Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một Kitô hữu là một con người của hy vọng, biết và làm chứng rằng Chúa Giêsu đang sống, đang ở giữa chúng ta, đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho mỗi người chúng ta, và Ngài sẽ lại đến. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổng kết mối quan hệ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và các tín hữu Kitô như trên trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng Thứ Sáu 22 Tháng Tư.
Từ những bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã đưa ra ba từ căn bản cho đời sống người Kitô hữu, đó là thông điệp, lời chuyển cầu và hy vọng.
Trước hết, bàn về thông điệp. Trong bài đọc trích từ sách Công Vụ các Tông Đồ (13: 26-33), thông điệp này về cơ bản “là lời chứng của các Tông Đồ về sự sống lại của Chúa Giêsu”. Phaolô khẳng định trong hội đường rằng: “Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.” Đức Thánh Cha tóm tắt như sau “thông điệp ở đây là: Chúa Giêsu chịu chết và sống lại vì chúng ta, vì ơn cứu rỗi của chúng ta. Chúa Giêsu đang sống!” Đây là những gì các môn đệ đầu tiên muốn truyền đạt “cho người Do Thái và dân ngoại sống vào thời của các ngài”, và các ngài “cũng đã làm chứng bằng cuộc sống, và với máu của mình”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng khi Gioan và Phêrô bị cấm loan báo danh Chúa Giêsu và sự phục sinh của Ngài, “các vị nói, với tất cả sự can đảm của họ và trong cách thế đơn sơ nhất rằng ‘Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe’. Thật vậy, chúng ta, là các Kitô hữu, nhờ đức tin, chúng ta có trong chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép chúng ta nhìn thấy và nghe sự thật về Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại”. Điều này, do đó, “là thông điệp của đời sống Kitô: Chúa Kitô đang sống! Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đang ở giữa chúng ta trong cộng đồng chúng ta, Ngài đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường”. Bất chấp các nỗ lực đôi khi làm chúng ta ngộ nhận, “một trong những khía cạnh của đời sống Kitô hữu” chính xác là: thông điệp. Chúng ta hiểu rõ ràng điều này từ Kinh Thánh trong đó Thánh Gioan khẳng định: “Điều mà chúng tôi đã nhìn thấy bằng mắt mình, chúng tôi đã nghe với đôi tai, điều chúng tôi đã chạm được với bàn tay của chúng tôi ...”, như thể ngài muốn nói: “Chúa Kitô Phục Sinh là một thực tại và tôi làm chứng cho điều này” .
Từ khóa thứ hai do Đức Thánh Cha đề nghị là “chuyển cầu”, lần này lấy cảm hứng từ Tin Mừng Thánh Gioan (14: 1-6). Trong Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, khi các Tông Đồ đã chán nản, Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; Thầy đi dọn chỗ cho anh em” Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại để suy tư về đoạn văn này và đặt câu hỏi: “Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu chuẩn bị một chỗ như thế nào?” Đức Thánh Cha đáp: “Với lời cầu nguyện của Ngài cho mỗi người trong chúng ta: Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta và đây là lời cầu bầu”. Điều quan trọng là phải biết rằng “Chúa Giêsu đang hành động tại thời điểm này với lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích thêm: như trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói: “Phêrô, Thầy đã cầu nguyện cho anh”, tương tự như vậy, “bây giờ Chúa Giêsu là người cầu bầu cho chúng ta với Chúa Cha”.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta tự hỏi: “Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào?”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ ngài muốn đưa ra một câu trả lời “cá nhân”, một câu trả lời của riêng mình, và “không phải là một tín điều của Giáo Hội”. Ngài nói: “Tôi tin rằng Chúa Giêsu cho Chúa Cha thấy vết thương của Ngài, bởi vì những vết thương vẫn còn đó khi Ngài sống lại. Ngài đã cho Chúa Cha thấy những vết thương và tên mỗi người trong chúng ta”. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta có thể tưởng tượng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu như thế. Một Kitô hữu được linh hoạt bởi nhận thức này: “tại thời điểm này Chúa Giêsu là Đấng Chuyển Cầu cùng Chúa Cha cho chúng ta”.
Cuối cùng chiều kích thứ ba là niềm hy vọng. Một lần nữa từ này được khơi mào bởi Tin Mừng trong ngày. Chúa Giêsu nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Đây là niềm hy vọng Kitô giáo. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy sẽ lại đến!”. Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Kitô hữu là những người nam nữ của hy vọng” chính vì “họ hy vọng Chúa lại đến”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói thêm, thật đẹp nếu chúng ta để ý cách thức “Kinh Thánh bắt đầu và kết thúc”. Khởi đầu, chúng ta đọc thấy: “Thuở ban đầu”, nói cách khác, “khi mọi thứ bắt đầu”. Và Khải Huyền kết thúc với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.” Thật vậy, tất cả Giáo Hội “đang chờ đợi sự quang lâm của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu sẽ trở lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này “là niềm hy vọng Kitô giáo”.
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách tóm tắt bài suy niệm của ngài: Chúng ta có thể tự hỏi: “Thông điệp trong cuộc sống của tôi ra sao? Mối quan hệ của tôi với Chúa Giêsu Đấng Chuyển Cầu cho tôi như thế nào đây? Tôi hy vọng như thế nào? Tôi có thực sự tin rằng Chúa đã sống lại? Tôi có tin rằng Ngài đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi?” Xa hơn, “Tôi có thực sự tin rằng Chúa sẽ lại đến một lần nữa?”. Nói cách khác: “Tôi có tin vào thông điệp này? Tôi có tin vào sự cầu bầu? Tôi có phải là một người nam nữ của hy vọng hay không?”
2. Những Kitô hữu “mồ côi”
“Một Kitô hữu không để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong cảnh mồ côi.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, 19.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Một trái tim rộng mở với Thiên Chúa chính là khả năng biết chấp nhận những điều mới mẻ mà Thần Khí mang đến.
Khi thấy những phép lạ, điềm thiêng và những lời nói chưa được nghe đến bao giờ, người Do-thái đã nghi ngờ: ‘Ông có phải là Đấng Kitô không?’ Như thế, Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng khởi đi từ sự hoài nghi không có gì lay chuyển được của người Do-thái đối với Đức Giêsu.
‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.’ Đây là câu hỏi mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu đặt ra nhiều lần và trong những cách thức khác nhau, vì họ có con tim mù tối. Một sự mù tối của đức tin là điều mà Đức Giêsu sẽ cắt nghĩa cho những kẻ đang lắng nghe: ‘Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.’ Thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa là một ơn huệ trọng đại, nhưng điều ấy cần một trái tim luôn biết sẵn sàng và ứng trực.
‘Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.’ Phải chăng những con chiên này đã học biết cách theo Đức Giêsu và sau đó chúng đã tin vào Ngài? Xin thưa là không. Nhưng ‘Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả.’ Như vậy, không phải tự sức những con chiên nhưng chính Thiên Chúa Cha đã ban đàn chiên cho Vị Mục Tử. Và chính Chúa Cha đã thu hút, lôi cuốn con tim của những con chiên ấy đến với Đức Giêsu.
Sự chai đá nơi tâm hồn của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người đã xem thấy những việc Đức Giêsu đã làm nhưng lại từ chối nhận Ngài là Đấng Mesia, là một tấn kịch kéo dài cho đến tận đồi Canve. Nhưng chuyện còn tiếp tục tiếp diễn cho đến khi Chúa phục sinh, lúc những người lính canh mồ bị ép buộc phải thừa nhận rằng các môn đệ đã đến trộm xác Chúa trong khi họ ngủ thiếp đi. Lời chứng của những người đã được xem thấy Chúa Phục Sinh không làm lay chuyển được tâm hồn những người khăng khăng chối từ tin tưởng. Và điều này dẫn đến hệ quả là: họ giống như những trẻ mồ côi vì họ đã chối từ chính Cha của họ.
Những thầy thông luật và người Pha-ri-sêu có một trái tim khép kín. Họ nhận thấy rằng họ là Cha của chính mình. Nhưng nếu như vậy, hóa ra họ là những trẻ mồ côi, vì đã chối từ và không có bất kỳ một tương quan nào với Chúa Cha. Mặc dù họ có nhắc tới những người cha: Áp-ra-ham và các tổ phụ, nhưng chỉ như là những hình ảnh thuộc quá khứ xa xôi; còn thực tế tự đáy lòng, họ là những trẻ mồ côi, sống trong tình trạng côi cút và không để tâm hồn mình được lôi cuốn bởi Chúa Cha. Đây chính là nỗi bi kịch của những người có tâm hồn khép kín.
Tin tức đã lan đến Giê-ru-sa-lem là có rất nhiều người ngoại đã mở lòng mình ra với đức tin nhờ lời rao giảng của các môn đệ, ở tận những nơi xa xôi như miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Tin ấy đã khiến các môn đệ lo lắng, nhưng điều ấy cũng có nghĩa là người ta đã có một trái tim rộng mở với Thiên Chúa. Trái tim rộng mở ấy giống như của Ba-na-ba khi ông được sai đến An-ti-ô-khi-a để chứng thực những tin đồn đại. Ông đã mừng rỡ vì có nhiều người đã tin và trở lại cùng Chúa, trong số đó có rất nhiều dân ngoại. Với con tim rộng mở, Ba-na-ba đã dám chấp nhận những điều mới mẻ, đã biết mở lòng ra để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Đức Giêsu.
Đức Giêsu mời gọi chúng ra trở nên những môn đệ của Ngài. Nhưng để được như thế, chúng ta phải để cho Thiên Chúa hấp dẫn và lôi cuốn mình. Lời nguyện xin khiêm tốn của một người con mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Cha, xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin giúp con hiểu biết về Đức Giêsu hơn.’ Và như thế, Thiên Chúa Cha sẽ gởi Thần Khí đến giúp mở rộng tâm hồn chúng ta và mang chúng ta đến với Giêsu. Một Kitô hữu không để cho Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong tình cảnh mồ côi. Phần chúng ta, chúng ta có một Người Cha, nên chúng ta không hề côi cút.”
3. Câu Chuyện: Sư Tử Có Ðôi Cánh
Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
“Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là “Marcô, người con của tôi”.
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: “Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm”. Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.
4. Hãy nhớ đến Thầy
“Kitô hữu là người, trong đời sống của mình, luôn ghi nhớ những cách thức và hoàn cảnh gặp gỡ Thiên Chúa. Chính việc ghi nhớ ấy sẽ củng cố hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu.” Đây là suy tư chính yếu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 21 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta.
Đức tin là một hành trình mà khi hoàn tất cuộc hành trình ấy, người ta phải luôn ghi nhớ những giai đoạn đã từng trải qua. Ghi nhớ những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt cuộc hành trình cũng như những thách đố, khó khăn, vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và không hề e sợ trước những tội lỗi xấu xa của chúng ta.
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô xoay quanh bài đọc một, thuật lại việc ông Phao-lô vào hội đường ở An-ti-ô-khi-a trong ngày sa-bát và bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Ồng đã khởi đi từ khi một dân được tuyển chọn ngang qua Áp-ra-ham và Mô-sê, từ Ai-cập và Miền Đất Hứa cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện. Lời rao giảng mang đậm tính lịch sử này của Phao-lô có một ý nghĩa nền tảng hết sức quan trọng, vì nó gợi nhắc lại những thời khắc nổi bật và những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của nhân loại.
Đức Thánh Cha nói:
“Hãy nhìn lại quá khứ để thấy Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào. Chúng ta hãy bước đi với trọn cả tâm trí trên con đường đong đầy những kỷ niệm và đến với Giêsu. Chính Đức Giêsu, trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời – tối thứ 5 và thứ 6 Tuần Thánh – đã trao ban cho chúng ta Mình và Máu của Ngài. Đức Giêsu nói: ‘Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Tưởng nhớ Đức Giêsu. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào.
Giáo Hội gọi Bí Tích Thánh Thể là ‘tưởng niệm’, cũng như trong Kinh Thánh, sách Đệ Nhị Luật được gọi là ‘sách tưởng nhớ của dân tộc Ít-ra-en’. Phần chúng ta, chúng ta cũng làm như thế trong đời sống cá nhân của mình, vì mỗi người chúng ta đã bước đi trên một con đường được Thiên Chúa đồng hành, có lúc gần gũi Thiên Chúa hoặc có những khi lại cách xa Ngài.
Thật là tốt cho tâm hồn Kitô hữu, nếu tôi biết ghi nhớ con đường của tôi, con đường của chính tôi: Thiên Chúa đã dẫn tôi đến đây như thế nào, Thiên Chúa đã cầm tay tôi mà dẫn dắt ra sao. Nhưng có nhiều lần tôi đã nói với Chúa: ‘Không, tránh xa con đi! Con không muốn!’ Thiên Chúa tôn trọng. Ngài trân trọng chọn lựa của ta. Nhưng để ghi nhớ, chúng ta phải nhớ về chính cuộc sống, chính chặng đường hành trình của chúng ta. Chúng ra phải tiếp tục điều này và hãy làm thường xuyên. Chính trong thời khắc đó, Thiên Chúa đã ban cho ta ân sủng và chúng ta thưa rằng: ‘Trong chặng đường vừa qua, con đã làm điều này, đã làm điều kia… Chúa đã đồng hành với con….’ Và như thế chúng ta sẽ tiến tới một cuộc gặp gỡ mới, một cuộc gặp gỡ đong đầy lòng biết ơn.
Từ chính trái tim, phải nảy sinh một lời cảm tạ với Giêsu, Đấng đã không bao giờ mệt mỏi khi đồng hành với chúng ta trong suốt chiều dài của lịch sử cuộc đời. Có nhiều lần chúng ta đã đóng sập cánh cửa trước mặt Ngài. Đã bao nhiêu lần chúng ta giả vờ không trông thấy Ngài, không tin rằng Ngài đang ở với chúng ta. Đã bao nhiêu lần chúng ta từ chối ơn cứu chuộc mà Ngài mang đến … Nhưng Ngài vẫn ở đó chờ đợi chúng ta.
Những ký ức sẽ mang chúng ta đến gần Thiên Chúa. Nhớ về những việc tốt lành mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Qua hành động tái tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều còn cao vượt hơn tình trạng huy hoàng xưa kia mà A-đam đã có trong lần tạo dựng thứ nhất. Bởi vậy, tôi khuyên anh chị em điều này, rất đơn giản: Hãy ghi nhớ! Hãy nhớ lại xem cuộc đời của tôi đã như thế nào, một ngày sống hôm nay của tôi ra sao và một năm vừa qua của tôi như thế nào? Hãy nhớ lại tương quan của tôi với Chúa. Hãy nhớ lại những điều tốt đẹp, cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.”
5. Ai theo Đức Giêsu sẽ không lầm đường lạc lối
“Nếu chúng ta lắng nghe lời của Đức Giêsu và bước theo Ngài, chúng ta sẽ không bị lạc đường.” Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 18 tháng Tư, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, là cánh cửa duy nhất mà chúng ta có thể bước vào để có được sự sống đời đời. Từ đó, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng đừng nên tin thầy bói hay những người cho rằng mình là tiên tri. Những người ấy sẽ khiến chúng ta đi lầm đường lạc lối.
Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng dựa trên bài Tin Mừng ngày hôm nay về người Mục Tử Nhân Lành để từ đó dừng lại trên ba thực tại có tính chất quyết định trong cuộc sống Kitô hữu: cánh cửa, con đường, tiếng gọi.
“Trước hết, Đức Giêsu cảnh giác rằng ai không qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Đức Giêsu chính là cửa chiên. Ngoài Ngài ra, không còn cửa nào khác.
Đức Giêsu luôn nói với dân chúng bằng những hình ảnh đơn sơ, gần gũi. Tất cả mọi người đều biết cuộc sống của một mục tử là như thế nào, vì họ bắt gặp hình ảnh ấy mọi ngày trong cuộc sống. Vì thế họ hiểu ngay rằng chỉ có người mục tử mới đi qua cửa mà vào ràn chiên. Còn những ai muốn trèo lối khác mà vào, chẳng hạn như leo cửa sổ, đều là phường trộm cướp.
Đức Giêsu đã nói rõ ràng như thế. Chúng ta không thể tiến vào sự sống trường sinh bằng cách trèo qua lối khác mà không đi qua cửa, cửa đó chính là Đức Giêsu. Ngài chính là cánh cửa cuộc đời chúng ta, và không chỉ là cánh cửa của đời sống vĩnh cửu mà còn là cánh cửa của cuộc sống thường ngày. Tôi thực hiện một quyết định nào đó nhân danh Giêsu, bằng cách đi qua cửa là Đức Giêsu hay tôi thực hiện quyết định đó với một chút – nói theo ngôn ngữ bình dân là – lén lút? Chúng ta phải đi qua cửa Giêsu mà vào ràn chiên.
Tiếp đến, Đức Giêsu nói về con đường. Mục tử biết chiên của mình và dẫn chúng ra ngoài, đến đồng cỏ xanh rì. Anh sẽ đi trước đàn chiên và chiên đi theo sau. Và đây cũng chính là việc bước theo Đức Giêsu trong hành trình cuộc sống. Không thể lạc đường vì chính Đức Giêsu đi trước chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy lối nẻo để bước theo.
Ai bước theo Giêsu sẽ không lầm đường lạc lối. Nhưng có người nói rằng: ‘Cha ơi, điều này khó lắm... Trong đời sống, có rất nhiều lần con không biết rõ mình phải làm gì. Người ta nói với con, ở đó có thầy bói, có người biết được trước tương lai và con đã đến đó. Con đến gặp thầy bói để họ biến hóa, phù phép với con qua những tấm thẻ bài.’ Nhưng nếu anh chị em làm như thế, anh chị em đã không bước theo Đức Giêsu. Theo người khác, họ cho anh chị em một con đường khác, hoàn toàn khác biệt. Nhưng chỉ có một con đường thôi. Đức Giêsu đã đi trước và chỉ ra cho chúng ta. Không ai có thể chỉ cho chúng ta con đường ấy được. Đức Giêsu đã khuyến cáo chúng ta rằng: ‘Sẽ đến thời người ta nói rằng: Đấng Mesia ở đây này hay ở kia kìa. Đừng nghe và cũng đừng tin họ.’ Đức Giêsu chính là cửa và cũng là con đường. Nếu chúng ta bước theo Ngài, chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối.
Đàn chiên đi theo vị mục tử, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Nhưng chúng ta có thể nhận biết tiếng của Đức Giêsu như thế nào và làm sao chúng ta có thể phân biệt tiếng của những kẻ khác, không phải là Đức Giêsu, đang leo cửa sổ mà vào? Đó là những kẻ trộm cướp, phá hoại và chuyên nghề lừa dối.
Tôi chia sẻ với anh chị em một phương thế rất đơn giản gồm ba điều. Trước hết, Anh chị em có thể nghe thấy tiếng của Đức Giêsu nơi Tám Mối Phúc. Nếu ai dạy anh chị em con đường nào ngược lại với Tám Mối Phúc thì đó là kẻ leo cửa sổ mà vào ràn chiên, không phải là Đức Giêsu. Kế đến, Anh chị em sẽ nhận ra tiếng của Đức Giêsu khi Ngài nói với anh chị em những công việc bái ái yêu thương của lòng thương xót. Thứ ba, anh chị em sẽ nhận biết tiếng của Đức Giêsu khi Ngài dạy chúng ta biết thưa ‘Lạy Cha’, có nghĩa là khi Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với Kinh Lạy Cha.
Đời sống Kitô hữu sẽ dễ dàng êm ái khi có Đức Giêsu là cửa. Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta bước đi. Chúng ta nhận biết tiếng của Ngài trong Tám Mối Phúc, qua các công việc của lòng thương xót và khi Ngài dạy chúng ta biết thân thưa ‘Lạy Cha’. Anh chị em hãy nhớ ba điều này: cánh cửa, con đường và tiếng gọi. Xin Chúa cho chúng ta có thể thấu hiểu những hình ảnh của Đức Giêsu: Vị Mục Tử Nhân Lành, là cửa chuồng chiên, chỉ cho chúng ta con đường để bước đi và dạy cho chúng ta biết lắng nghe tiếng của Người.”