là Thần Khí hướng dẫn cuộc sống kitô, cuộc sống của con người nam nữ nói rằng họ là tín hữu kitô và muốn là tín hữu kitô. Đặt để dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần cuộc sống kitô và sứ mệnh, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, có nghĩa là tìm lại lòng can đảm tông đồ cần thiết giúp thắng vượt các thích nghi trần tục dễ dãi. Đức Thánh Cha khẳng định như sau:

Trái lại, một kitô hữu, một cộng đoàn “điếc” đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. thúc đẩy đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất và xã hội, cũng trở thành một kitô hữu và một cộng đoàn “câm” không nói và không rao giảng Tin Mừng. Nhưng xin anh chị em nhớ điều này: hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh, linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, đồng hành với tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội; xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Tin Mừng, để như thế trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.

3. Câu Chuyện Ðức Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do Thái

Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Gia đình Thánh Gia ở Na-da-rét, xứ Ga-li-lê, thuộc miền bắc nước Do Thái. Từ đó đến Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê thuộc miền nam để dự lễ Vượt Qua thì phải vượt qua khoảng 150 cây số đường bộ. Với phương tiện thô sơ ngày đó chắc hẳn phải đi mất 2, 3 ngày. Vào thời điểm lễ Vượt Qua ấy đền thờ rất đông người. Khi hành lễ, hai ông bà chắc hẳn không được đi chung với nhau, vì theo tục lệ Á châu thời xưa, tại những nơi linh thánh thì nam theo nam, nữ theo nữ. Đức Giê-su lúc ấy đã 12 tuổi, còn là trẻ con, nên có thể lúc ở với mẹ, lúc ở với cha, có lúc ở với bà con thân thuộc. Vì thế, khi ra về, ông tưởng con đi với bà, bà tưởng con đi với ông, khi gặp nhau không thấy con thì lại tưởng con đi với bà con thân thuộc. Hai ông bà tạm an tâm đi về, nhưng vẫn luôn luôn hỏi thăm về con. Đi suốt một ngày đường mới khám phá ra con mình cũng chẳng đi với bà con thân thuộc. Hai ông bà buộc phải quay trở lại Giê-ru-sa-lem, trong lòng hết sức lo âu.

Sau ba ngày tìm kiếm, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ cùng với các bậc thông thái. Trong hoàn cảnh ấy, người bình thường chắc phải buông ra những lời cay đắng, thậm chí la mắng, đánh đập con cho thỏa cơn bực tức vì phải lo lắng khổ cực suốt mấy ngày trời.

Nhưng Tin Mừng kể lại: phản ứng của Đức Ma-ri-a thật nhẹ nhàng. Ngài trách yêu con: «Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con». Câu trả lời của Đức Giê-su chẳng những không đem lại an ủi, mà chắc hẳn khó mà làm cho bất kỳ một bậc cha mẹ nào vừa ý: «Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?» Những bậc cha mẹ khác chắc hẳn sẽ giận sôi gan tím ruột khi nghe con trả lời như thế. Nhưng Tin Mừng chỉ ghi lại phản ứng của Đức Ma-ri-a là: «Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng».

Mặc dù Đức Giê-su là con của mình và còn rất nhỏ tuổi, nhưng Đức Ma-ri-a rất tôn trọng phẩm giá của con mình. Có thể lúc đó, qua lời ngôn sứ truyền tin, Đức Ma-ri-a chỉ biết con mình «sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận» (Lc 32, 33), chứ chưa biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa. Cách đối xử của Mẹ Ma-ri-a cho thấy sự tôn trọng phẩm giá của con mình: Mẹ giáo dục con trong sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, tôn trọng.

Đó là mẫu gương rất quí giá cho các bậc cha mẹ. Con cái của chúng ta dù thế nào cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và hơn thế nữa, là con cái của Ngài. Thiên Chúa quí chúng đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh người Con yêu dấu và độc nhất của mình để cứu lấy chúng. Vì thế, tuy dù chúng là con, ta cũng cần tôn trọng phẩm giá cao quí của chúng. Không nên nguyền rủa, hay dùng những từ quá hạ cấp để chửi chúng chúng. Tôn trọng phẩm giá của chúng không có nghĩa là ta nuông chiều chúng và không dám sửa phạt chúng. Nên nhớ chúng có thể trở nên một vị thánh, một nhân tài, một vĩ nhân… điều ấy tùy thuộc vào cách ta giáo dục và sự tôn trọng nhân phẩm của chúng. Nhờ cảm nghiệm được sự tôn trọng của ta, chúng sẽ tự tin và tự trọng hơn. Một đứa trẻ bị cha mẹ coi thường, sẽ dễ sinh tự ty và không phát triển được.

4. Tình yêu dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa

Sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thánh lễ đầu tiên tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh để cầu nguyện cách riêng cho những nạn nhân của vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris

Ngài nói rằng cuộc tấn công này "thể hiện cả sự tàn bạo nhân loại đến cùng cực; lẫn các chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn chủ nghĩa khủng bố nhà nước."

Đức Thánh Cha than thở: "Con người có thể tàn ác đến là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thánh lễ này, cho rất nhiều các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ."

Sau đó, Đức Thánh Cha trở lại với bài giảng thánh lễ. Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng tình yêu Kitô Giáo phải được thể hiện bằng các hành động cụ thể, nói suông thôi thì chưa đủ.

Chúa hướng dẫn chúng ta với tình yêu của Ngài và chính qua tình yêu mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa.

Suy tư về điều mà ngài gọi là “từ cơ bản” trong phụng vụ tại thời điểm này, Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu “mặc khải chính Ngài qua lễ Hiển Linh, qua biến cố Chúa Giêsu chịu Phép rửa và qua tiệc cưới Cana. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa?” Đức Thánh Cha giải thích rằng chân lý được tỏ cho chúng ta chủ yếu bằng con tim hơn là bằng lý trí.

CHÚNG TA NHẬN BIẾT Thiên Chúa TRÊN CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU

“Thiên Chúa là tình yêu! Chỉ trên con đường tình yêu này chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa. ‘Tình yêu có lý trí’, ‘tình yêu đi kèm với lý trí’. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể yêu những gì chúng ta không biết? Hãy yêu mến người lân cận là tín lý của Hai Điều Răn quan trọng nhất ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và là điều răn quan trọng nhất. Nhưng điều răn thứ hai giống như vậy: Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình”. Và Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “để tiến đến điều răn thứ nhất, ta phải thực hiện điều răn thứ hai trước: nghĩa là qua tình thương dành cho người lân cận, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Chỉ qua yêu thương chúng ta mới có thể đạt được tình yêu”.

“Đó là lý do tại sao chúng ta phải yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và bất cứ ai yêu thương thì tình yêu người ấy đã được Thiên Chúa hình thành”.

TÌNH YÊU Thiên Chúa KHÔNG PHẢI LÀ MỘT VỞ KỊCH

“Ai yêu mến thì biết Thiên Chúa; ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”. Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “tình yêu không phải là ‘một vở kịch’. Không! Tình yêu phải cụ thể, mạnh mẽ và trường tồn. Tình yêu tự mặc khải nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu chúng ta. Đó là một tình yêu cụ thể diễn tả bằng hành động chứ không phải lời nói suông. Để biết Thiên Chúa, chúng ta phải bước đi trong tình yêu, tình yêu dành cho tha nhân, tình yêu đối với những người ghét chúng ta, tình yêu dành cho tất cả mọi người”.

TÌNH YÊU Thiên Chúa NHƯ HOA ĐÀO

Trong khi chỉ ra rằng Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta chính Con Một của Người để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh là nơi con người của Chúa Giêsu chúng ta có thể chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, và noi gương Ngài, chúng ta có thể lần từng bước để nhích dần đến tình yêu Thiên Chúa, đến sự nhận biết Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Nhắc lại những lời tiên tri Jeremiah, Đức Thánh Cha nói tình yêu Thiên Chúa đi trước tất cả mọi thứ … Ngài đi trước chúng ta. Tiên tri Jeremiah nói Thiên Chúa như “hoa đào”, đó là cây đầu tiên nở hoa khi xuân đến, nghĩa là Thiên Chúa luôn nở hoa trước chúng ta. Khi chúng ta đến thì Ngài đã có đó chờ đợi chúng ta. … Ngài luôn luôn đi trước chúng ta”.

TÌNH YÊU CHÚA LUÔN CHỜ ĐỢI CHÚNG TA

Trở lại với đoạn Tin Mừng trong ngày, nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót đối với đoàn lũ đông đảo những người kéo đến để lắng nghe Chúa Giêsu”, vì họ như chiên không người chăn dắt, họ không một định hướng nào”. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người sống không có định hướng, nhưng Thiên Chúa đi trước cũng như Ngài đã đi trước các môn đệ là những người đã không hiểu những gì đang xảy ra.”

“Tình yêu của Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta. Tình yêu này luôn luôn làm chúng ta kinh ngạc. Cha chúng ta là Đấng yêu thương chúng ta vô bờ và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Luôn luôn là vậy! Không chỉ một lần mà thôi, nhưng luôn luôn là thế!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng bằng việc nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để trở nên quen thuộc với con đường Tình Yêu và nhận biết Ngài trên con đường ấy.