Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, trong một bài viết đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 12 tháng 6, đã gọi Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963 là một “Magna Carta” – (Đại Hiến Chương) về Phụng Vụ; và kêu gọi việc áp dụng trung thành hơn với các văn bản của Hiến Chế này. Ngài than thở rằng đã có những hiểu nhầm liên quan đến giáo huấn “tham gia tích cực” và đề nghị có thêm một phụ lục trong Sách Lễ Rôma nhằm thể hiện tốt hơn sự liên tục giữa các hình thức ngoại thường và bình thường của Thánh Lễ.
Đức Hồng Y lý luận rằng: “Phụng vụ về cơ bản là hành động của Chúa Kitô. Nếu nguyên tắc quan trọng này không được tiếp nhận trong đức tin, có khả năng là phụng vụ trở thành một công việc của loài người, một cử hành về chính mình của cộng đồng.”
Khi nói về một “cử hành cộng đồng” cần phải cẩn trọng để tránh những mơ hồ. Chẳng hạn như sự tham gia tích cực (participatio actuosa), không nên được hiểu như là sự cần thiết phải làm một điều gì đó. Về điểm này giáo huấn của Công Đồng thường bị bóp méo. Sự tham gia tích cực trong Phụng Vụ phải được hiểu là để cho Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta và liên kết chúng ta với hy tế của Ngài.
Đức Hồng Y Sarah chỉ trích “não trạng phương Tây hiện đại” trong đó sự tham gia tích cực được hiểu là phải làm sao cho các tín hữu “luôn bận rộn” và Thánh Lễ phải được cử hành thật “vui nhộn”.
Trái lại, sự “cung kính thiêng liêng” và “niềm hân hoan kính sợ đòi hỏi sự im lặng của chúng ta trước sự hiện diện sự uy nghi của Thiên Chúa. Người ta thường quên rằng sự im lặng thiêng liêng là một trong những phương tiện được Công Đồng đề ra để khuyến khích các tín hữu tham gia vào Phụng Vụ.”
Viện dẫn các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Sarah chỉ trích thái độ của các linh mục cố làm cho bản thân họ trở nên tâm điểm của phụng vụ.
Đức Hồng Y Sarah cũng nhắc lại giáo huấn của Công Đồng theo đó các tín hữu phải “có thể nói hoặc hát chung với nhau bằng tiếng Latin những phần đối đáp thông thường của Thánh Lễ (Ordinary of the Mass - tức là những phần không thay đổi trong mọi thánh lễ như Kinh Xin Chúa Thương Xót (Kyrie), Kinh Vinh Danh (Gloria), Kinh Tin Kính (Credo), Kinh Thánh, Thánh, Thánh (Sanctus), Kinh Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei)) liên quan đến họ”
Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh không nên được đọc với một “diễn dịch tùy hứng”.
2. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khánh thành nhà thờ mới tại United Arab Emirates
Một nhà thờ Công Giáo mới dành để kính thánh Phaolô vừa được khánh thành hôm thứ Sáu 12 Tháng Sáu tại thành phố Mussaffah, với sự hiện diện của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nahyan bin Mubarak của United Arab Emirates phát biểu rằng việc khánh thành một nhà thờ mới nhấn mạnh đến “sự khoan dung tôn giáo” của các nhà lãnh đạo quốc gia, trong khi Đức Hồng Y Parolin nhận thấy việc thánh hiến nhà thờ mới này cũng tiêu biểu cho “sức sống” của cộng đồng Giáo Hội địa phương, và Đức Giám Mục Paul Hinder, OFM, Giám quản tông tòa toàn vùng Nam Bán Đảo Ả rập, đã bày tỏ lòng biết ơn “cho sự ổn định và hòa bình mà chúng ta được hưởng trong quốc gia này”.
United Arab Emirates hiện có khoảng 900,000 người Công Giáo. Cộng đoàn này được hình thành từ các công nhân nhập cư chủ yếu đến từ các nước châu Á khác: như Phi Luật Tân và Ấn Độ.
Đây là nhà thờ Công Giáo thứ hai được xây dựng tại quốc gia này. Đức Hồng Y Parolin đã cử hành thánh lễ đầu tiên, với các nghi thức thánh hiến và cung hiến nhà thờ, trước hàng ngàn tín hữu. Nhà thờ này sẽ là nơi tụ tập cầu nguyện chủ yếu của hơn 60,000 người Công Giáo đang sinh sống tại các khu vực bao gồm các thị trấn Mussaffah, Mohammed bin Zayed City và Khalifa City. Các Thánh Lễ sẽ được cử hành bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, Malayalam và Tagalog.
Trong Thánh lễ đồng tế với Đức Giám Mục Hinder và Đức Giám Mục Camillo Ballin là Giám quản Tông Tòa Miền Bắc Bán Đảo Ả rập, Đức Hồng Y Parolin đã ca ngợi “thiện chí của các nhà lãnh đạo quốc gia trong quá khứ và hiện tại, vì sự hào phóng của họ trong việc trao tặng đất để xây dựng nhà thờ mới”. Việc chính quyền địa phương cho phép xây dựng nơi thờ tự mới là “một dấu hiệu cụ thể của lòng hiếu khách mà Emirates đã và đang thể hiện với các Kitô hữu”, và minh chứng cho cam kết của họ là ủng hộ “một xã hội dựa trên sự cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau”. Được biết, nơi thờ tự được xây dựng trên đất đô thị của Thủ đô Abu Dhabi, theo lệnh của chính quyền địa phương.
“Các Kitô hữu đang sống ở đất nước này có cơ hội cần thiết để tăng trưởng trong đức tin của họ và làm chứng cho niềm tin của mình. Thông điệp của tôi là cầu mong cho cộng đồng Kitô giáo ở đây có thể được hỗ trợ trong mong muốn của mình là lớn lên trong đức tin và trong lòng nhân ái với tha nhân”
3. Cộng Hòa Trung Phi mong chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, cho biết quốc gia này đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Mười Một năm nay.
Theo Đức Tổng Giám Mục Franco Coppola, Đức Thánh Cha được người dân địa phương chờ đón như một sứ giả hòa bình sau hơn nhiều năm đất nước này trải qua chiến tranh với quân Hồi giáo Séléka.
Đất nước tan hoang chiến tranh với quân Hồi giáo Séléka.
Tháng Ba năm 2013, phiến quân Hồi giáo Séléka cướp chính quyền và bắt tay ngay vào một cuộc diệt chủng chống lại người Kitô Giáo. Chúng bị lực lượng Anti-Balaka và quân Liên Hiệp Quốc đánh bại.
Vào tháng Giêng năm 2014, một chính phủ lâm thời mới lên nắm quyền, và vào tháng Bảy năm 2014, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết. Tuy nhiên, phiến quân Hồi giáo Séléka vẫn tiếp tục các hoạt động khủng bố.
Trong cuộc gặp gỡ diễn ra vào chiều thứ Sáu 12 tháng Sáu giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 1000 các linh mục thế giới tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ở Roma trong khuôn khổ tuần tĩnh tâm từ ngày mùng 10 đến 14 tháng 6 năm 2015 của các linh mục năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận ngài sẽ đến thăm Cộng hòa Trung Phi và Uganda trong chuyến đi tháng Mười Một, nhưng cho biết thêm Kenya có thể được thêm vào trong cuộc hành trình nhưng ngài “không chắc chắn” vì có những vấn đề liên quan đến tổ chức chưa được giải quyết.
4. Tuyên bố của Thượng Hội Đồng Các Giáo Hội Đông Phương tại Trung Đông
Các vị thượng phụ các Giáo Hội Đông Phương đã có cuộc họp từ ngày 6 tháng Sáu vừa qua tại tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Damascus, thủ đô của Syria. Tham dự cuộc họp có Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp thành Antiôkia là John Yazigi, Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite Bechara Rai và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria Ignatius Antioch Aphrem II.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 8 tháng Sáu, cha Afram Sloukieh, tổng thư ký Thượng Hội Đồng cho biết:
“Chúng tôi mong anh chị em gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em Hồi giáo của chúng ta, là các đối tác của chúng ta và là những người chia sẻ cùng một vận mệnh với chúng ta trong quốc gia. Chúng ta chia sẻ với họ cùng một mảnh đất, cùng những đau khổ vì bạo lực và khủng bố đến từ não trạng takfiri.”
Takfiri là tiếng Ả rập ám chỉ sự quá khích của những người Hồi Giáo luôn cho mình là ngoan đạo và chỉ trích những người khác là bội giáo.
Cha Afram Sloukieh cho biết tiếp:
“Chúng tôi nói lên tiếng nói của chúng tôi để thông báo rằng đã đến lúc phải đối mặt với tâm lý takfiri và chặn đứng nguồn gốc của nó thông qua giáo dục tôn giáo, truyền bá hòa bình và tự do tín ngưỡng.”
5. Tổng Thống Bashar al-Assad tiếp các thành viên Thượng Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Syria
Theo thông tấn xã Công Giáo Fides, tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiếp các thành viên của Thượng Hội Đồng Giáo Hội Chính Thống Syria hôm thứ Năm, 11 Tháng Sáu, tại Damascus, do Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II dẫn đầu. Các vị đang tham gia trong hội nghị thường niên tại đền thờ Đức Mẹ Saidnaya, cách Damascus 30 km.
Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống Syria đã nói về tình trạng lan tràn một thứ chủ nghĩa “khủng bố, cực đoan, không biên giới, và phi dân tộc”. Chủ nghĩa này đang phá hoại Syria và tiêu diệt sự sống chung giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Các thành viên của Thượng Hội đồng Chính Thống Syria đã bày tỏ hy vọng rằng Syria vẫn tiếp tục là “ngôi nhà cho mọi người Syria và các truyền thống tôn giáo khác nhau”, và là “một nơi tôn nghiêm cho tất cả những ai tin vào những giá trị thực sự của nhân loại. Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II nhấn mạnh rằng quyết định tổ chức Thượng Hội Đồng tại Syria là một dấu chỉ của sự gần gũi và đoàn kết với nhân dân Syria, đang bị xâu xé sau hơn bốn năm xung đột.
Thượng Hội Đồng Giám Mục Chính Thống Syria tập hợp và đại diện cho các Giáo Hội Chính Thống Syria của Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Guatemala, Ba Tây và Ấn Độ
6. 1.7% những người chết tại Bỉ là bị giết thông qua “trợ tử” ép buộc
Gần 2% trong số những người chết mỗi năm ở Bỉ đã bị giết thông qua chiêu bài trợ tử mà không có sự yêu cầu hay sự đồng ý của họ. Một nghiên cứu mới vừa công bố như trên tờ Journal of Medical Ethics ( Tạp chí về Y Đức)
Bỉ đã đi tiên phong trong việc cho phép bác sĩ trợ giúp tự tử, và mở rộng việc thực hành này đến mức cho phép các bác sĩ tự quyết định gây tử vong cho những bệnh nhân mà họ đánh giá là không thể đưa ra quyết định cho chính mình.
Quốc hội Bỉ hợp pháp hóa an tử ngày 28 tháng năm 2002. Đã có khoảng 1,400 trường hợp an tử mỗi năm kể từ khi luật này được đưa ra, và một kỷ lục lên tới 1,807 trường hợp được ghi nhận vào năm 2013.
Tháng 12 năm 2013, Thượng viện Bỉ bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng luật an tử của mình cho cả trẻ em bị bệnh nan y.
Dân biểu Christian Brotcorne chống luật an tử
Năm 2007, một nghiên cứu cho thấy, 1.8% các ca tử vong liên quan đến an tử tại Bỉ không hề có yêu cầu hoặc sự đồng ý của bệnh nhân. Năm 2013 con số này là 1.7%.
7. Bolivia chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tên thật của vị linh mục này là Sebastian Obermaier, nhưng nhà truyền giáo 80 tuổi này được biết đến nhiều hơn ở thành phố El Alto của Bolivia với danh xưng là Padre Torres – nghĩa là Cha “Toà nhà” - một biệt danh ngài nhận được sau khi xây dựng hàng chục nhà thờ trong khu vực nghèo nàn này, tọa lạc ở độ cao 4000 mét trên mực nước biển.
Nguyên quán ở Đức, cha Obermaier đã dành một nửa cuộc đời mình sống tại El Alto. Đây sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du tới Bolivia vào tháng Bảy tới đây.
Cha Sebastian Obermaier nói:
“Chúng ta hãy giới thiệu với Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuôn mặt Giáo Hội chúng ta tại đây. Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội dũng cảm, nhanh nhẹn. Chúng tôi muốn trở thành một Giáo Hội giữ lời hứa của mình, một Giáo Hội được hướng dẫn bởi đức tin và giúp đỡ người nghèo.”
Chỉ còn một vài tháng để chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha, cha Obermaier đã mở một chiến dịch đẩy mạnh đám cưới của các cặp vợ chồng sống chung không kết hôn để chứng tỏ rằng cộng đồng của ngài là một cộng đồng ý thức về nghĩa vụ Công Giáo của mình.
Cuối tháng Năm vừa qua, ngài đã chủ sự một lễ rửa tội tập thể tại giáo xứ của mình.
Ngài nói:
“Tôi phải rửa tội cho 1000 người, chứ không chỉ là 97 người này thôi. Đó là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô quan tâm. Những gì ngài muốn thấy là trẻ con được rửa tội, người dân đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là để hỗ trợ và thổi một sinh khí mới vào đời sống tâm linh, đời sống của Giáo Hội địa phương”.
Dân chúng tại El Alto phần lớn là người Công Giáo đang háo hức chờ đợi Đức Giáo Hoàng. Ông Voxpop nói:
“Ở đây, chúng tôi tất cả đều hạnh phúc được Đức Giáo Hoàng đến thăm, để có thể nhìn tận mắt ngài”
8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua những ưu tiên trong dự thảo kế hoạch chiến lược cho 2017-20.
Trong một diễn biến được các lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mô tả như là một “cuộc thăm dò sơ khởi”, hôm 11 tháng Sáu, các Giám Mục đã phê duyệt bản dự thảo kế hoạch chiến lược cho giai đoạn từ 2017 đến 2020.
Kế hoạch này bao gồm năm ưu tiên: gia đình và hôn nhân, loan báo Tin Mừng, tự do tôn giáo, cuộc sống của người dân và phẩm giá, cuối cùng là ơn gọi và việc thường huấn. Sau khi một số Giám Mục kêu gọi sự chú ý mạnh mẽ hơn tới người nghèo trong kế hoạch chiến lược, các nhà lãnh đạo của hội nghị đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch như là một “dự thảo làm việc” chứ không phải là một tài liệu chính thức, và tài liệu đã được thông qua với một đa số áp đảo là 165 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 6.
Cũng với một tỷ số áp đảo, các Giám Mục cũng đã thông qua việc tu chính một bản dịch các ca vịnh của Phụng Vụ Các Giờ Kinh và một chương trình đào tạo các linh mục kéo dài trong 5 năm. Cả hai điều này còn cần sự phê chuẩn chính thức của Tòa Thánh.
Các Giám Mục cũng đã nghe các chứng từ của ba cặp vợ chồng người về tầm quan trọng của cuộc sống gia đình Công Giáo và một chứng từ của ông Curtis Martin, là người sáng lập ra Fellowship of Catholic University Students, về cách thức tổ chức của ông giúp sinh viên gặp gỡ Chúa Kitô.
9. Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tài trợ hơn 100 triệu Euros cho các Kitô hữu bị bách hại trong năm 2014
Phát ngôn viên tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết trong năm 2014, tổ chức bác ái Công Giáo này đã tài trợ hơn 100 triệu € (tức là khoảng 147 triệu Mỹ Kim) để hỗ trợ cho các Kitô hữu đang bị bách hại tại Trung Đông và trên thế giới.
ACN đã tài trợ cho hơn 5,000 dự án tại 20 quốc gia khác nhau, đạt một kỷ lục mới trong chi tiêu trong năm 2014. Phần lớn các dự án này là giúp cho các Kitô hữu tị nạn tại Trung Đông.
ACN cũng cung cấp hỗ trợ cho 9,669 chủng sinh (tức là một phần mười hai số chủng sinh trên toàn thế giới) và 9,790 nữ tu. Tổ chức này cũng cung cấp 1.4 triệu cuốn sách, trong đó có Kinh Thánh và các sách văn học cho các chương trình giáo dục Kitô giáo khác.
Khoảng một phần ba chi tiêu của ACN trong năm 2014 là dành cho châu Phi, để cung cấp hỗ trợ vật chất cho các giáo phận nghèo đang phát triển nhanh chóng