Thiên Chúa – MỘT TÌNH YÊU
Chúa Nhật IV MÙA CHAY NĂM C
Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-24) hay còn gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”, tùy theo cái nhìn của mỗi người, là đoạn kinh thánh mô tả việc ăn năn trở về với Thiên Chúa của người tội lỗi, và mô tả việc Thiên Chúa tha thứ cho con người một cách ngoạn mục. Thiên Chúa đã tha thứ ngay cả khi con người còn chưa kịp trở về với Người. Vì thế, đây là một trong những đoạn văn đẹp nhất của Kinh Thánh Kitô giáo. Do vậy, dường như đây cũng là đoạn Kinh Thánh có số đông người biết đến.
Đúng thôi, vì đây là dụ ngôn gây nhiều cảm động. Bởi dụ ngôn, dù được công bố bất cứ thời điểm nào, dù đã từng được đọc, hoặc đã từng được nghe, cho ta cảm nhận cách mãnh liệt tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho người tội lỗi biết ăn năn, một tình yêu lớn hơn mọi thác ghềnh, vượt trên mọi phản bội của lòng người.
Đoạn Kinh Thánh mô tả cuộc đời lầm lỗi của đứa con thứ khi nó phản bội tình yêu của cha già để ra đi bụi đời. Khi bỏ nhà, bỏ cha, chối từ cả tình yêu của cha, người con thứ tự coi gia đình là nhà tù đối với bước chân “thích phiêu bạt”, là bức tường ngăn cản tự do. Anh quyết lựa chọn con đường riêng mà không thèm bàn hỏi gì với người cha già chỉ biết yêu thương và suốt đời chỉ cặm cụi dành hết mọi tình thương cho con mà thôi.
Anh đến với cha đòi chia gia tài. Điều lạ là, người cha đồng ý, dù miễn cưỡng. Điều này cho thấy ông tôn trọng tự do của con, lòng thương tràn bờ của ông không nỡ để con thoát ly gia đình với bàn tay trắng.
Đứng trước tình yêu quá đỗi lớn lao của cha, lẽ ra người con phải giật mình ăn năn. Nhưng không. Anh quyết ra đi. Quyết bỏ lại đàng sau bóng cha già hắt hiu. Người con đạp dưới chân quyền làm con của anh. Anh từ chối cả quyền làm cha của cha mình. Anh không coi mái nhà, nơi mà anh sinh ra, lớn lên là điểm tựa, là chốn dung thân vững chắc.
Cuộc sống phiêu bồng, dẫu không thể hiểu rồi sẽ ra sao, nhưng anh vẫn dại dột chọn nó, vẫn dấn thân với nó, coi nó là bạn. Anh ngã mình vào vòng tay của nó, bỏ rơi một cách hết sức phũ phàng vòng tay, tuy già, nhưng chắc chắn, đáng tin, đáng cậy của cha.
Nhưng khổ nỗi, cuộc đời đâu dễ dàng như anh mơ tưởng. Đứa con mù quáng trong dục vọng đã biến mình từ địa vị gia giáo xuống làm đứa chăn heo ở miền ngoại bang.
Đoạn tuyệt tương quan với cha, tất yếu không còn gì. Chỉ tình yêu của cha, mới cho con tất cả. Đánh mất tình yêu của Cha, con mất tất cả. Người con bị hạ thấp còn thua kẻ tôi tớ. Nói mạnh, tệ hơn, anh thua cả súc vật: heo còn có thức ăn. Người con thứ, không phải muốn ăn đồ heo ăn, mà chỉ dám muốn ăn cặn bã heo ăn, còn không có. Tình trạng sa sút của người con thứ quá sâu, sâu tận cùng, sâu đến mức không lời nào nói hết.
Ngày rời cha, chắc người con không hề nghĩ đến sự tàn tạ. Chắc anh tưởng sẽ làm chủ đời mình. Nào ngờ, ngay khi rời xa cha, lập tức anh tự biến mình thành nô lệ cho lòng ham muốn, thú tính, đam mê chiếm hữu. Anh trả giá cách đau đớn, tủi nhục: Cuộc sống nô lệ đã cướp sạch. Nó đòi anh tiêu tán hết, không phải chỉ vật chất, mà là tất cả những gì anh có, cả chính bản thân, chính nhân phẩm và nhân tính của anh.
Ở nhà cha, trong tình yêu của cha, người con được sinh ra là con, mãi mãi là con. Ở nơi Cha, anh có sự sống, ánh sáng, nhân tính, có tình yêu nhưng không, hưởng đầy đủ ý nghĩa hai chữ làm người, và làm con. Ở ngoài cha, điều mà người con có được chỉ là sự chết, bóng tối, mất nhân tính, lạnh lùng, bạc đãi, vô phúc, tàn nhẫn…
Anh phải trở về. Trở về là phương thế cuối cùng để sống sót. Trong cảnh cùng cực, đói đến quay quắt, bị tống vào đường cùng, không biết bám vào đâu, người con bỗng nhớ kỷ niệm ở nhà cha. Anh hồi tâm suy nghĩ: “Ở nhà cha tôi có biết bao nhiêu người làm công. Những người làm công đó, hằng ngày được no nê, của ăn dư dật. Còn tôi, là con của ông mà lại phải chết đói thế này. Tôi quyết trở về với cha và thưa người rằng, thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không đáng được gọi là con cha nữa”.
Bằng mấy lời: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi ở đây phải chết đói”, dụ ngôn như muốn cho biết, điều đầu tiên giúp người con thứ nghĩ tới cha không phải là tình yêu của cha, hay chính bản thân của người cha già nua tội nghiệp, nhưng là: vì quá túng, quá đói, anh mới sực nhớ cha. Nói cách quá lời: anh trở về chỉ vì sự ích kỷ của bản thân, chỉ vì cái bụng của mình!
Dẫu sao, trong cảnh u tối của tội lỗi, người con vẫn còn chút khôn ngoan. Đó cũng là chút kinh nghiệm về tình yêu hãi hà của cha còn sót lại trong anh: Anh biết cha không hủy diệt anh. Cha không thể có cách nào sa thải anh.
Nhìn hình ảnh của người cha già cặm cụi, run rẩy, hết ngày này sang ngày khác cứ vào trông, ra ngóng, ai mà không thấy, chỉ người con thứ là không thấy: lòng yêu thương của cha luôn bao phủ đời anh mọi nơi, mọi lúc, từ thủơ anh còn chưa là anh.
Thôi thì một chút kinh nghiệm về tình yêu của cha, đủ cho anh, trong hoạn nạn, bế tắt, mất bình an tột cùng, vẫn còn cơ hội sống, đưa anh về lại nỗi lòng của cha. Một kinh nghiệm mà chính anh đan tâm dập tắt từ lâu. Dập tắt kinh nghiệm về tình yêu của cha, anh cũng giết chết nghị lực và ý chí của mình. Kinh nghiệm về tình yêu ấy sống lại, nghị lực và ý chí trong anh bừng tĩnh, cho anh sức mạnh gầy dựng lại quyết tâm trở về.
Còn cha anh, ngay sau khi nhìn thấy đứa con hư hỏng, thay vì trách móc, trong phút chốc, ông tha thứ tất cả, phủ lấp tất cả những xấu xa đê hèn của thằng con bội phản. Đúng hơn, ông đã tha thứ cả khi chưa nhìn thấy thằng con trở về. Ông không cần biết trong quá khứ nó ở đâu, làm gì, trở về vì lý do gì. Chỉ một điều duy nhất tồn tại nơi người cha đầy lòng yêu thương, đó là: con ông đã trở về. Ông thấy như nó “đã chết nay sống lại”.
Dù người con có tội lỗi thế nào, có hôi hám bẩn thỉu ra sao, thiên hạ có chê cười đến đâu, ông không màng. Người cha chỉ cần biết đây là con ông, Ông “hôn lấy hôn để” cái con người hôi tanh ấy, cái con người bất hiếu ấy. Ông chỉ muốn tận hưởng hạnh phúc đoàn tụ mà ông đã mỏi mòn mong đợi.
Nếu bỏ cha ra đi, người con tội lỗi tự mình đánh mất tất cả, mất mọi giá trị làm người, mất cả chính mình, cuộc sống của bản thân trên bờ vực thẳm đầy nguy kịch, thì bằng những lời: “Người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng”, Chúa Giêsu cho thấy, trở về với cha, đứa con tội lỗi mới được trả lại tất cả danh dự, mới đúng nghĩa làm người, mới là con người của tự do đích thực, mới hạnh phúc và thật sự làm con của cha mà không có bất cứ nơi nào có được.
Đã bao lần tôi sử dụng gia tài Chúa ban như tài năng, của cải, địa vị, danh tiếng… để làm điều tội lỗi, làm buồn lòng Chúa, làm hại đến tha nhân. Tôi cũng đã bỏ nhà đi hoang tưởng chừng như quên lối về. Cám ơn Chúa, những biến cố trong đời, những nghiệt ngã trong cuộc sống đã đẩy tôi vào hoàn cảnh phải hồi tâm và nhận ra ân huệ Chúa ban. Hôm nay tôi cũng nhất định đứng lên tìm đường về với Chúa là Cha Yêu Thương của tôi.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con về tình yêu của Chúa bằng dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, để chúng con biết rằng, trong Chúa và chỉ một mình Chúa thôi, chúng con mới thực sự hạnh phúc.
Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con sẽ có tất cả, khi cuộc đời chúng con có Chúa, để chúng con không bao giờ dám lìa xa Chúa, không bao giờ dám phản bội tình yêu của Chúa, không bao giờ dám vong ân lòng nhân hậu của Chúa. Amen.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
Chúa Nhật IV MÙA CHAY NĂM C
Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-24) hay còn gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”, tùy theo cái nhìn của mỗi người, là đoạn kinh thánh mô tả việc ăn năn trở về với Thiên Chúa của người tội lỗi, và mô tả việc Thiên Chúa tha thứ cho con người một cách ngoạn mục. Thiên Chúa đã tha thứ ngay cả khi con người còn chưa kịp trở về với Người. Vì thế, đây là một trong những đoạn văn đẹp nhất của Kinh Thánh Kitô giáo. Do vậy, dường như đây cũng là đoạn Kinh Thánh có số đông người biết đến.
Đúng thôi, vì đây là dụ ngôn gây nhiều cảm động. Bởi dụ ngôn, dù được công bố bất cứ thời điểm nào, dù đã từng được đọc, hoặc đã từng được nghe, cho ta cảm nhận cách mãnh liệt tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho người tội lỗi biết ăn năn, một tình yêu lớn hơn mọi thác ghềnh, vượt trên mọi phản bội của lòng người.
Đoạn Kinh Thánh mô tả cuộc đời lầm lỗi của đứa con thứ khi nó phản bội tình yêu của cha già để ra đi bụi đời. Khi bỏ nhà, bỏ cha, chối từ cả tình yêu của cha, người con thứ tự coi gia đình là nhà tù đối với bước chân “thích phiêu bạt”, là bức tường ngăn cản tự do. Anh quyết lựa chọn con đường riêng mà không thèm bàn hỏi gì với người cha già chỉ biết yêu thương và suốt đời chỉ cặm cụi dành hết mọi tình thương cho con mà thôi.
Anh đến với cha đòi chia gia tài. Điều lạ là, người cha đồng ý, dù miễn cưỡng. Điều này cho thấy ông tôn trọng tự do của con, lòng thương tràn bờ của ông không nỡ để con thoát ly gia đình với bàn tay trắng.
Đứng trước tình yêu quá đỗi lớn lao của cha, lẽ ra người con phải giật mình ăn năn. Nhưng không. Anh quyết ra đi. Quyết bỏ lại đàng sau bóng cha già hắt hiu. Người con đạp dưới chân quyền làm con của anh. Anh từ chối cả quyền làm cha của cha mình. Anh không coi mái nhà, nơi mà anh sinh ra, lớn lên là điểm tựa, là chốn dung thân vững chắc.
Cuộc sống phiêu bồng, dẫu không thể hiểu rồi sẽ ra sao, nhưng anh vẫn dại dột chọn nó, vẫn dấn thân với nó, coi nó là bạn. Anh ngã mình vào vòng tay của nó, bỏ rơi một cách hết sức phũ phàng vòng tay, tuy già, nhưng chắc chắn, đáng tin, đáng cậy của cha.
Nhưng khổ nỗi, cuộc đời đâu dễ dàng như anh mơ tưởng. Đứa con mù quáng trong dục vọng đã biến mình từ địa vị gia giáo xuống làm đứa chăn heo ở miền ngoại bang.
Đoạn tuyệt tương quan với cha, tất yếu không còn gì. Chỉ tình yêu của cha, mới cho con tất cả. Đánh mất tình yêu của Cha, con mất tất cả. Người con bị hạ thấp còn thua kẻ tôi tớ. Nói mạnh, tệ hơn, anh thua cả súc vật: heo còn có thức ăn. Người con thứ, không phải muốn ăn đồ heo ăn, mà chỉ dám muốn ăn cặn bã heo ăn, còn không có. Tình trạng sa sút của người con thứ quá sâu, sâu tận cùng, sâu đến mức không lời nào nói hết.
Ngày rời cha, chắc người con không hề nghĩ đến sự tàn tạ. Chắc anh tưởng sẽ làm chủ đời mình. Nào ngờ, ngay khi rời xa cha, lập tức anh tự biến mình thành nô lệ cho lòng ham muốn, thú tính, đam mê chiếm hữu. Anh trả giá cách đau đớn, tủi nhục: Cuộc sống nô lệ đã cướp sạch. Nó đòi anh tiêu tán hết, không phải chỉ vật chất, mà là tất cả những gì anh có, cả chính bản thân, chính nhân phẩm và nhân tính của anh.
Ở nhà cha, trong tình yêu của cha, người con được sinh ra là con, mãi mãi là con. Ở nơi Cha, anh có sự sống, ánh sáng, nhân tính, có tình yêu nhưng không, hưởng đầy đủ ý nghĩa hai chữ làm người, và làm con. Ở ngoài cha, điều mà người con có được chỉ là sự chết, bóng tối, mất nhân tính, lạnh lùng, bạc đãi, vô phúc, tàn nhẫn…
Anh phải trở về. Trở về là phương thế cuối cùng để sống sót. Trong cảnh cùng cực, đói đến quay quắt, bị tống vào đường cùng, không biết bám vào đâu, người con bỗng nhớ kỷ niệm ở nhà cha. Anh hồi tâm suy nghĩ: “Ở nhà cha tôi có biết bao nhiêu người làm công. Những người làm công đó, hằng ngày được no nê, của ăn dư dật. Còn tôi, là con của ông mà lại phải chết đói thế này. Tôi quyết trở về với cha và thưa người rằng, thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không đáng được gọi là con cha nữa”.
Bằng mấy lời: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi ở đây phải chết đói”, dụ ngôn như muốn cho biết, điều đầu tiên giúp người con thứ nghĩ tới cha không phải là tình yêu của cha, hay chính bản thân của người cha già nua tội nghiệp, nhưng là: vì quá túng, quá đói, anh mới sực nhớ cha. Nói cách quá lời: anh trở về chỉ vì sự ích kỷ của bản thân, chỉ vì cái bụng của mình!
Dẫu sao, trong cảnh u tối của tội lỗi, người con vẫn còn chút khôn ngoan. Đó cũng là chút kinh nghiệm về tình yêu hãi hà của cha còn sót lại trong anh: Anh biết cha không hủy diệt anh. Cha không thể có cách nào sa thải anh.
Nhìn hình ảnh của người cha già cặm cụi, run rẩy, hết ngày này sang ngày khác cứ vào trông, ra ngóng, ai mà không thấy, chỉ người con thứ là không thấy: lòng yêu thương của cha luôn bao phủ đời anh mọi nơi, mọi lúc, từ thủơ anh còn chưa là anh.
Thôi thì một chút kinh nghiệm về tình yêu của cha, đủ cho anh, trong hoạn nạn, bế tắt, mất bình an tột cùng, vẫn còn cơ hội sống, đưa anh về lại nỗi lòng của cha. Một kinh nghiệm mà chính anh đan tâm dập tắt từ lâu. Dập tắt kinh nghiệm về tình yêu của cha, anh cũng giết chết nghị lực và ý chí của mình. Kinh nghiệm về tình yêu ấy sống lại, nghị lực và ý chí trong anh bừng tĩnh, cho anh sức mạnh gầy dựng lại quyết tâm trở về.
Còn cha anh, ngay sau khi nhìn thấy đứa con hư hỏng, thay vì trách móc, trong phút chốc, ông tha thứ tất cả, phủ lấp tất cả những xấu xa đê hèn của thằng con bội phản. Đúng hơn, ông đã tha thứ cả khi chưa nhìn thấy thằng con trở về. Ông không cần biết trong quá khứ nó ở đâu, làm gì, trở về vì lý do gì. Chỉ một điều duy nhất tồn tại nơi người cha đầy lòng yêu thương, đó là: con ông đã trở về. Ông thấy như nó “đã chết nay sống lại”.
Dù người con có tội lỗi thế nào, có hôi hám bẩn thỉu ra sao, thiên hạ có chê cười đến đâu, ông không màng. Người cha chỉ cần biết đây là con ông, Ông “hôn lấy hôn để” cái con người hôi tanh ấy, cái con người bất hiếu ấy. Ông chỉ muốn tận hưởng hạnh phúc đoàn tụ mà ông đã mỏi mòn mong đợi.
Nếu bỏ cha ra đi, người con tội lỗi tự mình đánh mất tất cả, mất mọi giá trị làm người, mất cả chính mình, cuộc sống của bản thân trên bờ vực thẳm đầy nguy kịch, thì bằng những lời: “Người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng”, Chúa Giêsu cho thấy, trở về với cha, đứa con tội lỗi mới được trả lại tất cả danh dự, mới đúng nghĩa làm người, mới là con người của tự do đích thực, mới hạnh phúc và thật sự làm con của cha mà không có bất cứ nơi nào có được.
Đã bao lần tôi sử dụng gia tài Chúa ban như tài năng, của cải, địa vị, danh tiếng… để làm điều tội lỗi, làm buồn lòng Chúa, làm hại đến tha nhân. Tôi cũng đã bỏ nhà đi hoang tưởng chừng như quên lối về. Cám ơn Chúa, những biến cố trong đời, những nghiệt ngã trong cuộc sống đã đẩy tôi vào hoàn cảnh phải hồi tâm và nhận ra ân huệ Chúa ban. Hôm nay tôi cũng nhất định đứng lên tìm đường về với Chúa là Cha Yêu Thương của tôi.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con về tình yêu của Chúa bằng dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, để chúng con biết rằng, trong Chúa và chỉ một mình Chúa thôi, chúng con mới thực sự hạnh phúc.
Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con sẽ có tất cả, khi cuộc đời chúng con có Chúa, để chúng con không bao giờ dám lìa xa Chúa, không bao giờ dám phản bội tình yêu của Chúa, không bao giờ dám vong ân lòng nhân hậu của Chúa. Amen.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG