HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C

Cv 5,27b-32.40b-41 ; Kh 5,11-14 ; Ga 21,1-19

LÒNG MẾN, ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ VÀ TRAO TRÁCH NHIỆM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 21,1-19

(1) Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này: (2) Ông Simon Phêrô, Ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. (5) Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. (6) Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. (11) ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi” “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, được chia làm 4 phân đoạn sau:

1- Các Tông đồ tập trung tại miền Galilê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C 1-3).

2- Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).

3- Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).

4- Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phêrô về lòng yêu mến trước khi trao quyền mục tử cho ông. Người cũng tiên báo cái chết đau thương sẽ đến với ông lúc cuối đời (C 15-19).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Biển hồ Tibêria: Tìn mừng Mátthêu cho biết khi hiện ra với Maria Mácđala và một bà khác tên là Maria, Chúa Giêsu đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Galilê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Simon Phêrô...: Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông: Simon Phêrô, Tôma, Nathanaen, hai anh em Giacôbê Gioan và hai môn đệ khác. Simon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng.- Đêm hôm ấy họ không bắt được gì: Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng hôm ấy các ông đã luống công vô ích!

- C 4-8: + Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!”: Gioan luôn phát hiện ra Chúa Giêsu trước các anh em nhờ lòng yêu mếnThầy. + Phêrô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển: Phêrô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó!”, thì ông đã vội khoác áo vào và nhảy xuống biển bơi nhanh vào bờ để mau gặp Người.

- C 9-11: + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên: Chúa Giêsu đã nêu gương phục vụ dọn sẵn bữa ăn sáng cho môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Simon Phêrô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ: Nếu Gioan là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Simon Phêrô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con: Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được mời gọi gia nhập vào Hội thánh: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách: tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.

- C 12-14: + “Anh em hãy đến mà ăn!”: Lời Chúa mời gọi các môn đệ đến ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giêsu đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá”: tiếng Hy-lạp gọi là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin: “Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (Ièsous Kristos Théou Unios Sôter). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giêsu ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ: theo Gioan thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tôma (x. Ga 20,19-23); Lần hai 8 ngày sau đó và có Tôma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Galilê.

- C 15-17: + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”: Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giêsu đã từng bước biến đổi Phêrô đang từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?: Phêrô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần ông đã chối Thầy (x. Ga 13,38 ; 18,17.25-27). Đức Giêsu đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phêrô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phêrô khẳng định lòng mến, lĐức Giêsu lại tha tội và trao thêm quyền: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy...”(C 5-17).

- C 18-19: + Lúc còn trẻ... Nhưng khi đã về già....: Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào: Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phêrô trong cơn bách hại đạo tại Rôma thời hoàng đế Nêrông. Phêrô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin treo đầu ngược xuống đât, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng được chịu cùng hình khổ giống như Thầy.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Tibêria thuộc xứ Galilê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh ? 2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Simon Phêrô ? 3) Do đâu mà Gioan luôn nhận ra Chúa Giêsu trước các anh em khác ? 4) Chúa Giêsu đã tiên báo thế nào về số phận cuối đời của Tông đồ Phêrô ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”(Ga 21,6).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẦY ĐI ĐÂU?

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của thánh Phêrô với cái chết đã được Chúa Giêsu tiên báo: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, để ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện truyền kỳ đã được dựng thành phim “Quo vadis” nghĩa là: “Thầy đi đâu?” như sau:

Bấy giờ tông đồ Phêrô đã đến Thủ đô của Đế quốc Rôma, giữa lúc hoàng đế Nêrông đang ra tay bách hại đạo Công Giáo. Một số tín hữu đã chịu chết vì đạo. Trước tình thế nguy hiểm, các tín hữu đã khuyên Phêrô hãy mau chạy trốn khỏi thành, để tiếp tục sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh.

Nhờ khéo cải trang và thoát được sự rà soát kỹ lưỡng của bọn lính canh cổng, Phêrô đã ra được bên ngoài. Nhưng rồi ông đã gặp Chúa Giêsu mặc áo trắng đang đi ngược vào trong thành, ông liền hỏi Người rằng: “Quo vadis?” nghĩa là “Thầy đi đâu?” Chúa Phục Sinh đã trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Nói xong Chúa biến mất. Phêrô hiểu được ý Chúa, nên ông lại quay trở lại vào thành Rôma. Ít ngày sau, ông đã bị quân Rôma bắt giam chung phòng với các tín hữu sắp chịu hành hình. Tai đây, ông đã an ủi động viên họ hãy can đảm và kiên trì trung thành tin vào Chúa Giêsu. Rồi ông đã bị tòa kết án tử hình. Đến ngày bị đưa ra vận động trường chịu hành hình, Phêrô đã được chứng kiến cảnh các tín hữu: kẻ thì bị quăng ra để làm mồi cho thú dữ cắn xé ăn thịt, kẻ thì bị cháy thành than trên dàn hoả thiêu. Khi đến lượt chịu đóng đinh trên thập giá, Phêrô đã đề nghị quân lính treo thập giá ngược để đầu ông quay xuống đất và chân giơ lên trời, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức giống như Thầy Giêsu.

2) CÁI CHẾT ANH DŨNG CỦA Đức Cha ROMERO NƯỚC EL SANVADOR:

Trong số các Giám Mục nổi tiếng can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh, phải kể đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô San Sanvador. Ngày Đức Cha còn sống, Chúa Nhật nào nhà thờ chính tòa cũng chật ních tín hữu đến tham dự thánh lễ và nghe ngài giảng. Đức Cha thường cho giáo dân biết tin tức liên quan đến Giáo Hội, đến tình trạng trong nước và mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo đói do chính quyền cũng như phe du kích gây ra cho dân chúng. Đức tổng giám mục Romero cũng dùng đài phát thanh để gây ý thức nơi dân chúng và thẳng thắn tố cáo các vụ vi phạm quyền con người do các lực lượng nói trên chủ mưu. Nhưng tiếng nói của Đức Cha không làm cho chính quyền quân đội El Sanvador cũng như lực lượng du kích hài lòng. Sau nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết ngài.

Sáng ngày 24/03/1980 họ đã sai người ám sát Đức tổng Giám mục Romero ngay trong nhà nguyện của bệnh việc thủ đô, nơi Đức tổng Giám mục hằng ngày vẫn đến dâng thánh lễ cho các nữ tu, nhân viên y tế và bệnh nhân. Kẻ sát nhân ngồi trà trộn trong số các tín hữu hiện diện. Không hiểu Đức Cha có linh cảm mình sắp sửa phải đổ máu ra như hiến tế mưu cầu hòa bình cho một dân tộc El Sanvador hay không, nhưng trong vài lời suy tư ngắn trong Phúc Âm, Đức Cha nói: "Như chủ chăn sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên, Ngài cũng sẵn sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình tươi sáng, nhân dân El Sanvador được sống trong ấm no thịnh vượng". Đức Cha rời tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì chính lúc đó kẻ sát nhân tiến lên rút súng bắn Ngài. Đức Tổng Giám mục Romero gục ngã trước bàn thờ máu lênh láng chảy và thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm đó đã dang dở, nhưng đã thành Thánh lễ trọn vẹn. Vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến tế y như Chúa Giêsu trên Thập giá ngày xưa.

Đức tổng Giám mục Romero đã chết vì đã trung thành với sứ mệnh chủ chăn của Ngài: "Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời người ta".- (Trích đài phát thanh Veritas)

3) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊSU?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHUCÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú lắng nghe kể chuyện nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì bất ngờ cô bé đã hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Thế nhưng cháu thắc mắc điều này là: “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giêsu chưa?”

Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi nào bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng: từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo hèn của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở miền Nadarét nước Ítraen quê hương Chúa Giêsu, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.

Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giêsu về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sahara bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để được ơn cứu độ.

3. THẢO LUẬN: 1) Những khó khăn mà Hội thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng phải đương đầu hiện nay là gì? 2)Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để cảm thông với những khó khăn của các chủ chăn, để có thể cộng tác với các ngài trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và phục vụ đoàn chiên Hội thánh?

4. SUY NIỆM:

1) Mẻ cá lạ lùng là hình ảnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh:

Đoạn Tin Mừng CN hôm nay thuật lại câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade hay là Ghennêsarét thuộc xứ Galiêa, nơi các môn đệ Đức Giêsu đã từng hành nghề đánh cá trước khi theo làm môn đệ Người. Đây cũng là nơi mà Chúa Phục Sinh đã nhắn tin cho các môn đệ phải trở về Galilê để gặp Người. Trong lúc rảnh rỗi, các ông đã rủ nhau đánh bắt cá trong biển hồ. Nhưng sau một đêm vất vả cực nhọc vô ích, vào lúc tảng sáng, các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh đứng trên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Người đã hướng dẫn các ông đánh bắt cá và kết quả là một mẻ cá lạ lùng. Môn đệ Gioan đã nhận ra Thầy Giêsu trước hết. Còn Phêrô khi biết là Chúa Phục Sinh, liền khoác áo vào rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Thầy cho nhanh.

Về con số 153 con cá lớn theo các nhà chú giải Kinh Thánh là tượng trưng cho mọi loại cá thời bấy giờ. Như vậy, dưới ánh sáng của Lời Chúa, mẻ lưới lạ lùng của các tông đồ chính là hình ảnh sứ vụ loan Tin Mừng của Hội Thánh. Chính nhờ Thần Khí của Chúa Phục Sinh mà Hội Thánh sẽ chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng, đưa muôn dân tộc vào đoàn chiên của Chúa Giêsu.

2) Những khó khăn trên bước đường loan báo Tin Mừng:

Việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là điều dễ dàng: Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy các môn đệ của Chúa đã bị các đầu mục Do thái cấm rao giảng về danh Chúa Giêsu. Nhưng các ngài đã sẵn sàng chịu hình phạt để chu toàn sứ vụ này. Tông đồ Phaolô nhiều lần bị ném đá, bị đánh đòn, bị cùm trong ngục tù, bị đắm tàu, đói khát, mình trần… vì danh Chúa Giêsu. Cuối cùng hầu hết các tông đồ đều chịu chết để làm chứng cho Chúa.

Thực ra, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dành riêng cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… mà chung cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội và Thêm Sức. Ở mọi nơi mọi lúc, người làm tông đồ rao giảng Tin Mừng đều có thể gặp phải những khó khăn bách hại … Nếu chỉ dựa vào sức riêng, chắc chắn chúng ta sẽ dễ thất bại và nản chí buông xuôi. Nhưng nếu biết cậy nhờ ơn Thánh Thần của Chúa Phục Sinh hướng dẫn trợ lực, chúng ta sẽ luôn hăng hay chu toàn sứ vụ này và đạt được nhiều thành quả to lớn. Bởi vì “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Điều quan trọng là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và quyết tâm thực hành với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả lạ lùng.

3) Tin yêu: điều kiện để được tha tội và được trao quyền chăn dắt đoàn chiên:

Sau bữa ăn thân mật trên bãi biển, Chúa Phục Sinh đã tâm sự riêng với ông Phêrô. Trước khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh, Chúa Phục Sinh đã đòi Phêrô tuyên xưng ba lần yêu mến như sau: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Qua đó Người đòi các mục tử phải có lòng mến Người hơn những người khác. Đồng thời qua việc tuyên xưng này, Người gián tiếp tha tội chối Thầy cho Phêrô.

Đáp lại câu hỏi của Chúa, ông Phêrô đã ba lần thưa như sau: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Trên cơ sở lòng mến này, Chúa Giêsu đã lần lượt trao ban quyền chăn dắt chiên con và chiên mẹ cho ông. Người cũng tiên báo sau này ông sẽ bị bắt bớ và giết hại để làm chứng cho Người.

4) Cảm thông và cộng tác với các mục tử trong Hội Thánh hôm nay:

Ngày nay, có biết bao các vị mục tử đang âm thầm chịu thiệt thòi đau khổ, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng. Các ngài đã can đảm trung thành với nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, giống như các tông đồ xưa khi bị điệu ra Thượng Hội Đồng Do thái, đã trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Ngày nay, các tín hữu chúng ta cần biết cảm thông với những khó khăn gian khổ của các vị mục tử đang phải chịu để năng cầu nguyện cho các ngài. Nhất là mỗi người chúng ta phải trở thành những cánh tay nối dài của các vị chủ chăn bằng cách quảng đại góp phần xây dựng cơ sở vật chất và sẵn sàng đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn theo sự phân công của các ngài.

Để làm được điều này, chúng ta cần hăng hái gia nhập vào các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân để được bồi dưỡng đức tin qua các sinh hoạt học sống Lời Chúa hằng tuần, chu toàn các công tác tông đồ bác ái được cấp trên phân công. Ngoài ra, còn phải năng dự lễ và rước lễ để được kết hiệp với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng như các tông đồ khi xưa.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.

Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên chị Maria Mácđala khi chị đang đứng khóc bên cạnh ngôi mồ trống.

Lúc chúng con chán nản muốn bỏ Chúa để trở về cuộc sống đời thường, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ về làng Emmau.

Lúc chúng con đang đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến chúc bình an, như Chúa đã hiện đến trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi.

Lúc chúng con đang cố chấp muốn làm theo ý riêng và ngày một xa cách anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc tông đồ Tôma cứng tin, nhưng đã giúp ông cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Lúc chúng con đã vất vả thâu đêm mà không đạt tới kết quả nào, xin hãy dùng Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho chúng con và bổ dưỡng chúng con bằng bữa tiệc Thánh như Chúa đã phục vụ các Tông đồ tại bờ hồ Galilê.

- LẠY CHÚA GIÊSU. Xin hãy tỏ cho chúng con thấy Chúa đang hiện diện trong Hội thánh và nơi tha nhân nhất là nơi những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chúa vẫn đang hiện diện, đang đến với chúng con mỗi ngày qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể; Chúa vẫn luôn đi bên và ở trong lòng chúng con, thổi hơi ban Thần Khí để tái tạo đức tin của chúng con, hầu giúp chúng con chu toàn được sứ vụ “được sai đi loan báo Tin mừng đến cho mọi người”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM