Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Khoảng 100 triệu người trên thế giới nói tiếng Farsi, tức là ngôn ngữ chính thức của người Iran hay còn gọi là Ba Tư. Giờ đây, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã có một phiên bản bằng ngôn ngữ này. Đó là một bản dịch đã mất 12 năm để hoàn thành bởi khoảng 1,000 chuyên gia.
Trong buổi ra mắt tại Vatican hôm 31 tháng Giêng, Đại sứ Mohammed Taher Rabbani của Iran nói:
"Công việc này được thực hiện bởi Đại học Tôn giáo của Iran, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt là giữa các tôn giáo độc thần."
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, đã trình bày với báo chí về cuốn sách. Ngài hy vọng cuốn Giáo lý này sẽ cải thiện sự sống chung giữa các tôn giáo ở Trung Đông.
Đức Hồng Y nói:
"Người không Công Giáo có thể mở cuốn sách và tự mình thấy được những yếu tính của đạo Công Giáo."
Vatican hy vọng rằng ấn phẩm mới sẽ trở thành một tài liệu hữu ích cho người Công Giáo trong khu vực. Tiếng Ba Tư được nói chủ yếu ở Iran và các nước láng giềng như Afghanistan và Uzbekistan.
2. Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuala bị mưu sát, 4 nhà thờ bị tấn công
Bốn nhà thờ Công Giáo bị trúng bom xăng và thậm chí Sứ thần Tòa Thánh, là Đức Tổng Giám Mục Aldo Giordano, đang ở thăm thành phố Mérida, đã là mục tiêu của các cuộc tấn công.
Sự việc xảy ra vào lúc bình minh sáng 31 tháng Giêng theo báo cáo của cha Luis Sánchez, linh mục giáo xứ El Llano, trong khu vực quận El Llano ở Merida.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cũng đã nhận được báo cáo của Villca Fernández, thuộc phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng Venezuela, người đã lên án "các cuộc tấn công là ghê tởm và hèn nhát" chống lại Giáo Hội
"Các cuộc tấn công này cố gắng gieo rắc nỗi kinh hoàng và sợ hãi trong dân chúng Mérida. Một cuộc tấn công chống lại một nơi thờ phượng là một cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo và chống lại các di sản lịch sử của Mérida ".
Đại học Movement, thông qua các mạng xã hội, đã ngay lập tức kêu gọi một buổi cầu nguyện trước nhà thờ El Llano để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tòa Thánh và lên án các hành vi bạo lực.
Đức Tổng Giám Mục Aldo Giordano được báo cáo là bình an vô sự.
3. Tòa Thánh kêu gọi Liên Hiệp Quốc bảo vệ các thiếu nữ và phụ nữ trong những vùng đang có xung đột
Hàng trăm ngàn phụ nữ và thiếu nữ Iraq và Syria bị bắt cóc và bị bán như nô lệ tại Trung Đông hay bị buộc làm nô lệ tình dục cho các chiến binh Hồi Giáo. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã tố cáo như trên hôm thứ Sáu 30 tháng Giêng và cảnh báo về những nguy hiểm gây ra cho dân thường vô tội, đặc biệt là phụ nữ và thiếu nữ trong các cuộc xung đột vũ trang.
Đức Tổng Giám Mục Janusz Urbańczyk nói:
"Trong bối cảnh các cuộc xung đột, phụ nữ và thiếu nữ dễ bị tổn thương hơn vì não trạng xem thường nữ giới và vì họ là những mục tiêu bị tấn công trực tiếp như là một phần trong chiến thuật làm dân chúng khiếp sợ".
Ngài nói tiếp:
"Phái đoàn của tôi vẫn quan ngại về việc tiếp tục thiếu sự quan tâm và ưu tiên bảo vệ phụ nữ và thiếu nữ là những mục tiêu của các vụ tấn công hoàn toàn chỉ vì đức tin mà họ tuyên xưng. Sự thiếu chú ý và ưu tiên bảo vệ cho họ đang gây khó khăn trầm trọng cho các tín hữu Kitô là những người đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở một số vùng trên thế giới và trong những khu vực khác nơi các nữ sinh Kitô đang là mục tiêu của các cuộc tấn công."
4. Tổng thống Ai Cập kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo thực hiện "cuộc cách mạng tôn giáo" trong thế giới Hồi giáo
Hồi giáo có thực sự là một tôn giáo hòa bình hay không? Tổng thống Ai Cập dường như không nghĩ như vậy. Phát biểu tại hội nghị phát triển trong các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông tại Abu Dhabi hôm thứ Năm 29 tháng Giêng, tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo can đảm thực hiện một "cuộc cách mạng tôn giáo" trong thế giới Hồi giáo.
Ông nhận thấy rằng người Hồi giáo đang "làm mếch lòng cả thế giới." Và ông buộc tội không chỉ đơn thuần là một vài chiến binh, nhưng trên "toàn bộ umma" – nghĩa là toàn thế giới các tín hữu Hồi giáo.
Đây là những từ ngữ mạnh mẽ, đặc biệt những từ ngữ này đến từ nhà lãnh đạo của một quốc gia Hồi giáo. Thông thường, nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo chỉ dám đi xa đến mức đưa ra những cáo buộc theo đó các chiến binh thánh chiến đang xuyên tạc và lợi dụng những lời giáo huấn của "một tôn giáo hòa bình."
Một sự thật chắc chắn rằng các thành phần bạo lực chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số những người Hồi giáo trên thế giới. Nhưng mà thực tế này tự nó không làm người ta yên tâm. Robert Royal, viết trên tờ The Catholic Thing, rằng ngay cả một thiểu số nhỏ của người Hồi giáo trên thế giới cũng có nghĩa là giờ đây thế giới này đang đứng trước nguy cơ gây ra bởi "hàng chục triệu, hay hàng trăm triệu những kẻ khủng bố sống trên khắp thế giới."
Tổng thống al-Sisi đã đề cập đến một câu hỏi mà một thiểu số các nhà lãnh đạo và người Hồi giáo cũng như vài nhà lãnh đạo Công Giáo đã thẳng thắn đề cập đến sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nêu vấn đề này ra tại Đại Học Regensburg năm 2006. Đó là Hồi giáo có vấn đề với bạo lực.
Bước tiếp theo là vấn đề bạo lực này liệu có thể được giải quyết thông qua những cải cách hay cách mạng, như tổng thống al-Sisi đề nghị hay không? Hay xu hướng bạo lực là một khía cạnh nội tại của đức tin Hồi giáo?
5. Các nhà lãnh đạo Công Giáo Phi Luật Tân kêu gọi tái tục các đàm phán hòa bình với Mặt Trận Hồi Giáo
Các nhà lãnh đạo Công Giáo Phi Luật Tân đã lên tiếng kêu gọi tái tục tiến trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ và một nhóm Hồi giáo đòi ly khai sau một cuộc chạm súng giữa hai bên ở phía Nam nước này.
Cuộc giao tranh kéo dài 12 giờ hôm 25 tháng Giêng đã xảy ra trong một giai đoạn quan trọng trong nỗ lực xây dựng hoà bình giữa các phiến quân của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và chính phủ.
Các quan chức Phi Luật Tân cho biết 44 quân nhân và khoảng một chục phiến quân đã thiệt mạng khi một lực lượng cảnh sát đặc biệt đang truy nã hai kẻ bị tình nghi khủng bố đụng độ với một số chiến binh Hồi Giáo tại thị trấn Mamasapano ở tỉnh Maguindanao.
Chính phủ và quân nổi dậy đang tiến hành những cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra sự việc. Biến cố này xảy ra chỉ một ngày trước cuộc điều trần của Quốc hội nhằm thông qua một dự luật hình thành một khu vực tự trị Hồi giáo tại quần đảo Mindanao.
Đức Tổng Giám Mục Antonio Ledesma của Cagayan de Oro, một trong các giáo phận trên quần đảo Mindanao, gọi cuộc chạm súng này là một "vụ việc rất đáng tiếc." Ngài nói với Catholic News Service, "Từ quan điểm nhìn xa hơn chúng tôi nghĩ là nên tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình vì bạo lực sẽ còn xảy ra nhiều hơn nếu thoả thuận này không được thông qua."
6. Liên Hiệp Quốc chỉ trích hòa thượng Ashin Wirathu Miến Điện
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã kêu gọi chính phủ Miến Điện lên án một hòa thượng Phật giáo đã dùng những từ hạ cấp để gọi một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein cho biết ý kiến của hoà thượng Ashin Wirathu có tính chất "kích động hận thù".
Ông nói:
"Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở Miến Điện phải dứt khoát lên án mọi hình thức kích động hận thù bao gồm cả những hình thức tấn công cá nhân đáng ghê tởm này".
Kể từ khi kết thúc chế độ quân sự ở Miến Điện, vào năm 2011, chủ nghĩa dân tộc Phật giáo, phần lớn là do các nhà sư bao gồm Wirathu chủ xướng, đã phát triển mạnh tại nước này.
Năm 2012, nhiều người bị giết và hàng ngàn người bị mất nhà cửa sau khi bạo lực nổ ra giữa Phật giáo và người Hồi giáo ở bang Rakhine, chủ yếu là trong vùng Rohingya. Bạo lực chống Hồi giáo đã bùng lên nhiều lần kể từ đó.
Bà Yanghee Lee, một người Đại Hàn, đã là đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc trong chuyến đi 10 ngày tới quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc họp báo hôm 21 tháng Giêng tại Yangon, bà Lee tố cáo sự kỳ thị có hệ thống chống lại người Hồi Giáo, những vụ tấn công khủng bố nhằm thanh trừng tôn giáo và điều kiện sống tồi tệ của người Hồi Giáo trong những trại tạm cư của Miến Điện.
Một ngày sau đó, hòa thượng Wirathu đã phát biểu tại một cuộc biểu tình trong đó ông chỉ trích sự can thiệp của Liên Hợp Quốc và tấn công bà Lee. Ông gọi bà là “chó má” và “phường điếm đàng”.
Wirathu sinh năm 1968. Bỏ học để xuất gia vào năm 14 tuổi. Năm 2001, vị hoà thượng này bắt đầu nổi tiếng vì tham gia trong nhóm 969 – là một nhóm Phật Giáo cực đoan chủ trương tận diệt Hồi Giáo. Năm 2003, Wirathu bị bắt và bị giới quân nhân cai trị nước này kết án 25 năm tù vì tội kích động hận thù tôn giáo, nhưng được trả tự do 7 năm sau đó, tức là năm 2010. Hòa thượng Wirathu hiện rất nổi tiếng tại Miến Điện. Ông đăng những bài thuyết pháp trên YouTube và có hơn 37,000 người theo dõi trên account Facebook của mình.
7. UNICEF và các tổ chức bác ái Công Giáo mở chiến dịch quyên góp cho các trẻ em nạn nhân chiến cuộc
10% trẻ em sống tại Trung Đông và vùng sa mạc Sahara đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, thiên tai hoặc các tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng. Con số này đã lên đến ít nhất là 230 triệu trẻ em. Trước tình trạng bi đát này UNICEF và các tổ chức bác ái Công Giáo mở chiến dịch quyên góp 2,7 tỷ euro để giúp đỡ trẻ em đang sống trong những tình huống bi thảm.
Gần 900 triệu Euro sẽ được sử dụng tại Syria, nơi cuộc nội chiến đã làm hơn 6 triệu trẻ em trở thành những người tị nạn trong đó hơn 1 triệu em đã phải ngưng hoàn toàn việc học. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nhu cầu cơ bản như chăm sóc y tế, giáo dục và nước uống.
500 triệu sẽ được gửi đến Tây Phi, nơi Ebola đã khiến hàng nghìn trẻ em trở thành trẻ mồ côi và bị xã hội xa lánh.
Tại châu Âu, số tiền cứu trợ sẽ tập trung vào Ukraine với 30 triệu Euros sẽ được sử dụng để giúp 2 triệu trẻ em sống sót sau cuộc xung đột tàn khốc vẫn đang tiếp diễn tại nước này.
Tại Nigeria, nơi bạo lực gây ra bởi nhóm Hồi Giáo cực đoan Boko Haram đã khiến hơn một triệu người phải di dời, hầu hết là chạy sang các nước láng giềng như Chad, UNICEF sẽ dành ra 26 triệu Euros.
Một ngân sách đáng kể sẽ được dành cho những khu vực khác, nơi mà bạo lực và tình trạng thiếu thốn lương thực đã gây ra những bất ổn như tại Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nghèo thứ 7 trên thế giới.
Thật không may, danh sách các cuộc khủng hoảng trên thế giới tiếp tục được kéo dài ra thêm. UNICEF cho biết có đến 71 quốc gia nơi trẻ em đang cần sự trợ giúp khẩn cấp.
8. Nhà thờ làm hoàn toàn từ những tảng băng
Các linh mục và mục sư của nhiều hệ phái Kitô khác nhau đã làm phép một nhà thờ được làm hoàn toàn từ các tảng băng. Nhà thờ này chính thức hoạt động ngay từ Chúa Nhật 1 tháng Hai.
Ngôi nhà thờ này được xem là một biểu tượng xuất sắc về phong cách kiến trúc; và cũng là một biểu tượng về khoan dung tôn giáo.
Nhà thờ băng đá này được xây dựng trên một ngọn núi ở phía tây bắc của thủ đô Bucarest. Người ta phải dùng cáp treo ở độ cao 2,000 mét để đến được nhà thờ. Đây chủ yếu là nơi cử hành các đám cưới và thánh lễ cho các khách du lịch.
Nhà thờ đã được thiết kế giống hệt như một ngôi nhà thờ cổ ở Transylvania, được làm bằng những khối đá đã được cắt và hàn với nhau bằng nước và tuyết.
9. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia buồn với Mễ Tây Cơ về vụ nổ ở nhà thương phụ sản ở Mexico City
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của ngài đối với các nạn nhân của một vụ nổ tại một bệnh viện phụ sản ở thành phố Mexico giết chết hai trẻ sơ sinh và một y tá. Hơn 70 người khác bị thương, hầu hết đều là trẻ sơ sinh.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi điện tín chia buồn với Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám Mục của thủ đô Mexico.
Trước đó, Đức Thánh Cha đã gửi một tweet trên tài khoản twitter xin anh chị em tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ và xin Chúa ban cho họ sức mạnh và bình an.
Một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ nổ hôm thứ Năm 29 tháng Giêng cho thấy đã có sự rò rỉ trong đường ống của một chiếc xe tải cung cấp khí đốt cho nhà bếp của bệnh viện, biến chiếc xe này thành một quả bom khổng lồ, gây ra một vụ nổ chấn động hàng nhiều dặm xung quanh.