Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên có được rửa tay sau khi cho Rước lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi là một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ trong giáo xứ của tôi. Trong giáo phận của tôi, việc thực hành là tất cả các thừa tác viên cho Rước lễ (thông thường và ngoại thường), sau khi đã cho Rước lễ xong, được rửa sạch tay của mình. Nhưng trong một chuyến thăm gần đây tới giáo phận Santa Fe, tôi nhận thấy rằng sách hướng dẫn của giáo phận về các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ ngăn cấm đặc biệt việc rửa tay sau khi cho Rước lễ. Ở những nơi thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ được bảo không rửa tay sau khi cho Rước lễ, họ nên làm gì (nếu có) sau khi đã cho Rước lễ? Thưa cha, liệu có lý do nào giải thích tại sao việc rửa tay như thế là bị cấm không? - C. W., London, Anh.

Đáp: Trong khi sự thực hành có thể khác nhau rất nhiều, tôi có thể nói rằng thói tục về các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ nên đi theo những gì được quy định đối với các thừa tác viên thông thường.

Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) có điều sau đây liên quan đến việc rửa tay:

"278. Mỗi khi có mảnh vụn bánh thánh dính nơi các ngón tay, nhất là sau khi bẻ bánh hoặc cho giáo dân rước lễ, vị tư tế phải lau các ngón tay trên đĩa hoặc rửa nếu cần. Cũng phải thu lượm các mảnh, nếu chúng rơi ngoài đĩa thánh” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Điều này đề cập đến các mảnh vụn có thể nhìn thấy được, cho dù là nhỏ. Tuy nhiên, sự cần thiết rửa tay như vậy là thực sự khá hiếm, và hầu hết các linh mục sẽ sử dụng sự chọn lựa thứ nhất là lau các ngón tay trên đĩa thánh, đôi khi với sự giúp đỡ của khăn thánh nữa.

Do đó, tôi có thể nói rằng đây cũng là qui định chung cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ. Nếu có nhu cầu thực sự, họ nên rửa tay. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, không cần thiết để làm như vậy.

Bởi vì Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma tiên liệu khả năng của sự cần thiết rửa tay sau khi cho Rước lễ, nên sẽ là không đúng khi cấm đoán cách minh nhiên việc rửa tay. Thật vậy, nói cho công bằng, qui định của Giáo Phận Santa Fe không cấm rửa tay, và bạn đọc của chúng tôi có thể đã bỏ qua một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng. Văn bản của qui định giáo phận này nói như sau:

"Các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ không rửa tay trong chén rửa tay trong cung thánh, trước hoặc sau khi cho Rước lễ. Tất cả thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ được nhắc nhở rửa tay trong phòng mặc áo hoặc phòng vệ sinh, trước khi Thánh Lễ bắt đầu".

Các từ quan trọng ở đây là: "không rửa tay trong chén rửa tay".

Thuật ngữ "Chén rửa tay" có thể nhắc đến hai loại chén.

Trong bối cảnh của hình thức thông thường, chén này nhắc đến chén được linh mục dùng cho nghi thức rửa tay sau khi dâng lễ vật. Chén này được để trên bàn giúp lễ, bên cạnh chén thánh khi chưa sử dụng.

Trong bối cảnh các hình thức ngoại thường, mặc dù vẫn được sử dụng ở một số nơi cho hình thức thông thường, chén rửa tay hoặc ly rửa tay là một vật chứa trông giống như cái chén, chứa đầy nước, và được đặt gần nhà tạm. Sau khi cho Rước lễ, linh mục hay phó tế nhúng ngón tay cái và ngón tay trỏ vào trong nước để rửa sạch và lau tay với khăn thánh.

Bởi vì chúng ta chắc là ở trong bối cảnh của hình thức thông thường, luật giáo phận thực sự là khá bén nhạy và tránh một nguy cơ là thiếu tôn trọng với Thánh Thể.

Nước dùng cho linh mục rửa tay là không làm phép hoặc không xử lý một cách đặc biệt. Nó cũng được liên kết một cách biểu tượng cho việc linh mục nhìn nhận tội lỗi cá nhân của mình, và vì thế, không là một nơi thích hợp cho các mảnh vụn Mình Thánh.

Vì vậy, nếu các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ sử dụng chén này, sẽ có một mối nguy hiểm thực sự vì nước chứa các mảnh ấy có thể đổ xuống cống công cộng. Mặc dù Đức Kitô không còn thực sự hiện diện trong các mảnh vụn ngâm trong nước, Giáo Hội vẫn đối xử các mảnh ấy với sự tôn trọng.

Ngay cả khi có sẵn một chén rửa tay nhỏ hơn, việc sử dụng nó bởi nhiều thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ sẽ đòi hỏi một sự xếp hàng không cần thiết, vì nó chỉ có thể được sử dụng với từng người một mà thôi.

Nếu và khi cần thiết rửa tay sau khi cho Rước lễ, các linh mục, phó tế và các thừa tác viên ngoại thường nên luôn luôn bảo đảm rằng nước sử dụng này phải được đổ vào giếng thánh hoặc trực tiếp xuống đất, như đã làm với nước dùng để giặt nước đầu các khăn thánh, vốn có thể chứa mảnh vụn Mình thánh.

Luật tương tự nên được áp dụng trong các giáo phận như tại giáo phận của độc giả trên đây. Nếu có thói tục rằng các thừa tác viên thông thường và ngoại thường luôn rửa tay sau khi cho Rước lễ, cần có một chén rửa tay đặc biệt dành cho mục đích này, khác với chén dùng cho linh mục rửa tay trong nghi thức thánh lễ.

Trong lịch sử, việc thực hành rửa tay sau hy lễ được đề cập sớm nhất là vào năm 709, và cũng khoảng thời gian này, Lễ Quy Rôma đầu tiên nói về việc rửa tay của Đức Giáo Hoàng sau khi mọi người Rước lễ xong. Sau năm 1200, việc này trở thành tập tục, và sau đó trở thành qui định thanh tẩy các ngón tay trên chén thánh, trước tiên với rượu lễ, sau đó với nước, và linh mục uống hỗn hợp cả nước và rượu.

Đây vẫn là qui định cho hình thức ngoại thường. Qui định cho hình thức thông thường được tìm thấy như trên trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 278.

Góp ý: Sau bài trả lời về việc khắc tên nhà hảo tâm trên vật dụng phụng vụ (ngày 8-9-2015), một Giám mục đã gợi ý như sau: "các dòng chữ khắc trên chén lễ, bình thánh, vv, không được ghi ở một chỗ có thể nhìn thấy".

Đáp: Thưa Đức Cha, hoàn toàn đúng. Tất cả các chữ khắc ghi như vậy cần ghi ở mặt dưới của chén thánh, và không được nhìn thấy trong khi chén thánh đang được sử dụng trong phụng vụ.

Có thể có các dòng khắc được hiển thị trên chén thánh và bình thánh, nhưng chúng luôn nhắc đến Chúa Kitô và mầu nhiệm đang được cử hành. Cac chữ khắc như vậy thường được lấy từ Kinh thánh hay phụng vụ; thí dụ: "Đây là Chiên Thiên Chúa", hay "Bánh Ban Sự Sống" hoặc "Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin". (Zenit.org 6-10-2015)

Nguyễn Trọng Đa