Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
“Ngày nay, mọi nơi trên thế giới đều xảy ra chiến tranh mà dường như lại chẳng có lý do chính đáng nào cho những cuộc chiến ấy. Con người có thể tìm thấy con đường dẫn tới hòa bình với Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đang gần kề.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 19 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.
“Đức Giêsu khóc thương.” Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng như thế. Và có thể nói, đây là một trong những bài giảng tha thiết nhất của ngài tại nhà nguyện thánh Marta.
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giê-ru-sa-lem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.
Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.
Hồi năm ngoái, chúng ta đã tưởng niệm những nạn nhân trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói, đó là những thảm sát không cần thiết. Ngày hôm nay, mọi nơi đều có chiến tranh, hận thù. Điều ấy khiến chúng ta phải thốt lên mà hỏi rằng: Điều gì còn sót lại sau chiến tranh? Tình trạng sống của chúng ta sẽ như thế nào?
Điều còn sót lại là sự đổ nát, hoang tàn. Hàng ngàn trẻ em không được đến trường. Vô số những người vô tội bị thiệt mạng. Hàng đống tiền rơi vào túi của những kẻ buôn bán vũ khí.
Có lần, Đức Giêsu đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.’ Quả thực, chiến tranh là một chọn lựa béo bở để làm giầu. Kinh doanh vũ khí sẽ thúc đẩy nền kinh thế phát triển, và từ đó người ta cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng Thiên Chúa sẽ nói với những người ấy rằng: Khốn cho các ngươi! Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ nói: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa. Chiến tranh có thể được ‘biện minh’ – biện minh trong ngoặc kép – với rất nhiều lý do. Và trong thế giới ngày hôm nay đã đầy dẫy chiến tranh rồi. Đó là một cuộc chiến có tầm mức thế giới nhưng xảy ra từng phần: ở đây, ở kia, ở đó và khắp mọi nơi mà chẳng có lý do nào cả. Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương.
Trong khi những người buôn bán vũ khí đang thực hiện việc kinh doanh của họ, lại có rất nhiều người kiến tạo hòa bình tuy đơn sơ nghèo khó nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ con người, hết người này đến người khác, đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì họ. Những gì Mẹ Têrêsa Calcutta, một biểu tượng sáng ngời trong thời đại chúng ta, đã sống và đã làm là một minh chứng hùng hồn. Nhưng bằng sự giễu cợt, những người có quyền lực có thể mỉa mai rằng: ‘Bà ấy đã làm gì vậy? Tại sao lại phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giúp đỡ những người sắp chết?’ Họ không hiểu được đường lối của hòa bình, không hiểu được những gì Mẹ Teresa đã làm.
Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương, vì thế giới này không biết đến con đường hòa bình, nhưng chỉ biết sống để gây chiến tranh, hận thù và mỉa mai những ai tận tâm kiến tạo hòa bình. Chúng ta được đòi hỏi phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim. Bên ngưỡng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, niềm vui của chúng ta sẽ là khi thế giới tìm thấy được khả năng biết khóc thương cho tội lỗi của mình, cho những gì mà chiến tranh đã gây ra.”
2. Kitô hữu không thể sống hai mặt
“Chúng ta cần cảnh giác trước tinh thần thế gian vì nó có thể dẫn chúng ta đến một cuộc sống hai mặt.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 17 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.
Vẫn theo lộ trình mà Giáo Hội mời gọi trong những ngày cuối năm phụng vụ, Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ về việc chúng ta phải hành xử như thế nào trong những cơn bách hại. Quả thực, bài giảng hôm nay tiếp nối bài giảng ngày hôm qua, ở đó ngài đã suy tư về ba khái niệm: tinh thần thế gian, bỏ đạo và sự bách hại.
Đức Thánh Cha chia sẻ những suy tư của ngài dựa theo bài đọc một, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ 2, để một lần nữa khuyến khích các Kitô hữu biết cảnh giác trước những cám dỗ của cuộc sống thế tục: “Vị bô lão E-la-da không hề bị lung lay, suy sụp trước tinh thần thế gian, sẵn sàng chọn lựa cái chết hơn là chối đạo. Quả thực, ông E-la-da đã chín mươi tuổi, không chấp nhận ăn thịt heo cũng như từ chối lời khuyên của nhưng ‘người bạn thế tục’ ăn một món thịt khác rồi giả vờ như thể đang ăn thịt cúng do vua truyền để không bị giết. Nhưng ông đã kiên trì giữ vững phẩm giá cao quý của mình. Ông là người có cuộc sống minh bạch, lập trường rõ ràng, sẵn sàng đón nhận cái chết như hồng ân tử vì đạo để làm chứng cho Chúa. Ông nói: ‘Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng. Tôi muốn làm chứng về đạo cho con cháu và các thế hệ trẻ sau này’.
Đây thật sự là mẫu gương sáng ngời về một đời sống minh bạch giúp đẩy lui tinh thần thế gian. Tuy nhiên, có nhiều người lại chọn một cuộc sống hai mặt: giả vờ như thế này nhưng lại sống như thế khác. Tinh thần thế gian len lỏi vào tâm hồn con người và dần dần chiếm đoạt nó. Nhưng thật khó để nhận ra tinh thần thế gian ấy ngay từ lúc đầu, vì nó giống như mối mọt từ từ gặm nhấm phá hoại để đến một ngày cây gỗ bị hỏng, không còn sử dụng được nữa. Cũng vậy, một người theo đuổi tinh thần thế gian sẽ đánh mất căn tính Kitô hữu của mình, cuộc sống bị mục rữa không còn minh bạch và hội nhất nữa. Có nhiều người nói rằng: ‘Ồ, con là một tín hữu đạo gốc đấy cha ơi. Con tham dự thánh lễ mọi Chúa Nhật. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày hay trong công việc, người ấy lại không có khả năng sống hội nhất và minh bạch. Thật đáng buồn thay!
Đấy là một cuộc sống mang đậm tinh thần thế gian. Và chính tinh thần thế gian sẽ dẫn đến kiểu sống hai mặt: vẻ bên ngoài hoàn toàn khác biệt những suy nghĩ nội tâm. Và như thế, người ấy sống xa rời Thiên Chúa và đánh mất căn tính Kitô hữu của mình. Như vậy, ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu đã khẩn nài tha thiết với Thiên Chúa Cha: ‘Lạy Cha, con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, vì ác thần hay tinh thần thế gian ấy sẽ phá hỏng căn tính Kitô hữu nơi họ.’
Kinh thánh, đặc biệt là câu chuyện về ông E-la-da là một minh chứng hùng hồn chống lại tinh thần thế gian. Không phải ngẫu nhiên mà ông E-la-da thốt ra những lời này: ‘Nếu thanh niên nghĩ rằng tôi đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại, vì tôi giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa; họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.’ Ông E-la-da đã ý thức được chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ham sống mà đầu hàng. Như vậy, tinh thần Kitô hữu hay căn tính Kitô hữu không bao giờ toan tính vị kỷ nhưng luôn nghĩ tới sự ảnh hưởng đến người khác, tránh tạo ra những gương mù, gương xấu và dùng chính sự minh bạch của một đời sống công chính như một chứng tá tốt lành để chữa lành và củng cố tha nhân.
Tuy nhiên, có người sẽ lý luận rằng: Chuyện này chẳng dễ dàng chút nào, vì con người phải sống trong một thế giới đầy dẫy những cám dỗ và cạm bẫy của một đời sống hai mặt luôn rình rập, gọi mời. Bởi thế, sống được như ông E-la-da quả là khó. Và câu trả lời là đúng vậy. Đối với chúng ta, không những rất khó mà còn là không thể được. Chỉ có Đức Kitô mới có thể làm được. Bởi vậy, những bài đọc ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện như lời Thánh vịnh: ‘Lạy Đức Chúa, xin đỡ nâng con.’
Chính Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta chống lại tinh thần thế gian đang nhăm nhe muốn hủy hoại căn tính Kitô hữu và muốn dẫn dụ chúng ta vào một kiểu sống lập lờ, hai mặt. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường nài xin: ‘Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi chẳng đáng kêu cầu trước mặt Chúa, nhưng xin Chúa dủ lòng thương ra tay bênh đỡ và gìn giữ, để con đừng rơi vào tình trạng giả vờ sống như một Kitô hữu nhưng thực tế lại sống như dân ngoại hay như mọi người khác trong xã hội.’
Nếu anh chị em có thời gian rảnh, hãy lấy Kinh thánh, sách Ma-ca-bê quyển thứ 2, chương 6 và đọc để biết câu chuyện ông E-la-da. Qua đó, anh chị em sẽ sống tốt hơn, có can đảm để làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, đồng thời cũng thêm lòng vững mạnh để gìn giữ căn tính Kitô hữu của mình chứ không thỏa hiệp để sống một cuộc sống hai mặt”
3. Mòn Mỏi Ðợi Trông
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...
Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.
Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...
Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.
Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét...
Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: “Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ”.
Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo Hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...
Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.
Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...
4. Hãy cảnh giác tinh thần thế gian
“Đừng hủy bỏ căn tính Kitô hữu, cũng đừng mặc lấy tinh thần thế gian, vì những điều ấy tất yếu dẫn đến việc chối đạo và những bách hại.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 16 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta
Khởi đi từ bài đọc một, Đức Thánh Cha giải thích ba từ: tinh thần thế tục, bỏ đạo và sự bách hại: “Bài đọc một trích sách Ma-ca-bê nói về ‘một mầm mống tội lỗi’ đã nảy sinh: Vua Hy lạp An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê đã áp đặt các tập tục của dân ngoại lên con cái It-ra-el, dân được tuyển chọn, nói cách nào đó chính là ‘Giáo Hội thời bấy giờ’. Mầm mống nằm dưới mặt đất nên triệu chứng của nó như thế này: điều không nhìn thấy thì chưa chắc đã không gây ra nguy hiểm, nhưng khi mầm mống đã phát triển sẽ phô bày ra bản chất thật sự của nó. Mầm mồng mà bài đọc một nói đến là một mầm mống về mặt tư tưởng và lý trí đã đẩy nhiều con cái It-ra-el đến chỗ ký kết giao ước với các dân tộc láng giếng để tìm kiếm sự bảo vệ và an toàn: ‘Tại sao lại sống cách biệt với họ? Từ khi sống cách biệt như thế, chúng ta gặp phải nhiều tai họa. Chúng ta hãy đến sống chung với họ để chúng ta giống họ họ và họ cũng giống chúng ta.’ Như vậy, trước hết, tinh thần thế tục chính là làm theo những gì thế gian làm: ‘Hãy vứt bỏ căn tính của mình, chúng ta sẽ giống người khác.’
Có rất nhiều người trong dân It-ra-el đã xây một thao trường ở Giê-ru-sa-lem theo thói các dân ngoại; họ hủy bỏ dấu vết cắt bì, tức là chối bỏ đức tin, chối bỏ Giao Ước Thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ. Nhưng dường như việc chối bỏ căn tính này lại được biện minh rất hợp lý: Chúng ta được giống mọi người; chúng ta bình thường như mọi người. Đây chính là đường lối của tinh thần thế gian, của đau khổ và tội lỗi.
Bài đọc một tiếp tục tường thuật cho chúng ta biết, nhà vua ra chiếu chỉ trong toàn vương quốc, truyền cho mọi người phải nhập thành một dân duy nhất; và ai nấy phải bỏ tục lệ của mình. Mọi dân tộc đều chấp hành lệnh vua; trong dân It-ra-el có nhiều người hưởng ứng việc thờ phượng vua đã truyền: họ dâng lễ tế cho các ngẫu tượng, vi phạm ngày sa-bát. Đây chính là sự bỏ đạo. Như vậy, tinh thần thế gian – muốn làm giống người ta – sẽ dẫn đến một suy nghĩ hay tư tưởng độc đoán và cuối cùng là bỏ đạo. Không cho phép bất cứ sự khác biệt nào, tất cả là như nhau. Và điều này cũng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội, khi các nghi lễ tôn giáo được thay tên đổi họ. Chẳng hạn như ngày lễ Giáng Sinh, người ta lại muốn đặt ra một cái tên khác nhằm xóa bỏ căn tính thiêng liêng của ngày lễ ấy.
Lúc ấy, trong dân tộc It-ra-el, các sách của bộ Luật bị xé và quăng vào lửa. Nếu ai còn tuân giữ lề luật, thì đem ra xử tử theo phán quyết của vua. Như thế, sự bách hại đã được khởi đầu bằng một mầm mống tội lỗi. Tôi luôn được đánh động về hình ảnh của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Với lời cầu nguyện dài, Ngài đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất và nài xin Chúa Cha giải thoát các môn đệ khỏi tinh thần thế gian, vì tinh thần thế gian ấy sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu, sẽ dẫn đến những suy nghĩ và tư tưởng độc đoán.
Lúc bắt đầu, tinh thần thế gian là một mầm mống nhỏ bé, nhưng khi lớn lại trở thành đồ ghê tởm khốc hại, và kết thúc trong sự bắt bớ, chết chóc. Như vậy, đó chính là điều gian dối mà tinh thần thế tục mang lại, và cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu nài xin Chúa Cha tại Bữa Tiệc Ly: ‘Lạy Cha, con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ trong thế gian.’ Chính não trạng hay tinh thần thế tục sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu và dẫn tới một não trạng ‘bày đàn’: Tất cả mọi người đều làm như thế, sao chúng ta lại không? Trong thời đại ngày nay, chúng ta dễ bị hoang mang: Đâu là căn tính của tôi? Kitô hữu hay một người mang tinh thần thế tục? Có thể chúng ta sẽ tự trấn an mình rằng: Tôi là Kitô hữu vì tôi đã được rửa tội khi còn bé và được sinh ra trong một gia đình hay một quốc gia Công Giáo, nơi đó tất cả mọi người đều là Công Giáo. Nhưng tinh thần thế tục tiến đến cách chậm rãi từ từ, và sau đó sẽ phát triển lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và bắt đầu gây nhiễm bệnh. Rất nhiều những thứ xấu xa đã xuất phát từ đó.
Bởi vậy, những bài đọc trong những ngày cuối năm phụng vụ này khuyến cáo chung ta hãy cảnh giác trước những mầm mống độc hại khiến chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Trong tinh thần ấy, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, xin Thiên Chúa bảo vệ, canh chừng Giáo Hội khỏi tất cả những dạng thức của tinh thần thế tục. Cầu nguyện cho Giáo Hội sẽ luôn giữ vững căn tính đã được trao ban bởi Đức Giêsu Kitô, và cũng cầu nguyện cho bản thân chúng ta bảo toàn căn tính đã được nhận lãnh khi chịu phép rửa. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết gìn giữ và kiên trung trong căn tính Kitô hữu trước tinh thần thế gian luôn không ngừng lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và trở thành một thứ dịch bệnh”
5. Hãy là cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa
Giáo Hội được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi trên đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm khó khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang chờ đợi bước vào dem theo phước lành và tình bạn của Người.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18-11. Trong bài huấn dụ về đề tài: “Gia đình cánh cửa của sự tiếp đón”, Đức Thánh Cha nói: với suy tư này chúng ta đã tới ngưỡng cửa của Năm Thánh gần kề. Trước mắt chúng ta là cánh cửa, không phải chỉ là cánh cửa thánh, mà là cánh cửa khác; cánh cửa lớn của Lòng Thương Xót Chúa, và đó là cánh cửa đẹp, tiếp đón sự sám hối của chúng ta bằng cách cống hiến cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài. Cửa được rộng mở một cách quảng đại, nhưng chúng ta phải có một chút can đảm để bước qua ngưỡng cửa. Mỗi một người trong chúng ta có trong chính mình những điều trĩu nặng, có đúng thế không? Tất cả mọi người, đúng không? Tất cả chúng ta là những người tội lỗi! Chúng ta hãy lợi dụng lúc đang đến này, và hãy bước qua ngưỡng cửa của lòng thương xót này của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta. Ngài nhìn chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy vào qua cửa này!
Từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, mà chúng ta đã cử hành trong tháng 10 vừa qua, tất cả mọi gia đình và toàn thể Giáo Hội đã nhận được một khích lệ gặp gỡ nhau trên ngưỡng cửa của cánh cửa rộng mở ấy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này như sau:
Giáo Hội được khích lệ mở các cánh cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi trên đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm khó khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang chờ đợi bước vào đem theo phước lành và tình bạn của Người. Và nếu cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn mở rộng, thì cả các cánh cửa các nhà thờ của chúng ta, tình yêu thương của các cộng đoàn, các giáo xứ, các cơ cấu, các giáo phận của chúng ta cũng phải rộng mở, để như thế tất cả chúng ta có thể đi ra đem theo lòng thương xót này của Thiên Chúa. Năm Thánh có nghĩa là cánh cửa lớn của lòng thương xót Chúa, nhưng cũng có nghĩa là các cánh cửa nhỏ của các nhà thờ chúng ta rộng mở để cho Chúa vào, hay biết bao lần để cho Chúa đi ra, Chúa người tù của các cơ cấu , của ích kỷ và biết bao nhiêu điều khác nữa của chúng ta.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúa không bao giờ xô cửa mà vào: cả Ngài cũng xin phép vào; Chúa xin phép vào, chứ không xô cửa. Sách Khải Huyền nói: “Ta đứng ngoài cửa và gõ - Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng coi Chúa gõ cửa trái tim chúng ta - Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Và thị kiến lớn cuối cùng của của sách Khai Huyền nói tiên tri về Thành của Thiên Chúa như sau: “Các cửa thánh sẽ không bao giờ đóng ban ngày”, điều này có nghĩa là luôn mãi, bởi vì “sẽ không còn đêm nữa” (Kh 21,25). Trên thế giới có những nơi, trong đó người ta không đóng cửa bằng khóa, vẫn còn có như vậy. Nhưng có biết bao nơi khác các cửa bọc sắt là điều bình thường. Chúng ta không được đầu hàng trước ý tưởng phải áp dụng hệ thống này, cũng là hệ thống an ninh, cho cuộc sống chúng ta, cho cuộc sống của gia đình, của thành phố và xã hội của chúng ta. Lại càng không thế áp dụng cho cuộc sống của Giáo Hội. Sẽ thật là điều kinh khủng! Một Giáo Hội không tiếp đón, cũng như một gia đình khép kín trong chính mình, làm nhục Tin Mừng và khiến cho thế giới cằn cỗi đi. Không có các cửa đóng kín trong Giáo Hội, Không có gì hết! Tất cả đều rộng mở!
Việc phối hợp biểu tượng của các cánh cửa, các ngưỡng cửa, các lối đi ngang qua, các biên giới trở thành nòng cốt. Cửa phải canh giữ chắc chắn rồi, nhưng không được khước từ. Không được xô cửa mà vào, trái lại phải xin phép, để cho sự hiếu khách toả sáng trong sự tự do tiếp đón, và bị lu mờ trong yêu sách xâm chiếm. Cánh cửa mở ra một cách thường xuyên, để xem bên ngoài có ai đang chờ đợi không, hay có người không có can đảm và cả sức mạnh để gõ cửa. Có biết bao nhiêu người đã mất tin tưởng, không có can đảm gõ cửa trái tim kitô của chúng ta, gõ cửa các nhà thờ của chúng ta… Và họ đứng đó, không có can đảm, chúng ta đã lấy đi lòng can đảm của họ, xin làm ơn đừng bao giờ để cho điều này xảy ra! Cánh cửa nói rất nhiều về gia đình và cả về Giáo Hội nữa. Việc canh cửa đòi hỏi thái độ cương quyết chú ý, đồng thời nó phải gợi hứng cho sự tin tưởng lớn lao. Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai giữ cửa: giữ cửa các chung cư của chúng ta, các cơ quan dân sự, và chính các nhà thờ. Thường khi sự quan tâm và tử tế của người canh cửa có khả năng cống hiến một hình ảnh nhân bản và tiếp đón bên trong gia đình, bắt đầu ngay từ cửa vào. Có nhiều điều cần học hỏi nơi các anh chị em canh cổng các nơi gặp gỡ và tiếp đón của thành phố của con người! Xin cám ơn nhiều tất cả anh chị em là những người giữ biết bao nhiêu cửa, dù đó là cửa nhà hay cửa của các các nhà thờ! Nhưng luôn luôn với một nụ cười, luôn luôn cho thấy sự điếp đón của căn nhà đó, của nhà thờ đó, như thế người ta cảm thấy hạnh phúc và được tiếp đón tại nơi ấy.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:
Thật ra chúng ta biết rõ là chính chúng ta cũng là những người canh giữ và phục vụ Cánh Cửa của Thiên Chúa. Và Cánh Của của Thiên Chúa tên là gì? Ai biết trả lời ? Ai là Cánh Cửa của Thiên Chúa? Chúa Giêsu.
Ai là Cánh của của Thiên Chúa? Hãy nói to lên! Chúa Giêsu! Ngài soi sáng cho chúng ta trên tất cả mọi cánh cửa cuộc sống, bao gồm cả các cánh cửa sinh tử của chúng ta. Chính Ngài đã khẳng định điều đó: “Ta là cửa: ai qua Ta mà vào sẽ được cứu thoát; nó sẽ vào, sẽ ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9). Chúa Giêsu là Cửa khiến cho chúng ta vào và ra. Vì chuồng chiên của Thiên Chúa là một chỗ ẩn náu, chứ không phải là một nhà tù! Nhà của Thiên Chúa là một nơi ẩn náu, không phải là một nhà tù, và cánh cửa có tên gọi là gì? Một lân nữa! Có tên gọi là gì? Chúa Giêsu! Và nếu cửa đóng thì chúng ta nói: “Lậy Chúa xin mở cửa”. Chúa Giêsu là cửa và Ngài làm cho chúng ra vào và ra. Các kẻ trộm là những người tránh cửa vào: thật là lạ, các kẻ trộm luôn luôn tìm vào từ phía khác, từ cửa sổ, từ mái nhà, nhưng tránh cửa, bởi vì họ có các ý xấu và họ lẻn vào chuồng chiên để lừa dối chiên và lợi dụng chúng. Chúng ta phải đi qua cửa và lắng nghe tiếng Chúa Giêsu_ nếu chúng ta nghe giọng của tiếng Người, chúng ta được chắc chắn, chúng ta được cứu thoát. Chúng ta có thể vào không sợ hãi và ra không nguy hiểm. Diễn văn rất hay đẹp này của Chúa Giêsu cũng nói tới người giữ chiên có bổn phận mở cửa cho Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,2). Nếu người giữ lắng nghe tiếng của Mục Tử, thì khi đó mở cửa và khiến cho tất cả các con chiên mà Mục Tử đem theo vào trong, tất cả, kể cả các con chiên lạc trong rừng, mà Mục Tử đã đi tìm đem về. Người canh giữ không chọn chiên - ông hay bà thư ký giáo xứ không chọn chiên – không, họ không chọn! Tất cả các con chiên đều được mời, họ được chọn bởi Mục Tử nhân lành. Người canh giữ cũng vâng theo tiếng của Mục Tử. Đó, chúng ta có thể nói rằng chúng ta phải như người canh giữ chiên ấy. Giáo Hội là cổng nhà của Chúa, Giáo Hội là cổng nhà, chứ không phải là bà chủ nhà của Chúa.
Thánh Gia Nagarét biểt rõ một cánh cửa mở hay đóng có nghĩa là gì, đối với ai chờ đợi một người con, đối với ai không có nơi nương thân, đối với ai phải thoát hiểm nguy. Ước chi các gia đình kitô biến ngưỡng cửa nhà mình trở thành một dấu chỉ bé nhỏ to lớn của Cửa Lòng Thương Xót và tiếp đón của Thiên Chúa. Chính như thế mà Giáo Hội sẽ phải được nhận ra, trong mọi góc của thế giới này: như người canh giữ của Thiên Chúa là Đấng gõ cửa, như sự tiếp đón của một Thiên Chúa không đóng sầm cửa lại trước mặt bạn, lấy cớ bạn không phải là người nhà. Với tinh thần này chúng ta tất cả đến gần Năm Thánh, sẽ có cửa thánh, nhưng có cửa lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại! Ước chi cũng có cửa con tim chúng ta để tiếp nhận tất cả, ơn tha thứ của Thiên Chúa, hay trao ban sự tha thứ và tiếp đón tất cả những ai gõ cửa chúng ta.
6. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: lễ Chúa Kitô Vua
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22-11, Đức Thánh Cha đã nêu bật ý nghĩa Vương quyền của Chúa Kitô và ngài bênh vực các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới.
Dưới bầu trời nắng thu, 40 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha Phanxicô. Giữa quảng trường thánh Phêrô, cây thông cao 32 mét do miền Bavaria bên Đức tặng đã được dựng lên cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết. Con số các nhân viên cảnh sát và an ninh chìm cũng được tăng cường trước những đe dọa khủng bố trong những ngày nay.
Đúng 12 giờ Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Chào Anh Chị em
Trong Chúa Nhật cuối cùng này của Năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong khi ngài tự giới thiệu trước mặt quan Philato như là vua của “một nước không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu là vua của một thế giới khác, nhưng là vua một cách khác. Đây là sự đối nghịch giữa hai thứ lô-gic. Lô gíc trần thế dựa trên tham vọng và cạnh tranh, mà người ta tranh đấu bằng những võ khí sợ hãi, cưỡng bách, lèo lái lương tâm. Còn lôgic của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong sự khiêm tốn và nhưng không, được khẳng định âm thầm nhưng hữu hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc của trần thế này nhiều khi được cai trị bằng cường quyền, cạnh tranh, đàn áp; vương quốc của Chúa Kitô là “nước công lý, tình thương và an bình” (kinh Tiền Tụng).
Chúa Giêsu tỏ ra là vua trong biến cố Thập Giá! Ai nhìn Thập Giá của Chúa Kitô thì không thể không thấy sự nhưng không lạ lùng của tình thương. Đối với Kitô hữu, nói về quyền lực và sức mạnh có nghĩa là tham chiếu quyền lực của Thập Giá và sức mạnh tình thương của Chúa Giêsu: một tình thương vẫn kiên vững và toàn vẹn, kể cả trước sự từ khước, và xuất hiện như sự hoàn tất một cuộc sống xả thân trong sự tận hiến cho nhân loại. Trên Đồi Canvê, những người qua đường và các thủ lãnh nhạo cười Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, và họ thách thức Ngài: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi thập giá đi!” (Mc 15,30). Nhưng điều nghịch lý là chân lý của Chúa Giêsu chính là sự thật mà những kẻ đối thủ của Ngài với giọng chế nhạo nói lên: “Hắn không thể tự cứu mình!” (v.31). Giả sử Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì có nghĩa là ngài chiều theo cám dỗ của thủ lãnh thế gian này; trái lại Ngài không thể tự cứu mình để có thể cứu vờt những người khác, để có thể cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi.
Một trong hai kẻ gian ác bị đóng đinh với Chúa đã hiểu điều ấy, anh ta được gọi là “kẻ trộm lành”, anh cầu xin Người: “Lạy ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi ngài vào nước của ngài” (Lc 23,42). Sức mạnh vương quốc của Chúa Kitô là tình thương: vì thế vương quyền của Chúa Giêsu không đè nén chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta khỏi mọi yếu đuối và lầm than, khích lệ chúng ta tiến bước trên những con đường sự thiện, hòa giải và tha thứ. Chúa Kitô là một vị vua không thống trị chúng ta, không đối xử với chúng ta như những người bị trị, nhưng nâng chúng ta lên bằng phẩm giá của Ngài. Chúa cho chúng ta được hiển trị với Ngài, vì như sách Khải Huyền dạy, 'Ngài làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa là Cha của Ngài” (1,6). Nhưng cai trị như Ngài có nghĩa là phụng sự Thiên Chúa và anh em mình; một sự phục vụ nảy sinh từ tình yêu. Phục vụ vì yêu thương là cai trị: đó chính là vương quyền của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đứng trước bao nhiêu sâu xé trên thế giới và quá nhiều vết thương trong thân thể loài người, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, là vua của chúng ta, làm cho nước Chúa hiện diện với những cử chỉ dịu hiền, cảm thông và từ bi.
Đức Thánh Cha chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ Italia và các nước khác, các nhóm giáo xứ, và hội đoàn, các tín hữu hành hương đến từ Mễ Tây Cơ, Úc Đại Lợi, Đức, và nhiều miền ở Italia. Đặc biệt là những nhóm ca đoàn mừng lễ thánh Cecilia hôm nay, bổn mạng ngành thánh ca và âm nhạc.