Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 9h30 tối thứ Năm 2 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ cử hành lễ Vọng Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với ngài sẽ có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, và 250 linh mục.
Trưa thứ Sáu 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Chúng tôi sẽ có buổi tường thuật về các biến cố này, xin quý vị và anh chị em nhớ theo dõi.
Lúc 5g chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đọc kinh chiều tạ ơn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
2. Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Triều Roma
Trong buổi tiếp kiến giáo triều Rôma sáng thứ Hai ngày 21-12-2015, Đức Thánh Cha đã liệt kê một danh sách 12 cặp đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong giáo triều và tất cả những ai muốn phong phú hoá đời sống thánh hiến của họ cũng như việc phục vụ của họ dành cho Giáo Hội.
Các Hồng Y, Giám Mục và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh đến chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp lễ giáng sinh và năm mới. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong dịp gặp gỡ năm ngoái, ngài đã nói đến 15 thứ bệnh và cám dỗ có thể xảy ra cho mỗi Kitô hữu, mỗi giáo triều hay giáo phủ, các cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ và phong trào Giáo Hội. Các thứ bệnh đó đòi phải phòng ngừa, cảnh giác, chữa trị và đôi khi có những can thiệp đau thương và kéo dài. Một vài thứ bệnh đó, rất tiếc là đã xảy ra trong năm nay, gây đau khổ không ít cho toàn thể thân mình và làm tổn thương bao nhiêu linh hồn”.
Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng: “Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đạm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.
Rồi Đức Thánh Cha lần lượt liệt kê và giải thích các đức tính mà những người phục vụ tại Tòa Thánh và Giáo Hội cần phải đó. Ngài cũng kêu gọi các vị Tổng trưởng, Chủ tịch và các Bề trên hãy đào sâu thêm và bổ túc các đức tính này cho các cơ quan liên hệ thuộc quyền.
Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và mục vụ, khả năng thích hợp và tinh tế, linh đạo và tình người, gương mẫu và trung thành, hợp lý và dễ mến, thận trọng và cương quyết, bác ái và sự thật, lương thiện và trưởng thành, tôn trọng và khiêm tốn, quảng đại và quan tâm, can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng tất cả các đức tính trên đây có thể là một sự vắn tắt về lòng thương xót, và trong phần kết luận, ngài nói:
“Lòng thương xót không phải là một tình cảm chóng qua, nhưng là tổng hợp Tin Mừng, là sự chọn lựa của người muốn có những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu, của người muốn nghiêm túc bước theo Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta: “Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con” (Lc 6,36, Xc 5,48).
Vì vậy, “Ước gì lòng thương xót hướng dẫn những bước đường của chúng ta, soi sáng các cuộc cải tổ và những quyết định của chúng ta. Ước gì lòng thương xót là cột trụ nâng đỡ hoạt động của chúng ta, dạy chúng ta khi nào chúng ta phải tiến bước và khi nào chúng ta phải bước lui..
3. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta.
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến chiều ngày 17-12 và đã nhận được sự cho phép này.
Mẹ Têrêxa Calcutta tục danh là Agnès Gonxha Bojaxhiu, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai bác ái, sinh ngày 26-8 năm 1910 tại Skopje và qua đời tại Calcutta, Ấn độ ngày 5-9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi
Chỉ 2 năm sau khi Mẹ qua đời, tức là năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã chuẩn chước qui luật và cho phép mở án điều tra trước 3 năm, để thu thập hồ sơ xin phong chân phước cho Mẹ. Mẹ được phong chân phước ngày 19-10 năm 2003.
Hôm 15-12, Hội đồng các Hồng Y và Giám Mục thành viên Bộ Phong thánh đã đồng thánh bỏ phiếu nhìn nhận là phép lạ vụ khỏi bệnh của một kỹ sư người Brazil 35 tuổi được khỏi bệnh tức khắc một cách lạ lùng ngày 9 tháng 12 năm 2008 khi vợ ông khẩn cầu sự cứu giúp của Mẹ Têrêsa. Bệnh nhân lúc đó đang nằm trên bàn giải phẫu và hôn mê vì ung thư não bộ. Lúc đó vợ ông đến nhà xứ để cầu nguyện với Mẹ Têrêxa, xin cho chồng được khỏi bệnh.
Việc cứu xét vụ khỏi bệnh này đã được giáo phận Santos sở tại khởi sự hồi tháng 6 cùng năm 2008, và sau đó được ban giám định y khoa bộ Phong thánh, trong phiên họp ngày 10-9 năm nay, đã đồng thanh nhìn nhận là không thể giải thích được về phương diện khoa học.
Ngày phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa sẽ được Đức Thánh Cha thông báo trong một công nghị Hồng Y, nhưng báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) ở Italia cho rằng buổi lễ đó có thể được cử hành vào Chúa Nhật 4-9 năm tới, 2016, 1 ngày trước lễ giỗ Mẹ Têrêsa, như một biến cố lớn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Cha Henry D'Souza, nguyên TGM Calcutta Ấn độ, và các nữ tu thừa sai bác ái bày tỏ vui mừng và biết ơn vì tin trên đây. Đức TGM nói với hãng Asia News: “Tôi rất vui mừng, vì phép lạ thứ hai này của Mẹ Têrêxa được Đức Thánh Cha phê chuẩn. Mẹ Têrêxa vẫn luôn nói với tôi rằng Mẹ là mẹ tôi, và mẹ tiếp tục sự bảo vệ từ mẫu cho tôi và nay cho toàn nhân loại”.
Tại trụ sở trung ương dòng thừa sai bác ái ở Calcutta, nơi có mộ của Mẹ Têrêsa, mỗi ngày có hàng trăm người thuộc các tôn giáo khác nhau đến cầu nguyện, và xin sự chuyển cầu của Mẹ.
4. Đức Thánh Cha cám ơn ân nhân tặng thông giáng sinh hang đá
Sáng ngày 18-12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng cây thông giáng sinh và hang đá máng cỏ tại Quảng trường thánh Phêrô.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 700 người gồm các giới chức đạo đời ở miền Bavaria nam Đức đã tặng cây thông cao 25 mét, và tỉnh Trento bắc Italia đã kiến tạo và trang trí hang đá.
Đức Thánh Cha nói rằng: “Chúa Giêsu không phải chỉ hiện ra trên trái đất, không phải chỉ dành cho chúng ta một ít thời gian của Ngài, nhưng Chúa đã đến để chia sẻ cuộc sống và đón nhận các ý muốn của chúng ta. Vì Chúa đã và còn muốn sống tại đây, cùng với chúng ta và cho chúng ta.”
Đức Thánh Cha nói thêm:
“Chúa quan tâm đến thế giới chúng ta, và từ biến cố giáng sinh, thế giới này trở thành thế giới của Ngài. Hang đá máng cỏ nhắc nhở chúng ta điều này: vì lòng thương xót bao la, Thiên Chúa đã xuống cùng chúng ta để cư ngụ với chúng ta.... Ngoài ra, hang đá nói với chúng ta rằng Chúa không bao giờ dùng võ lực để áp đặt. Để cứu chúng ta, Ngài không thay đổi lịch sử bằng cách thực thi một phép lạ vĩ đại. Trái lại, Chúa đến trong sự đơn sơ, khiêm tốn và dịu dàng... Ngài trở nên bé nhỏ, trở thành hai nhi, để lôi kéo chúng ta bằng tình thương, để đánh động con tim chúng ta bằng lòng từ nhiên khiếm tốn của ngài”.
Lễ nghi thắp sáng cây thông và hang đá máng cỏ tại Quảng trường thánh Phêrô diễn ra lúc 4 giờ rưỡi do Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, và Bà Beate Merk, Quốc vụ khanh đặc trách Âu Châu vụ, đại diện chính quyền bang Bavaria, Đức TGM giáo phận Trento và Đức Cha Voderholzer, Giám Mục giáo phận Regensburg bên Đức.
5. Đức Thánh Cha tiếp trẻ em Công Giáo tiến hành Italia
Sáng ngày 17-12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 60 em đại diện cho hàng chục ngàn các bạn đồng lứa thuộc phong trào Công Giáo tiến hành Italia, đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đề cao vai trò và ảnh hưởng của Phong trào Công Giáo tiến hành, giúp các em cảm thấy liên hệ và gắn bó hơn với Giáo Hội, cảm thấy Chúa Giêsu không phải là người xa lạ, nhưng gần gũi và ở giữa chúng ta, và điều này mang lại cho chúng ta bao nhiêu vui mừng.
Nhắc đến chủ đề sinh hoạt của Phong trào Công Giáo tiến hành thiếu nhi ở Italia là “Du hành hướng về Chúa”, Ngài nói: “Điều này thật là đẹp! Đúng vậy, chúng cả chúng ta đều đang tiến về Chúa, nhưng nhiều người không nghĩ đến điều ấy. Du hành hướng về Chúa, có nghĩa là tiến bước trên con đường sự thiện, chứ không theo điều ác; con đường tha thứ chứ không báo thù, con đường hòa bình, chứ không phải con đường chiến tranh, con đường liên đới chứ không phải con đường ích kỷ.”
Đức Thánh Cha không quên ca ngợi sáng kiến bác ái của các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia, đóng góp phần bé nhỏ của mình để giúp những người di dân trong giáo phận Agrigento, nam Italia.
6. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: Do Thái là quốc gia duy nhất tại Trung Đông bảo vệ các Kitô hữu
Hôm thứ Sáu 18 tháng 12, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc nhở một cử tọa gồm các tín hữu Kitô tại Giêrusalem rằng Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông, nơi các Kitô hữu được bảo vệ bởi chính phủ.
Phát biểu với Diễn Đàn Israel Christian Recruitment - một nhóm khuyến khích các Kitô hữu gia nhập các lực lượng vũ trang Do Thái – ông Netanyahu nói rằng “bây giờ hơn bao giờ điều thật rõ ràng là Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có chính sách cụ thể nhằm bảo vệ các dân tộc và các tôn giáo thiểu số, nơi các Kitô hữu sống trong hòa bình và các cộng đồng của họ đang gia tăng.”
Tuy nhiên, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc lưu ý rằng các giám mục Công Giáo tại Thánh Địa đã chỉ trích chính phủ Israel về việc tích cực tuyển dụng các Kitô hữu Ả Rập vào quân đội. Các ngài nói rằng việc tuyển dụng này “rõ ràng là một nỗ lực nhằm chia rẽ các Kitô hữu và người Hồi giáo tại Israel.”
7. Đức Thánh Cha ca ngợi sáng kiến bác ái của Sở Hỏa Xa Italia
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 19-12, dành cho 7 ngàn nhân viên các cấp của sở Hoa Xa Italia, Đức Thánh Cha ca ngợi nhiều sáng kiến bác ái của sở này.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa vì những thành tựu của sở Hỏa Xa Italia trong 110 năm qua từ khi được thành lập và cám ơn tất cả những người đã đóng góp vào sự hình thành và phát triển tổ chức chuyên chở này. Ngài cũng nhận xét rằng “Lịch sử Sở Hỏa Xa Italia chứng tỏ một sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo nhất, với những sáng kiến liên đới, trước kia và gần đây. Một trong những sáng kiến đó là Help Center, (Trung tâm trợ giúp), hiện diện tại hàng chục thành phố lớn ở Italia, được thành lập với sự công tác của Sở Hỏa Xa, các cơ quan địa phương và lãnh vực thứ ba trong xã hội. Đó là những trạm ăng ten giúp những người gặp khó khăn tìm được sự lắng nghe, cứu giúp và hỗ trợ.
Đức Thánh Cha nói:
“Tất cả chúng ta đều cần những ăng-ten ấy để bắt được những tín hiệu của những gì xảy ra quanh chúng ta, để nhận thức những đau khổ của người khác, không dửng dưng lãnh đạm. Những trạm ăng-ten đó là một phương thế Sở Hỏa Xa muốn để góp phần giữ cho đất nước được thống nhất không những về mặt địa lý, nhưng cả về mặt xã hội, góp phần để tránh tình trạng những người bị lọt lại đằng sau”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Nhà Trọ của Caritas Italia được sở Hỏa Xa nhường lại ở nhà ga Termini nơi mà ngài đã mở cửa Bác Ái Năm Thánh chiều thứ sáu 18-12. Đức Thánh Cha nói: “Ai bước qua cửa bác ái này, với lòng yêu thương, trì sẽ tìm được sự tha thứ và hòa giải, và sẽ được thúc đẩy để trao ban và hiến thân quảng đại hơn cho phần rỗi của bản thân và tha nhân. Tất cả chúng ta hãy để cho mình được đổi mới nhờ tiến qua cửa tinh thần này, để đánh dấu nội tâm đời sống chúng ta”
8. Trong bài giảng Mùa Vọng trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma, cha Raniero Cantalamessa phê bình một số thái độ của người Công Giáo và Tin Lành đối với Đức Mẹ
Cha Raniero Cantalamessa, tu sĩ dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, đã dành những bài giảng tĩnh tâm Mùa Vọng để trình bày về đề tài “Đức Maria trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.”
Mỗi ngày thứ Sáu trong Mùa Vọng và Mùa Chay, cha Raniero Cantalamessa giảng một bài giảng cho Đức Giáo Hoàng và các thành viên trong giáo triều Rôma. Chủ đề của các bài giảng trong Mùa Vọng năm 2015 của cha Cantalamessa là “Chúa Kitô là ánh sáng các dân nước: Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân dưới cách đọc Kitô học”.
Trong bài giảng ngày thứ Sáu 18 tháng 12 tại nhà nguyện Redemptoris Mater của Dinh Tông Tòa, cha đã trình bày ba đề tài là “Thánh mẫu học trong Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân”, “Một cái nhìn đại kết về Đức Maria là Mẹ của các tín hữu,” và “Maria, là Mẹ và là Nữ Tử của Lòng Thương Xót Thiên Chúa.”
Trong bài giảng, cha Cantalamessa nhận xét rằng:
“Đặc biệt trong những thế kỷ gần đây, chúng ta những người Công Giáo, đã góp phần làm cho Đức Mẹ trở nên không thể chấp nhận được đối với người Tin Lành bằng cách vinh danh Mẹ bằng những cách thường là phóng đại quá đáng và thiếu khôn ngoan; và trên tất cả là không giữ cho lòng sùng kính Mẹ trong một khuôn khổ Kinh Thánh rõ rệt, trong đó, cho thấy vai trò của Mẹ ở một mức khiêm tốn hơn so với vai trò của Lời Chúa, của Chúa Thánh Thần, và của chính Chúa Giêsu. Thánh mẫu học trong những thế kỷ gần đây đã trở thành một nhà máy không ngừng tạo ra các danh xưng mới, các hình thức tôn sùng mới, thường là nhằm bút chiến với người Tin lành, đôi khi sử dụng Đức Maria - Mẹ chung của chúng ta - như một vũ khí chống lại họ ...
Về phía người Tin Lành, tôi ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ từ những cuộc bút chiến chống Công Giáo mà còn từ chủ nghĩa duy lý trong thái độ của họ đối với Đức Mẹ. Đức Maria không phải là một ý tưởng nhưng một con người cụ thể, một người phụ nữ, và như thế người ta không thể đơm đặt tùy tiện các giả thuyết về Mẹ hoặc giản lược Mẹ đến mức chỉ còn là một ý tưởng trừu tượng. Mẹ là biểu tượng sự đơn sơ của Thiên Chúa. Vì lý do này, trong một bầu không khí thống trị nặng nề bởi chủ nghĩa duy lý, người ta tìm cách loại bỏ Mẹ khỏi ngữ cảnh thần học.
9. Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa liên đới và chống dửng dưng
Đức Thánh Cha kêu gọi chính quyền các nước cộng tác để thăng tiến trên thế giới nền văn hóa liên đới có thể chống lại trào lưu hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong buổi tiếp kiến sáng ngày 17-12, dành cho các vị đại sứ mới của 4 nước cạnh Tòa Thánh đến trình quốc thư, đó là Guinea, Lettonia, Ấn độ và Bahrein.
Trong diễn văn chào mừng, Đức Thánh Cha nhắc đến Sứ điệp của ngài mới được công bố nhân Ngày Hòa Bình thế giới 1-1-2016 tới đây với chủ đề “Chiến thắng sự dửng dưng, chinh phục hòa bình”. Ngài nhận xét rằng: “Rất tiếc là hoàn cầu hóa sự dửng dưng là một trong những xu hướng tiêu cực của thời đại chúng ta ngày nay. Có nhiều hình thức qua đó thái độ dửng dưng được biểu lộ và cũng có nhiều nguyên nhân góp phần nuôi dưỡng thái đọ này, nhưng chủ yếu các nguyên nhân ấy có thể tóm gọn trong chủ thuyết nhân bản thiếu quân bình, trong đó con người chiếm vị thế của Thiên Chúa, và đồng thời trở thành nạn nhân của nhiều hình thức tôn thờ thần tượng.”
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Để đáp lại xu hướng tiêu cực trên đây, cần có một thuyết nhân bản mới, đặt con người trong tương quan đúng đắn với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân và với thiên nhiên. Vấn đề ở đây là thăng tiến một nền văn hóa liên đới và chia sẻ, và điều này đòi phải có sự dấn thân của những người có trách nhiệm trong lãnh vực chính trị, xã hội. văn hóa và giáo dục.”
Ngài cũng nhận định rằng: “Cả các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay, vốn có ảnh hưởng đáng kể trên thái độ của cá nhân và xã hội, cũng giữ một vai trò quan trọng. Vì thế cần nhắm tới sự gia tăng khả năng chuyên nghiệp và luân lý đạo đức của những ngừơi hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội đồng thời tiếp tục đầu tư vào học đường”.
10. Tòa Thánh tăng cường khả năng của các tòa án và hiến binh
Tòa Thánh đón nhận lời mời gọi của Ủy ban Moneyval tăng cường thêm khả năng của các tòa án và của hiến binh Vatican để điều tra quyết liệt hơn về các tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trên đây là nội dung thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 15-12, để trả lời cho phúc trình do Ủy ban các chuyên gia thẩm định các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, gọi tắt là Moneyval, công bố hôm 8-12 trước đó.
Ủy ban Moneyval xác nhận rằng trong 2 năm qua, Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thiết định các cơ quan và qui luật để phòng ngừa và chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các cơ quan và qui luật đó thích hợp và đang hoạt động tốt. Các tòa án tại Vatican đã phong tỏa 11 triệu 200 ngàn Euro như kết quả của các cuộc điều tra đang tiến hành.
Về Văn phòng của vị Ủy viên công tố, các cuộc điều tra có tính chất phức tạp về phương diện chuyên môn và đòi phải có một sự phân tích chính xác. Các cuộc điều tra đó có tính chất quốc tế và liên quốc, liên quan tới những tội phạm xảy ra ngoài lãnh thổ Vatican và những người ở ngoài Vatican.
Tòa Thánh đã thiết lập một hệ thống quốc tế giúp cộng tác tích cực với các nước khác trong những trường hợp này, trên bình diện cơ quan điều tra tài chánh AIF cũng như trên bình diện các tòa án. Các thông tin và thống kê trong phúc trình chứng tỏ rõ ràng. Tòa án Vatican đã thỉnh cầu và nhận được sự giúp đỡ tư pháp của các nước khác. Phúc trình của Moneyval chứng tỏ sự trợ giúp tư pháp hỗ tương đã được sử dụng rộng rãi.
11. Tuyên bố chung của Ủy Ban Do Thái - Công Giáo về người di cư
Các quan chức Tòa Thánh và các giáo sĩ Do Thái tại Israel đã ra một tuyên bố chung kêu gọi một phản ứng quảng đại trước “cuộc khủng hoảng nhân đạo người di cư” hiện nay.
Vào lúc kết thúc cuộc họp 2 ngày tại Jerusalem, một ủy ban song phương của các trưởng giáo Israel và Ủy ban về Quan hệ với người Do Thái của Tòa Thánh đã thông qua một tuyên bố chung nhấn mạnh nghĩa vụ “yêu người như mình ta vậy” trong khi vẫn chú ý đến nhu cầu của cộng đồng mình. Tuyên bố kêu gọi việc đối xử tôn trọng với những người di cư và các thủ tục hiệu quả hơn nhằm xét duyệt các đơn xin tị nạn.
Ủy ban song phương đã gặp nhau vào ngày 16 và 17 tháng 12 dưới sự lãnh đạo chung của Rabbi trưởng Rasson Arousi và Đức Hồng Y Peter Turkson.
12. Đức Thánh Cha tiếp các nhân viên làm việc tại Vatican và gia đình họ
Trong buổi tiếp kiến dành cho các nhân viên của Tòa Thánh và Quốc Gia Thành Vatican Nhà nước, và gia đình của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài muốn “xin tha thứ vì những vụ tai tiếng đã xảy ra tại Vatican trong năm qua”
“Tuy nhiên, tôi muốn thái độ của tôi và cuả anh chị em, đặc biệt trong những ngày này, trên tất cả phải là một lời cầu nguyện: cầu nguyện cho những người dự phần vào các vụ tai tiếng ấy, để những ai đã sai phạm biết ăn năn và tìm đường ra đường ngay nẻo chính một lần nữa”
Đức Thánh Cha nói thêm:
“Tôi khuyến khích anh chị em chăm sóc cho mối hôn nhân của mình và cho con cái của anh chị em ... Một cuộc hôn nhân là một thực tại sống động: cuộc sống của hai vợ chồng không bao giờ được coi là đương nhiên, trong mọi giai đoạn của con đường gia đình. Chúng ta hãy nhớ rằng món quà quý giá nhất cho trẻ em chính là tình yêu của cha mẹ - và tôi muốn đề cập đến không chỉ tình yêu của cha mẹ đối với con cái, nhưnglà tình yêu của cha mẹ dành cho nhau.”
13. Thắp sáng cây Giáng sinh tại Vatican
Cây Giáng sinh khổng lồ tại Quảng trường Thánh Phêrô đã được thắp sáng cùng với việc khánh thành máng cỏ Giáng Sinh trong một buổi lễ vào ngày thứ Sáu 18 tháng 12.
Cây Giáng sinh năm nay tại Vatican, là một món quà từ Bavaria, cao hơn 100 feet và được trang trí bằng đèn LED để tiết kiệm năng lượng.
Cảnh Giáng Sinh, từ tổng giáo phận Trento tại Ý, bao gồm 24 pho tượng có kích thước như người thật, trong đó có một con tượng khá đặc biệt là tượng của một người đàn ông già được những người khác dìu bước, như một thông điệp cho năm thánh Lòng Thương Xót.
14. Đức Thánh Cha mở cửa thánh tại trung tâm dành cho người vô gia cư
Hôm thứ Sáu 18 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một trung tâm vô gia cư mới tại nhà ga Termini của Rôma, còn được gọi là nhà ga xe lửa Gioan Phaolô II. Tại đây, Đức Thánh Cha đã mở một cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đây là cửa Năm Thánh thứ Tư đã được mở tại Rôma, sau lễ mở cửa thánh trọng thể tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Cửa Thánh ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành đã được mở bởi Đức Hồng Y James Harvey, linh mục trưởng của Đền Thờ.
Đền Thờ Giáo Hoàng thứ tư là Đền Thờ Đức Bà Cả, sẽ được Đức Thánh Cha mở cửa vào ngày 1 tháng Giêng Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Quyết định mở một cửa Thánh đặc biệt tại một trung tâm dành cho người vô gia cư là một nét độc đáo của Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót. Điều này nhấn mạnh vai trò trung tâm của các tổ chức bác ái trong đời sống của Giáo Hội.
Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã không được sinh ra như một hoàng tử trong hoàng cung, nhưng Ngài đã đến trong sự khiêm tốn dân giã ở một vùng ngoại ô của Đế quốc La Mã. Thánh Giuse cũng đã hành động trong sự khiêm nhường. Ngài đã lấy Maria làm vợ, bất chấp những tin đồn và những vu khống xung quanh cái thai của bà.
Cũng thế, ngày hôm nay, chúng ta sẽ không tìm thấy Thiên Chúa ở giữa những người giàu có và quyền thế nhưng chúng ta tìm thấy Ngài ẩn dật giữa những người thiếu thốn cơ bần, những người bệnh, những người đói khát và những tù nhân.
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng: “Anh chị em không thể trả tiền để được lên thiên đàng”. Ngài nói thêm rằng ngài đã mở trung tâm vô gia cư này để mở rộng trái tim của tất cả người dân Rôma. Con đường cứu rỗi, không được tìm thấy nơi những gì là sang trọng, phù phiếm, giàu có hay quyền lực, mà là thông qua vòng tay âu yếm và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha kết luận rằng:
Trong khi rất nhiều người, bị xã hội từ chối, đang được trợ giúp thông qua cánh cửa này, xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng để cảm thấy bị từ chối và hiểu rằng chúng ta cũng đang cần lòng thương xót của Thiên Chúa.
15. Khám phá ra Thiên Chúa tại ba nơi của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử và Giáo Hội
Để cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích, chúng ta cần dừng lại tại “những nơi” của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử, và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi mắt đức tin, và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng 12. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng hôm nay minh nhiên gương mặt của Đức Maria. Chúng ta trông thấy Người đương đầu với cuộc hành trình từ Nagiarét vùng Galilea đến các núi non vùng Giuđêa để đi thăm và trợ giúp bà Eldabét, ngay sau khi đã thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng tin. Thiên thần Gabriel đã vén mở cho Mẹ biết rằng người bà con cao niên không có con nhưng giờ đây đã có thai được sáu tháng (x. Lc 1,26.36). Chính vì thế Đức Mẹ mang trong mình một món quà và một mầu nhiệm còn cao cả hơn, đi tìm bà Elidabét và ở lại với bà ba tháng.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn bà, anh chị em hãy tưởng tượng xem: một người già, người kia trẻ, người phụ nữ trẻ là Maria lên tiếng chào trước: “Vào nhà ông Dakharia bà chào bà Elidabét” (Lc 1.40). Và sau lời chào ấy, bà Elidabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, anh chị em đừng quên từ này “kinh ngạc”. Kinh ngạc. Ba Elisabét cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, vang vọng lên trong các lời nói của bà: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). Họ ôm nhau, hôn nhau, vui mừng, hai phụ nữ: người già ngưởi trẻ, cả hai đều mang thai.
Để cử hành lễ Giáng Sinh một cách hữu ích chúng ta được mời gọi dừng lại trên “các nơi” của sự kinh ngạc. Vậy đâu là các nơi của sự kinh ngạc trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Có ba nơi. Nơi thứ nhất là tha nhân, trong đó nhận ra một người anh em, bởi vì từ khi đã xảy ra biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thì mỗi một gương mặt đều mang các dấu ấn giống Con Thiên Chúa. Nhất là khi đó là gương mặt của người nghèo, bởi vì Thiên Chúa đã bước vào trần gian như người nghèo, và trước hết Ngài để cho người nghèo đến gần Ngài.
Một nơi khác nữa của sự kinh ngạc, nơi thứ hai, trong đó, nếu chúng ta nhìn với đức tin, chúng ta cảm nhận được chính sự kinh ngạc là lịch sử. Biết bao lần chúng ta tưởng mình nhìn nó trong khía cạnh đúng đắn, nhưng trái lại chúng ta có nguy cơ đọc nó lộn ngược. Chẳng hạn điều này xảy ra, khi đối với chúng ta xem ra nó được xác định bởi kinh tế thị trường, được quy định bởi tài chánh, các vụ làm ăn và bị thống trị bởi các người quyền lực thay nhau chỉ huy. Thiên Chúa của lễ Giáng Sinh, trái lại, là một vì Thiên Chúa “trộn lẫn lộn các lá bài” – Ngài thích làm điều đó: như Mẹ Maria hát trong bài thánh thi Magnificat, chính Chúa lật nhào các người quyền thế khỏi ngai cao và nâng kẻ hèn mọn lên, ban tràn đầy của cải cho kẻ đói nghèo và đuổi người giầu có ra về tay không” (x. Lc 1,52-53). Đó là sự kinh ngạc thứ hai, sự kinh ngạc của lịch sử.
Đề cập đến nơi kinh ngạc thứ ba là Giáo Hội Đức Thánh Cha nói:
Một nơi thứ ba của sự kinh ngạc là Giáo Hội: nhìn nó với sự kinh ngạc của đức tin có nghĩa là không hạn hẹp chỉ coi Giáo Hội là một cơ cấu tôn giáo, nó là cơ cấu tôn giáo, nhưng cảm nhận Giáo Hội như là một Bà Mẹ, dù có các vết nhơ và nếp nhăn - chúng ta có biết bao nhiêu nếp nhăn - cũng vẫn để tỏa thoát ra các đường nét của Hiền Thê được Chúa Kitô yêu thương và thanh tẩy. Một Giáo Hội biết nhận ra nhiều dấu chỉ của tình yêu trung thành, mà Thiên Chúa liên tục gửi tới cho mình. Một Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ không bao giờ là một chiếm hữu cần bảo vệ một cách ghen tương cho chính nó; ai làm như thế là sái lầm; nhưng luôn luôn là Đấng đến gặp gỡ nó, và Giáo Hội biết chờ đợi với lòng tin tưỏng và tươi vui, bằng cách trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng của thế giới: Giáo Hội gọi Chúa “Lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”. Giáo Hội mẹ luôn luôn có các cánh cửa mở toang để tiếp đón tất cả mọi người. Còn hơn thế nữa, Giáo Hội mẹ ra khỏi các cửa của mình để tìm kiếm với nụ cười của bà mẹ tất cả những người ở xa, và đem họ đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là sự kinh ngạc của lễ Giáng Sinh!
Trong lễ Giáng Sinh Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả chính Người bằng cách ban cho chúng ta Con Duy Nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Và chỉ với con tim của Mẹ Maria, con gái Sion khiêm hạ và nghèo khó, đã trở thành Mẹ của Con Đấng Tối Cao, mới có thể nhảy mừng và vui sướng vì ơn trọng đại của Thiên Chúa và vì sự kinh ngạc không thể thấy trước được của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta nhận thức được sụ kinh ngạc – ba sự kinh ngạc tha nhân, lịch sử và Giáo Hội - đối với biến cố Chúa Giêsu sinh ra, là ơn của các ơn, là món quà nhưng không đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy nơi mình sự kinh ngạc vĩ đại này. Nhưng chúng ta không thể có sự kinh ngạc này, chúng ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu không gặp gỡ Ngài nơi các người khác, trong lịch sử và trong Giáo Hội.
16. Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho các nước
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa 0 tháng 12, Đức Thánh Cha cũng đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Syria, Libia, Costa Rica và Nicaragua, cũng như cho các nạn nhân bão lụt bên Ấn Độ. Ngài nói: Cả hôm nay nữa tôi cũng hướng một tư tưởng tới nước Syria yêu quý, bằng cách bầy tỏ sự đánh giá sinh động đối với thỏa thuận mà cộng đồng quốc tế vừa đạt được. Tôi xin khích lệ tất cả mọi người quảng đại hăng say theo đuổi con đường dẫn tới việc ngưng các bạo lực và dẫn tới một giải pháp thương thảo đem lại hoà bình. Cũng thế tôi nghĩ tới nước Libia láng giềng, nơi việc dấn thân mới đây giữa các phe cho một chính quyền hiệp nhất quốc gia, mời gọi hy vọng vào tương lai.
Tôi cũng ước ao ủng hộ dấn thân cộng tác của hai nước Costa Rica và Nicaragua. Tôi cầu mong một tinh thần huynh đệ canh tân củng cố việc đối thoại và cộng tác với nhau giữa hai bên, cũng như giữa tất cả các quốc gia trong vùng.
Tôi cũng nghĩ tới các dân tộc bên Ấn Độ bị bão lụt trầm trọng mới đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em này đang đau khổ vì tai ương ấy, và chúng ta hãy phó thác linh hồn những người đã qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha mời mọi người cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em bên Ấn Độ.
Ngài đã đặc biệt chào các trẻ em Roma đem tượng Chúa Hài Đồng đến cho ngài làm phép trong buổi đọc kinh Truyền Tin để sau đó đặt vào hang đá, theo một truyền thống được các trung tâm giáo xứ Roma tổ chức.
Ngài nói:
Các trẻ em thân mến, hãy chú ý nghe rõ này: khi các con cầu nguyện trước hang đá của các con, xin cũng nhớ cầu nguyện cho cha nữa, và cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con và chúc các con lễ Giáng Sinh tốt lành!