GIÁNG SINH TỪ BI

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh từ bi.

Năm Thánh từ bi là Năm Thánh của lòng từ bi; Năm Thánh của lòng thương xót Chúa. Điểm chính yếu của Năm Thánh là lòng từ bi; lòng từ bi của Thiên Chúa. Thiên Chúa là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, nén giận , giàu nhân nghĩa và thành tín; giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ; chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi”(x.Xh34,6-7). Nói tóm, Thiên Chúa là Thiên Chúa từ bi. Trong Năm Thánh chúng ta noi gương Chúa mà sống từ bi; có lòng nhân hậu; chậm giận, chịu đựng và tha thứ. Chúng ta sống như thế đối với mọi người và với vạn vật. Trong đó có động vật, thực vật và cả môi trường nữa. Nghĩa là bao gồm tất cả những gì liên hệ trong cuộc sống của chúng ta.

Trước hết là bản thân ta. Ta hãy có lòng từ bi với thân xác ta, đừng bắt nó làm việc nhiều quá, kẻo nó mệt; hãy ăn uống điều độ; hãy ngủ nghỉ đủ giờ, đúng giấc, để nó khỏi bệnh tật và ung thư. Hãy siêng năng học hỏi và luyện tập để nó khôn ngoan và dẻo dai. Ta hãy có lòng từ bi với linh hồn của ta. Hãy cho nó ăn Lời Chúa, Thánh Thể Chúa và ân sủng của Chúa, để nó mạnh mẽ, can trường. Ta hãy có lòng từ bi với hầu bao của ta, đừng đua đòi, xa xỉ, phung phí.

Thứ đến là những người khác. Ta hãy có lòng từ bi với những người nghèo, vì họ không có đủ những điều kiện thiết yếu để sống. Hãy có lòng từ bi với những người bệnh, vì họ đau đớn trong thân thể. Hãy có lòng từ bi với những người gặp những khó khăn mà giúp đỡ họ. Hãy có lòng từ bi với những người hãm hại và ghen ghét ta, để tha thứ, vì họ cũng là con người như ta. Hãy có lòng từ bi với những người hay làm ta bực mình, vì khả năng của họ chỉ có thế, hãy chậm nổi nóng, chậm la mắng người ta.

Sau là với những con vật, hãy có lòng từ bi với chúng, đừng sát sinh bừa bãi, chỉ giết chúng khi chúng làm hại đến ta và cần làm thức ăn cho ta thôi.

Kế đến là cây cỏ, hãy tỏ lòng từ bi với chúng, đừng có tàn phá bừa bãi.

Sau cùng là môi trường. Hãy có lòng từ bi với môi trường, đừng xả rác hay phóng uế bừa bãi; hãy dọn dẹp vệ sinh, trồng thêm cây xanh, trồng thêm hoa để làm đẹp môi trường, làm thơm trái đất.

Giánh Sinh năm nay là Giáng Sinh ở trong Năm Thánh từ bi.

Qua sự đản sinh của Đức Giê-su Ky-tô, ta thấy được lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa. Giáng Sinh năm nay không giống như Giáng Sinh những năm trước. Những năm trước có thể là Giáng Sinh An Bình; Giáng Sinh Vui Vẻ,… Nhưng Giáng sinh năm nay là Giáng Sinh Từ Bi.

Quả thực sự Giáng Sinh; sự xuống thế làm người và sự sinh ra của Đức Giê-su là do lòng nhân hậu và từ bi của Thiên Chúa. Vì lòng từ bi và nhận hậu của Thiên Chúa mà Người đã ban Con Một cho loài người chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một”(x. Ga3,16). Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu và từ bi của Ngài khi ban người Con Một, để nhờ Người Con đó, chúng ta được tha thứ và được hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa. Cuộc Giáng sinh của Đức Giê-su khởi đầu cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.

Cuộc Giánh sinh của Đức Giê-su đem lại ơn tha thứ và bình an; làm vinh danh cho Thiên Chúa và ban bình an cho loài người: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(x. Lc2,14). Như thế cuộc Giáng Sinh đó không phải là Giáng Sinh Từ Bi sao? Giáng Sinh Từ Bi đi theo chủ đề của Năm Thánh Từ Bi.

Cuộc nhập thế và nhập thể của Đức Giê-su cũng nói lên lòng nhân hậu và từ bi của chính Ngài. Vì muốn cứu độ con người; muốn cho con người được hạnh phúc và sống bình an, Đức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”(Dt10,9).

Vì yêu thương con người “Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Pl 2,6-8). Như thế Đức Giê-su là Thiên Chúa, đã từ trời xuống làm con người hèn mọn như chúng ta; sinh ra như một trẻ em như bao trẻ em khác; sống kiếp con người như bất cứ con người nào khác.

Hơn nữa, Ngài đã loan báo Tin Mừng; loan báo lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa. Không chỉ loan báo mà Ngài còn thực hiện lòng từ bi và nhân hậu đó qua lời nói và việc làm của mình. Ngài chữa bệnh(x.Mt9,35); ngài hướng dẫn, chạnh lòng dân chúng(x.Mt9,36); Ngài lo cho họ ăn, sợ họ té xỉu dọc đường(x.Mt15,32);…Ngài gần gũi với người nghèo; Ngài cảm thông với người bệnh; Ngài tha thứ cho người tội lỗi và cuối cùng đã chết trên thập giá, dâng hiến mạng sống vì loài người chúng ta.

Quả thật “Đức Giê-su là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su thành Na-gia-rét và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài”(x. Tông huấn Lòng thương xót, số 1). Khuôn mặt đó giờ đây là khuôn mặt của một trẻ thơ, của một hài nhi nằm trong máng cỏ, với đôi tay giang rộng, để ôm tất cả mọi người vào lòng và cũng để ban ơn cứu độ cho hết thảy những ai muốn vào và muốn nhận.

“Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta.

Một người con đã được ban tặng cho ta”(x.Is9,5).

Trẻ thơ đó, người con đó chính là Đức Giê-su Ky-tô. Ngài đã được Thiên Chúa ban tặng cho loài người và để cứu độ con người chúng ta. Như thế Giáng sinh năm nay đáng được gọi là Giáng Sinh Từ Bi. Thứ nhất, Mùa Giáng Sinh năm nay ở trong Năm Thánh từ Bi. Thứ đến, sự Giáng sinh đó tỏ lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa cũng như của Đức Giê-su Ky-tô.

Các Thiên sứ đã loan báo một tin mừng trong đại: “Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Ky-tô, là Đức Chúa”(Lc2,11). Đức Giê-su là Đấng Ky-tô, Đấng cứu độ, nên cứu độ con người chúng ta. Người cứu độ chúng ta bằng cách nào? Bằng cách ban ân sủng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”(x.Tt2,11) và “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”(x.Tt2,12). Hơn nữa, “Vì chúng ta Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”(x.Tt2,14).

Trong Năm Thánh Từ Bi ta hãy lãnh nhận ân sủng, hãy nhận lấy lòng từ bi của Chúa, để ta biết sống chừng mực, công chính, đạo đức và hăng say làm việc thiện. Không chỉ hăng say làm việc thiện mà còn phải hăng say lãnh nhận ân xá nữa. Khi tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Đồng thời đi viếng nhà thờ đã được chỉ định và đọc kinh lạy Cha, kinh kính mừng và kinh Tin kính. Rất tốt và khuyến khích nên đọc kinh Năm Thánh.

Việc thiện là sống từ bi và nhân hậu.

Việc thiện là sống chừng mực, công chính và đạo đức.

Việc thiện là từ bỏ lối sống vô luân, bất công và những đam mê trần tục.

Việc thiện là làm việc để lãnh ơn toàn xá.

Ơn toàn xá là “Đô la ân sủng”, chứ không phải là “đô la âm phủ”.

Đô la âm phủ người sống cũng không dùng mà người chết cũng chẳng sài được. Còn “Đô la ân sủng” thì người sống cũng sài được mà người chết cũng rất cần. Ân sủng đó giúp cho ta nên thánh, nên thiện khi thực thi lòng từ bi; ân sủng đó tha các hình phạt ta phải chịu vì phạm tội và đối với người đã qua đời, ân sủng đó giúp họ mau lên thiên đàng.

Vậy trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy hăng say làm việc thiện và sống từ bi, để Mùa Giáng Sinh này là Giáng Sinh Từ Bi; đồng thời ta cũng hăng say lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh Từ Bi nữa, ta sẽ có được nhiều “đô la Ân Sủng” của Chúa.

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2015 GIÁNG SINH TỪ BI

“Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

Một Người con đã được ban tặng cho ta”(Is9,5).

Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, đó là Đức Giê-su Ky-tô.

Một Thiên Chúa Từ bi đã được ban tặng cho ta.

Kính chúc QUÍ ÔNG BÀ và ANH CHỊ EM

Mùa Giáng sinh- Giáng sinh TỪ BI, được:

Tràn đầy ÂN SỦNG, BÌNH AN và lòng TỪ BI

Của CHÚA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU.

Lm. Bosco Dương Trung Tín.