Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong Tuần Thánh vừa qua Radio Republik Indonesia, gọi tắt là RRI, tức là đài truyền thanh quốc gia Indonesia đã trực tiếp truyền thanh các nghi lễ tại Vatican bằng tiếng Nam Dương bao gồm Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô ở Rôma, Đêm Vọng Phục Sinh, Thánh Lễ Phục Sinh và buổi đọc thông điệp Urbi et Orbi.
“Biến cố này không chỉ diễn ra một lần này mà thôi nhưng sẽ được tiếp tục trong tương lai”, Bà Rosarita Niken Widiastuti, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Đài phát thanh Republik Indonesia, đã cho biết như trên.
Hôm thứ Tư mùng 1 tháng Tư, trước sự hiện diện của đại sứ Indonesia cạnh Tòa Thánh, là ông Budiarman Bahar, bà Rosarita Niken Widiastuti và Tổng Giám đốc Đài Vatican, là Cha Federico Lombardi đã ký một bản hiệp ước tại văn phòng Radio Vatican ở Rôma.
Cả hai bên đã mô tả hiệp ước này là một sự phát triển “lịch sử” trong cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.
Lần đầu tiên, người Công Giáo Indonesia có thể theo dõi trực tiếp một nghi lễ tại Vatican là vào Lễ Giáng sinh vừa qua nhờ sự hợp tác ban đầu giữa hai đài phát thanh vào tháng Mười Hai năm 2014.
2. Quốc tang 3 ngày tại Kenya cho những nạn nhân bị khủng bố Hồi Giáo Al-Shabaab giết hại
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã tuyên bố ba ngày quốc tang, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Phục sinh cho 148 người, trong đó đa số là các sinh viên Kitô Giáo, đã bị giết trong cuộc tấn công vào trường Đại Học Garissa mờ sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh.
Al-Shabaab, một nhóm khủng bố Hồi Giáo đặt bản doanh tại Somali có liên hệ với al Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng này. Chúng đe dọa sẽ mở thêm nhiều cuộc tấn công vào Kenya.
Garissa là thành phố cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km.
Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng Tư, 5 tên khủng bố đã đột nhập vào khu ký túc xá sinh viên và bắn chết 2 người bảo vệ. Cynthia Cheroitich, 19 tuổi, là một sinh viên Công Giáo đã thoát chết nhờ trốn trong một tủ đầy quần áo cho biết hai người bạn của cô đã trốn dưới gầm giường và bị bọn khủng bố lôi ra bắt đọc những đoạn kinh sách Hồi Giáo. Những ai không đọc được thì bị bắn chết.
Bọn khủng bố bắt các sinh viên làm con tin nên đến cuối ngày thứ Năm các lực lượng an ninh mới làm chủ được tình hình sau khi đã giết chết 4 tên khủng bố và bắt giữ một tên khác. Bên cạnh 148 người chết còn có 79 người bị thương nặng.
Tính chất bi đát của vụ tấn công khủng bố này là nó đã được thực hiện với một sự đồng lõa và tham gia trực tiếp của nhiều người được coi là thuộc giới trí thức của Kenya.
Bộ Nội Vụ Kenya xác định kẻ hoạch định vụ tấn công này là Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y.
Một trong 4 tên khủng bố bị giết chết tại chỗ là Abdirahim Abdullahi, đã từng là một sinh viên Luật Khoa tốt nghiệp đại học Nairobi vào năm 2013. Abdirahim Abdullahi lại là con trai của Abdullahi Daqare, tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya.
Trong thông điệp gởi quốc dân đồng bào trên truyền hình tổng thống Uhuru Kenyatta tuyên bố 5 người Kenya bị tình nghi dính líu đến vụ này đã bị bắt “Họ là những người giàu có mà nhìn bề ngoài rất là lương thiện”. Ông tố cáo họ “đã tài trợ cho bọn khủng bố Al-Shabaab nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia trên đất nước này.”
82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại Kenya.
3. 30,000 quả trứng Phục sinh trong một giờ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Các Kitô hữu tiên khởi xem trứng như biểu tượng của sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong Chính thống giáo và các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, trứng Phục Sinh được nhuộm đỏ để diễn tả máu của Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, vỏ cứng của quả trứng tượng trưng cho ngôi mộ được niêm phong của Chúa Kitô, việc đập vỏ trứng biểu tượng cho sự phục sinh của Ngài từ cõi chết. Ở Trung Âu, chẳng hạn như tại Áo và Ukraine, trứng Phục Sinh được các linh mục làm phép vào cuối Đêm Canh thức Vượt Qua, và được phân phát cho các tín hữu.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là một xưởng sản xuất trứng Phục sinh tại thị trấn Wurmla bên Áo. Martin giám đốc của xưởng Schrall Eier nói:
“Những quả trứng được đưa vào máy ở đây, và sau đó chúng được đưa vào lò nấu, để nấu ở nhiệt độ 88 độ, và sau đó chúng sẽ được kiểm tra để loại bỏ những quả đã bị bể. Sau đó chúng sẽ được chuyển sang phần làm màu bằng các máy vẽ”.
“Máy này đã được thiết kế đặc biệt để nấu và vẽ trứng. Chúng tôi có ba máy, và mỗi máy có thể nấu và sơn 10,000 trứng trong một giờ. Vì vậy, tất cả chúng tôi có thể sản xuất 30,000 quả trứng mỗi giờ. »
“Chúng tôi bắt đầu việc sản xuất trứng Phục sinh từ tháng Giêng để chắc chắn rằng đến ngày lễ chúng tôi có đủ trứng để giao. Tổng cộng chúng tôi có thể bán được từ 8 đến 10 triệu quả trứng trong mùa Phục sinh.”
4. Đánh trống kêu gọi đoàn kết quốc gia
Hàng trăm người trẻ Burundi đã đánh trống và nhảy múa trên đồi Gishora, cách thủ đô Bujumbura.
Buổi biểu diễn này không phải là một buổi trình diễn văn nghệ. Thật vậy, năm ngoái UNESCO đã đưa điệu múa này vào danh sách các di sản văn hóa thế giới.
Giải thích quyết định của mình UNESCO mô tả điệu múa như là “một cảnh tượng kết hợp mạnh mẽ, đồng bộ giữa tiếng trống và điệu múa, giữa những bài thơ anh hùng và những bài hát truyền thống. Toàn thể dân chúng Burundi coi đây như là một phần cơ bản của di sản và bản sắc của họ.”
Các thanh niên này đã nhảy múa điệu vũ truyền thống này để kêu gọi hiệp nhất trước viễn ảnh đất nước này có thể “rơi trở lại vào chia rẽ, xung đột hay nội chiến” nếu tổng thống thay đổi hiến pháp hiện nay của đất nước để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ.
Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào nam 2010.
Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.
5. Đàng thánh giá tại khu ổ chuột Petare ở thủ đô Caracas của Venezuela
Petare là một trong những vùng khét tiếng về nạn tội phạm tại thủ đô Caracas của Venezuela. Chính quyền thực sự đã bỏ mặc trị an tại khu vực này. Tuy nhiên, giáo quyền địa phương vẫn có nhiều sáng kiến để cố gắng làm trong sạch hóa vùng này. Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh được xem là một trong những sáng kiến mục vụ.
Cha Raúl María Salazar, linh mục chính xứ Petare nói rằng Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu được làm rất công phu nhưng ít ai dám đến xem trừ ra những cư dân trong vùng. Ngài giải thích như sau:
“Đây là một vùng rất khó khăn, một khu vực nguy hiểm. Đa số những người đến xem cuộc thương khó của Chúa Kitô sống ở đây. Những người bên ngoài muốn đến xem lắm nhưng họ không thể làm như vậy vì các tình huống nguy hiểm, nhưng dù thế chúng tôi đang cố gắng vượt qua những trở ngại này, chúng tôi tiếp tục có mặt ở đây, năm này sang năm khác”
Miguel Álvarez, một diễn viên trong Đàng Thánh Giá nói:
“Chúng tôi biết mọi người nghĩ gì về Petare. Thực ra, Petare không phải là một khu phố nơi chỉ có những tội phạm nhưng còn là một khu phố nơi những hoạt động như thế này có thể xảy ra, nơi mà mỗi năm, chúng tôi lại tổ chức các chặng Đàng Thánh Giá.”
Silvia Pérez, một cư dân tại Petare nói:
“Vâng sự thật đây là một kinh nghiệm tuyệt đẹp, vì nó mang lại cho người xem những kinh nghiệm sống động về cuộc thương khó Chúa Kitô”
6. Tuần Thánh tại Giêrusalem
Bất chấp những vụ khủng bố liên tục gần đây tại Giêrusalem và trong các vùng lãnh thổ Palestine, hàng chục ngàn người trên thế giới đã đến Giêrusalem để lần theo những bước chân Chúa Giêsu lên đồi Golgotha.
Dominic, một người hành hương trẻ từ Singapore nói:
"Thật là tuyệt vời. Thật thú vị vì tại Singapore chúng tôi cử hành lễ Phục Sinh âm thầm và lặng lẽ lắm. Tất cả mọi người ở đây hội tụ từ nhiều quốc gia tại thành cổ. Tôi thấy rất vui"
Laura Samoa, là một phụ nữ đến từ Bờ Biển Ngà cho biết:
"Việc cử hành lễ Phục sinh ở đây thật là tuyệt vời. Nó giống như thời xa xưa khi Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện và bạn cảm thấy như thể Chúa vẫn đang hiện diện ở đây. Vì thế, thật là tuyệt vời."
Nishan, là người hành hương từ Đan Mạch cho biết:
"Tôi thực sự cảm thấy rất xúc động khi cùng đi bộ với những người đến từ các phương trời trên thế giới và được nghe lại những câu chuyện về cuộc thương khó Chúa ngay chính tại nơi đã diễn ra những câu chuyện ấy."
7. Đánh đập Giuđa Iscariốt tại Nicaragua
Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Mỹ Châu La Tinh, nét tiêu biểu của ngày thứ Sáu Tuần Thánh là Đàng Thánh Giá ngoài trời.
Tuy nhiên, tại Nicaragua có một hoạt động chắc không có nơi nào trên thế giới có: đó là cảnh trừng phạt Giuđa Iscariốt trên đường phố. Người đóng vai Giuđa Iscariốt bị các trẻ em trói lại và lôi kéo trên đường phố.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là cảnh trừng phạt Giuđa Iscariốt hôm thứ Sáu mùng 3 tháng Tư vừa qua.
Bên cạnh việc trừng phạt Giuđa Iscariốt, cố nhiên Nicaragua cũng có những Đàng Thánh Giá trên đường phố và trên các con thuyền di chuyển trên sông.
8. Những hình ảnh về ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Phi Luật Tân
Bất chấp những lời dỗ dành, thậm chí có thể nói là van xin của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle là Tổng Giám Mục thủ đô Manila, nhiều cảnh đánh tội máu me lênh láng và đóng đinh vào thập giá vẫn diễn ra trong tổng giáo phận của ngài vào Tuần Thánh vừa qua.
Ta hãy nghe những lời giải thích từ phía những anh chị em giáo dân tham dự vào những hành vi thể hiện lòng đạo đức bình dân này.
Joseph Villanueva, một tài xế xe buýt là người đang dùng roi đánh vào lưng mình đến bất máu để đền tội nói:
"Nhiều người trong chúng tôi tin vào hình thức hy sinh hãm mình này. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm bao lâu cơ thể còn chịu đựng nổi những đau đớn. Đây là tấm lòng đạo đức của chúng tôi."
Wilfred Salvador, một người Công Giáo đang thất nghiệp nói: "Khi tôi bị treo trên thập tự giá, tôi nghĩ nhiều về việc Chúa đã chữa lành cho tôi khi tôi bị suy nhược thần kinh."
Ông nói thêm:
"Tôi có một đức tin Công Giáo rất mạnh. Chúa đã tuôn ban muôn ơn lành cho tôi kể từ khi tôi được đóng đinh lần đầu vào năm 2006. Tôi không có một công ăn việc làm nhưng tôi vẫn sống được vì mọi người giúp tôi."
9. Tượng Đức Thánh Cha bằng sáp to bằng người thật được trưng bày tại Paris
Những người tham dự lễ tại Vương Cung Thánh Đường Notre Dame ở Paris đã được dành cho một bất ngờ rất lớn hôm thứ Năm Tuần Thánh vừa qua.
Viện bảo tàng Grevin đã cho trưng bày một tượng Đức Thánh Cha Phanxicô làm bằng sáp, to như người thật và được tạc giống đến mức những người đứng xa tưởng Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ đến thăm họ. Đây là tác phẩm của cô Pooneh Aziminejadi, là một điêu khắc gia người Pháp.
Pooneh Aziminejadi nói:
“"Năng lượng tỏa ra từ tính cách của ngài. Khuôn mặt luôn mỉm cười, rạng rỡ. Ngài thật là tỏa sáng.”
Pooneh Aziminejadi cho biết cô đã dành rất nhiều thời gian cho đôi mắt của Đức Thánh Cha. Cô nói:
“Nếu bạn không nắm bắt được ánh mắt của ngài, bạn thất bại hoàn toàn, ngay cả khi phần còn lại trông rất là thực đi chăng nữa. Nếu bạn không làm sao tái tạo được những gì đang xảy ra trong đôi mắt ngài, bạn không nắm bắt được cái thần của ngài."
Bà Béatrice Cristofari, Giám đốc Bảo tàng Grevin
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự là một nhân vật xuất chúng trong thời đại này. Ngài cởi mở và là người Nam Mỹ đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng. Vì thế, điều quan trọng đối với chúng tôi là có hình ảnh ngài tại Grevin.”