Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau một thời gian nghỉ ba tháng, phiên tòa “Vatileaks II” đã được tái tục.
Hai ký giả Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi bị buộc tội “gạ gẫm và gây áp lực” trên các nhân viên Vatican để có được những tài liệu mật.
Ba bị cáo khác gồm Đức ông Angel Lucio Vallejo Balda, bà Francesca Immacolata Chaouqui, và bà Nicola Maio bị cáo buộc đã thành lập một nhóm hoạt động bất hợp pháp nhằm có được những tài liệu mật và cung cấp những tài liệu này cho các nhà báo. Cả ba đều có chân trong một ủy ban được thành lập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô với mục đích đề nghị các cải cách trong các vấn đề tài chính của Vatican.
Phiên tòa đang được tiến hành bởi tòa án của thành phố quốc gia Vatican.
2. Chính Thống Giáo Ukraine thân Mạc Tư Khoa xuyên tạc lịch sử vu cáo Giáo Hội Công Giáo
Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng Liên Xô đàn áp người Công Giáo vì thái độ ủng hộ phát xít Đức.
Một tuyên bố chính thức của cơ quan truyền thông Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng sự đàn áp tàn bạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine trong thời kỳ Stalin là một phản ứng dễ hiểu của người Nga nhằm trừng phạt sự hỗ trợ mà người Công Giáo dành cho Đức quốc xã.
Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 70 cuộc đàn áp này, các viên chức Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng “lý do chính gây nên cuộc đàn áp của Liên Xô trên Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukarine là sự hợp tác công khai của tôn giáo này với các lực lượng Đức Quốc xã chiếm đóng và thái độ làm tay sai của họ ở Tây Ukraine.”
Đây là một tuyên bố xuyên tạc lịch sử. Thật vậy, ngày 22/6/1941 Hitler phát động chiến dịch Drang nach Osten (Ðông Tiến) bằng cuộc oanh kích dữ dội biên giới Ukraine và Belarus. Trong ngày đầu tiên, tất cả các thành phố lớn của Ukraine như Kiev, Lviv đều bị bỏ bom. Quân Ðức, trong tập đoàn quân Wehrmacht, lên đến 3 triệu binh lính và sĩ quan tràn vào lãnh thổ Ukraine như thác lũ dưới sự chống đỡ yếu ớt của hồng quân Liên Sô. Các sĩ quan và binh lính Ðức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu họ cũng được người dân Ukraine cầm hoa hay bánh mì và muối theo truyền thống hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng giải phóng cho họ. Toàn dân Ukraine hân hoan chào đón người Đức. Đó là một thái độ chung, không phải của riêng người Công Giáo.
Có lẽ dân Ukraine đã quá đau khổ dưới ách thống trị của cộng sản nên sẵn sàng chào đón bất cứ ai không cần biết tốt xấu. Ðối với họ cộng sản là tột đỉnh của đau khổ rồi. Sự chán ghét chế độ cộng sản còn được minh chứng qua hành động đầu hàng tự nguyện của một tập đoàn quân đông đảo. Trong chiến sử thế giới có lẽ chưa bao giờ chứng kiến việc ra đầu hàng của một tập đoàn quân lên đến gần 665,000 quân tại mặt trận Kiev. Trong số 667,085 quân nhân trú đóng tại Kiev, chỉ có khoảng 2000 quân chạy theo hồng quân Liên Sô, số còn lại tự nguyện ở lại đầu hàng quân Ðức.
Các cơ quan thông tin Chính Thống Giáo Ukarine thân Nga thừa nhận sự đau khổ của người Công Giáo dưới thời Stalin, nhưng nhanh chóng nói thêm rằng Giáo Hội Chính Thống cũng bị thiệt hại. Tuyên bố cũng nhắc tới những căng thẳng giữa Chính thống giáo và Công Giáo ở Ukraine từ thế kỷ thứ 16.
Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Chính Thống Ukraine thân Nga đã thường xuyên cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã chiếm giữ nhiều nhà thờ Chính thống trong những năm ngay sau sự sụp đổ của chính quyền cộng sản. Các nhà thờ này thực ra là các nhà thờ Công Giáo, bị tịch thu bởi chính phủ Stalin để giao cho các giáo sĩ Chính thống dễ bảo hơn.
3. Bộ trưởng ngoại giao Vatican kêu gọi các cuộc đối thoại như lời đáp trả với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo
Hợp tác quốc tế và đối thoại liên tôn là những cách tốt nhất để chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa bất khoan dung tôn giáo. Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước, đã phát biểu như trên tại một hội nghị về truyền giáo. Theo Đức Tổng Giám Mục, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bạo lực đã trở thành vấn đề cấp bách. Ngài kêu gọi thế giới phải có những hành động phối hợp “để đảm bảo sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động tàn bạo, cũng như để khẳng định sự ủng hộ vô điều kiện cho tự do tôn giáo và lên án tất cả các loại phân biệt đối xử và bất khoan dung tôn giáo”.
Đức Tổng Giám Mục than phiền rằng đã có “một sự tăng trưởng theo cấp số nhân những trường hợp bất khoan dung, những hình thái phân biệt đối xử, chủ nghĩa cực đoan, và những chà đạp tự do cá nhân.”
Tuy không nêu đích danh một quốc gia Hồi giáo cụ thể nào, Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý rằng một số quốc gia đang hạn chế quyền tự do tôn giáo của các nhóm thiểu số và rằng luật báng bổ đang cung cấp “một cớ dễ dàng cho những người có ý định bắt bớ những người tuyên xưng một niềm tin tôn giáo khác với đa số.”
Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng “sự bất ổn liên tục của Trung Đông đã làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu.”
Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng lưu ý rằng tình trạng bất khoan dung tôn giáo cũng có thể nhìn thấy ở phương Tây”, nơi các hình thức phân biệt đối xử thường xuất hiện trong vỏ bọc của cái gọi là “bảo vệ các giá trị dân chủ.”
4. Lá thư cuối cùng của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái bị giết tại Yemen: 'Chúng tôi sống cùng nhau, và cùng chết với Chúa Giêsu, và Mẹ Maria'
Mạng lưới truyền hình của các giám mục Ý đã công bố lá thư cuối cùng của năm nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã phục vụ người nghèo, người già, và người tàn tật ở Aden, Yemen.
Bốn trong số năm chị em đã bị giết trong một cuộc tấn công khủng bố hôm 04 tháng 3. Chị thứ năm còn sống nhờ ẩn nấp kịp thời và bây giờ đã được đưa ra khỏi Yemen.
Trong một lá thư viết cho nhà dòng tại Rôma, các chị cho biết bất cứ khi nào có ném bom “chúng tôi cùng quỳ gối trước Mình Thánh Chúa, cầu xin Chúa Giêsu đầy lòng thương xót bảo vệ chúng tôi và những người nghèo mà chúng tôi phục vụ và ban hòa bình cho đất nước này.”
“Thiên Chúa không bao giờ chịu thua kém về lòng quảng đại miễn là chúng ta ở lại trong Ngài và ở giữa những người nghèo của Ngài”
“Khi bị dội bom, chúng tôi trốn dưới gầm cầu thang, tất cả năm chị em luôn luôn hiệp nhất. Chúng tôi sống với nhau, và sẵn sàng cùng chết với Chúa Giêsu, Mẹ Maria.”
5. Đức Thánh Cha lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bờ Biển Ngà
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một tuyên bố lên án các hành vi bạo lực khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bờ Biển Ngà.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc tấn công xảy ra ở một bến xe buýt tại Ankara vào ngày 13 tháng 3 đã giết chết ít nhất 34 người và làm 100 người khác bị thương. Trong điện văn do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay mặt ngài, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với các tang quyến, và chỉ trích “hành động bạo lực ghê tởm này.”
Tại Bờ biển Ngà, một cuộc tấn công vào một khu du lịch ở Grand Bassam giết chết 16 người, và làm nhiều người khác bị thương nặng. Thông điệp của Đức Thánh Cha gởi cho Đức Giám Mục Raymond Ahoua của giáo phận Grand Bassam, ban phép lành cho các nạn nhân và gia đình của họ và “lên án bạo lực và hận thù dưới tất cả các hình thức của nó.”
6. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đốt sách Kitô Giáo
Trong bản tin đánh đi hôm 14 tháng Ba, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tại Mosul, thủ phủ của Công Giáo Iraq, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tổ chức một cuộc đốt sách Kitô Giáo và quay thành video đưa lên Internet.
Những sách bị đốt dường như được lấy từ các trường tiểu học Kitô Giáo ở Mosul. Tiêu đề của video cho thấy sự phá hủy này được thực hiện bởi “văn phòng giáo dục của Nhà nước Hồi giáo.”
Ngày 4 tháng Sáu năm 2014, thành phố Mosul bắt đầu bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công. Sau 6 ngày giao tranh, quân Iraq bỏ chạy để lại thành phố cho bọn khủng bố chiếm đóng.
Cho đến mốc lịch sử bi đát này thành phố Mosul là một trung tâm lịch sử của Giáo Hội Assyriô nơi có các ngôi mộ của một số tiên tri trong Cựu Ước như tiên tri Giô-na. Di tích lịch sử quan trọng này đã bị phá hủy bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào tháng Bảy năm 2014.
7. Đức Thánh Cha công bố người thắng giải giáo viên xuất sắc thế giới
Trong cái hỗn loạn và đầy bạo lực cuả vùng Trung Đông, một ngôi sao sáng đã xuất hiện trên nền trời thành phố Al-Bireh vùng West Bank Palestine. Đó là một cô giáo tiểu học, cô Hanan al-Hroub, là người vừa được lãnh nhận giải Giáo Viên xuất sắc Thế Giới.
Đây là một giải thưởng được thành lập cách đây hai năm. Người ta đặt tên cho nó là giải Nobel cuả Giáo Dục.
Giải được hiệp hội Varkey Foundation thành lập vào năm 2015, là một hiệp hội phi lợi nhuận có mục đích nâng cao phẩm chất giáo dục trên toàn thế giới.
Sáng lập viên giải thưởng này là ông Sunny Varkey, một người Ấn Độ có doanh nghiệp thành đạt và thịnh vượng ở Dubai. Sau khi nhìn thấy tình trạng suy giảm một cách thảm khốc về giáo dục trên toàn thế giới, ông đã cổ động và sáng lập ra giải thưởng này. Ông hiện giữ chức chủ tịch cuả hiệp hội.
Với những tiêu chuẩn minh bạch và công bằng, hiệp hội được sự ủng hộ cuả nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới như nhà khoa học Stephen Hawking, phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hoàng tử Anh Quốc William, cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô giữ vai trò 'công bố' người thắng giải, Ngài không đến tham dự tại chỗ, nhưng gửi lời phát biểu qua TV trực tuyến. Ngài nói: “Mỗi đứa trẻ có quyền được chơi đùa. Một phần của giáo dục là dạy trẻ con chơi những trò chơi. Bởi vì chúng học được cách sống trong xã hội qua những trò chơi và qua đó học được niềm vui của cuộc sống.”
Ngài nói tiếp: “Tôi khen ngợi cô giáo Hanan al-Hroub thắng được giải thưởng cao quí này do việc cô đã nâng cao sự quan trọng cuả trò chơi trong việc giáo dục trẻ em.”
Cô Hanan al-Hroub thắng giải qua sự lựa chọn trên 8000 thầy cô trên toàn thế giới. 10 người đi vào vòng chung kết đã có mặt tại đại sảnh đường cuả khu nghỉ mát Atlantis ở Dubai.
Toàn thể cử toạ, trong đó có vị quốc vương cuả Dubai là Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, đã hoan hô nồng nhiệt khi tên cuả cô được Đức Thánh Cha đọc lên.
8. Kitô hữu Israel chỉ trích chính sách của chính phủ nước này
Rất ít các Kitô hữu sống ở Israel hỗ trợ các chính sách của chính phủ Do Thái trong khi nhiều Kitô hữu sống ở Mỹ lại tỏ ra ủng hộ chính quyền Tel Aviv, một nghiên cứu của Pew Research đã cho thấy như trên.
Trong số các Kitô hữu Israel, 80% tin rằng chính phủ Do Thái không chân thành quan tâm đến việc mưu tìm hòa bình với người Palestine, và 79% tin rằng việc xây dựng các khu định cư Do Thái cuối cùng sẽ làm mất đi hy vọng có được an ninh của đất nước.
72% tin rằng Israel không phải là một quốc gia dân chủ và là một nhà nước thế tục. 86% nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ quá nồng nhiệt các chính sách của Israel.
Một cuộc khảo sát vào năm 2013 được thực hiện trên các Kitô hữu người Mỹ cho thấy chỉ có 18% cho rằng Mỹ đã quá ủng hộ Israel. Hầu hết các tín hữu Tin Lành cho rằng thái độ của Mỹ đối với Israel là “có chừng mực”.
9. Đức Thượng Phụ Chính thống Syria hy vọng rằng những người tị nạn sẽ giữ lại căn tính chính thống
Trong một thông điệp gởi các tín hữu Chính Thống Syria, Đức Thượng Phụ Mar Ignatius Ephrem II đã lên tiếng lo ngại rằng những người tị nạn bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Syria sẽ đánh mất bản sắc tôn giáo và văn hóa của họ khi họ sinh sống trong thế giới phương Tây.
Các nền văn hóa Kitô giáo ở Trung Đông “rõ ràng là khác xa với những gì họ tìm thấy ở phương Tây”. Đức Thượng Phụ viết. Ngài hy vọng những người tị nạn sẽ có thể để bảo tồn truyền thống của họ. “Chúng ta cần phải giao hòa nhiều khía cạnh của nền văn hóa của chúng ta với văn hóa phương Tây mà không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa thế tục là những thứ đang gây ra những xung đột với các giá trị Kitô giáo ở phương Tây.”
Thông điệp của Đức Thượng Phụ cũng phản đối việc phân biệt đối xử mà một số người di cư Kitô hữu phải chịu đựng. Ngài trích dẫn “các trường hợp bị bức hại dựa trên sự khác biệt tôn giáo trong các trại tị nạn ở châu Âu.”