Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Làm chứng cho sự thật về căn tính Kitô của chúng ta, mà không cần làm tan loãng hoặc làm mất đi hương vị của nó là chủ đề bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 09 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Căn tính Kitô giáo của chúng ta chính xác là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra câu hỏi trên ở đầu bài giảng của ngài, mời gọi cộng đoàn suy nghĩ về căn tính Kitô của mỗi người như là “một cuộc hành trình dài” từ mơ hồ đến một đức tin mạnh mẽ đến mức chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đúng là chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta sa ngã, nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta có thể đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “tội lỗi là một phần bản sắc của chúng ta”, nhưng chúng ta đều là tội nhân với đức tin vào Thiên Chúa”, Đấng đã xức dầu cho ta, ghi dấu ấn của Ngài trên chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần như một bảo chứng trong tâm hồn chúng ta.
Đức Giáo Hoàng nói rằng kitô hữu không phải là những người theo một triết lý cụ thể nào đó, nhưng là những người trung tín với bản sắc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như những người đã được xức dầu và mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần đi vào con tim của họ.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Vẻ đẹp của bản sắc này, có thể được nhìn thấy qua cách chúng ta làm chứng trước thế giới. Nhưng Đức Thánh Cha cảnh báo về một số cách thức khiến cho chứng tá này có thể bị suy yếu hoặc tan loãng: Thứ nhất là khi chúng ta chuyển từ đức tin vững vàng vào Chúa Kitô sang một thứ tôn giáo vô vị chỉ gồm những lời cầu nguyện và ý tưởng, dọc theo những đường hướng của phái Ngộ Đạo thời xa xưa. Những người “Ngộ Đạo hiện đại” bị cám dỗ để tránh tai tiếng của Thập Giá và hoan hỉ tìm kiếm Thiên Chúa qua “linh đạo Kitô giáo thanh tao hơn” của họ.
Thứ hai là có những người quên đi họ đã được xức dầu và đã nhận được sự bảo đảm của Chúa Thánh Thần, vì thế họ luôn luôn tìm kiếm những điều “mới lạ” trong căn tính Kitô của họ. Đức Thánh Cha nói đùa rằng những người ấy nói với nhau: “Đâu là những thị nhân có thể cho chúng tôi biết chính xác thông điệp Đức Mẹ sẽ đưa ra lúc 4 giờ chiều nay?”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảnh báo những ai để cho bản sắc mình bị suy yếu bởi đạo đức và “tính thế gian” của loài người và bởi ao ước muốn mở rộng ranh giới của lương tâm Kitô của mình. Họ như là muối đã mất hương vị của nó, nhưng suốt lịch sử của ơn cứu rỗi, Thiên Chúa đã kiên nhẫn dẫn dắt chúng ta từ mơ hồ đến những xác tín chắc chắn về mầu nhiệm Nhập Thể và ơn Cứu Chuộc của chúng ta qua sự chết của Con Ngài. Đức Thánh Cha nói: “Đây là bản sắc của chúng ta”, và chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng để làm chứng cho sự thật này.
2. Kitô hữu đích thực phải cất bước trên cuộc hành trình của truyền bá Tin Mừng và phục vụ
Hành trình, phục vụ và cho đi chính mình một cách nhưng không là ba đặc tính một chứng nhân đích thực cho đời sống Kitô hữu phải có. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 11 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha nói môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để phục vụ và loan báo Tin Mừng một cách nhưng không - và đừng để bị lừa gạt bởi niềm tin rằng ơn Cứu Độ đến từ những điều trần tục.
Bài giảng của Đức Thánh Cha đã được linh hứng bởi bài Tin Mừng trong ngày kể về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Môn đệ của Chúa được mời gọi cất bước trên một cuộc hành trình không phải là một “chuyến lãng du” nhưng là một sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Đức Thánh Cha nói thêm điều này “là nhiệm vụ Chúa Giêsu trao cho các môn đệ của Ngài. Nếu người môn đệ bất động không tiến ra và không trao lại cho người khác những gì mình đã lãnh nhận trong bí tích Rửa tội thì người ấy không phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Người ấy thiếu tinh thần truyền giáo. Anh ta không thể ra khỏi chính mình ngõ hầu có thể mang lại những điều tốt lành cho người khác.”
“Cuộc hành trình của người môn đệ của Chúa Giêsu là vượt ra những giới hạn để mang lại tin mừng này. Nhưng còn có một con đường cho các môn đệ của Chúa Giêsu: cuộc hành trình nội tâm, con đường bên trong, con đường của người môn đệ tìm Chúa mỗi ngày, qua lời cầu nguyện, trong chiêm niệm.”
Nếu người môn đệ không liên tục theo đuổi con đường này, Tin Mừng mà anh ta trao cho người khác sẽ suy yếu và tan loãng – đó là một Tin Mừng không có sức mạnh.
Một môn đệ của Đức Giêsu mà không phục vụ những người khác thì không phải là Kitô hữu
Đức Giáo Hoàng nói “Cuộc hành trình kép này là con đường đôi Chúa Giêsu muốn nơi các môn đệ của Ngài.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng con đường này đòi phải có sự phục vụ. “Một người môn đệ không phục vụ những người khác không phải là Kitô hữu. Các môn đệ phải làm những gì Chúa Giêsu rao giảng như hai trụ cột của Kitô giáo: Tám Mối Phúc Thật và 'tiêu chuẩn' trên đó chúng ta sẽ bị xét xử, Matthêu (chương) 25.” Hai trụ cột này hình thành chính xác sứ vụ Tin Mừng.
Nếu một môn đệ không cất bước trên đường phục vụ, thì không còn lý do nào cho cuộc hành trình. “Nếu cuộc sống của người ấy không dành cho việc phục vụ thì không có lý do nào để sống đời sống Kitô hữu”
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng người ta có thể tự mãn và nghĩ rằng “Vâng, tôi là Kitô hữu; tôi thấy bình yên, tôi xưng tội, tôi đi lễ, tôi tuân giữ đầy đủ các điều răn”. Nhưng các môn đệ chân chính được mời gọi để phục vụ những người khác: “Chúa Giêsu phục vụ người bệnh, người bị bắt giam, người đói khát, những người không có áo trên lưng của họ. Chúa Giêsu muốn điều này nơi chúng ta bởi vì chính nơi họ mà chúng ta tìm thấy Ngài: ‘Hãy phụng sự Chúa nơi tha nhân’”.
Đức Thánh Cha sau đó nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Những gì anh em nhận được nhưng không hãy cho đi nhưng không” Hành trình phục vụ phải là nhưng không bởi vì chúng ta đã nhận được ơn cứu rỗi nhưng không, thuần túy là ân sủng, không ai trong chúng ta đã mua ơn cứu rỗi, không ai trong chúng ta xứng đáng với điều đó. Ơn cứu rỗi đến với chúng ta thuần túy là do ân sủng của Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, trong sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô”
“Thật buồn khi anh chị em tìm thấy những người Kitô hữu quên lời này của Chúa Giêsu: ' Những gì anh em nhận được nhưng không hãy cho đi nhưng không'. Thật buồn khi anh chị em tìm thấy các cộng đồng Kitô giáo – cho dù đó là giáo xứ, dòng tu, hay các giáo phận - mà quên đi ‘sự nhưng không’ này bởi vì đằng sau điều này ... có sự lừa dối cho rằng ơn cứu độ đến từ sự giàu có, từ sức mạnh của con người.”
Đức Thánh Cha Phanxicô tóm tắt bài giảng của ngài với ba từ chủ yếu: Hành trình, như một người được sai đi loan báo Tin Mừng. Phục vụ: cuộc sống của một Kitô hữu không phải là cho chính mình; nhưng là dành cho những người khác, như là sự sống của Chúa Giêsu. Và từ thứ ba, là nhưng không
“Hy vọng của chúng ta đặt nơi Chúa Giêsu Kitô Đấng ban cho chúng ta hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng.” Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng, khi hy vọng được đặt nơi sự thoải mái của cuộc hành trình, hoặc hy vọng được đặt nơi những mong muốn ích kỷ muốn có được những thứ cho riêng mình và không phục vụ những người khác hoặc khi hy vọng được đặt nơi giàu có hay trong các an ninh nhỏ mọn của thế giới này, tất cả điều này sẽ sụp đổ. Chính Chúa làm cho nó sụp đổ.”
3. Câu chuyện Hãy Mai Táng Chính Mình
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: “Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới”. Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: “Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cung muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chung ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
4. Các gia đình hãy luôn luôn trợ giúp, an ủi, và gần gũi các bệnh nhân
Bệnh tật của những người thân yêu khiến cho cuộc sống gia đình khổ đau và khó khăn hơn, nhưng chúng cũng củng cố các liên hệ gia đình và có thể là trường học của đời sống, của lời cầu nguyện, tình liên đới và sự gần gũi săn sóc yêu thương đối với nhau.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 10 tháng Sáu. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tại giáo lý gia đình và bệnh tật. Ngài nói:
Bệnh tật là một kinh nghiệm về sự giòn mỏng, mà chúng ta sống đặc biệt trong gia đình, từ khi là trẻ em, rồi nhất là khi già yếu, với các đau nhức liên miên. Trong bối cảnh của các tương quan gia đình, bệnh tật của các người chúng ta thương mến gia tăng nỗi khổ đau và lo lắng. Chính tình yêu khiến cho chúng ta cảm nhận điều này nhiều hơn. Biết bao nhiêu lần đối với một người cha và một người mẹ việc chịu đựng bệnh tật của một đứa con trai hay con gái khó khăn hơn là chịu đựng bệnh tật của riêng mình. Chúng ta có thể nói rằng gia đình đã luôn luôn là nhà thương gần nhất. Cả ngày nay nữa, trong biết bao nhiêu phần trên thế giới này, nhà thương là một đặc ân cho ít người và thường khi ở xa. Chính mẹ cha, các anh chị em và bà nội bà ngoại bảo đảm các săn sóc và giúp chúng ta khỏi bệnh.
Đề cập đến lòng thương cảm Chúa Giêsu dành cho các bệnh nhân, Đức Thánh Cha nói:
Trong các Phúc Âm có nhiều trang kể lại các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các bệnh nhân và dấn thân của Ngài chữa lành họ. Chúa được giới thiệu một cách công khai như là một người chiến đấu chống lại bệnh tật và đến để chữa lành con người khỏi mọi bệnh tật: bệnh tật tinh thần và bệnh tật thân xác. Thật rất cảm động cảnh vừa được nhấn mạnh trong Phúc Âm thánh Marcô. Phúc Âm kể như thế này: “Lúc chiều đến, sau khi mặt trời lặn, người ta đem đến cho Chúa mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám” (Mc 1,29). Nếu tôi nghĩ tới các thành phố lớn ngày nay, tôi tự hỏi đâu là nơi có thể đem các người bệnh tới, với niềm hy vọng là họ được chữa lành? Chúa Giêsu đã không bao giờ lảng tránh việc chữa lành họ; Ngài đã không bao giờ đi qua, Ngài đã không bao giờ ngoảnh mặt đi nơi khác. Và khi một người cha hay một người mẹ, hay chỉ một cách đơn sơ các bạn hữu, đem một người bệnh tới trước mặt Ngài để Ngài đụng vào họ và chữa họ lành, thì Ngài không bắt chờ đợi. Việc chữa lành đến trước luật lệ,. kể cả luật thánh như việc nghỉ ngơi ngày sabát (x. Mc 3,1-6). Các tiến sĩ luật quở trách Chúa Giêsu, bởi vì Ngài chữa lành ngày thứ bẩy, làm việc lành ngày thứ bẩy. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu là trao ban sức khỏe, làm việc lành: và điều này luôn luôn chiếm chỗ nhất!
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi thành toàn công trình của chính Ngài, và ban cho các ông quyền chữa lành, hay tới gần người bệnh và săn sóc họ cho tới cùng (x. Mt 10,1). Chúng ta phải chú ý tới điều Chúa nói với các môn đệ trong giai thoại người mù bình sinh (Ga 9,1-5). Các môn đệ, với người mù từ lúc mới sinh đứng trước mặt, thảo luận xem ai là người đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, đến khiến cho anh bị mù. Chúa nói rõ ràng là không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh, mà như thế là để cho các công trình của Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh. Và Ngài chữa anh lành. Đó là vinh quang của Thiên Chúa! Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội! Trợ giúp các bệnh nhân, chứ không mất hút đi trong các bép xép, luôn luôn trợ giúp, an ủi, làm vợi nhẹ, gần gũi các bệnh nhân: đó là bổn phận.
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhấn mạnh bổn phận phải cầu nguyện cho các người ốm yếu bệnh tật như sau:
Giáo Hội mời gọi liên lỉ cầu nguyện cho những người thân bị bệnh. Không bao giờ được thiếu lời cầu nguyện cho các bệnh nhân. Tráí lại, chúng ta phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn, một cách cá nhân cũng như trong cộng đoàn. Chúng ta hãy nghĩ tới giai thoại người đàn bà xứ Canaan (c. Mt 15,21-28) Bà là một người ngoại đạo, không phải tín hữu Do thái, nhưng là người ngoại đạo. Bà khẩn nài Chúa Giêsu chữa lành con gái của bà. Để thử lòng tin của bà trước hết Chúa Giêsu cứng cỏi trả lời: “Tôi không thể, tôi phải nghĩ tới các chiên của nhà Israel trước”. Người đàn bà không tháo lui – một bà mẹ khi xin trợ giúp cho con mình thì không bao giờ tháo lui – chúng ta tất cả đều biết các bà mẹ chiến đấu cho con cải của họ - và bà trả lời: “Cả chó con khi chủ đã no nê cũng cho chúng cái gì đó”, như thể bà nói “Ít nhất hãy đối xử với tôi như một con chó con!” Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Bà ơi, lòng tin của bà thật lớn lao! Hãy xảy ra cho bà như bà mong ước” (c. 28).
Trước tật bệnh, cả trong gia đình cũng nổi lên các khó khăn, vì sự yếu đuối nhân loại cùa chúng ta. Nhưng nói chung, thời gian bệnh tật làm gia tăng sức mạnh của các dây liên kết gia đình. Và tôi nghĩ tới việc quan trọng phải giáo dục con cái từ nhỏ biết sống tình liên đới trong thời gian bệnh tật. Một nền giáo dục mà che chở chúng khỏi sự nhậy cảm đối với bệnh tật, thì làm cho con tim của chúng khô cằn đi. Phải làm sao để người trẻ đừng bị gây mê đối với nỗi khổ đau của người khác, không có khả năng đối đầu với khổ đau và sống kinh nghiệm sự hạn hẹp.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy một người đàn ông hay một phụ nữ đến làm việc với gương mặt mệt mỏi, với một thái độ mệt mỏi và khi người ta hỏi “Chuyện gì xảy ra vậy?”, thì họ trả lời: “Tôi đã chỉ ngủ được có hai giờ, bởi vì ở nhà chúng tôi thay phiên nhau để ở gần cháu bé trai, bé gái, gần người bệnh, gần ông nội ông ngoại, bà nội bà ngoại” Và họ tiếp tục ngày sống với công việc. Những người này là những anh hùng: đó là sự anh hùng của các gia đình! Các anh hùng dấu ẩn đó khiên cho chúng ta mềm lòng và can đảm khi trong nhà có ai đau yếu.
Sự yếu đuối và khổ đau của các tình yêu mến thân thương và thánh thiêng nhất của chúng ta, đối với con cái cháu chắt chúng ta, có thể là một trường học dậy sống. Thật quan trọng giáo dục con cái cháu chắt hiểu sự gần gũi này trong gia đình, khi có người đau yếu - và chúng trở thành như vậy, khi chúng được tháp tùng bởi lời cầu nguyện và sự gần gũi trìu mến và sốt sắng của các người trong gia đình trong những lúc yếu đau. Cộng đoàn kitô biết rõ rằng gia đình không bị bỏ rơi một mình trong thử thách của bệnh tật.
Và chúng ta phải cám ơn Chúa vì những kinh nghiệm hay đẹp của tình huynh đệ trợ giúp các gia đình trải qua lúc khó khăn của khổ đau. Sự gần gũi kitô đó, từ gia đình này với gia đình kia, là một kho tàng đích thật cho giáo xứ; một kho tàng của sự khôn ngoan giúp các gia đình trong các thời điểm khó khăn và làm cho người ta hiểu Nước Thiên Chúa hơn biết bao nhiêu diễn văn!
5. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tin tưởng nơi sức mạnh của Lời Chúa và cộng tác vào công cuộc mở rộng Nước Thiên Chúa.
Đó là nội dung bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu, trưa Chúa Nhật 14 tháng 6 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai dụ ngôn rất ngắn: dụ ngôn hạt giống nảy mầm và tự tăng trưởng, và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh này, rút từ môi trường nông thôn, Chúa Giêsu trình bày hiệu năng của Lời Chúa và những đòi hỏi của Nước Chúa, nêu rõ những lý do để chúng ta hy vọng và dấn thân trong lịch sử.
“Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được qui về sự kiện hạt giống, một khi được gieo trong lòng đất, tự nó nảy mầm và lớn lên, dù nông dân ngủ hay thức. Ông tin tưởng nơi tiềm năng ở trong chính hạt giống và sự màu mỡ của đất đai. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động nhờ sức mạnh của Thiên Chúa trong tâm hồn người lắng nghe. Thiên Chúa đã ủy thác Lời của Ngài cho thửa đất của chúng ta, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta, với nhân tính cụ thể của chúng ta. Chúng ta có thể tín thác tin tưởng, vì Lời Chúa là lời sáng tạo, nhắm trở thành “bông lúa nặng trĩu hạt” (v. 28). Lời Chúa, nếu được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng qua những con đường mà chúng ta không luôn luôn có thể kiểm chứng và theo thể thức mà chúng ta không biết (Xc v.27). Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng chính Thiên Chúa luôn luôn là Đấng làm cho Nước của Ngài được tăng trưởng, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Ngài, con người chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả của Lời Chúa.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Dụ ngôn thứ hai dùng hình ảnh hạt cải. Tuy là hạt bé nhỏ nhất trong các thứ hạt, nhưng lại đầy sức sống và tăng trưởng đến độ trở thành cây cao lớn nhất trong các thứ cây trong vườn” (Mc 4,32). Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Để trở nên thành phần của Nước Chúa, cần phải có lòng thanh bần, không tín thác nơi khả năng riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa; không hành động để được coi là quan trọng trước mặt người đời, nhưng quí giá trước mắt Thiên Chúa là Đấng yêu chuộng những ngừơi đơn sơ và khiêm hạ. Khi chúng ta sống như thế, thì sức mạnh của Chúa Kitô, qua chúng ta, sẽ tràn vào và biến đổi những gì là bé nhỏ và khiêm hạ thành một thực tại làm dậy men toàn thể khối bột của thế giới và lịch sử.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Có một bài học quan trọng đến từ hai dụ ngôn này: Nước Thiên Chúa đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là sáng kiến và là hồng ân của Chúa. Hoạt động yếu ớt của chúng ta tác động, bề ngoài là bé nhỏ trước những vấn đề phức tạp của thế giới, nhưng khi được tháp nhập vào hoạt động của Thiên Chúa, thì không còn sợ những khó khăn. Chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn: tình thương của Ngài làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống hiện diện trong đất. Điều này mở ra cho chúng ta lòng tín thác và lạc quan, dù có những thảm trạng, bất công, đau khổ mà chúng ta gặp phải. Hạt giống sự thiện và hòa bình nảy mầm và phát triển, vì chính tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy trưởng thành.”
“Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một “thửa đất phì nhiêu”, nâng đỡ chúng ta trong niềm hy vọng này.