Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một diễn từ với các giám mục Pháp, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu, và hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Paris.
Đức Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille cho các Giám Mục Pháp đang nhóm tại một cuộc họp ở Lộ Đức biết rằng Thượng Hội Đồng, là một “khoảnh khắc sâu sắc của đời sống Giáo Hội, một kinh nghiệm về vẻ đẹp của Giáo Hội”, và báo cáo cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã được trao phó cho Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện các quyết định cần thiết.
Phát biểu về cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu, Đức Tổng Giám mục Ponter nói rằng kết luận của Chúa Kitô trong dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành “hãy đi và làm như vậy” – là lời kêu gọi lương tâm của mỗi người và rằng các Kitô hữu nói riêng phải tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những người tị nạn nếu họ không được chào đón.
Kết luận diễn từ của mình, Đức Tổng Giám Mục Pointer kêu gọi người Công Giáo tin tưởng vào ân sủng và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và hãy trở thành “những nghệ nhân của hòa bình, đối thoại, các sứ giả của công lý và tình huynh đệ phổ quát.”
2. Đức Hồng Y Miến Điện chào đón cuộc bầu cử tự do như là cuộc hành hương của niềm hy vọng
Đức Hồng Y Charles Maung Bo của tổng giáo phận Yangon đã ra một tuyên bố chào đón cuộc bầu cử tự do đầu tiên trên đất nước này.
“Đây là biến cố mà quốc gia này đã chờ đợi trong nhiều thập kỷ,” Đức Hồng Y viết. “Khát vọng dân chủ đang tuôn trào mãnh liệt ở Miến Điện ngày hôm nay!”
Lên tiếng chúc mừng các ứng cử viên được các đảng phái đưa ra tranh cử, Đức Hồng Y nhận định rằng có những người không muốn nhìn thấy dân tộc tiến bước trên đường dân chủ nhưng kích động hận thù và bạo lực. Ngài cảnh giác rằng “những kẻ buôn bán hận thù đang xúm nhau cố gắng bôi nhọ thanh danh dân tộc ta.”
Đức Hồng Y nhận xét rằng với những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử, trách nhiệm giữ cho cuộc bầu cử được diễn ra bình yên là một thách thức cam go.
Khích lệ người Công Giáo nước này tham gia vào cuộc bầu cử được ngài mô tả như là một “giấc mơ tuyệt vời” mà người dân Miến Điện đã chờ đợi trong nhiều thập kỷ, Đức Hồng Y viết:
“Anh chị em hãy đến phòng bỏ phiếu như là đi trong một cuộc hành hương của niềm hy vọng. Xin Chúa phù hộ cho đất nước vĩ đại này!”
3. Các linh mục Phi Luật Tân được khuyên đừng làm phép cho những tượng bằng ngà voi
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã kêu gọi các giám mục nước này hãy “cấm các giáo sĩ làm phép cho bất kỳ ảnh tượng hoặc những vật dụng liên quan đến với thờ phượng được chế tác từ ngà voi hoặc các bộ phận cơ thể tương tự của các thú vật đang có nguy cơ tuyệt chủng”.
Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen- Dagupan nói:
“Tôi đề nghị các anh em giám mục của tôi hãy ra các chỉ thị không chấo nhận việc dâng cúng bất kỳ các tượng ảnh mới hoặc các vật dụng thờ tự làm từ ngà voi hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc từ các loài cần được bảo vệ và các loài đang có nguy cơ diệt chủng. Những vật như thế sẽ không được chấp nhận và chúc phúc”,
Đồng thời, những tượng ngà voi đang được sử dụng trong các nhà thờ “nên được bảo vệ, và có thể vẫn được sử dụng cho các mục đích thờ phượng vì chúng ta ghi nhận những giá trị lịch sử của chúng”.
4. Đức Giáo Hoàng được xếp thứ 4 trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới
Tạp Chí Forbes của Hoa Kỳ vừa công bố danh sách năm 2015 những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô được xếp hạng thứ tư, sau Vladimir Putin, Angela Merkel, và Barack Obama, và trước Tập Cận Bình, Bill Gates, và Janet Yellen.
Đức Thánh Cha cũng đã từng được xếp hạng thứ tư trong năm 2014.
Đức Giáo Hoàng là nhân vật phi chính trị duy nhất ở thứ hạng hàng đầu. Là vị lãnh đạo tinh thần của một phần sáu dân số thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dẫn dắt Giáo Hội với hơn 1 tỷ người.
Các quyết định được đưa ra dựa trên tiền bạc, ảnh hưởng và tác động của các quyết định của nhân vật được chọn.
Cũng như năm ngoái, trong danh sách 72 người, có 9 phụ nữ. Ngoài bà Angela Merkel, có bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
5. Cuộc gặp gỡ Chính Thống Giáo và Anh giáo tại Luân Đôn
Đức Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô của thành Constantinople, người có quyền tối thượng có tính chất danh dự giữa các Giáo Hội Chính thống giáo Đông Phương, đã kết thúc một chuyến thăm Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, người cũng có quyền ưu việt tương tự trong Khối Hiệp Thông Anh Giáo.
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 6 tháng 11, Tòa Tổng giám mục Canterbury cho biết:
“Hai nhà lãnh đạo đã dâng những lời cầu nguyện cho tất cả những người phải mạo hiểm cuộc sống của mình chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, bạo lực và khủng bố, và những người mà sự tồn tại của họ đang bị đe dọa bởi những biến đổi về khí hậu”.
Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thượng Phụ đại kết Chính Thống Giáo cũng đưa ra một bài thuyết trình về môi trường.
Đức Tổng Giám Mục Justin Welby đã được bầu làm Tổng giám mục Canterbury vào gần cùng thời gian với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cụ thể, ngài nhậm chức vào ngày 21 tháng Ba 2013.
Đức Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô đã lãnh đạo khối Chính Thống Giáo Đông Phương từ ngày 2 tháng 11 năm 1991.
6. Quốc hội Iraq đã bác bỏ một dự luật cho phép con cái một Kitô hữu cải đạo sang Hồi Giáo được quay lại Kitô Giáo
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số 131-57, Quốc hội Iraq đã bác bỏ một dự luật cho phép con cái của một Kitô hữu cải sang đạo Hồi được quay trở lại là người Kitô hữu.
Theo luật pháp Iraq, nếu một phụ huynh cải sang đạo Hồi, tất cả con cái họ tự động trở thành người Hồi giáo. Dự luật đề nghị cho phép trẻ em Kitô Giáo trong tình huống này được đổi lại là Kitô hữu khi tròn tuổi 18, như đã từng được phép ở Iraq và vẫn được phép ở khu tự trị của người Kurd.
Đức Cha Rabban Al-QA, giám mục giáo phận Công Giáo Canđê Amadiyah và Zaku nói: “Một não trạng bó buộc người ta như thế thật là phi nhân. Họ không chỉ muốn lấy nhà và tài sản của các Kitô hữu, nhưng bây giờ họ cũng muốn áp đặt ý chí của họ lên hy vọng, tự do tôn giáo và tự do lựa chọn cho tương lai của các tín hữu Kitô nước này.”
7. Đức Hồng Y Peter Turkson bày tỏ hy vọng về hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Paris
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, hy vọng các hành động chính trị được linh hứng bởi thông điệp Laudato Si có thể tác động lên COP21, là hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc sắp diễn ra tại Paris.
“50,000 vị đại diển gồm 25,000 đại biểu chính thức và 25,000 tham dự viên khác, những người tham gia vào cuộc gặp gỡ COP21 cần có đạo đức và những đức tính, và nhiều hơn nữa cho một cuộc gặp gỡ thành công. COP21 sẽ đòi hỏi những nỗ lực có tổ chức của các công dân trong việc áp dụng thông điệp của Đức Giáo Hoàng vào việc sử dụng các nguồn năng lượng, và đòi hỏi các nhà lãnh đạo hành động can đảm thay mặt cho người nghèo và hành tinh này.”
“Đây là những gì, vào ngày 29 tháng 11 này, hàng triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em trong các đường phố của Paris, London, Berlin, São Paulo và 3,000 thành phố khác sẽ diễn hành để nói lên nguyện vọng của ho,” Đức Hồng Y nói thêm.
8. Đức Thánh Cha gởi điện chia buồn vế cái chết của 27 người trong vụ cháy một hộp đêm tại Rumani
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một điện văn chia buồn tới Tổng thống Rumani là ông Klaus Werner Iohannis sau khi 27 người bị thiệt mạng và 180 người bị thương, trong vụ cháy một hộp đêm ở thủ đô Bucharest.
Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi buồn của mình trước các trường hợp tử vong và hứa cầu nguyện cho các gia đình các nạn nhân, và "uỷ thác những người quá cố cho lòng thương xót của Chúa."
Theo tin giờ chót, con số người bị thiệt mạng đã lên tới 45 người. Biểu tình dữ dội đã nổ ra cáo buộc các nhà chức trách chậm trễ trong việc tiếp cứu. Những cuộc biểu tình hết ngày này sang ngày khác đã khiến cho thủ tướng Victor Ponta và toàn bộ nội các phải từ chức.
9. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín đồ Ấn giáo nhân Lễ hội Ánh sáng Diwali
Nhân dịp Lễ hội Ánh sáng Diwali diễn ra năm nay vào ngày thứ Tư 11 tháng Mười Một, Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại liên tôn đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới. Chủ đề của sứ điệp năm 2015 nói đến nhiệm vụ chung của hai tôn giáo trong việc chăm sóc thiên nhiên và cùng nhau làm việc để xây dựng và phát triển một “nền sinh thái nhân văn” đích thực.
Thông điệp viết:
Các bạn Ấn giáo thân mến,
1. Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn xin gửi đến các bạn lời chào nồng ấm nhân dịp các bạn mừng lễ Diwali vào ngày 11 tháng Mười Một năm 2015. Cầu chúc các bạn trên toàn thế giới trải nghiệm hạnh phúc và hoà hợp trong gia đình và cộng đồng của các bạn trong ngày lễ này.
2. Mới đây, trong Thông điệp Laudato Si', Ðức giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến cuộc khủng hoảng sinh thái nhân văn và môi trường đang đe dọa hành tinh của chúng ta. Vì vậy chúng tôi cho rằng thật thích hợp để chia sẻ -theo truyền thống đáng quý của chúng tôi- một vài suy nghĩ về việc cần thiết phải cổ võ nền sinh thái nhân văn, và thúc đẩy việc tái khám phá mối liên kết của thiên nhiên. Nền sinh thái nhân văn cho thấy mối quan hệ và trách nhiệm của con người đối với trái đất và việc vun trồng các “nhân đức về sinh thái”. Những nhân đức này bao gồm việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của trái đất qua việc áp dụng các chính sách, ở cấp quốc gia cũng như quốc tế, tôn trọng mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của con người với thiên nhiên. Những vấn đề này, như chúng ta đã biết, có ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đối với sức khỏe hiện tại của trái đất của chúng ta - ngôi nhà của gia đình nhân loại - mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.
3. Thói ích kỷ của con người, thể hiện rõ trong xu hướng hưởng thụ và khoái lạc nơi một số cá nhân và một số nhóm người, đã nuôi dưỡng một ước muốn vô độ muốn “làm chủ” và “thống trị” hơn là “bảo vệ” và “quản lý” thiên nhiên. Chúng ta được kêu gọi, không phân biệt niềm tin tôn giáo hay quốc tịch, sống có trách nhiệm hơn nữa với thiên nhiên, nuôi dưỡng mối quan hệ mang lại sự sống và, nhất là, để sắp xếp lại lối sống của chúng ta và các cơ cấu kinh tế theo những thách đố về sinh thái mà chúng ta đang phải đối mặt. Truyền thống của các bạn nhấn mạnh đến tính “chung nhất” của thiên nhiên, con người và thần linh. Ðức tin Kitô giáo dạy rằng thế giới được tạo dựng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho mọi người. Là người quản lý trật tự sáng tạo, chúng ta được ủy quyền chăm sóc thế giới một cách có trách nhiệm và kiên quyết.
4. Có một mối liên kết không thể tách rời giữa sự hài hoà của chúng ta với thiên nhiên và sự an hoà của chúng ta với nhau. Ðể có hoà bình trên thế giới, chúng ta phải dấn thân - tập thể cũng như cá nhân - một cách có ý thức trong việc “chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo, và xây dựng mạng lưới của sự tôn trọng và tình huynh đệ” (Laudato Si', 201). Thúc đẩy nền sinh thái nhân văn đòi hỏi phải có sự huấn luyện và giáo dục, ở mọi cấp độ, ý thức và trách nhiệm về sinh thái, cũng như việc quản lý khôn ngoan các nguồn tài nguyên của trái đất. Ðiều này bắt đầu từ trong gia đình, “cấu trúc đầu tiên và cơ bản cho 'nền sinh thái nhân văn'... nơi đó con người nhận được những ý tưởng nền tảng về sự thật và điều thiện, và học biết yêu và được yêu là gì, và do đó làm người thực sự là như thế nào” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39). Các cơ cấu giáo dục và tổ chức chính quyền phải có trách nhiệm đào tạo công dân hiểu biết đúng đắn về sinh thái nhân văn và mối tương quan của nó với tương lai nhân loại và thế giới.
5. Ðược liên kết với nhau nhờ tình nhân loại và trách nhiệm hỗ tương, cũng như cùng chia sẻ các giá trị và các xác tín, ước gì tín đồ Ấn giáo và Kitô hữu chúng ta, cùng với những người thuộc mọi truyền thống tôn giáo và có thiện chí, biết luôn cổ võ một nền văn hóa thăng tiến sinh thái nhân văn. Bằng cách này, sẽ có sự hài hoà giữa chúng ta và trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, với thiên nhiên và với Thiên Chúa, và sẽ “giúp cho 'cây hoà bình' được tăng triển” (Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới, 2007).
6. Cầu nguyện cho một nền sinh thái lành mạnh và gây ý thức chăm sóc thiên nhiên bằng nhiều cách là một hành động thực sự cao quý. Vì thế, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập 'Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thiên nhiên' được cử hành hằng năm vào ngày 1 tháng Chín. Hy vọng sáng kiến này sẽ nâng cao nhận thức nơi mọi dân tộc rằng cần phải trở thành những người quản lý thiên nhiên tốt, và qua đó, thúc đẩy một nền sinh thái nhân văn thực sự.
Với những tâm tình này, chúng tôi cầu chúc tất cả các bạn một lễ Diwali vui tươi!
+ Hồng Y Jean-Louis Tauran