Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Canada nhận định rằng quyết định đồng thanh của Tòa án tối cao tại Canada bãi bỏ lệnh cấm các bác sĩ trợ tử cho thấy rõ xu hướng văn hóa "đặt quyền lợi cá nhân lên trên bất kỳ xem xét nào khác"
Đức Tổng Giám mục Paul-André Durocher cho biết các giám mục Công Giáo của Canada "rất thất vọng" trước quyết định này của Tòa án tối cao đưa ra hôm thứ Sáu 6 tháng 2, "mở rộng cửa" cho các bác sĩ trợ tử.
Tòa án cho biết việc cấm các bác sĩ trợ tử hạn chế quyền hiến định của một người về cuộc sống, quyền tự do và an ninh cá nhân của họ. Tòa án nói rằng một người lớn đang có những bệnh tật không thể chữa được là nguyên nhân khiến họ "đau khổ trầm trọng và không thể chấp nhận được" có quyền yêu cầu bác sĩ trợ giúp tự tử.
Đức Tổng Giám mục Durocher cho biết:
"Chúng tôi đã hy vọng tòa án sẽ không chọn đi theo con đường này, một con đường mà chúng ta thấy rất nguy hiểm."
"Quyết định này chắc chắn là chiến thắng của quyền cá nhân trên bất kỳ xem xét nào khác. Tôi thấy nó là một phương pháp tiếp cận của pháp luật trong đó chỉ xem xét vấn đề một cách riêng lẻ, độc lập với các khía cạnh xã hội và cộng đồng khác.”
“Tất nhiên, theo truyền thống Công Giáo, chúng tôi rất ý thức, nhạy cảm, đến chiều kích xã hội của tất cả quyết định cá nhân. Chúng ta không phải là những hòn đảo, tách biệt với nhau. Chúng ta tạo thành một dân tộc và các quyết định đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác.”
Kinh nghiệm ở các nước cho phép trợ tử như Bỉ và Hoà Lan, phần lớn những người xin trợ tử không hề tự nguyện. Họ bị bắt buộc phải làm như thế để tránh trở thành gánh nặng cho gia đình.
2. Các Giám Mục Slovakia thất vọng trước thái độ hờ hững của người Công Giáo trong cuộc trưng cầu ý kiến về gia đình
"Không phải tất cả các thế hệ đều có cơ hội để quyết định tương lai của quê hương họ." Các giám mục Slovakia đã đưa ra lời kêu gọi trên những tấm panô lớn có hình Đức Giáo Hoàng Phanxicô được dựng khắp mọi nơi trong một chiến dịch vận động rất tốn kém để mời gọi các tín hữu tích cực tham gia vào cuộc trưng cầu ý kiến về hôn nhân và cuộc sống gia đình hôm 07 tháng Hai.
Quốc gia Trung Âu này có tới 74% Công Giáo trong tổng số 5.4 triệu dân.
Một luật mới ở Slovakia đòi hỏi một số người đi bầu tối thiểu là 50% cũng như một đa số phiếu để thông qua định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp của một người đàn ông và một người phụ nữ và cấm các cặp vợ chồng đồng tính không được nhận con nuôi.
Luật này cũng quy định rằng "trường học sẽ không yêu cầu trẻ em tham gia vào giáo dục tính dục hay trợ tử nếu cha mẹ hay con cái không đồng ý".
Dự luật thất bại vì chỉ có 21.4% cử tri đi bầu dù rằng hầu hết những người đi bầu đều ủng hộ dự luật.
3. Đức Thánh Cha lên án cuộc chiến huynh đệ tương tàn ở Ukraine
Vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến chung hôm 04 tháng 2 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình và đối thoại ở Ukraine.
Ngài nói: "Thật không may tình hình đang xấu đi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho bạo lực tương tàn khủng khiếp này có thể chấm dứt càng sớm càng tốt ... Tôi nghĩ đến anh chị em, tất cả các tín hữu nam nữ Ukraine.”
Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt ngay cuộc chiến này vì nó là một gương mù thê thảm cho thế giới. Đức Thánh Cha nhận xét: “Đây là một cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu."
Chiến thắng và thất bại "không phải là từ thích hợp trong trường hợp này. Từ ngữ duy nhất đúng là hòa bình."
4. Thượng phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa ca ngợi lập trường “cân bằng” của Tòa Thánh về Ukraine
Thượng phụ Kirill của Chính thống Nga lên tiếng ca ngợi lập trường "cân bằng" của Vatican về cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi lên án thái độ “bài Nga” của Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trong một diễn từ trước các giám mục Chính thống giáo họp tại Mạc Tư Khoa.
Phát ngôn viên của Chính thống giáo Nga đã liên tục đổ lỗi cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Byzantine là khuấy lên sự oán giận đối với Nga, và Đức Thượng Phụ Kirill củng cố lập luận này. Ông cáo buộc rằng người Công Giáo Ukaine đã tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay khi "thúc đẩy lật đổ chính quyền Viktor Yanukovych bằng những khẩu hiệu dân tộc và bài Nga."
Tuy nhiên, Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga đã phân biệt Giáo Hội Công Giáo Ukraine và Tòa Thánh, nói rằng Vatican đã "luôn luôn theo đuổi một lập trường cân bằng," kêu gọi đàm phán hòa bình và cảnh báo chống lại bạo lực.
Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cuộc 'cách mạng' đã bắt đầu khi Tổng thống Viktor Yanukovych bất ngờ chấm dứt giai đoạn cuối cùng cuả cuộc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu và muốn đưa đất nước Ukraine trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.
Người dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với Nga và hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu, đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti. Giáo Hội Công Giáo đã đồng hành với dân chúng Ukraine trong những cuộc biểu tình long trời lở đất. Sau khi đàn áp dã man dân chúng không thành công, Viktor Yanukovych bỏ trốn sang Nga. Quân Nga lập tức xâm lược Crimea và kích động người Nga tại miền Đông Ukraine nổi loạn.
5. Các Giám Mục Ukraine kêu gọi cầu nguyện cho đất nước
Trước các thiệt hại nghiêm trọng của quân đội Ukraine trước sức tiến công quyết liệt của quân nổi dậy ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp kêu gọi các tín hữu hãy "trở thành thiên thần hộ mệnh, những người ngày đêm cầu nguyện cho quân đội Ukraine."
Quân ly khai thân Nga đã nhận được nguồn tiếp liệu và khí tài chiến tranh khổng lồ từ Nga và đang gây những thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk nói:
"Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân chiến cuộc phải bỏ nhà cửa di tản, cho những binh sĩ bị thương và những người bị giam cầm, những người chết vì đói và lạnh".
"Tôi kêu gọi tất cả các thành viên Giáo Hội chúng ta cầu nguyện không ngừng cho Ukraine."
6. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trên thế giới lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS
Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo nổi tiếng nhất trên thế giới đã ra tuyên bố lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sau khi chúng đưa ra một video trong đó một phi công của Jordan đã bị thiêu sống.
Sheik Ahmed al-Tayeb, hiệu trưởng Đại học Al Azhar của Ai Cập, đã bày tỏ "sự tức giận sâu sắc" của mình trước sự tàn bạo của IS. Trích dẫn các hình phạt theo quy định của kinh Qu'ran dành cho những kẻ giết người vô tội, ông nói rằng IS phải chịu trách nhiệm về những hành động đáng bị trừng phạt như "giết người, đóng đinh, và chặt tay chân".
Một phát ngôn viên của chính phủ Ả Rập Saudi mô tả IS là "kẻ thù của đạo Hồi". Trong khi ngoại trưởng của United Arab Emirates nói rằng IS và các nhóm khủng bố khác "đại diện cho dịch bệnh phải được tận diệt không chậm trễ bởi các xã hội văn minh."
7. Hàng giáo phẩm Bosnia-Herzegovina bác bỏ khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Medjugorje
Một số nguồn tin cho rằng trong chuyến tông du tại Bosnia-Herzegovina vào ngày 6 tháng 6 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ dùng trực thăng để bay từ Sarajevo đến Medjugorje.
Đức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám Mục Sarajevo bác bỏ nguồn tin trên và nhận xét rằng trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha sẽ dành nhiều thời gian để đề cập đến những "tình trạng nghiêm trọng" của người Công Giáo ở Bosnia. Ngài nói: "Một ngày không phải là nhiều".
Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói rằng các cuộc thảo luận về biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje "không có liên hệ" gì với mục đích của Đức Giáo Hoàng đến thăm Sarajevo.
Một ủy ban đặc biệt của Vatican đã được hình thành để nghiên cứu các cuộc hiện ra tại Medjugorje. Báo cáo của ủy ban giờ đây đang nằm trong tay của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào Vatican có thể đưa ra một tuyên bố công khai về vấn đề này.
8. Cuộc điều tra các sự kiện tại Medjugorje
Sau khi Đức Thánh Cha công bố sẽ thăm Bosnia-Herzegovina vào ngày 6 tháng 6 tới đây, nhiều lời đồn đoán liên quan đến những sự kiện tại Medjugorje lại rộ lên. Do đó, trong chương trình này chúng tôi xin điểm qua một vài chi tiết liên quan đến cuộc điều tra của Tòa Thánh tại đây.
Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm ngoái 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.
Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Medjugorje theo tiếng điạ phương có nghĩa là “giữa những đồi núi”. Thật vậy, địa điểm này ở cao độ 200m so với mặt biển với khí hậu mát mẻ miền Điạ Trung Hải.
Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.
Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.
Ngày 10 tháng Tư năm 1991, Hội Đồng Giám Mục Nam Tư đã đưa ra tại Zadar một tuyên bố nói rằng: “Hội Đồng không thể khẳng định rằng những sự kiện này có liên quan đến các cuộc hiện ra siêu nhiên và những mạc khải hay không”
Tiếp theo đó, ngày 02 Tháng 10 năm 1997, Đức Giám Mục Ratko Peric của giáo phận Mostar-Duvno thông báo rằng: “Trên cơ sở nghiên cứu cẩn trọng về trường hợp này của 30 chuyên gia của chúng tôi, với kinh nghiệm 5 năm coi sóc Giáo Phận này, trước những bất tuân phục đầy tai tiếng xung quanh hiện tượng này, trước những điều dối trá mà đôi lúc được đặt vào miệng của Đức Mẹ, trước sự lặp đi lặp lại bất thường của những ‘thông điệp’ trong hơn 16 năm qua, trước những cách thế kỳ lạ mà các vị linh giám của những người tự xưng là đã thấy thị kiến đi cùng với họ khắp thế giới để tuyên truyền, trước cách thức mô tả ‘Đức Mẹ’ hiện ra với ‘những người đã thấy thị kiến’, xác tín của tôi và quan điểm của tôi về các cuộc hiện ra hay mạc khải tại Medjugorje không chỉ dừng ở điểm non constat de supernaturalitate [tính siêu nhiên không được chứng minh ] mà còn phải nói rõ là constat de non supernaturalitate [tính không siêu nhiên đã được chứng minh] "
Trước tuyên bố phủ nhận của Đức Cha Ratko Peric, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục, thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng những nhận xét của Đức Giám Mục Peric "cần được coi là biểu hiện của xác tín cá nhân của giám mục Mostar mà ngài có quyền bày tỏ trong tư cách là đấng bản quyền địa phương, nhưng đó vẫn chỉ là ý kiến cá nhân của ngài"
Trong lá thư ấy, Đức Tổng Giám mục Bertone cũng nhấn mạnh rằng "Tòa Thánh thường không đưa ra, ngay lập tức, quan điểm riêng của mình liên quan đến các hiện tượng được cho là siêu nhiên”.
Thánh Bộ Giáo lý Đức tin ủng hộ sự thận trọng mà các Giám Mục Nam Tư đã tuyên bố vào năm 1991 tại Zadar: đó là "Trên cơ sở các cuộc điều tra được tiến hành đến thời điểm này, không thể khẳng định rằng đó là một trường hợp của một cuộc hiện ra hoặc của một mạc khải siêu nhiên".
Vào tháng Hai năm 2008, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thông báo với cha Tomislav Vlasic, vị linh giám của sáu thanh niên, thiếu nữ rằng ngài đã bị điều tra vì sự loan truyền các giáo lý không minh bạch, thao túng lương tâm, sự bất tuân phục trước những yêu cầu chính đáng của đấng bản quyền hợp pháp, và ra lệnh cho ngài cư trú tại một tu viện dòng Phanxicô ở Lombardy, tham gia một khóa huấn luyện về thần học và tâm linh, và chấm dứt các liên hệ với nhóm “Nữ Vương Hòa Bình”. Tháng Bảy năm 2009, cha Vlasic, đã tự ý xin được huyền chức.
Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.
Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này. “Constat de supernaturalitate” hay “non constat de supernaturalitate?” Khó có thể nói được. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất sau có thể cho phép dự đoán phần nào:
Ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, "không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”
9. Triển lãm khăn niệm thành Turin thu hút đông đảo người ghi danh tham dự
Gần 600,000 người đã ghi danh tham dự một triển lãm Khăn liệm thành Turin bắt đầu vào tháng Tư này.
Khăn liệm sẽ được trưng bày cho công chúng tại nhà thờ chính tòa Turin từ ngày 19 tháng 4 cho đến ngày 24 tháng 6, như là một phần của một chương trình rộng lớn hơn nhằm đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh Gioan Bosco.
Du khách có thể vào cửa miễn phí, nhưng được yêu cầu ghi danh trước để ban tổ chức có thể điều phối nhân viên bảo vệ an ninh.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho biết là ngài sẽ đến thăm Turin để kính viếng Khăn Liệm vào ngày 21 tháng Sáu.
Lần triển lãm cuối cùng của tấm vải liệm Turin là vào năm 2010.