Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ lên án vụ lấy cắp các tài liệu của Tòa Thánh và công bố trên hai cuốn sách vừa được phát hành trong tuần qua.
Cuốn thứ nhất có tựa đề: “Via Crucis” nghĩa là “Đàng Thánh Giá” của ký giả Gianluigi Nuzzi, khi xuất bản bằng Anh ngữ thì lấy tựa đề là “Merchants in the Temple” nghĩa là “Những con buôn trong đền thờ”. Cuốn thứ hai có tựa đề “Avarizia” nghĩa là “Hà tiện” của ký giả Emiliano Fittipaldi.
Trong tiến trình cải tổ giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã cho mở một cuộc khảo sát nhằm cắt giảm các khoản chi tiêu ngõ hầu có thể sử dụng các nguồn tài nguyên của Tòa Thánh vào những mục đích có lợi nhất. Những tài liệu và những băng ghi âm những cuộc họp trong tiến trình khảo sát này bị một số thành viên trong ủy ban khảo sát này trong đó có linh mục Lucio Angel Vallejo Balda, và bà Francesca Chaouqui lấy cắp trao cho hai ký giả Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi.
Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị thân mến,
Tôi biết rằng nhiều người trong anh chị em bị hoang mang vì những tin được truyền đi trong những ngày qua liên quan đến những tài liệu mật của Tòa Thánh bị lấy cắp và phổ biến.
Vì thế, tôi muốn với anh chị em rằng, trước hết việc lấy cắp các tài liệu này là một tội phạm. Đó là một hành vi đáng trách, chẳng giúp ích gì. Chính tôi đã yêu cầu thực hiện cuộc khảo sát này, và cả tôi cũng như các cộng sự viên của tôi đã biết rõ nội dung các tài liệu ấy, và các biện pháp đã được đề ra và chúng đã bắt đầu mang lại những thành quả, một số kết quả đã được nhìn thấy.
Do đó, tôi muốn tái khẳng định với anh chị em rằng sự kiện đau buồn này chắc chắn không ngăn cản tôi thực hiện những cải tổ đang tiến hành với các cố vấn của tôi và với sự hỗ trợ của tất cả anh chị. Đúng vậy, với sự hỗ trợ của toàn thể Giáo Hội, vì Giáo Hội được canh tân bằng lời cầu nguyện và sự thánh thiện hằng ngày của mỗi tín hữu đã chịu phép rửa.
Vì thế, tôi cám ơn anh chị em và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi và cho Giáo Hội, đừng để mình bị xáo trộn hay hoang mang nhưng tiến bước trong niềm tín thác và hy vọng.”
Theo đuổi lối tư duy dựa trên những giả định đã được đề cập trong những bài chẳng hạn như “Ai là kẻ thù của Đức Phanxicô”, Gianluigi Nuzzi lập luận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang phải “chiến đấu” vất vả nhằm thay đổi giáo triều Rôma; trong một cuộc chiến gần như vô vọng.
Trong khi đó Emiliano Fittipaldi tấn công vào một số vị Hồng Y như Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y George Pell cho rằng các vị chi tiêu những khoản tiền lớn cho các cơ quan và nhà ở của mình.
John L. Allen của tờ Cruz cho biết ba điểm chính sau đây:
Những chi tiêu của Tòa Thánh thật ra không nhiều. Tổng số chi tiêu cho quốc gia thành Vatican rộng 108 mẫu tây chỉ khoảng 700 triệu Mỹ Kim hàng năm. Trong khi tài khoá 2014-2015 của trường Đại Học Notre Dame Hoa Kỳ là 1.5 tỷ, nghĩa là hơn gấp đôi ngân sách Tòa Thánh. Những con số chi tiêu của Tòa Thánh không phải là quá lớn đến mức vượt ngoài khả năng kiểm soát một cách hiệu quả.
Những con số thống kê được trình bày trong hai cuốn sách là những con số thống kê của hai năm trước. Không thể dùng những con số ấy để chứng minh rằng công việc cải tổ trong hai năm qua không đạt được các thành quả. Sau khi thực hiện cuộc khảo sát, uỷ ban khảo sát này, gọi tắt là COSEA, đã được giải tán vào đầu năm 2014 sau khi đã trình bày các kiến nghị lên Đức Thánh Cha. Từ đó, nhiều cơ quan đã được hình thành như Ủy Ban Kinh Tế Tòa Thánh, Bộ Kinh Tế Tòa Thánh, và các cơ quan thanh tra độc lập khác; cùng với các tiến trình và các chuẩn mực mà các cơ quan của Tòa Thánh phải tuân thủ.
Điều đáng nói là những con số thống kê trình bày trong hai cuốn sách không phải là thành quả điều tra gì của hai ký giả này. Chính Đức Thánh Cha ra lệnh mở cuộc khảo sát này trong tiến trình minh bạch hoá và tối ưu hoá các chi tiêu của Tòa Thánh.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone phủ nhận cáo buộc cho rằng ngài đang sống trong một dinh thự lớn và sang trọng và cho biết ngài cư ngụ trong một tòa nhà với đông đảo các nhân viên Tòa Thánh.
Trong một tuyên bố của Bộ Kinh Tế, Đức Hồng Y George Pell đã mạnh mẽ chỉ trích hai cuốn sách này “về những sai sót và vu cáo”. Trái với những cáo buộc đã được đưa ra, chi tiêu của Bộ Kinh Tế trong năm hoạt động đầu tiên 2014 thấp hơn ngân sách đã được thông qua.
Mặc dù phải chi phí cho việc thiết lập các văn phòng mới, Bộ Kinh Tế theo chỉ thị của Đức Hồng Y Pell đã cắt giảm tối đa các chi tiêu và ghi lại tất cả các chi phí. Ngài nhận xét rằng Bộ Kinh Tế là “một trong số rất ít đơn vị tại Vatican tự đề xuất một sự cắt giảm trong tổng chi ngân sách năm 2015 của mình”.
2. Nhận định của Cha Federico Lombardi về hai cuốn sách nói về việc quản lý tài chính của Tòa Thánh
Vatican đã đánh giá thấp tầm quan trọng của những tuyên bố mới của hai ký giả người Ý về sự quản lý tài chính yếu kém của Tòa Thánh, và chỉ ra rằng hầu hết các thông tin chứa trong hai cuốn sách mới về đề tài này là lỗi thời, vì nó chỉ liên quan đến một thời gian trước khi cuộc cải cách kinh tế của Tòa Thánh được đặt ra.
Trong một cuộc họp báo ngày 04 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, lưu ý rằng “một số thông tin trong hai bộ sách này đã được công bố.” Ngài cũng nhận xét rằng hai cuốn sách, dựa trên các tài liệu bí mật bị rò rỉ, là “kết quả của các hoạt động bất hợp pháp.”
Các tài liệu bị rò rỉ trước tiên đến từ Ủy ban tham khảo về tổ chức cơ cấu kinh tế-hành chính của Tòa Thánh gọi tắt là COSEA. Ủy ban này đã được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm đề nghị các cải cách kinh tế, và sau đó được giải thể sau khi thực hiện xong các khuyến nghị của mình. Vì vậy, các thông tin đã được thu thập theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, và nhằm thúc đẩy sự minh bạch và tối ưu hoá việc sử dụng các tài nguyên của Tòa Thánh.
Phát ngôn viên Tòa Thánh nhận xét rằng các báo cáo tài chính luôn đòi hỏi một sự lý giải thận trọng, và có thể có nhiều ý kiến khác nhau về tầm quan trọng của các khoản chi tiêu. Một trong những ví dụ điển hình là cáo buộc về việc sử dụng trái mục đích “Quỹ đồng tiền thánh Phêrô”.
Ký giả Gianluigi Nuzzi cáo buộc rằng “Quỹ đồng tiền thánh Phêrô” được hình thành để quyên góp từ anh chị em giáo dân Công Giáo trên thế giới và thường được quảng cáo là nhằm hỗ trợ cho các tổ chức từ thiện của Đức Giáo Hoàng, nhưng trong thực tế đã được dùng để bù đắp các khoản thâm hụt của Tòa Thánh. Theo Nuzzi, với mỗi đô la quyên góp được hầu như chỉ có 20 cents được dùng để giúp đỡ người nghèo.
Công bằng mà nói, Tòa Thánh khẳng định nhiều lần rằng quỹ này được thành lập để hỗ trợ các hoạt động của Đức Giáo Hoàng, và tùy ý ngài sử dụng sao cho có lợi nhất.
Cha Lombardi cho biết thật là sai lầm khi cho rằng Quỹ đồng tiền thánh Phêrô chỉ được dùng để trả cho các chi phí văn phòng tại Vatican. Quỹ này thực tế được dùng cho tất cả các chi phí của Tòa Thánh trên toàn cầu, bao gồm cả chi phí hành chính.
Cha Lombardi nói rằng mặc dù có những tiến bộ mà Tòa Thánh đã thực hiện theo hướng cải cách tài chính, và bất chấp những cam kết của Đức Thánh Cha Phanxicô về mục tiêu đó, việc rò rỉ mới đã có hệ quả đáng tiếc trên phạm vi toàn thế giới, tạo ra những ấn tượng xấu về Tòa Thánh một cách bất công.
3. Bài giảng của Đức Thánh Cha trước 52 ngàn tín hữu tại Florence
Trong thánh lễ trước 52 ngàn tín hữu tại Florence, trung Italia, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội quan tâm và gần gũi dân chúng, đồng thời gắn bó với Chúa Kitô.
Trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Florence ngày 10-11, sau khi gặp gỡ các Giám Mục và 2500 đại biểu của 220 giáo phận toàn nước Italia, Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Truyền Tin gần đó để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin và viếng thăm các bệnh nhân tại đây, rồi ngài tiến qua quán ăn cạnh đó tên là “thánh Phanxicô người nghèo” do Caritas Florence đảm trách. Tại đây Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với 60 người nghèo thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó có 30 người Italia.
Sau khi nghỉ trưa tại tòa Tổng Giám Mục, lúc gần 15 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động “Artemio Franchi”. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm 52 ngàn tín hữu ngồi chật thao trường. Đồng tế với ngài có các Giám Mục của 220 giáo phận Italia và hơn 300 linh mục. Lễ đài tại đây do các tù nhân tự nguyện làm để tặng Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã diễn giảng bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai? Và các con nói Thầy là ai? Sau cùng là lời tuyên xưng của thánh Phêrô: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống!
Từ những ý tưởng đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải quan tâm đến con người và cuộc sống của họ: duy trì một sự tiếp xúc lành mạnh với thực tại, nghĩa là với cuộc sống cụ thể của dân chúng, những đau buồn và vui mừng của họ, là cách thức duy nhất để có thể giúp đỡ, huấn luyện và đả thông với họ. Các môn đệ của Chúa Giêsu không bao giờ được quên mình đã được chọn từ đâu nghĩa là từ nơi dân chúng, và không bao giờ được rơi vào cám dỗ có thái độ xa cách, như thể những điều dân chúng nghĩ và sống chẳng liên hệ gì đến mình.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: điều quyết định đối với căn tính và sứ mạng của chúng ta là biết Chúa Giêsu trong sự thật, chỉ như thế chúng ta mới có thể nhìn thấy chân lý trong thân phận con ngừơi của chúng ta và mới có thể góp phần nhân bản hóa trọn vẹn xã hội.
Đức Thánh Cha cũng nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em thân mến, ngày nay cũng vậy, niềm vui của chúng ta là chia sẻ niềm tin và cùng nhau thưa với Chúa Giêsu: “Đối với chúng con, Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Niềm vui của chúng ta cũng là đi ngược dòng và vượt lên trên dư luận thông thường, dư luận này ngày nay cũng như thời xưa, không nhìn thấy nơi Chúa Giêsu một Đấng vượt lên trên một vị ngôn sứ hoặc một tôn sư. Niềm vui của chúng ta là nhận ra nơi Chúa Giêsu sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đi, là Chúa Con đến để trở thành dụng cụ cứu độ nhân loại. Sự tuyên xưng đức tin này mà Simon Phêrô xướng lên vẫn có giá trị đối với chúng ta. Sự tuyên xưng ấy không phải chỉ là nền tảng ơn cứu độ chúng ta, nhưng cũng là con đường qua đó ơn cứu độ được thể hiện và là mục tiêu phải tiến tới”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới khía cạnh bác ái của thuyết nhân bản mà thành Florence đã từng chứng kiến. Thuyết này luôn có một khuôn mặt bác ái. “Thiên Chúa và con người không phải là hai thái cực đối nghịch nhau: cả hai vẫn luôn tìm kiếm nhau, vì Thiên Chúa nhận ra nơi con người chính hình ảnh của Ngài và con người chỉ nhận ra mình khi nhìn Thiên Chúa. Đó là sự khôn ngoan đích thực và sách Huấn Ca mô tả như đặc tính của người bước theo Chúa. Đó là sự khôn ngoan của thánh Lêô Cả, người miền Toscana này, kết quả của sự đồng qui các yếu tố khác nhau: lời nói, trí tuệ, kinh nguyện, giáo huấn, ký ức. Thánh Lêrô cũng nhức nhở chúng ta rằng không thể có sự khôn ngoan chân thực nếu không ở trong mối liên hệ với Chúa Kitô và trong việc phục vụ của Giáo Hội”.
Sau khi kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng bay về Vatican lúc quá 6 giờ chiều, kết thúc cuộc viếng thăm tron ngày tại hai giáo phận Prato và Florence.
Cuộc viếng thăm được hơn 850 ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuật.
4. Không thể rao giảng chống nghèo đói khi bản thân mình sống xa hoa
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một nhà lãnh đạo Giáo Hội không thể thuyết giảng chống lại nghèo đói nếu bản thân mình “sống như một Pharaoh”. Ngài đưa ra lập trường trên đây trong một cuộc phỏng vấn, dành cho một tờ báo Hà Lan được điều hành bởi những người vô gia cư.
Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên một vị Giáo Hoàng dành cho một tờ báo Hà Lan. Bài phỏng vấn trên tờ Straatnieuws cũng xuất hiện trong các ấn phẩm của 112 tờ báo khác tại quốc gia này.
Khi được hỏi liệu ngài có một thông điệp đặc biệt nào cho người vô gia cư không, Đức Thánh Cha trả lời: “Có hai điều làm tôi suy nghĩ. Chúa Giêsu đã đến trong thế giới này như là một người vô gia cư, và tự bần cùng hoá chính mình. Thứ hai là Giáo Hội muốn ôm ấp tất cả mọi người và khẳng định rằng mọi người đều có quyền có một mái nhà che đầu.”
Về những nỗ lực của Hội Thánh để giải quyết nghèo đói, Đức Thánh Cha nói rằng có hai cám dỗ. Đầu tiên là cám dỗ cứ nói về sự nghèo khổ trong khi bản thân mình sống trong giàu sang. Thứ hai, là cám dỗ “thỏa hiệp với các chính phủ”. Đôi khi và trong một số trường hợp nhất định nào đó, Giáo Hội có thể liên minh với các chính phủ, nhưng Đức Giáo Hoàng cảnh báo chống lại nguy cơ băng hoại. Ngài nhắc nhớ rằng tại Á Căn Đình, một quan chức về hưu của chính phủ đã ước tính rằng chỉ có 35% ngân sách dành cho các chương trình giảm nghèo thực sự là dành cho người nghèo; 65% ngân sách dành cho người nghèo tại quốc gia này chỉ nhằm vỗ béo cho những kẻ vốn đã giàu lại được giàu thêm.
Khi được hỏi liệu Giáo Hội có thể bán ra các tác phẩm nghệ thuật trong các viện bảo tàng của mình để gây quỹ cho người nghèo, Đức Thánh Cha nói: “Đó không phải là những kho tàng của Giáo Hội, nhưng là những báu vật của nhân loại” Lấy ví dụ, tượng Mẹ Sầu Bi của Michelangelo, Đức Thánh Cha nói: “Tác phẩm này được lưu giữ trong một nhà thờ nhưng nó thuộc về nhân loại.” Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng thường xuyên bán ra hoặc làm quà xổ số nhiều tặng phẩm đã được trao tặng cho Đức Giáo Hoàng, và sử dụng tiền thu được để giúp đỡ người nghèo.
Khi được hỏi là liệu có hy vọng chấm dứt được nạn nghèo đói trên thế giới hay không, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Tôi muốn một thế giới không có người nghèo. Chúng ta phải chiến đấu cho điều này. Nhưng tôi là một người tín hữu và tôi biết rằng tội lỗi luôn luôn ở trong chúng ta.”
5. Kitô hữu lũ lượt chạy trốn khỏi thành phố Sadad, Syria
Các cuộc tấn công mới của quân khủng bố Hồi Giáo IS đã khiến hàng ngàn Kitô hữu trong thành phố Sadad phải bỏ nhà cửa chạy trốn.
Đức Tổng Giám mục Boutros Selwanos Alnemeh của tổng giáo phận Homs nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng cư dân của thành phố Sadad, nơi phần đông dân chúng là Kitô hữu, đã phải bỏ nhà cửa chạy trốn sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được một ngôi làng gần đó hồi đầu tuần này và tập trung một lực lượng đông đảo nhằm tấn công thẳng vào thành phố này. Đức Tổng Giám Mục nói “Nếu Sadad thất thủ, chúng tôi sẽ mất trung tâm Kitô giáo trong giáo phận của mình.”
Khoảng 15,000 Kitô hữu được báo cáo đã chạy tìm nơi trú ẩn ở Homs và các thành phố khác, để lại hầu hết tài sản của gia đình phía sau khi vội vàng trốn thoát vòng vây quân khủng bố Hồi Giáo IS. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang phải vật lộn tìm nhà ở tạm cho những người tỵ nạn, đặc biệt là khi mùa đông đang ập đến.
Sadad đã là một thành trì Kitô giáo trong nhiều thế kỷ. Người dân thành phố vẫn nói tiếng Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu đã sử dụng. “Mất đi thành phố này thật là một điều trăn trở”, một linh mục phụ tá cho Đức Tổng Giám Mục nói. “Chúng tôi thật sự đang lo sợ mất đi những di sản văn hóa quan trọng của chúng ta.”
6. Đức Thánh Cha tiếp 23 ngàn người thuộc Viện Hưu Bổng Italia
Sáng 7 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 23 ngàn người gồm các vị lãnh đạo và nhân viên sở hưu bổng toàn quốc Italia. Ngài tố giác các hệ thống kinh tế chỉ mưu lợi lộc cho một thiểu số mà gây hại cho đa số người khác.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhân viên của sở hưu bổng quốc gia Italia được một vị Giáo Hoàng tiếp kiến chung ở Quảng trường thánh Phêrô.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói đến những thay đổi và nhiều thách đố đe dọa quyền hưu bổng của các công nhân viên: nhiều khi họ phải về hưu sớm, hoặc việc về hưu như thế bị thương lượng và tan loãng với thời gian. Ngoài ra còn có nhu cầu phải trợ giúp những người bị mất việc hoặc không bao giờ có công ăn việc làm.
Đức Thánh Cha nói:
“Công tác khó khăn của anh chị em là góp phần để không thiếu những tài trợ cần thiết cho sự sống còn của các công nhân thất nghiệp và gia đình họ. Trong những quan tâm ưu tiên của anh chị em, ước gì công việc làm của phụ nữ, trợ giúp chức phận làm mẹ của họ cũng được anh chị em chú ý. Ngoài ra, ước gì không bao giờ thiếu sự bảo đảm cho tuổi già, bệnh tật, những tai nạn nghề nghiệp, và không bao giờ thiếu quyền được hưu bổng”.
Đức Thánh Cha cũng đề cao phẩm giá của lao công và nhấn mạnh rằng: “Lao công không thể trở thành một công cụ trong một cơ chế sa đọa làm tiêu tán tài nguyên hầu đạt tới lợi nhuận ngày càng nhiều hơn; lao công không thể kéo dài hoặc thu ngắn tùy theo lợi nhuận của một thiểu số và của những hình thức sản xuất hy sinh các giá trị, các quan hệ và các nguyên tắc. Điều này có giá tri đối với nền kinh tế nói chung: đó là không thể sử dụng những phương thế như nọc độc mới, trong đó người ta chủ trương gia tăng lợi tức bằng cách thu hẹp thị trường công việc, và vì thế tạo thêm những người bị loại trừ”
7. Đức Thánh Cha khích lệ các Trung Tâm trợ giúp cuộc sống ở Italia
Đức Thánh Cha khuyến khích các Trung Tâm trợ giúp cuộc sống ở Italia tiếp tục hành động như những người Samaritano nhân lành trong cuộc sống xã hội ngày nay.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 6-11, dành cho 510 người thuộc các Trung Tâm trợ giúp cuộc sống từ nhiều nơi ở Italia tựu về Roma để tham dự hội nghị nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức này.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Từ 40 năm nay, anh chị em là những thành viên Phong trào bênh vực sự sống, cố gắng noi gương người Samaritano nhân lành. Đứng trước những hình thức đe dọa sự sống con người, anh chị em nỗ lực hoạt động để trong xã hội không còn những người bị loại trừ, những người bị gạt bỏ, sống trong những điều kiện bấp bênh. Nhờ hoạt rộng sâu rộng của các Trung tâm trợ giúp sự sống phổ biến trên toàn Itallia, anh chị em mang lại cơ hội hy vọng và hồi sinh cho bao nhiêu người”.
Đức Thánh Cha khích lệ các thành viên tiếp tục là những người Samaritano nhân lành và ngài nói: “Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc bảo vệ những người yếu thế nhất, họ có quyền được sinh ra, cũng như bênh vực những người đang yêu cầu một cuộc sống lành mạnh và xứng đáng hơn. Đặc biệt cần kiên trì làm việc, ở các cấp độ khác nhau, để thăng tiến và bảo vệ gia đình, là tài nguyên đầu tiên của xã hội, nhất là về hồng ân con cái và khẳng định phẩm giá của phụ nữ. Về điểm này, tôi muốn nhắc đến sự kiện trong các hoạt động của anh chị em, anh chị em luôn đón nhận mọi người, không phân biệt tôn giáo và quốc tịch”.
8. Huấn dụ của Đức Thánh Cha tại Đại Hội Công Giáo toàn quốc Italia
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ Giáo Hội tại Italia sống khiêm tốn, gần gũi thực tại dân chúng, đừng để mình bị ám ảnh tìm quyền bính và vinh danh, và đừng chỉ cậy dựa vào sức riêng mình.
Trên đây là nội dung bài huấn dụ dài của Đức Thánh Cha sáng thứ Ba 10 tháng 11 tại Đại Hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 5, tiến hành trong Nhà thờ chính tòa Florence.
Giã từ thành phố Prato lúc 9 giờ 20 phút, Đức Thánh Cha đáp trực thăng đến thành phố Florence chỉ cách đó 30 cây số đường chim bay. Tổng giáo phận này hiện do Đức Hồng Y Giuseppe Bertori cai quản và hiện có 850 ngàn tín hữu Công Giáo.
Đến nơi ngài đã viếng thăm giếng rửa tội nổi tiếng rồi tiến vào Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Bông Hoa cạnh đó. Tại đây các Giám Mục và 2500 đại biểu của 220 giáo phận Italia đã dành cho Đức Thánh Cha một cuộc tiếp đón nồng nhiệt.
Chính tại nơi đây từ chiều 9-11 vừa qua, đã khai diễn Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 5 với chủ đề “Trong Chúa Giêsu Kitô, một thuyết nhân bản mới”.
Trong công nghị này, các đại biểu bàn về những biến chuyển về văn hóa và xã hội thời nay, ngày càng ảnh hưởng đến tâm thức và phong tục của con người, nhiều khi tước bỏ những nguyên tắc và giá trị cơ bản đối với cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối cảnh đó, Đại hội tìm kiếm hướng đi và những đề nghị cụ thể cho việc mục vụ của Giáo Hội.
Sau lời chào của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, đã có 3 chứng từ được trình bày với Đức Thánh Cha, một phụ nữ, một đôi vợ chồng và đặc biệt là cha Bledar Ximli, người Albani, nguyên là một thiếu niên sinh trưởng trong một gia đình vô thần, vượt biên sang Italia, sống dưới các gầm cầu và ăn ở các quán ăn của Caritas, nhưng rồi cậu bé được 1 cha sở tiếp đón, giúp học hành và tìm công ăn việc làm. Anh ta trở lại đạo và về sau đã đi tu làm linh mục.
Trong bài huấn dụ dài tiếp đó, Đức Thánh Cha đi từ nhận xét về bức bích họa tại vòm nhà thờ chính tòa Florence diễn tả cảnh phát xét chung: sự kiện Chúa Kitô từ người bị quan Philatô xét xử trở thành Chúa Giêsu ngồi trên ngai thẩm phán, vị thẩm phán từ bi thương xót.
Ngài nói:
“Trong ánh sáng của vị Thẩm Phán từ bi ấy, chúng ta quì gối thờ lạy, và chân tay chúng ta được vững mạnh. Chúng ta chỉ có thể nói về thuyết nhân bản đi từ vị trí trung tâm của Chúa Giêsu, khám phá nơi Ngài những nét trong khuôn mặt chân thực của con người. Chính từ sự chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, chúng ta mới tái tạo nhân tính của chúng ta, kể cả nhân tính bị phân hóa vì những mỏi mệt của cuộc sống hoặc bị tội lỗi ghi dấu.
Đi từ tiền đề trên đây, nhất là từ tôn nhan một vị Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận người tôi tớ, bị tủi nhục và vâng phục cho đến chết (Xc Ph 2,7), Đức Thánh Cha đã rút ra những hệ luận cho cuộc sống của Kitô hữu, 3 tâm tình mà các môn đệ của Chúa cần phải có:
- Trước tiên là tâm tình khiêm tốn: “Mỗi người trong anh chị em, với tất cả lòng khiêm tôn, hãy coi người khác trọng hơn mình” (Ph 2.3), thánh Phaolô đã nói như thế với các tín hữu thành Philiphê. Tiếp đến thánh nhân nói: Chúa Giêsu không coi là một “đặc ân” sự kiện Người là Thiên Chúa (Ph 2,6). Đức Thánh Cha nhận xét rằng: ở đây có một sứ điệp rõ ràng. Sự ám ảnh muốn bảo tồn danh tiếng, địa vị và ảnh hưởng của mình, không thể thuộc vào số những tâm tình của chúng ta. Chúng ta phải tìm vinh danh Thiên Chúa, và vinh danh này không trùng với vinh danh của chúng ta. Vinh quang của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trong sự khiêm hạ của hang đá máng cỏ Bêlem hoặc trong thập giá ô nhục Chúa Kitô, luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên.
- Một tâm tình khác của Chúa Giêsu mang lại hình thái cho thuyết nhân bản Kitô là thái độ vô vị lợi. Thánh Phaolô yêu cầu: “Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Ph 2,4). Vì vậy, thay vì tư lợi, chúng ta phải tìm hạnh phúc cho người cạnh chúng ta. Nhân tính của Kitô hữu là luôn đi ra ngoài. Nhân tính ấy không phải là tự yêu mình, tự tham chiếu mình. Khi con tim chúng ta giàu có và mãn nguyện về mình, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Vì thế, chúng ta hãy tránh khép mình trong những cơ cấu mang lại một sự bảo vệ giả tạo, trong những qui luật biến chúng ta thành những thẩm phán không biết mủi lòng, trong những tập quán làm cho chúng ta yên hàn (EV 49).
Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc để thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn và tranh đấu. Đức tin của chúng ta có tính chất cách mạng, có sự thúc đẩy đến từ Chúa Thánh Linh. Chúng ta phải theo sự thúc đẩy ấy để ra khỏi mình, để trở thành những người theo Tin Mừng của Chúa. Bất kỳ cuộc sống nào đều được định giá theo khả năng hiến thân.
- Tâm tình thứ ba của Chúa Giêsu Kitô là hạnh phúc. Kitô hữu là người hạnh phúc, là người mang trong mình niềm vui Phúc Âm. Trong các mối phúc thật, Chúa chỉ cho chúng ta con đường cần đi theo. Khi theo con đường ấy, loài người chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc chân thực nhất, hạnh phúc nhân trần và thần linh... Các mối phúc thật chúng ta đọc trong Tin Mừng bắt đầu với một lời chúc phúc và kết thúc bằng một lời hứa an ủi... Để được hạnh phúc, để nếm hưởng sự an ủi của tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, cần có một con tim rộng mở. Hạnh phúc là một sự đánh cuộc vất vả, với những từ bỏ, lắng nghe và học hỏi, và những hoa trái của nó được gặt hái trong thời gian, mang lại cho chúng ta một niềm an bình khôn sánh: “Các người hãy nếm hưởng xem Chúa tốt lành dường nào!” (Tv 34,9).
Khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh phúc, đó là 3 nét mà hôm nay tôi muốn trình bày cho anh chị em để suy niệm về thuyết nhân bản Kitô nảy sinh từ nhân tính của Con Thiên Chúa. Những nét này cũng có những hệ luận đối với Giáo Hội tại Italia ngày nay, Giáo Hội ngày hôm nay đang nhóm họp để đồng hành.
Đức Thánh Cha giải thích: Những nét này nói với chúng ta rằng chúng ta không được để cho mình bị ám ảnh vì quyền lực, cả khi quyền lực ấy có vẻ hữu ích và thực dụng theo hình ảnh xã hội của Hội Thánh. Nếu Giáo Hội không có những tâm tình của Chúa Giêsu, thì sẽ bị lạc hướng, mất ý nghĩa. Những tâm tình của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng một Giáo Hội nghĩ đến mình và những lợi lộc của mình thì thật là buồn. Sau cùng, những mối phúc thật chính là cái gương soi trong đó chúng ta nhìn thấy chính mình, cái gương giúp chúng ta biết mình có đang đi đúng đường hay không.
Một Giáo Hội có 3 nét vừa nói - khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh phúc - là một Giáo Hội biết nhận ra hoạt động của Chúa trong thế giới, trong nền văn hóa, trong cuộc sống thường nhật của dân chúng.
Tiếp tục bài huấn dụ tại Đại Hội Công Giáo Italia, Đức Thánh Cha nói đến 2 trong số nhiều cám dỗ mà Giáo Hội cần tránh.
Trước tiên là cám dỗ cậy vào sức riêng mình. Cám dỗ này thúc đẩy Giáo Hội không còn khiêm tốn, vô vị lợi và hạnh phúc. Thái độ này làm cho chúng ta tin tưởng nơi các cơ cấu, các tổ chức, các kế hoạch hoàn hảo, trừu tượng. Nó cũng thường làm cho chúng ta thích kiểm soát, cứng cỏi, duy luật lệ. Qui tắc luật lệ mang lại cho người cậy sức riêng mình cảm tưởng an ninh, nghĩ mình cao trọng hơn, có một đường hướng chính xác, trong đó họ tìm được sức mạnh cho mình, không phải trong sự nhẹ nhàng của làn gió Chúa Thánh Linh thổi. Đứng trước những tai ương và các vấn đề của Giáo Hội, thật là vô ích khi tìm kiếm những giải pháp trong thái độ bảo thủ và duy căn, cực đoan, trong sự tái lập những đường lối hành xử và hình thức lỗi thời, chẳng có ý nghĩa kể cả về phương diện văn hóa. Đạo lý Kitô không phải là một hệ thống khép kín, không có khả năng tạo nên những câu hỏi, nghi ngờ, vấn nạn, nhưng nó sinh động, biết làm cho ta bất an, linh hoạt. Đạo lý Kitô không có khuôn mặt cứng nhắc, nhưng có một thân thể chuyển động và phát triển, có thịt mềm: được gọi là Chúa Giêsu Kitô.
Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội tại Italia hãy để cho mình được hơi thở mạnh mẽ đưa dẫn, và vì thế mà nhiều khi bất an. Hãy luôn đón nhận tinh thần của những nhà đại thám hiểm của mình, say mê di chuyển trên các con tàu trên biển khơi và không kinh hãi vì các biên giới và bão tố.
- Cám dỗ thứ hai Đức Thánh Cha kêu gọi cảnh giác đó là cám dỗ của thuyết ngộ đạo, làm cho người ta tin tưởng nơi lý luận hợp lý rõ ràng, nhưng làm cho ta mất đi sự dịu dàng của thân mình người anh em. Sức thu hút của thuyết ngộ đạo là sự thu hút của một đức tín khép kín trong thái độ chủ quan, trong đó người ta chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm nào đó hoặc một loạt những lý lẽ và kiến thức, mà ta coi là có thể củng cố và soi sáng, nhưng trong đó chủ thể rốt cuộc bị khép kín trong những lý lẽ hoặc tâm tình của mình” (EV 94).
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ toàn thể Giáo Hội tại Italia hãy bao gồm những người nghèo về mặt xã hội, những người nghèo ấy có một chỗ ưu tiên trong dân Chúa, và khả năng gặp gỡ và đối thoại để tạo điều kiện cho tình thân hữu xã hội tại đất nước anh chị em, tìm kiếm công ích.
Sự đứng về phía người nghèo là “một hình thức đặc biệt của quyền tối thượng trong việc thực thi đức bác ái Kitô, được toàn thể truyền thống của Giáo Hội làm chứng” (Gioan Phaolô 2, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 42).
Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng đặc biệt khuyến khích anh chị em có khả năng đối thoại và gặp gỡ. Gặp gỡ không phải là thương thuyết. Thương thuyết là tìm cách rút được phần của mình trong cái bánh chung. Không phải vậy, nhưng là tìm kiếm công ích cho tất cả mọi người.. . Chúng ta phải luôn nhớ rằng không có một thuyết nhân bản đích thực nếu không coi tình thương như một mối giây liên kết con người với nhau, về phương diện liên chủ thể, cũng như vầ mặt xã hội, chính trị hoăc trí thức.
Ngoài ra, anh chị em hãy nhớ rằng cách đối thoại tốt nhất không phải là nói và thảo luận, nhưng là làm một cái gì chung, cùng nhau kiến thiết, xây dựng: không phải một mình giữa các tín hữu Công Giáo, nhưng cũng với tất cả mọi người thiện chí.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đề nghị rằng trong những năm tới đây, trong mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ hoặc hội đoàn, trong mỗi giáo phận và giáo hạt, hãy tìm cách tổ chức những công nghị để cùng nhau đào sâu Tông thư “Niềm vui Phúc Âm” để rút ra từ đó những tiêu chuẩn thực hành, và để thực thi những quyết định. Tôi chắc chắn về khả năng của anh chị em hoạt động trong tinh thần sáng tạo để cụ thể hóa những nghiên cứu học hỏi ấy.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các tham dự viên Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
9. Các Giám Mục tại Thánh Địa cảm thấy khích lệ trước con số đông đảo các tín hữu hành hương
Kết thúc cuộc họp hai ngày tại Jerusalem từ 3 đến 4 tháng 11, Hội Đồng Các Vị Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa cho biết các ngài “thấy nhẹ nhõm vì khách hành hương vẫn tiếp tục đến thăm khu vực với số lượng lớn” trong tháng Chín và tháng Mười.
“Chúng tôi lặp lại lời mời gọi, đã được đưa ra trước đây nhiều lần với tất cả những ai muốn đi lại dọc theo những bước chân của Chúa Kitô: Anh chị em đừng sợ”
Các Giám Mục cũng cho biết các ngài sẽ tăng cường các tòa giải tội và các cha giải tội với nhiều ngôn ngữ hơn để giúp cho các khách hành hương dễ dàng đón nhận Bí Tích Hoà Giải trong Năm Thánh lòng thương xót sắp tới.
Liên quan đến Thượng Hội Đồng về gia đình vừa bế mạc tại Vatican, các giám mục nhấn mạnh “sự cần thiết và cấp bách phải tăng cường việc chuẩn bị cho các cặp vợ chồng trẻ sắp kết hôn, để hướng dẫn họ có những suy tư sâu xa về ý nghĩa, vẻ đẹp và ơn gọi hôn nhân Công Giáo. Các cặp vợ chồng, giữa những khủng hoảng trong đời sống gia đình, cần được đi kèm và hỗ trợ hơn bao giờ hết. “
Các giám mục cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những thay đổi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu và nói rằng các ngài “hy vọng có thể tìm hiểu thêm” về làm thế nào để thực hiện tiến trình này trong bối cảnh của Thánh Địa.
10. Các Giám Mục Colombia chỉ trích việc thông qua dự luật cho các cặp đồng tính nhận con nuôi
Khẳng định mạnh mẽ rằng không phải mọi thứ luật pháp cho phép đều là phù hợp với đạo đức, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia chỉ trích quyết định của tòa án tối cao nước này đã hợp pháp hoá việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính với tỷ số 6-2.
Đức Tổng Giám Mục Luis Augusto Castro Quiroga của tổng giáo phận Tunja nói rằng “Giáo Hội tôn trọng phẩm giá của những người có khuynh hướng tính dục đồng giới và không chống lại việc nhìn nhận và thực hiện các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ.”
Tuy nhiên, ngài nói quyết định của tòa án làm “tổn thương trẻ vị thành niên”. Nơi tốt nhất cho sự hình thành “tâm lý, tình cảm, đạo đức, và luân lý, hạnh phúc của trẻ em là trong một gia đình được hình thành bởi một người nam và một người nữ.”
Đức Cha kết luận bằng cách kêu gọi các gia đình mở cửa để đón nhận con nuôi bất chấp những khó khăn về mặt kinh tế.
11. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Ba Lan
Sáng thứ Hai 9 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống cộng hòa Ba Lan, Ông Andrzej Duda.
Sau đó, Ông đã hội kiến với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, hiện diện.
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Trong các cuộc hội kiến thân mật, có nói đến sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo cho đã hội Ba Lan, và cả trong cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha sẽ thực hiện tại Cracovia nhân dịp Ngày Quốc tế giới trẻ sắp tới.”
Tiếp đến, các vị cũng đề cập đến một số vấn đề có liên hệ tới hai bên, như sự thăng tiến gia đình, nâng đỡ các giai tầng xã hội túng thiếu nhất, và việc tiếp đón người di dân.
Sau cùng, các vị cũng thảo luận về một số vấn đề liên hệ tới Cộng đồng quốc tế, như hòa bình và an ninh, cuộc xung đột tại Ucraina và tình trạng ở Trung Đông.
Thông báo cho cho biết, sau khi hội kiến riêng với tổng thống Duda, Đức Thánh Cha đã gặp phu nhân Agata cùng với ái nữ Kinga và đoàn tùy tùng của Tổng thống gồm 10 người. Trong dịp này, tổng thống Ba Lan đã tặng Đức Thánh Cha ảnh Đức Mẹ Đen ở Czestochowa với khung trang trí rất đẹp. Ông nói: “Xin Đức Mẹ bảo vệ Đức Thánh Cha”.
Đức Thánh Cha đã tặng lại Tổng thống một mề-đai hòa bình, và ngài giải thích ý nghĩa. Ngài cũng tặng tổng thống thông điệp Laudato Sì về việc bảo vệ thiên nhiên và Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm). Ngài đích thân trao tặng các mềđai và tràng chuỗi mân côi cho những người thuộc đoàn tùy tùng.
Trước khi giã từ tổng thống Ba Lan, Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất hài lòng vì được đích thân gặp Tổng thống và xin Tổng thống cầu nguyện cho tôi”.
Chiều ngày 8-11, Phái đoàn của Tổng thống Ba Lan đã tham dự thánh lễ tại mộ của thánh Gioan Phaolô 2 trong Đền thờ Thánh Phêrô do Đức Tổng Giám Mục Zygmund Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, chủ sự.
12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp những người đoạt giải Nobel Hòa bình
Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2015 đã được trao cho Ủy Ban Đối Thoại Quốc Gia Tunisia về những gì Ủy ban Nobel gọi là “những đóng góp quyết định nhằm xây dựng một nền dân chủ đa nguyên tại Tunisia trước sự trỗi dậy của cuộc Cách Mạng Hoa Lài năm 2011.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng được đề cử hai lần vì những hoạt động không mệt mỏi của ngài cho hòa bình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo một truyền thống ít nhiều có màu sắc cực đoan, chưa một vị Giáo Hoàng nào được trao giải Nobel về hòa bình.
Cả linh mục Mussie Zerai, người điều hành mạng lưới cứu người vượt biển Đại Trung Hải, đã cứu hàng ngàn người tị nạn cũng không được trao giải.
Trong cuộc tiếp kiến sáng thứ Bẩy 7 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các ông Mohamed Fadhel Mahfoudh, Abdessatar Ben Moussa, Wided Bouchamaoui, và Houcine Abbassi.
Bốn vị này đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia; Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và thủ công mỹ nghệ Tunisia; Liên đoàn Nhân quyền Tunisia, và Luật sư đoàn Tunisia. Bốn tổ chức này đã giúp thành lập một hiến pháp mới và bầu cử tổng thống năm ngoái sau một loạt các vụ ám sát chính trị vào năm 2013.
Trong cuộc họp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi họ là “những kiến trúc sư của hòa bình”, khen ngợi họ đã hoàn thành công việc của mình “bằng tay và trái tim”; và ca ngợi những phương pháp họ sử dụng cho các cuộc đối thoại nhằm mang lại sự ổn định cho Tunisia.
Những người đoạt giải Nobel, về phần mình, cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp họ, và gọi ngài là “con người đích thực của hòa bình.” Các vị đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức chân dung của Mahatma Gandhi.
13. Tòa Thánh cổ võ sự cộng tác giữa Kitô và Ấn giáo về môi sinh
Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Kitô và Ấn giáo để thăng tiến một “nền sinh thái học nhân bản”.
Trong sứ điệp công bố hôm 6-11-2015, nhân dịp đại lễ Diwali của Ấn giáo, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, chúc mừng các tín hữu Ấn giáo trong dịp Đại lễ Ánh Sáng này, đồng thời nhận xét rằng trong khi Ấn giáo nhấn mạnh về sự hiệp nhất giữa thiên nhiên, con người và thần linh, Kitô giáo dạy rằng trái đất là món quà của Thiên Chúa trao tặng tất cả mọi người..Và trong tư cách là những người gìn giữ công trình sáng tạo, tất cả chúng ta có sứ mạng cương quyết bảo tồn thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm”.
Và Đức Hồng Y Tauran mời gọi các tín hữu Ấn giáo cùng với các Kitô hữu hợp tiếng với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác cũng như những người thiện chí để nỗ lực thăng tiến một nền văn hóa hòa hợp trong chính chúng ta, với tha nhân, với thiên nhiên và với Thượng Đế”
14. 1 triệu 800 ngàn lượt khách thăm gian triển lãm của Toà Thánh tại Expo 2015
Triển lãm quốc tế tại Milano, Italia- với diện tích 1 triệu mét vuông và hơn 140 nước tham gia với chủ đề: “Nuôi dưỡng trái đất, năng lượng cho cuộc sống” đã bế mạc vào ngày thứ Bảy, 31 tháng 10 năm 2015. Trong 6 tháng, đã có hơn 20 triệu lượt khách thăm khu triển lãm này; riêng gian triển lãm của Toà Thánh đã có 1 triệu 800 ngàn lượt khách tham quan.
Expo 2015 muốn đưa ra lời giải đáp thiết thực cho sự sống còn của nhân loại: bảo đảm lương thực thực phẩm sạch và cung cấp đầy đủ cho mọi người nhưng vẫn tôn trọng thiên nhiên.
Theo Văn phòng triển lãm quốc tế , trong số các gian triển lãm có diện tích dưới 2,000 mét vuông, gian triển lãm của Toà Thánh thể hiện rõ nét nhất chủ đề của Expo 2015. Hôm thứ Sáu 30 tháng 10 năm 2015, trước ngày bế mạc triển lãm, Văn phòng triển lãm quốc tế đã bất ngờ trao giải cho gian triển lãm của Toà Thánh. Ðón nhận giải thưởng này, Ðức ông Luca Bressan, đại diện cho ủy ban văn hoá, bác ái, truyền giáo và hoạt động xã hội của Tổng giáo phận Milano, nói rằng giải thưởng là một dấu hiệu chứng tỏ “sức mạnh truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thể đi vào không gian công cộng lớn như Triển lãm thế giới”.
Gian triển lãm khiêm tốn nằm ngay trung tâm của khu triển lãm, với hai câu trích dẫn Kinh Thánh bằng 13 thứ tiếng “Xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” và “Không chỉ sống bằng bánh”. Bên trong gian trưng bày, phía bên trái là một bức tường với hình ảnh khuôn mặt của những người tị nạn chiến tranh, đói khát và khốn khổ, phía bên phải trình bày cho thấy Giáo Hội đã giúp đỡ những người cơ nhỡ như thế nào. Ở giữa căn phòng là hai kiệt tác Bữa Tiệc Ly của Tintoretto và của Rubens. Với gian hàng này, Toà Thánh nêu bật “ý niệm về bánh”, như lời giải thích của Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá. Ngài nói, bánh là lương thực cơ bản vốn rất thường thiếu hụt, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng của bánh nữa.
Dù mang tầm vóc nhỏ bé giữa những kiến trúc hoành tráng hơn, gian triển lãm của Toà Thánh vẫn làm nên hình ảnh độc đáo bởi sức mạnh của thông điệp được gửi đi. Không có lương thực hay vật dụng gì để bán, nhưng lại có món quà lưu niệm để trao tặng. Một triệu tấm huy hiệu mang hình Đức Giáo Hoàng đã được tặng cho khách viếng thăm. 10 ngàn nhà tài trợ được nhận Thông điệp Laudato si' của Ðức giáo hoàng. Ðổi lại, gian triển lãm của Toà Thánh cũng nhận được tổng cộng 150 ngàn euro tiền quyên góp cho quỹ trợ giúp những người tị nạn ở Jordan. Ðức Hồng Y Ravasi nhận định: “Với những khoản đóng góp này, có thể nói rằng gần như gian triển lãm của chúng tôi đã thi hành một chức năng mục vụ”.
Tại Expo 2015, còn có một gian triển lãm khác thuộc Giáo Hội, đó là của Caritas, với khoảng 250 ngàn lượt khách tham quan. Nhờ sự diện diện của Tổ chức Caritas, lương thực không bán được tại Expo đã không bị lãng phí. Mỗi ngày 11,800 bữa ăn có chất lượng được trao cho những người nghèo, những người vô gia cư và những người gặp khó khăn trong Tổng giáo phận Milano.
Expo quốc tế lần tới sẽ diễn ra tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, vào năm 2020.
15. Đức Thánh Cha bị vấp trên những bậc thang của lễ đài được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô
Hôm thứ Bẩy 7 tháng 11, trong buổi tiếp kiến 23 ngàn người gồm các vị lãnh đạo và nhân viên sở hưu bổng toàn quốc Italia tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị vấp trên những bậc thang của lễ đài được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Biến cố này khiến báo chí Ý rộ lên những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ngài.
Đức Thánh Cha đã chống tay xuống để giữ thăng bằng và hai người cận vệ đã giúp ngài đứng dậy.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 9 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, bác bỏ những đồn đoán liên quan đến sự việc. Ngài chỉ ra rằng Đức Thánh Cha đã tiếp tục tiếp kiến công chúng, chương trình theo dự trù đã không bị gián đoạn, và ngài còn nán lại để chào thăm các du khách, không có dấu hiệu gì là ngài bị chấn thương.