Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật hôm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi các nhà lãnh đạo thế giới vì đã đạt được một thoả hiệp trong các cuộc thương thảo mới đây về thay đổi khí hậu tại Paris, và thúc giục cộng đồng quốc tế mau chóng đem thỏa hiệp vào hành động. Ngài phát biểu: “Hội nghị về khí hậu vừa kết thúc tại Paris, với việc chấp nhận một thỏa hiệp, được nhiều người xác định là có tính lịch sử”.

Một trong những người đó là Hãng Tin Reuters. Theo Hãng này, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hoàn cầu tại Paris đã tạo được một thỏa hiệp hết sức chủ yếu vào hôm Thứ Bẩy, định hướng đi cho việc biến đổi có tính lịch sử đối với nền kinh tế lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch chỉ trong vòng mấy thập niên, nhằm chặn đứng việc hâm nóng địa cầu.

Sau bốn năm thương thuyết gay go dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, trong đó quyền lợi các nước giầu và các nước nghèo thường chạm trán nhau một cách nẩy lửa, Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius đã tuyên bố rằng một thỏa ước đã được chấp thuận, giữa tiếng vỗ tay và húyt còi inh ỏi của đại diện gần 200 quốc gia trên thế giới.

Thỏa ước nói trên được chào đón như là thỏa ước khí hậu thứ nhất thực sự có tính hoàn cầu, buộc cả các nước giầu lẫn các nước nghèo phải hạn chế việc thải khí cácbon mỗi ngày mỗi gia tăng vào khí quyển. Nó đặt ra mục tiêu sâu rộng, dài hạn là loại bỏ, ngay trong thế kỷ này, công xuất thuần của khí nhà kính do con người tạo ra.

Nó cũng tạo ra một hệ thống nhằm khuyến khích các quốc gia tự nguyện đưa ra các cố gắng trong nước nhằm hạn chế việc thải khí, và cung cấp nhiều tỷ Mỹ Kim hơn nữa (mỗi năm100 tỷ mỹ kim) giúp các nước nghèo đương đầu với việc chuyển sang một nền kinh tế “xanh” hơn, dựa vào các nguồn năng lượng có thể đổi mới được.

Ngoại Trường Pháp gọi đây là một thoả hiệp “có tham vọng và quân bình”, tạo nên một “bước ngoặc lịch sử” trong các cố gắng ngăn cản các hậu quả thảm hại của một hành tinh quá bị hâm nóng.

Thỏa hiệp cuối cùng chủ yếu giữ nguyên dự thảo đã được công bố đầu ngày thứ Bẩy, 12 tháng 12, kể cả mục tiêu táo bạo là hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ bách phân so với mức tiền kỹ nghệ, mà nếu quá mức này, thì các khoa học gia cho rằng thế giới sẽ bị khóa cứng vào một tương lai đầy thảm họa: mực nước biển dâng cao, hạn hán và lụt lội trầm trọng, thiếu thực phẩm và nước uống khắp nơi và nhiều trận bão tàn phá hơn nữa. Hiện nay đó là mục tiêu trước mắt, và lý tưởng sẽ cố gắng đạt mức 1.5 độ bách phân.

Người ta từng tiên đoán sẽ đạt được thỏa hiệp trên ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, vì 187 quốc gia từng đã đệ nạp các kế hoạch chi tiết của họ cho thấy họ cương quyết hãm đà gia tăng việc thải khí nhà kính, vốn là mục tiêu cốt lõi của thỏa hiệp.

Dù vẫn để mỗi quốc gia tự ý đưa ra các biện pháp riêng của họ, nhưng thỏa ước đã xác định ra một viễn kiến và kế hoạch hành động chung sau rất nhiều năm tranh cãi về việc phải diễn tiến ra sao.

Các viên chức hy vọng rằng lập trường chung trên đây sẽ là một biểu tượng mạnh mẽ đối với mọi công dân của thế giới và là một dấu hiệu có uy lực thúc đẩy các nhà quản trị và các nhà đầu tư an tâm trong việc chi tiêu hàng ngàn tỷ mỹ kim vào việc thay thế năng lượng than đốt bằng các tấm thu năng lượng mặt trời (solar panels) và cối xay gió (windmills), phi cácbon hóa nền kinh tế hoàn cầu ngay trong đời nhiều người hiện sống hôm nay.

Cũng cần ghi nhận rằng dù một số nhà tranh đấu Hoa Kỳ về thay đổi khí hậu có tỏ ra hoài nghi đối với thoả hiệp, nhưng đối với gần 30,000 viên chức, các nhà khoa bảng và các nhà vận động cắm trại gần địa điểm hội nghị ở Paris, thì đây là bước ngoặc có tính lịch sử mà họ hằng chờ mong xưa nay.

Sáu năm sau khi hội nghị thượng đỉnh trước đây về thay đổi khí hậu tại Copenhagen kết thúc trong thất bại chua cay, thỏa ước Paris xem ra đã tái dựng được phần lớn niềm tin tưởng cần để hoàn cầu phối hợp các cố gắng của mình nhằm chống lại việc thay đổi khí hậu.

Chính vì thế, phần lớn các nhà tranh đấu chống việc hâm nóng địa cầu phản ứng một cách tích cực, vì thỏa ước đạt được các mục tiêu dài hạn hơn họ tưởng. Tuy nhiên, họ coi đây cũng chỉ mới là bước đầu. Vả lại, không giống như Nghị Định Thư Kyoto năm 1997, thỏa ước Paris không hoàn toàn có tính các bắt buộc về luật pháp.

Michael Levi, một chuyên gia về năng lượng và thay đổi khí hậu, cho rằng “vấn đề thỏa ước này có trở thành một bước ngoặc thực sự cho thế giới hay không còn tùy thuộc chủ yếu ở các nước có thi hành nghiêm chỉnh hay không”.

Đơn giản vì một số khía cạnh của thỏa ước có tính trói buộc như việc buộc phải đệ trình mục tiêu giảm thiểu việc thải khí và việc thường xuyên phải duyệt lại mục tiêu này. Nhưng chính mục tiêu do các quốc gia đưa ra thì không bị trói buộc.

Nên các kế hoạch của từng quốc gia là điều tự nguyện. Và biện pháp chế tài chỉ là “nêu danh và chuốc nhục” (name-and-shame) để làm áp lực mà thôi, hy vọng các nước sẽ không muốn bị coi là những tên lạc hậu quốc tế.

Chính vì thế Miguel Arias Canete, Tổng Ủy Trưởng Khí Hậu Âu Châu, đã nói lên sự thật này: “Hôm nay ta mừng vui, ngày mai ta phải làm việc”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người hiểu điều trên hơn bất cứ ai khác. Ngài cho rằng thi hành kế hoạch đòi “một cam kết có phối hợp và quảng đại của mọi người”. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Trong khi hy vọng rằng phải bảo đảm có sự lưu tâm đặc biệt đối với các nước yếu thế, tôi khuyên toàn thể cộng đồng quốc tế hãy tiến theo con đường đã chọn nhân danh tình liên đới mỗi ngày mỗi trở nên hữu hiệu hơn”.