Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cảnh sát ở Delhi, Ấn Độ, đã công bố kế hoạch giám sát an ninh hàng ngày tại các nhà thờ và trường học Kitô giáo, để đối phó với một loạt các cuộc tấn công vào các cơ sở của Giáo Hội.
Sau một loạt các vụ bẻ khóa đột nhập, trộm cắp, tấn công đốt phá, và phá phách tại các nhà thờ ở Delhi, cảnh sát nói rằng họ sẽ đến thăm các nhà thờ và các trường Công Giáo mỗi ngày, và thiết lập một đường dây nóng mà các Kitô hữu có thể kêu cứu, khiếu nại hay bày tỏ những quan tâm.
Cảnh sát trưởng New Delhi, ông Bassi, đã thông báo như trên sau khi Đức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn, cùng với các vị Hồng Y Oswald Gracias, Telesphore Toppo và George Alencherry lên tiếng kêu gọi chính phủ Ấn khẩn trương can thiệp và ngăn chặn các hoạt động phá hoại các tài sản của Giáo Hội, tấn công anh chị em giáo dân, buộc cải đạo và thách thức quyền tự do tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo thiểu số tại Ấn.
2. Công Giáo Ai cập thánh hiến nhà thờ mới đầu tiên ở Sinai
Người Công Giáo Coptic đã vinh danh 21 anh chị em giáo dân Coptic bị quân khủng bố Hồi Giáo IS giết ở Libya trong lễ cung hiến nhà thờ Công Giáo đầu tiên ở Sinai.
"Giáo Hội tại Ai Cập đã được củng cố bởi máu những anh em chúng ta ở Libya", Đức Cha Youssef Aboul-Kheir của giáo phận Sohag nói.
Các đoạn video quay cảnh giết người tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS cho thấy rõ ràng các nạn nhân đã kêu tên cực trọng của Chúa Giêsu Kitô khi họ bị giết, đã được chiếu trong lễ cung hiến ngôi nhà thờ mới.
Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở Sharm el-Sheikh, một thị trấn nghỉ mát tại núi Sinai, được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.
Trong hàng mấy trăm năm qua, Giáo Hội không thể xây dựng được nhà thờ tại vùng núi Sinai. Ngôi nhà thờ mới này chỉ xin được giấy phép xây dựng khi Susanne Mubarak—phu nhân của vị tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak, và là người đã từng theo học các trường Công Giáo đã can thiệp xin giúp giấy phép.
Thượng Phụ Ibrahim Sidrak Đệ Nhất, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Coptic Ai Cập với hơn 200, 000 tín hữu, đã chủ sự buổi lễ thánh hiến.
3. Tại Pháp đã có hơn 200 nghĩa trang bị đập phá trong năm 2014
Hơn 200 nghĩa trang ở Pháp bị phá hoại hoặc bị làm ô uế trong năm 2014. Một báo cáo của đài truyền hình Pháp France 24 đã cho biết như trên.
Trích dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pháp, báo cáo nói rằng 206 nghĩa trang Kitô Giáo, 6 nghĩa trang của người Do Thái, và 4 nghĩa trang Hồi giáo đã bị phá hoại.
Đa số các vụ phá hoại gây ra bởi các thành viên của các giáo phái thờ phượng Satan. Trong tổng số 66,259,000 dân, người Công Giáo chiếm 88% nhưng trong những năm gần đây, nhiều hoạt động của các nhóm thờ phượng Satan đã rộ lên.
4. Các Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine chia rẽ vì lập trường đối với thỏa hiệp ngưng bắn
Chính Thống Giáo Ukraine gồm có 3 Giáo Hội hoạt động độc lập và đôi khi cạnh tranh nhau rất ác liệt dù cùng chia sẻ truyền thống Chính Thống Giáo đông phương.
Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa được công nhận rộng rãi trong thế giới Chính Thống Giáo chiếm từ 60% đến 70% các giáo xứ Chính Thống tại Ukraine.
Giáo Hội Chính Thống Ukraine tự trị được thành lập từ năm 1921 nhưng bị cộng sản Liên Sô đàn áp phải lưu vong ra nước ngoài và chỉ trở về nước từ năm 1995, hiện có 1015 giáo xứ và 697 nhà thờ.
Giáo Hội Chính Thống Ukraine Kiev với tòa thượng phụ đặt tại thủ đô Kiev được thành lập từ năm 1992 để trở thành Giáo Hội Chính Thống chính thức của quốc gia, hiện có 30% trong số các giáo xứ Chính Thống trên toàn cõi Ukraine.
Sau khi thoả hiệp ngưng bắn được ký kết tại Minsk có hiệu lực từ 0 giờ ngày Chúa Nhật 15 tháng Hai, mặc dù đã có những thành công nhỏ như việc trao trả tù binh giữa 139 quân nhân Ukraine và 52 phiến quân thân Nga, nhiều cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và nền hòa bình mong manh này có nguy cơ tan vỡ bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đó Đức Thượng Phụ Filaret, nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine Kiev đã nhiều lần kêu gọi tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko hãy "bảo vệ quê hương" tiếp tục chiến đấu với các lực lượng ly khai. Ngài nói rằng bảo vệ lãnh thổ Ukarine là "bổn phận của mọi Kitô hữu."
Lời tuyên bố ấy đã lập tức thu hút các chỉ trích từ Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Một phát ngôn viên của Giáo Hội này tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi hòa bình, Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa cũng làm như vậy. Phát ngôn viên này chế riễu rằng “Thượng Phụ Filaret là người duy nhất ủng hộ chiến tranh”.
5. Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nói sự sáp nhập Crimea vào Nga là một vi phạm trầm trọng công pháp quốc tế
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Stampa, Đức Tổng Giám mục Thomas Gullickson, sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, kêu gọi viện trợ cho nước này và than phiền phản ứng quốc tế trước sự sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukaraine vào Nga và thái độ hiếu chiến của Putin.
Ngài nói:
Sự thật phải được nói ra dù chúng tôi bất lực không thể làm gì khác hơn ngoài lãnh vực ngoại giao. Tôi muốn đề cập 3 điểm sau:
1) Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền là luật cơ bản trong công pháp quốc tế và việc sáp nhập Crimea vào Nga là một sự vi phạm trắng trợn luật này theo tập quán trong quan hệ giữa các quốc gia.
2) Sự hỗn loạn diễn ra tại Donbas không thể là cớ cho Nga thoái thác nghĩa vụ kiến tạo hòa bình: biên giới phải được đóng lại tức khắc để ngăn chặn dòng chảy của các chiến binh và vũ khí ngõ hầu Ukraine có thể tái lập trật tự trên lãnh thổ của mình.
3) Viện trợ nhân đạo là vô cùng cần thiết cho Ukraine, và nên được phối hợp với sự giúp đỡ của các cơ quan quốc tế như Hội Hồng Thập Tự.
Theo Đức Tổng Giám Mục, nói lên thật mà thôi thì chưa đủ, nhưng Tòa Thánh trong tư cách là thẩm quyền luân lý cần phải gióng lên tiếng nói khuyến khích các quốc gia tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine và trên thế giới trong sự trung thành với sự thật và công lý.
6. Các giám mục Mexico tố cáo tham nhũng
Hội Đồng Giám Mục Mexico vừa đưa ra một tuyên bố tố cáo tình trạng tham nhũng tồi tệ tại đất nước này.
Tuyên bố ngày 17 tháng Hai nói rằng "Tình trạng nghiêm trọng của vấn đề đòi hỏi chính phủ phải đưa ra các giải pháp căn bản và ngay lập tức"
"Người nghèo là những người phải trả giá cho sự băng hoại của các chính trị gia, những doanh nhân, và cả những giáo sĩ bỏ bê công việc mục vụ. Các bệnh viện không có thuốc men, bệnh nhân không được điều trị, trẻ em không được giáo dục."
"Lấy những ưu tư của người dân làm nỗi lo lắng của chính mình, chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp, chính quyền các cấp, các đảng chính trị hãy quyết tâm thực hiện những nỗ lực kiên quyết để diệt trừ nạn tham nhũng đang gây ra quá nhiều đau khổ trong xã hội và làm xói mòn niềm tin của người dân”.
7. Các giám mục Brazil khai mạc chiến dịch Mùa Chay hàng năm
Các giám mục Công Giáo Brazil đã khai mạc chiến dịch thường niên lần thứ 52 cho Tình Huynh Đệ, là một chương trình được tiến hành mỗi năm trong Mùa Chay.
Trong một thông điệp gởi các giám mục Brazil, để hoan nghênh chiến dịch hàng năm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng Giáo Hội "không thể không quan tâm đến nhu cầu của những người mà mình gặp gỡ, những niềm vui và hy vọng, những đau buồn và lo âu của những người nam nữ trong thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc đang chịu đau khổ cách này cách khác."
Những điều này, theo Đức Thánh Cha,"phải là những niềm vui và hy vọng, những đau buồn và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô."
8. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê kêu gọi người Hồi Giáo cùng ăn chay cầu nguyện cho hòa bình trong Mùa Chay
Đức Hồng Y Louis Sako Raphael đã yêu cầu người Hồi giáo tham gia ăn chay với các Kitô hữu trong Mùa Chay này, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho hòa bình ở Iraq.
Trong sứ điệp Mùa Chay của mình, gửi đến thông tấn xã Fides, của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y nói rằng Mùa Chay là "một thời gian thuận lợi cho sự ăn năn, hoán cải và hòa giải, với chính mình, với Chúa, và với những người khác."
Do đó, ngài khuyến khích mọi người dân Iraq, bất kể niềm tin, hãy "dấn thân tăng cường tình đoàn kết của chúng tôi trong sự đa dạng, hơn là theo đuổi chủ nghĩa bè phái."
9. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Cordileone trước yêu cầu của các nhà lập pháp California đòi các trường Công Giáo thay đổi chính sách
Nại đến quyền được đối xử bình đẳng trong môi trường làm việc, tám nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ ở tiểu bang California đã đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của tổng giáo phận San Francico bãi bỏ một yêu cầu của ngài là tất cả những thầy cô giáo nào muốn dạy học trong các trường Công Giáo của tổng giáo phận phải thể hiện sự tôn trọng cần thiết đối với giáo huấn của Giáo Hội. Ngài đã đưa ra yêu cầu nêu trên trong một cố gắng nhằm xác định căn tính Công Giáo của các trường do tổng giáo phận điều hành.
Phản ứng lại tuyên bố của các nhà lập pháp, Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone đã đưa ra một bức thư ngỏ trong đó ngài thách thức các nhà lập pháp “Khi các ông tranh cử, liệu các ông có thuê một người quản lý chiến dịch tranh cử có chủ trương chống lại chính sách mà các ông hô hào hay không? Các ông có dám thuê những người cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với các ông và Đảng Dân chủ nói chung hay không? Nếu các ông không thuê những người như thế thì xin cũng hãy tôn trọng cách hành xử của chúng tôi.”
“Thứ đến là khi người quản lý chiến dịch này, người mà các ông đã thuê, bất chấp những hứa hẹn ban đầu với các ông, bắt đầu chỉ trích các ông và nói tốt cho đối thủ mà các ông đang phải chạy đua, thì các ông có quyết định sa thải người ấy không? Các ông làm điều này bởi vì các ông ghét cay ghét đắng tất cả các đảng viên Cộng hòa, hay vì người này, người lòi ra một người Cộng hòa, đã vi phạm sự tin tưởng của các ông và hành động trái với công việc của các ông? Quan điểm của tôi là: Nếu tôi tôn trọng quyền của các ông sử dụng hay không sử dụng bất cứ ai phù hợp với công việc của các ông. Tôi cũng chỉ cần yêu cầu sự tôn trọng tương tự như thế từ quý ông.”
Đức Tổng Giám Mục cũng nghiêm khắc lưu ý 8 nhà lập pháp Mỹ rằng "điều quan trọng là, trước khi đưa ra nhận xét về một tình huống hoặc về một hành động của bất cứ ai, một trong những yêu cầu tri thức đầu tiên phải có là được thông tin đầy đủ và chính xác nhất có thể."
Ngài khuyến khích các chính trị gia hãy đọc rõ những chính sách của ngài trên trang web của tổng giáo phận.