Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 6h30 sáng Chúa Nhật 29 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.
Anh chị em giáo dân và đoàn đồng tế đã đốt đèn cầy để đi rước lá chung quanh bàn thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna. Hàng ngàn người đã tham dự thánh lễ. Tuy nhiên phần lớn là khách hành hương vì số người Palestine tại dải Gaza xin được phép vào tham dự lễ rất hạn chế. An ninh chặt chẽ với những đồn bót chập chùng trên đường làm nản lòng anh chị em tín hữu từ Ramallah.
Ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương đã lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ ngọn núi này tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.
Do Thái vừa trải qua một cuộc tuyển cử hôm 17 tháng Ba trong đó thủ tướng khét tiếng diều hâu là Benjamin Netanyahu của đảng Likud đã tái đắc cử. Biến cố này làm thất vọng nhiều người Palestine và gợi lên những hăm dọa tấn công khủng bố của nhóm vũ trang Palestine Hezbollah. Thêm vào đó, thời gian này cũng là dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Do đó, an ninh đã được tăng cường cao độ. Binh lính và cảnh sát Do Thái đứng đầy đường.
Năm 2012, binh lính Do Thái đếm được khoảng 15,000 người tham dự cuộc rước này. Năm 2013, con số lên đến 35,000 người. Năm ngoái, có không dưới 50,000 người tham dự. Năm nay, tuy chưa có con số chính thức nhưng có lẽ còn cao hơn.
Từ núi Ôliu về đến Cổ Thành Giêrusalem, đoàn rước đi trong hơn một giờ đồng hồ. Đức Thượng Phụ Fouad Twal và Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem đi sau cùng chung với đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.
Đến cửa thành Thánh Stêphanô, người Do Thái gọi là cửa Sư Tử, là một trong 7 cửa thành của Cổ Thành Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Fouad Twal hướng dẫn mọi người vào cầu nguyện bên trong nhà thờ Thánh Anna. Trong khi đó, anh chị em tín hữu Kitô thuộc các hệ Phái Tin Lành tập trung tại hồ Bethesda nơi Chúa đã từng chữa cho người mù được thấy.
Binh lính Do Thái đứng dày đặc chung quanh khu vực vì Tuần Thánh của Giáo Hội Công Giáo diễn ra đúng vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Anh chị em tín hữu Chính Thống Giáo sẽ cử hành Lễ Lá vào ngày 28 tháng Tư và mừng Lễ Phục Sinh ngày 5 tháng Năm.
Giêrusalem là thành phố được Vua Đavít xây dựng hơn 3000 năm về trước làm Kinh Thành của mình. Nơi đây, một thời cũng đã có những đền thờ nguy nga do Vua Sôlomon và Vua Hêrôđê dựng lên. Đền thờ do Vua Sôlomon dựng lên là một trong 10 kỳ quan thế giới cổ. Những đền thờ Do Thái ngày xưa đã đổ nát và ngày nay chỉ còn dấu tích là bức tường than khóc trong khu vực cổ thành nơi hiện có 35,000 dân trong đó hơn ba phần tư là người Hồi Giáo, người Kitô Giáo chỉ chiếm 6000 và người Do Thái Giáo chỉ có chưa đến 2,500 người.
Trong khu vực Jerusalem, Bethlehem và Ramallah có khoảng 50,000 tín hữu Kitô là một con số rất nhỏ so với cộng đồng Hồi Giáo tại đây.
Bethlehem và Ramallah là những khu vực thuộc lãnh thổ Palestine. Anh chị em giáo dân Công Giáo tại đây muốn tham dự thánh lễ tại Giêrusalem phải xin phép nhà chức trách quân sự Do Thái. Phát ngôn viên Palestine liên tục lên tiếng phàn nàn là nhiều đơn xin dự lễ tại Giêrusalem đã bị bác bỏ.
Chính vì thế, cha Pierbattista Pizzaballa, trưởng đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ đã cử hành Lễ Lá tại nhà thờ Hiện Ra ở đồi Canvê vào chiều tối thứ Bẩy 28 và một thánh lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Giáng Sinh tại Bethlehem.
2. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Assyriô Đông Phương phải viết thư năn nỉ quân khủng bố Hồi Giáo IS để bảo vệ đàn chiên
Trong một hành động chẳng đặng đừng, một lãnh đạo của Giáo Hội Assyriô Đông Phương đã gửi thư đến bọn lãnh đạo của cái gọi là nước Hồi giáo, nói với chúng rằng các Kitô hữu không hỗ trợ bất kỳ nhóm vũ trang nào đang chiến đấu tại Syria.
Kitô giáo "không liên quan gì đến văn hóa của vũ khí," Đức Cha Afram Athnil viết. Ngài nói rằng các nhóm vũ trang được tổ chức nhằm bảo vệ các làng Assyriô không được tổ chức hoặc hỗ trợ bởi Giáo Hội Assyriô. Giáo Hội của ngài cũng không tìm cách liên minh với người Kurd chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Diễn biến này đã diễn ra sau hàng loạt các vụ tàn sát người Kitô hữu Assyriô tại miền Bắc Syria. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS cáo buộc Giáo Hội Assyriô liên minh với quân chính phủ Syria và lực lượng vũ trang người Kurd.
3. Năm Thánh Từ Bi không phải là cơ hội để kiếm tiền
Người đứng đầu văn phòng Caritas tại Rôma nói các công ty trong vùng nên cung cấp các trợ giúp đặc biệt cho người nghèo trong Năm Thánh ngoại thường vừa được Đức Thánh Cha công bố vào chiều thứ Sáu 13 tháng Ba trong nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Đức Ông Enrico Fierce, giám đốc Caritas giáo phận Rôma cho biết: “Trong Năm Thánh Từ Bi, nhiều quỹ bác ái có thể được thành lập để chi trả cho những dịch vụ dành cho người nghèo”.
Được biết sau khi Đức Thánh Cha thăm vùng Tor Bella Monaca, quan phát chẩn của ngài là Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski đã cung cấp hơn 500 kg lương thực cho những người vô gia cư trong vùng.
Ngài nói tiếp: “Năm Thánh không phải là một cơ hội để làm ăn" nhưng là một thời gian biểu lộ lòng thương xót cho những ai đang quẫn bách.
Đức Ông cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng tội phạm và những hành vi trục lợi trong Năm Thánh. Theo ngài, "mỗi lần Tòa Thánh mở ra một không gian mới, lại có ai đó cố gắng thâm nhập vào" vì những lợi ích cá nhân.
4. Tòa Thánh phản ứng lạnh nhạt trước những tranh luận về chi phí trong Năm Thánh Từ Bi của các chính trị gia Italia
Các quan chức Vatican đã phản ứng lạnh lùng trước một cuộc tranh cãi đang diễn ra sôi nổi của các chính trị gia người Ý về mức tiêu tốn mà chính phủ Ý có thể phải chịu trong Năm Thánh ngoại thường vừa được Đức Thánh Cha công bố vào chiều thứ Sáu 13 tháng Ba trong nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Ngay sau khi Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh Từ Bi sẽ bắt đầu vào ngày 08 Tháng 12, một số nhân vật chính trị tả phái đã bắt đầu lên tiếng phàn nàn và ước tính chi phí đón tiếp những người hành hương sẽ đến thăm Rôma trong dịp này.
Được biết trong Năm Thánh 2000, ước tính đã có khoảng 25 triệu người đổ về thành phố.
Tuy nhiên, các viên chức Vatican nói rằng kế hoạch của Năm Thánh Từ Bi sẽ liên quan nhiều hơn đến các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới. Các vị ước lượng chỉ có một con số tương đối khiêm tốn là 8 triệu người hành hương sẽ về Rôma trong dịp này.
Về những chi phí liên quan đến việc đón tiếp khách hành hương - và những nguồn lợi nhuận to lớn mà nước Ý thu được từ những người hành hương này, một viên chức Tòa Thánh nói với thông tấn xã ANSA: "Những cuộc thảo luận đó không liên quan gì với chúng ta".
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, người sẽ phối hợp các hoạt động trong Năm Thánh Từ Bi, đã gặp đô trưởng Ignazio Marino của Rôma để bắt đầu các cuộc đàm phán về kế hoạch trong năm này.
5. Các Giám Mục Phi Luật Tân xin anh chị em tín hữu suy nghĩ lại về những hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân thái quá trong Mùa Chay
Trong thư Mục Vụ Mùa Chay năm nay, cũng như mọi năm trước đây, Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã tái lên tiếng kêu gọi anh chị em tín hữu hãy suy nghĩ lại về những hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân thái quá trong Mùa Chay, đặc biệt là trong Tuần Thánh.
Trong Mùa Chay, đặc biệt là vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trên toàn cõi Phi Luật Tân tại các thành phố như San Fernando, Cebu, Mati, Davao, Gua Gua có hàng trăm người, có cả những phụ nữ, nhờ những người khác đóng đinh họ vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay hay thậm chí đóng đinh những người khác vào thập giá và dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Giáo quyền ra thông báo chính thức cấm nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm vụ xảy ra trên toàn cõi Phi Luật Tân. Việc đóng đinh diễn ra đúng theo nghĩa đen của từ này. Tay họ bị đóng những mũi đinh lớn và nhọn vào thập giá cách thực sự. Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo tử vong nào nhưng đa số phải vào nhà thương vì mất nhiều máu.
Phong trào đóng đinh vào thập giá tại Phi Luật Tân đã bắt đầu từ năm 1946 và mặc dù giáo quyền lên tiếng nhiều lần, những lời khuyên bảo xem ra không có mấy tác dụng. Con số người chịu đóng đinh mỗi năm có xu hướng tăng lên.
Một hình thức khác đỡ ghê sợ hơn là những buổi đánh tội trên đường phố. Ngay tại Manila, từ ngày thứ Tư Tuần Thánh đã có những cuộc rước kiệu và đi đàng Thánh Giá trong đó các hối nhân trùm đầu mình bằng bao bố chỉ khoét hai lỗ nhỏ để thấy đường đi, rồi dùng roi tre đánh túi bụi vào chính mình để đánh tội và thể hiện tâm tình sám hối. Việc trùm đầu bằng bao bố là để tránh bị cho rằng họ phô trương lòng đạo đức của mình. Các roi tre được chẻ ra ở đầu roi và có khi còn được buộc thêm những mảnh thiếc từ những lon coca cola. Nhiều người tự đánh mình đến độ máu me ra lênh láng. Có người phải vào nhà thương. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ mờ sớm đã có hàng đoàn người đi trên các con đường làng để đánh tội, liên tục cho đến tối.
6. Đàng Thánh Giá tại các khu ổ chuột ở Venezuela
Tuyệt vọng và tình trạng thiếu an ninh tại các thành phố của Venezuela đang đẩy các nhóm thanh niên tấn công người đi đường chỉ vì một vài đô la. Phạm pháp đô thị đã tăng lên và nhiều người tin rằng đó là hậu quả của tình hình kinh tế khủng khiếp mà đất nước đang trải qua.
Hugo Chavez đã theo đuổi đường lối xã hội chủ nghĩa tại Venezuela và đẩy đưa đất nước vào bờ vực phá sản kinh tế. Tổng thống Nicolás Maduro, lên nắm quyền sau cái chết của Hugo Chavez đã tiếp tục nhiều chính sách đã bị phá sản khiến nhiều người chống đối. Chính quyền quay ra đàn áp dân chúng bằng bạo lực kể cả súng đạn.
Các Giám mục Venezuela đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu chính quyền nước này ngưng ngay các hành vi bạo lực và đừng nhờ đến "những phương tiện súng đạn là điều trái với pháp luật".
Nhiều buổi đi đàng thánh giá trọng thể thay vì tổ chức trong các nhà thờ đã được tổ chức với quy mô lớn tại các khu ổ chuột ở thủ đô Caracas để tố cáo tình trạng lầm than của dân chúng.
7. Đàng Thánh Giá trên thuyền tại Nicaragua
Hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một đàng thánh giá có lẽ là độc nhất vô nghị trên thế giới.
Các hoạt cảnh trong chặng đàng thánh giá này được diễn ra trên một con thuyền lớn di chuyển trên sông, vị linh mục cũng đứng trên con thuyền đọc những lời nguyện và những lời chia sẻ từ một loa phóng thanh và dân chúng đi theo trên những con thuyền phía sau, phía trước hay đứng dọc theo bờ sông.
Hình thức đi đàng thánh giá độc đáo này có lẽ xuất phát từ các phương thức truyền giáo bí mật trong thời gian cộng sản cai trị nước này từ năm 1979 cho đến năm 1990. Các buổi thờ phượng khi đó đã được tổ chức bí mật trên các con thuyền để tránh sự khủng bố của cộng sản.
Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.
Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.
Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.
8. Tòa Thánh lên án các cuộc tấn công khủng bố những đền thờ Hồi Giáo tại Yemen
Tòa Thánh đã mạnh mẽ lên án những vụ khủng bố tại các đền thờ Hồi Giáo Shiite /shii – ai/ ở thủ đô Sanaa của Yemen hôm thứ Sáu 20 tháng Ba khiến cho ít nhất 142 người chết và 260 người khác bị thương.
Những vụ tấn công này đã được thực hiện để cho thấy khả năng xâm nhập của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại bất cứ quốc gia nào trong vùng Trung Đông.
Tại đền Badr ở phía Nam thủ đô Sanaa, một tên khủng bố cho nổ bom tự sát trong giờ cầu kinh thứ Sáu hàng tuần. Khi các tín hữu Hồi Giáo bỏ chạy ra ngoài, một tên khủng bố khác nổ bom tự sát giết thêm nhiều người khác.
Phương thức tấn công tương tự cũng diễn ra tại đền Al-Hashush ở phía Bắc thủ đô Sanaa.
Cuộc tấn công thứ ba đã xảy ra tại một đền thờ gần tổng hành dinh của Huthi, là nhóm phiến quân Hồi Giáo Shiite đang kiểm soát thủ đô Sanaa. Không có ai bị thương hay thiệt mạng ngoại trừ tên khủng bố bị bắn chết tại chỗ.
Trước đó hai ngày, hôm thứ Tư 18 tháng Ba, bọn khủng bố Hồi Giáo IS cũng gây ra một vụ khủng bố tại Tunisi làm cho 22 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
5 tên khủng bố toan tính tấn công vào trụ sở quốc hội, nhưng sau đó đã rút vào Bảo tàng viện Bardo và bắt giữ các du khách làm con tin. Sau cuộc tấn công của lực lượng an ninh, có 22 người chết, trong đó 22 là du khách nước ngoài và 42 người bị thương. 1 người bị bắt, 2 tên khủng bố bị giết và một số khác tẩu thoát.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã lên án những vụ tấn công này.
9. Hạn hán đe dọa Iran trầm trọng
Nạn hạn hán đang đặt ra một mối đe dọa trầm trọng cho Iran. Vùng đất chúng ta đang thấy đây là vùng hồ Hamoun. Người ta không còn thấy cái hồ đâu nữa. Tất cả đã trở thành một sa mạc mênh mông.
"Chúng tôi đang sống trong bụi cát," người đàn ông 54 tuổi trông coi gia súc này nói. Trước đây vùng hồ Hamoun này là một vùng đất ngập nước quanh năm với một hệ sinh thái đa dạng. Bây giờ chỉ còn cát và cát.
Biến đổi khí hậu làm lượng mưa ít hơn mỗi năm, được cho là nguyên nhân chính nhưng bên cạnh đó cũng có những sai lầm của con người và sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Hồ chứa nước của Iran chỉ có 40 phần trăm trữ lượng nước, và chín thành phố bao gồm cả thủ đô Tehran đang bị đe dọa phải hạn chế dùng nước sau mùa đông khô hạn vừa qua.
Tình hình trầm trọng nhất diễn ra tại Sistan-Baluchistan, nơi được coi là khu vực hạn hán nghiêm trọng nhất ở Iran. Đó là nơi sinh sống của một thiểu số người Hồi Giáo Sunni sát biên giới với Pakistan và Afghanistan.
Chỉ 15 năm trước, vùng hồ Hamoun là vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới, trải dài khoảng 4,000 km vuông giữa Iran và Afghanistan, với một dòng nước ngầm chảy từ sông Helmand.
Nhưng kể từ khi có con đập được xây dựng ở Afghanistan, dòng chảy bị chặn lại và nền kinh tế địa phương đã sụp đổ.
Một số khoảng 3,000 gia đình ngư dân trong vùng đã bỏ đi nơi khác sinh sống và những người trẻ của các gia đình còn lại cũng phải đi đến các tỉnh khác tìm công ăn việc làm.
10. Ca sĩ nhạc Pop Công Giáo Sarah Kroger
Sarah Kroger là một ca sĩ Công Giáo sống tại Melbourne, Florida. Cô phát hiện ra niềm đam mê âm nhạc tại giáo xứ của mình.
Cô đã bắt đầu học nhạc tại Rollins College, một trường Âm Nhạc có tiếng ở Orlando, nơi cô đã tốt nghiệp với một tấm bằng về Thanh Nhạc. Lấy cảm hứng từ nhạc sĩ Công Giáo Josh Blakesley, Sarah bắt đầu chia sẻ đặc sủng ca hát của cô tại trong các trại hè thanh niên các hội nghị tại tiểu bang Florida.
Cô đã phát hành album đầu tiên của mình vào năm 2011 có nhan đề là "thời gian của bạn." Niềm đam mê của Sarah là chia sẻ giọng hát của mình cho mọi người có thể biết Thiên Chúa.
Cô đã từng tham gia Liên Hoan Ca Nhạc Kitô Giáo Jubilmusic tại San Remo, Ý và Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro vừ qua.
Sarah đã phát hành album thứ hai của cô "Hallelujah Is Our Song" vào năm 2013.