Ngày 12 tháng 6 vừa qua, Đức HY Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Thờ Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, có viết một bài trên tờ L’Osservatore Romano về Thánh Lễ Hướng Đông (Ad Orientem). Ngoài việc cho rằng ở một số phần trong lễ qui, cộng đoàn phụng vụ có thể quay vế hướng Đông ra, ngài còn đề cập tới nhiều hình thức hoặc cử chỉ phụng vụ bất xứng với tinh thần Vatican II. Chúng tôi xin phóng dịch sau đây dựa vào bản tiếng Anh của Michael J. Miller đăng trên Catholic World Report ngày 15 tháng 6.

Năm mươi năm sau ngày Đức GH Phaolô VI công bố, liệu Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II có đã được đọc dứt khoát hay chưa? Sacrosanctum Concilium thực ra không phải chỉ là một danh mục các “công thức” để cải tổ, nhưng là một Đại Hiến Chương đích thực cho mọi hành động phụng vụ.

Trong đó, Công Đồng cho ta một bài học có tính huấn quyền về phương pháp luận. Thực vậy, không hề chỉ bằng lòng với cách tiếp cận có tính kỷ luật và bề ngoài đối với phụng vụ, Công Đồng muốn chúng ta chiêm niệm chính yếu tính của phụng vụ. Thực hành của Giáo Hội luôn luôn phát sinh từ điều Giáo Hội nhận lãnh và chiêm niệm trong mạc khải. Thừa tác mục vụ không thể tách biệt khỏi tín lý.

Trong Giáo Hội, “hành động được điều hướng về chiêm niệm” (xem số 2). Hiến Chế của Công Đồng mời gọi ta tái khám phá nguồn gốc Ba Ngôi của công tác phụng vụ. Thực vậy, Công Đồng ấn định rằng có một sự liên tục giữa sứ mệnh của Chúa Kitô Cứu Chuộc và sứ mệnh phụng vụ của Giáo Hội. “Như Chúa Kitô đã được Chúa Cha sai thế nào, thì Người cũng sai các Tông Đồ như thế” để “nhờ lễ hy sinh và các bí tích mà quanh đó toàn bộ sinh hoạt phụng vụ xoay vần” các ngài có thể “hoàn tất công trình cứu rỗi” (số 6).

Thi hành phụng vụ, do đó, cũng là một với việc chu toàn công trình của Chúa Kitô. Xét trong yếu tính, phụng vụ là “actio Christi”: tức “công trình của Chúa Kitô trong việc cứu chuộc nhân loại và hoàn toàn tôn vinh Thiên Chúa” (số 5). Người là thầy cả thượng phẩm vĩ đại, là chủ thể thực sự, là người chủ đạo chân chính của phụng vụ (xem số 7). Nếu không dùng đức tin để chấp nhận nguyên tắc hết sức quan trọng này, ta liều mình biến phụng vụ thành công trình của con người, tự nó là một cử hành của cộng đồng.

Trái lại, công việc có thực chất của Giáo Hội là bước vào hành động của Chúa Kitô, là tham gia vào công việc Người vốn được Chúa Cha ủy nhiệm. Do đó, “tính viên mãn của việc thờ phượng Thiên Chúa đã được ban cho ta, vì nhân tính của Người, kết hợp với Ngôi Lời, chính là dụng cụ để cứu rỗi ta” (số 5). Do đó, đến lượt mình, Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, phải trở nên một dụng cụ trong tay Ngôi Lời.

Đó là ý nghĩa tối hậu của quan niệm chủ chốt trong Hiến Chế của Công Đồng: “participatio actuosa” (tham dự tích cực). Đối với Giáo Hội, việc tham dự này hệ ở việc trở nên dụng cụ của Chúa Kitô Linh Mục, nhằm mục đích tham dự vào sứ mệnh Ba Ngôi của Người. Giáo Hội tham dự tích cực vào công trình phụng vụ của Chúa Kitô bao lâu còn là khí cụ của Người. Theo nghĩa này, kiểu nói “cộng đồng cử hành” có những hàm hồ của nó và buộc ta phải thận trọng (xem Chỉ Thị Redemptoris sacramentum, số 42). Do đó, việc "participatio actuosa” này không được hiểu là cần phải làm một điều gì đó. Về điểm này, giáo huấn của Công Đồng thường hay bị bóp méo. Thực ra, đây là vấn đề để Chúa Kitô dùng ta và liên kết ta với lễ hy sinh của Người.

Việc “participatio” trong phụng vụ phải được hiểu như một ơn thánh do Chúa Kitô ban, Đấng “luôn liên kết Giáo Hội với chính Người” (Sacrosanctum Concilium, 7). Người là Đấng có sáng kiến và có quyền tối thượng. Giáo Hội “kêu cầu Chúa mình, và qua Người, dâng sự thờ phượng lên Chúa Cha Trường Cửu” (số 7).

Bởi thế, linh mục phải trở nên dụng cụ để Chúa Kitô tỏa sáng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô vừa nhắc nhở gần đây, vị cử hành không làm chủ màn trình diễn, ngài không được tìm thiện cảm của cộng đoàn bằng cách tự sắp đặt mình ở đàng trước cộng đoàn như thể là phát ngôn viên chính của nó. Trái lại, vào sâu tinh thần của Công Đồng có nghĩa phải tự xóa bỏ mình, từ khước trở thành tâm điểm của chú ý.

Trái với điều thường hay được duy trì, và hoàn toàn phù hợp với Hiến Chế của Công Đồng, điều hoàn toàn thích đáng là trong nghi thức thống hối, hát kinh Sáng Danh, các lời nguyện và kinh nguyện Thánh Thể, mọi người, cả linh mục lẫn tín hữu, cùng quay về hướng đông, để tỏ bầy ý muốn tham dự vào công việc thờ phượng và cứu chuộc đã được Chúa Kitô hoàn thành. Lối cử hành này rất có thể được thi hành tại các nhà thờ chính tòa, nơi sinh hoạt phụng vụ cần phải nêu gương (xem số 41).

Dĩ nhiên, có những phần khác của Thánh Lễ trong đó linh mục, hành động “in persona Christi Capitis” [“nhân danh Chúa Kitô Làm Đầu”], bước vào cuộc đàm đạo phu thê với cộng đoàn. Nhưng mục đích duy nhất của cuộc đàm đạo diện đối diện này là để dẫn tới cuộc đàm đạo diện đối diện với Thiên Chúa, là cuộc đàm đạo mà nhờ ơn Chúa Thánh Thần, sẽ trở nên cuộc đàm đạo lòng với lòng. Do đó, Công Đồng đã đề xuất nhiều phương thế khác để cổ vũ việc tham dự: “tung hô, đáp ca, hát thánh vịnh, tụng ca (antiphon), và thánh ca, cũng như các hành vi, cử chỉ và thái độ thân xác khác” (số 30).

Một lối giải thích quá vội vàng và quá ư con người đã khiến một số người kết luận rằng điều cần thiết là làm sao để tín hữu luôn bận bịu. Não trạng Tây Phương hiện thời, do kỹ thuật lên khuôn và không ngừng đuợc kích thích bởi các phương tiện truyền thông, từng cố gắng biến phụng vụ thành một công việc huấn giáo hữu hiệu và đáng làm. Trong tinh thần này, nhiều người đã cố gắng làm cho các buổi cử hành phụng vụ được vui vẻ theo kiểu chè chén. Các thừa tác viên phụng vụ, được thúc đẩy bởi các động lực mục vụ, đôi khi cố gắng huấn giáo bằng cách đưa các yếu tố phàm tục kiểu trình diễn buôn bán vào các buổi cử hành phụng vụ. Há đôi khi chúng ta đã không chứng kiến việc trăm hoa đua nở của những chứng từ, những màn biểu diễn và hoan hô đó sao? Họ nghĩ những điều này sẽ phát huy việc tham dự của tín hữu, trong khi thực ra, chúng đã giản lược phụng vụ thành cuộc cờ của con người.

Thomas Merton từng viết rằng “im lặng không phải là một nhân đức, tiếng động không phải là một tội lỗi, đúng thế, nhưng náo động, hỗn độn và lúc nào cũng ồn ào trong xã hội hiện đại” và trong một số cử hành Thánh Thể tại Phi Châu, “đều nói lên môi trường cho các tội lỗi lớn nhất của nó: tính vô thần thánh của nó, tính tuyệt vọng của nó. Một thế giới tuyên truyền, không ngừng tranh luận, chửi rủa phỉ báng, phê bình chỉ trích, hay chỉ đơn giản tán gẫu là một thế giới chẳng có gì để sống cho… Thánh Lễ trở nên cảnh huyên náo và hỗn độn; lời cầu nguyện trở thành tiếng động bên ngoài hay bên trong” (Thomas Merton The Sign of Jonas [San Diego: Harcourt, Inc., 1953, 1981]).

Chúng ta thực sự đang liều mình không còn dành chỗ nào cho Thiên Chúa trong các buổi cử hành của ta. Chúng ta đang sa vào cơn cám dỗ của người Do Thái trong hoang địa. Họ tìm cách tạo cho họ một hình thức thờ phượng theo qui mô của họ và theo tầm cỡ của họ, và ta đừng quên kết cục họ đã qùy lạy trước một ngẫu thần, con bò vàng.

Đã đến lúc bắt đầu lắng nghe Công Đồng rồi. Phụng vụ “trên hết mọi sự là việc thờ phượng sự uy nghi của Thiên Chúa” (số 33). Nó có giá trị huấn giáo bao lâu còn hoàn toàn hướng về việc vinh danh Thiên Chúa và thờ phượng Người. Phụng vụ thực sự đặt chúng ta trước nhan siêu việt của Thiên Chúa. Tham dự đích thực là đổi mới trong ta điều “thán phục” mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hết sức coi trọng (xem Ecclesia de Eucharistia, số 6). Sự thán phục thánh thiêng này, niềm kính sợ hân hoan này, đòi ta phải im lặng trước sự uy nghi của Thiên Chúa. Ta hay quên rằng sự im lặng thánh thiện là một trong các phương thế được Công Đồng ghi nhận để cổ xúy việc tham dự.

Nếu phụng vụ là công việc của Chúa Kitô, thì có cần vị cử hành phải chêm các nhận định riêng của mình vào đó hay không? Ta nên nhớ rằng khi sách lễ cho phép, thì việc chêm vào này không được trở thành một bài diễn văn phàm tục, về con người, ít nhiều tinh tế trong việc nhận định về thời cuộc, hay chào mừng có tính trần tục những người hiện diện, mà đúng hơn phải là lời khuyên bảo ngắn gọn dẫn người ta vào mầu nhiệm thánh (xem Dẫn Nhập Tổng Quát Vào Sách Lễ Rôma, số 50). Còn về bài giảng lễ, tự nó, nó luôn là một hành động phụng vụ với các qui luật riêng. Việc “participatio actuosa” vào công việc của Chúa Kitô giả thiết ta phải lìa bỏ thế giới phàm tục để bước vào “hành động thánh thiêng vượt xa mọi hành động khác” (Sacrosanctum Concilium, 7). Thực vậy, “chúng ta quả đã hơi ngạo mạn khi đòi được ở lại lãnh vực phàm tục lúc bước vào lãnh vực thần thiêng” (Robert Sarah, God or Nothing [San Francisco: Ignatius Press, 2015], chương IV).

Về phương diện trên, điều đáng tiếc là đền thánh trong các nhà thờ của ta không còn là nơi hoàn toàn dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa nữa, đến nỗi người ta vào đó với quần áo phàm tục, và nơi thánh không còn được khoa kiến trúc làm nổi bật nữa. Như Công Đồng vốn dạy, vì Chúa Kitô hiện diện trong lời của Người khi nó được công bố, thành thử cũng là điều tai hại không kém khi các người đọc sách thánh không ăn vận thích đáng để chứng tỏ rằng họ đang không đọc lời phàm trần mà là lời Thiên Chúa.

Phụng vụ là một thực tại, từ trong căn bản, vốn có tính huyền nhiệm và chiêm niệm, và do đó, vướt quá tầm với của hành động con người; cho dù việc tham dự của ta là một ơn thánh do Chúa Ban. Cho nên, về phần ta, nó giả thiết ta phải mở lòng mình ra đón nhận mầu nhiệm đang được cử hành. Bởi thế, Hiến Chế khuyến cáo ta hiểu trọn vẹn các nghi thức (xem số 34) và đồng thời, dạy rằng “tín hữu… nên có khả năng cùng nhau đọc hay hát bằng tiếng La Tinh những chỗ trong Phần Chung(ordinary) của Thánh Lễ vốn thuộc về họ” (số 54).

Thực vậy, hiểu được nghi thức không phải là công việc không cần giúp đỡ của một mình lý trí con người; việc này đòi phải nắm được mọi sự, hiểu được mọi sự, thông thạo mọi sự. Hiểu các nghi thức thánh là cái hiểu của “sensus fidei” (cảm thức đức tin), là cái hiểu nhờ thực hành đức tin sống động qua các biểu tượng và nhờ biết bằng cách sống hòa hợp theo hơn là bằng các ý niệm. Cái hiểu này giả thiết ta phải tiếp cận mầu nhiệm bằng thái độ khiêm cung.

Nhưng liệu người ta có can đảm theo Công Đồng xa đến thế hay không? Dù sao, lối giải thích trên, vốn được đức tin soi sáng, là điều nền tảng đối với việc phúc âm hóa. Thực vậy, “phụng vụ … cho những ai ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu hiệu được dương cao giữa các dân tộc; dưới dấu hiệu này mọi con cái tản mác khắp nơi trên thế giới được tụ về với nhau” (số 2). Nó phải ngưng việc trở thành một nơi bất tuân các chỉ thị của Giáo Hội.

Nói một cách chuyên biệt hơn, nó không thể là dịp để các Kitô hữu chia rẽ nhau. Các giải thích có tính biện chứng về Sacrosanctum Concilium, tức lối giải thích đứt đoạn theo chiều này hay theo chiều nọ, không phải là hoa trái của tinh thần đức tin. Công Đồng không có ý định đứt đoạn với các hình thức phụng vụ thừa hưởng được từ Thánh Truyền, nhưng đúng hơn, có ý định đánh giá chúng cách sâu sắc hơn. Hiến Chế tuyên bố rằng “bất cứ hình thức mới nào được chấp thuận phải, bằng cách này hay cách khác, phải phát triển một cách hữu cơ từ những hình thức đã có” (số 23).

Về phương diện trên, điều cần thiết là nên cử hành một số hình thức theo “usus antiquior” [kiểu cũ] và phải làm như thế không phải vì tinh thần chống đối mà là theo tinh thần của Sacrosanctum Concilium. Cũng thế, sẽ là một sai lầm khi coi Hình Thức Ngoại Thường của Nghi Lễ Rôma như phát xuất từ một nền thần học nào khác, vốn không phải là nền thần học của cuộc canh cải phụng vụ. Và điều cũng đáng ước mong là trong ấn bản tương lai của Sách Lễ nên thêm nghi thức thống hối và dâng của lễ theo lối cũ nhằm mục đích nhấn mạnh điều này: hai hình thức phụng vụ soi sáng cho nhau, một cách liên tục chứ không chống chọi nhau.

Nếu ta sống tinh thần trên, thì phụng vụ sẽ hết còn là nơi tranh chấp và chỉ trích nhau, ngõ hầu cuối cùng giúp ta tham dự một cách tích cực vào nền phụng vụ “được cử hành trong thành thánh Giêrusalem mà chúng ta vốn hướng về như những lữ khách, nơi Chúa Kitô ngự bên tay phải Thiên Chúa, là thừa tác viên nơi cực thánh và là nhà tạm đích thực” (số 8).