Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22 tháng Năm vừa qua 1,201,607 phiếu trong tổng số 1,949,725 phiếu bầu, tức là 62.07% đã đồng ý sửa đổi hiến pháp công nhận “hôn nhân đồng tính”. Biến cố này đang tác động mạnh đến Úc Đại Lợi với một trào lưu mới nhằm hô hào công nhận cái gọi là “hôn nhân đồng tính”.
Trước biến chuyển này, các giám mục Úc đã phát hành tài liệu “Do not Mess with Marriage” , nghĩa là “Đừng lẫn lộn với hôn nhân”, là một lá thư mục vụ về các cuộc tranh luận hôn nhân đồng tính.
“Thật là không công bằng, bất công nghiêm trọng, khi hợp pháp hóa sự khẳng định sai lầm rằng không có gì khác biệt giữa một người nam và một người nữ, giữa một người cha và một người mẹ; và bỏ qua các giá trị đặc biệt mà cuộc hôn nhân thực sự đem lại; bỏ qua tầm quan trọng đối với trẻ em của việc có một người mẹ và một người cha trong gia đình, là những người lo lắng cho các em và cho nhau trong một đoạn đường dài”. Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher của tổng giáo phận Sydney nói.
Ngài nói thêm:
“Nếu pháp luật dân sự không còn định nghĩa hôn nhân như cách hiểu truyền thống, nó sẽ là một sự bất công nghiêm trọng và làm suy yếu thiện ích chung là cơ sở phát sinh ra pháp luật dân sự hiện nay. Chắc chắn có những cách khác để tôn vinh tình bạn của những bị thu hút bởi những người cùng phái mà không nhất thiết phải hủy hoại cấu trúc hôn nhân và gia đình.”
“Một quả lê không phải là một quả táo,” Đức Cha Gregory O'Kelly của giáo phận Port Pirie nói trong lá thư mục vụ của mình. “Hôn nhân đồng tính không thể coi tương tự như một cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Các ý kiến của các nhân vật có quyền có thế, hoặc các chính trị gia, hoặc một cuộc bỏ phiếu của quốc hội có thể làm tất cả những gì họ muốn, nhưng dù họ có nói thế nào đi nữa, một quả lê vẫn là một quả lê và không thể biến thành một quả táo.”
2. Tình hình ở Nigeria vẫn còn nhiều khó khăn
Đức Cha Oliver Doehme là giám mục giáo phận Maiduguri cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết là từ đầu tháng Sáu đến nay khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã lại mở những cuộc tấn công vào Maiduguri như muốn bác bỏ những tuyên bố thắng lợi trên mặt trận quân sự của Liên Minh 4 nước gồm Nigeria, Cameroon, Chad và Niger.
Trong một video tuyên truyền mới nhất được tung lên YouTube. một đại diện của bọn khủng bố nói:
“Ở đây, tại Sambisa này, bạn có thể di chuyển 4-5 giờ thoải mái bằng xe hơi hay xe gắn máy dưới lá cờ đen của Hồi giáo”
“Chúng tôi có cơ man các chiến binh trong rừng Sambisa. Chúng tôi có hàng ngàn chiến binh thánh chiến ở đây.”
Trong video mới này không thấy xuất hiện kẻ lãnh đạo nhóm lãnh đạo là Abubakar Shekau. Đồng thời, đoạn video này mang một logo trong đó ghi: “ Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi” thay vì Boko Haram như vẫn thường thấy.
3. Đông đảo người hành hương kéo đến Medjugorje nhân chuyến thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha
Trong số 70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina sáng ngày thứ Bẩy 6 tháng Sáu, có nhiều người đến từ rất xa như Ukraine hay Trung quốc. Phần lớn các tín hữu hành hương từ hải ngoại này đã đến thăm Medjugorje trước hoặc sau chuyến viếng thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha.
Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.
Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.
Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm ngoái 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.
Tòa Thánh chưa chính thức công bố kết luận nhưng ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, “không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”
Trong một diễn biến mới nhất, buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis, Hoa Kỳ được dự kiến diễn ra hôm 18 tháng Ba đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Một ngày trước khi Đức Thánh Cha thăm Sarajevo, cha Marinko Sakota, linh mục chánh xứ Medjugorje cho thông tín viên AFP biết cảm nghĩ của ngài như sau:
“Điều quan trọng đối với tôi là một cộng đoàn sống động. Chúng tôi đang thực sự rất năng động ở đây. Việc nơi đây có được công nhận hay không chẳng phụ thuộc vào chúng tôi, đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi”.
Theo cha Marinko Sakota:
“Nếu hiện tượng Medjugorje là do hành động của Thiên Chúa thì không ai có thể phá hủy nó. Nếu đó là công việc của con người, nó sẽ tự sụp đổ. Ở đây, chúng tôi cảm thấy rằng đó là công việc của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa muốn”.
Kata Papalovic một tín hữu người Croatia cho biết
“Tôi đang bị bệnh rất nặng, tôi đã phẫu thuật nhiều lần và phải nằm ở nhà, tôi dành phần lớn thời gian nằm nghỉ. Em gái tôi khuyến khích tôi đến đây. Hôm nay, tôi cố leo lên một phần của một ngọn đồi, tôi đi trên địa hình núi đá này mà không cảm thấy khó khăn nào. Tôi rất phấn chấn với những gì tôi đã đạt được. Tôi không mệt chút nào “.
4. Gặp gỡ người thợ điêu khắc Hồi Giáo đã trạm trổ chiếc ghế cho Đức Giáo Hoàng trong cuộc tông du Sarajevo
Một thợ trạm trỗ đồ gỗ người Hồi Giáo, 33 tuổi, là anh Edin Hajderovac đã được chọn để khắc trên chiếc ghế gỗ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng trong chuyến tông du Sarajevo hôm thứ Bẩy 6 tháng 6. Edin Hajderovac đã trạm trỗ rất tinh vi, bỏ nhiều tâm tư vào công việc và anh đã không lấy tiền.
Edin Hajderovac cho biết như sau:
“Chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi đã làm việc với rất lòng yêu mến công việc này ngay từ đầu. Và chúng tôi thực sự hạnh phúc đã được chọn để làm công việc này. Ở đây có nhiều người tay nghề còn cao hơn tôi nữa đó”
Là một chuyên gia về các dụng cụ tôn giáo và các đồ trang trí, Hajderovac cho biết ngay sau khi nghe tin về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, anh đã đi với cha là ông Salem, cũng là một nhà điêu khắc đến nói chuyện với linh mục địa phương, là cha Miro Beslic, về ước muốn đóng góp chút gì cho cuộc viếng thăm này.
Vị linh mục nhìn thấy ngay lập tức nơi chuyện này một tiềm năng hòa giải giữa các tôn giáo ở một đất nước bị tan nát bởi một cuộc xung đột đẫm máu giữa người Hồi giáo, người Croatia và Serbia trong cuộc chiến tranh Bosnia 1992-1995.
Cha Miro Beslic, linh mục chính xứ Zavidovici
“Tôi nghĩ ngay là dự án này sẽ tốt cho Zavidovici vì nó sẽ tạo ra tình đoàn kết giữa người Hồi giáo và chúng ta, những người Công Giáo. Chúng tôi không chia rẽ nhiều đâu nhưng cũng có một ít căng thẳng.”
Edin Hajderovac cho biết thêm:
“Mong muốn lớn nhất của tôi là được thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang chiếc ghế này về Vatican với ngài. Đó là ước mơ lớn nhất của tôi.”
5. Burundi dời lại cuộc bầu cử quốc hội lập pháp
Theo dự trù ban đầu, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp lẽ ra đã diễn ra vào ngày 05 Tháng Sáu. Tiếp đó, Quốc Hội mới sẽ được yêu cầu thông qua việc tu chính hiến pháp để Tổng thống Burundi là ông Pierre Nkurunziza có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Sáu.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp đã bị dời lại 45 ngày. Quyết định tẩy chay cuộc bầu cử của Giáo Hội Công Giáo, nơi người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân, chắc chắn đã là động lực cho sự trì hoãn này.
Đức Cha Évariste Ngoyagoye là Tổng Giám mục thủ đô Bujumbura, của Burundi đã suýt bị ám sát hôm 31 tháng Năm.
Theo những tin tức sơ khởi, vụ ám sát dự trù diễn ra trong cuộc rước kiệu kính Mẹ Maria trong ngày cuối cùng của tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ.
Các thanh niên trong ban an ninh của cuộc rước đã khống chế được một kẻ muốn bắn chết Đức Tổng Giám Mục.
Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi các giám mục Công Giáo Burundi ra thông báo yêu cầu tất cả các linh mục phải rút khỏi các ủy ban bầu cử, vì trong tình hình hiện nay một cuộc bầu cử công bằng là không thể thực hiện được. Hội Đồng Giám Mục Burundi đã công bố như trên trong một động thái được xem là quyết liệt tẩy chay cuộc bầu cử vào thượng tuần tháng Sáu.
“Chúng ta không thể làm người bảo lãnh cho các cuộc bầu cử đầy những trò ma giáo”, Đức Cha Gervais Bashimiyubusa của giáo phận Ngozi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói.
Claudine một phụ nữ sống ở thủ đô Bujumbura nói:
“Việc trì hoãn này là một điều tốt vì nó sẽ cho tổng thống có thời gian để suy ngẫm và từ bỏ mong muốn của mình muốn làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba.”
Yves, cư dân thủ đô Bujumbura:
“Tôi thấy cuối cùng sẽ không thay đổi nhiều đâu bởi vì Tổng thống Nkurunziza quá gắn bó với quyền lực của mình, ông sẽ cố đấm ăn xôi làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba bất chấp sự chống đối của chúng ta. Vì vậy, tôi không thấy rằng 45 ngày này sẽ giúp ông ta thay đổi quyết định của mình. “
Charles Nditije, đối thủ chính trị, lãnh đạo của Liên minh để Thăng Tiến Đất Nước nói:
“Đây là một tin khá tốt và cho chúng ta đã thấy rằng chưa đủ các các điều kiện cho việc tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, minh bạch, toàn diện và bình tĩnh.”
6. Các tín hữu Colombia cung nghinh thánh tích Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Hàng ngàn tín hữu bao gồm nhiều nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang ở Colombia đã cung nghinh thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như một phần trong chiến dịch cầu nguyện cho một chuyến thăm trong tương lai, thậm chí chưa biết ngày nào, của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hôm thứ Tư 3 tháng Sáu, trong một buổi lễ được Đức Hồng Y Ruben Salazar chủ sự ở một giáo xứ tại Marinilla cách Medellin khoảng 50 km, giữa những tràng pháo tay và những tiếng hoan hô, 10,000 người đã tụ tập cung nghinh thánh tích là một cuốn sách có chứa một giọt máu của Đức Thánh Cha Karol Wojtyla, đã qua đời vào năm 2005 và được phong thánh năm 2014.
Thánh tích này đã thăm Colombia lần thứ hai trong ba năm qua. Thánh tích đã được đưa đến một giáo xứ đang được xây dựng tại Marinilla mang tên Gioan Phaolô II, trước khi được đưa đến thủ đô Bogota vào ngày thứ Năm.
Mục đích của cuộc du hành thánh tích này là nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm được dự kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Colombia với mục đích “mang đến một thông điệp hòa bình, và kêu gọi mọi người trong cả nước trợ giúp các nạn nhân của tất cả các hình thức bạo lực,” Hội Đồng Giám Mục Colombia đã cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng Sáu.
Ít nhất 220.000 người chết và 6 triệu người phải di dời trong cuộc xung đột vũ trang tại Colombia, là cuộc chiến kéo dài nhất ở châu Mỹ Latinh cho đến nay.
7. Án tử hình dành cho Mohamed Morsi sẽ được quyết định vào ngày 16 tháng 6
Hôm thứ Bẩy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.
Thẩm phán Shabaan El-Shamy đã tuyên án tử hình cựu tổng thống Mohamed Morsi và 100 người khác. Tuy nhiên, theo hiến pháp Ai Cập án tử hình phải được quyết định bởi Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Ai Cập là người chịu trách nhiệm giải thích luật Hồi giáo, cố vấn cho chính phủ và đưa ra một phán quyết chung thẩm cho những án tử hình.
Theo dự trù, ngày 6 tháng Sáu là thời gian vị Đại Giáo Trưởng này cho biết ý kiến. Tuy nhiên, thẩm phán Shabaan El-Shamy cho biết hôm 2 tháng 6 rằng:
“Tòa án đã nhận được sáng nay các quan điểm hợp pháp của Đại Giáo Trưởng, và đây là lý do tại sao tòa án đã quyết định hoãn phán quyết cuối cùng của mình đến ngày 16 tháng 6 năm 2015 để mọi cân nhắc có thể được hoàn thành.”
Án tử hình Mohamed Morsi, người đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho các tín hữu Kitô Ai Cập, không làm cho họ vui mừng nhưng lại dìm cộng đoàn Kitô hữu nước này vào những mối âu lo cho an ninh của họ vì lo sợ bị người Hồi Giáo báo thù.
8. Hàng chục ngàn người biểu tình tại Honduras kêu gọi tổng thống từ chức
Hàng ngàn người đã biểu tình diễu hành qua thủ đô Honduras từ hôm thứ Sáu 5 tháng Sáu để đòi Tổng thống Juan Orlando Hernandez từ chức sau những tai tiếng về một vụ tham nhũng trầm trọng.
Một lớn đám đông ồn ào ước chừng 20,000 người đã tổ chức diễu hành một nửa cây số trong mưa phùn từ một bệnh viện ở phía đông của thủ đô Tegucigalpa đến tòa nhà Liên Hợp Quốc.
Đầu tuần này Hernandez thừa nhận rằng Đảng Quốc Gia có khuynh hướng bảo thủ của ông đã nhận số tiền bị chiếm dụng từ các quỹ an sinh xã hội và tuyên bố mình cảm thấy bị “xúc phạm”, và cam kết rằng các nhà điều tra sẽ “điều tra tới cùng về vụ này.”
Phe đối lập nói rằng tổng thống đã nhận được khoảng 90 triệu Mỹ Kim trong tổng số hơn 300 triệu Mỹ Kim đánh cắp từ hệ thống y tế công cộng cho những người nghèo trong chiến dịch tranh cử năm 2013 của ông.
Hàng chục những cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra vào tuần trước tại hàng chục thành phố trên toàn quốc đòi tổng thống từ chức ngay lập tức.
9. Một nhà lãnh đạo Công Giáo Iraq kêu gọi có thêm những hành động quân sự để loại trừ tai ương Nhà nước Hồi giáo
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê tại Erbil, thủ phủ của vùng bán tự trị Kurdistan của Iraq, kêu gọi có thêm những hành động quân sự để ngăn chặn “ung thư” Nhà nước Hồi giáo.
“Hành động quân sự là cần thiết để ngăn chặn IS. Nó là một loại ung thư cần phải được dừng lại, giống như căn bệnh này”, Đức Tổng Giám mục Basha Warda nói: “Viện trợ nhân đạo cũng cần được tiếp tục để đối phó với số lượng ngày càng tăng của người tị nạn đang đến Kurdistan”.
“Tôi biết nhiều người sẽ lấy làm lạ khi một giám mục kêu gọi sự can thiệp quân sự, nhưng các biện pháp đôi khi không may cần phải được thực hiện, như trong trường hợp này, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư. IS là một mối đe dọa không chỉ cho các Kitô hữu trong khu vực mà còn cho cả người Hồi Giáo Sunni, Shiite, Yazidis, và cho toàn thế giới.”
10. Việc tha các tội bị dứt phép thông công trong Năm Thánh Từ Bi (không có video chỉ nói xuông)
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong Tông Chiếu Ấn Định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết trong đoạn thứ 18 như sau:
“Trong Mùa Chay của Năm Thánh này, tôi có ý định sai đi các Thừa Sai của Lòng Thương Xót. Họ sẽ là một dấu chỉ của sự lo lắng từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, để dân Chúa có thể bước vào sự phong phú sâu xa của mầu nhiệm rất cơ bản này của đức tin. Sẽ có những linh mục mà tôi sẽ ban cấp quyền tha thứ cả những tội lỗi chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh, như thế quyền của các vị như những cha giải tội rộng đến mức nào sẽ được rõ ràng hơn nữa.”
Trong bài phỏng vấn sau, cha Arturro Cattaneo thần học gia và chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia giải thích thêm về thẩm quyền của các vị Thừa Sai của Lòng Thương Xót.
Hỏi: Thưa cha, các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội nào, có phải là các tội trọng mà chỉ có Ðức Gíáo Hoàng mới có quyền tha hay không?
Đáp: Các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội mà Giáo Hội cho là các tội đặc biệt nặng, bởi vì chúng gây thiệt hại cho các thiện ích quan trọng mà Giáo Hội cho là phải che chở một cách đặc biệt. Vì thế Giáo Hội không chỉ coi đó là các tội trọng mà là các “tội phạm” đích thật, và vì thế thấy trước một hình phạt giáo luật. Thật vậy, những ai phạm các tội này, trong một vài trường hợp, thì một cách tự động, rơi vào một hình phạt giáo luật, hình phạt nặng nhất là bị dứt phép thông công. Vài tội phạm này được dành riêng cho Tòa Thánh, trong nghĩa chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có quyền tha các hình phạt tương đương mà thôi.
Hỏi: Thế đâu là các tội mà chỉ có Tòa Thánh mới có quyền tha các hình phạt tương đương?
Đáp: Hiện nay theo Giáo Luật hiện hành có 5 tội phạm, nhưng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã thêm vào tội thứ sáu liên quan tới “vi phạm bí mật của Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng”. Năm tội phạm đã được Giáo Luật kể ra là: thứ nhất, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa; thứ hai dùng bạo lực thể lý chống lại Ðức Giáo Hoàng; thứ ba, truyền chức Giám Mục không có sự uỷ quyền của Ðức Giáo Hoàng: thí dụ điển hình là vụ Ðức Tổng Giám Mục Lefebvre phong chức Giám Mục mà không có phép của Ðức Giáo Hoàng; thứ tư, ban phép giải tội cho tòng phạm trong tội dâm dục tức điều răn thứ sáu; thứ năm trực tiếp vi phạm Ấn bí tích, nghĩa là vi phạm bí mật tòa giải tội.
Hỏi: Tất cả các tội kể trên đều có hình phạt là bị vạ tuyệt thông tự động, và chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có thể tha, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Vâng, trong cả 6 trường hợp kể trên việc tha vạ tuyệt thông được dành cho Tòa Thánh. Thật thế, đây là hình phạt tuyệt thông gọi là “latae sententiae”, ai phạm một trong các tội này thì tự động và tức khắc bị dứt phép thông công, mà không cần phải có lời tuyên bố hay đưa ra hình phạt “dứt phép thông công” từ Ðức Giáo Hoàng, hay từ Giám Mục, hoặc một tòa án của Giáo Hội. Vạ dứt phép thông công cũng có thể được tuyên bố cho rõ ràng hơn như đã xảy ra cho trường hợp của Ðức Tổng Giám Mục Lefebvre chẳng hạn, cả khi nó không cần thiết cho các mục đích giáo luật.
Bình thường Ðức Giáo Hoàng ban phép cho vị Chánh Án Toà Ân Giải Tối Cao, hiện nay là Ðức Hồng Y Mauro Piacenza, quyền tha các hình phạt này. Tuy nhiên, có các tội trọng khác mà Giáo Hội coi là các “tội phạm”, và bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông nhưng không dành cho Tòa Thánh, mà dành cho Giám Mục giáo phận. Trong mỗi giáo phận có một vị Chánh Án tối cao có quyền tha các hình phạt ấy. Cả các linh mục tuyên úy các nhà tù và các nhà thương cũng có quyền đó.
Hỏi: Thưa cha, thế còn trường hỏp phá thai thì sao?
Đáp: Trường hợp phá thai là trường hợp được biết nhiều nhất bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông, nhưng việc giải vạ không được dành cho Tòa Thánh. Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông, không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.
Hỏi: Các thừa sai của Lòng Thương Xót có các quyền này không thưa cha?
Đáp: Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được ban cho quyền tha bất cứ hình phạt nào theo giáo luật. Từ vạ tuyệt thông dành cho Tòa Thánh, cho tới các vạ tuyệt thông khác nữa, mà thường chỉ có Giám Mục giáo phận hay Kinh Sĩ Chánh Án của giáo phận mới có quyền tha.
Hỏi: Thế nội dung của vạ tuyệt thông bao gồm những gì thưa cha?
Đáp: Hậu qủa chính của vạ tuyệt thông là cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nếu trước đó đã không được giải vạ tuyệt thông. Bình thường cha giải tội không có quyền tha vạ tuyệt thông. Vì vậy khi linh mục giải tội tiếp nhận một hối nhân và nhận thấy họ bị vạ tuyệt thông, thì không thể ban phép giải tha tội cho họ, mà phải gửi họ, tùy theo trường hợp, tới với vị Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao thay thế Ðức Giáo Hoàng, hay tới linh mục Chánh Án giáo phận, để họ có thể được tha vạ tuyệt thông trước khi nhận việc xá giải bí tích. Ở đây gương mặt của các Thừa Sai Lòng Thương Xót nổi bật, vì các vị có quyền trực tiếp tha vạ tuyệt thông, rồi ban phép giải tội để khiến cho việc hòa giải của các tín hữu được dễ dàng hơn.
Hỏi: Cha nghĩ gì về sáng kiến này của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót?
Đáp: Việc tạo ra hình ảnh này của vị Thừa Sai Lòng Thương Xót là một ý tưởng rất hay đẹp của Ðức Thánh Cha. Một mặt nó khiến cho tín hữu suy tư về sự trầm trọng của vài tội. Nhất là tôi nghĩ tới tội phá thai, là một trong các tội phạm bị vạ tuyệt thông, là một tội chắc chắn rất thường xảy ra. Nhưng đồng thời Ðức Thánh Cha cũng đi gặp gỡ các tín hữu qua cử chỉ này, bằng cách khiến cho họ có thể tiếp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn, được tỏ hiện qua Giáo Hội.
Hỏi: Ðây cũng là một kiểu giúp tái khám phá ra việc xưng tội hay lãnh bí tích Hòa Giải, có đúng vậy không thưa cha?
Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi tin tưởng rằng Năm Thánh ngoại thường này có thể giúp nhiều tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp của bí tích của Lòng Thương Xót, là bí tích Giải Tội. Những trường hợp mà chúng ta đã kể ra trên đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng có biết bao tín hữu đã đánh mất đi giá trị của bí tích này, là bí tích có thể sinh ích lợi lớn lao và trợ giúp biết bao người. Vì thế, ngay từ đầu triều đại của ngài Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dấn thân mời gọi tín hữu hòa giải với Thiên Chúa, và không mệt mỏi xin ơn tha thứ. Tôi cầu mong rằng một trong các hoa trái của Năm Thánh này là chính việc đưa biết bao người tới gần vẻ đẹp và niềm vui của sự Hoà Giải.