Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong các trại tỵ nạn với những nguồn viện trợ nhỏ giọt và thất thường, cùng với sự lụi tàn hy vọng được trở về cố hương trước những chiến thắng dòn dã của quân khủng bố Hồi Giáo IS, trong bối cảnh sự thờ ơ của thế giới, đã khiến hàng trăm ngàn người tị nạn tại Iraq, Syria và A Phú Hãn lũ lượt tìm đường vượt biên sang Âu Châu.
Theo những con số thống kê chưa đầy đủ 340,000 người tị nạn đã di dân bất hợp pháp vào Âu Châu trong 6 tháng đầu năm nay. Chỉ riêng trong tháng 7, con số người tị nạn tràn vào Âu Châu đã tăng vọt lên tới 107,500 người. Trong khi đó xác những người vượt biên bằng đường biển trôi bập bềnh vào bờ biển của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có ít nhất 2800 người đã chết trong vùng biển Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay.
Sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được tại thành phố Al-Qaryatayn, thiết lập guồng máy hành chính tại đây, đã có những lo âu theo đó các cường quốc phương Tây đang thỏa thuận với các cường quốc dầu hỏa trong vùng mượn tay quân khủng bố Hồi Giáo IS để thực hiện sách lược Hồi Giáo hóa khu vực. Làn sóng người tị nạn tràn vào Âu Châu càng tăng vọt và ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người tị nạn đánh nhau với công an biên phòng khi họ bị ngăn cản vượt qua biên giới.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9 tại quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các giáo xứ và các tổ chức Công Giáo trên toàn Âu Châu đón nhận người tị nạn.
Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.
Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành “những người thân cận của những người bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.
Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).
Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này.
2. Tuyên bố của cha Lombardi về lời của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các giáo xứ tại Âu Châu đón nhận người tị nạn
Buổi chiều Chúa Nhật 6 tháng 9, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo giải thích về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha và các Đức Thượng Phụ trong thế giới Ả rập nhiều lần tuyên bố “Không chấp nhận một Trung Đông không có các tín hữu Kitô”. Một số ký giả nêu câu hỏi có phải với lời kêu gọi này, Tòa Thánh thay đổi thái độ, chấp nhận một thực tế là các tín hữu Kitô không thể trụ lại trong vùng, và do đó chuyển sang phương án đón nhận họ vào Âu Châu.
Cha Federico Lombardi nhấn mạnh rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha chỉ nên hiểu là lời mời gọi thể hiện tình đoàn kết và các phản ứng sáng tạo và quảng đại trước cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra khi chúng ta chuẩn bị cho Năm Thánh của Lòng Thương Xót, một sự chuẩn bị phải đi vào cuộc sống thông qua các công việc bác ái cụ thể. Cha Lombardi nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha không phải là đang đề cập đến các công việc chuẩn bị về tổ chức hay hậu cần”.
Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Maronite từ Li Băng cũng lặp lại quyết tâm “Không chấp nhận một Trung Đông không có các tín hữu Kitô”.
Ngài nói:
“Chúng ta biết rằng một thế giới Ả rập không có tín hữu Kitô sẽ là một tai họa cho cả Ðông lẫn Tây phương, bởi vì Ả rập sẽ không còn là một nền văn hóa đa diện, mà sẽ bị nuốt chửng bởi văn hóa tôn giáo của Hồi giáo. Cả Hồi Giáo lẫn Âu châu đều không thể sống trong một hoàn cảnh như thế”
Cha Lombardi nói thêm rằng khi Đức Thánh Cha nói về các giáo xứ, ngài muốn đưa ra lời kêu gọi đến toàn bộ cộng đồng giáo xứ được thiết lập trên thực tại địa phương, chứ không chỉ nhắm đến các linh mục giáo xứ và nhà xứ của các linh mục.
Cha Lombardi nhận xét rằng cộng đoàn giáo xứ sẽ có thể tìm ra cách tốt nhất để thực hiện lời kêu gọi này.
Và khi Đức Thánh Cha nói đến “các cộng đoàn dòng tu” ngài đang sử dụng các từ ngữ mạnh mẽ đã từng sử dụng khi ngài đến thăm “Centro Astalli” là Trung tâm tị nạn ở Rôma do các linh mục dòng Tên điều hành.
Đây là những lời của Đức Giáo Hoàng trong dịp đó: “Chúa đã kêu gọi chúng ta sống với lòng can đảm và lòng hiếu khách quảng đại hơn trong các cộng đoàn, trong các nhà và trong các tu viện không dùng đến. Anh chị em nam nữ tu sĩ thân mến, các tu viện không dùng đến của anh chị em không có ích gì cho Giáo Hội nếu chúng được biến thành khách sạn để kiếm tiền. Các tu viện không dùng đến không thuộc về anh chị em, nhưng là xác thịt của Chúa Kitô cho những người tị nạn. Chúa mời gọi chúng ta sống với lòng can đảm và rộng lượng lớn hơn, để đón nhận những người tị nạn trong cộng đoàn, nhà ở và các tu viện bỏ hoang. Điều này tất nhiên không phải là một điều gì đó đơn giản; nó đòi hỏi một tiêu chuẩn và trách nhiệm, nhưng cả lòng can đảm nữa. Chúng ta làm rất nhiều, nhưng có lẽ chúng ta được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa, chấp nhận và chia sẻ với những người mà Chúa Quan Phòng đã gởi đến cho chúng ta phục vụ cụ thể”. (Ngày 10 tháng 9 2013)
Cuối cùng, Cha Lombardi giải thích rằng “hai giáo xứ” Đức Giáo Hoàng đề cập đến bên trong Vatican là giáo xứ Santa Anna và Đền Thờ Thánh Phêrô. Cha nói rằng hai giáo xứ này là những thực tại vô cùng khác nhau và mỗi giáo xứ sẽ tìm cách riêng của mình để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng.
3. Trong thánh lễ với các vị Thượng Phụ và Giám Mục Armenia, Đức Thánh Cha nói: Các Kitô hữu đang bị bách hại với một sự im lặng đồng lõa
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ sáng thứ Hai mùng 7 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, với Đức Thượng Phụ tân cử Cilicia của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia, và Đức Tổng Giám Mục Gregoriô Phêrô Ghabroyan thứ 20, cũng như với các Giám Mục của Thượng Hội Đồng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương.
Trong bài giảng sau các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã nói về tình trạng nhiều Kitô hữu trên thế giới đang tiếp tục bị bách hại với sự im lặng đồng lõa của nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc trên thế giới. Thậm chí ngày nay, “các tín hữu Kitô còn bị bách hại trầm trọng hơn trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội. Họ bị giết, đuổi ra khỏi nhà, bị cướp, bị bóc lột, chỉ vì họ là Kitô hữu”
Ngài nói:
“Anh em thân mến, không có Thiên Chúa giáo nếu không có bách hại. Hãy nhớ đến mối phúc cuối cùng trong Tám Mối Phúc Thật: [Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.] Nếu người ta tống cổ anh em ra khỏi hội đường, ngược đãi anh em, chửi rủa anh em, anh em hãy biết đó là số phận của một Kitô hữu. Ngày nay cũng vậy, điều này xảy ra trước mắt thế giới, với sự im lặng đồng lõa của nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc là những người có thể ngăn chặn điều đó. Chúng ta đang đối mặt với số phận của người Kitô hữu, đó là đi trên cùng một con đường Chúa Giêsu đã đi qua”.
Đức Thánh Cha nhắc lại: “Một trong những cuộc bách hại rất lớn: đó là cuộc thảm sát những người Armenia. Đây là quốc gia đầu tiên cải đạo sang Thiên Chúa giáo: nước đầu tiên. Họ đã bị đàn áp chỉ vì là các Kitô hữu. Những người Armenia đã bị đàn áp, bị đuổi ra khỏi quê hương của họ, không nơi nương tựa, chết trong sa mạc.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Câu chuyện này đã bắt đầu với Chúa Giêsu. Những gì họ đã làm với Chúa Giêsu, thì họ đã lập lại trong suốt quá trình lịch sử trên chính nhiệm thể của Ngài, là Giáo Hội.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Hôm nay, trong Phụng Vụ Thánh Thể đầu tiên của tôi với anh em như những anh em Giám Mục với nhau, các anh em Giám Mục và Thượng Phụ và tất cả các tín hữu Armenia và các linh mục thân mến, tôi muốn ôm anh chị em vào lòng và tưởng nhớ cuộc bách hại này mà anh chị em đã phải gánh chịu, trong khi nhớ đến những người thánh thiện, đến cơ man những vị thánh của anh chị em là những người đã phải chết vì đói, vì lạnh, vì bị tra tấn, vì bị đầy vào hoang địa chỉ vì là Kitô hữu. "
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ cuộc đàn áp rộng lớn hơn mà các Kitô hữu ngày nay đang phải chịu. “Ngay trong thời đại chúng ta đây, trên các tờ báo, chúng ta đọc thấy những kinh hoàng do những nhóm khủng bố gây ra, như cắt cổ họng những người chỉ vì họ là Kitô hữu. Chúng ta hãy nghĩ về các vị tử đạo Ai Cập, gần đây, trên bờ biển Libya, những người đã bị giết hại trong khi kêu tên Chúa Giêsu.”
Đức Thánh Cha đã cầu nguyện xin Chúa “ban cho chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Kitô, là Đấng đã vác Thánh Giá, Thánh Giá của bách hại, Thánh Giá của hận thù, Thánh Giá xuất phát từ sự giận dữ của những kẻ bắt bớ - một sự tức giận được khuấy động bởi ma quỷ là ‘cha của mọi điều gian ác’”.
“Nguyện xin Chúa, ngày hôm nay đây làm cho chúng ta cảm thấy trong cơ thể của Giáo Hội một tình yêu dành cho các vị tử đạo của chúng ta, và cả ơn gọi tử đạo. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng ta không biết. Chỉ xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nếu cuộc bức hại này xảy ra một ngày nào đó, thì chúng ta có lòng dũng cảm và có thể làm chứng cho Chúa như tất cả các vị tử đạo Kitô giáo, và đặc biệt là như các Kitô hữu người Armenia.”
4. Đức Thánh Cha tiếp 40 Giám Mục Bồ Đào Nha
Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám Mục Bồ Đào Nha tiếp tục đẩy mạnh công trình loan báo Tin Mừng mặc dù có nhiều thách đố trong Giáo Hội địa phương.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài huấn dụ trao cho 40 Giám Mục Bồ Đào Nha về thăm Tòa Thánh và được Đức Thánh Cha tiếp kiến chung sáng thứ Hai 7 tháng 9.
Sau khi đề cao những điểm sáng của Giáo Hội tại Bồ trong phúc trình của các Giám Mục nước này, Đức Thánh Cha viết: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy kiên trì trong quyết tâm loan báo Tin Mừng liên lỷ và có phương pháp, với xác tín rằng việc huấn luyện đích thực cho lương tâm, theo tinh thần Kitô, là một trợ lực hết sức quan trọng và không thể thiếu được cho sự trưởng thành về xã hội và cho cuộc sống quân bình tại Bồ Đào Nha. Với niềm tín thác sâu xa nơi Thiên Chúa, anh em đừng nản chí trước những tình trạng tạo nên sự ngỡ ngàng và cay đắng, ví dụ nhiều giáo xứ xa xút đang cần khơi lại niềm tin khi lãnh nhận bí tích rửa tội, để mang lại cho mỗi cá nhân và cộng đoàn tín hữu ý thức về sự mang của mình.”
Đức Thánh Cha nói thêm:
Có những giáo xứ nhiều khi co cụm và khép kín vào cha sở và thiếu các linh mục, cần có tinh thần cởi mở và hiệp thông sinh động hơn. Có một số linh mục miệt mài làm việc mục vụ mà không vun trồng đời sống cầu nguyện và đời sống tâm linh sâu xa, vốn là điều thiết yếu đối với công cuộc loan báo Tin Mừng.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến hiện tượng nhiều người trẻ ở Bồ Đào Nha không thực hành đạo nữa, sau khi lãnh nhận bí tích thêm sức, họ không được huấn luyện về đời sống Kitô, sự huấn luyện này có thể giúp họ tránh được những tình trạng gia đình bất hợp lệ trong tương lai. Sau cùng, cần có sự hoán cải bản thân và mục vụ của các vị mục tử và các tín hữu, cho đến khi nào mỗi người có thể thành thực và vui mừng nói rằng: Giáo Hội chính là nhà của chúng ta”.
Giáo Hội Công Giáo tại Bồ Đào Nha có 9 triệu 500 ngàn tín hữu trên tổng số 10 triệu dân cư, thuộc 3 giáo tỉnh với 21 giáo phận.
Từ đây đến cuối năm, còn 2 Hội Đồng Giám Mục sẽ về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, đó là Hội Đồng Giám Mục Đức từ ngày 18 tháng 9 tới đây và Hội Đồng Giám Mục Slovak từ ngày 14 tháng 11
5. 4 ngàn tu sĩ nam nữ trẻ sẽ tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế tại Rôma
Khoảng 4 ngàn tu sĩ nam nữ trẻ sẽ tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế từ ngày 15 đến 19-9-2015 tại Roma do Bộ các Dòng Tu tổ chức nhân dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến.
Cuộc gặp gỡ có chủ đề là “Hãy đánh thức thế giới - Tin Mừng, Ngôn Sứ và Hy Vọng”, với sự tham dự của những người trẻ thánh hiến đến từ 5 châu. Mục đích cuộc gặp gỡ là để sống một kinh nghiệm huấn luyện, qua sự đào sâu các yếu tố cơ bản của đời sống thánh hiến về mặt Kinh Thánh, thần học đoàn sủng và Giáo Hội học. Đây cũng là cơ hội để các tu sĩ trẻ trao đổi về thực tại bản thân, những ước muốn và mong đợi về mặt huấn luyện. Sau cùng là để cử hành và làm chứng về vẻ đẹp ơn gọi của mình.
Trong 5 ngày gặp gỡ, mỗi sáng các tu sĩ sẽ tụ họp tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican để lắng nghe và suy tư về các đề tài ơn gọi, đời sống huynh đệ và sứ vụ. Ban chiều, họ họp nhau tại các nơi khác nhau ở Roma để đối thoại và chia sẻ. Chiều tối họ có thể tham gia những lộ trình được đề nghị như: con đường loan báo hay là đêm thừa sai tại trung tâm Roma; con đường gặp gỡ: cụ thể là gặp một số tổ chức xã hội Công Giáo như Caritas, Cộng đồng thánh Egidio, Talitha Kum); con đường mỹ thuật với các cuộc viếng thăm Bảo tàng viện Vatican và Nhà nguyện Sistina.
Thông cáo của Bộ các dòng tu cho biết có 3 sinh hoạt được mở rộng cho tất cả mọi người:
- Trước tiên là buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường thánh Phêrô lúc 8 giờ rưỡi tối ngày 15-9 do Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, người Tây Ban Nha thuộc dòng Phanxicô, Tổng thư ký Bộ các dòng tu;
- Thứ hai là thánh lễ do Đức Hồng Y Tổng trưởng João Braz de Aviz, người Brazil, chủ sự lúc 11 giờ rưỡi sáng thứ Bẩy 19-9 tại Đền thờ Thánh Phêrô.
- Sau cùng là đêm âm nhạc và chứng từ tại Quảng trường thánh Phêrô lúc 8 giờ rưỡi tối ngày thứ sáu 18-9.
Thứ Bẩy 19-9 sẽ là ngày đại tưởng niệm các vị thánh và các vị tử đạo của Đời sống Thánh Hiến: đây là một cuộc tuần hành cầu nguyện, khởi hành từ Nhà thờ Đức Mẹ ở Aracoeli cạnh Quảng trường Venezia ở trung tâm Roma, tiến qua Nhà tù Mamertino và Fori Imperiali để tới hý trường Colosseo
6. Đức Thánh Cha gặp gỡ phong trào “Các tổ truyền giáo của giáo xứ”
Sáng thứ Bẩy, 5 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 5 ngàn thành viên đến từ các nơi trên thế giới thuộc Phong trào “Các tổ truyền giáo của giáo xứ”.
Phong trào này được linh mục Pi.Gi. Perini, một cha sở ở Milano, bắc Italia thành lập ở Milano năm 1987 và nay đã lan rộng ra các nơi trên thế giới, cả những nước như Trung Quốc, Brazil, Tân Caledonie, Burkina Faso, nhiều ước Âu Châu. Quy chế của Phong trào được Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân phê chuẩn chung kết hồi tháng 4 năm 2015. Trong số 5 ngàn người dự buổi tiếp kiến sáng hôm qua, có 1 ngàn người đến từ nước ngoài.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhiệt liệt khuyến khích các “Tổ truyền giáo của giáo xứ” tiếp tục là những hạt giống nhờ đó cộng đoàn giáo xứ tự hỏi về bản chất truyền giáo của mình. Để được vậy, cần lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh tiếp tục nói với Giáo Hội và thúc đẩy tìm ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Anh chị em hãy khuyến khích cộng đoàn giáo xứ trở thành một gia đình trong đó có thực tại phong phú và đa dạng của Giáo Hội” (LG 8).. Gặp nhau trong các tư gia để chia sẻ niềm vui và những mong đợi trong tâm hồn mỗi người. Đó thực là một kinh nghiệm chân thực về việc loan báo Tin Mừng, như thời Giáo Hội sơ khai”.
Sau cùng Đức Thánh Cha khích lệ các tổ truyền giáo của giáo xứ hãy tăng cường đời sống cộng đồng, có khả năng tiếp đón mọi người không phân biệt ai. Ngài nói thêm rằng: “Tôi khuyến khích anh chị em hãy biến Thánh Thể thành con tim sứ mạng truyền giáo của mình, để mỗi tổ truyền giáo là một cộng đoàn Thánh Thể.. trong đó anh chị em tìm được sức mạnh để đề nghị vẻ đẹp của đức tin, vì Thánh Thể làm cho chúng ta cảm nghiệm tình thương vô biên, và mang lại một dấu chỉ cụ thể chứng tỏ Giáo Hội là “Nhà Cha trong đó có chỗ cho mỗi người có đời sống vất vả” (Evangelii Gaudium, 47)
7. 140 Giám Mục Chính Thống từ các nơi trên thế giới nhóm họp tại Istanbul
140 Giám Mục Chính Thống từ các nơi trên thế giới đã nhóm họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để chuẩn bị cho Công đồng Liên Chính Thống giáo khai mạc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm tới, 2016.
Các Giám Mục tựu về đây theo lời mời của Đức Thượng Phụ Bartholômêô, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople và cũng là Giáo Chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Ngày 1 tháng 9, các Giám Mục cử hành ngày cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên, ngày mà Giáo Hội Công Giáo cử hành lần đầu tiên, tại Đền thờ Thánh Phêrô và các nơi khác.
Công đồng Chính Thống vào năm tới sẽ là Công đồng Liên Chính Thống giáo đầu tiên từ hơn 10 thế kỷ. Công đồng chung lần chót với sự tham dự của các Giám Mục Đông và Tây là Công đồng Nicea năm 787.
Công đồng Liên Chính Thống giáo đã được đề nghị từ năm 1961, nhưng cho đến nay chưa tiến hành được. Vì nhiều tranh luận không được giải quyết, nên có nhiều người nghi ngờ không biết Công đồng dự kiến vào năm tới có thể tiến hành được không. Cả việc chọn lựa các đề tài cũng là điều gây tranh luận. Giáo Hội Chính Thống Nga cho rằng Công đồng chỉ bàn về những đề tài được tất cả các Giáo Hội Chính Thống quốc gia đồng ý. Một vấn đề gây xung đột trầm trọng là những quan điểm khác nhau về các Giáo Hội Chính Thống ở Cộng hòa Ukraine và Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại nước này.
Ngoài ra Công đồng sẽ bàn về những vấn đề như lịch phụng vụ, và luật về hôn phối, giá trị bí tích rửa tội của các tín hữu Kitô khác, việc thành lập các Giáo Hội tự quản, xét vì các tín hữu từ những nước có truyền thống Chính Thống kỳ cựu ngày càng di cư sang Tây Phương và các nơi khác.
8. Người Công Giáo Do Thái biểu tình chống chính phủ cắt giảm trợ cấp giáo dục cho các trường
Một trong các nghĩa vụ chính yếu của nhà nước là giáo dục thế hệ trẻ. Khi nhà nước nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và tư nhân trong lãnh vực này, nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ cụ thể bằng tài chính để các cơ sở giáo dục không do nhà nước trực tiếp quản lý có thể sống nổi. Luật pháp Do Thái quy định như thế, tuy nhiên, trong những năm qua đã liên tiếp xảy ra những cắt giảm trong việc tài trợ cho các trường Công Giáo tại Do Thái.
Từ đầu tháng 9 đến nay, người Công Giáo Do Thái ở Nazareth đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối các chính sách cắt giảm này của chính phủ Israel.
Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, giám mục phụ tá Tòa Thượng phụ nghi lễ La Tinh tại Giêrusalem đã dẫn đầu cuộc biểu tình cùng với một số linh mục và tu sĩ Công Giáo. Ngài cáo buộc rằng các chính sách của Israel đang đặt sự tồn tại tiếp tục của các trường Công Giáo dưới những nguy cơ diệt vong.
Có 47 trường Công Giáo ở Israel, giáo dục hơn 33,000 học sinh. Nhà nước hỗ trợ cho các trường học đã được giảm đi gần một nửa trong những năm gần đây.
9. Hội Đồng Giám Mục Pháp bày tỏ hy vọng “Mong sao cái chết của Aylan thức tỉnh lương tâm chúng ta”.
Hôm thứ Sáu 04 tháng 09 năm 2015, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã công bố một bản thông cáo, mang chữ ký của Đức Giám Mục Renauld de Dinechin, giám mục phụ tá Paris, đặc trách mục vụ cho người di dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Pháp, bày tỏ “nỗi buồn rất sâu sắc” khi được tin “tìm thấy xác cháu bé Aylan, 3 tuổi, trốn chạy khỏi Syria, tại một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thông cáo viết: “Hình ảnh cháu bé này đã gây nên một cảm xúc mạnh mẽ, tự nhiên và đau xót” và cho biết thêm “anh của Aylan (5 tuổi) và mẹ của hai cháu cũng đã chết và xác của họ cũng đã được tìm thấy trên bãi biển trong số 11 người tử nạn trong vụ đắm tầu này”.
Đức Giám Mục Dinechin nhắc lại rằng “Ðây cũng là cảm xúc về hàng ngàn người nam, nữ và trẻ em đã chết trong cuộc xuất hành, đi tìm một thế giới tốt đẹp hơn chính quê hương của họ”.
Đức Cha Dinechin còn nhấn mạnh: “Vào tháng Bảy năm 2013, trước thảm cảnh Lampedusa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới đây 'để thức tỉnh lương tâm chúng ta hầu cho điều đã xảy ra không còn tái diễn nữa'. Và ngài cảm thấy ngao ngán: “Thế mà hôm nay, điều đó lại tái diễn...”.
“Chúng ta biết, tình hình quả là phức tạp vì các quốc gia có quyền và bổn phận điều hòa các làn sóng di dân vào nước họ. Tuy nhiên, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các nghị sĩ châu Âu trong chuyến viếng thăm của ngài tại Strasbourg hồi tháng Mười Một năm 2014, rằng Liên hiệp châu Âu phải 'giúp đỡ và tiếp nhận' các di dân kéo tới biên giới của mình một cách bất hợp pháp. Trên bình diện châu Âu, cần phải triển khai các biện pháp bổ sung, các hành động mới, vượt lên trên những tính toán ích kỷ và sợ hãi”.
Thông cáo viết thêm: “Việc huy động này cũng phải được diễn ra ở mọi cấp độ của xã hội chúng ta, trên bình diện quốc gia, trên bình diện địa phương cũng như cá nhân” và nhấn mạnh tới “hành động của nhiều người đã dấn thân để cứu vớt và giúp đỡ các người di dân”.
Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Pháp tha thiết “kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo và người thiện chí trợ giúp và mở lòng trước những người anh em của mình để cuộc phiêu bạt của họ đi tìm một cuộc sống tốt hơn không còn dẫn họ tới cái chết”.
Ðối với Đức Cha Dinechin, “hình ảnh cháu bé Aylan cho chúng ta thêm ý thức về thực tại của các thảm kịch những người di dân đã phải trải qua” và “Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua các biến cố này và thức tỉnh lương tâm chúng ta”. Ngài nói thêm: “Chúng ta cần phải đọc ra ý nghĩa của các biến cố này trong cầu nguyện. Và Chúa Nhật 6 tháng Chín, trong nhiều nhà thờ, người Công Giáo chúng ta sẽ cầu nguyện”.
Đức Giám Mục phụ tá Paris bày tỏ mong muốn rằng: “Trong khi biến cố đau buồn này bộc lộ cho chính xã hội của chúng ta thấy những sự ích kỷ, những rối loạn chức năng và tính mỏng manh của nó... thì cũng sẽ làm mỗi người và tập thể phải giật mình”. Ngài nhấn mạnh: “Chính việc tiếp nhận con người mong manh dễ bị tổn thương, những người nghèo khổ nhất, người di dân, sẽ cứu xã hội chúng ta”.
Trong khi đó, Đức Giám Mục Jean-Michel Di Falco, giám mục Gap, cũng phổ biến một thông báo cho biết ngài “xấu hổ” trước tấm hình của cháu Aylan trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ và trước phản ứng “của báo chí Pháp, không như báo chí châu Âu, đã lờ đi tấm hình này”.
10. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Vienna lên tiếng trấn an những lo sợ về cuộc khủng hoảng người tị nạn Âu Châu
Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục thủ đô Vienna của Áo, cho biết ngài đã đến Nickelsdorf, một thị trấn nhỏ trên biên giới với Hung Gia Lợi, ngay sau khi 71 người di cư được phát hiện đã chết trong một chiếc xe tải trên đường cao tốc Budapest-Vienna.
Kêu gọi “lòng nhân đạo” đối với “những người còn sống là những người có những nỗi sợ hãi, lo lắng, hy vọng” như những người đã chết - Đức Hồng Y đã cảnh báo chống lại những hoảng sợ về cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu mà báo chí địa phương đưa ra.
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn Âu Châu hiện nay là một phần trong sách lược Hồi Giáo hóa Âu Châu khi những người Trung Đông, phần lớn theo Hồi Giáo, tràn ngập vào lục địa này.
Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi đón nhận người tị nạn, một giám mục Hung Gia Lợi nói với tờ Washington Post rằng Đức Giáo Hoàng “không nắm được tình hình”. Ngài nói những người di cư vào đất nước ngài “không phải là người tị nạn”.
“Đây là một cuộc xâm lược”, Đức Cha László Kiss-Rigo của giáo phận Szeged-Csanád nói thêm “Họ đến đây với tiếng những tiếng kêu Allahu Akbar. Họ muốn xâm lược.”
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Christoph Schönborn nói:
“Số người tị nạn đang vào Âu Châu chỉ là 1% trong số những người tị nạn trên thế giới và dù tất cả họ có được cấp quy chế tị nạn, họ chỉ chiếm 0.1% dân số của châu Âu.”
11. Huynh đoàn Thánh Piô 10 hoan nghênh cử chỉ hiền phụ của Đức Thánh Cha
Huynh đoàn Thánh Piô X đã hoan nghênh cử chỉ hiền phụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Huynh đoàn được nêu rõ trong bức thư ngài gửi Ðức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Tân Phúc âm hoá, về việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương xót.
Trong một thông cáo được phổ biến ngay trong ngày Toà Thánh công bố bức thư trên, tức là hôm thứ Ba 01 tháng Chín năm 2015, Huynh đoàn Thánh Piô X đã bày tỏ vui mừng về quyết định của Ðức giáo hoàng Phanxicô nhìn nhận là hợp pháp việc nhận lãnh ơn tha thứ do các linh mục thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X giải tội trong suốt Năm Thánh Lòng Thương xót.
Trong bức thư nói trên, Đức Thánh Cha viết:
“Một cân nhắc cuối cùng liên quan đến các tín hữu vì nhiều lý do đã chọn tham dự thánh lễ tại các nhà thờ điều hành bởi các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X. Năm Thánh Lòng Thương Xót không loại trừ một ai. Từ các miền khác nhau, một số anh em giám mục nói với tôi về đức tin và việc thực hành các bí tích tốt đẹp của họ, tuy nhiên họ sống trong một tình trạng áy náy về mục vụ... Trong khi tìm một giải pháp tái lập sự hiệp thông trọn vẹn với các linh mục và các vị bề trên của Huynh đoàn, tôi qui định rằng những tín hữu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khi đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải nơi các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X, thì họ lãnh nhận ơn xá giải các tội lỗi của họ một cách hữu hiệu và thành sự.”
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thư trên, Đức Thánh Cha cũng ban cho tấc cả các linh mục năng quyền tha tội phá thai trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài viết:
“Tôi quyết định ban phép cho tất cả các linh mục, trong Năm Thánh, được giải tội phá thai cho những người đã gây ra và nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ. Các linh mục hãy chuẩn bị thi hành công tác quan trọng này, hãy biết liên kết những lời đón tiếp chân thành với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và chỉ dẫn con đường hoán cải đích thực để đón nhận sự tha thứ chân thực và quảng đại của Chúa Cha, Đấng đổi mới mọi sự bằng sự hiện diện của Ngài.”
12. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Israel.
Hôm thứ Năm 03 tháng 09 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ông Reuven Rivlin, Tổng thống Israel. Theo Phòng Báo chí Toà Thánh, cuộc hội kiến đã đề cập đến “tình hình chính trị-xã hội của khu vực đang có nhiều xung đột”, đặc biệt hai nhà lãnh đạo đã lưu tâm đến số phận của các Kitô hữu giáo và các nhóm thiểu số khác.
Hai vị nhấn mạnh “tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và việc các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia vào tiến trình hoà giải và xây dựng hoà bình”. Hai vị cũng đồng ý với nhau về “tầm quan trọng của sự phục hồi tin tưởng giữa người Israel và người Palestine, cũng như cấp thiết phải nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp, bàn về một thỏa thuận tôn trọng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước, đó sẽ là cơ sở cho nền hoà bình và ổn định của toàn khu vực”.
Cuối cùng là vấn đề về các mối quan hệ giữa Israel và Toà Thánh, cũng như các mối quan hệ tại địa phương giữa chính quyền và các cộng đồng Công Giáo, và “trong viễn tượng mong muốn sẽ đạt được một thỏa thuận song phương trong cuộc đàm phán và đi đến giải pháp cho một số điểm hai bên cùng quan tâm, như tình trạng của các trường học Kitô giáo ở Israel”.
Trong phần trao đổi quà tặng theo truyền thống, Ðức giáo hoàng Phanxicô tặng ông Rivlin một kỷ niệm chương bằng đồng mà trước đó ngài chưa bao giờ tặng cho vị khách nào. Tấm kỷ niệm chương gồm hai khối riêng biệt, ở giữa là một nhánh ô liu, dấu hiệu của hoà bình, xung quanh ghi hàng chữ: “Hãy tìm kiếm những gì hợp nhất, hãy vượt qua những gì chia rẽ”.
Còn Tổng thống Israel tặng Ðức giáo hoàng món quà bằng đá bazan trên đó có khắc một câu thánh vịnh, và ông giải thích: “Tôi nghĩ có lẽ rất thích đáng khi nhắc lại rằng Do Thái giáo và Kitô giáo có chung một nguồn gốc”.
13. Ðức Thánh Cha đề cao liên hệ chặt chữa giữa đạo lý và mục vụ.
Trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị thần học quốc tế ở Buenos Aires, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa đạo lý và mục vụ.
Hội nghị đã kết thúc hôm 3 tháng 9 năm 2015 sau 3 ngày tiến hành tại thủ đô nước Á Căn Đình, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân khoa thần học thuộc Ðại học Công Giáo Á Căn Đình và 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican 2.
Trong sứ điệp Video, Ðức Thánh Cha nhắc nhở đông đảo các tham dự viên Hội nghị rằng nhà thần học là người con của dân chúng, gặp gỡ con người với những lịch sử và truyền thống; nhà thần học là tín hữu đã cảm nguyện về Chúa Giêsu Kitô, và sau cùng nhà thần học là ngôn sứ, vì khi suy tư về truyền thống đã lành nhận từ Giáo Hội, họ duy trì sinh động ý thức về quá khứ, kiến tạo lời mời gọi hướng về tương lai, trong đó Chúa Giêsu đánh bại thái độ tự tham chiếu (autoreferenzialità) và thiếu hy vọng.
Về tương quan giữa đạo lý và mục vụ, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “nghiên cứu của nhà thần học có một giá trị quan trọng hàng đầu, nhưng không thể có một ý niệm thuần túy là đạo lý, tách rời khỏi mục vụ. Các Giáo Phụ như các thánh “Irênê, Augustino, Basilio, Ambrogio” là những đại thần học gia, vì các ngài là các đại mục tử.
Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự gặp gỡ với các gia đình, người nghèo, những người sầu khổ, những người ở ngoại biên, đó là những con đường để hiểu rõ hơn về đức tin. “Những nhu cầu của dân chúng, những lo âu, ước mơ, các cuộc đấu tranh và lo lắng của họ có một giá trị giải thích mà chúng ta không thể làm ngơ không biết đến”.
14. Tòa Thánh dè dặt đối với một số điểm trong chương trình Liên Hiệp Quốc.
Tòa Thánh bày tỏ sự dè dặt đối với một số điểm trong chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc sau năm 2015, có thể hiểu là cho phép phá thai và xóa bỏ khác biệt tự nhiên giữa nam nữ.
Chương trình này mang tựa đề “Biến đổi thế giới chúng ta: chương trình hành động 2030 để phát triển dài hạn”, được thông qua trong những ngày qua tại Liên Hiệp Quốc ở New York.
Lên tiếng về chương trình này, Sứ bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc đã tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh về tương quan vợ chồng giữa một người nam và một người nữ, các phương pháp làm cha làm mẹ trong tinh thần trách nhiệm đứng trước những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình không tôn trọng tự do và phẩm giá con người; “gender” (giống) của con người được hiểu như một từ ngữ dựa trên căn tính tính dục sinh lý nam nữ; ưu tiên của cha mẹ trong việc giải dục con cái.
Tuy Tòa Thánh đồng ý với một số mục tiêu và một số điểm trong Chương trình của Liên Hiệp Quốc, nhưng Tòa Thánh tỏ ra dè dặt về một số ý niệm trong văn kiện. Ví dụ thành ngữ “sức khỏe tính dục và sinh sản” và “các quyền sinh sản” được văn kiện của Liên Hiệp Quốc sử dụng với một nghĩa quá rộng lớn, và chúng có thể bị người ta dựa vào đó để cổ võ phá thai và sử dụng các thuốc phá thai như phương thế kế hoạch hóa gia đình, không tôn trọng tự do của các đôi vợ chồng, phẩm giá cũng như các nhân quyền của những người liên hệ.
Những lập trường trên đây đã được Tòa Thánh khẳng định trong dịp Hội nghị thế giới kỳ 4 ở Bắc Kinh về phụ nữ.
Sứ bộ Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc cho biết về vấn đề giáo dục, thông tin và tính dục, Tòa Thánh nhấn mạnh trách nhiệm đầu tiên và các quyền ưu tiên của các cha mẹ đối với con cái, kể cả quyền tự do tôn giáo. Theo ý nghĩa đó, Tòa Thánh nhấn mạnh vị thế trung tâm của gia đình như nòng cốt tự nhiên và cơ bản của xã hội.
15. Ðức Thánh Cha kêu gọi các linh mục thuộc Tu hội Schoenstatt giúp các gia đình.
Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Linh Mục thuộc Tu hội Schoenstatt chăm sóc các gia đình và dành nhiều thời giờ hơn cho việc giải tội nhân dịp Năm Thánh Lòng thương xót.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3 tháng 9 năm 2015 dành cho 50 tham dự viên tổng tu nghị của tu hội, dưới sự hướng dẫn của Cha Juan Pblo Catoggio người Á Căn Đình, tân bề trên Tổng Quyền.
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa và nhắn nhủ các Linh Mục của tu hội Schoenstatt tăng cường việc chiêm niệm và đời sống phụng vụ, phục vụ đồng hành với tha nhân và sống tình huynh đệ linh mục. Rồi ngài chân thành xin các Linh Mục Schoenstatt: trước tiên hãy tháp tùng và chăm sóc các gia đình để họ sống một cách thánh thiện giao ước tình yêu và sự sống, nhất là những gia đình đang trải qua những lúc khủng hoảng hoặc khó khăn.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến bí tích hòa giải trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài nói:
Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến, hãy dành nhiều giờ cho bí tích hòa giải. Ước gì trong các cộng đoàn của tu hội, anh em hãy trở thành những chứng nhân về lòng thương xót và dịu hiền của Thiên Chúa”.
Phong trào Schoenstatt do cha Josef Kentenich (1885-1968) người Ðức sáng lập năm 1914 và đến năm 1965 thì tu hội đời các Linh Mục Schoenstatt được chính thức thành lập tại giáo phận Fulda bên Ðức, rồi được Tòa Thánh công nhận năm 1988.
16. Ðức Thánh Cha kêu gọi: Ðừng bao giờ chiến tranh nữa!
Nhân kỷ niệm 70 năm chấm dứt thế chiến thứ hai tại Á Châu, Ðức Thánh Cha Phanxicô tái khẩn cầu Thiên Chúa ban hòa bình cho nhân loại trước những cuộc chiến tranh đẫm máu ngày nay.
Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 2 tháng 9 năm 2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha nói:
“Trong những ngày này, ở Viễn Ðông cũng kỷ niệm kết thúc Thế Chiến thứ hai. Tôi tái dâng lên vị Chúa Tể của tất cả mọi người lời khẩn nguyện sốt sắng để, nhờ lời chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria, thế giới ngày nay không còn phải trải qua những kinh khiếp và đau khổ kinh khủng vì những thảm trạng như thế nữa. Nhưng thế giới đang trải qua những đau khổ ấy! Ðây cũng là khát vọng trường kỳ của các dân tộc, nhất là những dân tộc đang là nạn nhân của các cuộc xung đột đẫm máu.”
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Các nhóm thiểu số bị bách hại, các Kitô hữu bị bách hại, sự phá hủy điên rồ, và rồi những kẻ chế tạo và buôn bán võ khí, các võ khí đẫm máu của bao nhiêu người vô tội. Không bao giờ chiến tranh nữa! Ðó là tiếng kêu thống thiết từ tâm hồn chúng ta và tâm hồn của tất cả mọi người nam nữ thiện chí lên tới Vị Vua Hòa Bình”.
Thế chiến thứ 2 kéo dài 5 năm, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 1939 và kết thúc tại Âu Châu ngày 8 tháng 5 năm 1945 với sự đầu hàng của Ðức, và tại Á châu ngày 2 tháng 9 cùng năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật Bản. Ðây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại với tổng cộng từ 55 đến 60 triệu người chết, trong số này có 50 triệu người thuộc khối đồng minh và 12 triệu người thuộc khối trục gồm Ðức, Nhật và Italia. Khối đồng minh có 17 triệu quân nhân bị thiệt mạng và khối trục có 8 triệu binh sĩ tử thương.