Giải đáp phụng vụ: Tại sao hai qui định về đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” lại trái ngược nhau?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Có vẻ là một sự khác biệt giữa hai qui định của Sách Lễ. Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 267 cho thấy rằng linh mục cử hành Thánh Lễ với chỉ một người giúp đọc kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa" cùng với người này, trong khi chữ đỏ cho "Thánh lễ chỉ có một người giúp" nói người giúp lễ đọc kinh này một mình. Có cách nào để dung hòa hai bản văn này không, hoặc nếu không, chúng ta nên theo bản văn nào? - A. K., Cheshire, Connecticut, Mỹ.


Đáp: Rõ ràng là bạn đọc này đã tìm thấy một mâu thuẫn thực sự trong các qui định của Thánh lễ Rôma. Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 267 cho biết:

"Ðoạn, trong khi đọc "Lạy Chiên Thiên Chúa" cùng với người giúp, linh mục bẻ bánh thánh trên đĩa. Sau kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", ngài vừa hoà Mình và Máu Thánh vừa đọc thầm: "Xin Mình và Máu thánh" (Haec commixtio)” (bản dịch Việt Ngữ của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Số tiếp theo đi theo chỉ dẫn này một cách hợp lý:

"268. Sau khi hoà trộn, vị tư tế đọc thầm: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Domine Iesu Christe, Fili Dei vivi) hoặc "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước” (Perceptio)” (Bản dịch, như trên).

Mặt khác, chữ đỏ cho "Thánh lễ chỉ có một người giúp” nói như sau, “sau lời chào "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh em", người giúp thưa: "Và ở cùng Cha". Tùy nghi linh mục trao bình an cho người giúp.

"Linh mục bẻ bánh thánh trên đĩa, trong khi người giúp đọc một mình: "Lạy Chiên Thiên Chúa" […].

“Linh mục vừa hoà Mình và Máu Thánh vừa đọc thầm: "Xin Mình và Máu thánh" (Haec commixtio)".

Như vậy, trong khi nó có thể chỉ là một chi tiết nhỏ, hai qui chế dường như đưa ra hướng dẫn đối nghịch nhau cho linh mục. Hoặc là linh mục cùng đọc "lạy Chiên Thiên Chúa" với người giúp lễ, hoặc không cùng đọc với người giúp lễ.

Một sự khác biệt nhỏ khác được tìm thấy trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 269 và chữ đỏ tương ứng. Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói rằng trước khi cho người giúp rước lễ, linh mục đọc ca hiệp lễ. Còn chữ đỏ của Thánh Lễ chỉ có một người giúp quy định dưới số 28 rằng, trong khi linh mục rước lễ, người giúp đọc ca hiệp lễ.

Qui chế nào là đúng? Câu trả lời là không dễ dàng.

Khi nghi lễ mới được công bố, người ta đã nói rằng nhiều thay đổi đã được thực hiện cho hình thức Thánh lễ trước đây được gọi là "thánh lễ không có giáo dân". Ngoài việc thay đổi tên gọi là “Thánh Lễ chỉ có một người giúp”, các thay đổi khác đã được thực hiện để đem hình thức Thánh lễ này phù hợp hơn với Thánh Lễ có giáo dân tham dự, vốn hiện này là mô hình chung cho mọi hình thức Thánh lễ khác.

Theo luận lý này, có vẻ như chữ đỏ là phù hợp hơn với nguyên tắc này, bởi vì tiến trình thông thường cho một linh mục trong Thánh lễ với giáo dân tham dự là không đọc “Lạy Chiên Thiên Chúa", nhưng cứ tiến hành việc bẻ bánh và đọc lời nguyện riêng, như được qui định trong Sách Lễ, trong khi mọi người nói hoặc hát "Lạy Chiên Thiên Chúa".

Ngoài ra, Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 267, vì tất cả các mục đích thực tế, là giống như các phiên bản trước đó của Qui chế Tổng Quát ban hành năm 1984 (số 226).

Tuy nhiên, trong Sách Lễ này, các chữ đỏ cho nghi thức trong "Thánh Lễ không có giáo dân" là tương thích với các Qui chế Tổng Quát, nên không có sự bất thường hay mâu thuẫn. Xin đọc:

"Trong khi đọc "Lạy Chiên Thiên Chúa" cùng với người giúp, linh mục bẻ bánh thánh trên đĩa [...].'"

Do đó, bản văn duy nhất được thay đổi là chữ đỏ trong ấn bản năm 2002, vốn in lại với sự sửa chữa trong năm 2008. Đây là phiên bản, mà trên đó các bản dịch mới bằng tiếng Anh đã dựa vào.

Sự thay đổi này của chữ đỏ là điều gì đó bình thường. Vì vậy, tôi sẽ kết luận rằng nó đã được thực hiện, như đã nói ở trên, để làm cho Thánh Lễ chỉ có một người giúp là thích hợp với hình thức Thánh lễ với giáo dân tham dự.

Do đó, tôi sẽ gợi ý rằng, trong trường hợp này, người ta nên theo qui định nói trong chữ đỏ, chứ không nên theo Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 267. Điều này cũng có thể áp dụng cho sự khác biệt với Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 269, ngoại trừ trong trường hợp linh mục không thể đọc bản văn của ca hiệp lễ.

Có thể có một lợi thế trong qui định trước đó. Có thể rằng trong một số trường hợp, một linh mục cử hành một mình Thánh lễ có thể nghĩ rằng kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa" nên được bỏ qua, và điều này sẽ là một lỗi. Tuy nhiên, đây là một kịch bản không thể và khó có động lực đủ để biện minh cho qui định đa dạng này.

Tôi không có cách thức để biết làm thế nào sự khác biệt này đã trượt qua gần như tất cả mọi người. Phiên bản đầu tiên của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) mới được ban hành một vài năm, trước ấn bản thứ ba bằng tiếng Latinh của Sách Lễ, và trong khi công việc về Sách Lễ vẫn được tiến hành. Việc xuất bản sớm này đã giúp các Hội Đồng Giám Mục quốc gia kiểm tra Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), và chấp nhận bất kỳ sự thích ứng nào trước khi tiến hành dịch Sách Lễ. Thông tin phản hồi này cũng giúp Thánh Bộ Phượng Tự hoàn chỉnh Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), và một số thay đổi đã được thực hiện, trước khi phiên bản cuối cùng của Sách Lễ bằng tiếng Latinh được xuất bản.

Tuy nhiên, mặc dù tất cả công việc là khá cẩn thận, nhưng chi tiết khá nhỏ này đã thoát khỏi sự chú ý, và vẫn còn trong Sách Lễ bằng tiếng Latinh và tiếng Anh. Người ta hy vọng rằng các ấn bản sau này sẽ có các điều chỉnh thích hợp, để cho cả hai qui định quay trở lại sự hài hòa với nhau. (Zenit.org 18-2-2016)

Nguyễn Trọng Đa