XEM NGƯỜI – NGẪM TA

(Lễ Kính việc “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -22/02) (1 Pr 5,1-4 và Mt 16,13-19)

Nhân chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói Karl Marx không có gì mới, người cộng sản đã lấy cắp cờ hiệu của Kitô giáo, lá cờ hiệu nhân danh người nghèo, lá cờ hiệu giới thiệu hạnh phúc chung cục, tôi nhớ lại một linh mục mà nay qua đời đã từng dí dỏm: “Cộng sản bắt chước Công Giáo, mà còn lâu mới theo kịp!”. Là bạn thân nên dễ hiểu ý dí dỏm của ngài là chủ ý muốn nói đến cung cách hành xử của những người lãnh đạo. Dĩ nhiên ngài muốn nói đến một hiện thực của nhiều vị mục tử, không biết trên thế giới ra sao, nhưng trong Giáo Hội Việt Nam thì có lẽ không hiếm.

Nếu chịu khó quan sát và nhận định thì chúng ta dễ nhận ra một vài hiện thực:

- Người cộng sản thường cố tình thiêng liêng hóa và cả tuyệt đối hóa tập thể của mình là “Đảng”. Đảng không chỉ phải được nêu danh trước mà từ “Đảng” phải luôn viết “hoa” trong các văn bản. Đảng còn phải được mừng trước cả mùa xuân nữa.

-Các vị lãnh đạo thường được đồng hóa với Đảng, nên hễ ai đụng chạm đến các vị là bị kết tội là “chống Đảng”. Đã chống Đảng thì xem như có tội với dân tộc, với đất trời !

-Xét về tỉ lệ thì có được mấy phần trăm đảng viên có vai vị mà không ham hố lợi lộc?

-Chuyện độc quyền, độc đoán, độc tài xem ra như nhãn tiền trong các chế độ cộng sản trên thế giới xưa lẫn nay.

Trong đức tin, Kitô hữu xác tín rằng Giáo Hội là do Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng thánh Phêrô và các tông đồ và sẽ mãi trường tồn cho đến ngày tận thế, vì “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”(Mt 16,18). Thế nhưng trong thực tế vẫn đã có và còn đó một vài thiếu sót, hạn chế và có khi là lầm lẫn khi nói về Giáo Hội. Giáo lý Công Giáo cho chúng ta khái niệm: “Giáo Hội là Đoàn Dân Thiên Chúa, gồm những người tin theo Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp thế gian (x.GLHTCG 752 – Tự Điển Công Giáo trang 131). Giáo Hội là một tập thể, một cộng đoàn. Là một tập thể, một cộng đoàn thì ta có thể nói Giáo Hội gồm người này, người kia, những người này những người kia, nhưng không thể nói người này hay những người kia là Giáo Hội.

Thế mà đã và đang còn đó người này, người kia tự đồng hóa bản thân là Giáo Hội, thậm chí như là Chúa vậy. “Chống cha là chống Chúa! Góp ý phê bình giám mục là phá Giáo Hội! Ý bề trên là ý Chúa!” Nhiều xác quyết trên không phải là cá biệt hay của chỉ một thời đã qua.

Lời thánh Phêrô khuyên bảo các kỳ mục (các mục tử trong Giáo Hội): “…Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa giao phó cho anh em: Lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên…”(1 Pr.5,1-4).

Thời kỳ đầu phải chăng đã có tình trạng các mục tử chăn dắt đoàn chiên:

-Vì ham hố lợi lộc thấp hèn?

-Với cung cách độc quyền, độc đoán?

Biết đến khi nào thì ít nghe những câu nói từ cửa miệng giáo dân: “Các cha giàu; mới làm linh mục hai ba năm đã có xe xịn; ông bà cố xây nhà mới; cha độc tài, giảng dạy thì ít mà quát tháo thì nhiều...”

Mong sao hằng năm, hàng linh mục trong giáo phận được họp chung với giám mục để bàn bạc chuyện giáo phận cách trân trọng và nghiêm túc. Cũng mong sao Hội Đồng linh mục thực sự được nhìn nhận “như nghị viện của Giám Mục, đại diện cho linh mục đoàn...”(GL Điều 495.1).

Mong sao, dù là cha phó, dù là tu sĩ chưa khấn trọn, nhưng trước khi đổi nhiệm sở thì được bề trên gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi, chứ không phải là một cú phôn hay một tờ văn thư gửi qua trung gian.

Mong sao nhiều quý vị trong Ban Thường Vụ Hội Đồng giáo xứ hay Hội Đồng Mục Vụ không còn tự ti kháo chuyện với nhau trong các cuộc gặp mặt chung rằng mình chỉ là “phận sai vặt”, cha xứ sai đâu đánh đó, biểu gì làm nấy mà thôi.

Công đồng Vatican II nhìn nhận rằng Kitô hữu “có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh các hình thức vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo và xã hội.” (MV số 19). Một trong số những hình thức vô thần ấy là chủ nghĩa cộng sản luôn đề cao việc giải phóng con người về kinh tế và xã hội. Và khi nắm được chính quyền thì người cộng sản thường kịch liệt chống lại tôn giáo, họ dùng cả những biện pháp cưỡng bách của chính quyền để truyền bá thuyết vô thần, nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên (x.MV số 20). “Nhà dột từ nóc; tội quy trưởng”. Hẳn nhiên những ai trong nhiệm vụ mục tử hay vai vị lãnh đạo phải là nhưng người chịu trách nhiệm hàng đầu và nhiều hơn hết.

Thật đáng quan ngại xiết bao cho “Hiền Thê Chúa Kitô” khi vừa bị cướp cờ chân lý, vừa bị mô phỏng cung cách lãnh đạo không hợp công lý và lẽ đạo của một thời hay nhiều thời, nhiều nơi !

Ước gì câu ta thán của anh bạn tôi: “Cộng sản bắt chước Công Giáo, nhưng còn lâu mới theo kịp !” sẽ đi vào dĩ vãng vì lỗi thời. Phải làm gì đây để niềm mơ ước ấy thành hiện thực. Theo thiển ý của tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cuộc sống, lời giảng dạy, cung cách hành xử và lãnh đạo của Ngài là một tấm gương sáng cho đoàn tín hữu Kitô, cách riêng các vị mục tử, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội noi theo.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa