KHỦNG BỐ, CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ KHỦNG BỐ ĐỒNG BÀO

Khủng bố là hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, phim ảnh và đánh giết người do cá nhân hay tổ chức thực hiện làm chết người gây hoang mang khiếp sợ cho tâm lý hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Khủng bố không có một định nghĩa có tính pháp luật hay hình sự rõ ràng nào. Đó là những hành vi bạo lực nhằm tạo ra sự sợ hãi tạo ra cho một mục tiêu tôn giáo, chính trị hay ý thức hệ; và cố tình nhắm vào các mục tiêu hoặc không quan tâm đến sự an toàn của những người không có khả năng tự vệ. Khủng bố đã được thực hiện bởi các tổ chức chính trị (đảng) để phát triển mục tiêu của chúng. Các đảng khủng bố có thể khai thác nỗi sợ hãi của con người để hỗ trợ đạt được những mục tiêu này.

Ngày 14.11.203, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi những cuộc khủng bố tại Paris tối hôm trước là ‘một cuộc thế chiến thứ ba từng mãnh’. ‘Từng mãnh’ để nói về hình thức chiến tranh không có tuyên chiến, không cân xứng, không xảy ra ở chiến trường mà nhắm vào các nạn nhân gồm trẻ em, người vô tội và người già’. Nó còn có nghĩa là ‘chúng ta không biết sự khủng bố sẽ xảy ra cho mình ở đâu và khi nào.

Ngày 16.11.2015, ‘Nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh !’ (La France est en guerre !), Tổng thống François Hollande đã mạnh mẽ tuyên bố trước các vị dân cử hai viện Lập pháp họp chung tại Điện Versailles.

I.- NHỮNG VỤ TẤN CÔNG ĐẪM MÁU TẠI PARIS.

Sau cuộc thảm sát tại nhà báo Charlie Hebdo tại Paris ngày 07.01.2015 bắn chết 12 người và vụ khủng bố bị phá vỡ trên chuyến xe lửa Thalys đi từ Amsterdam (Hòa lan) đến Paris ngày 21.08.2015, ngày 13.11.2015, sáu cuộc khủng bố kinh hoàng khắp Paris, thủ đô nước Pháp gây tử vong cho 130 người (tính đến 20.11.2015).

Ngày 13.11.2015, Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp, ba nhóm khủng bố có những hoạt động khác nhau :

A.- Tại sân vận động Stade de France, ở Saint-Denis, trong vùng Île-de-France phía bắc Thủ đô, vụ đánh bom tự sát đầu tiên vào lúc 21 giờ 16 ngày 13.11.2015, khi trong sân đang diễn ra trận bóng tròn giao hữu giữa hai Đội tuyển Đức – Pháp, với sự dự khán của Tổng thống Pháp François Hollande và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và 80.000 khán giả. Trận đấu được trực tiếp truyền hình ở 66 quốc gia. 15 phút sau khi trận đấu bắt đầu, một trong số 3 kẻ khủng bố có vé vào cửa định đi vào ở cổng D, đại lộ Jules Rimet. Nhân viên an ninh kiểm soát thấy hắn có dây nịt bom. Hắn lùi ra và cho bom nổ vào lúc 21 giờ 30 giờ, làm chết một người ở gần đó. cảnh sát đã tìm thấy hắn có mang theo một thẻ hộ chiếu Syria. Tên khủng bố thứ 3 đã cho bom dây nịt nổ ở đường des Trémies, gần quán McDonald’s vào lúc 21 giờ 52 giờ. Không ai bị thương. Khán giả tại sân bóng cũng như truyền hình đề có thể nghe, nhưng đa số họ tưởng chỉ là pháo đốt.

Đến 21 giờ 36, Tổng trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve nhận điện thoại từ Cảnh sát trưởng Paris Michel Cadot cho biết đây không chỉ là những tiếng nổ bình thường và vị này đã trính báo cho Tổng thống. Hai vị đi đến Ban an ninh Sân vận động để tìm hiểu thêm. Khi hiệp đầu chấm dứt, ông Hollande ra về, sau khi yêu cầu Chủ tịch Quốc hội cùng các Tổng bộ trưởng khác an vị và ông Steinmeier ở lại xem hiệp hai. Sau khi trận đấu chấm dứt, khán giả được hướng dẫn ra về. Vì không phải cổng nào cũng mở, nhiều khán giả đã tràn xuống sân. Cả hai Đội tuyển, vì lý do an ninh, đã ở lại trong sân. Sáng hôm sau, Đội Đức được đưa thẳng ra phi trường để về nước. Vài giờ trước trận đấu, Đội tuyển Đức đã phải rời khỏi khách sạn vì nơi này đối diện với Hôtel Molitor Paris, quận 16 Paris, bị đe dọa đặt bom.

B.- Nổ súng vào các nhà hàng và tiệm nước.

1./ Tại Le Carillon và Le Petit Cambodge ở góc đường Bichat và đường Alibert, gần kiânh đào Saint-Martin quận 10 Paris. Lúc 21 giờ 25, các tên khủng bố đi bằng xe Seat Leon, đã bắn vào những người ngồi bên ngoài quán cà phê Le Carillon. Sau đó, chúng lao qua đường Bichat tấn công nhà hàng Le Petit Cambodge làm tử vong 15 người và 10 người bị thương. Một tay súng trong họ đã hét lên ‘Allahu Akbar’. Chúng đã thoát đi trong chiếc xe mang bảng số Bỉ. Các bác sĩ từ bệnh viện Saint-Louis gần Le Carillon đã tới cứu cấp những người bị thương.

2./ Tại La Casa Nostra và Café Bonne Bière. 10 phút sau, những kẻ khủng bố đó đã bắn vào quán ăn Ý La Casa Nostra ở đường la Fontaine au Roi 2 và quán nước Café Bonne Bière, đường Faubourg-du-Temple, làm chết 5 người và 8 người bị thương nặng.

3./ Đường Charonne. Lúc 21 giờ 38, nhóm khủng bố này dùng AK-47 bắn từ bắn vào quán nước La Belle Équipe số 92 đường Charonne làm thiệt mạng 19 người. 9 người khác bị thương nặng .

4./ Đại lộ Voltaire. Khoảng 21 giờ 43, một tên khủng bố đã cho nổ bom tự tử tại quán Café Comptoir Voltaire ở 253 Đại lộ Voltaire. Một người khác bị thương nặng. Quán này cách nhà hát Bataclan 900 thước.

C.- Đột nhập rạp hát Bataclan, xả súng và bắt giữ con tin tại đây.

Lối 21 giờ 40 ngày 13.11.2015, 4 kẻ khủng bố có trang bị súng AK-47 vừa rời khỏi xe VW Polo, tấn công và đột nhập vào khán phòng, bắt đầu xả súng trong khoảng 10 phút vào đám đông khi ban nhạc Eagles of Death Metal đang trình diễn nhạc rock trước khoảng 1.500 khán giả. Cảnh sát phong tỏa hiện trường. Nửa giờ sau, chúng bắt đầu trấn áp con tin trong suốt hai tiếng đồng hồ cho tới khi được BRI (Brigade de recherche et d’intervention, Đội truy tầm và can thiệp) giải cứu lúc 0 giờ 58 ngày 14.11.2015. Ít nhất 89 người đã bị chúng giết chết khi bị bắt giữ làm con tin. Lúc tràn vào, cảnh sát đã bắn chết một tên khủng bố, ba kẻ còn lại đã dựt bom đeo ở nịt tự tử.

Dù cuộc tấn công chưa chấm dứt, lúc 23 giờ 58, Tổng thống François Hollande, qua màn ảnh truyền hình, đã tuyên bố :
- về nội vụ đêm khủng bố và tại nhà hát Bataclan, cảnh sát đang tiến hành chiến dịch giải cứu cùng khó khăn những người bị bắt làm con tin, 4 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt ;
- ‘Đây là một hành động chiến tranh được chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức ở nước ngoài, có sự thông đồng của những cá nhân ở Pháp. Vì bị tấn công tàn bạo, nước Pháp sẽ không tha thứ cho những kẻ sát nhân IS (Nhà nước Hồi giáo, xem đoạn III dưới đây. Trong bài này, để giản dị hóa, chúng ta chỉ dùng chữ IS). Do đó, tình trạng khẩn cấp (état d’urgence) và đóng cửa biên giới toàn bộ nước Pháp được công bố.

Đây là lần đầu tiên Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ năm 1961 do chiến tranh Algérie.

Sáng ngày 14.11.2015, IS đã lên tiếng chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Họ cho biết đã cử 8 chiến binh gài bom trong thắt lưng và mang súng tự động tới nhiều địa điểm ở trung tâm của thủ đô nước Pháp. Nước này là một mục tiêu hàng đầu của IS chừng nào nước này tiếp tục chính sách hiện tại. IS kêu gọi người Pháp theo đạo Hồi tiếp tục các cuộc tấn công.

Cần biết thêm : Captagon là một loại thuốc kích thích rất phổ biến tại vùng Cận Đông, một công cụ được IS sử dụng cho chiến binh của họ, đặc biệt là những kẻ được chọn để tiến hành các vụ khủng bố tự sát. Một nhân chứng cho ký giả báo Le Figaro (đăng trong số ra ngày 15.11.2015) biết đã nhìn thấy những kẻ khủng bố trước khi họ ra tay tấn công nhà hát Bataclan. Những người này ngồi trên chiếc xe Polo màu đen, với dáng vẻ được mô tả như là những xác chết biết đi, như họ đã được chích ma túy. Họ đậu xe không đúng qui định, hành vi của họ rất quái lạ. Anh đã ra gặp họ để bảo rằng họ đã đậu xe không đúng luật. Họ không thèm hạ kiếng xe và nhìn anh một cách dữ dằn. Các nạn nhân bị bắt làm con tin, sau khi thoát chết trong vụ thảm sát đã đã kể ‘thấy mặt họ đang trong tình trạng rất lạnh lùng, sự vô cảm của những kẻ bắn giết đồng loại.

II.- TẠI SAO BỌN KHỦNG BỐ NHẮM VÀO NƯỚC PHÁP.

Quân đội Pháp đã tham gia các cuộc không kích tại Mossoul (thành phố lớn thứ nhì của Iraq) và Raqqa (miền bắc Syria) kể từ ngày 19.09.2014 với Chiến dịch Chammal, dưới sự chỉ huy của Hoa kỳ, với sự tham dự của Anh, Úc, Canada, Jordani, Maroc và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh. Tháng 10/2015, Pháp tấn công lần đầu các mục tiêu ở Syria. IS nhấn mạnh đến các vụ không kích này trong văn bản thừa nhận trách nhiệm của họ về vụ khủng bố ngày 13.11.2015.

Từ đầu năm đến nay, nước Pháp đã 4 lần là mục tiêu tấn công khủng bố. Sau vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo và vụ tấn công vào một siêu thị người Do thái ở Vincennes hồi tháng 01/2015. Tháng 06/2015 tại vùng Isère, một doanh nhân bị chặt đầu, hai người bị thương. Mùa hè vừa qua, suýt nữa đã xảy ra khủng bố đẩm máu trên chuyến xe lửa Thalys Amsterdam – Paris và, cuối cùng là những vụ đổ máu lại ngay tại Paris ngày 13.11.2015. Mỗi đợt tấn công đó đều có bàn tay của tổ chức IS.

Ngoài ra, Quân đội Pháp còn hiện diện tại nhiều nơi ở Phi châu (Mali, Trung phi) với nhiệm vụ là bài trừ tận gốc các nhóm Hồi giáo cực đoan khiến bị IS coi là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ ‘phản đạo’. Một lý do khác là vì Pháp có một đội ngũ tham gia đông đảo hơn các nước khác đồng tham gia liên minh chống IS. Theo thống kê bộ Nội vụ, có hơn 520 thanh niên Pháp tịch hay thường trú tại Pháp đã sang Iraq và Syria để được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ IS. Lối một nửa trong họ đã trở về nước, sau một thời gian. Ngoài ra, hiện vẫn còn khoảng 700 thanh niên Pháp tìm đường sang hai nước đó.

Theo giới điều tra chống khủng bố, thủ phạm vụ khủng bố hụt trên xe lửa Thalys và Mehdi Nemmouche, kẻ đã nổ súng ở bảo tàng Do thái tại Bruxelles (Bỉ) tháng 05/2014, làm 4 người chết và Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắt con tin và thảm sát ở siêu thị Do thái tại Vincennes, đều được IS huấn luyện. Bạn gái của Coulibaly hiện đang ẩn náu tại Raqqa, cứ địa IS ở Syria. Một trong ba kẻ khủng bố tự sát trước Stade de France từng là tài xế xe bus (Công ty chuyên chở công cộng RATP, bus và xe điện ngầm), Air France, công ty hỏa xa SNCF đều có hiện tượng một số nhân viên theo đạo Hồi một cách mê muội nhất. Họ từ chối chào hành khách phái nữ hay không lái chiếc xe bus mà một nữ đồng nghiệp bàn giao.

Tình báo Pháp bị chỉ trích. Cơ quan thông tấn AFP cho rằng nhịp độ điều tra và truy bắt thủ phạm, một số trường hợp ‘bất cập’ đã được phát hiện. Thí dụ tên khủng bố tự sát Samy Amimour, 28 tuổi, sinh quán tại Pháp. Dù bị nghi đã đi Yemen để theo IS, nhưng khi bị truy tố tháng 10/2012 với tội ‘đồng lõa khủng bố’ chỉ bị tư pháp kiểm soát. Một năm sau, anh lại sang được Syria và trở về để gây khủng bố gần sân Stade de France.

Để đáp trả, Tổng trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve bác bỏ các chỉ trích, nhưng thừa nhận không thể ‘giảm thiểu bất trắc đến mức số 0’. Chính phủ đã huy động 115.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân để bảo vệ an ninh cho dân chúng. Các vụ khủng bố hôm 13.11.2015 do các tổ bí mật ‘từ bên ngoài’ hoạch định và tổ chức gồm những phần tử ‘không nằm trong danh sách đen’ của tình báo Pháp.

Chính sách tự do lưu hành Âu châu cũng tạo điều kiện dễ dàng cho các phần tử khủng bố đi Iraq hay Syria để được huấn luyện. Được đặt câu hỏi, ông Louis Caprioli cựu Phó Giám đốc Sở Phản gián Pháp giải thích với RFI (Đài Pháp quốc tế): những kẻ khủng bố kể trên ‘có thể rời nước Pháp vì ở trong hiệp ước (tự do đi lại) Schengen, qua Thổ nhĩ kỳ, rồi vượt biên giới sang Syria một cách dễ dàng’. Alain Chouet, cựu chỉ huy tình báo, cũng nói: rất khó mà kiểm soát biên giới ngăn chận những kẻ có nghề. Theo an ninh Pháp, theo dõi lộ trình 10.000 người có tên trong danh sách đen là một vấn đề.

Trong diễn văn đọc trước Nghị viện (lưỡng viện Lập pháp), Tổng thống Pháp François Hollande loan báo sẽ tuyển dụng thêm 8.500 nhân viên cho ngành an ninh và tư pháp. Vị tiền nhiệm của ông là Tổng thống Nicolas Sarkozy đã giảm biên chế hơn 10.000 nhân viên an ninh để tiết kiệm ngân sách và chính ông Hollande cũng dự trù giảm ngân sách bộ Quốc phòng trong những tài khóa tới.

Sau cùng, Paris là ‘kinh đô ánh sáng’, địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới. Cho nổ ở Paris là đánh vào một biểu tượng của nền văn minh Tây phương. Mục tiêu bọn khủng bố là gây chú ý, bàng hoàng trong công luận. Chưa hết, nước Pháp còn là biểu tượng của Tự do, tôn trọng nguyên tắc một Nhà nước thế tục, không kỳ thị về tôn giáo, hình ảnh một xã hội cởi mở, là những hành động mà người Hồi giáo cực đoan không thể chấp nhận.

III.- NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO.

A.- Danh xưng

- Nhà nước Hồi giáo {Islamic State (viết tắt IS, tiếng Anh) và État islamique (viết tắt EI, tiếng Pháp)}. Những danh từ sau đây đều có ý nghĩa như nhau:
- Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria {Islamic State of Iraq and Syria (ISIS, tiếng Anh) và État islamique en Irak et en Syrie (EIIS, tiếng Pháp)};
- Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant {Islamic State of Iraq and the Levant
(ISIL, tiếng Anh) và État islamique en Irak et au Levant (EIIL)}.

Ngoài ra, các từ Daech hay Daesh, chữ la-tinh hóa của phát âm ả rập, người Pháp thường dùng.

Đây là một nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Nhưng vẫn tự xưng là một nhà nước độc lập với lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria. Trong tương lai, IS hy vọng nước này sẽ chiếm vùng mới Levant (bao gồm một vùng mới với Liban, Do thái, Jordania, Syria, Chypre và nam Thổ nhĩ kỳ. Họ tuyên bố thành lập một Khalifah (Nhà nước Hồi giáo) trên lãnh thổ họ chiếm đóng với lãnh đạo Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng là Khalip. do nhóm chiến binh này đặt ra vào ngày 29.06.2014 – nhưng danh xưng này bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Liên hiệp quốc, nhiều quốc gia và các nhóm Hồi giáo chính thống từ chối sử dụng.

Tổ chức này được thành lập khi bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq (2003) và cam kết trung thành với al-Qaeda năm 2004. Nhóm này được hỗ trợ bởi các nhóm nổi dậy, như Hội đồng Mujahideen Shura, Al-Qaeda ở Iraq (AQI), Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba, Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, Jeish al-Taiifa al-Mansoura. Giữa năm 2013, ISIL và al-Qaeda bắt đầu có những tranh chấp với nhau. Tháng 02/2014, sau 8 tháng tranh dành quyền lực, al-Qaeda đã cắt đứt mọi liên hệ với nhóm này. Do đó, những vụ khủng bố tại Paris ngày 13.11.2015 đều do IS chủ trương trong khi vụ khủng bố tại khách sạn Radisson (Bamaco, Mali) ngày 20.11.2015 là do Al-Qaeda điều khiển.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo