Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chúa Giêsu không bao giờ quên ngày chúng ta gặp Ngài lần đầu tiên; chúng ta nên xin Chúa ban cho “ân sủng của ký ức” để chúng ta luôn nhớ điều này. Đó là hy vọng của Đức Thánh Cha dành cho chúng ta trong bài giảng Thánh Lễ vào sáng thứ Sáu 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta.
Gặp gỡ là phương tiện Chúa Giêsu chọn để thay đổi cuộc sống chúng ta. Một ví dụ điển hình là câu chuyện thánh Phaolô thành Tarsus, kẻ bách hại Kitô giáo đã trở thành một Tông Đồ, khi ông đến thành Đamát. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến câu chuyện này được kể trong bài đọc thứ nhất, và liên hệ với nhiều cuộc gặp gỡ khác đã diễn ra trong Tin Mừng.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Đức Thánh Cha coi là “cuộc gặp gỡ đầu tiên” với Chúa Giêsu một cuộc gặp gỡ “thay đổi cuộc sống” của những ai gặp Ngài: Thánh Gioan và Anrê, là những người ở lại với Thầy suốt đêm; Simon người đã ngay lập tức trở thành “đá tảng” của cộng đồng mới; tiếp theo là người cùi Samaritano, là người đã quay lại tạ ơn Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho ông, và sau đó là người phụ nữ bị băng huyết là người đã được chữa lành khi bà chạm vào chiếc áo dài của Chúa Kitô: những cuộc gặp gỡ này là những cuộc gặp gỡ quyết định mà lẽ ra phải nhắc nhở một Kitô hữu đừng bao giờ quên cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Kitô.
“Ngài không bao giờ quên, nhưng chúng ta quên cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Và đây sẽ là một nhiệm vụ tốt cho anh chị em làm khi về nhà sau thánh lễ này, đó là chúng ta hãy xem xét: “Khi nào thì tôi thực sự cảm thấy Chúa gần gũi với tôi? Khi nào tôi cảm thấy cần phải thay đổi cuộc sống của tôi để trở nên tốt hơn, hay để tha thứ cho một người nào đó? Khi nào tôi cảm thấy Chúa yêu cầu một điều gì đó nơi tôi? Tôi đã gặp gỡ Chúa khi nào? Bởi vì đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đây là nền tảng đức tin của chúng ta: Tôi đã gặp Chúa Giêsu, như Saolô đã gặp”.
Ký ức hàng ngày
Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta nên nhìn vào bên trong chính mình và chân thành hỏi: “Khi nào Chúa nói điều gì đó với con mà đã thay đổi cuộc sống con, hay mời con bước tới trong cuộc sống của con?”
Đây là một lời cầu nguyện đẹp, và tôi khuyên anh chị em nên thực hiện mỗi ngày. Và một khi anh chị em nhớ ra, hãy vui mừng về điều đó, vui mừng về ký ức ấy, vì đó là một ký ức của tình yêu. Một nhiệm vụ khác đẹp hơn là hãy cầm lấy sách Phúc Âm và nhìn vào những câu chuyện trong đó Chúa Giêsu gặp gỡ nhiều người, làm thế nào Ngài đã chọn các tông đồ. .. Có rất nhiều cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu được thuật lại trong đó. Có lẽ một trong số trường hợp đó cũng tương tự như trường hợp của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều tìm thấy trường hợp riêng của mình.
Chúng ta hãy nhớ mối tình đầu
Và chúng ta không nên quên rằng Chúa Kitô có ý định duy trì “mối quan hệ với chúng ta” trong ý nghĩa của một sự ưa thích, mối quan hệ của tình yêu “dành cho bạn và chỉ cho bạn”
Hãy cầu nguyện và xin hồng ân. “Khi nào, Chúa đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên, tình yêu đầu tiên với tôi? để chúng ta có thể không phải nghe lời trách móc Chúa đã đưa ra trong sách Khải Huyền: “Ta có điều này chống lại ngươi, đó là ngươi đã quên tình yêu đầu tiên của ngươi”.
2. Giáo Hội ngày hôm nay là Giáo Hội của các vị tử đạo
Xúc động trước cái chết thương tâm của 28 vị Kitô hữu người Ethiôpia trong đó 12 vị bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chặt đầu và 16 vị bị chúng bắn chết và những trường hợp bách hại đầy thương tâm khác, Đức Thánh Cha đã dành thánh lễ sáng thứ Ba 21 tháng Tư để cầu nguyện cho các ngài. Trong thánh lễ ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội của chúng ta ngày hôm nay là một Giáo Hội của các vị tử đạo.
Khi phân tích bài đọc thứ nhất trong sách Tông Đồ Công Vụ kể lại biến cố thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi bị ném đá cho đến chết, Đức Thánh Cha đã nói về “những anh em chúng ta bị cắt đứt cuống họng trên bãi biển Libya”, về “cậu bé Pakistan bị thiêu sống bởi đám bạn của vì niềm tin Kitô của mình” và “những người di cư đã bị ném từ trên thuyền xuống biển” chỉ vì họ là các Kitô hữu.
Đức Thánh Cha nói:
Các vị tử đạo không cần “bánh nào khác” trừ bánh duy nhất là Chúa Giêsu, và thánh Stêphanô không có nhu cầu để tìm kiếm một thỏa hiệp hay thương lượng với những kẻ đã đưa ngài đến cái chết.
Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng trước chứng tá quyết liệt của thánh Stêphanô những kẻ bắt bớ ngài “đã bịt tai và vội vã nhất tề xông vào ngài”.
Cũng giống như Chúa Giêsu, thánh Stêphanô đã phải đối phó với những lời chứng dối và sự giận dữ của người dân. Thánh Stêphanô nhắc nhở các trưởng lão và các thầy thông luật rằng tổ tiên của họ đã từng bắt bớ các tiên tri khác vì lòng trung tín của các ngài với Lời Chúa, và khi ngài mô tả thị kiến của mình về các tầng trời mở ra “và Con người đứng bên hữu Thiên Chúa” họ không muốn nghe nhưng đã đẩy ngài ra ngoài thành bắt đầu ném đá Ngài.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Lời Chúa luôn bị từ chối bởi một số người. Lời Chúa là bất tiện một khi anh chị em có một con tim bằng đá, một khi anh chị em có một trái tim ngoại giáo, vì Lời Chúa sẽ yêu cầu anh chị em bước tới cố gắng để thỏa mãn cơn đói của anh chị em với bánh mà Chúa Giêsu đã đề cập đến. Trong lịch sử của Mạc Khải nhiều vị tử đạo bị giết chỉ vì lòng trung tín đối với đức tin và lòng trung thành của họ đối với Lời Chúa, là sự thật của Thiên Chúa “.
Đức Giáo Hoàng tiếp tục so sánh sự tử đạo của thánh Stêphanô với cuộc thương khó của Chúa Giêsu với nhận xét rằng cả thánh Stêphanô “cũng đã chết với lòng cao thượng Kitô Giáo là sự tha thứ, và cầu nguyện cho kẻ thù của ngài”.
Và thật mỉa mai rằng những ai bách hại các tiên tri đều tin rằng họ đã làm vì vinh quang Thiên Chúa; họ nghĩ rằng họ đã thực thi đúng giáo huấn của Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Hôm nay tôi muốn nhắc nhớ rằng lịch sử đích thực của Giáo Hội là lịch sử của các thánh và các vị tử đạo. Tôi biết nhiều người đã bị đàn áp và giết hại bởi những kẻ nghĩ rằng họ đang sở hữu ‘sự thật’, là những kẻ mà con tim đã bị băng hoại bởi cái ‘sự thật’ ấy.
“Trong những ngày, có biết bao nhiêu Stêphanô trên thế giới! Chúng ta hãy nghĩ đến những anh em chúng ta bị cắt cổ họng trên bãi biển ở Libya; hãy nghĩ các chàng trai trẻ, những người bị thiêu sống bởi bạn bè của mình chỉ vì là một Kitô hữu; chúng ta hãy nghĩ về những người di cư bị quăng ra khỏi thuyền của họ trong vùng biển rộng bởi những người di cư khác chỉ vì niềm tin Kitô, chúng ta hãy nghĩ đến hai ngày trước đây khi những người Ethiopia bị ám sát chỉ vì họ là các tín hữu Kitô ... và trường hợp của nhiều người khác nữa. Nhiều người trong số họ, chúng ta thậm chí không biết đến và những người đang đau khổ trong các nhà tù vì họ là Kitô hữu ... Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội của các vị tử đạo: họ phải chịu đau khổ, họ thí mạng sống mình và chúng ta nhận được các ơn lành của Thiên Chúa nhờ các chứng tá của họ”.
Đức Giáo Hoàng cũng chỉ ra rằng có rất nhiều “vị tử đạo ẩn danh, đó là những người nam nữ trung thành với tiếng gọi của Chúa Thánh Thần và những người đang tìm kiếm những cách thức mới và những con đường dẫn đưa anh em của mình nên tốt hơn trong tình yêu của Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng họ thường bị nghi ngờ, phỉ báng và bức hại bởi rất nhiều Hội Đồng Công Tọa là những người nghĩ rằng họ là chủ sở hữu của chân lý.
3. Câu chuyện hai ông Phêrô và Gioan bị bắt vì rao giảng Lời Chúa
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tuần trước Như Ý đã thuật lại chyên hai ông Phêrô và Gioan chữa một người bị què từ khi mới sinh. Chúa Giêsu từ trong kẻ chết sống lại đã khai mở một kỷ nguyên mới; một kỷ nguyên mà từ nay, Ngài họat động từ trong và với các tông đồ. Biến cố đầu tiên gây sửng sốt cho những người đã đòi đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Barbara là câu chuyện hai ông Phêrô từ một người nhát đảm chối Chúa ba lần đã hiên ngang cùng với ông Gioan rao giảng Tin Mừng cách công khai trong đền thờ. Bằng chứng đầu tiên ông đưa ra cho người Do Thái là phép lạ chữa cho một người què từ lúc lọt lòng mẹ có thể đi đứng bình thường và chạy nhảy tung tăng.
Trước phép lạ nhãn tiền ấy, đám đông dân chúng đã ùa lại cùng hai ông tại hành lang Sôlômôn.
Phúc Âm thuật tiếp rằng:
Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức GiêSu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.
“Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Phản ứng của những thầy thông luật và các thủ lãnh dân Do Thái ra sao? Phúc Âm cho biết rằng khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức GiêSu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn người.
4. Cần trả lại cho hôn nhân và gia đình chỗ đứng danh dự
Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Kitô hữu được mời gọi dấn thân say mê giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và không chắc chắn.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 22 tháng Tư. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói trong bài giáo lý trước ngài đã suy tư về việc tạo dựng con người theo trình thuật chương thứ nhất sách Sáng Thế khẳng định rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: “theo hình ảnh Ngài Thiên Chúa tạo dựng nên họ; nam nữ Ngài tạo dựng nên họ” (St 1,27). Trong bài giáo lý này ngài muốn suy tư về trình thuật thứ hai trong chương hai sách Sáng Thế. Ở đây sau khi tạo dựng trời và đất, Thiên Chúa “nắn ra con người với bụi đất và thổi sinh khí vào lỗ mũi con người và con người trở thành một sinh linh. Rồi Thiên Chúa đặt con người vào trong một ngôi vườn rất xinh đẹp để con người vun trồng và giữ gìn nó” (St 2, 15).
Ngài nói:
Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh ứng toàn Thánh Kinh, trong một lúc chỉ gợi lên hình ảnh của người nam, không có người nữ. Và Người gợi lên tư tưởng của Thiên Chúa, hầu như là tâm tình của Thiên Chúa là Đấng nhìn con người, quan sát Ađam một mình trong vườn: ông đẹp, đế vương… nhưng cô đơn. Và Thiên Chúa thấy rằng điều này không tốt: nó như là một sự thiếu thốn hiệp thông, một sự thiếu thốn cái tràn đầy. “Thiên Chúa nói: Không tốt và thêm: “Ta muốn làm cho con một sự trợ giúp tương xứng với con” (St 2,18).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Khi đó Thiên Chúa giới thiệu với con người mọi thú vật: con người cho mỗi thú vật một tên – và đây là một hình ảnh khác của quyền làm chủ của con người trên thụ tạo – nhưng con người không tìm thấy nơi bất cứ thú vật nào người khác giống nó. Sau cùng khi Thiên Chúa giới thiệu người nữ, người nam vui sướng nhận ra rằng thụ tạo đó và chỉ có nàng thôi, là phần của mình “xương từ xương tôi, thịt từ thịt tôi” (St 2,23). Sau cùng có một sự phản chiếu, một sự hỗ tương. Và khi một người – đây là một thí dụ giúp hiểu điều này – khi một người muốn giơ tay ra cho một người khác, thì phải có người khác trước mặt: nếu một người giơ tay ra và không có gì, không có ai, thì bàn tay ở đó, vì thiếu sự hỗ tương. Con người cũng thế, nó thiếu cái gì đó để đi tới sự toàn vẹn, nó thiếu sự hỗ tương. Và Đức Thánh Cha định nghĩa người nữ như sau:
.Người nữ không phải là một “lập lại” của người nam; nhưng đến trực tiếp từ cử chỉ tạo dựng của Thiên Chúa. Thật ra hình ảnh “chiếc xương sườn” không diễn tả sự thấp kém hay sự lệ thuộc, nhưng trái lại, nó diễn tả rằng người nam và người nữ có cùng bản thể và bổ túc cho nhau. Họ cũng có sự hỗ tương này. Và sự kiện đó là – luôn luôn trong dụ ngôn – Thiên Chúa nắn ra người nữ trong khi người nam ngủ, nó nhấn mạnh rằng người nữ không phải là một thụ tạo của con người, nhưng là của Thiên Chúa. Nó cũng gợi lên một điều khác: để tìm người nữ và chúng ta có thể nói rằng để tìm thấy tình yêu nơi người nữ, để tìm ra người nữ, người nam phải mơ nàng trước và rồi tìm ra nàng.
Sự tin tưởng của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ, mà Ngài giao phó trái đất cho họ, thật quảng đại, trực tiếp và trọn vẹn. Nhưng này đây kẻ dữ đưa vào trong tâm trí họ sự nghi ngờ, không tin và mất tin tưởng. Và sau cùng nó đi tới chỗ bất phục tùng lệnh truyền che chở họ. Họ rơi vào trong sự mê sảng của sự toàn năng làm ô nhiễm mọi sự và phá hủy sư hài hòa. Tất cả chúng ta nữa đã cảm thấy trong chính mình điều này biết bao lần. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm biến cố phạm tội của con người như sau:
Tội lỗi làm nảy sinh ra sự nghi ngờ và chia rẽ giữa người nam và người nữ. Tương quan của họ sẽ bị giăng bẫy bởi hàng ngàn hình thức thực hiện sai trái chức vụ và bắt phục tùng, rủ rê lừa dối và chuyên quyền hạ nhục nhau cho tới các hình thức thê thảm và bạo lực nhất. Lịch sử mang đầy các dấu vết của chúng. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới các thái qúa tiêu cực của các nền văn hóa theo chế độ phụ hệ. Chúng ta hãy nghĩ tới nhiều hình thức đề cao nam giới, trong đó nữ giới bị coi như hạng hai. Chúng ta hãy nghĩ tới việc lèo lái và buôn bán thân xác nữ giới trong nền văn hóa truyền thông ngày nay. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới nạn dịch mớí đây liên quan tới sự mất tin tưởng, chủ thuyết nghi ngờ, và cả thù nghịch đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta – đặc biệt bắt đầu một thái độ nghi ngờ có thể hiểu được của các chị em phụ nữ - đối với một khế ước giữa ngưòi nam và người nữ có khả năng tinh luyện sự hiệp thông thân tình và giữ gìn phẩm giá của sự khác biệt.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Nếu chúng ta không tìm ra một phản ứng của sự thiện cảm đối với giao ước này, có khả năng che chở các thế hệ mới khỏi sự mất tin tưởng và sự thờ ơ, thì con cháu chúng ta sẽ chào đời ngày càng bị mất gốc ngay từ trong lòng mẹ. Sự kiện xã hội không đánh giá cao khế ước ổn định và truyền sinh của người nam và người nữ chắc chắn là một mất mát lớn đối với tất cả mọi người. Chúng ta phải đưa hôn nhân và gia đình trở về chỗ danh dự của chúng. Và Thánh Kinh nói một điều hay đẹp: người nam tìm thấy người nữ. họ gặp gỡ nhau, và người nam phải bỏ điều gì đó để tìm thấy người nữ một cách trọn vẹn. Và vì thế người nam bỏ cha mẹ mình để đến với người nữ. Thật là đẹp! Điều này có nghĩa là bắt đầu một lộ trình. Người nam là tất cả cho người nữ và người nữ là tất cả cho người nam.
Như thế, việc giữ gìn giao ước này của người nam và người nữ, cả khi họ có là những người tội lỗi và bị thương tích, lẫn lộn và bị hạ nhục, mất tin tưởng và bị thương đi nữa, đối với tất cả chúng ta là một ơn gọi dấn thân say mê trong điều kiện ngày nay. Chính trình thuật về việc tạo dựng và tội lỗi, vào đoạn cuối của nó, trao ban cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp: “Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ mình các áo quần bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Đó là một hình ảnh sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng tội lỗi khiến cho chúng ta ngạc nhiên há miệng. Đó là một hình ảnh của sự giữ gìn hiền phụ đối với cặp vợ chồng. Chính Thiên Chúa lo lắng và che chở kỳ công của Ngài.
5. Hãy tránh cám dỗ lợi dụng đức tin cho những nhu cầu trần thế
Cầu xin cho chứng tá của các vị tử đạo giúp chúng ta tránh được cám dỗ lợi dụng đức tin cho những nhu cầu trần thế. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Hai 20 tháng Tư tại tại nhà nguyện Santa Marta khi trình bày những suy tư trên câu chuyện đám đông dân chúng tìm kiếm Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng đám đông đến tìm Chúa Giêsu, không xuất phát từ một cảm thức tôn giáo ngưỡng mộ và tôn thờ, nhưng là vì những lợi ích vật chất riêng của họ. Đức Thánh Cha cảnh giác rằng một khi chúng ta tận dụng lợi thế của đức tin và bị cám dỗ bởi quyền lực, chúng ta có nguy cơ không hiểu được sứ mệnh thực sự của Chúa chúng ta.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Chúng ta thấy thái độ này lặp đi lặp lại trong các sách Phúc Âm, nơi rất nhiều người theo Chúa Giêsu vì những lợi ích riêng của họ. Ngay cả nơi chính các môn đệ Ngài như những người con trai của ông Dêbêđê, những người muốn được làm “Thủ tướng và bộ trưởng tài chính”. Họ muốn có quyền lực. Thay vì đem Tin Mừng cho người nghèo rằng Chúa Giêsu đã đến để giải thoát các tù nhân, cho người mù được thấy và trả lại tự do cho người bị áp bức, chúng ta bị cám dỗ để chuyển thông điệp chữa lành này thành công cụ của quyền lực và lợi dụng cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chính Chúa Giêsu cũng đã từng bị ma quỷ cám dỗ. Thứ nhất bằng cách mang đến lương thực cho Ngài ăn, thứ hai bằng cách đưa ra một chương trình tuyệt vời trong đó mọi người sẽ tin vào Ngài và thứ ba bằng cách thúc giục Ngài phải tôn thờ các ngẫu tượng khác. Đây là cám dỗ hàng ngày của Kitô hữu chúng ta: đó là không tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhưng để mình bị cám dỗ bởi quyền lực thế gian.
Hậu quả là chúng ta đang ngày càng bị thu hút bởi những đường lối của thế gian để đi đến một thái độ mà Chúa Giêsu gọi là đạo đức giả. Chúng ta trở nên Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng trong trái tim của chúng ta, chúng ta hành động theo lợi ích riêng của mình, làm suy yếu đức tin của chúng ta, sứ mệnh của chúng ta và chính Giáo Hội. Chúa Giêsu đã từng chê trách đám đông “các ngươi tìm kiếm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu chỉ nhưng vì các ngươi đã được ăn uống no nê.”
Để kết luận, Đức Thánh Cha xin các thánh và các vị tử đạo, thức tỉnh chúng ta với những chứng tá của các ngài là theo đuổi con đường của Chúa Giêsu và công bố năm hồng ân. Khi đám đông tại Capernaum hiểu lời quở trách của Chúa Giêsu, họ hỏi Ngài “Chúng tôi có thể làm gì để thực hiện các công trình của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu trả lời: “Đây là kỳ công của Thiên Chúa, các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến.” Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đừng rơi vào tinh thần thế gian này là điều sẽ dẫn chúng ta đến lối sống của người ngoại đạo dưới chiêu bài Kitô giáo, nhưng trái lại hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và Đấng mà Ngài đã gởi đến cho chúng ta.