Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran

Sáng ngày 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tổng thống Iran, Ông Hassan Rouhani. Đây là lần đầu tiên kể từ 17 năm nay, một vị tổng thống Iran được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến tại Vatican. Lần trước đây là cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 dành cho tổng thống Mahamed Khatami ngày 12-3-1999.

Tổng thống Rouhani đã ký hiệp định với quốc tế về vấn đề hạt nhân và do đó các biện pháp cấm vận chống Iran được bãi bỏ. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 11 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng Hiệp định về vấn đề hạt nhân ở Iran thuộc vào số những thỏa hiệp quốc tế quan trọng làm cho người ta hy vọng nhiều nơi tương lai, và ngài cầu mong hiệp định này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho một bầu không khi lắng dịu trong Vùng”.

Giới báo chí ghi nhận: đoàn xe của Tổng thống Rouhani đến Vatican gồm 30 xe không kể các xe cảnh sát hộ tống hùng hậu. Cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha với Tổng thống Iran kéo dài 40 phút và khi từ giã, tổng thống nói với Đức Thánh Cha qua thông ngôn: “Xin ngài cầu nguyện cho tôi”. Còn Đức Thánh Cha nói: “Cám ơn tổng thống về cuộc viếng thăm và tôi hy vọng nơi hòa bình”.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, “sau khi hội kiến với Đức Thánh Cha, Tổng thống Iran đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin và Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher. Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị đề cao những giá trị tinh thần chung và quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Iran, đời sống của Giáo Hội tại Iran và hoạt động của Tòa Thánh thăng tiến phẩm giá con người và tự do tôn giáo.

“Tiếp đến, các vị nói về việc ký kết và áp dụng Hiệp định về hạt ngân và vai trò quan trọng mà Iran được kêu gọi thi hành, cùng với các nước khác trong vùng, để cổ võ những giải pháp chính trị thích hợp cho những vấn đề đang đè nặng tại Trung Đông, chống lại sự bành trướng của nạn khủng bố và buôn bán võ khí. Về điểm này Tòa Thánh nhắc đến tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn và trách nhiệm của các cộng đồng quốc tế trong việc thăng tiến hòa giải, tinh thần bao dung và hòa bình”.

Tổng thống Rouhani đang thực hiện cuộc viếng thăm tại Italia và Pháp. Tháp tùng ông trong chuyến đi có hơn 100 doanh nhân các ngành.

2. Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.

Mùa chay sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro, 10-2-2016 (tức là mùng 3 Tết). Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho mùa này có chủ đề là “Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9,13). Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh”. Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng Giám Mục Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum.

Sau khi đề cao mẫu gương của Mẹ Maria như hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng và để cho mình được Tin Mừng biến đổi, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong lịch sử cứu độ: toàn thể giao ước của Thiên Chúa với loài người là một lịch sử lòng thương xót. Thiên Chúa tín trung luôn tha thứ những bất trung và phản bội của dân Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong lời huấn giáo của các tông đồ. Lòng thương xót diễn tả “thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, cống hiến cho họ cơ may hồi tỉnh, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae vultus 21), và qua đó tái lập quan hệ với Chúa.

Đề cập tới các công việc từ bi thương xót, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, và qua đó làm cho họ cũng có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là “Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!”

Đức Thánh Cha giải thích: “Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng “trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: “Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazzaro ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Xc Lc 16,20-21)

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận thiện để có thể ra khỏi tình trạng cuộc sống tha hóa của mình, nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái... Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn”

3. Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần lễ này đã tiến hành từ 18 đến 25 tháng Giêng vừa qua với chủ đề là một câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: “Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các Giám Mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, Đức Giám Mục David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha sau khi giải thích một số khía cạnh trong biến cố trở lại của thánh Phaolô do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ngài nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất nói về nghĩa vụ của các Kitô giáo loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và khẳng định rằng “Vượt lên trên những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta vui mừng nhìn nhận rằng nơi nguồn cội đời sống Kitô luôn có một lời kêu gọi mà tác giả là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiến triển trên con đường hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa các Kitô hữu, không những khi chúng ta xích lại gần nhau, nhưng nhất là theo mức độ chúng ta trở về cùng Chúa, Đấng do ơn thánh của Ngài, đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội kác nhau lắng nghe lời Chúa và tìm cách mang ra thực thì, thì họ hoàn tất thực sự những bước tiến quan trọng đến gần sự hiệp nhất... Cả sứ mạng chung là loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta xích lại gần nhau”.

Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót và nhấn mạnh rằng không thể có sự tìm kiếm chân thực sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nếu không có sự hoàn toàn tín thức nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là chúng ta hãy xin ơn tha thứ vì tội chia rẽ của chúng ta, những chia rẽ ấy là vết thương mở rộng nơi Thân Mình của Chúa Kitô. Trong tư cách là Giám Mục Roma và là Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa và ơn tha thứ vì những cư xử không hợp tinh thần Phúc Âm từ phía các tín hữu Công Giáo đối với các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công Giáo hãy tha thứ vì những xúc phạm đã chịu ngày nay và trong quá khứ do các tín hữu Kitô khác.. Chúng ta không thể xóa bỏ những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của những lỗi lầm quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các quan hệ của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân các quan hệ của chúng ta”.

Cuối kinh chiều, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Kinh Chiều này.

4. Tổng trưởng Ngoại giao Vatican cảnh báo chống lại chủ thuyết bài Hồi Giáo

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Tổng trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước, đã nói với tờ Le Figaro rằng Tòa Thánh “cương quyết chống chủ nghĩa bài Hồi Giáo.”

Đức Tổng Giám Mục nói “Chúng tôi tin nơi cuộc đối thoại với Hồi giáo dù rằng cuộc đối thoại này đôi khi rất khó khăn.”

Ngài nói rằng quan điểm của Tòa Thánh là việc giải giáp quân khủng bố Hồi Giáo IS bằng cách sử dụng các phương tiện phù hợp là hợp pháp về mặt đạo đức và rằng các quốc gia có quyền bảo vệ công dân của họ. Đồng thời, một giải pháp quân sự mà thôi thì “chưa đủ.”

“Các nước có quyền điều tiết di dân,” ngài tiếp tục, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng người tị nạn của châu Âu. Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng mặc dù các quốc gia có “sinh suất rất thấp, họ cần những người nhập cư cho tương lai của họ.”

5. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý đức tin

Đức Thánh Cha khuyến khích Bộ Giáo Lý đức tin tiếp tục chu toàn công tác bảo vệ đức tin và phong hóa, nhất là trong những lãnh vực tế nhị nhất của cuộc sống.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 29-1-2016, dành cho 81 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ vừa kết thúc. Trong số các tham dự viên có 18 HY và 5 Giám Mục thành viên. Phần còn lại là các vị cố vấn và chức sắc khác.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc nhở chân lý đầu tiên của Giáo Hội đó là tình yêu của Chúa Kitô, vì thế lòng thương xót chính là xà nhà nâng đỡ đời sống của Giáo Hội. Ngài khẳng định rằng:

“Làm sao không mong muốn cho toàn thể dân Kitô - các mục tử và tín hữu - trong Năm Thánh này, tái khám phá và đặt ở trung tâm các công việc từ bi bác ái về thể lý cũng như tinh thần? Và vào cuối đời, chúng ta sẽ bị hỏi xem chúng ta có cho người đói ăn, kẻ khát uống hay không, và cũng ta cũng sẽ bị thẩm vấn xem chúng ta có giúp tha nhân ra khỏi ngờ vực, có dấn thân đón nhận những người tội lỗi, khuyên nhủ hoặc sửa chữa họ, chúng ta có khả năng bài trừ sự dốt nát, nhất là về đức tin Kitô và đời sống tốt đẹp hay không?”.

Đức Thánh Cha không quên nhắc nhở rằng “Nghĩa vụ được giao phó cho Bộ của anh chị em có nền tảng tối hậu và được biện minh thích đáng nơi sự kiện này: trong đức tin và đức ái, có một quan hệ tri thức và liên kết với mầu nhiệm Tình Yêu là chính Thiên Chúa.. Đức tin Kitô không phải chỉ là kiến thức cần được bảo tồn trong ký ức, nhưng còn là chân lý cần phải sống thực trong tình yêu. Vì thế, cùng với đạo lý đức tin, cần bảo tồn cả sự toàn vẹn của các phong hóa, đặc biệt trong những lãnh vực tế nhị nhất của cuộc sống. Lòng gắn bó tin tưởng nơi Chúa Kitô bao hàm cả hành vi của lý trí lẫn lời đáp trả về mặt luân lý đối với hồng ân của Chúa. Về vấn đề này, tôi cũng cũng ơn sự dấn thân và trách nhiệm của Bộ giáo lý đức tin trong việc xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên

6. Đức Thánh Cha gặp Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28 tháng Giêng, dành cho 45 thành viên Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng để cho việc áp dụng các kỹ thuật sinh học làm thương tổn phẩm giá con người.

Ủy ban này được thành lập cách đây 25 năm tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia. Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ủy ban quốc gia về đạo đức sinh học đã nhiều lần bàn về việc tôn trọng sự toàn vẹn của con người và bảo vệ sức khỏe từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, xét nhân vị trong sự đặc thù, và luôn luôn như một mục đích, và không bao giờ coi họ chỉ là một phương tiện.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Nguyên tắc luân lý này thật là điều căn bản cả trong việc áp dụng kỹ thuật sinh học trong lãnh vực y khoa, các kỹ thuật này không bao giờ được sử dụng có hại cho phẩm giá con người, và càng không thể để cho những mục tiêu công nghệ và thương mại hướng dẫn”.

Đức Thánh Cha cũng khuyến khích Ủy ban quốc gia Italia về đạo đức sinh học thực hiện những nghiên cứu đa ngành về các nguyên nhân làm suy thoái môi trường, đề ra những hướng đi trong các lãnh vực liên quan đến các khoa sinh học, để khích lệ những biện pháp bảo tồn và chăm sóc môi sinh.

Ngài không quyên khích lệ Ủy ban quan tâm đến đề tài khuyết tật và tình trạng những người dễ bị tổn thương bị gạt ra ngoài lề trong một xã hội nhắm tới sự cạnh tranh và đẩy mạnh tiến bộ. Đây là thách đố làm sao chống lại nền văn hóa gạt bỏ, được biểu lộ qua nhiều hình thức, trong đó có sự đối xử với các phôi thai người như những chất liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người bệnh và người già gần chết bị gạt bỏ.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu mong có sự đối chiếu quốc tế rộng lớn hơn để đạt tới sự hòa hợp các tiêu chuẩn và những qui luật về các hoạt động sinh học và y khoa, những qui luật biết nhìn nhận các giá trị và các quyền căn bản, tuy rằng các hoạt động trên đây là điều phức tạp.

7. Đức Thánh Cha kêu gọi việc tổ chức tĩnh tâm cho các nhân viên bác ái

Đức Thánh Cha cổ võ ngày tĩnh tâm cho các nhân viên từ thiện bác ái do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 27 tháng Giêng, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói: “Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, đã đề xướng một ngày tĩnh tâm cho các cá nhân và các nhóm dân thân phục vụ từ thiện bác ái. Ngày này sẽ được cử hành trong mỗi giáo phận trong mùa chay sắp tới. Đây sẽ là một dịp để suy tư về ơn gọi trở nên từ bi thương xót như Chúa Cha. Tôi mời gọi đón nhận đề nghị này, sử dụng những chỉ dẫn và tài liệu do Hội đồng Cor Unum soạn thảo”.

8. Tòa Thánh kêu gọi giải quyết xung đột Israel-Palestine, Syria

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, kêu gọi can đảm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, và thảm trạng tại Syria.

Trong bài tham luận hôm 26 tháng Giêng tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở rộng, Đức Tổng Giám Mục Auza, người Philippines, nói đến con đường hòa bình bế tắc giữa Israel và Palestine: vì thiếu những cuộc thương thuyết quan trọng giữa hai bên, những hành vi bạo lực tiếp tục như cái vòng luẩn quẩn, khiến người ta thực sự nghi ngờ về giá trị của Hiệp định Oslo đã được hai bên ký kết. Tòa Thánh tin rằng tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine chỉ có thể tiến bước nếu được những phe liên hệ trực tiếp thương thuyết với nhau với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này chắc chắn đòi phải có những quyết định can đảm từ hai phía và cần phải có những nhượng bộ tốt đẹp đối với nhau. Không có phương thức nào khác, nếu cả Israel lẫn Palestine muốn được hưởng an ninh, thịnh vượng và sống chung hòa bình bên nhau với biên giới được quốc tế nhìn nhận”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ cũng nhận xét rằng một số thành phần trong cả hai dân tộc đã chịu đau khổ quá lâu vì quan điểm sai lầm cho rằng võ lực sẽ giải quyết những tranh chấp giữa hai bên. Chỉ có những cuộc thương thuyết được hỗ trợ, được tiến hành với lòng ngay, mới giải quyết được những tranh chấp và mang lại hòa bình cho dân tộc Israel và Palestine.

Đức Tổng Giám Mục Auza cũng nhắc đến hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Israel mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2-1 vừa qua liên hệ chủ yếu đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Palestine. Ngài nói: “Trong thực tại phức tạp ở Trung Đông, nơi mà tại một số quốc gia, các tín hữu Kitô đang chịu bách hại, Tòa Thánh hy vọng hiệp định này có thể là một gương về đối thoại và cộng tác, đặc biệt cho các nước Arập và những người có đa số dân theo Hồi giáo”.

Về tình hình Sisria với cuộc xung đột từ gần 5 năm nay, Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ nhận xét rằng đây không phải chỉ là cuộc xung đột giữa những người Syria với nhau, nhưng còn có chiến binh ngoại quốc tế từ các nơi trên thế giới tiếp tục phạm những hành vi kinh khủng khôn tả chống lại các thường dân ở Syria và một phần tại Iraq. Ảnh hưởng của các chiến binh ngoại quốc tày đã đưa tới bạo lực phe phái và bách hại các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số.

Trong diễn văn trước ngoại giao đoàn hôm 11 tháng Giêng vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ xác tín theo đó chỉ có một hoạt động chung về chính trị mới có thể ngăn chặn sự bành trướng của trào lưu cực đoan và thủ cựu, sinh ra những hành vi khủng bố, tàn hại vô số nạn nhân không những tại Syria và Libia, nhưng còn tại các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi.

9. Đức Hồng Y Theodore McCarrick chào mừng hội nghị Hồi giáo về các tôn giáo thiểu số

Nhận lời mời của Chính phủ Ma-rốc, hàng trăm học giả Hồi Giáo Sunni và Shiite từ 120 quốc gia đã tập trung tại Marrakesh để xem xét hoàn cảnh của các nhóm không Hồi giáo thiểu số ở các quốc gia nơi phần lớn dân chúng là người Hồi giáo.

“Chúng tôi ở Vương quốc Morocco sẽ không tha thứ cho các hành vi chà đạp các quyền của các tôn giáo thiểu số nhân danh đạo Hồi” Vua Mohammed VI đã nói như trên trong hội nghị từ ngày 25 đến ngày 27 tháng Giêng. Nhà vua nói thêm: “Tôi đang tạo điều kiện cho các Kitô hữu và người Do Thái thực hành đức tin của họ. Họ thậm chí còn được phục vụ trong chính phủ. “

Những người tham gia hội nghị đưa ra Tuyên bố Marrakesh, trong đó kêu gọi “bảo vệ đầy đủ các quyền và tự do cho tất cả các nhóm tôn giáo một cách văn minh, tránh mọi hình thức ép buộc, thiên vị, và phân biệt đối xử.”

Đức Hồng Y Theodore McCarrick, tổng giám mục nghỉ hưu của Washington, đã có mặt tại Marrakesh và hoan nghênh lời tuyên bố này.

“Đây thực sự là một tài liệu tuyệt vời, mà tôi tin chắc sẽ ảnh hưởng đến thời đại chúng ta và lịch sử của chúng ta”, Đức Hồng Y nói.

10. Tờ Quan Sát Viên Rôma ca ngợi tuyên bố Marrakesh

Báo Quan Sát Viên Rôma công bố trên trang nhất số ra ngày 29 tháng Giêng một bài xã luận chào mừng Tuyên bố Marrakesh như một “bước tiến quan trọng” trong việc giải quyết các khó khăn của tôn giáo thiểu số trong xã hội Hồi giáo.

Theo báo Quan Sát Viên Rôma, bản Tuyên bố được thông qua bởi 300 giáo sĩ Hồi giáo và các học giả tại một hội nghị được tài trợ bởi chính phủ Ma-rốc, đáng được ca ngợi vì “lòng can đảm và sáng suốt” trong việc lên án chủ nghĩa khủng bố. Bản tuyên bố này cũng có tính “cách mạng” vì nó kêu gọi việc sửa đổi sách giáo khoa nhằm thúc đẩy việc tôn trọng tôn giáo thiểu số.

Zouhir Louassini, một nhà báo người Hồi giáo làm việc cho kênh tin tức 24 giờ của nhà nước của Ý, thừa nhận rằng tuyên bố này không giải quyết “câu hỏi hóc búa” của người Hồi giáo là liệu người theo đạo Hồi có thể sang các tôn giáo khác hay không.

11. Các tín hữu Kitô Syriac phải được hiện diện trong Quốc Hội Li Băng

Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo chính trị Li Băng, các vị thượng phụ của Giáo Hội Chính thống Syria và Giáo Hội Công Giáo Syria đã yêu cầu họ phải có hai ghế trong quốc hội, một cho Chính Thống và một cho Công Giáo.

Trong một tuyên bố chung, các thượng phụ cũng phản đối việc khẳng định rằng Công Giáo và Chính Thống nghi lễ Syriac là các tôn giáo thiểu số ở Li Băng.

Một nửa trong số 128 ghế tại quốc hội Li Băng được thiết lập dành cho các Kitô hữu. Kể từ năm 1989, 34 ghế đã được dành cho người Công Giáo Maronite, 14 cho Chính Thống Giáo Đông Phương, 8 cho Công Giáo nghi lễ Melkite Hy Lạp, 5 cho Chính Thống Giáo Armenia, 1 cho Công Giáo nghi lễ Armenia, một cho Tin Lành, và 1 ghế dành cho |tất cả các nhóm được gọi là Kitô hữu thiểu số.

128 ghế còn lại là dành cho người Hồi giáo: 27 ghế cho người Hồi giáo Sunni, 27 ghế cho người Hồi giáo Shiite, 8 cho Druze, và 2 cho Alawites.

Giáo Hội Công Giáo Syria (như Maronite, Melkite, và Giáo Hội Công Giáo Armenia) là một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.

12. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ than thở về hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị ngược đãi tại Trung Đông

Trong một bức thư gửi Ngoại trưởng John Kerry, Đức Cha chủ tịch Ủy ban Tư pháp quốc tế và Hòa bình thuộc Hội Đồng Giám Mục đã bày tỏ những băn khoăn của ngài về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

“Sau khi thực hiện một chuyến thăm thể hiện tình đoàn kết với người dân trong khu vực và đã gặp gỡ những người tị nạn Syria và Iraq, các nhà lãnh đạo Giáo Hội, và các nhà lãnh đạo khác tại Li Băng và Jordan, tôi có thể chứng thực rằng khu vực này đang trong tình trạng hỗn loạn và đau khổ sâu sắc” Đức Giám Mục Oscar Cantu của giáo phận Las Cruces, New Mexico, cho biết như trên trong lá thư.

Đức Cha Cantu công khai chỉ trích các chính sách gây nên hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị ngược đãi trong khu vực.

“Trong cuộc viếng thăm người tị nạn Kitô giáo, chúng tôi đã nghe những câu chuyện đau lòng về cuộc đàn áp của cái gọi là quân khủng bố Hồi Giáo IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Rõ ràng là họ muốn 'thanh trừng' các Kitô hữu và những người thuộc các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, và thậm chí cả những người Hồi giáo đối lập dám chống đối các ý thức hệ hẹp hòi, méo mó và cực đoan”

13. Giám Mục Anh Giáo suy tư về một cử chỉ bất ngờ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Kinh Chiều đại kết

Hôm 25 tháng Giêng, khi Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, ngài đã yêu cầu một vị giám mục Chính thống giáo và một vị giám mục Anh giáo ban phép lành cuối cùng với ngài.

Suy tư về cử chỉ này, vị giám mục Anh giáo tại Rôma, là Đức Tổng Giám Mục David Moxon, viết rằng “thật là hết sức xúc động khi được dự phần vào một điều mà theo tôi nghĩ là một lời mời, mà ý nghĩa của lời mời ấy vượt xa hơn nhiều khả năng những ngôn từ có thể diễn tả.”

Đức Cha David Moxon nói tiếp rằng:

Sẽ là sai lầm khi diễn dịch quá xa những gì đã xảy ra, nhưng trong những phút tiếp theo sau buổi lễ, chúng tôi chuyện trò với nhau. Những câu chuyện, đối với tôi, rất sâu sắc, khó quên, và gợi lại một cách mạnh mẽ sự thống nhất cần thiết của chúng ta trong phép rửa tội và mong muốn của chúng ta được chia sẻ các phước lành của Thiên Chúa bất cứ khi nào có cơ hội; bởi vì chúng ta thuộc về Giáo Hội của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

Đức Tổng Giám mục Moxon kêu gọi các tín hữu Kitô không Công Giáo hãy xin “tha thứ cho những lỗi lầm và các vết thương mà chúng ta đã gây ra cho cơ thể của Chúa Kitô.”

14. Đức Thượng Phụ Yonan hoan nghênh can thiệp quân sự của Nga tại Syria

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Syria, là một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, đã lên tiếng hoan nghênh sự can thiệp quân sự của Nga trong cuộc nội chiến ở Syria.

Trong bốn tháng kể từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích chống lại lực lượng nổi dậy và Nhà nước Hồi giáo, theo yêu cầu của chính phủ Syria “nhiều thứ đã thay đổi trên mặt đất” Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan cho biết như trên theo hãng tin Ý ANSA.

"Sự can thiệp của Nga đem lại cho chúng tôi một chút hy vọng trong tình huống bi thảm này," ngài tiếp tục. "Nga đã giúp Syria chiếm lại và giải phóng các thành phố và làng mạc dưới sự kiểm soát của các nhóm khủng bố."

Nhấn mạnh rằng "Kitô hữu Syria rất biết ơn Nga", Đức Thượng Phụ cũng cảm ơn Chính Thống Giáo Nga đã hỗ trợ của các Kitô hữu bị ngược đãi tại Syria.

15. Trích dẫn Đức Giáo Hoàng, tổng thống Obama, ra lệnh cấm giam giữ trẻ vị thành niên

Viết trên tờ The Washington Post, Tổng thống Barack Obama nói rằng ông sẽ thay đổi hệ thống nhà tù liên bang, bao gồm cả việc"cấm giam người chưa thành niên và mở rộng điều trị cho các bệnh nhân tâm thần và tăng số lượng thời gian tù nhân có thể ở bên ngoài các phòng giam của họ. "

Trích dẫn bài diễn văn hôm 24 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quốc hội Hoa Kỳ, tổng thống nêu rõ:

“Ở Mỹ, chúng tôi tin vào khả năng thay đổi con người. Chúng tôi tin những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo đó ‘mỗi con người được trời phú cho một phẩm giá bất khả xâm phạm, và xã hội chỉ có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi của những người bị kết án về tội phạm’. Chúng tôi tin rằng khi người ta phạm sai lầm, họ vẫn xứng đáng có cơ hội để làm lại cuộc sống của họ. Và nếu chúng ta có thể cung cấp cho họ niềm hy vọng về một tương lai tốt hơn, thì đó là một cách để họ có thể đứng được trở lại trên đôi chân của mình, như thế chúng ta sẽ có thể để lại cho con em chúng ta một đất nước an toàn hơn, mạnh hơn và xứng đáng với những lý tưởng cao nhất của chúng ta”.

16. Một nhóm Do Thái diễn tả nỗi buồn trước việc mạo phạm các nghĩa địa

Các thành viên của một tổ chức Do Thái đã đến tu viện Salesian tại Beit Jimal gần Jerusalem để bày tỏ nỗi buồn của họ trước sự mạo phạm khu nghĩa địa của tu viện gần đây.

Tổ chức, Tag Meir, "thấy rằng cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc cũng là một phần của một chiến dịch để hỗ trợ các giá trị dân chủ, và các giá trị truyền thống của người Do Thái là yêu thương người lân cận và đề cao công bằng cho tất cả chúng ta"

17. Đức Hồng Y Marx gặp với các quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu

Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch của Ủy Ban Hội Đồng Giám Mục Cộng đồng châu Âu (COMECE), đã gặp gỡ với hai quan chức hàng đầu châu Âu vào ngày 27 tháng Giêng để thảo luận về cuộc khủng hoảng di dân của lục địa này.

Vị Hồng Y Tổng Giám Mục Munich đã tới Brussels để gặp Frans Timmermans, là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, và Federica Mogherini, là người đại diện cấp cao của Ủy Ban Ngoại giao và Chính sách An ninh.