Phần lớn dựa vào công trình nghiên cứu của linh mục Fitzmyer, trong Chương sáu, ta đã xem một số khía cạnh thần học của Tin Mừng Luca. Trong chương này, ta tiếp tục xem một số khía cạnh thần học khác của Tin Mừng Thứ Ba (1).

III. Cứu thế học

Ta đã thấy Thánh Luca không viết khảo luận về nhân học hay Giáo Hội học, mà ý định của ngài rõ ràng có tính Kitô học và cứu thế học. Khía cạnh Kitô học đã được bàn ở Chương 6. Cứu thế học được xác định minh nhiên ở Cv 4:12: “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu rỗi”. Ta sẽ dựa vào hai lãnh vực để tìm hiểu cứu thế học của Thánh Luca: cái chết của Chúa Giêsu trong trước tác Thánh Luca, và các hiệu quả của biến cố Chúa Kitô.

A. Cái chết của Chúa Giêsu

Điều đáng nói đầu tiên là Tin Mừng Luca không tường thuật việc Chúa Giêsu vác thập giá: “khi điệu Chúa Giêsu đi, họ bắt một người… tên là Simôn… đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Chúa Giêsu” (Lc 23:26). Nên một số tác giả cho rằng thần học của Thánh Luca không phải là thần học thập giá (theologia crucis) mà là thần học vinh quang (theologia gloriae). Hình như văn bản của Thánh Luca cũng đã khiến người ta có nhận định ấy, vì ngài hay dùng kiểu nói “treo lên cây gỗ” (Cv 5:30; 10:39). Vả lại, ngài cũng không coi cái chết của Chúa Giêsu như lễ hy sinh (xem Eph.5:2) hay như việc đền tội (xem Rm 3:25).

Theo linh mục Fitzmyer, dù thế đi chăng nữa, câu hỏi đặt ra là nơi Thánh Luca, Thiên Chúa được mô tả là đem kế hoạch cứu rỗi của Người đến chỗ thực hiện bất cần sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu hay cần đến sự đau khổ và cái chết ấy? Có thể trả lời ngay rằng cho dù trình thuật của Thánh Luca xem ra cho thấy cái chết của Người có liên hệ tới sự hiểu lầm của một số nhà lãnh đạo Do Thái (Lc 23:34; Cv 3:14-17), nhưng điều này vẫn không làm cho ngài mất cái nhìn ra ý nghĩa cứu rỗi trong cái chết của Chúa Giêsu.

Về điều này, ta chỉ cần nhớ: Thánh Luca là người duy nhất mô tả Chúa Giêsu là Đấng Mêxia chịu đau khổ (xem Chương Sáu). Giống mọi soạn giả Nhất Lãm, ngài cũng mô tả Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Cây Dầu (Lc 22:42), là đấng tiên tri sẽ phải chết tại Giêrusalem (Lc 13:33), là Con Người “trước đó phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ” (Lc 17:25). Nói cách khác, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa nhất thiết đòi cái chết của Chúa Giêsu.

Dù không hiểu tại sao Thánh Luca bỏ câu nói của Tin Mừng Máccô về việc Con Người “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45), nhưng ngài là Nhất Lãm Gia duy nhất duy trì các lời phán trên bánh trong Bữa Tiệc Ly: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22:19). Rõ ràng câu ấy có âm sắc hy lễ. Cả câu 22:20 cũng có âm sắc hy lễ nữa: “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”.

Ngoài ra, dù giải thích thế nào thì giải thích, câu Cv 20:28 chắc chắn nhắm nói tới ý nghĩa cứu rỗi trong cái chết của Chúa Giêsu: “Hãy chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa, Giáo Hội Người đã mua bằng máu của chính mình”. Cái chết này là một trong các biến cố đã ứng nghiệm nơi chúng ta (Lc 1:1) và do đó có tính cánh chung mà ý nghĩa cứu rỗi chỉ có thể được hiểu trong ngữ cảnh toàn bộ thảm kịch cứu rỗi hay đúng hơn trong toàn bộ kế hoạch cứu rỗi. Thánh Luca diễn tả điều đó như sau: “có lời Thánh Kinh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”. Điều này ngụ ý: ơn tha tội chỉ đến nhân danh Đấng là Mêxia chịu đau khổ. Đàng khác, chỉ một mình Tin Mừng Luca cho ta thấy lời Chúa Giêsu, lúc ấy đã bị đóng đinh, nói với tên trộm bên cạnh mình: “Hôm nay, con sẽ ở cùng Ta trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Muốn hiểu thiên đàng ra sao thì hiểu, nhưng rõ ràng Chúa Giêsu bảo tên trộm “lành” rằng chính hôm đó, anh ta sẽ được ở với Người, nhờ cái chết cứu rỗi của Người.

B. Hiệu quả của biến cố Chúa Kitô nơi Thánh Luca

Xin nhắc lại ý nghĩa của biến cố Chúa Kitô. Biến cố này chỉ toàn bộ sứ vụ, sự đau khổ, cái chết, việc chôn cất, việc sống lại và lên trời hay hiển dương của Chúa Kitô, hay toàn bộ tác động đối với nhân loại của con người chúa Giêsu, của những điều Người nói và làm. Tên gọi sau này trong thần học chính là toàn bộ công trình của Chúa Kitô hay ơn cứu chuộc khách quan, hiểu theo nghĩa đã được Chúa Kitô thực hiện một lần cho mãi mãi (Rm 6:10).

Nói về hiệu quả của biến cố này, Thánh Luca chú trọng tới: sự cứu rỗi, sự tha tội, bình an, và sự sống. Ta sẽ đi vào chi tiết các hiệu quả này.

1. Sự cứu rỗi

Trong các chương trước, ta đã nhiều lần nói tới cứu rỗi. Đây là lúc cần phải đưa ra câu định nghĩa về nó. Cứu rỗi đây nói tới việc giải thoát con người khỏi sự ác, theo cả nghĩa vật lý, luân lý, chính trị lẫn đại tai biến (cataclysmic). Nó bao hàm một chiến thắng, một cứu vớt họ khỏi tình trạng bác bỏ và tái lập họ trở lại tình trạng nguyên vẹn ban đầu. Trong trường hợp biến cố Chúa Kitô, sự nguyên vẹn nói đây là tình trạng con người được tái lập trở lại trong mối liên hệ tốt đẹp với chính Thiên Chúa. Việc này bao hàm việc cứu vớt họ khỏi tội lỗi, tức tình trạng bị tha hóa xa rời Thiên Chúa, và nói theo thần học hậu Tân Ước, được giải thoát khỏi bị kết án đời đời.

Hình ảnh mô tả sự cứu rỗi đã có trước Thánh Luca. Nó dựa vào các câu nói của Chúa Giêsu được duy trì trong truyền thống Máccô (Mc 5:34; 15:31). Nơi Thánh Phaolô, ta thấy các hình thức trừu tượng (2Cor 7:10; Rm 1:16; 10:10; 13:11). Trong các hình ảnh của Thánh Phaolô, ta thấy ngài muốn nói tới yếu tố cánh chung, hướng về tương lai, cho thấy hiệu quả ấy còn cần được thực hiện trong tương lai. Bởi thế, ngài nói: Kitô hữu phải “biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được ơn cứu độ” (Pl 2:12). Ngược lại, khi nói tới cứu rỗi, Thánh Luca cho biết nó đã được thực hiện rồi.

Khi nói về tước hiệu Đấng Cứu Rỗi, ta đã thấy nguồn gốc không rõ của tước hiệu này. Phần chắc là Thánh Luca rút ra từ truyền thống Cựu Ước nên Thánh Luca đã trích dẫn Is 49:6 trong Cv 13:47. Tuy nhiên, khi ngài nhấn mạnh rằng: ơn cứu rỗi nhân loại không đến từ bất cứ ai khác dưới gầm trời này, thì hình như ngài hiểu rõ người đương thời thường gán tước hiệu ấy cho hoàng đế Rôma hay cho một ân nhân nào đó của nhân loại. Dù sao, đối với ngài, cứu rỗi rõ ràng là một hiệu quả quan trọng của Biến Cố Chúa Kitô. Ngài là Nhất Lãm Gia duy nhất sử dụng tước hiệu Đấng Cứu Rỗi (Lc 2:11; Cv 5:31; 13:23) và danh từ trừu tượng hoặc giống cái soteria (Lc 1:6, 71, 77; 19:9) hay trung tính soterion (Lc 2:30; 3:6). Ngài cũng thường dùng động từ sozein nhiều hơn các soạn giả khác (Thánh Máccô 13 lần, Thánh Mátthêu 15 lần, Thánh Luca 17 lần trong Tin Mừng và 13 lần trong Công Vụ).

Trong Tin Mừng Luca, cứu rỗi thường chỉ việc giải thoát khỏi bệnh hoạn, tàn tật, hay tội lỗi; và mối liên hệ của nó với đức tin (pistis) thường được ghi nhận (Lc 7:50; 8:48,50). Trái lại, trong Công Vụ, cả danh từ lẫn động từ cứu rỗi đều cho thấy một ý nghĩa toàn bộ hơn, từ Đấng nay đã trở thành đối tượng của công bố. Thánh Luca nhìn nhận Chúa Giêsu đem ơn cứu rỗi cho It-ra-en (Cv 13:23) qua đủ mọi hạng người thất thế. Điều này có thể thấy rõ trong câu nói của chính Chúa Giêsu tại Lc 19:10 “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Sự tha tội

Danh từ tha (aphesis) có nguồn gốc kinh tế và xã hội thời xưa: tha nợ, tha hình phạt, tha khỏi tù. Nó cũng là chữ được bản Cựu Ước Hy Lạp dùng để dịch chữ yobel (năm toàn xá, Lv 25:30), deror (tha không giết, Gr 41:8) hay semittah (tha nợ, Đnl 15:1) của Do Thái. Chỉ có ở Lv 16:26, chữ tha mới được dùng trong ngữ cảnh liên quan tới tội. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, động từ aphienai thường được dùng với tội làm túc từ (Xh 32:32; Lv 4:20; 5:6…). Hình thức danh từ của “tha tội” thì không hề có trong Cựu Ước.

“Tha tội” dưới hình thức động từ thì được dùng nhiều hơn nữa trong các bản văn Tân Ước. Còn dưới hình thức danh từ thì xuất hiện một lần duy nhất trong Mc 1:4 và Mt 26:28. Thánh Luca lấy lại hình thức ấy của Thánh Máccô (xem Lc 3:3). Tại đây và tại Lc 1:77, nó được dùng khi nói tới Gioan Tẩy Giả. Và đặc biệt, nó được dùng trong dịp Chúa Giêsu long trọng ủy nhiệm cho Nhóm Mười Một và nhiều người khác vào đêm Chúa Nhật Phục Sinh: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24:47). Trong Công Vụ, hình thức này được sử dụng nhiều hơn nữa (xem Cv 2:38; 5:31; 10:43; 13:38; 26:18).

Tuy nhiên, theo linh mục Fitzmyer (2), điều đáng lưu ý là dù Thánh Luca hay mô tả Chúa Giêsu tha tội, nhưng trong bài giảng tại Nadarét, khi phác thảo chương trình hành động của Người, Chúa Giêsu lại đã chỉ dùng chữ tha theo nghĩa Cựu Ước mà không có từ bổ nghĩa “tội”: tha cho tù nhân và những người bị áp bức (Lc 4:18). Điều ấy muốn nói: trong thừa tác vụ Tin Mừng, khi muốn tóm lược hiệu quả toàn bộ công trình của Chúa Giêsu, Thánh Luca đã diễn tả nó bằng việc Người giải thoát con người khỏi mọi nợ nần của họ trước mặt Thiên Chúa. Bằng chính con người và việc làm của mình, Chúa Giêsu đã hủy bỏ món nợ mà con người mắc phải do tác phong xấu xa của họ gây ra.

3. Sự bình an

Bình an (salom) trong Cựu Ước không những chỉ có nghĩa không có chiến tranh mà hơn nữa còn là tình trạng trù phú và an lạc do Thiên Chúa ban cho, bao gồm thuận hòa, hòa hợp, trật tự, an ninh và thịnh vượng (xem Is 48:18; Ed 34:25-29; Tv 29:11; 85:8-10; Gr 16:5; Ds 6:24-26). Với thời gian, bình an đã trở thành dấu chỉ của vương quốc thiên sai (Is 52:7). Trong Công Vụ 10:36, Thánh Luca đã phản ảnh ý niệm này khi viết: “Người đã gửi đến cho con cái It-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô”.

Trong một ít câu nói của Chúa Giêsu, ta thấy bình an có nghĩa không có chiến tranh như Lc 11:21; 14:32. Nhưng phần lớn, nó là hình ảnh của một an lạc do Người và thừa tác vụ của Người mang đến cho con người. Bình an đã được loan báo cho các mục đồng trong trình thuật giáng sinh: “Bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Lc 2:14), một bình an lối mới, một thứ “bình an trên trời” (Lc 19:38), một thứ bình an, mà bất hạnh thay, Giêrusalem không hiểu: “phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19:42).

Trên môi miệng Chúa Giêsu, bình an đôi khi được liên kết với cứu rỗi (Lc 7:50; 8:48). Khi sai các môn đệ đi trước Người tới một số thị trấn, Người chỉ thị cho các ông nói lời này: “bình an cho nhà này” (Lc 10:5). Lối nói này dù rất giống lối nói trong Cựu Ước salom leka, bình an cho bạn (Tl 6:23; 19:20), nhưng do sự kiện họ phải là người đầu tiên nói câu đó, ta đủ thấy Chúa muốn nói tới hiệu quả mà Người và sứ điệp của Người phải tạo được trên những “ai đáng hưởng bình an” sống trong đó (Lc 10:6). Cũng lời chào này lại đã xuất hiện trên môi miệng Người khi Người hiện ra với nhóm Mười Một và nhiều người khác vào Tối Chúa Nhật Phục Sinh (Lc 24:36).

Nghịch lý một điều là Chúa Giêsu có lần tuyên bố rằng Người đến không phải để đem bình an: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem bình an cho trái đất đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Ta phải hiểu câu này thuộc một thể tài khác, một thể tài đã được báo trước trong trình thuật tuổi thơ, khi ông già Simêon nói về em bé ông đang ôm trên tay rằng em đã được đặt để làm cớ vấp ngã hay chỗi dậy cho nhiều người It-ra-en (Lc 2:34). Thành thử phải hiểu câu đó theo nghĩa: con người phải đưa ra quyết định về Người, đi theo Người hay chống lại Người. Và những ai quyết định đi theo Người, chắc chắn sẽ cảm nghiệm được bình an, vốn là hiệu quả của biến cố Chúa Kitô.

Sau cùng, Thánh Luca cũng hiểu bình an theo nghĩa chính trị, khi mô tả cộng đồng tín hữu tiên khởi “được bình an” tại khắp miền Giuđêa, Galilê và Samaria (Cv 9:31). Tuy hình ảnh này không quan trọng như hai hình ảnh trên đây, nhưng nó vẫn cho thấy đó là một hiệu quả của biến cố Chúa Kitô.

4. Sự sống

Tuy không nói tới “đời sống mới” hay “thụ tạo mới” như Thánh Phaolô (Rm 4:6; Gl 6:15; 2Cor 5:17), nhưng Thánh Luca có nói tới một hình thức sống vượt trên cuộc hiện sinh thông thường của con người nhân bản. Theo ngài, khi bị Satan cám dỗ, Chúa Giêsu đã trích dẫn Đnl 8:3 để nói rằng “con người không phải chỉ sống nhờ cơm bánh” (Lc 4:4), có nghĩa là có thứ sự sống được nuôi dưỡng bằng những thứ khác. Cũng vậy, trả lời câu hỏi của một luật sĩ: phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời? Chúa Giêsu đã trả lời: “cứ làm như thế là sẽ được sống” (Lc 10:25-28).

Tin Mừng Luca không những mô tả Chúa Giêsu nói về thứ sự sống đời đời này, mà còn cho thấy Người có sự sống ấy qua việc sống lại của Người. Các thiên thần ở mộ Chúa Giêsu hỏi các phụ nữ: “Sao các bà tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24:5c). Còn trong Công Vụ, không những Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy “Người vẫn sống, sau khi chịu khổ hình” (Cv 1:3), mà còn khẳng định rằng Người chính là “Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3:15). Và khi giải thoát các tông đồ khỏi nhà tù, thiên thần nói với các ông hãy vào Đền Thờ “mà nói với dân những lời ban sự sống” (Cv 5:20) nghĩa là giảng giải cho họ sứ điệp ban sự sống của biến cố Chúa Kitô. Sự sống ấy, ngay Lương Dân cũng được dự phần (Cv 11:18).

Trên đây, ta đã bàn qua về 4 hiệu quả của của biến cố Chúa Kitô. Tuy nhiên, Thánh Luca cũng còn hai lối trình bày nữa về hiệu quả này. Một là ơn công chính hóa trong diễn văn của Thánh Phaolô tại hội đường ở Antiôkia thuộc Pisiđia: “Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và tất cả những gì anh em đã không được tha để nên công chính nhờ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13:35-38). Đây là lần duy nhất, Thánh Luca nói tới công chính hóa và ngài minh nhiên liên kết nó với ý niệm quen thuộc hơn của ngài là sự tha tội. Xem ra, ngài muốn chứng tỏ rằng ngài biết ý niệm công chính hóa của Thánh Phaolô, nhưng ngài muốn lồng ý niệm ấy vào ý niệm tha tội mà theo ngài thích hợp hơn. Hai là lời Chúa Giêsu nói với người trộm lành: “Hôm nay, con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23:43). Hiệu quả này được mô tả như sự liên kết thân mật với Chúa Giêsu, một sự thân mật mà các Kitô hữu mong đợi và được Thánh Phaolô mô tả là “được ở cùng Chúa” (1Tx 4:17c; Pl 1:23).

IV. Chúa Thánh Thần

Ở Chương Ba, ta đã nói qua tới chủ đề Chúa Thánh Thần trong các trước tác của Thánh Luca. Giờ đây, ta sẽ bàn đến chủ đề này trong tương quan với Kitô học và cứu thế học. Ta sẽ xét tới mối tương quan của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và kế hoạch cứu rỗi của Người, với Chúa Giêsu và với cộng đồng Kitô hữu mới thành hình.

Trước nhất, ta nên lưu ý điều này: Thánh Luca dùng nhiều hạn từ để nói về Chúa Thánh Thần: đôi khi chỉ là “Thần Khí” (the Spirit), đôi khi là Chúa Thánh Thần (the holy Spirit), đôi khi là “Thần Trí Chúa Kitô” hay “Thần Trí Thiên Chúa”, có thể là do yếu tố tu từ học. Nhưng điều rõ ràng là ngài nói nhiều tới Chúa Thánh Thần: trong khi Thánh Máccô nói 6 lần, Thánh Mátthêu nói 12 lần, thì ngài nói tới Người 17 lần riêng trong Tin Mừng và 57 lần trong Công Vụ (3). Điều đáng nói là xem ra Thánh Luca thường nhắc đến Chúa Thánh Thần ở khoảng đầu một giai đoạn nào đó: ít nhất 7 lần ở trình thuật tuổi thơ, 6 lần trong các chương 3-4 khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, và 4 lần trong các chương 10-12, tức các chương gần lúc bắt đầu trình thuật du hành. Tuy nhiên, khó giải thích tại sao Chúa Thánh Thần không xuất hiện ở khúc cuối trình thuật du hành (các chương 13-19), trong trình thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem (19:28-21:38), trong trình thuật khổ nạn và trong trình thuật phục sinh, dù có ám chỉ xa gần khi nói đến “điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24:49). Trong Công Vụ cũng thế, Chúa Thánh Thần xuất hiện rất thường trong phần đầu của Công Vụ (các chương 1-16), rồi thưa thớt dần, còn chỉ vào khoảng 12 lần từ chương 17 trở đi.

Nhận định trên càng được củng cố khi Thánh Luca giữ nguyên việc nhắc đến Chúa Thánh Thần ở Mc 1:8, 10, 12 (=Lc 3:16, 22; 4:1), nhưng lại bỏ việc nhắc đến ấy ở Mc 3:29; 12:36; 13:11 (xem Lc 11:23; 20:42; 21:14). Rõ ràng ngài nuốn chứng tỏ rằng khởi đầu một số giai đoạn nào đó phải được dẫn khởi dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Điều này thấy rất rõ ở những đoạn song hành mô tả việc khai mạc Thời Kỳ Chúa Giêsu (chịu phép rửa, chịu cám dỗ, và biến cố Nadarét) và khai mạc Thời Kỳ Giáo Hội (lên trời, hiện xuống).

Trong phần lớn các trường hợp, Thánh Luca mô tả Chúa Thánh Thần theo lối Cựu Ước, như là sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên và con người dưới hình thức hơi thở hay sức gió, nhằm sáng tạo (Tv 33:6; Gđt 16:14), cho xuất hiện các thủ lãnh (Tl 6:34; 11:29; Is 11:1-5), linh hứng các tiên tri (Ds 24:2; Hs 9:7; 1Sm 11:6). Nói cách khác, Người được mô tả như một sức mạnh vô ngã. Tuy có lúc, Thánh Luca thêm vào một số hành động hữu ngã như Lc 2:26; 4:1; Cv 16:7; và những đoạn Cựu Ước ảnh hưởng mạnh nhất trên ngài chính là Is 61:1-2 và Ge 3:1-2.

Có người cho rằng trong Gioen 3:1-2 vừa nhắc, Chúa Thánh Thần được mô tả như một hồng ân của Thiên Chúa trong cánh chung, nhưng đối với Thánh Luca, Người không còn được coi như thế nữa, mà là một giải pháp cho việc trì hoãn quang lâm. Nói cách khác, trong Thời Kỳ Giáo Hội, “điều Cha Thầy đã hứa” ở Lc 24:49 đã trở thành nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo và cho sức chịu đựng trước thử thách và bách hại. Theo linh mục Fitzmyer, ta không thể rút gọn ý niệm Chúa Thánh Thần của Thánh Luca vào điểm đó. Vì trong các trước tác của Thánh Luca, cũng một Chúa Thánh Thần từng được hứa cho cánh chung, nay được khai mở trong Thời Kỳ Giáo Hội (Cv 1:4; 2:4, 17), nhưng vốn đã hành động trong trình thuật tuổi thơ, tức Thời Kỳ It-ra-en, và ở buổi đầu sứ vụ công khai tức Thời Kỳ Chúa Giêsu.

Khi nhắc đến “điều Cha Thầy đã hứa” tới hai lần: tại Lc 24:49 và tại Cv 1:4, và khi liên kết việc tràn đổ điều hứa này trong Lễ Ngũ Tuần với lời tiên tri Gioen 3:1-2, Thánh Luca muốn cho ta thấy mối liên hệ của Chúa Thánh Thần với Cựu Ước, với Chúa Giavê trong tư cách Cha của Chúa Giêsu, và với chính Chúa Giêsu. Mối liên hệ của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha sau đó không được giải thích thêm, trừ trong Cv 2:33 khi Thánh Phêrô công bố rằng Chúa Giêsu đã được “Thiên Chúa ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Chúa Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống”.

Điều trên ngụ ý rằng Chúa Thánh Thần được đổ tràn ra như mới. Dù Thánh Luca không bao giờ tham chiếu một đoạn như Ed 36:26 trong đó Thiên Chúa hứa sẽ đặt “một thần khí mới” vào lòng It-ra-en, nhưng xem ra suy nghĩ của ngài cũng theo đường hướng này khi sử dụng Gioen và mô tả Chúa Thánh Thần hành động trong Thời Kỳ It-ra-en: Gioan Tẩy Giả tràn đầy Chúa Thánh Thần ngay trong bụng mẹ (Lc 1:15) bởi thế ông được coi là “tiên tri của Đấng Tối Cao” (Lc 1:76). Cũng một ảnh hưởng này đã tác động trên Bà Êlisabét (Lc 1:41), Ông Giacaria (Lc 1:67) và Ông Simêon (Lc 2:25,27) khi những đại diện tín thành của It-ra-en xưa này được đánh động để nhận định về tầm quan trọng của hai con trẻ vừa sinh hay sắp sinh nhưng cùng được lồng vào It-ra-en. Nhưng trong tư cách sức sáng tạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đặc biệt thủ vai hành động rõ rệt nhất nơi Đức Maria: Người rợp bóng và ngự xuống trên Đức Maria khiến ngài thụ thai đồng trinh Chúa Giêsu. Tuy việc thụ thai diệu kỳ của Gioan Tẩy Giả được mô tả không do Chúa Thánh Thần, nhưng phương cách Chúa Thánh Thần tác động trên hai con trẻ thì quả được ngụ ý với song đối trong trình thuật tuổi thơ: được tràn đầy Thần Trí tiên tri, Gioan trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao, còn Chúa Giêsu, thì nhờ được rợp bóng bởi sức sáng tạo của Thiên Chúa, nên đã sinh ra trong tư cách Con Thiên Chúa. Trong Công Vụ, Thánh Luca còn mô tả cách khác việc Chúa Thánh Thần từng hành động trong Thời Kỳ It-ra-en. Ngài viết: cả Thánh Phêrô lẫn Thánh Phaolô đều tuyên bố rằng Chúa Thánh Thần thực sự đã lên tiếng qua miệng Đavít (Cv 1:16; 4:25) và Isaia (Cv 28:25-26).

Thời Kỳ Chúa Giêsu thì được khai mở với việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Trong tư cách một con người thuộc Thời Kỳ It-ra-en, ông công bố việc xuất hiện gần kề của Đấng Phải Đến, Đấng sẽ rửa bằng Chúa Thánh Thần (Lc 3:16), một phép rửa vượt trên phép rửa bằng nước của ông nhiều. Thánh Luca duy trì chi tiết Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giêsu lúc Người chịu phép rửa, lấy từ nguồn Máccô, như một cách để giải thích mối liên hệ giữa Người và Chúa Thánh Thần. Điều này có thể nói là dư thừa, vì ngài đã từng giải thích điều đó trong trình thuật tuổi thơ rồi, qua câu truyện thụ thai đồng trinh. Thánh Máccô cần đến giải thích ấy vì ngài không có trình thuật tuổi thơ. Thánh Luca muốn duy trì nó là để chứng tỏ rằng sứ vụ của Chúa Giêsu chịu ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Đàng khác, không có gì trong Lc 3:21-22 cho thấy mối liên hệ này có tính thiên sai, nhưng trong Cv 10:38, Thánh Luca giải thích nó như việc xức dầu Chúa Giêsu bằng Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu còn được Chúa Thánh Thần dẫn vào hoang địa để bị qủy cám dỗ (Lc 4:1). Sau đó, Người “được quyền năng Chúa Thánh Thần thúc đẩy” từ hoang địa trở về (Lc 4:14) để khởi đầu sứ vụ tại Galilê. Tại Hội đường Nadarét, một trong các cách thế nói tới chương trình hành động của Chúa Giêsu là vai trò của Chúa Thánh Thần ở buổi đầu sứ vụ của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4:18). Điều được Isaia (61:1-2) nói tới nhiều thế kỷ trước đó nay đã ứng nghiệm theo một nghiã mới “hôm nay” (Lc 4:21). Như thế, toàn bộ buổi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu đã được đặt dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, và vai trò của Chúa Thánh Thần như Đấng khởi sự không phải chỉ hạn chế vào buổi đầu Thời Kỳ Giáo Hội mà thôi.

Sau những nhắc nhớ đến Chúa Thánh Thần lúc đầu ấy, Thánh Luca chỉ còn nhắc đến Người ở Lc 10:21; 11:13; 12:10, 12. Trong ba câu cuối cùng, Chúa Thánh Thần được nhắc đến trong các lời Chúa Giêsu nói, trong khi câu 10:21 nói tới Chúa Giêsu hớn hở trong Chúa Thánh Thần.

Về cuối Tin Mừng Luca, mối liên hệ đặc biệt giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu phục sinh đã được ám chỉ khi Chúa Giêsu dặn nhóm Mười Một và các môn đệ khác chờ đợi “điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24:49), một câu sẽ trở nên rõ ràng với Cv 1:4-5. Vai trò mới của Chúa Thánh Thần từ nay được xem sét theo khía cạnh nó không còn giới hạn ở tác động đối với Gioan Tẩy Giả hay đối với Chúa Giêsu mà thôi; toàn bộ It-ra-en sẽ được tái tạo như mới. Trong Công Vụ, Chúa Thánh Thần được mô tả như sự hiện diện đầy sáng tạo và có tính tiên tri của Thiên Chúa (Cv 5:9; 8:39), và cũng của cả Chúa Giêsu nữa (Cv 16:7): ở đây, Chúa Thánh Thần không phải chỉ là “giải pháp cho vấn đề trì hoãn quang lâm” mà còn thay thế cho chính Chúa Kitô phục sinh, khi Người không còn hiện diện bằng thể lý với các môn đệ của Người nữa. Sau khi từ giã họ trong cảnh lên trời, Chúa Kitô từ đó chỉ được “nhận ra” như đang hiện diện với họ trong việc “bẻ bánh” (Lc 24:35) và trong “điều Cha Thầy đã hứa” được đổ tràn trên họ.

Chúa Thánh Thần, được tràn đổ trong Lễ Ngũ Tuần, đã khai mở một thời đại mới, đó chính là trọng điểm của cảm nghiệm Hiện Xuống được thuật lại trong Cv 2. Đây cũng là lý do tại sao ta phải chấp nhận quan điểm 3 thời kỳ trong lịch sử cứu rỗi của thần học Thánh Luca. Vì vai trò của Chúa Thánh Thần như Đấng khởi sự không những quan trọng đối với việc khai mở cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu; mà nay, nó còn quan trọng như là khởi sự cho một thời đại mới trong lịch sử cứu rỗi, khi Chúa Thánh Thần trở thành sự hiện diện của Thiên Chúa với dân mới của Người. Điều này cũng có thể giải thích phần nào lý do Chúa Thánh Thần không hề hiện diện trong trình thuật khổ nạn và phần lớn trong trình thuật phục sinh. Chỉ ở phần cuối trình thuật sau, vai trò tương lai của Người mới được ngụ ý.

Trong Công Vụ, Chúa Thánh Thần trở thành sức mạnh hướng dẫn các môn đệ và chứng nhân Kitô Giáo. Việc ấy được minh nhiên mô tả hoặc trong việc điều hướng hoạt động của họ (Cv 2:4c; 4:31; 8:29, 39; 10:19, 44; 11:28; 13:2,4; 15:28; 19:21; 20:22,28) hoặc trong việc ngăn cản hoạt động đó (Cv 16:6,7; 21:4).

Ngoài ra, trong Công Vụ, điều rõ ràng là Chúa Thánh Thần chỉ được ban cho khi nhóm Mười Hai hiện diện hay đại diện của các vị có mặt tại hiện trường. Đó là cách Thánh Luca mô tả cộng đồng Kitô Giáo được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Việc tái lập nhóm Mười Hai (Cv 1:15-26) là một chuẩn bị cần thiết để Chúa Thánh Thần được tràn đổ ra (Cv 2:1-4). Điều ấy cũng giải thích tại sao dù Philíp, một người không phải là tông đồ, nhưng chỉ là một trong Bẩy Người được chỉ định phục vụ bà ăn (Cv 6:2-6), đã rao giảng Tin Mừng tại Samaria và rửa tội tại đó rồi, nhưng Thánh Phêrô và Thánh Gioan vẫn phải được sai đi trước khi người Samaria được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Cũng thế, phải đợi đến Thánh Phaolô, người được nhóm Mười Hai gián tiếp ủy quyền, tới Êphêsô, thì các tân tòng mới được rửa tội nhân danh Chúa Giêsu Kitô đồng thời được lãnh nhận Chúa Thánh Thần từ việc đặt tay của ngài (Cv 19:1-6). Ngoại lệ duy nhất là trường hợp của chính Thánh Phaolô, được Anania rửa tội và nhận lãnh Chúa Thánh Thần từ việc đặt tay của ông (Cv 9:17-18). Việc này là để nhấn mạnh đến ơn thánh đặc biệt ban cho người sẽ trở thành “lợi khí Ta chọn” để đem danh Giêsu tới cho dân ngoại, vua chúa và con cái It-ra-en (Cv 9:15), người anh hùng của phần hai trong Công Vụ.

V. Cánh chung luận

Cánh chung luận là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất liên quan tới thần học của Thánh Luca. Và ta khó hiểu được điều này nếu không nhớ lại những điều đã trình bầy trên đây liên quan tới quan điểm của Thánh Luca về lịch sử cứu rỗi, về nước Thiên Chúa, về việc lại đến và về Chúa Thánh Thần. Vấn đề lớn nhất phát sinh từ việc Thánh Luca viết thêm cái hậu (sequel) cho câu truyện về Chúa Giêsu (Công Vụ Tông Đồ). Vì khi viết câu truyện về cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi ngay sau khi viết câu truyện về Chúa Giêsu ấy, Thánh Luca ngầm cho hiểu: ngài có quan điểm riêng biệt về sự cận kề của nước Chúa, hay việc sắp trở lại nay mai của Con Người với quyền uy và vinh quang cũng như thịnh nộ, không giống quan điểm của các soạn giả Nhất Lãm khác.

Thánh Luca quả có tái giải thích khá nhiều câu nói về việc lại đến, như ta sẽ thấy. Nhưng điều cũng đúng là: ngài không bác bỏ chính việc lại đến ấy. Thực vậy, ngài là soạn giả Tân Ước đã công khai khẳng định rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại cùng một cách như Người đã lên trời (Cv 1:11). Ngoài ra, như đã thấy, tại Lc 21:27, ngài đã duy trì một câu từ nguồn “Mc” nói rằng Con Người sẽ đến trong quyền uy và vinh quang. Trong Cv 3:19-21, ngài còn nói tới “thời kỳ an lạc” và “thời phục hồi vạn vật”. Những câu ấy cho thấy Thánh Luca rõ ràng có ý nói đến điểm tận cùng thời gian. Câu hỏi còn lại chỉ là: đối với ngài, cái điểm tận cùng ấy còn bao xa hay còn bao gần mà thôi. Muốn trả lời câu hỏi này, ta nên xét thêm một vài khía cạnh trong các trước tác của Thánh Luca.

1. Bỏ qua một số câu nói từ tài liệu gốc: Đôi khi Thánh Luca bỏ qua một số câu nói của tài liệu nguồn minh nhiên đề cập tới cánh chung cận kề, hay ít nhất sửa đổi chúng cho bớt độ bén nhậy theo nghĩa cánh chung luận. Bởi thế, lời công bố trong Mc 1:15 “thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần; hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” đã không được Thánh Luca ghi nhận nhưng được ngài thay thế bằng một câu mô tả thông thường “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh” (Lc 4:15). Trong diễn văn khai mạc sứ vụ sau đó tại Nadarét, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca đã chuyển đổi việc nhấn mạnh vào chính Người và vào việc ứng nghiệm lời tiên tri Is 61:1-2 ngay “hôm nay” lúc công chúng ngồi chăm chú lắng nghe Người (Lc 4:18-21). Lời Người có tính sơ truyền, nhưng không nói gì tới việc nước trời gần đến. Rồi câu nói của Chúa Giêsu trong Mc 9:1 “Tôi bảo thật các ông: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến” đã được Thánh Luca sửa thành một câu không còn nhắc chi tới việc gần đến ấy nữa (Lc 9:27). Thánh Luca xem ra đã thay thế ý niệm đến của nước Chúa bằng một quan niệm vô thời gian về nó. Trong một câu khác mà người ta cho là thuộc nguồn riêng của Thánh Luca, Chúa Giêsu bác bỏ việc Nước Thiên Chúa sắp đến, mà quả quyết với người biệt phái rằng “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21). Còn trong dụ ngôn mười nén bạc, mà Thánh Luca thừa hưởng từ nguồn “Q”, ngài thêm lời dẫn nhập của mình, cho thấy: Chúa Giêsu kể dụ ngôn này vì “họ tưởng Nước Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi” (Lc 19:11).

2. Ngầm cho thấy có sự trì hoãn: Khá nhiều câu trong Tin Mừng Luca cho thấy có sự trì hoãn thời cánh chung. Đó là những câu liên quan tới việc phải tỉnh thức hay sẵn sàng: đầy tớ không biết khi nào chủ sẽ trở về (Lc 12:38, 45), hay dụ ngôn cây vả không có trái (Lc 13:8): “cứ để nó lại năm nay nữa… may ra sang năm…”. Tất cả đều cho thấy một trì hoãn, một triển hạn.

3. Những cột mốc chung cuộc hoặc bị loại bỏ hoặc bị giảm thiểu: Đặc biệt các cột mốc chung cuộc trong diễn từ cánh chung của Mc 13 đều bị loại bỏ hay giảm thiểu trong Lc 21: dấu hiệu khủng khiếp của chung cuộc “Đồ Ghê Tởm Khốc Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng” (Mc 13:14) đã bị Tin Mừng Luca loại bỏ; thay vào đó, “Giêrusalem bị các đạo quân vây hãm” đã được dùng làm dấu hiệu “ngày khốc hại của thành” (Lc 21:20). Các học giả tin rằng khi nhắc đến việc Giêrusalem bị vây hãm, Thánh Luca có ý nói tới sự kiện lịch sử nó bị Rôma huỷ diệt, chứ không phải dấu hiệu khải huyền như Đn 9:27; 12:11. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người ta không rõ liệu Thánh Luca muốn phi cánh chung hóa diễn từ trong Mc 13 hay chỉ vì ngài e rằng các độc giả Kitô hữu gốc dân ngoại không hiểu được vấn đề. Nhưng dù ngài tách biệt việc nhắc tới biến cố hủy diệt có tính lịch sử khỏi việc ám chỉ tới thời chung cuộc, Thánh Luca vẫn không hoàn toàn phi cánh chung hóa hay loại bỏ mọi cột mốc khải huyền vì ngài vẫn còn nhắc đến việc “Con Người đầy quyền năng và vinh quang sẽ ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:27), liên kết nó với tin vui: “anh em sắp được cứu chuộc”. Đúng hơn, Thánh Luca chỉ muốn lồng hình thức cánh chung của ngài vào việc hủy diệt có tính lịch sử của Giêrusalem để ngụ ý rằng như việc đã xẩy ra, ta hãy tin chắc rằng sự giải thoát của Thiên Chúa cũng sẽ xẩy đến.

4. Vẫn có những câu cho thấy Nước Chúa sắp đến: Ngược lại, Thánh Luca vẫn duy trì nhiều câu từ truyền thống tin mừng nguyên khởi nói về việc phán xét gần kề hay việc Nước Chúa hay Con Người sắp sửa đến nay mai. Những câu này không ít và không kém quan trọng. Thánh Gioan Tẩy Giả, chẳng hạn, được mô tả đang thách thức đám đông về “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Lc 3:7) và cho họ thấy “cái rìu đã đặt sát gốc cây” (Lc 3:9) và cái nia phán xét đã rê sạch lúa trong sân (Lc 3:17). Những câu thuộc nguồn “Q” này đã được Thánh Luca giữ nguyên, không phi cánh chung hóa. Cũng thế, khi sai bẩy mươi (hai) môn đệ ra đi, Chúa Giêsu truyền cho họ công bố rằng Nước Thiên Chúa đã gần kề (Lc 10:9). Dù thuộc nguồn “Q”, nó vẫn có âm vang của Mc 1:15. Rồi thêm vào Lc 21:27, đã trích trên đây và gần như y hệt Mc 13:26, Chúa Giêsu nói rằng “thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xẩy ra” (Lc 21:32, y hệt Mc 13:30).

5. Thêm những câu khác về việc sắp đến của Nước Chúa hay sự phán xét: Ngoài ra, Thánh Luca không ngần ngại thêm một số lời nói về việc sắp đến của Nước Chúa hay sự phán xét. Thí dụ trong việc sai bẩy mươi (hai) môn đệ ra đi, Thánh Luca thêm câu: Nước Thiên Chúa đã gần kề (Lc 10:11), lặp lại câu Lc 10:9 trước đó (Mt 10:14 không có câu này). Cũng thế, trong dụ ngôn quan tòa bất lương, Thánh Luca thêm: “liệu Người có trì hoãn chăng? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18:7-8). Rồi trong dụ ngôn cây vả nữa, chỉ có Thánh Luca thêm câu kết luận này: “thì hãy biết Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21:31). Hơn nữa, Thánh Luca còn kết thúc diễn từ cánh chung bằng lời khuyên “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36).

Khi suy nghĩ tới các câu trên đây, ta hiểu rằng Thánh Luca không hoàn toàn bác bỏ niềm tin vào lòng mong chờ sớm đến ngày chung cuộc. Nhưng hiển nhiên ngài phải đương đầu với sự trì hoãn ngày quang lâm, một điều khiến các Kitô hữu sơ khai bỡ ngỡ. Vả lại, các kiểu nói hai gọng kìm tìm thấy trong trước tác của Thánh Luca không hẳn là của chính ngài. Ta có lý do tin rằng chúng thuộc truyền thống trước Thánh Luca. Nhưng khi sử dụng các truyền thống này, ngài cho thấy một trì hoãn nào đó đối với việc quang lâm. Chính Thánh Phaolô cũng cho thấy một chuyển đổi đối với biến cố chung cuộc này. Trong 1Tx 4:13-17, Thánh Phaolô rõ ràng nói tới việc nó xuất hiện nay mai, nhưng trong Pl 1:22-24 và 2Cor 5:1-10, Thánh Phaolô dường như có ý tưởng ngài có thể chết trước khi ngày quang lâm tới. Một sự mù mờ như thế cũng đã có trong truyền thống trước Thánh Luca, dù nó không hoàn toàn giải thích hết việc ngài nhấn mạnh đến độ dài của khoảng trống giữa Thời Kỳ Chúa Giêsu và ngày quang lâm.

Ta không nên qui việc nhấn mạnh trên của Thánh Luca cho cuộc khủng hoảng của Giáo Hội sơ khai đối với sự trì hoãn này cũng như hiểu nó như một cảnh báo chống lại việc phái ngộ đạo đồng hóa quang lâm với việc phục sinh/lên trời của Chúa Giêsu. Đúng hơn, khi nhấn mạnh như thế, Thánh Luca chỉ muốn chuyển sự nhấn mạnh trong một số lời nói của Chúa Giêsu từ eschaton qua semeron để chứng minh rằng chúng vẫn còn là các hướng dẫn giá trị đối với tác phong của thế hệ ngài. Điều này đặc biệt hiển nhiên trong lối Thánh Luca sử dụng hạn từ semeron (hôm nay) (Lc 4:21; 5:26; 19:5,9; 23:43) hay cụm từ liên hệ kath’hemeron (hằng ngày) (Lc 9:23; 11:3; 16:19; 19:47): “ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Việc chuyển đổi nhẹ nhàng này giúp Kitô hữu bớt chú ý tới việc gặp gỡ Chúa Kitô trong biến cố quang lâm cận kề để chú ý nhiều hơn tới việc hiểu tác phong của Người như một linh hướng và một hướng dẫn cho cuộc sống Kitô Giáo trong Thời Kỳ Giáo Hội Thử Thách (ecclesia pressa). Có lẽ vì thế, Thánh Luca đã cố gắng làm nhụt cái sắc nét của cánh chung trong một số câu nói của Chúa Giêsu để làm chúng trở thành phương tiện khuyến dụ lối sống hàng ngày của Kitô hữu.

Suy nghĩ kỹ hơn các nhân tố khác nhau trong suy tư của Thánh Luca về cánh chung luận, ta càng thấy rõ ngài không đơn giản phi cánh chung hóa sơ truyền. Vì quả tình ngài có duy trì một số câu trong truyền thống vốn nhắc tới việc đến gần của vương quốc/Con Người/phán xét. Ta không thể bỏ qua điều đó khi nhìn tới mẫu mực phổ quát hơn của việc chuyển đổi nơi Thánh Luca: ngài rất có thể loại bỏ mọi tư liệu của truyền thống liên quan tới việc đến nay mai của cánh chung. Nhưng ngài không làm thế vì hiểu rõ tầm quan trọng của chúng, nên đã giữ lại một số. Đồng thời, ngài cố gắng giúp các Kitô hữu chuyển việc tập chú vào tính cận kề của cánh chung qua việc hiểu ra rằng Thời Kỳ Giáo Hội hiện nay cũng có chỗ đứng trong lịch sử cứu rỗi của Thiên Chúa. Đối với độc giả thế kỷ 21, việc chuyển đổi này càng quan trọng khi ta thấy khoảng trống giữa việc công bố sứ điệp Kitô Giáo lúc ban đầu và thời đại ta quả lớn hơn cả khoảng trống ở thời Thánh Luca rất nhiều. Và do đó, cánh chung học và sơ truyền của Thánh Luca càng có ý nghĩa hơn đối với chúng ta.

______________________________________________________________________________________________
(1) Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-X, Anchor Book, Doubleday, 1981, các tr. 219-235
(2) Fitzmyer, đã dẫn, tr. 224
(3) Fitzmyer, đã dẫn, tr. 227