Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq bày tỏ âu lo với Đài phát thanh Vatican rằng các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo đang phát triển mạnh hơn mỗi ngày trước sự thờ ơ của thế giới.
Theo nhà lãnh đạo Công Giáo cao nhất tại Iraq, ngày nay Nhà nước Hồi giáo không còn đơn giản là một nhóm khủng bố, nhưng chúng đang hoạt động “như một nhà nước thực sự.” Ngài “rất lo lắng” về tương lai của Iraq và đặc biệt về vị trí của thiểu số Kitô hữu tại đất nước này.
Tuần qua, các lực lượng quân chính phủ Iraq trú đóng gần Erbil, thủ phủ của người Kurd đã được lệnh rút khỏi vùng này để về bảo vệ an ninh cho thủ đô Baghdad. Diễn biến này không chỉ cho thấy ngày về Mosul của các tín hữu Kitô đang tị nạn tại Erbil càng xa vời mà còn là một đòn chí mạng gây quan ngại sâu xa cho người dân trong thành Erbil.
2. Lần đầu tiên Anh Giáo tấn phong một phụ nữ làm giám mục giáo phận
Rachel Treweek đã trở thành phụ nữ đầu tiên làm giám mục giáo phận trong lịch sử Anh Giáo. Trước đó, vào đầu năm nay, Libby Lane đã trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong làm giám mục phụ tá giáo phận.
Trong diễn văn bày tỏ sự “hồ hởi phấn khởi” của mình trước diễn biến này, Giám Mục Anh Giáo Adrian Newman nói trong buổi lễ tấn phong hôm 22 tháng 7 diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Canterbury rằng “Tôi hy vọng các phụ nữ này sẽ làm phiền chúng tôi, họ sẽ thách thức những quy ước của Anh Giáo, đang được tiếp tục dẫn dắt và đạo diễn bởi quá nhiều người như tôi: da trắng, nam giới, chuyên gia trung niên”
Ông cho rằng:
“Mỗi phần của xã hội, dù là thế tục hay tôn giáo, cần tìm cách cho phép những sự bất quy tắc. Tôi hy vọng các nữ giám mục mới sẽ đẩy những bất quy tắc này lên một tầm cao mới.”
Tuy nhiên, tại sao lại phải có những bất quy tắc như thế, và chúng ảnh hưởng ra sao với công cuộc loan báo Tin Mừng thì giám mục Newman không giải thích. Đúng một năm trước đây, ngày 27/7/2014, Đức Tổng Giám Mục Canterbury, vị đứng đầu của Anh Giáo, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô để xin Ngài đừng vì việc Giáo Hội Anh Giáo chấp thuận tấn phong Giám Mục cho phụ nữ mà tiến trình hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh Giáo bị trệch ra khỏi chương trình hiệp nhất.
Đức Tổng Giám Mục Justin Welby thừa nhận rằng việc Giáo Hội Anh Giáo bỏ phiếu chấp thuận cho phụ nữ làm Giám Mục đã gây thêm trở ngại cho con đường hiệp nhất vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Trong thư gửi cho Đức Giáo Hoàng và các vị đứng đầu các Giáo Hội khác như các Thượng Phụ Chính Thống Giáo, Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo xin các vị ấy cầu nguyện cho Giáo Hội Anh Giáo. Ngài nói “Chúng ta cần nhau”.
3. Tổng giám mục Công Giáo Melkite Hy Lạp kêu gọi trợ giúp thành Aleppo
Aleppo, thành phố đông dân nhất của Syria, đang trong một thảm họa nhân đạo trước sức tấn công quyết liệt của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo và sự thờ ơ của thế giới.
“Tại thời điểm này, Aleppo đang trải qua một cuộc tấn công dữ dội của các chiến binh thánh chiến, và bom rơi liên tục trong nhiều giờ.” Đức Tổng Giám mục Jean-Clément Jeanbart cho biết trong một văn bản được công bố bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.
“Tất cả mọi thứ đang xảy ra làm cho mọi người sợ hãi và như muốn đẩy chúng tôi phải ra đi. Trong nhiều năm qua, chúng tôi quyết liệt chiến đấu chống lại hiện tượng di dân này là điều làm suy yếu chúng tôi và gây ảnh hưởng đến sự hiện diện của Giáo Hội các Thánh Tông Đồ nơi miền đất đã nhìn thấy sự khởi đầu của Kitô giáo”
Đức Tổng Giám Mục hy vọng rằng các cộng đoàn Kitô trên thế giới có thể giúp các tín hữu Kitô có thể trụ lại tại thành phố này hay ít nhất tránh cho một cuộc tắm máu khỏi xảy ra tại đây.
Cuộc chiến tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria với 2.2 triệu dân, đã khởi sự từ ngày 19 tháng 7 năm 2012. Trong tháng 6 vừa qua, quân thánh chiến Hồi Giáo đã chiếm được phần phía Đông của thành phố. Giao tranh ác liệt đã diễn ra vào đầu tháng 7 khi quân thánh chiến mở đợt tấn công ồ ạt vào phần phiá Tây hiện vẫn còn trong tay quân chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad.
4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quảng đại giúp $5.2 triệu Mỹ kim cho các dự án tại Đông Âu
Tiểu ban viện trợ cho Giáo Hội tại Trung và Đông Âu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã trao tặng hơn $5.2 triệu Mỹ Kim để tài trợ cho 177 dự án tại 23 quốc gia trong vùng này.
“Phục hồi từ chế độ Sô Viết ở Trung và Đông Âu đã là một quá trình chậm chạm và khó khăn”, Đức Cha Blase Cupich Tổng Giám Mục Chicago, chủ tịch của tiểu ban nhận xét.
“Người Công Giáo ở khu vực này rất cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Giáo Hội đang làm rất nhiều để hỗ trợ việc xây dựng lại không chỉ các nhà thờ và các cấu trúc, nhưng cả cuộc sống của cá nhân về tinh thần lẫn vật chất. “
Số tiền tài trợ này được trích chủ yếu từ tiền quyên góp ở hầu hết các giáo phận trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro hàng năm. Tiểu ban đã nhận được tổng cộng 7.9 triệu Mỹ Kim hồi tháng Bảy và tháng Mười Hai năm 2014.
5. Thanh thiếu niên Kitô hữu Coptic bị bắt cóc để cải sang đạo Hồi mà không có sự đồng ý của cha mẹ
Trong khi Ai Cập đang xem xét thay đổi hệ thống luật về gia đình, Mikel Munir, một Kitô hữu Coptic, lãnh tụ một đảng chính trị, đã kêu gọi các nhà lập pháp nước này thông qua một điều khoản trong đó cấm cải đạo các thanh thiếu niên sang Hồi giáo mà không có sự đồng ý của cha mẹ.
Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc một điều khoản như vậy sẽ “giúp chấm dứt hiện tượng ngày càng phổ biến là những vụ mất tích của các cô gái Coptic, cũng như những vụ bỏ đạo để sang Hồi giáo của trẻ vị thành niên dưới ảnh hưởng của áp lực tình cảm hoặc bạo lực.
Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, các thiếu nữ Coptic dù bỏ nhà đi theo một người đàn ông Hồi giáo trẻ hoặc là bị bắt cóc thì cuối cùng họ thông báo cho cha mẹ mình biết là họ đã bị buộc chuyển sang đạo Hồi.
6. Các giám mục Ghana than thở về nạn phá thai trong giới trẻ vị thành niên dâng cao
Lo ngại trước sự gia tăng mạnh nạn nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, các Giám mục Công Giáo Ghana sẽ tổ chức một hội nghị vào tháng Tám với chủ đề “Thúc đẩy cuộc sống và các giá trị gia đình trước trào lưu văn hóa sự chết”. Nhật báo do nhà nước Ghana kiểm soát báo cáo như trên.
“Bạn sẽ ngạc nhiên trước tỷ lệ nạo phá thai được thực hiện ngay cả với các trẻ em gái ở các trường trung học cơ sở”, Đức Cha Joseph Afrifah-Agyekum, là Giám Mục giáo phận Koforidua nói. “Tất cả mọi thứ được sử dụng để chấm dứt sự sống của thai nhi trong bụng mẹ.”
Ngài nói thêm:
“Nhận thức rằng Ghana đang ở trung tâm của cơn bão trong cuộc đấu tranh giữa hai nền văn hóa sự sống và văn hóa sự chết ở châu Phi, và nhận thấy nhu cầu cấp thiết cho Giáo Hội tại Ghana phải đứng dậy và thúc đẩy Tin Mừng sự sống, chống lại thứ văn hóa sự chết đang nổi lên ở nước ta, chúng tôi đã quyết định tổ chức hội nghị ủng hộ sự sống này”.
7. Đức Hồng Y Anthony Okogie khuyên người dân Nigeria nên kiên nhẫn với lãnh đạo mới
Đức Hồng Y Anthony Okogie, tổng giám mục nghỉ hưu của Lagos, Nigeria đã khuyên người dân nước này kiên nhẫn với tân Tổng thống Muhammadu Buhari khi ông này tấn công vào nạn tham nhũng và tìm cách đối phó với các mối đe dọa từ bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.
Tổ chức thánh chiến Hồi Giáo này phải chịu trách nhiệm về vụ nổ bom ở Nigeria và Cameroon giết chết 53 người vào ngày 22 và 23 tháng 7 vừa qua.
“Một người lính tốt luôn có những chiến thuật,” Đức Hồng Y Okogie nói “Họ dành thời gian để suy tính chứ không chỉ nhảy vô làm liều.”
Niềm hy vọng tràn trề nơi tổng thống Muhammadu Buhari, người đã nhậm chức hôm 29 tháng Năm đã bắt đầu bị xói mòn tại Nigeria sau những chiến thắng vang dội của bọn khủng bố Boko Haram trong suốt hai tháng qua.
Một phát ngôn viên của Giáo Phận Maiduguri, Nigeria, bày tỏ với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc những lo ngại cho tương lai của thành phố 1.2 triệu dân trong bối cảnh những chiến thắng dòn dã của nhóm thánh chiến Boko Haram.
“Tốc độ của các cuộc tấn công Boko Haram trong vài tuần qua đã trở thành đáng lo ngại và nguy hiểm,” Cha Gideon Obasogie cho biết: “Nếu Boko Haram thành công trong việc tách chúng tôi khỏi phần còn lại của Nigeria, Maiduguri sẽ là một mồ chôn khổng lồ.”
8. Nepal: Dự thảo hiến pháp mới cấm cải đạo
Nepal là quốc gia phần lớn dân chúng theo Ấn Độ giáo. Trong tổng số 31,500,000 dân, 81.3% theo Ấn Giáo. Người Công Giáo chỉ chiếm 1.2% dân số sinh hoạt trong miền Giám Quản Tông Tòa Nepal dưới sự coi sóc của Đức Cha Paul Simick và 78 linh mục trong đó 60 vị là các linh mục dòng.
Tuần qua nước này đã công bố một dự thảo hiến pháp mới trong đó cấm cải đạo. Theo dự thảo, “không người nào được cải đạo bất kỳ ai từ một tôn giáo này sang một tôn giáo khác, hoặc làm phiền hay gây nguy hiểm cho các thành viên của tôn giáo khác. Các hành vi như thế được xem là các hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị trừng trị theo pháp luật.”
Cha Silas Bogati, tổng đại diện Tông Tòa Giáo phận Nepal, đã nói với Catholic News Service rằng “Kitô giáo không được công nhận như là một tôn giáo ở đây, không giống như Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Hồi giáo.”
“Do đó, Giáo Hội không thể được đăng ký như một cơ quan pháp luật, và chúng tôi không thể mua bất động sản.” Ngài nói thêm. “Chúng tôi bị trói tay chân vì những luật lệ như thế này.”
Dù bị kỳ thị nặng nề, 155 nữ tu Nepal vẫn hoạt động mạnh trong các lĩnh vực giáo dục và bác ái.
9. Các Giám Mục Ba Lan tố cáo luật mới cho phép tài trợ việc thụ tinh trong ống nghiệm
Các giám mục Công Giáo Ba Lan đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích một luật mới theo đó chính phủ sẽ tài trợ cho việc thụ tinh trong ống nghiệm.
Các giám mục nói rằng các ngài “vô cùng thất vọng và đau khổ” trước việc thông qua dự luật mới, được Tổng thống Bronislaw Komorowski ký ban hành ngày 22 tháng 7. Việc thông qua luật này cho thấy hàng giáo sĩ tại Ba Lan đã thất bại trong cố gắng rất lớn của các ngài nhằm ngăn chặn luật này. Tổng thống Komorowski, người thường xuyên va chạm với các Giám Mục Ba Lan sau khi mất ghế tổng thống trong cuộc tái cử vào tháng Năm vừa qua đã cố hết sức thông qua luật tài trợ cho thụ tinh trong ống nghiệm bằng mọi giá.
Các giám mục cảnh cáo rằng:
“Trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra thuộc về các nhà lập pháp đã ủng hộ và chấp thuận luật này, cũng như các viên chức quản lý các tổ chức các dịch vụ y tế sử dụng phương pháp này”.