Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10 giờ 15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, rồi đọc sứ điệp Phục Sinh từ bao lơn chính giữa Đền Thờ và ban phép lành toàn xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.
Mặc dù trời mưa lớn đã có mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ.
Bao lơn, ngai của Đức Giáo Hoàng, bàn thờ và thềm đền thờ được trang hoàng với 10,000 hoa Tulip mầu đỏ, hồng, vàng và cam. Năm nay có thêm loại Tulip đỏ Rococo và Pappagallo, cũng như Tulip kép, hoa hồng Matchpoint và Foxtrot mầu kem. Bên cạnh đó có 7,000 cây thủy tiên mầu trắng và vàng, đặc biệt là loại thủy tiên Westward. Ngoài ra, còn có các khóm hoa nhỏ với các hoa huệ dạ hương mầu hồng, trắng và xanh, cũng như huệ xạ nhỏ cùng 400 cây thạch thảo, 200 cây hoa cúc, cùng hàng chục loại hoa khác, trong đó có hoa lan trắng và hàng trăm bình hoa tiả. Thềm đền thờ được trang hoàng bằng 8,000 bình hoa thủy tiên. Trong khi bao lơn được trang hoàng với loại Dendrobio nhiều mầu, trong đó có 600 hoa lan gốc Đông Nam Á. Xe vận tại chở hoa đã khởi hành từ Hoà Lan ngày thứ ba Tuần Thánh và đã đến Vatican ngày thứ Năm Tuần Thánh. Các chuyên viên và nhân viên Vatican đã bắt đầu trang hoàng bao lơn và thềm Đền Thờ Thánh Phêrô vào chiều thứ Bẩy và sáng sớm Chúa Nhật.
Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng đã nảy sinh từ năm 1985, khi chuyên viên trồng hoa là ông Nic van der Voort được mời sang Roma để trang hoàng hoa nhân dịp lễ phong Chân phước cho cha Titus Brandsma người Hoà Lan. Từ đó mấy anh em ông và các nhà trồng hoa Hoà Lan quyết định tặng và trang hoàng hoa cho Đức Giáo Hoàng vào mỗi dịp lễ Phục Sinh.
Các bài sách Thánh đã được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy lạp.
Lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng A rập cầu cho Đức Thánh Cha và các chủ chăn trong Giáo Hội; tiếng Pháp cầu cho các nhà làm luật và hàng lãnh đạo thế giới; tiếng Nga cầu cho các dân tộc bị thử thách vì chiến tranh và chia rẽ; tiếng Đức cầu cho những người bị áp bức bởi hận thù, tội lỗi và nghèo túng; tiếng Hoa cầu cho các tín hữu mới được rửa tội.
Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu rước lễ, trong khi hàng chục linh mục phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu. Thánh lễ đã kết thúc với bài thánh ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Alleluia. Lúc sau 11 giờ trời tạnh mưa, và đã có thêm hàng chục ngàn tín hữu tuôn đến quảng trường thánh Phêrô. Sau khi thay lễ phục Đức Thánh Cha đã đi xe díp ra chào tín hữu và du khách hành hương lúc này đã lên tới hơn 70,000 tại quảng trường thánh Phêrô và quảng trường Pio thứ 12 trước khi đọc thông điệp Urbi et Orbi.
2. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican được đánh dấu bằng việc nhớ đến các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay đã được ghi dấu bằng máu của hàng trăm người Kenya, trong đó đa số là các sinh viên Kitô Giáo, là những người đã bị quân khủng bố Hồi Giáo Al Shabaab bắn chết tại trường Đại Học Garrisa một ngày trước đó.
Trong nghi thức Suy Tôn Thánh Giá, trước Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma, Cha Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng nói:
“Kitô hữu tất nhiên không phải là những nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là tại nhiều quốc gia, họ là những nạn nhân chịu đau khổ thường xuyên nhất. Và ngày hôm nay có tin tức là 147 Kitô hữu đã bị tàn sát trong cơn cuồng nộ của những kẻ thánh chiến Hồi Giáo cực đoan Somali tại một trường đại học ở Kenya. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Ngài, ‘Sẽ đến giờ những kẻ giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa.’ (Ga 16:2) Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ những lời này được thực hiện chính xác đến thế như trong thời đại chúng ta ngày nay.”
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cũng đã được ghi dấu bằng tình cảnh đau khổ của anh chị em tín hữu Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq là những người đã phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn tại thành phố Mosul và vùng bình nguyên Ninivê để lang thang lánh nạn tại thủ phủ Arbil của người Kurd Iraq, những người đã vừa phải trải qua một mùa đông cơ cực trong sự thờ ơ của thế giới. Trước tình cảnh bi đát của họ, chỉ mấy tháng Đức Thánh Cha đã hai lần gửi Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đến thăm và an ủi họ.
Trong buổi đi đàng thánh giá trọng thể tại hí trường Côlôsêô, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay chúng ta thấy anh chị em chúng ta bị đàn áp, bị chặt đầu, đóng đinh vì đức tin của họ. Những việc ấy xảy ra trước mắt chúng ta và thường là với sự im lặng đồng lõa của chúng ta”.
Thật đúng như thế, sau cuộc tấn công vào miền Bắc Iraq của quân khủng bố Hồi Giáo IS hồi thượng tuần tháng 6 năm ngoái, ngày 27 tháng 7 năm ngoái, Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq. Hai tuần sau, ngày 9 tháng 8, đích thân Đức Giáo Hoàng viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về tình trạng bi đát của hơn 100,000 tín hữu Kitô Iraq.
Thế mà, sau hơn 9 tháng im lặng rất khó hiểu, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới có phiên họp đầu tiên vào ngày thứ Sáu 27 tháng Ba để bàn về “tình trạng thảm họa” mà các tín hữu Kitô ở Iraq và Syria đang phải đối mặt.
3. Đức Thánh Cha rửa tội cho 10 tân tòng trong thánh lễ Vọng Phục sinh
Đánh dấu lễ Vọng Phục sinh thứ ba trong triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành một truyền thống trong đêm canh thức Phục Sinh là rửa tội cho các tân tòng.
Ngài đã đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo một cô bé Campuchia 13 tuổi và chín người lớn, trong đó có một người phụ nữ 66 tuổi đến từ Kenya.
Một trong những người lớn mới được đón nhận vào Giáo Hội là một công dân Ý 29 tuổi gốc Ai Cập, mà tên ông cho thấy ông đã được sinh ra trong một gia đình Hồi giáo. Ông đã chọn Paul – tức là Phaolô - là tên thánh của mình và sửa đổi lại họ tên cho phù hợp.
Theo luật Hồi Giáo, những người bỏ đạo Hồi sang tôn giáo khác thì phạm tội bội giáo và phải chết. Vì thế, Vatican không đưa ra chi tiết về nguồn gốc tôn giáo trước đây của các tân tòng.
4. Tông Chiếu ấn định Năm Thánh Từ Bi sẽ được chính thức công bố ngày 11 tháng Tư
Sau thông báo đầu tiên về Năm Thánh ngoại thường của Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra vào ngày 13 tháng Ba vừa qua khi cử hành Ngày Thống Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chính thức công bố Năm Thánh Từ Bi bằng một tông chiếu (bull) vào thứ Bảy 11 tháng 4, lúc 5:30 chiều tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Nghi thức công bố sẽ bao gồm việc đọc các đoạn khác nhau của tông chiếu trước cửa Năm Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Giáo Hoàng, sau đó, sẽ chủ sự buổi kinh chiều Vọng Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót. Cử chỉ này nhằm nhấn mạnh một cách đặc biệt chủ đề cơ bản của Năm Thánh ngoại thường này: đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Thuật ngữ Bull, từ tiếng La Tinh là Bulla, nguyên nghĩa là một vật hình tròn bằng kim loại được dùng để bảo vệ các con dấu sáp gắn với một sợi dây vào một tài liệu quan trọng để làm chứng cho tính xác thực và thẩm quyền của tài liệu ấy. Theo thời gian, thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng đầu tiên để nói về con dấu, sau đó từ này được dùng để chỉ chính tài liệu. Ngày nay Bull (Tông chiếu hay sắc chỉ) được dùng để chỉ tất cả các văn kiện giáo hoàng có tầm quan trọng đặc biệt trong đó có đóng con dấu của Đức Thánh Cha.
Tông Chiếu ấn định Năm Thánh, đặc biệt là Năm Thánh Ngoại Thường, ngoài việc chỉ định thời gian cử hành – tức là ngày khai mạc và bế mạc, còn quy định cụ thể cách thức Năm Thánh được thực hiện và những yếu tố khác tạo thành tài liệu cơ bản nói lên tinh thần trong đó Năm Thánh được công bố, và những ý định và kết quả mong đợi của Đức Thánh Cha, là người đã quyết định mở ra Năm Thánh này cho Giáo Hội.
Hai Năm Thánh ngoại thường cuối cùng đã được các vị Giáo Hoàng công bố vào năm 1933 và 1983. Trong cả hai dịp này, tông chiếu ấn định Năm Thánh đã được công bố nhân dịp Đại Lễ Chúa Hiển Linh. Như vậy, việc công bố Năm Thánh 2015 vào chiều vọng Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa rõ ràng diễn tả sự quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha đến chủ đề của Năm Thánh Từ Bi.
5. Đức Hồng Y Fernando Filoni: “Tôi ngưỡng mộ lòng quảng đại của nhiều người”
Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã được Đức Thánh Cha gửi đến Iraq để bày tỏ sự gần gũi, tình cảm và tình hiệp thông trong lời cầu nguyện của ngài với “các gia đình Kitô và các nhóm khác là những nạn nhân đã bị trục xuất khỏi nhà cửa và làng mạc của họ, đặc biệt là ở thành phố Mosul và đồng bằng Nineveh, và nhiều người đã nương náu ở khu tự trị của người Kurd Iraq.”
Tháng 8 năm 2014, Đức Hồng Y Filoni đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đến quốc gia châu Á này để thể hiện sự gần gũi tinh thần với những người đau khổ và kêu gọi tình liên đới của các tín hữu trên toàn thế giới với họ.
Trong bản tin đánh đi hôm 31 tháng Ba, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Hồng Y Filoni đã đến Amman, thủ đô của Jordan hôm thứ Ba, nơi ngài đã đến thăm hai giáo xứ Công Giáo là những cộng đoàn đã chào đón và giúp đỡ tích cực những người tị nạn Iraq. Tại đây, Đức Hồng Y cũng đã gặp gỡ người đứng đầu Caritas Jordan.
Đức Hồng Y cho biết:
“Tôi cũng thấy việc chuẩn bị cho việc tiếp nhận khoảng hai mươi gia đình mới. Tôi ngưỡng mộ sự hào phóng của rất nhiều người. Thật là tốt đẹp để thấy rằng các gia đình có thể lấy lại phẩm giá của họ trong một bầu khí thân hữu trong giáo xứ này.”
Đức Hồng Y ghi nhận thêm:
“Giáo xứ Đức Maria Mẹ của Giáo Hội có một buổi học ban chiều dành cho những trẻ em tị nạn. Khoảng 300 trẻ em. Có cả một khóa dạy Anh Văn cho người lớn”.
Đức Hồng Y đã đến Baghdad vào đêm thứ Ba 31 tháng Ba.
6. Tòa Thánh tham gia triển lãm tại cuộc triển lãm Nghệ Thuật Venice lần thứ 56
Tòa Thánh sẽ có một cuộc họp báo được tổ chức tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm thứ Năm 09 tháng 4 lúc 11:30 sáng về quyết định của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa tham gia triển lãm tại cuộc triển lãm nghệ thuật Venice lần thứ 56.
Cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế này sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 22 tháng 11 năm 2015. Chủ đề của Tòa Thánh trong cuộc triển lãm này là “Từ khởi thủy ... Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể.”
Các diễn giả tại cuộc họp báo này sẽ bao gồm:
Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Tiến sĩ Paolo Baratta, Giám đốc của Venice Biennale; Tiến sĩ Micol Forti, Trưởng Bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của Viện Bảo tàng Vatican.
Hai năm trước đây, Tòa Thánh cũng đã tham gia vào cuộc triển lãm này. Khu vực triển lãm của Tòa Thánh vào năm 2013 gồm ba phòng với các chủ đề là “Tạo Dựng”, “Băng hoại” và “Tái Tạo”.
Cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế tại Venice – thường được gọi là Venice Biennale - được khởi xướng từ năm 1895 và được tổ chức mỗi hai năm một lần
Quyết định tham gia của Tòa Thánh thể hiện quyết tâm đối thoại với thế giới. Thật vậy, trong nhiều trường hợp Venice Biennale bao gồm cả những tác phẩm nghệ thuật của các tác giả có khuynh hướng bài bác Kitô Giáo một cách cực đoan. Chẳng hạn, vào năm 1999, Maurizio Cattelan, một nghệ nhân người Ý có khuynh hướng bài bác tôn giáo cực đoan đã trưng bày một tác phẩm gọi là La Nona Ora, trong đó mô tả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng sáp to bằng người thật đang bị một thiên thạch đánh trúng.
7. Tòa Thánh ra thông cáo biện hộ việc bổ nhiệm một Giám Mục Chi Lê
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một chuyện rất đau lòng đã xảy ra vào cuối tháng Ba vừa qua tại Chi Lê hay còn gọi là Chí Lợi khiến Tòa Thánh đã có một cuộc họp báo hôm 31 tháng Ba để minh định lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Bộ Giám Mục.
Buổi lễ nhậm chức Giám Mục giáo phận Osorno của Đức Giám Mục Juan Barros hôm 21 tháng Ba đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi 3,000 người gồm cả những người chống cũng như những người ủng hộ việc bổ nhiệm này to tiếng với nhau ngay trong buổi lễ.
Những người cầm cờ đen hay bong bóng mầu đen chống việc bổ nhiệm này. Họ cho rằng Đức Giám Mục Juan Barros đã có một quan hệ chặt chẽ với linh mục Fernando Karadima, là người đã gây ra những tai tiếng rất tai hại cho Giáo Hội tại Chi Lê. Những người cầm bong bóng trắng ủng hộ Đức Giám Mục Juan Barros.
Cha Fernando Karadima đã từng là một gương mặt rất có thế giá trong Giáo Hội tại nước này. Ông đã giúp đào tạo khoảng 40 linh mục trong đó có 4 vị sau này là Giám Mục, trong đó có Đức Cha Juan Barros.
Tháng 2 năm 2011, Bộ giáo lý Đức Tin tuyên bố rằng những cuộc điều tra tại Chi Lê cho thấy cha Karadima đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và truyền cho cha Karadima, lúc ấy 84 tuổi, phải lui vào sống ẩn dật, chấm dứt mọi thừa tác vụ công khai. Quyết định của Bộ giáo lý Đức Tin đã được đưa ra dù rằng trước đó tòa án đời đã hủy bỏ những cáo buộc chống lại cha Karadima xét vì những vụ lạm dụng đã xảy ra quá lâu.
Tai tiếng trong vụ cha Karadima gây ra những thiệt hại nặng nề cho Giáo Hội vì những cáo buộc cho rằng Đức Tổng Giám Mục Juan Francisco Fresno, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã bao che cho những tội lỗi của cha Karadima trước những cáo buộc của anh chị em giáo dân từ năm 1984.
Đức Cha Juan Barros lúc ấy là cha thư ký cho Đức Tổng Giám Mục. Vì thế, ngài bị nghi ngờ đã có những ý kiến chống lại việc mở một cuộc điều tra các tội lỗi của cha Karadima.
Cha Ciro Benedettini, Phó giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết vào ngày thứ Hai 31 tháng 3 rằng trước khi Đức Thánh Cha tuyên bố việc thuyên chuyển Đức Cha Juan Barros từ Giám Mục giáo phận quân đội Chi Lê về làm Giám Mục giáo phận Osorno, “Bộ Giám Mục đã xem xét cẩn thận việc đề cử vị giám mục này và không tìm thấy lý do khách quan nào chống lại với bổ nhiệm”
Trước đó, Đức Tổng Giám mục Fernando Chomali Garib của tổng giáo phận Concepcion, Chi Lê, tiết lộ rằng ngài đã riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô để thảo luận về việc bổ nhiệm gây tranh cãi này, và Đức Giáo Hoàng đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng ngài đã phân tích tất cả các hồ sơ quá khứ và không thấy có lý do khách quan nào cho thấy không nên bổ nhiệm Đức Cha Barros làm giám mục giáo phận Osorno.
Đức Cha Barros sinh ngày 15 tháng 7 năm 1956, được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1984. Ngày 12 tháng 4 năm 1995 được bổ nhiệm Giám Mục phụ tá giáo phận Valparaíso. Ngày 21 tháng 11 năm 2000, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Iquique trước khi được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận quân đội Chi Lê vào ngày 9 tháng 10 năm 2004. Ngày 10 tháng Giêng năm nay, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Osorno.
8. Đức Hồng Y Vinko Puljic: Châu Âu sợ hãi người Hồi giáo trong khi quên đi căn cội Kitô của mình
Trước những cuộc biểu tình chống Hồi Giáo lôi cuốn đông đảo người dân Tây Âu, Đức Hồng Y Vinko Puljic của thủ đô Sarajevo nói: “Châu Âu đang lo sợ người Hồi giáo, trong khi quên đi căn cội Kitô của mình”. Đức Hồng Y đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Il Giornale.
Theo Đức Hồng Y Puljic, Châu Âu khá nhạy cảm với các quyền lợi của các nhóm thiểu số tôn giáo, nhưng châu Âu ngày hôm nay “đang quên đi cơ sở, nền tảng và căn cội Kitô và văn hóa của mình”.
Bình luận về chuyến thăm Bosnia-Herzegovina của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được dự trù vào tháng Sáu, Đức Hồng Y nói quốc gia vùng Balkan đã không đạt được một nền hòa bình ổn định sau nhiều năm xung đột. Ngài đưa ra một nhận xét đầy âu lo: “Thể chế hiện nay không có hiệu quả”.
Đức Hồng Y Puljic cho biết dân số Công Giáo của Bosnia-Herzegovina đã bị giảm đi gần một nửa từ 820,000 xuống còn 430,000 kể từ cuộc chiến Balkan kéo dài từ 31 tháng Ba 1991 đến 21 tháng Sáu 1999. Đức Hồng Y giải thích thêm là người Công Giáo đã bị phân biệt đối xử, và người Công Giáo ít khi nhận được những đầu tư châu Âu được thiết kế để giúp xây dựng lại đất nước tan vỡ.
9. Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi được cử làm Tân Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo.
Hôm 31 tháng 3, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Giuseppe Versaldi làm Tân Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo.
Đức Hồng Y Versaldi năm nay 72 tuổi, người miền bắc Italia, nguyên là giáo sư giáo luật và tâm lý ở Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma, rồi làm GM giáo phận Alessandria và được bổ nhiệm làm Chủ tịch sở kinh tế tài chánh của Tòa Thánh hồi năm 2011. Nay cơ quan này bị nhập vào Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh do Đức Hồng Y George Pell người Úc làm chủ tịch.
Đức Hồng Y Versaldi được bổ nhiệm thay thế Đức Hồng Y Zenon Grocholewski người Ba Lan, 76 tuổi (1939), về hưu sau 6 năm giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, là cơ quan đặc trách các Đại học, trường cao đẳng và trường học Công Giáo.
10. Tin vui cho các tín hữu Kitô Iraq tị nạn: Quân Iraq giải phóng được thành phố Tikrit tiến về Mosul
Sau một tháng trời giao tranh ác liệt, quân Iraq và các lực lượng dân quân liên minh được máy bay liên quân hỗ trợ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Tikrit hôm thứ Ba 31 tháng Ba. Đây là chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến chống quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Chiến dịch tái chiếm lại thành phố Tikrit, quê hương của cựu Tổng thống Saddam Hussein, đã được bắt đầu từ ngày 2 tháng Ba và có lúc tưởng chừng như đã thất bại nhưng cuối cùng đã đạt được mục tiêu sau 48 giờ tấn công quyết liệt của quân đội Iraq.
Chiến thắng Tikrit có những giá trị tâm lý và chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Thủ tướng Haider al-Abadi đã lên đài truyền hình thông báo cuộc giải phóng Tikrit và chúc mừng các lực lượng an ninh Iraq và coi chiến thắng này là một cột mốc lịch sử.
Ông cũng ca ngợi các nhóm bán quân sự của người Hồi Giáo Shiite và lực lượng dân quân Kitô Giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu để giành lại Tikrit, một thành phố đã rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào trung tuần tháng Sáu năm ngoái.
Bộ trưởng Quốc phòng Khaled al-Obeidi đã có một cuộc họp với các tư lệnh chiến trường để bàn về kế hoạch tái chiếm Mosul, thành phố thứ hai của Iraq, lớn gần 10 lần so với kích thước của Tikrit, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang kiểm soát một số lượng lớn dân thường.
Ông cho biết: “Chiến thắng này chỉ là một điểm khởi đầu mới để khởi động các hoạt động giải phóng khu vực Nineveh”.
11. Giám mục Richard Williamson tiếp tục tấn phong Giám Mục trái phép
Hai “tiến chức Giám Mục” sẽ được tấn phong Giám Mục trái phép trong nay mai. “Giám Mục” trái phép Jean-Michel Faure là người được tấn phong hồi trung tuần tháng Ba trong một hành vi công khai thách thức Tòa Thánh đã tiết lộ như trên.
Linh mục Jean-Michel Faure, năm nay 73 tuổi cư ngụ tại tu viện Santa Cruz ở Nova Friburgo, Ba Tây đã được giám mục Richard Williamson tấn phong trái phép hôm 19 tháng Ba.
Việc tấn phong Giám Mục trái phép này khiến cả hai người đều vị vạ tuyệt thông tiền kết, nghĩa là tức khắc và đương nhiên bị vạ tuyệt thông, không cần một thông báo nào của Tòa Thánh.
Đây là lần thứ hai giám mục Richard Williamson bị vạ tuyệt thông. Lần đầu, là vào năm 1988, khi đương sự được Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre tấn phong giám mục trái phép. Vạ tuyệt thông tiền kết này sau đó đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tháo gỡ vào năm 2009 như một thiện chí mời gọi Huynh Đoàn Thánh Piô X trở về với Giáo Hội Công Giáo. Huynh Đoàn Thánh Piô X, là nhóm ly giáo do Tổng Giám Mục Lefèbre thành lập vào năm 1970 để chống lại những cải tổ của Công Đồng Vatican II.
Richard William, vốn xuất thân từ Anh Giáo, không đánh giá cao thiện chí của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, và vẫn tiếp tục giữ thái độ quá khích chống lại mọi cố gắng hàn gắn hay nhích lại gần Giáo Hội Công Giáo của Huynh Đoàn Thánh Piô X đến mức là năm 2012, đương sự bị chính Đức Cha Bernard Fellay, là lãnh đạo Huynh Đoàn, trục xuất ra khỏi nhóm.
“Ngụy Giám mục” Jean-Michel Faure đã được Tổng Giám Mục Lefèbre phong chức linh mục hồi năm 1977 cũng là một trong những người đã ly khai khỏi Huynh Đoàn Thánh Piô X để phản đối chủ trương từng bước quay về với Giáo Hội Công Giáo của Đức Cha Bernard Fellay.
12. Bộ trưởng Nội vụ của Bosnia-Herzegovina tiết lộ những mối quan tâm an ninh trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Sarajevo
Bộ trưởng Nội vụ của Bosnia-Herzegovina tiết lộ rằng chính phủ nước ông có những tin tình báo về các mối đe dọa an ninh liên quan đến chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Sarajevo vào tháng Sáu.
Ông Dragan Lukac nói thêm: “Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Nhưng các lực lượng an ninh của Bosnia sẽ có khả năng đối phó với những vấn đề này và đảm bảo an toàn cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.”
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Sarajevo, là trung tâm của một khu vực có một lịch sử đẫm máu về xung đột tôn giáo, sẽ diễn ra vào ngày thứ Bẩy 6 tháng 6.
13. Đức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami của Nagasaki âu lo về tình trạng Giáo Hội tại Nhật Bản
Đức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami của Nagasaki, Nhật Bản, cho biết người Công Giáo trong giáo phận của ngài cảm nhận được “sự đau buồn, hối tiếc và mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng đức tin” mà Giáo Hội nước này đang trải qua thể hiện cụ thể nơi sự suy giảm số tín hữu Công Giáo Nhật.
Các đánh giá trên được công bố hôm 17 tháng 3 trong một tài liệu được Đức Tổng Giám Mục nêu rõ là rút ra từ các kết luận của Công Nghị Giáo Phận đầu tiên được tổ chức vào năm 2014.
Tài liệu này xem xét một loạt các thách đố mà tổng giáo phận phải đối mặt và đề xuất các bước để vượt qua những gì Đức Tổng Giám mục Takami gọi là “sự tàn héo và yếu dần” của Giáo Hội.
Trước hết, tài liệu ghi nhận rằng cuộc sống tất bật, đầu tắt mặt tối đang đẩy giới trẻ xa lià Giáo Hội. Trong suốt 30 năm qua, dân số Công Giáo Nagasaki đã giảm từ 75,000 xuống còn 62,000. Trong năm 2013, chỉ có 44 người Công Giáo kết hôn.
“Trong đa số các gia đình, chỉ có một thành viên là Công Giáo,” Cha Mamoru Yamawaki, Chủ tịch Uỷ ban Công Nghị tổng giáo phận nói: “Các cuộc thảo luận, do đó, đã tập trung chú ý vào việc làm thế nào để giữ đức tin trong một gia đình như thế khi mà mọi người sống đức tin của họ như những cá nhân.”
14. Hội Đồng Giám Mục Burundi chống lại ý đồ của tổng thống Pierre Nukurunziza muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba
Đất nước này có thể “rơi trở lại vào chia rẽ, xung đột hay nội chiến” nếu tổng thống thay đổi hiến pháp hiện nay của đất nước để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ.
Tổng thống Pierre Nukurunziza đã tỏ ra bực dọc với các Giám Mục nước này vì tuyên bố của các ngài chắc chắn có một giá trị rất bất lợi cho ông ta tại Burundi, nơi người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số.
Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào nam 2010.
15. Hàng trăm sinh viên Kitô Giáo bị khủng bố Hồi Giáo bắn chết trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Kenya
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp đến Hội Đồng Giám Mục Kenya để bày tỏ sự đau đớn tột cùng của ngài trước cái chết của 147 sinh viên và sự gần gũi thiêng liêng của Ngài với các gia đình nạn nhân trong cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Năm của các tên khủng bố Hồi giáo tại Đại Học Garissa ở Kenya.
Ít nhất 147 sinh viên đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo Al Shebaab có căn cứ đặt tại Somalia. Đa số các nạn nhân là sinh viên Kitô Giáo. Họ là những người đã bị hành quyết ngay từ đầu cuộc tấn công sau khi bị tách ra khỏi các sinh viên theo đạo Hồi.
Trong điện văn gởi Đức Hồng Y John Njue, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya, thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh viết:
Đau buồn sâu xa vì sự mất mát lớn lao và bi thảm về nhân mạng trong cuộc tấn công gần đây vào Đại Học Garissa, Đức Thánh Cha bảo đảm những lời cầu nguyện của Ngài và sự gần gũi tinh thần với gia đình các nạn nhân và cho tất cả người Kenya đang chịu đau đớn vào thời điểm này. Ngài phó thác linh hồn những người quá cố cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa toàn năng, và ngài cầu nguyện cho tất cả những ai than khóc sẽ được Thiên Chúa an ủi trước những mất mát này. Trong tình hiệp nhất với tất cả mọi người thiện chí khắp thế giới, ngài lên án hành động tàn bạo vô nghĩa này và cầu nguyện cho sự hoán cải con tim của những kẻ phạm tội ác này.
Ngài kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm trong chính quyền tăng gấp đôi các nỗ lực của họ để hợp tác với tất cả những người nam nữ ở Kenya hầu chấm dứt bạo lực và thúc đẩy bình minh của một kỷ nguyên mới trong tình huynh đệ, công lý và hòa bình.
Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
16. Lịch sử Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa
Trải qua lịch sử, Chúa Nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa Nhật bát nhật sau lễ Phục sinh, Chúa Nhật “Áo trắng”, bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm. Tại vài Giáo Hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa Nhật sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa Nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Tông Đồ Tôma với Chúa Kitô.
Ngày 30/4/2000 là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh. Trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Năm năm sau, ngài qua đời đúng vào đêm hôm trước ngày lễ này.
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 23/04/2006, khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhắc đến Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như “Vị Giáo Hoàng của lòng Thương Xót Chúa”, quảng trường Thánh Phêrô đông chật hàng mấy chục ngàn người đã bùng lên trong những tiếng vỗ tay vang dội.
Năm nay, ngày lễ này có thêm một ý nghĩa đặc biệt nữa vì vào đêm trước ngày lễ này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố Tông Chiếu về Năm Thánh Từ Bi.
17. Hàng ngàn người gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ
Theo những báo cáo của gần một phần ba các giáo phận tại Hoa Kỳ, hàng ngàn người đã được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo trong thánh lễ Đêm Vọng Phục sinh.
Đông nhất là Tổng Giáo Phận Los Angeles với 1828 tân tòng, Tổng Giáo Phận Washington với 1,317 tân tòng, và Giáo phận Raleigh với 1,300 tân tòng.
Theo những thống kê chính thức trong năm 2013 đã có 39,654 tân tòng được rửa tội tại Hoa Kỳ và thêm 66,831 ứng viên được đón nhận vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.