Thánh lễ mừng thượng thọ Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên

Giáo xứ Tân Lộc, giáo phận Vinh, vinh dự tổ chức thánh lễ mừng thượng thọ Đức Cha già Phaolô Maria. Được sự nhất trí của Đức Cha Phaolô Maria nghĩa phụ của cha quản xứ, quản hạt Giuse Phan Sỹ Phương người anh cả trong chức linh mục cùng Quý cha nghĩa tử, những người con thiêng liêng của ngài. Sau bao ngày chuẩn bị, hôm nay sáng thứ hai, ngày 07 tháng 12 thánh lễ tạ ơn mừng Đức Cha trong một khung cảnh: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Xem Hình

Đức Cha Phaolô chủ chăn giáo phận cùng với gần 200 linh mục đoàn trong và ngoài giáo phận với đông đảo Quý tu sĩ nam nữ, Quý thầy chủng sinh trường Đại Chủng Viện Vinh Thanh và đại diện của 190 giáo xứ trên toàn giáo phận cùng quý vị quan khách, ân thân nhân linh tông, huyết tộc tề tịu về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, chúc mừng và cầu nguyện cho ngài. Cùng với tiết trời được Chúa ban tặng hôm nay hơi se lạnh và dâm mát của mùa đông, sự an bình, vui mừng rạng rỡ trên nét mặt của mỗi người được hòa quyện nên một trong tâm tình tạ ơn.

Theo bài viết tại Blog của Ant Paul Đình Khôi thì:
Ðức Cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên sinh ngày 07-01-1927 tại giáo họ Tràng Lưu, giáo xứ Tràng Lưu, hạt Ngàn Sâu - xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - thân sinh Ngài là cụ J.B. Cao Ðình Tùng (mất 1967) và bà cụ Anna Nguyễn Thị Ðích (mất 1968). Gia đình gồm có 5 con trai, 2 con gái mà Ngài là con đầu lòng.

Cậu Phaolô đã sớm dâng mình cho Chúa, lên 11 tuổi cha Phaolô KIM quản xứ Thượng Nậm nhận đỡ đầu và gửi đi Trường Tập Xuân Phong.

* 13 - 08 - 1938: nhập học Trường Tập Xuân Phong.
* 13 - 08 - 1942: vào học Tiểu chủng viện Xã Ðoài.
* Năm 1950, mãn trường Tiểu chủng viện, thầy Phaolô về giúp Sở Quản lý Nhà Chung Xã Ðoài, giúp cha Phêrô Cát, quản lý.
* Ðầu năm 1955, được gọi vào trường Ðại chủng viện Xã Ðoài và tuần tự tiến chức:
* 1-5-1957: gia nhập hàng giáo sĩ.
* 21-12-1957: chịu các chức nhỏ.
* 31-1-1959: chịu chức Phụ phó tế.
* 1-2-1960: chịu chức Phó tế
* 14-5-1960: chịu chức Linh mục do bàn tay Ðức giám mục J.B. Trần Hữu Ðức.
Từ đây, trên bước đường tông đồ, cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên hoạt động hết mình, không quản mệt nhọc gian lao.
* 12-7-1960: quản xứ Quy Hậu. 11 năm phục vụ giáo xứ miền núi.
* 13-8-1971: Ngài được về đảm nhiệm chức quản lý Tòa giám mục.
* 1977: khởi công xây dựng lại nhà thờ Chính toà.
* 1980: được bầu làm Tổng đại diện. Kiêm 2 hạt Nhân Hoà và Xã Ðoài.
* Ngày 1-11-1992 nhận Tông Sắc Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó. Ngày 19-11-1992 Lễ Tấn phong Giám Mục tại Xã Đoài.

Khẩu hiệu: "CÙNG CHỊU ÐÓNG ÐINH VÀO THẬP GIÁ CHÚA KITÔ".

Ngày 11-12-2000 Tòa thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính Tòa thay thế Ðức Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp 81 tuổi nghỉ hưu.
Ngày 13-5-2010, sau 10 năm làm chủ chăn coi sóc giáo phận, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của ngài, đồng thời đặt Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục chính tòa kế nhiệm.

Thời Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên: Một mùa xuân tươi sắc

Ngày 13 tháng 5 năm 2010, Toà Thánh công bố quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đặt Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP., làm Giám mục Giáo phận Vinh. Và như thế Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cũng được Đức Thánh Cha chấp nhận cho nghỉ hưu khi đã ở tuổi 84, sau mấy ngày giáo phận Vinh mừng lễ Vàng linh mục của ngài.
Giáo phận Vinh mừng lễ tấn phong Đức tân Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp vào ngày 23/7/2010, nhiều người đang muốn nhìn lại những gì người Cha Già đáng kính Cao Đình Thuyên đã làm trong thời Ngài.
Nhìn lại chặng đường 19 năm Giám mục, trong đó có gần 10 năm làm Giám mục chính toà Giáo phận Vinh, những người Công Giáo Nghệ-Tĩnh-Bình khó có thể có một cái nhìn thật đầy đủ và toàn diện về những gì Người Cha Già khả kính của họ đã cống hiến cho Chúa và Giáo Hội tại Giáo phận Vinh này. Bài viết này xin được gợi lại những nét chính trong sứ vụ Giám mục của Đức Cha Cao Đình Thuyên và những thành quả thấy được, có thể tóm tắt như sau:

Một Giám mục đầy kinh nghiệm

Có thể nói, trong số 10 Giám mục đã từng coi sóc giáo phận Vinh thì Đức Cha Thuyên là người có thời gian làm việc tại Toà Giám mục Xã Đoài lâu nhất. Không kể thời gian thực tập lúc còn Thầy giảng thì tính đến nay, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã sống tại Toà Giám mục Xã Đoài ngót 40 năm. Từ quản lý TGM, quản xứ, quản hạt Chính Toà Xã Đoài, Tổng đại diện, Giám mục phó, Giám mục chính toà, Đức Cha Cao Đình Thuyên vừa thi hành sứ vụ đồng thời được chứng kiến và trải nghiệm những khó khăn, thăng trầm của thời cuộc, để từ đó ngài cho vào kho kinh nghiệm biến thành kho tàng khôn ngoan cho cuộc đời mục tử. Chính kho tàng kinh nghiệm này đã giúp Đức Cha Cao Đình Thuyên nhìn thời thế với con mắt bình thản để đưa ra những quyết định đầy sáng suốt, tự tin và mang lại những hiệu quả cao nhất.

Một Giám mục với những chuyến đi

Nếu nói về sự vô địch thì Đức Cha Cao Đình Thuyên là người vô địch bằng những chuyến đi. Dường như ngài không biết mệt mỏi qua những chuyến đi viếng thăm mục vụ trong toàn giáo phận. Có những tuần lễ không có một ngày Đức Cha ở trọn tại Toà Giám mục. Dường như Chúa an bài cho Ngài được sinh ra để gắn liền với các cuộc lên đường. Một giáo phận rộng lớn gồm 3 tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình, gần 500 ngàn giáo dân với hơn 800 nhà thờ lớn nhỏ, không chỉ có giáo xứ mà ngài còn đến từng giáo họ để thăm con cái nhất là dịp lễ trọng, từ quan thầy giáo họ, khánh thành nhà thờ, cung hiến bàn thờ, chầu lượt, v.v.. hễ có dịp là ngài đến. Một đàng ngài muốn được gần để hiểu biết cảm thông, khích lệ hay chia sẻ với con cái mình, đàng khác con cái cũng rất muốn được ngài đến thăm.

Một Giám mục với những công trình xây dựng

Người ta dễ nhận thấy, trong thời Đức Cha Thuyên, Giáo phận Vinh có nhiều nhà thờ mới được xây dựng ngày một khang trang hơn. Xét thấy nhu cầu cần thiết, nhà thờ không chỉ là nơi cử hành phụng vụ, mà trong hoàn cảnh khó khăn lúc này, không có nhà thờ thì không thể quy tụ được dân Chúa, nên mối quan tâm hàng đầu của Đức Cha là làm cho con cái có nơi để gặp nhau thờ phượng Chúa, học hỏi lời Chúa với những hoạt động khác, để từ đó Tin Mừng của Chúa thấm vào lòng người và có thể loan truyền cho anh chị em chung quanh. Trung bình mỗi năm, Đức Cha đi khánh thành không dưới 30 nhà thờ lớn nhỏ. Như vậy chỉ 10 năm trong chức vụ chính toà, trên 300 nhà thờ đã được xây mới. Ngoài ra người ta có thể thấy một số công trình khác được xây mới khang trang to lớn hơn: Đại Chủng Viện với 3 dãy nhà lớn, Sở Mẹ Dòng Mến Thánh Giá, Trung Tâm Y tế TGM, các nhà nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật, trường giáo lý, nhiều nhà tình thương. Và xa Giáo phận, Trụ sở 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Sài Gòn đã được xây mới với nguồn vốn tự ngài chắt chiu. Theo Đức Cha, muốn có những con người tốt thì phải có nơi đào tạo con người tốt, mà nhà thờ là nơi cần thiết để từ đó có những người ra đi loan Tin Mừng của Chúa.
Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, Đức Cha lưu tâm nhiều đến nhân sự tương lai cho giáo phận. Nhiều linh mục, tu sỹ, chủng sinh được gửi du học nước ngoài. Một số đã tu học trở về phục vụ giáo phận.
Điều đáng ghi nhận nữa là, sau gần 60 năm, con số giáo xứ giáo họ trong Giáo phận Vinh cầm chừng, gần như không thay đổi, thì trong thời Đức Cha Thuyên, giáo phận Vinh đã thành lập thêm 3 giáo hạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, 27 giáo xứ, gần 60 giáo họ. Phần đất Nam Sông Son, nguyên là thuộc Giáo phận Huế được chuyển giao về Vinh. Giáo xứ Tam Toà được hồi sinh là một thành quả phải chịu đầy gian nan vất vả.

Tất cả để xây dựng và củng cố đức tin cho con cái

Kinh nghiệm từng trải với đầy dẫy khó khăn thử thách, Đức Cha Thuyên đã từng tâm sự khi nghĩ lại những năm gian khổ: “Theo cách nghĩ của loài người thì có những thời gian, chúng tôi nhìn về tương lai trong mịt mù, và có lúc đã nghĩ rằng sự đạo nơi vùng đất này sẽ có ngày chấm tận. Bắt bớ, giam cầm, chiến tranh, ly loạn, nhất là ý thức hệ phá tôn giáo cứ hoành hành ráo riết. Câu hỏi của các chủ chăn là làm sao cho con cái mình đứng vững, biết bám trụ với thời cuộc chứ đừng nói gì là phát triển”. Trên kinh nghiệm đó, khi có thuận tiện, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã làm mọi cách có thể, nhất là đẩy mạnh việc dạy và học giáo lý, từ cấp giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, giáo họ. Điều đặc biệt là chương trình giáo lý được thực hiện đồng loạt và đồng bộ trong giáo phận. Năm nào cũng có các khoá tập huấn giáo lý viên cấp giáo hạt và Đức Cha luôn có mặt tới từng giáo hạt để gặp gỡ giáo lý viên trong dịp đó. Để động viên và cổ võ phong trào, việc thi giáo lý cũng được tổ chức đều đặn từ giáo họ lên giáo xứ tới giáo hạt và cuối cùng là cấp giáo phận. Chính nhờ những cố gắng này mà đức tin nơi người trẻ ít bị lung lay trước thách đố của thời đại.

Thành quả - mùa ơn gọi

Giáo phận Vinh nổi tiếng về số ơn gọi trẻ. Trong thời Đức Cha Cao Đình Thuyên, số ơn gọi không những không giảm mà lại còn gia tăng nhiều. Điều đáng nói là sau nhiều năm trời do khó khăn, nghi kỵ, khép kín, thế hệ trẻ Vinh được ra đi học hành nhiều hơn. Từ năm 2000 đến năm 2010, số sinh viên Công Giáo các trường Đại học Cao đẳng tăng lên gần 10 lần. Chính nhờ nhiều người trẻ được học hành mà ơn gọi linh mục tu sỹ ngày một gia tăng. Mỗi kỳ tuyển sinh Đại Chủng viện có không dưới 150 ứng sinh dự thi. Theo quy định hiện nay, tất cả đều có bằng đại học.
Có nhiều ý kiến khác nhau khi thấy Giáo phận Vinh có nhiều người trẻ tìm đường trong ơn gọi tu trì, nhưng suy cho cùng ý hướng này phải được khởi đi từ tinh thần đạo đức của mỗi người và được nuôi dưỡng từ trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, giáo họ.
Cũng vì tại giáo phận Vinh chỉ có một hội Dòng lâu đời là Dòng Mến Thánh Giá và nay có thêm Dòng Thừa Sai Bác Ái, nên nhiều người trẻ phải vào các Dòng Tu phía Nam.

Các hội đoàn Công Giáo Tiến hành

Trên nền tảng của l
òng đạo đức, Giáo phận Vinh là mảnh đất tốt cho nhiều Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành phát triển. Số thành viên Gia Đình Thánh Tâm nay đã xấp xỉ 20.000. Hội Têrêxa Hài Đồng Giêsu hơn 3.000. Gia đình Khôi Bình tuy mới thành lập, nhưng nay cũng đã tới con số 2.000. Thêm vào đó còn có Gia Đình Phan Sinh Tại Thế, Tông Đồ Giáo Dân, Legio Marie, Giới Trẻ Phan Sinh, Thiếu Nhi Thánh Thể, v.v.. tất cả như tô thêm vẻ đẹp cho vườn hoa muôn sắc của giáo phận. Ai có dịp tham dự Tuần Chầu Lượt tại Giáo phận Vinh sẽ thấy được vẻ đẹp của các Hội Đoàn này. Chính nhờ họ mà nhiều sinh hoạt trong các giáo họ giáo xứ thêm thuận lợi, và nhiều lúc chính họ là nòng cốt tháo gỡ những khó khăn.

Hiệp thông - Vẻ đẹp và sức mạnh của người tin

Có thể nói, di sản quý báu nhất đã được bao thế hệ xây đắp là sự hiệp thông giữa những người tin Chúa trên mảnh đất Nghệ-Tĩnh-Bình này. Nhiều người sẽ khó quên câu nói của Đức Cha Cao Đình Thuyên tại Thái Hà: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Giáo phận Vinh”. Một câu nói đã để lại một sứ điệp cho nhiều người. Nó phát xuất từ con tim của một con người luôn sống mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh. Trong sự hiệp thông sâu sắc này, đến lượt Giáo phận Vinh gặp thử thách, người ta đang tự hỏi Đức Cha Thuyên sẽ làm gì. Một lần nữa ngài đã cho con cái biết sống hiệp thông. Tất cả là một, đến nỗi “Giáo phận Vinh không phải chỉ có 1 Cao Đình Thuyên mà có 500.000 Cao Đình Thuyên”. Bởi vì cảm nghiệm và thấy được sự hiệp thông mạnh mẽ nơi con cái trong toàn giáo phận mà Đức Cha dám nói lên câu nói mà nhiều người phải khâm phục. Đó là gia sản quý báu nhất giáo phận Vinh có được dưới thời Cao Đình Thuyên. Và đó cũng là cốt tuỷ của đời sống Giáo Hội ”
- Sau thánh lễ đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Lộc lên có lời chúc mừng Đức Cha.
- Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp thay mặt cho giáo phận chúc mừng và cảm ơn Đức Cha đã dốc hết sức lực phục vụ giáo phận đến hôm nay và mai sau.
- Những tràng pháo tay vang dội, những cái ôm ân tình, bao lời chúc tốt đẹp được hòa nguyện lại và chan hòa trong bữa cơm ân tình sau đó.
- Cám tạ Chúa Tình Yêu. Kính chúc Đức Cha luôn an bình và mạnh khỏe, vui vẻ trong tuổi già, là Ông Tiên tóc bạc trắng như mây nơi giấc ngủ của tuổi thơ. Là cây cổ thụ luôn rợp bóng che mát cho mọi người dừng nghỉ lúc nắng trời oi bức. Và xin Đức Cha luôn cầu nguyện cho chúng con sống xứng đáng là con Chúa con Giáo Hội trong thời đại hôm nay.
Giáo xứ Tân Lộc.