KHỦNG BỐ, CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ KHỦNG BỐ ĐỒNG BÀO 2

B./ Phương tiện kinh tài.

Vì tự nhận là một cường quốc, IS buộc phải có một loại tiền riêng và mạnh. Hè năm 2015, tổ chức khủng bố này đã phát hành chính thức đồng ‘dinar vàng’, được đúc từ vàng thật. Sự kiện này cho thấy IS đang muốn gây chiến tiền tệ chống lại tờ ‘US dollar xanh’, và thiết lập một trật tự tiền tệ mới trong thế giới Hồi giáo. Báo Les Echos ngày 19.11.2015 cho rằng IS đúc tiền để củng cố tầm ảnh hưởng của mình. IS thay thế các đồng livre Syria và dinar Iraq để gia tăng ảnh hưởng trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng và để lại một ‘dấu ấn không thể phai mờ’. Đây là đồng tiền được lưu hành hồi thế kỷ VII, thời Quốc vương Hồi giáo đệ tam Abd Al Malik, vị Vua đầu tiên đúc tiền có in hình mình với các câu kinh Coran.

Hệ thống tiền tệ IS bao gồm : 2 loại đồng vàng 1 dinar (4,25 grammes vàng, tương đương với 164 mỹ kim) và 5 dinars (820 mỹ kim) ; 3 đồng xu bạc – 1,5 và 10 dirhams và cuối cùng là những xu bằng đồng. Tất cả các loại đồng tiền này đều được thể hiện bằng những biểu tượng rất rõ ràng : một bản đồ thế giới, vùng cai trị tương lai của ISSL, một tháp thánh đường Al Aqsa tại Jerusalem, một trong những mục tiêu chinh phục thành phố Thánh quan trọng nhất của họ.

Khi chiếm thành phố Mossoul (Iraq) tháng 6/2014 đã giúp IS sở hữu được một khối lượng lớn tiền mặt và vàng dự trữ trong ngân khố Iraq, ước tính trị giá 425 triệu mỹ kim. Trên thực tế, IS đã dự tính đúc tiền riêng trước đó một năm. Theo dự đoán, chi phí để đúc đồng tiền mới này ước tính khoảng 100 triệu bảng Anh và, có thể, thiết bị dùng để đúc tiền đã xuất xứ từ Vương quốc Anh.

C./ Nguồn thu nhập IS thật đa dạng hóa.

Để đúc tiền và điều hành Nhà nước Hồi giáo, IS cần phải có rất nhiều tiền. Ngoài việc chiếm được từ ngân hàng trung ương Iraq ở Mossoul, IS phải còn có rất nhiều nguồn thu khác :

1. Dầu thô. Các vựa dầu thô bị IS chiếm ở Syria và Iraq là nguồn thu tiền chính của IS. Dù Hoa kỳ và các nước đồng minh có vẻ dễ ngăn chặn việc xuất cảng dầu thô từ các lãnh thổ bị IS chiếm đóng, việc kiểm soát thị trường đen lại khó khăn hơn. IS chiếm gần hết dầu từ những mỏ dầu nhỏ và trung bình, sau đó dùng xe tải chở sang biên giới Thổ nhĩ kỳ. Tại đây các bên mua bán trao đổi hoặc đấu thầu, một cách bất hợp pháp, nên giá bán giảm. Theo Boston Globe, một số lái buôn còn bán lại dầu từ IS cho chính chế độ Tổng thống al-Assad tại Syria. Từ khi Mỹ và các nước tham chiến không kích vào các khu vực khai thác dầu và khí đốt, nguồn thu lợi này đã bắt đầu giảm. Cho đến tháng 10/2014, các nước này đã phá hủy lối một nửa cơ sở sản xuất dầu của IS. Họ cũng cố gắng định vị và nhắm vào những kẻ môi giới dầu thô, và khuyến nghị Thổ nhĩ kỳ thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn buôn lậu. Với 8 điểm khai thác dầu tại Iraq và Syria, theo ước tính của Daveed Gartenstein-Ross, một chuyên gia về tài chính thuộc Foudation for Defense of Democraties tại Washington : với mức bán 30-40 mỹ kim/thùng dầu thô, thì mỗi ngày IS thu về từ 1 đến 2 triệu mỹ kim.

2. Thu thuế. IS kiểm soát trên lãnh thổ với diện tích rộng lớn, nên chúng có quyền đánh thuế trên mọi người dân sống tại khu vực đó. Ngoài những loại thuế thông thường, một số loại khác còn đau hơn là ‘tra tấn’, như thuế thân đánh trên những người không phải Hồi giáo. Thomson Reuters dự tính hệ thống đánh thuế này thu về hơn 360 triệu mỹ kim hàng năm cho IS. Có thể mô tả Syria, hay Iraq tồn tại ‘2 chế độ’ khi các chiến binh IS, và gia đình chúng hưởng thụ miễn phí mọi dịch vụ về nhà cửa, y tế, trong khi những người khác phải trả thuế rất nặng, một hình thức tống tiền như mafia để đổi lấy sự an toàn cho bản thân và gia đình. Thứ đến là nhờ vào việc thu do lịnh tịch biên gia sản của người dân (những người phải chạy trốn quân khủng bố hay tiền phạt vi phạm các quy định của tổ chức này) hoặc là cướp bóc các hàng cứu trợ từ các chính phủ Iraq và Syria.

3. Tiền chuộc bắt cóc. Theo báo cáo tháng 10/2014, Liên hiệp quốc dự tính IS thu về 35 - 45 triệu mỹ kim năm trước từ tiền chuộc bắt cóc. Hoa kỳ và Anh đã cố gắng hạn chế nguồn thu tiền này bằng cách ban hành quy định đây là một hành vi bất hợp pháp. Điều này có vẻ cứng rắn đối với nhiều gia đình có thân nhân bị bắt cóc, nhưng các Chính phủ khẳng định điều này sẽ khiến cho các tổ chức khủng bố từ bỏ có ý định bắt cóc người Mỹ và Anh. Tuy nhiên, IS cũng thu về một số tiền khổng lồ từ sự tàn ác này này tại chính Syria và Iraq. Ngoài ra, số thu còn do việc bán các thanh, thiếu nữ.

4. Buôn cổ vật. Tại các thành phố chiếm đóng, IS kiểm soát các viện Bảo tàng, khu Khảo cổ học chứa đầy những đồ cổ vô giá (tùy theo sở thích người mua hay sự khan hiếm của nó), bao gồm những tác phẩm nghệ thuật, và lịch sử vô giá. Trong năm 2015, IS đã chiếm hơn 4.500 nơi lưu trữ văn hóa. Một số cổ vật không đáng giá bị phá hủy để phi tang, nhưng số khác đắc giá thì được đưa chui ra ngoài bán trời tại các chợ đen ở Thổ nhĩ kỳ và Jordan, nơi chưng bày hàng cổ dành cho các dân buôn đến từ Âu châu và các nước giàu khác. Đây có thể được coi là nguồn thu hàng nhì của IS, dự đoán đạt được 100 triệu mỹ kim/năm, trong thời gian đầu.

5. Cướp ngân hàng. Theo dự đoán, IS thu đoạt hơn 500 triệu mỹ kim từ các chi nhánh của khắp ngân hàng quốc doanh ở Bắc và Đông Iraq năm 2014. Một viên chức Mỹ nói với báo Guardian, trước thời Mosul, tổng tiền mặt và tài sản của IS là 875 triệu mỹ kim, nay đã lên đến 1,4 tỷ mỹ kim.

6. Tiền đóng góp. Ước tính IS nhận được lối 49 triệu mỹ kim từ các doanh nhân, triệu phú ở Saudi-Arabia, Qatar, Kuwait, các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất trong các năm 2013 và 2014 vì nỗi sợ hãi, hay oán hận đối với Iran và Syria. Sau khi cộng đồng quốc tế lên án các quốc gia về việc tài trợ khủng bố, nhà nước các quốc gia này đã hạn chế, nhưng vẫn còn thông qua các tổ chức từ thiện.

7. Bán nông sản. IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, nằm dọc theo thung lũng sông Tigris và Euphrate, một vùng đất màu mỡ phì nhiêu. Theo ước tính, mỗi năm IS thu được khoảng 200 triệu mỹ kim từ thu hoạch lúa mì và đại mạch, rồi bán tại chợ đen.

Báo Bloomberg ước tính một súng AK-47 bán chợ đen là 500 mỹ kim. Với số doanh thu khổng lồ nói trên, IS giàu nhất trong lịch sử loài người lo gì mà không có vũ khí gây án mạng khắp nơi và tận diệt các Kitô hữu ở Trung đông.

IV.- CẢNH SÁT TẤN CÔNG XÀO HUYỆT NHÓM KHỦNG BỐ.

Khi tấn công vào nhà hát Bataclan sáng sớm ngày 14.11.2015ù, cảnh sát đã tìm được một điện thoại di dộng của kẻ khủng bố vứt trong thùng rác. Phân tích dữ liệu trong điện thoại, trong đó có một tin nhắn phát lệnh hành động, cảnh sát đã xác định được địa điểm căn nhà ở Saint-Denis, phía Bắc Paris. Phối hợp với nguồn tin nói Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị nghi đã lên kế hoạch tổ chức các vụ khủng bố đêm 13.11.2015, đang có mặt ở Pháp, lực lượng cảnh sát đã lập tức mở cuộc đột kích vào sáng sớm ngày 18.11.2015 và kết thúc 7 tiếng đồng hồ sau đó với mức độ khốc liệt chưa từng thấy. Cư dân địa phương cho biết những tên khủng bố đã chống cự mạnh mẽ, giao tranh kéo dài nhiếu giờ trước khi ngưng tiếng súng. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Chưởng lý (Procureur de la République) Paris François Molins cho biết, lực lượng đặc nhiệm đã sử dụng tới 5.000 viên đạn và 86 quả lựu đạn trong vụ tấn công. Kết quả, có ít nhất 2 kẻ khủng bố cố thủ trong căn hộ đã thiệt mạng, cảnh sát bắt giữ 8 người. Danh tính các kẻ bị tạm giam không được công bố.

Hôm sau, ngày 19.11.2015, Chưởng lý Paris đã chính thức thông báo : Abdehamid Abaaoud quốc tịch Bỉ, bị tình nghi là đầu não của các vụ khủng bố tại Paris đã bị tiêu diệt trong cuộc tập kích của đặc nhiệm vào căn hộ ở Saint-Denis sáng sớm hôm qua. Anh ta vừa mới chính thức được nhận diện, sau khi đã so sánh, phân tích các mẫu xét nghiệm trên tử thi tại hiện trường.

Căn cứ vào các nguồn tin tình báo Âu châu, báo Mỹ Washington Post quả quyết Abaaoud nằm trong những kẻ bị tiêu diệt tại Saint-Denis ngày 18.11.2015. Ngoài ra, Abdeslam Sala, một nghi phạm tham gia các vụ khủng bố tại Paris đang được truy tìm gắt gao ở Pháp và Bỉ. Đồng thời, truyền thông Pháp dẫn các nguồn tin riêng cho biết nhóm khủng bố này đã lên kế hoạch tấn công khu La Défense và phi trường Charles de Gaulle.

Trong cuộc họp báo ngày 24.11.2015, Chưởng lý Paris François Molins xác nhận Abdelhamid Abaaoud đã dựng kế hoạch tấn công khu trung tâm thương mại và văn phòng La Défense, ở ngoại ô phía tây Paris. Hai kẻ khủng bố, Abaaoud và người đàn ông chết bên cạnh, đã dự định dùng bom tự sát vào ngày 18 hay 19.11.2015 tại nơi tọa lạc khu thương mại và văn phòng lớn nhất Âu Châu với khoảng 3.000 doanh nghiệp và có tới 180.000 nhân viên làm việc mỗi ngày. Tại đây, cũng có thưong xá ‘Quatre-Temps’ lớn nhất vùng Paris và luôn được coi là mục tiêu tấn công của khủng bố. Tuy nhân viên điều tra chưa tìm được danh tính kẻ khủng bố đã tự sát chết trong căn hộ khi cảnh sát tấn công tại Saint-Denis ngày 18.11.2015, nhưng có thể đây là kẻ khủng bố thứ ba đã xả súng vào các quán cà phê và nhà hàng ở Paris, cùng với Abdelhamid Abaaoud và Brahim Abdeslam. Ngày 13.11.2015, sau khi trực tiếp tham gia xả súng tại quận 10 và 11, Abdelhamid Abaaoud đã đến nhà hát Bataclan trong khi cảnh sát đang thanh toán các kẻ khủng bố khác đang cố thủ tại. Theo kết quả phân tích các cuộc nói chuyện điện thoại, Abaaoud cũng đã liên lạc với Bilal Hadfi, một trong ba kẻ khủng bố tại Stade de France.

Ngày 25.11.2015, Tư pháp Bỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với Mohamed Abrini, nghi phạm mới, đi cùng với Salah Abdeslam hai ngày trước loạt khủng bố tại Paris. Hắn được miêu tả là nguy hiểm và có thể mang vũ khí. Viện Chưởng lý Bỉ cho biết hình ảnh hai người này được máy chụp ảnh tự động tại một trạm xăng ở bắc Paris ghi lại, bên cạnh chiếc xe hơi được dùng trong các vụ tấn công. Nghi phạm sống sót duy nhất Salah Abdeslam đang lẩn trốn, vẫn bị cảnh sát truy nã gắt gao. Có thể hắn đã đến được Bruxelles nhờ sự trợ giúp của một người khác.

Ngày 27.11.2015, bản tin Reuters, trích tin điều tra cho biết, Abdelhamid Abaaoud đã lập kế hoạch khủng bố nhiều mục tiêu người Do Thái, trường học và hệ thống giao thông tại Pháp. Abaaoud lợi dụng làn sóng di dân hỗn loạn từ 2 tháng qua để đi từ Syria qua Hy lạp và nhập về Âu châu để hình thành các kế hoạch khủng bố tại Pháp.

V.- PHÁP TĂNG CHI PHÍ QUÂN SỰ VÀ OANH TẠC.

Ngày 16.11.2015, Tổng thống François Hollande đã đọc Diễn văn trước Lưỡng viện Lập pháp được triệu tập khẩn cấp đồng họp tại Điện Versailles. Tổng thống Pháp bày tỏ quyết tâm và nghị lực ‘tiêu diệt’ chứ ‘không chỉ ngăn chận’ Daech, tên tiếng Ả rập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đặt ‘thủ phủ’ ở Syria. Nước nầy đã trở thành ‘lò sản xuất khủng bố lớn nhất thế giới’ử đe dọa toàn cầu nhưng ‘cộng đồng quốc tế còn chia rẽ và thiếu nhất quán’ trong chiến lược đối phó. Do đó, cần phải ‘tấn công mạnh hơn’. Ông thông báo sẽ đi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin để ‘kết hợp lực lượng’ tiến tới ‘một liên quân hùng hậu và duy nhất’ chống kẻ thù chung.

Ngoài ra, ông cũng tuyên bố tuyển dụng thêm 5.000 cảnh sát và hiến binh, 2.500 nhân viên trong lĩnh vực tư pháp và 1.000 công chức quan thuế. Ông hủy bỏ quyết định giải ngũ 9.200 quân nhân dự tính cho từ năm 2017 đến năm 2019. Ông tuyên bố chịu trách nhiệm về những kinh phí bổ sung trên vì vấn đề an ninh (pacte de sécurité) quan trọng hơn việc cân đối ngân sách (pacte de stabilité). Đây là một khoản kinh phí ngoài dự kiến, song vẫn nằm trong giới hạn cân đối ngân sách và không ảnh hưởng tới những cam kết của nước Pháp đối với Âu châu.

Tuy nhiên, hôm sau, qua France Inter, Thủ tướng Manuel Valls dự đoán Pháp sẽ không đạt được cam kết đạt mức thâm hụt ngân sách dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2017 và Liên minh Âu châu ‘phải thông cảm điều này’ vì đây là một cuộc chiến liên quan tới Pháp, nhưng cũng liên quan tới toàn Âu châu’.

Ngay đêm 16.11.2015 Không quân Pháp đã cho các phi cơ Rafale và Mirage không kích ồ ạt vào Raqqa, thủ phủ IS tại Syria. Các phi cơ đã thả 20 quả bom xuống, phá hủy một cơ quan chỉ huy và một trại huấn luyện chiến binh IS. Pháp cũng sẽ cho hàng không mẫu hạm Charles-De-Gaulle tới vùng Vịnh. Với 24 phi cơ mang theo trên tàu sân bay này, năng lực oanh kích Pháp sẽ tăng lên gấp ba lần. Ngược lại, Pháp vẫn loại trừ khả năng tấn công bằng bộ binh.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo