Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ký ức và phục vụ

Kitô hữu không sống trơ trọi một mình nhưng giữa lòng một dân tộc và trong một lịch sử trần thế cụ thể, do đó, họ được mời gọi phục vụ những người khác. “Ký ức và phục vụ” là hai điều then chốt trong bài chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào sáng Thứ Năm, ngày 30 tháng 4, trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta. Lịch sử, và qua đó là ký ức về nó, cùng với sự phục vụ là “hai đặc điểm của căn tính Kitô giáo” được mô tả trong các bài đọc trong ngày.

Bài đọc từ sách Tông Đồ Công Vụ (13: 13-25) đề cập đến Thánh Phaolô, là người đã đến thành Antiôkia và “như thường lệ đã vào một hội đường nhân ngày Sa-bát.” Ở đó, “ông được mời nói chuyện.” Điều này, trên thực tế, là “một phong tục của người Do Thái vào thời đó” khi khách đến. Thánh Phaolô tiến lên bục giảng và “bắt đầu rao giảng về Chúa Giêsu Kitô.” Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, “ông Phaolô đã không nói: 'tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế; Đấng đã đến từ trời cao; Thiên Chúa đã sai Ngài đến; Ngài đã cứu độ tất cả chúng ta và ban cho chúng ta mặc khải này'. Không, không, không”. Để giải thích Chúa Giêsu là ai, vị Tông Đồ “bắt đầu lược lại toàn bộ lịch sử của dân tộc”. Kinh Thánh viết: “Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói: Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.” (CV 13: 16-17). Như thế, bắt đầu từ tổ phụ Abraham, Thánh Phaolô “đã kể lại toàn bộ lịch sử”.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng điều này không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên. Điều tương tự cũng đã được thực hiện bởi “thánh Phêrô trong bài giảng của mình, sau lễ Ngũ Tuần” và bởi “ông Têphanô trước Thượng Hội Đồng.” Nói cách khác, họ “không công bố Chúa Giêsu mà không có một lịch sử”, nhưng “công bố Chúa Giêsu trong lịch sử của một dân tộc đã được Chúa vạch ra một cuộc hành trình trong nhiều thế kỷ để trưởng thành, trong sự viên mãn của thời gian, như Thánh Phaolô nói.” Những gì Thánh Phaolô nói cũng phải được hiểu là “Khi đến thời viên mãn, Đấng Cứu Thế đến, và dân tộc sẽ tiếp tục cuộc hành trình vì Đấng Cứu Thế sẽ trở lại”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta thấy ở đây một trong những đặc điểm của căn tính Kitô: Kitô hữu là những người nam nữ trong lịch sử hiểu biết rằng câu chuyện không bắt đầu và kết thúc với tôi, nhưng tất cả đã được bắt đầu khi Chúa bước vào lịch sử nhân loại.

Để minh chứng điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại bài Thánh Vịnh rất đẹp được đọc vào lúc bắt đầu Thánh lễ:

“Lạy Thiên Chúa,

thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận,

thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang vu,

đất đã chuyển rung, trời cũng tan chảy. Alleluia”.

Như thế, “Kitô hữu là những người nam nữ của lịch sử, họ không trơ trọi một mình nhưng bao gồm trong một dân tộc đang trên đường lữ hành”. Đây là lý do tại sao không thể có khái niệm “sự ích kỷ Kitô giáo”. Không thể có một Kitô hữu hoàn hảo với một tinh thần như là được sản xuất ra từ các nhà máy, nhưng thay vào đó, Kitô hữu là những người nam nữ sống giữa lòng một dân tộc, có một lịch sử lâu dài và đang tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi Chúa lại đến” .

Điểm qua một vài sự kiện nổi bật trong lịch sử vẫn đang tiếp diễn, Đức Thánh Cha nói thêm rằng nếu chúng ta chấp nhận “chúng ta là những người nam nữ của lịch sử”, chúng ta cũng nhận ra một “lịch sử của ân sủng Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã đi trước dân Ngài, mở đường cho họ, và sống giữa họ.” Nhưng đó cũng là một “lịch sử của tội lỗi với cơ man những tội nhân, và tội ác”. Điều này cũng có thể được nhìn thấy trong đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, như khi Thánh Phaolô đề cập đến vua Đavít, một vị thánh, nhưng trước khi ông trở thành một vị thánh, ông đã phạm những tội tày trời. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh thêm là điều này cũng đúng ngay cả ngày hôm nay vì lịch sử cá nhân của mỗi người chúng ta đều cho thấy những tội lỗi của mình và ân sủng của Thiên Chúa là Đấng ở cùng chúng ta. Thiên Chúa trong thực tế đồng hành với chúng ta trong tội lỗi để tha thứ cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta để ban phát ân sủng cho chúng ta.

Vì vậy, ký ức là một thực tại rất cụ thể xuyên suốt nhiều thế kỷ: chúng ta không phải là những người không có gốc rễ. Chúng ta có gốc rễ rất sâu từ tổ phụ Abraham đến ngày hôm nay mà chúng ta không bao giờ được quên.

Để hiểu rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta được liên kết vững chắc với một dân tộc đã lữ hành qua nhiều thế kỷ, nghĩa là chúng ta phải hiểu một đặc tính Kitô thứ hai, đó là “điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng, đó là sự phục vụ”. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan của ngày Thứ Năm trong tuần thứ Tư của lễ Phục Sinh đã lặp lại những gì chúng ta vẫn thường nghe trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Hãy làm cho người khác như Thầy đã làm cho anh em. Như Thầy đã đến với anh em như một người tôi tớ, anh em phải là đầy tớ của nhau, hãy phục vụ”.

Đức Thánh Cha nhận xét, “Căn tính Kitô giáo phải là phục vụ, chứ không phải là ích kỷ.” Mặc dù, người ta có thể phản bác: “Nhưng thưa Cha, tất cả chúng ta đều ích kỷ”, nhưng điều này “là một tội lỗi, là một thái độ chúng ta phải xa lánh”. Chúng ta phải “xin tha thứ, xin Chúa hoán cải chúng ta”. Là Kitô hữu “không chỉ có cái vỏ bề ngoài, cũng chẳng phải là một thực hành xã hội, đó không phải là một thứ trang điểm cho linh hồn để linh hồn có thể xinh đẹp hơn một chút.” Là Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng nói một cách dứt khoát rằng đó “là làm những gì Chúa Giêsu đã làm: tức là phục vụ. Ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” .

Để kết luận, Đức Thánh Cha đưa ra một vài gợi ý cho mỗi người chúng ta thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết, “hãy suy nghĩ về hai điều này: Tôi có một cảm thức lịch sử không? Tôi có cảm thấy mình thuộc về một dân tộc đã lữ hành từ xa xưa không?”. Có thể là hữu ích khi chúng ta “cầm lấy Kinh Thánh, và đọc Chương 26 sách Đệ Nhị Luật” Ở đó, chúng ta sẽ gặp thấy “ký ức, ký ức của người công chính” và “Chúa muốn chúng ta phải là người có ký ức biết ngần nào” - nói cách khác, chúng ta phải ghi nhớ “con đường dân tộc đã trải qua.”

Sau đó, thật là tốt để xem xét “trong trái tim tôi, tôi coi trọng điều gì hơn? Tôi muốn cho người khác phục dịch tôi, tôi muốn sử dụng những người khác, cộng đồng, giáo xứ, gia đình tôi, bạn bè của tôi, hay tôi phục vụ cho họ? tôi có là một người đầy tớ hay không?

Như thế, với hai thái độ Kitô giáo “ký ức và phục vụ” chúng ta cùng hiệp nhau trong việc cử hành Thánh Thể, “mà thực sự là ký ức về sự phục vụ của Chúa Giêsu; về sự phục vụ lớn lao Ngài đã trao ban cho chúng ta là hiến mạng sống Ngài cho chúng ta”

2. Lời cầu nguyện khiêm nhường là bí quyết giúp ta phân định

Trong thánh lễ sáng Thứ Ba 28 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã tập trung vào cuộc lữ hành trần thế của Giáo Hội trong lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Trình bày những suy tư của ngài về việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, được thuật lại trong sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Giáo Hoàng chỉ ra sự cần thiết phải có lòng can đảm Tông Đồ. Lòng can đảm ấy là cần thiết đặc biệt ngày hôm nay để tránh cho đời sống Kitô chỉ còn là một “bảo tàng của ký ức”. Đức Thánh Cha nhận xét là có biết bao các Kitô hữu sống vào thời điểm các sự kiện được thuật lại trong sách Tông Đồ Công Vụ đã ngỡ ngàng khi thấy Phúc Âm được rao giảng cho cả những người không phải là Do Thái, mặc dù, bài đọc trong ngày tường thuật cho chúng ta là ông Barnabas lúc đó đang ở thành Antiôkia đã hạnh phúc dường nào khi thấy điều đó và hiểu ngay sự hoán cải dân ngoại là công việc của Thiên Chúa.

Đừng sợ Thiên Chúa của những bất ngờ

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý cộng đoàn rằng việc rao giảng ơn cứu độ cho tất cả các dân nước thực ra đã được tiên đoán trong chương 60 sách tiên tri Isaia, mặc dù nhiều người đã không hiểu được câu này:

“Họ không hiểu. Họ không hiểu rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả những điều mới mẻ: Chúa đã phán cùng chúng ta ‘Ta làm tất cả mọi thứ nên mới’. Ngài dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần đã đến vì lý do này, nghĩa là để làm mới mọi sự, và Ngài và tiếp tục công việc canh tân này. Điều này làm cho một số người sợ hãi. Trong lịch sử Giáo Hội, từ thời các Thánh Tông Đồ cho đến nay, bao nhiêu người đã sợ hãi khi đối mặt với những bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Ngài là Thiên Chúa của những sự bất ngờ.”

Bàn về thái độ đúng đắn của chúng ta và cách thức giúp chúng ta phân định những điều mới lạ, xem điều nào xuất phát từ Thiên Chúa, và điều nào không phải từ ngài, Đức Thánh Cha đã lấy trường hợp của hai Tông Đồ Barnabas và Phêrô làm ví dụ. Đức Thánh Cha nói rằng cả hai vị đều đầy tràn Chúa Thánh Thần.

“Nơi cả hai vị, chúng ta ta thấy rằng chính Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta nhìn thấy sự thật: dựa vào chúng ta mà thôi thì đơn giản là không thể; với trí khôn của chúng ta, chúng ta không thể. Chúng ta có thể học toàn bộ lịch sử ơn cứu độ, chúng ta có thể học toàn bộ Thần học, nhưng nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta vẫn không thể hiểu được. Chính Chúa làm cho chúng ta nhận biết sự thật; hay - theo lời của Chúa chúng ta - chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận biết ra tiếng nói của Chúa. Chúa Giêsu, Đấng là Mục Tử tốt lành, đã phán ‘Chiên ta thì nghe tiếng ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.’”

Giáo Hội di chuyển về phía trước với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng “Sự tiến bộ của Giáo Hội là công trình của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài khiến chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa.” Và ngài đặt câu hỏi “Làm sao tôi có thể chắc chắn rằng tiếng tôi đang nghe đây là tiếng nói của Chúa Giêsu, làm sao tôi biết những gì tôi cảm thấy mình phải làm được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần?”. Đức Thánh Cha đáp: “Câu trả lời là bằng cách cầu nguyện”. Ngài giải thích như sau:

“Nếu không có lời cầu nguyện, thì chúng ta không có chỗ cho Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này: ‘Lạy Chúa, xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa để chúng con luôn luôn có thể phân định được những gì chúng con phải làm,’ trước những vẫn đề đa dạng và khác biệt. Thông điệp dọc dài lịch sử Giáo Hội luôn luôn là thế này: Giáo Hội tiến bước, Giáo Hội đi về phía trước với những bất ngờ, với những thay đổi của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải biết phân định, và để phân định thì phải cầu nguyện, chúng ta phải xin ân sủng này. Barnabas được đầy tràn Chúa Thánh Thần và ông nhận ra ngay. Thánh Phêrô đã nhận ra và nói, ‘Nhưng tôi là ai mà phủ nhận Phép Rửa ở đây?’ Chúa Thánh Thần không dẫn dắt chúng ta đến chỗ lầm lạc đâu. Nhưng, thưa cha, làm sao cứ làm mọi sự rối tung lên như thế? Sao không để chúng ta làm mọi thứ theo cách chúng ta vẫn làm, là cách mà chúng ta cảm thấy an toàn hơn ...”

Đời sống Kitô hữu không phải là một viện bảo tàng của ký ức

Theo Đức Thánh Cha, não trạng “chúng ta làm mọi thứ theo cách chúng ta vẫn làm” bởi vì “đó là cách chúng ta vẫn làm” là một thái độ chết. Ngài khuyến khích các tín hữu, “Hãy chấp nhận rủi ro, với lời cầu nguyện, và sau đó, với sự khiêm tốn để chấp nhận những gì Chúa Thánh Thần đòi hỏi chúng ta phải thay đổi.” Đó mới là con đường.

“Chúa đã nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta ăn thịt Ngài và uống máu Ngài, chúng ta sẽ có sự sống. Bây giờ chúng ta tiếp tục cử hành thánh lễ này, với những lời sau: ‘Lạy Chúa, Chúa là Đấng đang hiện diện ở đây với chúng con trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa là Đấng sẽ ở với chúng con, xin ban cho chúng con ân sủng của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con ơn đừng sợ với sự vững tin khi Chúa Thánh Thần nói với chúng con hãy bước về phía trước.’ Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin cho có sự can đảm này, sự can đảm tông đồ này để mang lại sức sống cho đời sống Kitô của chúng ta và đừng để đời sống ấy thành một viện bảo tàng của ký ức.”

3. Câu chuyện ông Phêrô và ông Gioan ra trước Thượng Hội Đồng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tiếp tục loạt bài nói về sự thay đổi của ông Phêrô và ông Gioan sau cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, La Vy xin thuật tiếp câu chuyện ông Phêrô và ông Gioan ra trước Thượng Hội Đồng.

Khi hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.

Phúc Âm thuật tiếp rằng:

Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem. Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi: “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?” Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa.Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Kitô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”

Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, vì biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. Họ nói: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa.”

Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra. Thật vậy, người được phép lạ ấy chữa lành đã ngoài bốn mươi tuổi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài thương khó, chúng ta đã được nghe về một Phêrô chối Thầy đến 3 lần trước khi gà gáy. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta lại thấy Phêrô đứng vững trước Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Sau khi Phêrô chối Thầy, lẽ ra Chúa Giêsu có thể xóa sổ ông vì tội yếu đuối, hèn nhát. Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Mặc dù Phêrô có lỗi, nhưng Chúa Giêsu biết nơi ông cũng còn một phương diện khác, tốt hơn. Mạnh mẽ và yếu đuối cùng tồn tại trong cùng một con người. Chúa Giêsu khuyến khích Phêrô tiến lên. Ngài muốn ông bày tỏ công khai lòng yêu mến của ông đối với Ngài, bởi vì trước đó ông đã công khai chối Ngài.

Chắc chắn rằng Thánh Phêrô không bao giờ quên tội đã chối Thầy. Nhưng từ lần sa ngã ấy Phêrô đã học được một bài học lớn. Ông đã biết rằng ông không mạnh mẽ như ông nghĩ. Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình thì là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng. Câu chuyện của Thánh Phêrô thật là một an ủi lớn cho chúng ta.

4. Tình yêu hôn nhân là công trình tuyệt diệu dành cho xã hội

Tuyệt tác công trình sáng tạo của Thiên Chúa là con người. Sự kiện người nam và người nữ yêu thương nhau trong hôn nhân khiến cho gia đình là tuyệt tác của xã hội. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình, nhưng khi lấy nhau trong Chúa, họ được biến đổi thành dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội.Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 29 tháng Tư.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói sau khi duyệt xét hai văn bản sách Sáng Thế liên quan tới chương trình ban đầu của Thiên Chúa đối với cặp vợ chồng giờ đây chúng ta trực tiếp hướng tới Chúa Giêsu. Ở phần đầu Phúc Âm của người thánh sử Gioan kể lại câu chuyện đám cưới làng Cana, trong đó có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-11). Đức Thánh Cha giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tiệc cưới tại làng Cana như sau:

Chúa Giêsu không chỉ tham dự đám cưới đó, nhưng “cứu vãn buổi lễ” với phép lạ hóa nước thành rượu. Như thế, một trong các dấu lạ đầu tiên, qua đó Chúa Giêsu vén mở vinh quang của mình, Người đã làm trong bối cảnh của một hôn nhân, và đó đã là một cử chỉ thiện cảm lớn đối với gia đình đang nảy sinh, nhờ sự can thiệp sốt sắng ân cần hiền mẫu của Mẹ Maria. Và điều này khiến chúng ta nhớ tới sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa kết thúc công trình sáng tạo và làm ra tuyệt tác của Người, tuyệt tác người nam và người nữ. Và chính ở đây Chúa Giêsu bắt đầu các phép lạ của Người với tuyệt tác này, trong một hôn nhân, trong một lễ cưới: một người nam và một người nữ. Như thế Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết rằng tuyệt tác của xã hội là gia đình: người nam và người nữ yêu thương nhau. Đó là tuyệt tác!

Từ thời đám cưới tại làng Cana, biết bao nhiêu điều đã thay đổi, nhưng “dấu chỉ” ấy của Chúa Kitô chứa đựng một sứ điệp luôn luôn có giá trị. Ngày nay khó mà nói tới hôn nhân như là một ngày lễ, được canh tân trong thời gian trong các mùa khác nhau của toàn cuộc sống của các đôi vợ chồng. Có một sự kiện đó là càng ngày người ta càng ít lấy nhau. Đây là một sự kiện: người trẻ không muốn lấy nhau. Trong nhiều quốc gia trái lại, số ly thân gia tăng trong khi số sinh giảm sút. Sự khó khăn sống với nhau như là vợ chồng, như là gia đình đưa tới chỗ bẻ gẫy các mối dây ngày càng thường xuyên và mau chóng hơn, và chính con cái là những người đầu tiên phải gánh chịu các hậu quả của nó. Chúng ta hãy nghĩ rằng các nạn nhân đầu tiên, các nạn nhân quan trọng nhất, các nạn nhân đau khổ nhất trong một cuộc ly thân là con cái.

Nếu ngay từ khi còn bé người ta sống kinh nghiệm hôn nhân là một mối dây “ràng buộc một thời gian” xác định, thì trong tiềm thức nó sẽ là như thế đối với bạn. Thật thế, nhiều người trẻ bị dẫn đưa tới chỗ khước từ chính dự án của một mối dây cột buộc không thể hủy bỏ và một gia đình lâu bền. Tôi tin rằng chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về lý do tại sao biết bao nhiêu người trẻ không cảm thấy phải lấy nhau. Có một nền văn hóa tạm bợ… tất cả là tạm thời, xem ra không có cái gì là vĩnh viễn cả.

Người trẻ không muốn lấy nhau: đây là một trong các lo âu nổi bật ngày nay: tại sao người trẻ không lập gia đình? Tại sao họ thường thích việc sống chung và biết bao lần “có trách nhiệm hạn chế”? Tại sao cả các tín hữu đã được rửa tội, ít tin tưởng nơi hôn nhân và gia đình? Thật là quan trọng tìm hiểu điều này, nếu chúng ta muốn rằng giới trẻ có thể tìm ra con đường đúng đắn để đi theo. Tại sao họ không tin tưởng nơi gia đình?

Các khó khăn không có tính cách kinh tế, mặc dù chúng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng sự thay đổi xảy ra trong các thập niên qua là do sự thoát ly của nữ giới gây ra. Nhưng lý do này cũng không có giá trị. Đó là một hình thức duy nam giới. Nhưng mà điều này cũng là một bất công. Không, không đúng như vậy! Nó là một hình thức của khuynh hướng duy nam giới, luôn muốn thống trị phụ nữ. Chúng ta xấu mặt như Ađam đã xấu mặt, khi Thiên Chúa hỏi: “Mà tại sao con lại ăn trái ấy?”, và ông trả lời: “Bà ấy đã đưa cho con”. Và lỗi là của đàn bà. Tội nghiệp đàn bà chưa! Chúng ta phải bệnh vực phụ nữ chứ!

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Thật ra hầu như mọi người nam và người nữ đều muốn có một sự an ninh tình yêu ổn định, một hôn nhân vững chắc và một gia đình hạnh phúc. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Gia đình đứng hàng đầu tất cả các dấu chỉ ưa thích của người trẻ, nhưng vì sợ sai lầm, nhiều người cũng không muốn nghĩ tới nó. Tuy là các tín hữu kitô họ không nghĩ tới hôn nhân bí tích, dấu chỉ duy nhất và không lập lại được của giao ước, trở thành chứng tá đức tin. Có lẽ sự sợ hãi thất bại này là chướng ngại lớn lao nhất đối với việc tiếp nhận lời Chúa Kitô hứa ban ơn thánh của Người cho sự kết hiệp hôn nhân và gia đình.

Chứng tá thuyết phục nhất của việc làm phép hôn nhân kitô là cuộc sống tốt lành của các cặp vợ chồng kitô và gia đình. Không có cách thức nào tốt hơn để nói lên vẻ đẹp của bí tích. Hôn nhân được Thiên Chúa thánh hiến giữ gìn mối dây ràng buộc đó giữa người nam và người nữ mà Thiên Chúa đã chúc lành ngay từ khi tạo dựng thế giới. Nó là suối nguồn của bình an và thiện ích cho toàn cuộc sống hôn nhân và gia đình. Thí dụ vào các thời gian đầu của Kitô giáo, phẩm giá lớn lao này của mối dây nối kết người nam và người nữ đã đánh bại một lạm dụng hồi đó được coi như bình thường, hay quyền của các người chồng rẫy vợ, kể cả với các lý do viện cớ và hạ nhục nhất. Phúc Âm của gia đình, Phúc Âm loan báo chính bí tích này đã đánh bại nền văn hóa quen rẫy vợ ấy.

Hạt giống kitô của sự bình đẳng giữa chồng vợ ngày nay phải đem lại các hoa trái mới. Chứng tá phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ thuyết phục chính nhờ con đường này, con đường của chứng tá lôi cuốn, con đường của sự tương giao giữa họ, của sự bổ túc giữa họ.

Vì thế, như là kitô hữu chúng ta phải đòi hỏi hơn đối với điều đó. Chẳng hạn như cương quyết nâng đỡ quyền thù lao bình đẳng đối với công việc làm như nhau. Tại sao người ta lại coi là chuyện đương nhiên sự kiện chị em phụ nữ bị trả lương ít hơn nam giới? Không! Phải cùng quyền lợi như nhau. Sự bất bình đẳng là một gương mù gương xấu! Đồng thời phải nhìn nhận chức làm mẹ của nữ giới và chức cha của nam giới, nhất là vì lợi ích của con cái. Cũng thế, nhân đức hiếu khách của các gia đình kitô ngày nay có tầm quan trọng định đoạt, đặc biệt trong các hoàn cảnh nghèo túng, tồi tệ và bạo lực gia đình.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta không được sợ hãi mời Chúa Giêsu đến dự lễ cưới. Và chúng ta đừng sợ mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta, để Người ở với chúng ta và giữ gìn gia đình chúng ta. Và hãy mời cả Mẹ Maria Mẹ Người nữa! Khi lấy nhau trong Chúa, các kitô hữu được biến đổi thành một dấu chỉ hữu hiệu tình yêu của Thiên Chúa. Kitô hữu không lập gia đình cho chính mình nhưng lấy nhau trong Chúa và sinh lợi cho toàn cộng đoàn, cho toàn xã hội. Vẻ đẹp này của hôn nhân chúng ta sẽ đề cập đến trong lần tới.

5. Hãy ở lại trong Chúa

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 3 tháng 5 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy ở lại trong Chúa Giêsu để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 5 mùa Phục Sinh về những lời dặn dò của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhắn nhủ họ hãy ở lại trong Người để có thể sinh nhiều hoa trái.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong lúc Ngài biết rằng cái chết đã gần kề. “giờ” của Ngài đã đến. Ngài ở với các môn đệ lần chót, và vì thế Chúa muốn ghi tạc vào tâm trí họ một chân lý cơ bản: đó là cả khi Ngài không còn hiện diện thể lý giữa họ, họ vẫn có thể kết hiệp với Ngài một cách mới mẻ, và nhờ đó mang lại nhiều hoa trái. Và tất cả chúng ta có thể kết hiệp với Chúa một cách mới mẻ. Nếu một người đánh mất sự hiệp thông ấy với Chúa, thì sẽ trở nên son sẻ, và gây hại cho cộng đoàn nữa. Đâu là cách thế mới mẻ ấy? Để diễn tả thực tại ấy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gốc nho và các ngành: “Cũng như ngành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với gốc nho, các con cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là gốc nho và các con là ngành” (Ga 15,4-5). Với hình ảnh đó, Chúa dạy chúng ta cách ở lại trong Ngài, kết hiệp với Ngài, mặc dù Chúa không hiện diện thể lý.

“Chúa Giêsu là gốc nho, và qua Ngài, như nhựa sống của cây, được chuyển đến các ngành tình thương của chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh. Và chúng ta là ngành, và qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta hiểu tầm quan trọng của sự kết hiệp với Ngài. Các ngành cây không độc lập nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào gốc nho, trong đó có nguồn sống. Cũng thế đối với các tín hữu Kitô chúng ta. Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ phép rửa, chúng ta nhận được từ nơi Chúa một cách nhưng không hồng ân sự sống mới; và chúng ta được ở trong tình hiệp thông sinh tử với Chúa Kitô. Cần phải trung thành với phép Rửa, và tăng trưởng trong tình bạn với Chúa nhờ kinh nguyện, kinh nguyện hằng ngày, lắng nghe và ngoan ngoãn vâng Lời Chúa, đọc Tin Mừng, tham gia các bí tích, nhất là phép Thánh Thể và Hòa Giải.

“Nếu một người kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì được hưởng những ơn của Chúa Thánh Linh, như thánh Phaolô đã nói, những ơn này là “tình thương, vui mừng, hòa bình, quảng đại, hiền lành, từ nhân, trung thành, dịu hiền, tự chủ” (Gl 5,22); đó là những ơn được ban cho chúng ta, nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu và vì vậy một người kết hiệp như thế với Chúa thì mưu ích nhiều cho tha nhân và xã hội, đó là một Kitô hữu chân thực. Thực vậy, qua những thái độ ấy người ta biết đó là một Kitô hữu đích thực, cũng như qua hoa trái người ta biết được cây thế nào. Hoa trái của sự kết hiệp sâu đậm với Chúa Giêsu thật là tuyệt vời; toàn thể con người chúng ta được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Linh: linh hồn, trí tuệ, ý chí, tình cảm, và cả thân thể nữa, vì tinh thần và thân xác chúng ta là một. Chúng ta nhận được một cách sống mới, sự sống của Chúa Kitô trở nên cuộc sống chúng ta: chúng ta có thể nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, nhìn thế giới và sự vật với đôi mắt của Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta có thể yêu thương anh chị em chúng ta, như Chúa đã làm, đã yêu mến họ, bắt đầu từ những người nghèo khổ nhất, với con tim của Chúa, và nhờ đó mang vào thế giới những hoa trài của lòng từ nhân, bác ái và hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Mỗi người chúng ta là một ngành của một gốc nho duy nhất; và tất cả chúng ta đều được kêu gọi sinh hoa trái của sự cùng thuộc về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Chúng ta hãy phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta có thể là những cành cây sống động trong Giáo Hội, và làm chứng về đức tin của chúng ta bằng cuộc sống hợp với niềm tin ấy, với ý thức rằng tùy theo ơn gọi đặc thù, tất cả chúng ta đều tham dự vào sứ mạng cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.