Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngài trình bày lập trường trên đây trong thư gửi đến Cha Saverio Cannistrà, Bề trên Tổng quyền dòng Camêlô Nhặt Phép (OCD) nhân dịp kỷ niệm 500 năm sinh nhật của Thánh Nữ Têrêsa Chúa Giêsu ở thành Avila, Tây Ban Nha, mừng vào ngày 28 tháng 3 vừa qua.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thánh nữ thành Avila sáng ngời như một vị hướng đạo chắc chắn và như mẫu gương đầy sức thu hút và sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.”
- Trước tiên, “thánh nữ Têrêsa nổi bật như bậc thầy về sự cầu nguyện. Việc cầu nguyện này không bị đóng khung trong một không gian và thời gian nào trong ngày, nhưng cũng bộc phát trong những cơ hội rất khác nhau. Và Đức Thánh Cha xác quyết rằng: “Để canh tân đời sống thánh hiến ngày nay, Thánh Têrêsa đã để lại cho chúng ta một kho tàng lớn, đầy những đề nghị cụ thể, những con đường và phương pháp cầu nguyện, không làm cho chúng ta khép kín vào mình hoặc chỉ dẫn đưa chúng ta tới một sự quân bình nội tâm, nhưng làm cho chúng ta luôn tái khởi hành từ Chúa Giêsu. Những đề nghị ấy là một trường đích thực để tăng trưởng trong lòng mến Chúa yêu người”.
- Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Thánh Nữ Têrêsa trở thành một người thông truyền Tin Mừng không biết mệt mỏi... Giống như thánh nữ đã làm thời ấy, ngày nay, Người cũng mở cho chúng ta những chân trời mới, triệu tập chúng ta để thi hành một công trình lớn, để nhìn thế giới với đôi mắt của Chúa Kitô, để tìm kiếm điều mà Chúa tìm và yêu mến như Chúa mến yêu.”
- Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “thánh nữ Têrêsa biết rõ cả kinh nguyện cũng như sứ vụ không thể đứng vững nếu không có đời sống cộng đoàn đích thực. Vì thế nền tảng thánh nữ đề ra cho các Đan viện của Người là tình huynh đệ: “Ở đây tất cả phải yêu mến nhau, yêu thương nhau tận tình và giúp đỡ lẫn nhau” (Cammino 4,7).
Thánh Nữ Têrêsa rất quan tâm cảnh giác các nữ tu của Người về nguy cơ “tự tham chiếu” mình trong đời sống huynh đệ. Người nhắn nhủ các chị thực hành nhân đức khiêm nhường, tránh thói tật “ngồi lê đôi mách”, ghen tương, phê bình chỉ trích, làm thương tổn trầm trọng quan hệ với người khác. Tinh thần khiêm nhường theo thánh nữ Têrêsa là chấp nhận mình, ý thức về phẩm giá của mình, có tinh thần truyền giáo táo bạo, biết ơn và tín thác cho Chúa.”
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Với những căn cội cao thượng ấy, các cộng đoàn Têrêsa ngày nay đang được kêu gọi trở thành những nhà hiệp thông, có khả năng làm chứng về tình huynh đệ và tình mẫu tử của Giáo Hội, trình bày cho Chúa những nhu cầu của thế giới, đang bị xâu xé vì chia rẽ và chiến tranh”.
Theo niên giám 2014 của Tòa Thánh, dòng Camêlô (Cát Minh) nhặt phép hiện có 3964 tu sĩ thuộc 624 tu viện và trong số này có 2864 Linh mục.
Các nữ Đan sĩ Camêlô nhặt phép theo hiến pháp năm 1991 gồm 8.988 chị thuộc 706 đan viện. Còn các chị theo hiến pháp năm 1990 gồm 1.783 chị sống trong 124 Đan viện.
2. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ vào tháng Tư.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tổ chức tại Panama sẽ là hội nghị đầu tiên có sự tham dự của đại diện Tòa Thánh. Isabel De Saint Malo, bộ trưởng ngoại giao của Panama, nói với thông tấn xã: “Lần đầu tiên chúng ta có một vị Giáo Hoàng Mỹ Latin, tôi biết đó là một cơ hội tốt để ngài gửi một thông điệp đến hội nghị.”
Sự tham gia của Đức Hồng Y Parolin là đặc biệt quan trọng vì Ngài là quan chức hàng đầu tại Vatican chỉ sau Đức Giáo Hoàng.
Đức Hồng Y Pietro Parolin là một nhà ngoại giao kỳ cựu và là chuyên gia trong các vấn đề về Mỹ Châu. Ngài từng là sứ thần tại Venezuela trong suốt một thời gian căng thẳng giữa Giáo Hội và tổng thống Hugo Chavez từ năm 2009 đến năm 2013. Gần đây ngài từng là một cầu nối trong các cuộc đàm phán để mở lại quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba.
3. Công bố Logo cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Sarajevo
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Sarajevo theo dự trù sẽ diễn ra vào ngày 06 tháng 6 được đại diện bởi một logo gồm có một thánh giá hình thành một phần bởi một cành ôliu và một hình tam giác giống như biên giới của Bosnia và Herzegovina, cùng với dòng chữ, “Mir Varna” (“Bình an cho các con”).
Logo này đã được thiết kế bởi Miroslav Setka và Dragan Ivanković và đã được Đức Hồng Y Vinko Puljic là Tổng Giám Mục Sarajevo trình bày với báo chí. Ngài giải thích rằng logo được lấy cảm hứng từ những ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo đó mục tiêu của chuyến thăm của ngài là để khuyến khích tiến trình hòa bình.
4. Tòa Thánh cảnh giác với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về nguy cơ tận diệt Kitô hữu tại Trung Đông
Hôm thứ Sáu 27 tháng Ba, đại diện Tòa Thánh nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng các Kitô hữu đang phải đối mặt với một “nỗi sợ hãi hiện sinh” ở Trung Đông.
Hội đồng Bảo an đã tổ chức một cuộc thảo luận về đề tài “Các nạn nhân của các cuộc tấn công và lạm dụng trên cơ sở chủng tộc hay tôn giáo ở Trung Đông.”
Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng cộng đồng quốc tế được kêu gọi để làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự tấn công và lạm dụng các nạn nhân chỉ vì mầu da, sắc tộc hay tôn giáo của họ.
Đức Tổng Giám mục Auza nói:
“Đối diện với một tình trạng không thể chịu đựng nổi trong một khu vực xung đột bị kiểm soát bởi những kẻ khủng bố và cực đoan, các Kitô hữu trong vùng thường xuyên cảm thấy mạng sống của họ bị đe dọa, và với một ý thức sâu sắc về cảm giác bị bỏ rơi bởi các cơ quan hợp pháp và cộng đồng quốc tế, toàn bộ cộng đồng Kitô hữu, đặc biệt là ở phía Bắc Iraq, đã và đang phải rời bỏ nhà cửa của họ và tìm cách lánh nạn ở khu vực Kurdistan của Iraq và các nước láng giềng trong khu vực”.
Ngài kêu gọi tất cả các “nhà lãnh đạo và những người thiện chí trong khu vực và trên toàn thế giới hãy có những hành động sáng suốt trước khi quá muộn” để ngăn chặn các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và thanh trừng sắc tộc của quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Đức Tổng Giám mục Auza nhắc nhở Hội đồng Bảo an rằng “khi một nhà nước không còn có khả năng thực hiện chức năng bảo vệ người dân khỏi những tội ác chống lại họ, cộng đồng quốc tế cần phải được chuẩn bị để có những hành động thích hợp nhằm bảo vệ những người dân lành vô tội vô phương tự vệ theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
5. Tòa Thánh nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần tôn trọng lãnh thổ của Ukraine
Trong khi Nga tưng bừng kỷ niệm một năm sáp nhập lãnh thổ Crimea vào Nga, hôm thứ Năm 26 tháng Ba, đại diện Tòa Thánh tại Geneva nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải “tôn trọng tính hợp pháp quốc tế về lãnh thổ và biên giới của Ukraine” như là một “yếu tố then chốt” để đảm bảo sự ổn định, cho cả Ukraine và toàn bộ khu vực.
Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã tuyên bố như trên tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình ở Ukraine.
Ngài nói tiếp:
“Tòa Thánh hoan nghênh các bước đã được thực hiện để thực thi lệnh ngừng bắn, và coi đó như là một điều kiện cần thiết để đi đến một giải pháp chính trị thông qua đối thoại và đàm phán”
“Đồng thời, Tòa Thánh thấy cần phải nhấn mạnh sự cần thiết là tất cả các bên phải thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định đã được đồng thuận, bao gồm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế khác, cũng như Hiệp định Minsk”.
6. Nhiều giáo phận tại Nigeria không có nơi để cử hành Tuần Thánh nhưng người dân vẫn vui và tràn ngập hy vọng
Cha Evaristus Bassey, Giám đốc điều hành Caritas Nigeria cho biết nhiều giáo phận tại Nigeria không có nơi để cử hành Tuần Thánh nhưng người dân vẫn vui và tràn ngập hy vọng. Ngài đang ở Rôma để tham dự các cuộc họp của Caritas Internationalis về bi kịch của hơn một triệu người tị nạn và di dời gây ra bởi bạo lực của Boko Haram.
Cha Evaristus cho biết trong những tháng đầu năm nay quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã tấn công nhiều thị trấn và làng mạc Kitô Giáo sát biên giới với Cameroon. Các nhà thờ đầy chật người tạm cư.
“Tại Yola có tới 40,000 người tản cư. Thí dụ như tại nhà thờ Santa Teresa ở Yola, ngay bên cạnh Tòa Giám Mục, là nhà của khoảng 270 người. Ngay trong Tòa Giám Mục, trong nhà nguyện và trong các trường học cũng chật ních những người di tản”.
“Tuy khó khăn nhưng chúng tôi cũng có những niềm vui. Đầu tháng Ba này, anh chị em tín hữu tại trại Maroua đã vui mừng thấy vị Giám Mục của họ còn sống và đến thăm họ.”
Niềm vui lớn hơn và cũng là niềm hy vọng trong Tuần Thánh này là việc quân đội Nigeria đang giải phóng được nhiều làng mạc trong vùng. Đoạn video quý vị đang xem thấy là hình ảnh quân đội Nigeria giải phóng được thành phố Gwoza.
Cha Evaristus Bassey nói thêm là tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn vì nhiều nhà cửa đã bị đốt phá và nhiều gia đình tan nát vì những người đàn ông trong gia đình bị Boko Haram giết chết.
7. Đức Thánh Cha thăm hỏi các nạn nhân bị lũ lụt tại Nam Mỹ
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện thăm hỏi các nạn nhân lũ lụt gần đây ở Chile và Peru.
Những trận mưa lớn bất thường vào cuối tháng Ba trong vùng sa mạc Atacama ở miền bắc Chile đã làm nước sông dâng cao và gây ra lũ lụt trầm trọng. Có 9 người bị thiệt mạng đã được ghi nhận trong khi ít nhất 19 người khác vẫn còn mất tích.
Bức điện tín viết:
Trước lũ lụt nghiêm trọng tại các khu vực của Peru và Chile, gây ra thương vong nặng nề và nhiều thiệt hại tài sản, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho phần rỗi đời đời của những người đã chết và xin Chúa ban ơn an ủi và sức mạnh cho những ai chịu ảnh hưởng của thảm họa này.
Đức Thánh Cha một lần nữa thúc giục tất cả các tổ chức và tất cả những người thiện chí, được khích lệ bởi tình đoàn kết huynh đệ và bác ái Kitô giáo, hãy quảng đại hỗ trợ các nạn nhân vượt qua thời điểm khó khăn này.
8. Đức Hồng Y Leonardo Sandri thăm Giáo Hội Hung Gia Lợi
Cuối tháng Ba vừa qua Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đã viếng thăm Hung Gia Lợi từ ngày 22 đến 25 theo lời mời của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại nước này.
Cơ hội cho biến cố này là dịp bắt đầu kỷ niệm 300 năm thành lập Đền Thánh Quốc gia Đức Mẹ Maríapocs và mở lại và làm phép Nhà thờ chính tòa Mislols.
Tháp tùng Đức Hồng Y Sandri trong cuộc viếng thăm có Đức Tổng Giám Mục Bottari De Castello, Sứ thần Tòa Thánh tại Hung Gia Lợi và Đức Cha Fueloep Kocsis. Ảnh Đức Mẹ Mẹ Thiên Chúa Máriapocs được rước tới Nhà thờ chính tòa Hajdudorog hôm 23 tháng 3, trong cuộc thánh du qua các nơi của Giáo Hội Hung Gia Lợi.
Trong bài giảng tại buổi phụng vụ kính Đức Mẹ, Đức Hồng Y Sandri dâng lời cảm tạ Chúa và vô số các chứng nhân âm thầm trong thời kỳ Hung Gia Lợi bị chế độ vô thần cai trị, nhờ đó ánh sáng Tin Mừng đã lan tỏa cả trong những đêm đen tối nhất. Ngài nói: “Chúng ta cũng hãy cầu xin hàng ngũ chứng nhân ấy ngày nay soi sáng và giúp chúng ta phân biệt thiện khác biệt với sự ác, sự ác nhiều khi ẩn nấp dưới sự hào nhoáng của những thần tượng giả dối, và chúng để cho con người càng bị lẻ loi và mong manh hơn. Trong khi người ta tưởng mình là toàn năng trong việc theo đuổi một sự tiến bộ khép kín nơi chính mình”.
Đức Hồng Y Sandri nhắc nhở cho các tín hữu lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô “luôn đặt con người ở trung tâm và học cách trở thành một gia đình các dân tộc”.
9. Cảnh sát Ấn bắt giữ một kẻ tình nghi hãm hiếp một nữ tu 72 tuổi tại Calcutta
Hôm thứ Năm 26 tháng Ba, cảnh sát Ấn Độ cho biết đã bắt giữ một kẻ tình nghi có liên quan đến một băng nhóm đã cưỡng hiếp một nữ tu Công Giáo hồi đầu tháng này.
Kẻ tình nghi đã bị bắt và bị giam ở Mumbai – hay còn gọi là Bombay – vào tối thứ Tư 25 tháng Ba và đã được di chuyển đến Calcutta, nơi xảy ra vụ án. Tại Calcutta, cảnh sát cho biết họ đã xác định một số nghi phạm dựa theo những hình ảnh mà camera trong tu viện thu được, nhưng cho đến nay đã không có vụ bắt giữ nào được thực hiện.
Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy 14 thámg Ba mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.
Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng, năm nay 72 tuổi, cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ.
Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Những cư dân khác trong vùng cũng tham gia với họ.