Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng Liên Xô đàn áp người Công Giáo vì thái độ ủng hộ phát xít Đức.

Một tuyên bố chính thức của cơ quan truyền thông Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng sự đàn áp tàn bạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine trong thời kỳ Stalin là một phản ứng dễ hiểu của người Nga nhằm trừng phạt sự hỗ trợ mà người Công Giáo dành cho Đức quốc xã.

Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 70 cuộc đàn áp này, các viên chức Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng "lý do chính gây nên cuộc đàn áp của Liên Xô trên Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukarine là sự hợp tác công khai của tôn giáo này với các lực lượng Đức Quốc xã chiếm đóng và thái độ làm tay sai của họ ở Tây Ukraine."

Đây là một tuyên bố xuyên tạc lịch sử. Thật vậy, ngày 22/6/1941 Hitler phát động chiến dịch Drang nach Osten (Ðông Tiến) bằng cuộc oanh kích dữ dội biên giới Ukraine và Belarus. Trong ngày đầu tiên, tất cả các thành phố lớn của Ukraine như Kiev, Lviv đều bị bỏ bom. Quân Ðức, trong tập đoàn quân Wehrmacht, lên đến 3 triệu binh lính và sĩ quan tràn vào lãnh thổ Ukraine như thác lũ dưới sự chống đỡ yếu ớt của hồng quân Liên Sô. Các sĩ quan và binh lính Ðức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu họ cũng được người dân Ukraine cầm hoa hay bánh mì và muối theo truyền thống hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng giải phóng cho họ. Toàn dân Ukraine hân hoan chào đón người Đức. Đó là một thái độ chung, không phải của riêng người Công Giáo.

Có lẽ dân Ukraine đã quá đau khổ dưới ách thống trị của cộng sản nên sẵn sàng chào đón bất cứ ai không cần biết tốt xấu. Ðối với họ cộng sản là tột đỉnh của đau khổ rồi. Sự chán ghét chế độ cộng sản còn được minh chứng qua hành động đầu hàng tự nguyện của một tập đoàn quân đông đảo. Trong chiến sử thế giới có lẽ chưa bao giờ chứng kiến việc ra đầu hàng của một tập đoàn quân lên đến gần 665,000 quân tại mặt trận Kiev. Trong số 667,085 quân nhân trú đóng tại Kiev, chỉ có khoảng 2000 quân chạy theo hồng quân Liên Sô, số còn lại tự nguyện ở lại đầu hàng quân Ðức.

Các cơ quan thông tin Chính Thống Giáo Ukarine thân Nga thừa nhận sự đau khổ của người Công Giáo dưới thời Stalin, nhưng nhanh chóng nói thêm rằng Giáo Hội Chính Thống cũng bị thiệt hại. Tuyên bố cũng nhắc tới những căng thẳng giữa Chính thống giáo và Công Giáo ở Ukraine từ thế kỷ thứ 16.

Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Chính Thống Ukraine thân Nga đã thường xuyên cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã chiếm giữ nhiều nhà thờ Chính thống trong những năm ngay sau sự sụp đổ của chính quyền cộng sản. Các nhà thờ này thực ra là các nhà thờ Công Giáo, bị tịch thu bởi chính phủ Stalin để giao cho các giáo sĩ Chính thống dễ bảo hơn.